Tiến sĩ Từ Tiến thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Kinh tế Quốc tế, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng để hóa giải cục diện trên, Trung Quốc cần nỗ lực thúc đẩy cải tạo cơ chế hợp tác an ninh đa phương Đông Á hiện nay. 

Phân phối quyền lực theo hướng lưỡng cực hóa 

Tiến trình hiện đại hóa quân sự bình thường của Trung Quốc bị cho là mưu đồ phá vỡ sự cân bằng quân sự khu vực, uy hiếp an ninh và lợi ích của nước khác. Từ đó đã xuất hiện hiện tượng “kinh tế - chính trị lưỡng phân” ngày càng rõ rệt trên toàn bộ khu vực Đông Á. Một mặt, các nước Đông Á hy vọng sẽ duy trì quan hệ mật thiết khăng khít với Trung Quốc, đáp chuyến tàu nhanh kinh tế Trung Quốc trỗi dậy để phát triển kinh tế trong nước; mặt khác, các nước Đông Á lại vô cùng lo lắng rằng Trung Quốc sau khi trỗi dậy sẽ đe dọa lợi ích an ninh của họ nên đã dựa vào Mỹ trong vấn đề an ninh, hy vọng thông qua việc lôi kéo các thế lực bên ngoài để cân bằng sức ảnh hưởng khu vực ngày càng lớn của Trung Quốc. 

Trong bối cảnh nói trên, kể từ đầu năm nay, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một bộ phận các nước Đông Nam Á đang tăng cường hợp tác quân sự. Các cuộc diễn tập quân sự, hoặc công khai hoặc ngấm ngầm, nhằm vào Trung Quốc. Ở khu vực Đông Bắc Á, sau khi Trung Quốc và Nhật Bản nổ ra tranh chấp đảo Điếu Ngư, hai nước Nhật Bản và Mỹ đã tiến hành cuộc diễn tập chung có quy mô lớn nhất trong lịch sử tại vùng trời và vùng biển gần Nhật Bản. Nội dung chủ yếu của cuộc diễn tập là khi các đảo cách xa lãnh thổ Nhật Bản bị xâm phạm bằng vũ lực, Nhật Bản và Mỹ làm như thế nào để cùng hành động, giành lại quyền khống chế đảo đó. Ở Đông Nam Á, sau khi vấn đề Biển Đông nổi cộm, Mỹ cùng Philíppin, Việt Nam, Ôxtrâylia và Nhật Bản liên tục tiến hành một loạt các cuộc diễn tập quân sự song phương hoặc đa phương. Cho dù động cơ thực sự của các cuộc diễn tập này ra sao, trong thời kỳ nhạy cảm Trung Quốc và các nước láng giềng đang xảy ra cọ sát và xung đột về vấn đề lãnh thổ và quyền lợi trên biển thì các hoạt động quân sự này là không thích hợp về thời gian, không những không giúp hòa giải tình thế căng thẳng, ngược lại còn dễ dàng khiến các nước có liên quan phán đoán sai tình hình, từ đó đưa ra những động thái nguy hiểm khiến nguy cơ tăng lên. 

Do tình hình phân bố quyền lực ở khu vực Đông Á ngày càng đi theo hướng lưỡng cực hóa, áp lực trỗi dậy mà Trung Quốc đối mặt tất sẽ ngày càng lớn. Thêm vào đó, Trung Quốc thực hiện chính sách không kết đồng minh nên các nước Đông Á khác bất đắc dĩ phải ngả theo Mỹ, và điều này đã khiến Trung Quốc trở thành một nước lớn trỗi dậy cô độc. Chính phủ Trung Quốc gần đây cũng ý thức được điều này, chính sách ngoại giao của Trung Quốc sẽ từng bước chuyển hướng sang hành vi tích cực, dựa trên tiền đề kiên trì nguyên tắc lớn là “giấu mình chờ thời”. Theo tác giả, có rất nhiều phương thức và biện pháp có thể áp dụng cho Trung Quốc hiện nay, trong đó cải tạo cơ chế an ninh đa phương Đông Á là một trong những con đường “có khả năng” để Trung Quốc làm giảm áp lực trỗi dậy. Mấy năm gần đây, cơ chế hợp tác an ninh đa phương Đông Á liên tục thất bại, kết thúc không có kết quả, bị rơi vào cảnh “lạnh nhạt”, không có sức lực để đối phó với những vấn đề an ninh của Đông Á. Nếu không có một cơ chế an ninh khu vực lấy an ninh truyền thống làm vấn đề nghị sự hạt nhân để tiến hành quản lý thì trong 3 đến 5 năm tới, xung đột an ninh ở Đông Á có khả năng tăng lên rất nhiều. 

Một cơ chế hợp tác an ninh khu vực thành công cần cùng lúc hội tụ đủ bốn điều kiện: một là số lượng thành viên ban đầu ít, như vậy có thể giảm thiểu sự bất đồng về lợi ích, khá thuận lợi đạt được những hiệp định hợp tác; hai là vấn đề nghị sự cần nghiêm túc hạn định trong lĩnh vực an ninh, tránh sự “phù phiếm hóa” mở rộng vấn đề nghị sự khiến cho cơ chế mất đi phương hướng phát triển; ba là có đầy đủ những lợi ích mang tính đại diện, có phạm vi địa lý rõ ràng; bốn là các nước lớn quân sự trong khu vực liên kết cung cấp thực lực đảm bảo quân sự. Cơ chế hợp tác an ninh đa phương Đông Á hiện vẫn chưa thể cùng lúc có đủ bốn điều kiện này, vì thế khó tránh khỏi sự không có hiệu quả hoặc thất bại. 

Trung - Mỹ - Nga hợp tác, ASEAN phối hợp 

Trong khi phân tích, nghiên cứu tổng hợp bốn yếu tố trên, tác giả cho rằng cơ cấu “Trung - Mỹ - Nga hợp tác, ASEAN phối hợp” là cơ cấu phù hợp nhất với bốn điều kiện trên, có thể giải quyết có hiệu quả vấn đề sức lãnh đạo chưa đủ và thiếu thốn quyền uy của cơ cấu an ninh khu vực Đông Á hiện nay. Trong cơ cấu này, mỗi nước Đông Á đều có thể tìm thấy đại diện lợi ích của bản thân mình. Như thế vừa bảo đảm tính bao trùm của cơ cấu, lại vừa giảm bớt lượng lớn số thành viên cơ cấu, tiện cho bốn bên thương thảo và đưa ra quyết sách. ASEAN là thành viên thứ tư quan trọng trong cơ chế hài hòa với ba nước lớn, khi sự kiện liên quan tới vấn đề an ninh của mình, ASEAN có thể phát huy vai trò phối hợp nhất định. ASEAN đại diện cho lợi ích tập thể của các nước Đông Nam Á, có thể giảm thiểu sự ảnh hưởng do bất đồng nội bộ các nước Đông Nam Á đối với tiến trình hợp tác an ninh khu vực. 

Khả năng lãnh đạo của cơ cấu này dựa vào hậu thuẫn là lực lượng quân sự lớn mạnh. Trung Quốc, Mỹ, Nga và ASEAN lần lượt có thể phát huy vai trò lãnh đạo trong hợp tác; hợp tác Trung – Mỹ - Nga có thể ngăn chặn được cuộc chiến tranh giữa các nước lớn do xung đột lợi ích khu vực; hợp tác Trung - Mỹ còn có thể quản lý xung đột của Mỹ với các nước không phải đồng minh của Mỹ và xung đột giữa Trung Quốc với các nước đồng minh của Mỹ. Các nước Đông Nam Á có thể hài hòa quan hệ nội bộ của họ và phối hợp với Trung Quốc, Mỹ để quản lý vấn đề an ninh trong khu vực ASEAN. Đương nhiên, cơ chế này có thể đưa ra khả năng lãnh đạo lớn, còn có thể dựa vào tinh thần hợp tác của ba nước lớn Trung Quốc, Mỹ và Nga. Mức độ hợp tác của ba nước lớn càng cao, năng lực lãnh đạo của họ đưa ra càng lớn. 

Trong lịch sử quan hệ quốc tế, mức độ hợp tác (hoặc chia rẽ) của các nước lớn đã quyết định tới mức độ hòa bình và ổn định của thế giới và khu vực. Vấn đề an ninh khu vực Đông Á mấy năm gần đây liên tục có liên quan đến việc các nước lón trong khu vực không thể thông qua hợp tác để phát huy năng lực lãnh đạo. Do đó, làm thế nào để xây dựng một cơ chế hợp tác hữu hiệu là vấn đề các bên cần nghiên cứu nghiêm túc. Sự cọ xát giữa Trung Quốc với các nước xung quanh (bao gồm cả nước lớn) sẽ tiếp tục trong một thời gian nữa, Trung Quốc cần điều chỉnh chính sách đối ngoại, đảm nhận nhiều hơn nữa nhiệm vụ an ninh khu vực, thông qua cơ chế hợp tác an ninh đa phương phát huy sự lãnh đạo là một lựa chọn phù hợp./.

Theo Tín báo” (Hồng Công) ngày 15/11

Mỹ Anh (gt)