Chủ nghĩa đa phương và ngoại giao đa phương đã có từ lâu trên thế giới. Sau khi thành lập nước, Trung Quốc cũng từng có ý định tham gia ngoại giao đa phương và sử dụng ngoại giao đa phương để bảo vệ lợi ích quốc gia, thúc đẩy hòa bình thế giới. Tuy nhiên, do khi đó có sự cản trở của một số thế lực chống Trung Quốc, cho nên hiệu quả mà ngoại giao đa phương mang lại cho nước này rất hạn chế và trên thực tế Trung Quốc chủ yếu đi theo ngoại giao song phương. Nguyên nhân quan trọng hơn khiến Trung Quốc về tổng thể có thái độ rất thận trọng đối với ngoại giao đa phương là nhằm tránh bị ràng buộc với nước khác do dính líu tới các vấn đề lợi ích quan trọng về an ninh, chủ quyền, lãnh thổ, lãnh hải quốc gia…. Trung Quốc muốn thông qua ngoại giao song phương để giành lấy quyền chủ động trong quan hệ đối ngoại. Khuynh hướng này kéo dài mãi tới những năm giữa của thập kỷ 1990.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, cục diện quốc tế cũ bị phá vỡ, cục diện quốc tế mới vẫn chưa được hình thành, các trào lưu tư tưởng và tư tưởng ngoại giao nở rộ, môi trường tổng thể quốc tế cũng xuất hiện xu thế bớt căng thẳng. Trung Quốc thấy rằng đã tới lúc có thể lợi dụng cơ chế đa phương để tìm kiếm và bảo vệ lợi ích quốc gia, chuyển sang có thái độ tích cực đối với ngoại giao đa phương và coi ngoại giao đa phương là sự bổ sung quan trọng cho ngoại giao song phương. Tới nay, Trung Quốc đã tích cực tham gia và nỗ lực thúc đẩy, thậm chí có khi còn tổ chức một số hoạt động ngoại giao đa phương quan trọng như: Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, ASEAN+3, Khu vực Mậu dịch Tự do Trung Quốc-ASEAN, Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu, Đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm BRICS, Diễn đàn Bác Ngao châu Á, Hội nghị Thượng đỉnh G-20, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Thương mại Thế giới và các cơ chế gặp gỡ đa phương trong khung Liên hợp quốc….

Trong bố cục ngoại giao hiện nay của Trung Quốc, nước lớn được đặt ở vị trí then chốt, các nước xung quanh được coi là quan trọng hàng đầu, các nước đang phát triển được xem như chỗ dựa quan trọng và ngoại giao đa phương được coi là cơ chế quan trọng để bảo vệ an ninh quốc gia, thúc đẩy hợp tác giữa các nước, giành lấy lợi ích quốc gia quan trọng. Có chuyên gia đã chỉ rõ việc thúc đẩy ngoại giao đa phương trên cơ sở 5 nguyên tắc chung sống hòa bình có lợi cho Trung Quốc trong việc tranh thủ môi trường hòa bình quốc tế, có lợi cho việc bảo vệ hòa bình thế giới và thúc đẩy cùng phát triển.

Tuy nhiên, không thể không thấy rằng cùng với việc Trung Quốc phát triển với tốc độ cao, không ngừng gia tăng về vai trò và ảnh hưởng, việc khu vực và cộng đồng quốc tế thông qua chủ nghĩa đa phương khu vực và quốc tế, theo đuổi xu hướng hạn chế, kiềm chế Trung Quốc, giành lấy lợi ích về kinh tế, chính trị, an ninh và thậm chí là lãnh thổ, lãnh hải trong sự mất cân bằng về phát triển của Trung Quốc, ngày càng nổi cộm. Trong các vấn đề lợi ích quan trọng liên quan tới an ninh, chủ quyền và phát triển của quốc gia, Trung Quốc cũng không tránh khỏi việc bị kiềm chế trong rất nhiều diễn đàn đa phương. 

Về phía Trung Quốc, do giương cao ngọn cờ hòa bình hài hòa, hợp tác phát triển, nhằm bảo vệ cơ hội chiến lược cho phát triển vốn luôn được nhấn mạnh, nước này không thể không nhượng bộ ít nhiều trong một số vấn đề quan trọng. Trung Quốc cũng không thể giống như trước những năm 1990, đi theo chủ trương rất rõ ràng là trước tiên phải có lợi cho đất nước. 

Rõ ràng ngoại giao đa phương có ý nghĩa và nhu cầu tích cực, có thể giải quyết và thúc đẩy một số vấn đề mang tính thứ yếu, nhưng khó có thể giải quyết được một số vấn đề lớn, ngược lại còn có thể làm suy yếu năng lực giải quyết các vấn đề lớn này. Do đó, Trung Quốc không thể kỳ vọng quá cao vào ngoại giao đa phương. Bất cứ lúc nào, Trung Quốc cũng đều phải kiên trì chính sách ngoại giao hòa bình, độc lập tự chủ, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. 

Theo “Bình luận Trung Quốc" (Hồng Công 31/7)

 Vũ Hiền (gt)