Trang Web Đài Truyền hình Vệ tinh Phượng Hoàng của Hồng Công cuối tuần qua đăng bài của Chủ tịch Tập đoàn Tư bản Xuân Hoa đồng thời là cây bút chuyên mục của tạp chí Tân Thế kỷ Hồ Tổ Lục cho rằng Trung Quốc nên đánh giá một cách tỉnh táo và khách quan về “anh cả thế giới” (Mỹ) và thực lực của bản thân, tránh đưa ra những giả thiết không chuẩn xác. Nếu làm được như vậy, hai nước Trung-Mỹ hoàn toàn có thể trở thành đối tác chiến lược quan trọng của nhau và Trung Quốc có thể trỗi dậy hòa bình một cách thực sự.

 

Theo tác giả, GDP của Trung Quốc đã chính thức vượt Nhật Bản và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Có thể thấy vị trí “anh hai thế giới” sẽ mang tới cho Trung Quốc rất nhiều lợi ích, nhưng kèm theo đó là không ít phiền não, thách thức, thậm chí là rủi ro khôn lường. Trong đó, khó khăn lớn nhất là xử lý quan hệ với Mỹ như thế nào.

 

Hiện nay, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc vẫn chưa bằng 1/11 của Mỹ. Một rủi ro lớn mà Trung Quốc phải đối mặt trong 30 năm tới chính là việc xử lý quan hệ không đúng với “anh cả”, nhận định rằng Mỹ đang suy thoái nhanh chóng, từ đó quá tự tin và ngông cuồng, lạm dụng chủ nghĩa bảo hộ về mặt kinh tế, quá thiên về chủ nghĩa dân tộc trong các vấn đề chính trị và an ninh quốc tế.

 

Khi vẫn còn là một nước nghèo lạc hậu, chưa có dự trữ ngoại tệ khổng lồ, Trung Quốc khiêm tốn thận trọng, tích cực thực hiện đối ngoại mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài, học tập công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến cũng như cách làm tốt nhất của thế giới, từ đó đạt được bước tiến bộ vượt bậc. Phương Tây, đặc biệt là Mỹ, cho dù không cùng hình thái ý thức chính trị, nhưng vẫn chấp nhận, bao dung và thậm chí là tán thưởng Trung Quốc – một dân tộc không ngừng vươn lên và rất giỏi học tập. Mỹ nhiệt tình và khảng khái tiếp nhận lưu học sinh Trung Quốc hết đợt này đến đợt khác, ủng hộ Trung Quốc gia nhập Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khuyến khích đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc và mở cửa thị trường trong nước rộng lớn cho Trung Quốc. Cho dù giữa Trung Quốc và Mỹ liên tục xảy ra tranh chấp, Chính phủ Mỹ cũng như Quốc hội và truyền thông nước này thích “xía mũi” vào công việc của nước khác, nói này nói nọ nhằm vào Trung Quốc, song về tổng thể, Mỹ có lập trường thực tế, cởi mở và hợp tác với Trung Quốc, về cơ bản đã tạo cho Trung Quốc một bầu không khí quốc tế hòa bình hợp tác tốt đẹp.

 

Tuy nhiên, Trung Quốc giờ là “anh hai thế giới” với thực lực kinh tế tăng lên rõ rệt kéo theo sự gia tăng về thực lực chính trị và thực lực quân sự. Còn Mỹ lại bị vướng vào khủng hoảng tài chính. Chính vì thế, các loại thuyết về “mối đe dọa Trung Quốc”, về việc “Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ”… bắt đầu ầm ĩ. Nhưng phải thấy rằng Mỹ đã vượt qua khủng hoảng rất nhanh, phục hồi mạnh mẽ từ suy thoái kinh tế. Trong tương lai gần, Mỹ vẫn là quốc gia kinh tế phát triển nhất, khoa học kĩ thuật tiên tiến nhất và quân sự mạnh nhất thế giới. Về trung hạn, tạm không nói đến nền dân chủ và pháp chế chín muồi, ưu thế lớn nhất của Mỹ là sự thông thoáng, tính sáng tạo và khả năng thích nghi.

 

Vào những năm 1980, Nhật Bản giống như “mặt trời đang lên”. Cuốn sách “Nhật Bản dám nói không” tràn ngập thị trường. Việc Nhật Bản vượt qua Mỹ dường như đã trở thành cái gì đó không thể tránh được. Nhưng năm 1989, sau khi bong bóng kinh tế vỡ, Nhật Bản chìm trong những năm dài mất mát. Còn Mỹ đã phát động cuộc cách mạng Internet và công nghệ thông tin toàn cầu, thực lực tổng hợp và năng lực sáng tạo đã giúp Mỹ tiếp tục đi trước Nhật Bản.

 

Từ những gì nêu trên, tác giả kết luận: Chiến lược giấu mình chờ thời của Đặng Tiểu Bình đã giúp Trung Quốc có được môi trường quốc tế có lợi cho sự nghiệp phát triển kinh tế hơn 30 năm qua. Ngày nay, chiến lược đó vẫn rất quan trọng đối với Trung Quốc.

 

Theo Đài Truyền hình Vệ tinh Phượng Hoàng