Hiện nay việc phát triển nền kinh tế cácbon thấp đã trở thành nhận thức chung của các quốc gia trên thế giới, rất nhiều nước, nhất là các nước phát triển coi nền kinh tế cacbon thấp là điểm sáng trong việc tạo ra các ưu thế cạnh trạnh quốc gia, đua nhau phát triển kỹ thuật cácbon thấp và ngành nghề cácbon thấp. Với Trung Quốc, phát triển kinh tế cácbon thấp không chỉ vì nhu cầu gánh vác trách nhiệm phòng ngừa khí hậu toàn cầu xấu đi, mà còn là phương hướng phát triển và nâng cấp chuyển đổi mô hình kinh tế. Trước kia, phương thức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc khá ồ ạt, với đặc trưng đầu tư cao, tiêu hao lớn, ô nhiễm trầm trọng đã dẫn đến nhiều vấn đề như tiêu hao tài nguyên quá độ, môi trường sinh thái bị phá hoại, hiệu quả phân phối tài nguyên thấp… Vì vậy, để thay đổi phương thức phát triển kinh tế, tạo ra ưu thế cạnh tranh quốc gia mới, nước này buộc phải tích cực phát triển kinh tế cácbon thấp với đặc trưng ít tiêu hao, ít ô nhiễm, ít khí thải. 

Phát triển nền kinh tế cácbon thấp lành mạnh, bền vững không thể thiếu sự chỉ đạo về lý thuyết kinh tế học. Cùng với việc phát triển nền kinh tế cácbon thấp trở thành nhu cầu quan trọng của các nước trên thế giới, và sẽ trở thành trào lưu chính của kinh tế thế giới trong tương lai, xu thế nghiên cứu về kinh tế cácbon thấp của giới học giả Trung Quốc ngày càng tăng. Hiện nghiên cứu kinh tế học cácbon thấp vẫn chưa bước vào giai đoạn khởi đầu, lý luận kinh tế học của nhiều vấn đề còn chưa hình thành. Có người đã mượn lý luận sẵn có của nước ngoài để phân tích quá trình phát triển kinh tế cácbon thấp ở Trung Quốc. Song theo giới học giả, bởi Trung Quốc có đặc thù riêng nên cần xây dựng nền kinh tế học cácbon thấp phù hợp với tình hình đất nước, tức “Kinh tế học cácbon thấp Trung Quốc”, chỉ như vậy mới có thể tìm ra mô hình phát triển nền kinh tế cácbon thấp phù hợp. 

Các chuyên gia cho rằng đứng trước thực tế của Trung Quốc, kinh tế học cácbon thấp cần giải quyết một cách khoa học các vấn đề thuộc ba lĩnh sau: sự ràng buộc khách quan trong điều chỉnh kết cấu năng lượng tại Trung Quốc; những ảnh hưởng của nhân tố chế độ và chính sách Trung Quốc đối với xu thế thải khí cácbon; hành vi mang tính thói quen dẫn đến lãng phí tài nguyên. Ba vấn đề trên đặc biệt quan trọng đối với việc xác định mô hình phát triển nền kinh tế cácbon thấp của Trung Quốc, nhưng lại chính là các vấn đề đang bị xem nhẹ. Đây là mục tiêu quan trọng, cũng là giá trị lý luận của kinh tế học cácbon thấp Trung Quốc. 

Sự ràng buộc khách quan trong điều chỉnh kết cấu năng lượng tại Trung Quốc 

Khi nhắc đến việc làm thế nào để thực hiện cácbon thấp, phản ứng đầu tiên là người ta thường điều chỉnh kết cấu năng lượng, giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch truyền thống, sử dụng năng lượng và năng lượng sạch. Điều này rất tự nhiên, bởi nguyên nhân chính dẫn đến đặc trưng đầu tư cao, tiêu hao lớn, ô nhiễm trầm trọng của kinh tế Trung Quốc là kết cấu năng lượng không hợp lý, khoảng 70% sử dụng nguồn năng lượng than. Tiêu hao than là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến phát thải khí nhà kính và các chất có hại khác, năm 2012 trên cả nước Trung Quốc, 90% khí thải SO2, 70% bụi khói và 70% khí thải cácbon là từ than. Kết cấu tiêu hao năng lượng mà than là chủ yếu khiến vấn đề môi trường của Trung Quốc vô cùng nổi cộm. 

Với kết cấu năng lượng mà than là chủ yếu dẫn đến lượng khí thải như cácbon lớn thì việc điều chỉnh kết cấu năng lượng mang tính căn bản đương nhiên là giảm sử dụng than, thay vào đó sử dụng nguồn năng lượng mới có lượng cácbon thấp hoặc lượng cácbon bằng không. Song quan điểm này không xem xét đầy đủ đến điều kiện thực tế. Để giải quyết vấn đề này cần câu trả lời từ nghiên cứu kinh tế học, nhằm đưa ra phán đoán và kết luận mà với logic bình thường không có được. 

Sự cấu thành năng lượng của một quốc gia là “vốn có”, nói cách khác là, kết cấu tiêu thụ năng lượng của một quốc gia được quyết định bởi các yếu tố khách quan của nước đó như tài nguyên năng lượng tự nhiên và tình hình phát triển kinh tế. Điều này có nghĩa là kết cấu năng lượng không thể thay đổi theo ý chí chủ quan của con người, không phải con người muốn điều chỉnh là được. Bức tranh tổng thể về tài nguyên năng lượng của Trung Quốc là giàu than, ít dầu, thiếu khí. Than khá phong phú, nhưng năng lượng hóa thạch chất lượng cao không đủ, trữ lượng đã thăm dò có thể khai thác về dầu lửa và khí tự nhiên lần lượt xếp thứ 13 và 17 trên toàn thế giới. Trung Quốc là nước đông dân, bình quân đầu người về các loại năng lượng và tài nguyên đều thua xa mức bình quân thế giới. Cùng với sự phát triển kinh tế nhanh chóng, lượng tiêu hao năng lượng không ngừng gia tăng, sự chênh lệch giữa lượng cung cấp và nhu cầu tiêu thụ năng lượng mỗi năm đều lớn hơn, hiện đã vượt 300 triệu tấn than tiêu chuẩn, trong đó cung cấp dầu khí và khí tự nhiên thiếu hụt trầm trọng. Trong khi đó phát triển và tận dụng năng lượng mới lại có hạn, hơn nữa phát triển kỹ thuật năng lượng mới cũng không dễ, trong thời gian ngắn tới đây khó có thể đưa vào sử dụng năng lượng mới trên quy mô rộng. 

Mặt khác, phân tích về tình hình phát triển kinh tế, không giống với các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Trung Quốc là nền kinh tế đang trong tiến trình công nghiệp hoá và đô thị hoá, dưới tác động nâng cấp kết cấu tiêu dùng, công nghiệp nặng-hoá chất như chế tạo cơ khí, sắt thép, vật liệu xây dựng, năng lượng... sẽ luôn trên đà phát triển nhanh chóng trong thời gian dài; 20 năm tiếp theo cũng là thời kỳ quan trọng khi Trung Quốc cơ bản hoàn thành nhiệm vụ công nghiệp hoá và bước vào giai đoạn hậu công nghiệp hoá, phát triển công nghiệp nặng - hoá chất, công nghiệp ô tô, công nghiệp đóng tàu... vẫn sẽ là điểm tựa quan trọng để phát triển kinh tế hơn nữa. Tình hình phát triển kinh tế như vậy sẽ khiến lượng tiêu hao năng lượng gia tăng với quy mô lớn. Xét thêm về tài nguyên năng lượng tự nhiên của Trung Quốc cho thấy, việc điều chỉnh kết cấu năng lượng rõ ràng đang đứng trước sự ràng buộc khách quan nghiêm ngặt, nhanh chóng thực hiện điều chỉnh căn bản theo nguyện vọng chủ quan là không thực tế. 

Những ảnh hưởng của nhân tố chế độ và chính sách Trung Quốc đối với xu thế thải khí cácbon 

Vấn đề hàng đầu liên quan đến phát triển nền kinh tế cácbon thấp tại Trung Quốc là xem xét như thế nào về những thay đổi mang tính xu hướng của lượng phát thải khí cácbon trong tương lai, trong đó vấn đề then chốt là khi nào lượng phát thải khí cácbon đạt ngưỡng cao nhất, và khi đó mức tuyệt đối là bao nhiêu. Nếu làm rõ được vấn đề này, có thể vẽ được sơ đồ tổng thể về lượng phát thải khí cácbon. Mặc dù trong lý thuyết có đường cong U ngược (Kuznets) về quan hệ giữa phát triển kinh tế và lượng khí thải cácbon, song trên thực tế để nghiên cứu khi nào lượng khí thải đạt ngưỡng cao nhất của một đất nước là vấn đề vô cùng phức tạp. Bởi nó không chỉ liên quan đến các nhân tố khách quan, tức là căn cứ vào xu hướng biến đổi của mọi nhân tố khách quan để dự báo những thay đổi trong tương lai về khí thải cácbon, đây chính là vấn đề đang được phần lớn các nhà nghiên cứu thực hiện; mà còn liên quan đến nhân tố chủ quan, tức là căn cứ vào nguyện vọng chủ quan của chúng ta để xây dựng chế độ và áp dụng các biện pháp chính sách liên quan, khiến những thay đổi về lượng phát thải khí cácbon phù hợp với mục tiêu chúng ta mong muốn. Đặt ra ngưỡng cao nhất về phát thải khí cacbon buộc phải bao gồm hai nhân tố khách quan và chủ quan nói trên, nếu chỉ xét đến nhân tố khách quan thì rõ ràng là không đủ và cũng không thể phán đoán dự báo chính xác những thay đổi về lượng phát thải khí cácbon trong tương lai. 

Vì vậy, xét về lý thuyết, muốn phán đoán hoàn chỉnh và chính xác xu thế lượng phát thải khí cácbon của một nước trong tương lai, thì không những phải xét đến sự biến đổi của các nhân tố vật chất khách quan, mà còn cần cân nhắc đến phương diện chủ quan xây dựng chế độ và biện pháp chính sách, ví như một loạt quy định và biện pháp chính sách liên quan đến phát triển cácbon thấp gồm hệ thống sát hạch chỉ số cường độ tiêu hao năng lượng và cường độ cácbon, chính sách ngành nghề cácbon thấp, chính sách khoa học công nghệ cácbon thấp, thuế cácbon, giao dịch cácbon… Nếu lý luận về ngưỡng cao nhất của lượng phát thải khí cácbon được xét đến đồng thời hai nhân tố khách quan và chủ quan, thì phạm vi dự báo về thời gian đạt ngưỡng và mức độ sẽ càng lớn. Vì thế, với ý nghĩa này, kết quả dự báo về ngưỡng cao nhất của lượng phát thải khí cácbon phần nhiều là phán đoán có mục đích dựa trên giả thiết sẵn có về xu thế trong tương lai, xa rời phán đoán chính xác về thực trạng trong tương lai. Đương nhiên, xét về lý thuyết, dự báo hay dở đã có tiêu chuẩn để bình xét, một dự báo hoặc giả định hay về ngưỡng cao nhất của lượng phát thải khí cácbon, một mặt có thể thích ứng với nhân tố khách quan, thuộc phạm vi cho phép trong điều kiện khách quan, mặt khác cũng có thể phù hợp với nhân tố chủ quan, nằm trong phạm vi có thể đạt được theo quy định và biện pháp chính sách đã ban hành. Dự báo hoặc giả định như vậy mới có giá trị chỉ đạo một cách khoa học đối với việc xây dựng biện pháp chính sách quốc gia. 

Về phía Chính phủ Trung Quốc, đưa ra mục tiêu lượng phát thải khí cácbon đạt ngưỡng cao nhất vào khoảng năm 2030 là phù hợp. Trung Quốc đã công bố mục tiêu này với cộng đồng quốc tế, đó là “khoảng năm 2030 lượng phát thải khí cácbon đạt ngưỡng cao nhất và sẽ nỗ lực để sớm đạt ngưỡng”. Như vậy, hiện nay vẫn tiếp tục nghiên cứu thảo luận về nhân tố khách quan đã không còn ý nghĩa, mà nên quan tâm đi sâu nghiên cứu cơ chế giải quyết nhân tố chủ quan và hiệu quả thực tế có thể xảy ra. Cần nhận thức được việc ban hành quy định và chính sách sẽ ngày càng phức tạp, ví dụ, làm thế nào để thể chế hóa cơ chế có thể thúc đẩy cải cách thực chất hơn (điện lực, giá cả tài nguyên năng lượng, thuế…), nhằm thực hiện sớm đạt ngưỡng. Những nghiên cứu hiện có không mấy quan tâm đến vấn đề chế độ và chính sách, mà đáng lẽ điều này phải là nội dung cần được chú trọng trong kinh tế học cacbon thấp của Trung Quốc. 

Hành vi mang tính thói quen dẫn đến lãng phí tài nguyên 

Phát triển cácbon thấp không chỉ là hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch truyền thống, sử dụng nhiều năng lượng mới, hạn chế ngành nghề có tiêu hao lớn, phát thải nhiều, phát triển sản nghiệp cácbon thấp, mà còn bao gồm cả giảm thiểu cho đến ngăn chặn tận gốc một số hành vi và cách làm mang tính thói quen trong cuộc sống và sản xuất, khiến lãng phí nghiêm trọng và tiêu hao tài nguyên quá độ. Nhưng thường thì người ta dễ xem nhẹ vế sau. Trên thực tế, giảm thiểu cho đến ngăn chặn tận gốc những hành vi mang tính thói quen dẫn đến lãng phí tài nguyên có ý nghĩa trọng đại đối với việc phát triển cácbon thấp của Trung Quốc. 

Có thể nhiều người không nhận thức được cách sống của con người có quan hệ mật thiết đối với phát triển cácbon thấp, cách sống khác nhau dẫn đến lượng phát thải khí cácbon khác nhau rõ rệt. Nếu mọi người nghiêng về sản phẩm và hành vi cácbon cao, thì trong cuộc sống cũng như các khâu sản xuất sẽ sản sinh ra nhiều lượng phát thải khí cácbon; ngược lại nếu mọi người lựa chọn sản phẩm và hành vi cacbon thấp thì sẽ giảm thiểu lượng khí thải cácbon. Ví dụ, người Trung Quốc thích lái xe cỡ lớn, còn không ít cư dân của các nước phát triển lại sẵn sàng chọn xe ô tô loại nhỏ, thải khí ít. Ví dụ khác, khi lên một vài tầng cũng phải đi thang máy, khi mua đồ sử dụng túi nilon dùng một lần, khi ăn cơm sử dụng đũa dùng một lần, khi tiếp khách gọi quá nhiều món ăn, sử dụng máy chạy bộ bằng điện... Trả giá về môi trường cho những hành động này chính là tiêu hao một lượng lớn tài nguyên và tăng phát thải khí nhà kính. 

Vấn đề lãng phí nghiêm trọng và tiêu hao quá độ tài nguyên liên quan đến định giá không hợp lý. Từ lâu nay, giá cả tài nguyên cácbon cao như than luôn thấp hơn so với giá lý thuyết của nó, dẫn đến tiêu hao quá độ tài nguyên cácbon cao, làm trầm trọng thêm vấn đề cácbon cao trong phát triển kinh tế. Giá điện than do nhà nước chỉ đạo định giá, giá điện than thấp hơn giá cả bình quân của thị trường, khiến nhà máy điện tiêu hao quá lượng than. Ngoài ra giá điện cũng thấp hơn giá cả bình quân của thị trường, khiến một số cư dân không sử dụng tiết kiệm điện, thậm chí dùng điện lãng phí, xa hoa. Giá dầu và khí tự nhiên tại Trung Quốc thấp hơn nhiều so với một số quốc gia và khu vực tại châu Âu và châu Á. Giá thấp dẫn đến tiêu hao quá độ và lãng phí nghiêm trọng tài nguyên liên quan. Có nghiên cứu cho thấy khi giá tăng lên một mức độ nhất định nào đó, mọi người sẽ ngừng lãng phí, chú ý sử dụng tiết kiệm; khi tăng lên một mức độ cao hơn, mọi người sẽ nghĩ cách để tái sử dụng. 

Giảm thiểu lãng phí và tăng cường tận dụng thu hồi, điều này có ý nghĩa vượt ngoài tầm nhận thức bình thường của mọi người đối với phát triển cácbon thấp. Ví như “vùng mỏ thành phố”, đó là các loại đồ điện máy, sản phẩm điện tử phế liệu và vật phế thải khác có thể tận dụng tái thu hồi chất đống trong thành phố như “vùng mỏ”, hàm lượng tài nguyên của nó thường cao hơn vùng mỏ tự nhiên. Tài nguyên khoáng sản trong thiên nhiên sẽ đến lúc cạn kiệt, còn “vùng mỏ thành phố” lại có thể tuần hoàn tái sử dụng. Nếu tận dụng tốt “vùng mỏ thành phố” sẽ thúc đẩy rất lớn việc tái sử dụng tài nguyên, giảm thiểu lượng khí thải cácbon trong quá trình sản xuất, bao gồm cả giảm thiểu tiêu hao năng lượng và lượng phát thải khí nhà kính do khai thác và tinh luyện tài nguyên thiên nhiên nguyên sinh. Chúng ta cần gia tăng tần suất tái sử dụng các loại tài nguyên trong lĩnh vực sản xuất và đời sống, giảm thiểu lãng phí tài nguyên đầu-cuối. Giá trị phát triển cácbon thấp này không thua kém việc nghiên cứu và sử dụng kỹ thuật giảm cácbon trong các khâu sản xuất. 

Phân tích một cách khoa học đối với ba vấn đề mà kinh tế học cácbon thấp cần giải quyết trên đây, tìm ra và xây dựng phương án giải quyết, dùng để chỉ đạo phát triển nền kinh tế cácbon thấp tại Trung Quốc là sứ mệnh lịch sử của kinh tế học cácbon thấp Trung Quốc. Cụ thể, một là đối với sự ràng buộc khách quan trong điều chỉnh kết cấu năng lượng, nghiên cứu xu thế biến đổi và sách lược điều chỉnh kết cấu năng lượng Trung Quốc, nhất là biện pháp chính sách về lĩnh vực năng lượng cần áp dụng trong hơn 10 năm gần đây, từ đó vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế cácbon thấp; hai là trước ảnh hưởng của nhân tố cơ chế và chính sách đối với xu thế thải khí cácbon, nghiên cứu xây dựng quy định và biện pháp chính sách về tiết kiệm năng lượng, giảm khí phát thải và hạ thấp lượng cácbon, nghiên cứu trọng điểm cải cách thể chế cơ chế về các lĩnh vực như giá điện, giá tài nguyên năng lượng, thuế…, nghiên cứu các biện pháp phát triển khả thi hiệu quả; ba là đối với vấn đề lãng phí tài nguyên, nghiên cứu làm thế nào để áp dụng biện pháp và phương thức thiết thực có thể thay đổi hành vi và cách làm mang tính thói quen dẫn đến lãng phí nghiêm trọng và tiêu hao quá độ tài nguyên, và làm thế nào giảm thiểu lãng phí tài nguyên đầu-cuối, phát triển ngành nghề thu gom và tái sử dụng tài nguyên. Hoàn thành ba sứ mệnh này của kinh tế học cácbon thấp Trung Quốc là việc cấp bách hiện nay. Tuy học giả các nước đều đang nghiên cứu kinh tế học cácbon thấp, song họ không quan tâm đến những nhiệm vụ này, đây là nhiệm vụ của các học giả Trung Quốc.

Theo Nhân dân Nhật báo, Trung Quốc

Hoàng Lan (gt)