Chưa đầy một năm trước, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã lưu ý Trung Quốc bằng tuyên bố rằng hòa bình và tự do hàng hải ở Biển Đông thuộc lợi ích quốc gia của Mỹ đồng thời thẳng thắn yêu cầu Bắc Kinh giải quyết tranh chấp này với các nước láng giềng bằng các biện pháp hòa bình và tôn trọng luật quốc tế. Sau tuyên bố của bà Clinton vốn được tất cả các nước ASEAN ngầm hoan nghênh, Trung Quốc rõ ràng bị cô lập trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Phản ứng thô lỗ bằng những đe dọa không giấu giếm đối với các nước láng giềng, cùng một loạt sai lầm ngớ ngẩn về ngoại giao đã biến năm 2010 thành năm tồi tệ nhất trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc kể từ năm 1989.

Để giành lại sự chủ động về ngoại giao và khôi phục những thiệt hại do chính mình gây ra, mới đây, Trung Quốc thúc đẩy cuộc tấn công mới và đã giành được một số kết quả đáng khuyến khích. Quan hệ với Mỹ được thiết lập sau chuyến ông Hồ Cẩm Đào thăm Mỹ tháng 1/2011. Đối thoại quân sự Mỹ-Trung được nối lại. Thậm chí quan hệ với Nhật Bản cũng được cải thiện đáng kể trong những tháng gần đây. Và Trung Quốc đã chọn thời điểm này để phát động cuộc xung đột tồi tệ và đầy nguy hiểm với Việt Nam. Bắc Kinh cũng cho thế giới thấy rằng họ sẽ không nhượng bộ trong cuộc tranh chấp lãnh thổ này. Tuy nhiên, điều bất hạnh đối với Bắc Kinh là nay họ phải đối đầu với một đối thủ Việt Nam cũng không kém cứng rắn và không khoan nhượng.

Trong tất cả các yêu sách về lãnh thổ ở Biển Đông, tranh chấp Trung-Việt có nguy cơ lớn nhất dẫn đến xung đột vũ trang. Một là hai nước đã đụng độ hải quân ở Biển Đông trước đây. Năm 1974, hải quân Trung Quốc giành quyền kiểm soát hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa sau cuộc tấn công tiêu diệt hải quân Việt Nam Cộng hòa. Năm 1988, Trung Quốc và Việt Nam đã xung đột hải quân ở quần đảo Trường Sa. Hai là yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa bị coi là thiếu sức thuyết phục theo luật quốc tế dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển. Trung Quốc khó chứng minh những bãi đá mà họ chiếm hiện nay đáp ứng các tiêu chuẩn các đảo có người ở và có thể duy trì sự sống để có khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

Trung Quốc cần hành động để trước hết giành được lẽ phải về mình vì dư luận quốc tế thường ủng hộ bên yếu trong cuộc tranh chấp. Trung Quốc cần tạm thời ngừng các hoạt động tuần tra trong khu vực tranh chấp để tránh mọi khả năng xung đột. Bắc Kinh cũng cần đưa ra những đề nghị đặc biệt với Hà Nội về cách thức tránh đối đầu trong tương lai. Ví dụ đề nghị hai bên tạm thời ngừng các hoạt động thăm dò trong vùng biển tranh chấp để tránh kích động lẫn nhau. Những đề xuất đặc biệt này cần được tiếp theo bằng các sáng kiến ngoại giao mạnh mẽ hơn để thúc đẩy giải pháp đa phương đối với tranh chấp Biển Đông. Tranh chấp Trung-Việt tạo ra khủng hoảng nhưng cũng tạo ra cơ hội có một không hai để Trung Quốc và các nước ASEAN đẩy nhanh thương lượng bộ luật hành xử ở Biển Đông.

  Theo The diplomat

Đinh Anh (gt)