Tháng 9/2015, như một phần của buổi lễ đánh dấu kỷ niệm 70 năm chiến thắng Chiến tranh thế giới thứ hai, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thông báo rằng Quân giải phóng nhân dân (PLA) sẽ cắt giảm 300.000 binh sĩ. Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng (MND) nước này đã miêu tả sự cắt giảm này là “cho thấy đầy đủ sự chân thành và khát vọng của Trung Quốc muốn chung tay với phần còn lại của thế giới để duy trì hòa bình, theo đuổi phát triển và chia sẻ thịnh vượng. Và cũng thể hiện thái độ tích cực và trách nhiệm của Trung Quốc đối với việc kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị quốc tế”.

Giảm bộ phận hậu cần, tăng cường tên lửa hành trình

Tuy nhiên, các bình luận sau đó của phát ngôn viên này dường như cho thấy rằng các cải cách ít được nhắm tới việc thể hiện sự chân thành của Trung Quốc đối với hòa bình và giải trừ quân bị mà nhắm nhiều hơn đến việc tạo ra một lực lượng chiến đấu nhỏ gọn hơn và tinh nhuệ hơn: ông này đã lưu ý rằng ngay cho dù quy mô bị giảm bớt, Trung Quốc sẽ vẫn có quân đội lớn nhất thế giới, hoàn toàn sẵn sàng đối phó với các nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, và sẽ đưa đến một quân đội tinh nhuệ hơn và hiệu quả hơn. Sự cắt giảm này, để tổ chức PLA một cách hiệu quả hơn, sẽ chủ yếu nhắm tới các binh sĩ được trang bị vũ khí lỗi thời, các nhân viên văn phòng và nhân viên không tham gia các hoạt động chiến đấu. Trung Quốc sẽ duy trì một quy mô chi tiêu quốc phòng “phù hợp”, đi cùng với nhiều sáng kiến cải cách.

Những sự thay đổi này, được miêu tả là mang tính xây dựng, không báo trước điềm hay cho an ninh toàn cầu. Được báo trước bằng một tuyên bố mơ hồ của Tập Cận Bình tại Hội nghị trung ương 3 của Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 vào tháng 11/2013 về sự cần thiết phải cải tổ, chúng đã được khuếch trương trong một sự cải tổ có ảnh hưởng sâu rộng mà đã được thông báo vào dịp năm mới 2015. Bảy quân khu của nước này đã được thay thế bằng 5 vùng tác chiến – bao gồm Vùng tác chiến phía Đông, Vùng tác chiến phía Tây, Vùng tác chiến phía Bắc, Vùng tác chiến phía Nam và Vùng tác chiến Trung tâm. Theo các nguồn tin của Trung Quốc, các khu vực mà các vùng tác chiến tương ứng chịu trách nhiệm là: 

Vùng tác chiến phía Đông

Đài Loan và quần đảo Điếu Ngư/Senkaku có tranh chấp

Vùng tác chiến phía Tây

Trung Á (cảnh giác trước sự thâm nhập của các phần tử cực đoan và ly khai)

Vùng tác chiến phía Bắc

Đông Bắc Á (Nhật Bản, Triều Tiên và Hàn Quốc)

Vùng tác chiến phía Nam

Biển Đông và Đông Nam Á 

Vùng tác chiến Trung tâm

Bảo vệ chính quyền trung ương và là “hậu phương vững chắc để tăng viện và hỗ trợ 4 vùng tác chiến khác” 

 

Quyết định này đã được thúc đẩy bởi một sự tin chắc rằng việc tổ chức các quân khu trước đây không đủ để đáp ứng đòi hỏi của việc phối hợp tác chiến. Theo hãng thông tấn chính thức của nhà nước là Tân Hoa Xã (Xinhua), hệ thống trước đây được đặc trưng bởi các hàng rào về mặt thể chế đối với việc giành chiến thắng các cuộc chiến tranh chẳng hạn như là các chức năng không rõ ràng và các hệ thống chỉ huy chung kém hiệu quả. Bốn tổng cục đã phát triển các khuynh hướng độc lập không phù hợp với các đòi hỏi của chiến tranh trong điều kiện thông tin hóa trong tương lai, một thuật ngữ đã trở thành khẩu hiệu trong các tài liệu của PLA trong suốt thập kỷ qua. Từ giờ trở đi, chỉ huy và kiểm soát đi trực tiếp từ Quân ủy trung ương đến 5 vùng tác chiến này.

Thành phần chủ yếu thứ hai của cải tổ liên quan đến việc thay thế 4 tổng cục quân đội của PLA – Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục vũ trang – bằng 15 đơn vị, phân tán các chức năng của chúng và đặt các đơn vị đó dưới sự kiểm soát trực tiếp của Quân ủy trung ương của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Tập Cận Bình. Sự thúc đẩy của thay đổi này là sự lo ngại rằng 4 tổng cục này đang hành động độc lập với nhau. Một tờ báo của Nhật Bản, tờ Sankei Shimbun theo quan điểm bảo thủ, đã đưa ra một lý do nữa: để làm suy yếu quyền lực của Tổng Tham mưu trưởng Phòng Phong Huy. Phòng Phong Huy đã được chủ tịch trước đó và đồng thời là người đứng đầu Quân ủy trung ương Hồ Cẩm Đào bổ nhiệm vào vị trí này ngay trước khi Hồ Cẩm Đào rời nhiệm sở và do đó Tập Cận Bình đã cho rằng ông này trung thành với Hồ Cẩm Đào hơn mình.

 

Đồng thời, các quân chủng mới đã được giới thiệu. Lực lượng Tên lửa PLA, lực lượng sẽ đảm nhận công việc của Lực lượng pháo binh 2, từ giờ sẽ có vai trò ngang với Lục quân mới được sắp xếp lại, Hải quân và Không quân PLA. Lực lượng Tên lửa chịu trách nhiệm đối với kho vũ khí hạt nhân ngày càng hùng hậu của nước này, trong khi các nguồn chính thức miêu tả Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược khá mơ hồ là “một lực lượng tác chiến kiểu mới để duy trì an ninh quốc gia và là một điểm phát triển quan trọng trong các khả năng tác chiến của PLA”. Các nguồn không phải của Trung Quốc cho rằng lực lượng này sẽ đảm trách chiến tranh công nghệ cao trong không gian và chiến tranh mạng.

 

 

Cộng đồng tình báo, trong đó có Cục 2 trước đây của Bộ Tổng tham mưu và các đơn vị tình báo của Ủy ban an ninh quốc gia, Bộ Công an, Văn phòng liên lạc của Ban chấp hành trung ương đảng và Ban mặt trận thống nhất của Đảng, cũng được dự kiến sẽ có một sự cải tổ lớn. Một nguồn đưa tin rằng Cục 1 của Bộ Tổng tham mưu sẽ được sáp nhập vào Bộ Tham mưu liên hợp mới, trong khi Cục 3 và Cục 4 sẽ sáp nhập vào Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược mới. Mục đích, giống như các kế hoạch cho PLA, là để tập trung khả năng thu thập và phân tích tình báo và đặt chúng dưới sự kiểm soát của Tập Cận Bình.

Sự cải tổ này có ý nghĩa gì đối với Mỹ?

Nếu bắt chước là hình thức tâng bốc chân thật nhất, Washington nên tỏ ra vui mừng: cơ cấu chỉ huy và kiểm soát mới của PLA sao chép các cơ cấu đó của quân đội Mỹ theo những cách thức đáng chú ý. Không may thay, hầu như chẳng thu được điều gì từ việc có một đối thủ yếu hơn trở nên mạnh mẽ hơn thông qua việc cạnh tranh với các mặt mạnh của mình. Mặc dù vẫn được thừa nhận là lực lượng mạnh nhất thế giới, quân đội Mỹ nhận thấy rằng lợi thế của họ trước Trung Quốc đã bị xói mòn trong thập kỷ vừa qua, với những tiến bộ đầy ấn tượng của Trung Quốc được tạo điều kiện bởi một sự kết hợp gia tăng ngân sách to lớn, làm việc cật lực và công nghệ bị đánh cắp từ Mỹ. Cũng như bởi các khoản ngân sách quốc phòng chặt chẽ của Mỹ được quy định bởi các thủ tục bảo lưu ngân sách. Vào tháng 3/2015, Tham mưu trưởng không quân tướng Mark Welsh đã nói với tiểu ban quốc phòng của Ủy ban phân bổ ngân sách của Hạ viện rằng không lực Trung Quốc sẽ bắt kịp không lực Mỹ vào năm 2030; các nguồn của hải quân cũng đã có các tuyên bố tương tự về sự tăng cường lực lượng hải quân của Trung Quốc, kể từ khi mua sắm quốc phòng của Mỹ chậm lại do những sự cắt giảm ngân sách. Mặc dù yêu cầu ngân sách của Chính quyền Obama đối với năm tài khóa 2017 cũng bao gồm một yêu cầu tài trợ thêm 2,8 tỷ USD để nghiên cứu và phát triển, có một sự nhất trí giữa các nhà phân tích rằng khoảng cách công nghệ giữa quân đội Mỹ và quân đội Trung Quốc có thể tiếp tục thu hẹp.

Trong khi đó, sự giảm tốc về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hầu như không ảnh hưởng đến ngân sách quốc phòng, mà đã có một chuỗi gia tăng 2 con số gần như liên tục kể từ năm 1979 mặc dù nước này không có kẻ thù bên ngoài. Gia tăng ngân sách dự định năm 2016 ở mức 7,6%, mặc dù là một trong những mức thấp nhất kể từ năm 1989, vẫn ở trên mức tăng trưởng dự tính 6,5 – 7% đối với nền kinh tế nói chung – và vượt xa những sự gia tăng ngân sách quốc phòng của bất cứ nước nào mà có thể còn lâu mới được xem là một đối thủ ngang sức của Trung Quốc.

Ngân sách khổng lồ đã cho phép mua sắm các loại vũ khí hiệu quả hơn, trong đó có Đông Phong (DF)-26, được mệnh danh là sát thủ đảo Guam, bởi nó là tên lửa đạn đạo đầu tiên có khả năng nhắm đến các căn cứ của Mỹ trên hòn đảo này với các đầu đạn thông thường. Tên lửa DF-26, xuất hiện lần đầu tiên tại buổi lễ duyệt binh kỷ niệm chiến thắng trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, được tiết lộ là cũng có khả năng của tên lửa đạn đạo chống hạm. Cũng xuất hiện lần đầu tiên là các tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-5B và DF-31A. Tên lửa DF-21D, được phát triển để chống lại các tàu sân bay của Mỹ, do đó được gọi là “sát thủ tàu sân bay”, trong khi DF-5B được cho là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên của Trung Quốc được trang bị hạt nhân với đa đầu đạn sử dụng công nghệ tái nhập khí quyển hướng nhiều mục tiêu độc lập (MIRV). Theo tạp chí Defense Week có uy tín, mặc dù chính thức tên lửa DF-5B có thể mang theo 3 đầu đạn hạt nhân, có những hoài nghi rằng nó có thể mang tới 5 đầu đạn. Điều cũng đáng lo ngại là các máy bay tàng hình, các tàu ngầm mới chạy bằng năng lượng hạt nhân hoặc thông thường, các vũ khí siêu âm và số lượng máy bay không người lái ngày càng tăng. Đã có một sự gia tăng rõ rệt trong việc mua sắm vũ khí từ Nga, gần đây nhất là các hệ thống tên lửa S-400, mà tầm bắn 400km của nó có thể vươn tới New Delhi, Calcutta, Hà Nội, Seoul và bất cứ đâu ở Đài Loan cũng như trợ giúp Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) gây tranh cãi của Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Trung Quốc cũng đang mua máy bay Su-35 được đánh giá cao của Nga.

Nhưng liệu tất cả các kế hoạch này có được thực hiện hay không?

Vạch ra kế hoạch chi tiết để tiến tới một lực lượng nhỏ gọn hơn, tinh nhuệ hơn, hiệu quả hơn và trung thành với mình mà Tập Cận Bình mong muốn là một chuyện; hoàn thành việc đó lại là một chuyện khác. Một trở ngại lớn có thể là chống đối từ những người mà các lợi ích cá nhân của họ bị ảnh hưởng. Những sự cắt giảm này được cho là áp dụng một cách không tương xứng với lực lượng Lục quân vốn phù hợp với địa thế của Trung Quốc như là một nước lục địa lớn, theo truyền thống bao gồm phần lớn bộ máy quân đội của nước này. Tuy nhiên, Bắc Kinh rõ ràng có ý định buộc tuân thủ các tuyên bố chủ quyền của mình đối với các khu vực tranh chấp ở biển Hoa Đông và Biển Đông trước sự kháng cự của các bên có tuyên bố chủ quyền khác và sự không sẵn sàng của Mỹ tán thành cơ chế mới mà Trung Quốc dường như đang áp đặt đối với tự do hàng hải.

 

Các hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc ở các khu vực tranh chấp và việc bố trí các cơ sở quân sự trên các đảo có tác động đến một cơ cấu lực lượng hướng nhiều hơn vào chiến tranh trên biển và trên không hơn là trên bộ. Do đó, các lợi ích được đảm bảo bất di bất dịch của Lục quân sẽ bị ảnh hưởng. Có lẽ những khó khăn đang bộc lộ mà giới lãnh đạo phải đối mặt là thực tế rằng các tư lệnh của cả 5 vùng tác chiến mới được thành lập đều đến từ Lục quân. Các nhà lãnh đạo quân sự thấy rằng địa vị chi phối của họ đang bị tổn hại có thể bảo vệ ưu thế của sức mạnh trên bộ bằng cách chỉ ra một tranh chấp biên giới ầm ĩ thất thường với Ấn Độ cũng như là mối nguy hiểm của sự thâm nhập của những kẻ cực đoan tôn giáo từ Trung Á – và, có lẽ hiệu quả hơn, bằng cách phản kháng thụ động.

Nhiều dấu hiệu trên báo chí chính thức cho thấy rằng giới lãnh đạo đang lo ngại chính điều này. Các bình luận của Tập Cận Bình ngay trước thông báo cắt giảm nhân sự của ông, rằng tất cả sĩ quan và binh sĩ phải ghi nhớ trách nhiệm của họ phải toàn tâm toàn ý bảo vệ người dân để thực hiện sứ mệnh bảo vệ hòa bình thế giới đầy cao cả có thể được xem là một nhắc nhở chấp nhận các mệnh lệnh cắt giảm sắp tới. Theo một bài viết trên tờ báo quân sự Nhật báo Quân Giải phóng, mặc dù Tướng Scharnhorst, người đề xướng chủ đạo cải cách quân đội Phổ vào thế kỷ 19, đã gặp phải nhiều trở ngại, tuy nhiên ông đã thành công trong việc thực hiện các biện pháp mà đã dẫn tới sự hiện đại hóa của quân đội Phổ, do đó cho phép các thành công gây choáng váng xảy ra sau đó. Một phát biểu khác rằng, mặc dù trong cuộc Vạn lý trường chinh mà Mao Trạch Đông đã hạ cấp Tướng SunYi từ cương vị Sư đoàn trưởng xuống Trung đoàn trưởng do những đòi hỏi của công việc, Sun đã tuân lệnh một cách không do dự và thậm chí còn yêu cầu giảm bớt lương của mình. Do đó, các quan chức ngày nay không nên nói những lời thiếu trách nhiệm hay hành động một cách tắc trách.

Theo báo quân đội này, sĩ quan và binh sĩ không được là “những người hai mặt” mà công khai ủng hộ cải cách nhưng thực tế lại chống đối nó. Một trang mạng có trụ sở đặt tại Mỹ có quan hệ tốt với Trung Quốc đã đưa tin rằng một số thành viên của cục tình báo thuộc Bộ Tổng tham mưu mới bị giải thể được cho là đang trả thù bằng cách phát động các cuộc điều tra nhằm vào một số đồng minh đáng tin cậy của Tập Cận Bình. Có khả năng có một điều mà các cuộc điều tra có thể dễ dàng nhận thấy là: theo các báo cáo khác trên tờ báo quân đội này, 3 năm sau khi chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình bắt đầu, nó vẫn là một vấn đề. Vì sợ độc giả sẽ kết luận rằng các nỗ lực trong quá khứ này là vô ích, một nhà bình luận của Nhật báo Quân Giải phóng đã nói rằng mặc dù tình trạng tham nhũng lan tràn đã bị “kiềm chế”, vấn đề sâu xa hơn đã không được giải quyết hoàn toàn. Cũng có những lời phàn nàn về chất lượng yếu kém của binh sĩ. Các sĩ quan nhắc lại lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình phải huấn luyện nghiêm khắc hơn nữa nhưng không đòi hỏi điều đó: “những lời sáo rỗng” chẳng có gì lạ. Thường xuyên có những lời than phiền về chất lượng yếu kém của binh sĩ và lơ là bổn phận nghiêm trọng.

 

 

 

Một vấn đề nữa liên quan đến việc làm thế nào để hòa nhập 300.000 binh sĩ sẽ bị cắt giảm vào một nền kinh tế dân sự kém sôi nổi hơn so với trong quá khứ. Các doanh nghiệp nhà nước (SOE) được lệnh phải dành riêng 5% tổng lượng tuyển dụng của họ cho các binh sĩ bị giải ngũ. Một vấn đề là chính các SOE được dự kiến sẽ cải tổ để khiến họ trở nên nhỏ gọn hơn và hiệu quả hơn, và việc thuê những người không có trình độ chuyên môn sẽ không giúp ích gì cho lợi nhuận của họ.

 

 

 

Các vũ khí mới cũng không tránh khỏi gặp phải nhiều vấn đề. Một lý do cho việc mua sắm từ Nga là những khó khăn của Trung Quốc trong việc sản xuất nội địa. Chẳng hạn, bất chấp những cáo buộc rằng các thiết kế của họ được đánh cắp từ Mỹ, các máy bay chiến đấu tàng hình J-20 và J-31 không thể bay với tốc độ siêu âm mà không phải sử dụng đến thùng chất đốt phụ, do đó đánh mất khả năng tàng hình mà cho phép chúng tránh bị ra-đa phát hiện. Cũng có những vấn đề về độ tin cậy. Động cơ tốt nhất của không quân nước này, WS-10, được phát triển từ những năm 1980, hoạt động kém hiệu quả và nghe nói chỉ có thể hoạt động được 30 giờ trước khi nó phải được thay thế.

 

 

Nga cũng đã bán các hệ thống tên lửa S-400 cho hai đối thủ của Trung Quốc: số lượng bán cho Việt Nam bằng với số lượng bán cho Trung Quốc, và số lượng bán cho Ấn Độ nhiều gấp đôi. Thỏa thuận bán máy bay chiến đấu Su-35 là kết quả của các cuộc đàm phán phức tạp, do Nga lo ngại chiều hướng Trung Quốc chỉ mua một số ít các bản sao, sau đó dùng kỹ nghệ đảo ngược và sản xuất các máy bay của riêng mình. Chỉ sau khi giá dầu lao dốc và các biện pháp trừng phạt quốc tế tác động mạnh lên nền kinh tế Nga, Tổng thống Putin mới đồng ý bán 24 máy bay loại này – nhưng, điều dễ thấy là, không có bất kỳ sự chuyển giao công nghệ hay cấp giấy phép đăng ký nào.

Điểm mấu chốt

Các nhà phân tích nước ngoài cho rằng sớm hay muộn, những khó khăn về mặt cơ khí và tích hợp hệ thống có thể được giải quyết, mặc dù các vấn đề về nhân sự có thể tỏ ra phiền toái hơn. Người ta cho rằng nhiều thay đổi được trù tính sẽ không được hoàn thành cho đến năm 2020. Điều này đem lại cho Mỹ một cơ hội. Phận sự của chính quyền kế tiếp ở Washington là tận dụng cái có thể là cơ hội cuối cùng của Mỹ để duy trì ưu thế quân sự của mình.

June Teufel Dreyer là nhà nghiên cứu cấp cao của Chương trình Châu Á thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, Mỹ (FPRI) đồng thời cũng là thành viên của Hội đồng Biên tập OrbisBoard. Bà là giáo sư về Khoa học Chính trị của Đại học Miami, Coral gables, Florida, tác giả của cuốn “China’s Political System: Modernization and Tradition” (2015) và “Middle Kingdom and Empire of Rising Sun” (Oxford University Press, sẽ xuất bản trong năm 2016). Bài viết được đăng trên FPRI.

Trần Quang (gt)