Tóm tắt

Bắt đầu từ khoảng cuối năm 2013 đầu năm 2014, đặc biệt sang năm 2015, Trung Quốc cấp tập tăng cường xây dựng, tôn tạo và bồi đắp các cấu trúc địa lý mà nước này đang chiếm đóng trái phép tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt nam. Các hoạt động này của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo, vi phạm các cam kết khu vực của nước này, cũng như vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển 1982 (UNCLOS) mà Trung Quốc là thành viên, gây mất ổn định và đe dọa an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trong khu vực Biển Đông. Các hành động này đã gặp phải sự chỉ trích và phản đối gay gắt từ phía Việt Nam cũng như các nước có quyền và lợi ích ở Biển Đông.

Trung Quốc bồi đắp, tôn tạo các cấu trúc địa lý tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông

Tình hình Trung Quốc bồi đắp, cải tạo các cấu trúc địa lý ở Biển Đông

Thời gian gần đây, tình hình Biển Đông tiếp tục căng thẳng do Trung Quốc tiến hành nhiều hoạt động về mặt chính trị, ngoại giao và pháp lý nhằm thực thi yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý ở Biển Đông. Trung Quốc tiến hành ồ ạt các hoạt động cải tạo trên diện rộng các cấu trúc địa lý tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam mà nước này hiện đang chiếm đóng trái phép. Các hoạt động nạo vét, lấn biển để bồi đắp, cải tạo trên diện rộng nhằm mở rộng diện tích các vị trí Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam được bắt đầu vào khoảng tháng 9/2013 tại năm điểm đảo: Châu Viên, Chữ Thập, Gạc Ma, Ga Ven và Ken Nan.[1] Từ đầu năm 2014 đến nay, Trung Quốc lại ráo riết thúc đẩy các hoạt động này hơn nữa, huy động một lượng lớn máy móc, trang thiết bị để đồng loạt đẩy mạnh xây dựng.[2] So với quần đảo Hoàng Sa, các cấu trúc địa lý ở quần đảo Trường Sa được Trung Quốc chú trọng đẩy mạnh cải tạo hơn.

 Về tốc độ cải tạo, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo một cách chóng mặt, “trung bình cứ mỗi ngày ngủ dậy Trung Quốc đã xây dựng thêm 96,5m2 diện tích Biển Đông”.[3] Theo ảnh chụp vệ tinh mới nhất tháng 5/2015, Trung Quốc đã xây dựng các cấu trúc địa lý rộng hơn gấp 20 lần diện tích ban đầu chỉ trong vòng ba năm.[4] Theo Báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 8/5/2015 thì Trung Quốc “đã mở rộng diện tích các đảo họ đang chiếm trong Biển Đông lên khoảng 400 lần” tương đương với 800 ha kể từ tháng 01/2014, trong đó có đến ¾ diện tích này được thực hiện từ đầu năm 2015 đến nay.[5] Những con số này cho thấy tốc độ cải tạo rất lớn của Trung Quốc, đặc biệt là từ đầu năm 2015 đến nay.

Về quy mô, tại quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc tiến hành xây dựng tại một số điểm, đảo như: xây mới đường băng dài 2.920 m thay thế cho đường băng cũ dài 2.400m tại đảo Phú Lâm,[6] mở rộng khu vực hậu cần cho máy bay tại đảo Phú Lâm, xây dựng một doanh trại quân đội, đê chắn biển và một số các công trình trên đảo Quang Hòa, mở rộng diện tích đảo này lên 50% so với diện tích vào tháng 01/2014[7] và xây dựng các tòa nhà trên đảo Duy Mộng...[8] Tại quần đảo Trường Sa, Trung Quốc tiến hành cải tạo trên toàn bộ bảy cấu trúc địa lý mà nước này hiện đang chiếm đóng trái phép của Việt Nam. Đến nay, Trung Quốc đã hoàn thành giai đoạn nạo vét, tôn tạo, kè bao và đang tập trung xây dựng công trình tại Gạc Ma, Huy Gơ, Châu Viên và Ga Ven, đồng thời tiếp tục triển khai tôn tạo với quy mô, tiến độ ngày càng lớn tại Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn.

Với tốc độ và quy mô như trên, dự kiến đến tháng 10/2015, Trung Quốc sẽ hoàn thành việc bồi đắp, mở rộng, kè xong mặt bằng các đảo, bãi cạn; sau đó sẽ tiếp tục xây dựng công trình bên trong các đảo, bãi đá. Ngày 16/6/2015, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố “việc cải tạo các bãi đá ở Nam Sa (tức Trường Sa) để Trung Quốc xây dựng các công trình trên đó sẽ sớm được hoàn thành”.[9] Ngày 30/6/2015, trong cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung quốc Hoa Xuân Oánh cho biết các dự án xây dựng của Trung Quốc ở một số đảo và rạn san hô ở Biển Đông đã hoàn tất trong những ngày gần đây và sắp tới sẽ tiến hành hoàn thành các cơ sở hạ tầng.[10]

Hoạt động bồi đắp cải tạo của Trung Quốc hoàn toàn khác với việc việc xây dựng, nâng cấp các công trình trên các cấu trúc địa lý thông thường. Hoạt động cải tạo các cấu trúc địa lý trên biển là một thực tiễn phổ biến được nhiều quốc gia thực hiện nhằm mở rộng lãnh thổ, thiết lập các cơ sở, bảo đảm và củng cố đời sống dân sinh cũng như an ninh quốc phòng. Đặc điểm chung của các hoạt động cải tạo mà các nước thực hiện thông thường đó là (i) được thực hiện tại các vùng lãnh thổ không có tranh chấp (ii) các quốc gia thực hiện cải tạo đi kèm với các biện pháp để tránh không tạo ra tác động tiêu cực với các quốc gia hữu quan, trong đó đặc biệt chú trọng đến quyền tự do hàng hải, hàng không và nghĩa vụ bảo vệ môi trường và (iii) tiến hành tham vấn với các quốc gia hữu quan khi cần thiết.[11] Ví dụ như Nhật đã tiến hành xây dựng sân bay Kansai gần Osaka từ hoạt động cải tạo một đảo gần bờ và xây dựng đê bao quanh bảo vệ đảo Okinotorishima để ngăn chặn đảo này chìm xuống dưới mặt nước biển. Điểm đặc biệt của công trình đê này là tuyến đê chỉ được xây dựng bao quanh mà không can thiệp trực tiếp vào cấu trúc tự nhiên của đảo này.[12] Hàn Quốc cũng tiến hành xây dựng trạm nghiên cứu khoa học tại bãi cạn Ieodo, trạm nghiên cứu khoa học này có cấu tạo nổi trên biển trong đó có một bãi đáp cho một máy bay trực thăng loại nhỏ.[13] Úc cũng cải tạo biển từ những năm 1990 quy mô lớn ở khu vực bờ biển Gold và vịnh Sydney nhưng khu vực này đều không thuộc phạm vi tranh chấp và cũng cách xa bờ biển của các quốc gia hữu quan nên ít tạo ra tác động tiêu cực về quyền tự do hàng hải và môi trường. Úc cũng chỉ chủ động sử dụng các điểm cơ sở cũ, trước khi tiến hành cải tạo biển, để xác định các vùng biển thuộc quyền tài phán và quyền chủ quyền của mình, từ đó không tạo ra tác động tiêu cực, thu hẹp các vùng biển quốc tế.[14] Hoặc các hoạt động cải tạo của Việt Nam tại một số điểm, đảo mà chúng ta hiện đang kiểm soát,[15] cũng chỉ là việc xây dựng trên quy mô nhỏ nhằm cải tạo lại các công trình đã cũ, củng cố đời sống dân sinh; các hoạt động này không ảnh hưởng đến môi trường biển, không gây cản trở an toàn, an ninh hàng hải, hàng không quốc tế, không ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh ở Biển Đông[16].

Các hoạt động cải tạo của Trung Quốc tại các cấu trúc địa lý ở quần đảo Trường Sa với tốc độ và quy mô lớn đến mức cần phải đặt ra câu hỏi về việc liệu có thể dùng từ “cải tạo” để chỉ các hoạt động này hay không trong khi thực tế là Trung Quốc đang xây dựng tiền đồn trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.[17] Các hoạt động này đều tiến hành trong vùng biển có tranh chấp, không hề có tham vấn với các quốc gia hữu quan. Việc Trung Quốc sử dụng một lực lượng khổng lồ để tiến hành cải tạo đất[18] làm khuấy động cả một vùng Biển Đông đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, cũng như hòa bình, an toàn và ổn định ở khu vực.

Tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông

Việc Trung Quốc ráo riết cải tạo, bồi đắp các cấu trúc địa lý mà nước này đang chiếm đóng ở Biển Đông trong thời gian gần đây rõ ràng nằm trong mục tiêu hiện thực hóa tham vọng cũng như chiến lược biển lâu dài của Trung Quốc.

Thứ nhất, Trung Quốc muốn đẩy nhanh việc thực hiện chiến lược cường quốc biển với khâu đột phá trước hết là ở Biển Đông. Chiến lược cường quốc biển của Trung Quốc được Trung Quốc chính thức đưa ra tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 vào năm 2012.[19] Theo quan điểm của Trung Quốc, nội dung cơ bản của chiến lược này là xây dựng một cường quốc biển mang đặc sắc Trung Quốc thì mới có khả năng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, các quyền lợi trên biển và an ninh nhà nước, đảm bảo phát triển kinh tế và xã hội.[20] Một trong những mảng quan trọng trong chiến lược biển đó là cần xây dựng những căn cứ quân sự trên biển, để Trung Quốc kiểm soát được khu vực Biển Đông rộng lớn. Theo GS.TS Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương, một viện Nghiên cứu quân sự của Mỹ, mục tiêu của việc tiến hành cải tạo đảo của Trung Quốc là nhằm xây dựng những điểm kiểm soát, các trung tâm hậu cần, các căn cứ vững chắc để triển khai nhiều loại tàu bè quân sự và phi quân sự, máy bay có người lái và không người lái nhằm kiểm soát khu vực Biển Đông.[21] Đây dường như cũng chính là mục tiêu Trung Quốc đã tuyên bố công khai.

Thứ hai, Trung Quốc muốn nhằm từng bước khẳng định yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của mình. Tất cả các cấu trúc địa lý ở Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc đang cải tạo đều nằm trong phạm vi yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.[22] Việc Trung Quốc gấp rút củng cố và mở rộng các điểm đóng quân là nhằm chứng tỏ mình đang kiểm soát thực tế các khu vực tranh chấp, tạo thuận lợi cho Trung Quốc về dư luận và phần nào về pháp lý nhằm hợp thức hóa yêu sách đường lưỡi bò.

Thứ ba, Trung Quốc muốn tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực Biển Đông để đối trọng với các hoạt động của Mỹ, uy hiếp các nước có yêu sách khác tại khu vực này. Từ những căn cứ trên các cấu trúc địa lý được cải tạo, Trung Quốc có thể triển khai nhanh chóng lực lượng giám sát, ngăn chặn sớm các hoạt động do thám của Mỹ, đồng thời cũng có lợi thế triển khai lực lượng để chiếm các cấu trúc địa lý khác trong khu vực quần đảo Trường Sa và khu vực lân cận cũng như khống chế tuyến hàng hải, hàng không qua khu vực này.

Thứ tư, Trung Quốc muốn tạo hiện trạng có lợi cho mình. Tiến trình xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các nước ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (COC) đang được tiến hành nhưng hiện tại chưa có tiến triển nhiều. Do đó, Trung Quốc muốn tranh thủ tạo ra hiện trạng mới ở Biển Đông, tăng cường kiểm soát thực tế trên thực địa, nhằm giành lợi thế trong quá trình đàm phán COC cũng như các đàm phán song phương khác. Điều 5 của Tuyên bố ứng xử của các nước ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002 (DOC) có quy định: “Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định, kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống, trên các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những yếu tố khác và phải được xử lý những khác biệt của mình bằng phương pháp có tính xây dựng”. Tuy nhiên, các quy định của DOC lại không làm rõ tính nguyên trạng của tranh chấp dừng lại ở đâu, trong khi DOC lại là văn bản không có tính ràng buộc. Do đó, trước khi COC – một văn bản có tính ràng buộc ra đời thì Trung Quốc muốn nhập nhèm thời điểm nguyên trạng, đi trước đón đầu nhằm tạo “sự đã rồi” tại các cấu trúc địa lý này, vô hiệu hóa tính chất ràng buộc của COC. Ngoài ra, có thể suy đoán từ thời điểm Trung Quốc bắt đầu ráo riết cải tạo các cấu trúc địa lý ở Trường Sa từ tháng 9/2013 sau khi Phi-lip-pin chính thức khởi kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982 tháng 01/2013, đó là Trung Quốc muốn tạo hiện trạng mới ở khu vực này, biến các cấu trúc địa lý bãi cạn nửa nổi nửa chìm hoặc bãi chìm này thành các đảo theo Điều 121 UNCLOS 1982 để yêu sách các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trước khi Tòa đưa ra các phán quyết về quy chế pháp lý của các cấu trúc địa lý tại Trường Sa có yếu tố bất lợi cho Trung Quốc.

Thứ năm, Trung Quốc muốn tạo ra các cơ sở về dịch vụ hậu cần cho các hoạt động nghề cá, dầu khí tại Biển Đông, tăng thời gian và mở rộng phạm vi đánh bắt, khai thác tài nguyên biển.

Tựu trung lại, có thể thấy hoạt động cải tạo của Trung Quốc tuy mới chỉ được tiến hành trong thời gian ngắn nhưng lại là hoạt động nằm hoàn toàn trong mục tiêu chiến lược lâu dài của Trung Quốc. Hoạt động này có tác động tiêu cực đến cục diện cân bằng quyền lực tại Biển Đông và đe dọa an ninh ổn định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Viễn cảnh cả hai thập kỷ tới là Trung Quốc sẽ rải đầy các căn cứ trên Biển Đông để từ đó kiểm soát chuỗi đảo thứ nhất,[23] đẩy Mỹ ra khỏi khu vực.[24] Về mặt pháp lý, các hoạt động của Trung Quốc rõ ràng là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo, vi phạm cam kết khu vực của nước này và vi phạm các quy định khác của luật pháp quốc tế.

Các khía cạnh vi phạm trong hoạt động bồi đắp, cải tạo các cấu trúc địa lý của Trung Quốc

Vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo

Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo ít nhất từ thế kỷ thứ 17. Nhà nước Việt Nam là quốc gia đầu tiên, với tư cách Nhà nước, đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo một cách hòa bình, thực sự và liên tục qua tất cả các thời kỳ kể từ khi hai quần đảo này chưa thuộc về bất kỳ quốc gia nào. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này là hoàn toàn phù hợp, đáp ứng được các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo có thể được chia thành một số các giai đoạn như sau: (i) giai đoạn thế kỷ XVII đến năm 1884: thời kỳ phong kiến trước khi Pháp đô hộ Việt Nam. Hiện có đầy đủ các tài liệu trong và ngoài nước chứng minh các chúa Nguyễn đã nhân danh Nhà nước Việt Nam là quốc gia đầu tiên đã chiếm hữu, xác lập và củng cố chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giai đoạn này. Các chúa Nguyễn đã lập ra đội Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải để tiến hành các hoạt động khai thác tài nguyên, đo đạc, khảo sát, cắm mốc chủ quyền, cai quản thường niên, thiết lập đơn vị hành chính, giao tiếp đối ngoại...đối với việc quản lý hai quần đảo này; (ii) giai đoạn 1884-1945: Nước Pháp nhân danh Nhà nước Việt Nam thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau khi ký Hiệp ước Patenôtre ngày 6/6/1884, nước Pháp đã đại diện cho quyền lợi của Việt Nam tiếp tục duy trì thực thi một cách đầy đủ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo thông qua một loạt các hoạt động mang danh nghĩa nhà nước như: xây dựng hải đăng trên quần đảo Hoàng Sa, dựng bia chủ quyền tại quần đảo Trường Sa, thường xuyên sử dụng các tàu Hải quân tuần tra hai khu vực quần đảo, sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ...; (iii) giai đoạn 1945-1976. Chính phủ Quốc gia Việt Nam, tiếp đó là chính quyền Việt Nam cộng hòa đã tiếp quản và kế thừa các quyền và danh nghĩa đối với hai quần đảo từ Pháp, tiếp tục thực thi và củng cố chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo một cách hòa bình, liên tục; và (iv) giai đoạn 1976 đến nay. Nhà nước CHXHCN Việt Nam liên tục thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo, phản đối mọi hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo.

Trong các tuyên bố của mình, Trung Quốc luôn khẳng định chủ quyền của họ đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam dựa trên các tài liệu lịch sử chứng minh Trung Quốc là nước “phát hiện sớm nhất, khai phá kinh doanh sớm nhất, cai quản sớm nhất” hai quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa). Tuy nhiên, các tài liệu mà Trung Quốc viện dẫn đều là tư liệu tư nhân, không chứng tỏ được ý chí, hành vi của Nhà nước Trung Quốc trong việc thụ đắc chủ quyền đối với hai quần đảo theo quy định của luật pháp quốc tế. Hơn thế nữa, hàng loạt các hành động sử dụng vũ lực của Trung Quốc để chứng minh chủ quyền của nước này hoặc kiểm soát trên thực địa đối với hai quần đảo đều không thể tạo thành danh nghĩa chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo: Trung Quốc chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa các năm 1956 và 1974; chiếm một số bãi cạn ở quần đảo Trường Sa năm 1988; chiếm bãi Vành Khăn năm 1995; cản trở và cắt cáp tàu Bình Minh 02 và Viking 02 hoạt động trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam năm 2011. Ngoài ra, một số các hành động khác của Trung Quốc như công bố thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa với phạm vi quản lý bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngày 21/6/2012; đơn phương tuyên bố và cho thực thi lệnh cấm đánh bắt cá tại một khu vực rộng lớn trên Biển Đông kéo dài từ vĩ tuyến 12 trở lên, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ khoảng tháng 5 đến tháng 8 hàng năm; thông qua “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển Hải Nam” với nội dung không cho tàu thuyền nước ngoài đi vào vùng biển do tỉnh Hải Nam quản lý bao gồm cả vùng biển hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam ngày 27/11/2012... đều là những hành động đơn phương vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này và do đó không có giá trị pháp lý.

Các hành động san lấp, bồi đắp và cải tạo trên diện rộng tại các cấu trúc địa lý ở Hoàng Sa và đặc biệt ở bảy cấu trúc địa lý mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Trường Sa là hành vi tiếp nối các hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc đối với chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.

Vi phạm cam kết DOC mà Trung Quốc ký kết với ASEAN năm 2002

Ngày 4/11/2002, sau một thời gian dài thảo luận nhưng không đạt được một thỏa thuận có tính ràng buộc về mặt pháp lý, ASEAN và Trung Quốc đã ký kết được một văn bản có tính cam kết về mặt chính trị nhiều hơn là pháp lý – Tuyên bố ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8 tại Phnom Penh, Cam-pu-chia. Tuyên bố này bao gồm 10 điều khoản, trong đó đáng chú ý nhất và có liên quan nhất đến hành vi cải tạo của Trung Quốc ở Biển Đông đó là Điều 5 của DOC. Điều 5 quy định như sau:Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định, kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống, trên các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những yếu tố khác và phải được xử lý những khác biệt của mình bằng phương pháp có tính xây dựng...”. Như vậy, rõ ràng Trung Quốc đã vi phạm trắng trợn cam kết trên, cố tình làm thay đổi nguyên trạng các cấu trúc địa lý mà nước này đang chiếm đóng trái phép ở Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm nghĩa vụ kiềm chế, không thực hiện các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp cuối cùng. Hành vi của Trung Quốc rõ ràng đã vi phạm quy định của luật pháp quốc tế, cũng như các cam kết của nước này tại DOC.

Vi phạm các quy định của luật quốc tế về môi trường

Hành động cải tạo của Trung Quốc đã bị chỉ trích do vi phạm những quy định về môi trường. Việc Trung Quốc sử dụng máy móc công suất lớn, nạo vét trên diện rộng vùng đáy biển để lấy đất, đá bồi đắp cho các cấu trúc địa lý đã gây ra ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng về mặt môi trường, phá hủy các rạn san hô, làm ô nhiễm môi trường sinh thái, phá hủy môi trường sống của các loài sinh vật biển, trong đó có cả các sinh vật quý hiếm, ở khu vực này...Theo đánh giá của các cơ quan chức năng Phi-lip-pin, hoạt động của Trung Quốc đã phá hủy hơn 1,21 km2 san hô tự nhiên và gây thiệt hại khoảng 108,9 triệu USD/năm cho ngư dân các nước trong khu vực do suy giảm đa dạng sinh học và nguồn lợi hải sản tại quần đảo Trường Sa.[25] Hoạt động của Trung Quốc đã vi phạm các quy định về bảo vệ và bảo tồn môi trường biển và hợp tác bảo vệ môi trường biển của UNCLOS 1982 quy định tại các điều 123, 192, 196, 207-298. Trung Quốc cũng vi phạm quy định của Công ước của LHQ về bảo vệ đa dạng sinh học năm 1992 liên quan tới nghĩa vụ không để các hành động do mình kiểm soát gây hại đến môi trường của các quốc gia khác và nghĩa vụ đánh giá tác động môi trường. Điều 3 của Công ước yêu cầu các quốc gia có trách nhiệm đảm bảo các hoạt động do mình kiểm soát không được gây hại đến môi trường của các quốc gia khác. Điều 14 của Công ước quy định một quốc gia phải tiến hành đánh giá tác động môi trường trước khi thực hiện những dự án có thể gây ra hậu quả có hại tới đa dạng sinh học. Trong phát biểu ngày 9/4/2015, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói các dự án của Trung Quốc đã được “đánh giá và kiểm tra chặt chẽ về mặt khoa học” và được thực hiện “dựa trên những tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường” và “tính toán đầy đủ về mặt bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản”. Tuy nhiên, cho đến giờ, Trung Quốc vẫn chưa đưa ra được bất cứ bản đánh giá độc lập, khách quan nào về tác động môi trường của những hoạt động này. [26]  Trong vụ việc cải tạo đảo giữa Ma-lai-xi-a và Xinh-ga-po, Tòa án Quốc tế về Luật biển (ITLOS) đã cho rằng “Xinh-ga-po không tiến hành lấn biển theo cách có thể gây tổn hại không thể khắc phụ đến các quyền lợi của Ma-lai-xi-a hay gây tổn hại nghiêm trọng cho môi trường biển, và phải đặc biệt tuân theo báo cáo của nhóm chuyên gia độc lập...”[27] và Xinh-ga-po đã tuân thủ theo phán quyết của Tòa. Trái lại, Trung Quốc đã không tuân thủ các nghĩa vụ quy định trong luật môi trường quốc tế, nạo vét hàng trăm triệu tấn cát từ đáy biển lấp hơn 8 triệu mét vuông rạn san hô mà không cần bất cứ đánh giá nào của các chuyên gia và không có bất kỳ sự phối hợp hay tham vấn với các quốc gia ven biển khác.[28] Ngoài ra, các hoạt động này còn vi phạm  Nghị quyết của các Hội nghị môi trường thế giới, đi ngược lại chủ trương bảo vệ các rạn san hô ở Biển Đông của các tổ chức môi trường quốc tế mà Trung Quốc là thành viên như Cơ quan điều phối các vùng biển Đông Á (COBSEA) hay Tổ chức đối tác quản lý môi trường các vùng biển Đông Á (PEMSEA) và các tổ chức khác; vi phạm nguyên tắc phải tham vấn các nước liên quan trước khi thực hiện các hoạt động có khả năng gây tổn hại môi trường biển.

Đe dọa việc thực hiện các quyền tự do hàng hải của các nước trong và ngoài khu vực

Theo các nghiên cứu, sau khi hoàn thành hoạt động cải tạo các điểm, đảo, đây sẽ là các căn cứ quân sự của Trung Quốc với hệ thống các cảng biển, trạm ra-đa, hệ thống tên lửa chống tàu đất đối không tầm trung đến tầm xa, các nhà kho và công trình dịch vụ khác có khả năng phục vụ cho hàng trăm tàu cá, tàu tuần tra, tàu chiến và máy bay chiến đấu...[29] Các căn cứ này cũng sẽ làm bàn đạp để Trung Quốc tiến ra biển xa, kiểm soát tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng qua Biển Đông.[30] Theo thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc thì Trung Quốc có thể mở rộng khả năng tác chiến trên biển lên đến 900 km về phía Nam và đồng thời kiểm soát vùng trời Biển Đông. Ngoài ra, việc Trung Quốc cải tạo đảo còn nhằm tạo ra khả năng thực thi đối với vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông trong tương lai như Trung Quốc đã từng thiết lập vùng ADIZ ở vùng biển Hoa Đông tháng 11/2013. Việc Trung Quốc vươn cánh tay rộng lớn ra Biển Đông cả vùng biển lẫn vùng trời tạo ra mối đe dọa lớn về an toàn, ổn định hàng hải và hàng không của các nước, trong đó có Việt Nam qua lại khu vực này. Trong tương lai, các tàu thuyền, máy bay qua lại ở khu vực này phải xin phép hoặc chịu sự kiểm soát, theo dõi của Trung Quốc, gây ra mối nguy hại cho vấn đề an ninh và rõ ràng có tác động xấu đến tự do hàng hải, hàng không ở khu vực này.

Phản ứng của Việt Nam

Trước việc Trung Quốc cải tạo trên diện rộng tại các cấu trúc địa lý nước này chiếm đóng trái phép ở Biển Đông, Việt Nam đã liên tục và kịp thời có các biện pháp đấu tranh thích hợp để bảo vệ chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Các biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao

Trên mặt trận chính trị, ngoại giao, Việt Nam đã tiến hành các biện pháp đấu tranh kiên quyết ở nhiều cấp, kể cả ở cấp cao nhất, thông qua nhiều hình thức cả song phương và đa phương.

Về các biện pháp đấu tranh song phương, chúng ta đã tiến hành giao thiệp với Trung Quốc và đồng thời chủ động nêu vấn đề trong các diễn đàn song phương với các nước.

Với Trung Quốc, trong các cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc, tất cả các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đều khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; bày tỏ quan ngại đối với hoạt động xây dựng, lấn biển của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và DOC, căn cứ Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2011 để giải quyết những bất đồng giữa hai bên; yêu cầu Trung Quốc có biện pháp thích hợp để duy trì hòa bình, ổn định trên biển và kiềm chế, không có hành vi làm phức tạp tình hình.

Lập trường, quan điểm của Việt Nam về vấn đề Biển Đông nói chung và với hoạt động xây dựng, lấn biển của Trung Quốc gần đây nói riêng đã được khẳng định một cách thường xuyên, liên tục, thông qua nhiều kênh đối thoại với Trung Quốc, kể cả ở cấp cao và các diễn đàn đàm phán về biên giới, lãnh thổ giữa hai bên, thông qua công hàm của Bộ Ngoại giao cũng như trao đổi trực tiếp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và đến ngày 2/7/2015, ta đã giao thiệp 14 lần với Trung Quốc, trao chín công hàm phản đối việc làm của Trung Quốc tại Biển Đông.[31]

Trong các cuộc gặp, tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước lớn, các nước trong khu vực, ta cũng bày tỏ quan ngại và tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế đối với lập trường của Việt Nam. Với những nỗ lực này, lãnh đạo chính giới và quốc hội nhiều nước đã chia sẻ quan ngại của ta, ủng hộ chủ trương của ta trong vấn đề Biển Đông, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không mở rộng hoặc gia tăng căng thẳng.[32]

Việt Nam cũng đấu tranh thông qua nhiều hình thức như phát biểu của Người phát ngôn, gửi Công hàm lên Liên Hợp Quốc và nêu vấn đề tại các diễn đàn...Từ tháng 6/2014, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có phát biểu phản đối các hoạt động lấn biển, cải tạo của Trung Quốc. Cho đến nay, đã có hơn 10 lần phát biểu công khai lên án hành động của Trung Quốc. Ngày 25/6/2015, trước phát biểu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về việc Trung Quốc sẽ hoàn thành việc bồi đắp trong thời gian tới và sẽ triển khai xây dựng các công trình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố: “Lập trường của Việt Nam về vấn đề này đã được chúng tôi nhiều lần nêu rõ. Những hoạt động xây dựng, mở rộng đảo, đá quy mô lớn của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp, không thay đổi được thực tế là Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động này, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển 1982 (UNCLOS 1982) cũng như Tuyên bố về ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC), không có những hành động làm phức tạp tình hình, thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông”. Tại Liên Hợp Quốc, Việt Nam cũng đã gửi hai Công hàm tới phái đoàn các nước nhằm bày tỏ quan điểm của mình đối với việc Trung Quốc cải tạo đảo trái phép tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.[33]

Ở cấp độ khu vực, chúng ta cũng phát biểu công khai tại các diễn đàn của ASEAN. Tại Phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bày tỏ lo ngại về những hoạt động tôn tạo, bồi đắp quy mô lớn ở Biển Đông, cũng như những hệ lụy của chúng; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các nguyên tắc tự kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố DOC và sớm thông qua COC.[34]

Các biện pháp đấu tranh trên thực địa

Đồng hành với các biện pháp đấu tranh về chính trị và ngoại giao, Đảng và Nhà nước ta cũng rất chú trọng đến việc sử dụng các biện pháp đấu tranh trên thực địa. Một mặt, chúng ta tăng cường năng lực của các lực lượng chấp pháp trên biển; mặt khác, hỗ trợ ngư dân và bà con ta bám biển, đảo để duy trì hoạt động thực thi chủ quyền của ta tại Biển Đông. Các hoạt động duy trì, sửa chữa và cải tạo các công trình cũ của ta tại Trường Sa được tiến hành chủ yếu nhằm mục đích dân sự để cải thiện đời sống, cơ sở vật chất cho cán bộ, chiến sỹ và người dân trên đảo và củng cố khả năng phòng thủ, đồng thời được tiến hành ở các đảo nổi nên không gây ảnh hưởng môi trường, không làm thay đổi nguyên trạng. Cần nhấn mạnh các hoạt động của Việt Nam hoàn toàn là việc làm bình thường, hợp pháp, không vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế và DOC, hoàn toàn khác với các hoạt động xây dựng, lấn biển quy mô lớn của Trung Quốc về tính chất, quy mô và mục đích. Việc chúng ta duy trì và củng cố các hoạt động tại các cấu trúc địa lý tại Trường Sa hoàn toàn là hoạt động thực thi, củng cố chủ quyền của chúng ta đối với quần đảo này, giống như các hoạt động mà các chúa Nguyễn trước đây đã từng tiến hành ở Biển Đông.

Phản ứng của các nước trong khu vực và trên thế giới

Các hoạt động cải tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc ở Biển Đông đã vấp phải sự chỉ trích, phản đối của nhiều nước trong và ngoài khu vực. 

Tại các hội nghị của ASEAN trong thời gian năm 2014-2015, vấn đề Biển Đông được nêu đậm. Tuyên bố Chủ tịch ASEAN trong Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 26 (26-27/4/2015) đã nêu quan ngại sâu sắc về các hoạt động cụ thể là bồi đắp, tôn tạo đang diễn ra ở Biển Đông và khẳng định việc các bên cần bảo đảm việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC nhằm xây dựng, duy trì và tăng cường sự tin cậy và lòng tin, cũng như kiềm chế trong các hành động, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982.[35] Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Ma-lai-xi-a Najib Razak đã nhấn mạnh tới việc ASEAN cần xử lý các bất đồng một cách hòa bình, kể cả việc giải quyết các tuyên bố chủ quyền biển chồng lấn mà không làm căng thẳng tình hình; đồng thời cũng nhấn mạnh những diễn biến gần đây gây lo ngại về Biển Đông, tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp quốc tế tuân thủ luật pháp quốc tế.[36] Xinh-ga-po nhấn mạnh hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung của ASEAN và khu vực; tình hình xấu đi trong năm qua ở đây là đáng lo ngại, nếu không kiểm soát tốt có thể dẫn đến xung đột, vì vậy cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ DOC, sớm tiến tới COC. Indonesia cũng kêu gọi các bên kiềm chế để bảo đảm hòa bình và an ninh khu vực và sẵn sàng làm bên trung gian “thực tâm”. Trong số các bên tranh chấp ở Biển Đông, Phi-lip-pin là quốc gia phản ứng sớm và mạnh mẽ nhất để phản đối các hoạt động cải tạo của Trung Quốc. Tháng 5/2015, Phi-lip-pin đã công bố công khai các bức ảnh chụp vệ tinh về các hoạt động cải tạo đất mà Trung Quốc đang thực hiện tại Trường Sa, gửi công hàm phản đối hoạt động cải tạo của Trung Quốc. Tổng thống Phi-lip-pin Aquino đã nhiều lần chỉ trích và phản đối các hoạt động cải tạo của Trung Quốc thông qua việc trả lời phỏng vấn báo chí và phát biểu tại cuộc họp thượng đỉnh của ASEAN. Lập luận chung của Phi-lip-pin là hành động của Trung Quốc (i) vi phạm các cam kết mà Trung Quốc đã ký với ASEAN trong khuôn khổ DOC (ii) là hành động nhằm thúc đẩy yêu sách đường 9 đoạn của trung Quốc ở Biển Đông và (iii) đe dọa an ninh và ổn định của khu vực. Do đó, Phi-lip-pin kêu gọi một lệnh tạm ngừng xây dựng tại các cấu trúc địa lý đang tranh chấp ở Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và kêu gọi sự hợp tác của cộng đồng quốc tế nhằm gia tăng sức ép với Trung Quốc để buộc Trung Quốc phải chấm dứt hành vi này.

Các nước lớn như Mỹ, Nhật, Nga, Úc, Ấn Độ... cũng đều có phát biểu về vấn đề này, trong đó, Mỹ là nước có quan điểm mạnh mẽ nhất ở nhiều cấp. Ngày 9/4/2015, phát biểu tại Jamaica, Tổng thống Mỹ cho biết “Mỹ lo ngại Trung Quốc không tuân thủ các quy định và nguyên tắc quốc tế và đang cậy thể nước lớn và sử dụng sức mạnh để buộc các nước khác vào thế bất lợi”, đồng thời cho rằng “vấn đề này có thể được giải quyết thông qua ngoại giao, nhưng chỉ vì Phi-lip-pin hay Việt Nam không lớn như Trung Quốc không có nghĩa là họ bị dồn sang một bên”.[37] Tại phiên thảo luận “Mỹ và những thách thức đối với an ninh châu Á - Thái Bình Dương” tại đối thoại Shangri-La 14 (29-31/5/2015), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có bài phát biểu mở đầu trong đó nhấn mạnh Mỹ có quyền can dự và lo ngại sâu sắc trước những căng thẳng ở vùng biển này cũng như phản đối bất cứ giải pháp quân sự nào và khuyến khích ASEAN cùng Trung Quốc hợp tác.[38] Ngày 31/3/2015, phát biểu tại Hội nghị hải quân ở Úc, Đô đốc Harry Harris, chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương đã cáo buộc Trung Quốc đang xây dựng “Vạn lý trường thành” bằng cát tại Trường Sa, kêu gọi các bên tuân thủ cam kết kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định.[39] Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung tá Jefrey Pool cũng tuyên bố “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc dừng tất cả chương trình cải tạo các cấu trúc địa lý và tham gia vào các sáng kiến ngoại giao để khuyến khích tất cả các bên cùng kiềm chế thực hiện các hành động tương tự”.[40] Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke phát biểu ngày 24/11/2014 khẳng định các hoạt động xây dựng quy mô lớn trên Biển Đông sẽ làm phức tạp và leo thang thêm tình hình, đồng thời kêu gọi Trung Quốc hãy minh bạch, công khai các hoạt động ở khu vực tranh chấp ở Biển Đông.[41] Mỹ cũng là nước đưa ra sáng kiến “đóng băng” để kêu gọi các quốc gia giữ nguyên trạng và thúc đẩy quá trình đàm phán để đạt được COC.[42]  Không chỉ tuyên bố, Mỹ còn có những phản ứng quyết liệt trên thực địa. Ngày 11/5/2015, chiến hạm Mỹ USS Fort Worth, tàu chiến cận bờ lớp Freedom đã tiến vào gần các bãi đá Trung Quốc đang cải tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa. Đây là hoạt động tuần tra của tàu trong bảy ngày tại vùng biển quốc tế, từ căn cứ tàu đóng ở Xinh-ga-po. Quan chức hải quân Mỹ cho biết, hoạt động thường kỳ như tàu Fort Worth vừa hoàn thành ở Biển Đông sẽ là một thông lệ mới, khi bốn chiếc tàu chiến cận bờ của Mỹ đến khu vực trong những năm tới. Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết quân đội nước này đang cân nhắc đề xuất điều máy bay và tàu hải quân đến trong phạm vi khoảng 12 hải lý quanh những bãi đá ngầm Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa.[43]

Chính phủ Nhật và Mỹ cũng xem xét việc tuần tra chung ở Biển Đông giữa lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản và quân đội Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng ở Biển Đông nhằm “mở rộng khu vực bay tuần tra tới phía Nam Biển Đông do lực lượng tàu cá, cảnh sát biển và hải quân của Trung Quốc lớn mạnh hơn láng giềng và tình hình Biển Đông ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Nhật Bản”.[44] Ngày 16/4, Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc ra tuyên bố sau đàm phán ba bên tại Washington thúc giục Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, chấm dứt việc xây dựng và cải tạo phi pháp các đảo ở Biển Đông, tôn trọng tự do hàng hải trên tuyến giao thông quan trọng này.[45]

Ngày 16/4/2015, phát biểu tại cuộc họp báo, Đại sứ Úc tại Phi-lip-pin Bill Tweddell cho biết Úc phản đối mạnh mẽ các hành động hăm dọa, ép buộc, hung hăng nhằm thúc đẩy yêu sách chủ quyền hoặc thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế, thực hiện các bước đi hạ nhiệt căng thẳng và tránh bất kỳ hành động khiêu khích nào làm leo thang trong khu vực.[46] Trong một tuyên bố ngày 4/6/2015, Thủ tướng Úc Tony Abbot đã lên tiếng chỉ trích các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có việc xây dựng các đảo nhân tạo, khẳng định Úc ủng hộ việc “giải quyết một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi (Úc) sẽ làm những gì có thể để duy trì tự do hàng hải và tự do hàng không”.[47]

Hội nghị cấp Ngoại trưởng các nước G7 lại Lubeck, Đức ngày 15/4/2015 ra Tuyên bố về an ninh hàng hải ở Biển Đông và Hoa Đông, bày tỏ quan ngại về những hành vi đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm “cải tạo đất quy mô lớn làm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng”, đồng thời kêu gọi tất cả các nước kể cả Trung Quốc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình và tuân thủ các phán quyết có giá trị ràng buộc của các cơ quan tài phán quốc tế.[48] Tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á lần thứ 14 (Shangri-la) tại Xinh-ga-po từ 29-31/5/2015, hầu hết các nước tham dự đều bày tỏ quan ngại và cho rằng lợi ích của các quốc gia bị ảnh hưởng bởi các hoạt động xây dựng, lấn biển của Trung Quốc tại Biển Đông.[49] Tại Đối thoại này, ông Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu đã tuyên bố bày tỏ lo ngại về các hoạt động bồi đắp và xây dựng của Trung Quốc trên các bãi đá ở Biển Đông sẽ làm phức tạp những nỗ lực giải quyết tranh chấp ở khu vực này.[50] Đây rõ ràng là một phát biểu tương đối khác thường so với các phát biểu chung chung trước đây của Châu Âu về vấn đề Biển Đông, có thể là dấu hiệu cho thấy sự điều chỉnh chính sách của Châu Âu đối với vấn đề Biển Đông.

   Như vậy, có thể thấy, hầu hết các nước lớn như Mỹ, Anh, Nhật...đều đã lên tiếng về tình hình Biển Đông nói chung và các hoạt động cải tạo các cấu trúc địa lý tại khu vực này nói riêng. Tuy nhiên, nhìn chung, quan điểm của các nước xuất phát từ lợi ích quốc gia của họ, quan điểm đều là trung lập trong tranh chấp lãnh thổ, ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, không thay đổi nguyên trạng, làm phức tạp thêm tình hình tranh chấp. Các nước lớn như Mỹ, Nhật ngày càng lo ngại trước các hành vi của Trung Quốc và có xu hướng can dự nhiều hơn, nhưng vẫn chưa có hành động cụ thể ngăn cản được các hoạt động cải tạo của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Kết luận

Việc Trung Quốc ồ ạt tôn tạo, bồi đắp các cấu trúc địa lý trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thời gian vừa qua rõ ràng là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm DOC, hủy hoại môi trường, sinh thái biển, làm phức tạp tình hình, đe dọa an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới. Chính vì vậy, hành động này của Trung Quốc đã phải đối mặt với sự phản đối quyết liệt của Việt Nam, Phi-lip-pin...và phản ứng mạnh mẽ của ASEAN và cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước lớn. Thời gian tới, sau khi hoàn thành cải tạo các cấu trúc địa lý tại Biển Đông, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm thực thi mục tiêu chiến lược kiểm soát khu vực Biển Đông. Nếu tiến hành các hoạt động này, chắc chắn Trung Quốc sẽ vấp phải sự phản đối và biện pháp đấu tranh quyết liệt hơn của Việt Nam cùng các nước có yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và phản ứng mạnh mẽ hơn nữa của cộng đồng quốc tế./.

Tác giả TS. Lê Quý Quỳnh là  Vụ trưởng Vụ Biển, Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao; Trần Thị Phương Thảo là Chuyên viên Vụ Biển, Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao. Những quan điểm nêu trong bài là của riêng các tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của cơ quan nơi tác giả công tác. Bài viết được đăng lần đầu tiên trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế số 3 (102), tháng 9/2015.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Viện Biển Đông, Đánh giá về việc Trung Quốc xây dựng cải tạo đảo tại Trường Sa, Học viện Ngoại giao, tr.1.

2. Thanh Nga, “Tổng thống Australia lên án hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông”, http://kienthuc.net.vn/the-gioi-24h/tt-australia-len-an-hoat-dong-phi-phap-cua-tq-o-bien-dong-506865.html, tham khảo ngày 19/7/2015.

3. Anh Ngọc, “G7 lên án hoạt động bồi đắp ở Biển Đông”, online: Báo VnExpress, http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/g7-len-an-hoat-dong-boi-dap-o-bien-dong-3201791.html, tham khảo ngày 19/7/2015.

4. Nguyễn Hùng, “Biển Đông “nổi sóng” tại Đối thoại Shangri – La 2015”, Báo VOV, http://vov.vn/the-gioi/quan-sat/bien-dong-noi-song-tai-doi-thoai-shangrila-2015-404641.vov, tham khảo ngày 19/7/2015.

5. Trọng Giáp, “Tàu chiến Mỹ tiến gần nơi Trung Quốc bồi đắp ở Trường Sa”, online: VnExpress, http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tau-chien-my-tien-gan-noi-trung-quoc-boi-dap-o-truong-sa-3217604.html,  tham khảo ngày 20/7/2015.

6. Như Tâm, “Mỹ tố Trung Quốc xây 'vạn lý trường thành cát' ở Biển Đông”, Báo VnExpress, http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/my-to-trung-quoc-xay-van-ly-truong-thanh-cat-o-bien-dong-3175890.html, tham khảo ngày 19/7/2015.

7. An Bình, Tổng thống Mỹ lo ngại Trung Quốc "cậy thế nước lớn chèn ép nước nhỏ", Báo Dân trí, http://dantri.com.vn/the-gioi/tong-thong-my-lo-ngai-trung-quoc-cay-the-nuoc-lon-chen-ep-nuoc-nho-1057429.htm, tham khảo ngày 19/7/2015.

8. Dương Danh Huy, “Massive land building and international law”, Asia Maritime Transparency Initiative, http://amti.csis.org/mas sive-island-building-and-international-law/, tham khảo ngày 18/7/2015.

9. Carl Thayer, “No, China Is Not Reclaiming Land in the South China Sea”, The Diplomat, http://thediplomat.com/2015/06/no-china-is-not-reclaiming-land-in-the-south-china-sea/?utm_content=buffer78d8 &utm_medium=social&utm_source=facebook.com&utm_campaign=buffer, tham khảo ngày 18/7/2015.

 



[1] Viện Biển Đông, Đánh giá về việc Trung Quốc xây dựng cải tạo đảo tại Trường Sa, tr.1, Học viện Ngoại giao.

[2] Trung Quốc huy động nhiều máy móc các loại, ví dụ như tàu vận tải công suất lớn, tàu quốc Thiên Kình mở luồng, hút phun cát, cấp tập xây dựng trên bãi đá Huy Gơ (“Cận cảnh hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc ở Trường Sa”, http://www.doisong phapluat.com/the-gioi/the-gioi-24h/can-canh-hoat-dong-xay-dung-trai-phep-cua-trung-quoc-o-truong-sa-a50204.html, tham khảo ngày 18/7/2015); dùng các tàu nạo vét, hút cắt công suất lớn như Tian Jing Hao và Nina Hai Tuo để triển khai máy cắt công suất 4500 W với độ sâu lên đến 30m dưới đáy biển nhằm nạo vét, hút bùn đất từ đáy biển đưa lên bờ để cải tạo đất (Viện Biển Đông, Đánh giá về việc Trung Quốc xây dựng cải tạo đảo tại Trường Sa, tr.2, Học viện Ngoại giao).

[3] Dẫn lời đại diện Bộ Quốc phòng Phi-lip-pin, tướng Guillermo A. Molina, Phó tư lệnh Bộ tư lệnh phía Tây, Phi-lip-pin cho biết trong buổi làm việc với đoàn nhà báo đến từ 14 nước Thái Bình Dương về vấn đề Biển Đông. Xem thêm Hoàng Hường, “Tiết lộ quy mô xây dựng “choáng váng” của Trung Quốc”, http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/23 9946/tiet-lo-quy-mo-xay-dung--choang-vang--cua-tq.html, tham khảo ngày 14/7/2015.

[4] Hoàng Hường, “Tiết lộ quy mô xây dựng “choáng váng” của Trung Quốc”, http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/239946/tiet-lo-quy-mo-xay-dung--choang-vang--cua-tq.html, tham khảo ngày 14/7/2015.

[5]Mỹ tố Trung Quốc bồi đắp các đảo tại Trường Sa thêm 800 ha”, http://www.doisong phapluat.com/tin-the-gioi/my-to-trung-quoc-boi-dap-cac-dao-tai-truong-sa-them-800-ha-a93823.html, tham khảo ngày 18/7/2015.

[6] Như Tâm, “Trung Quốc đang mở rộng hai đảo ở Hoàng Sa”, http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/trung-quoc-dang-mo-rong-hai-dao-o-hoang-sa-3191506.html, 14/7/2015.

[7] Thái Trịnh, “Trung Quốc gấp rút mở rộng đảo ở Hoàng Sa của Việt Nam”, http://www.tienphong.vn/the-gioi/trung-quoc-gap-rut-mo-rong-dao-o-hoang-sa-cua-viet-nam-847988.tpo, tham khảo ngày 18/7/2015.

[8] Anh Ngọc, “Việt Nam phản đối Trung Quốc xây dựng ở Hoàng Sa, Trường Sa”, http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/viet-nam-phan-doi-trung-quoc-xay-dung-o-hoang-sa-truong-sa-3201733.html, tham khảo ngày 14/7/2015.

[9] Trần Khánh, “Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố sắp hoàn tất “cải tạo đảo” ở Biển Đông”, http://vov.vn/thegioi/trung-quoc-ngang-nhien-tuyen-bo-sap-hoan-tat-cai-tao-dao-o-bien-dong-407912.vov, tham khảo ngày 18/7/2015.

[10] Thảo Nguyên, “Trung Quốc tuyên bố hoàn thành cải tạo ở Trường Sa”, online: Báo Lao động, http://laodong.com.vn/the-gioi/trung-quoc-tuyen-bo-hoan-thanh-cai-tao-o-truong-sa-348024.bld, tham khảo ngày 18/7/2015.

[11] Chú thích số 1, tr.13.

[12] Như trên, tr.10.

[13] Như trên, tr.11.

[14] Như trên, tr.12-13.

[15] Việt Nam hiện nay nắm quyền kiểm soát tại 21 đảo, đá; Trung Quốc chiếm đóng 7 đảo, đá; Đài Loan chiếm 2 đảo, đá, (đảo Ba Bình và bãi cạn Bàn Than); Phi-lip-pin chiếm đóng 9 đảo, đá; Ma-lai-xi-a chiếm đóng 5 đảo, đá; Bru-nây không chiếm đóng đảo, đá nào. Xem Ban Tuyên giáo Trung ương, 100 câu hỏi đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam, Câu 23, tr.75-77.

[16] Hoạt động cải tạo của Việt Nam chỉ bằng 1,9% diện tích mà Trung Quốc xây dựng. Xem thêm Carl Thayer, “No, China Is Not Reclaiming Land in the South China Sea”, online: The Diplomat, http://thediplomat.com/2015/06/no-china-is-not-reclaiming-land-in-the-south-china sea/?utm_content=buffer278d8&utm_medium=social&utm_source= facebook.com&utm_campaign=buffer, tham khảo ngày 18/7/2015.

[17] Carl Thayer, “No, China Is Not Reclaiming Land in the South China Sea”, http://thediplomat.com/2015/06/no-china-is-not-reclaiming-land-in-the-south-china-sea/?utm_content=buffer278d8&utm_medium=social&utm_source=facebook.com&utm_campaign=buffer, tham khảo ngày 18/7/2015.

[18] Xem Chú thích số 2.

[19] Ngày 29/4/2014, tại Bắc Kinh, Viện Nghiên cứu chiến lược phát triển biển (thuộc Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc) cũng công bố “Báo cáo phát triển chiến lược biển Trung Quốc năm 2014” (China’s Ocean Development Report 2014), trong đó có phần về xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc biển. Đây là báo cáo chiến lược biển đầu tiên của ban lãnh đạo mới Trung Quốc Tập Cận Bình – Lý Khắc Cường. Xem thêm Nguyễn Hải Hoành, “Trung Quốc: Chiến lược trở thành cường quốc biển”, http://nghiencuuquocte.net/2015/03/17/trung-quoc-chien-luoc-cuong-quoc-bien/, tham khảo ngày 18/7/2015.

[20] Nguyễn Hải Hoành, “Trung Quốc: Chiến lược trở thành cường quốc biển”, http://nghiencuuquocte.net/2015/03/17/trung-quoc-chien-luoc-cuong-quoc-bien/, tham khảo ngày 18/7/2015.

[21] Viện Biển Đông, Đánh giá về việc Trung Quốc xây dựng cải tạo đảo tại Trường Sa, , Học viện Ngoại giao, tr.4.

[22] Yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc chưa bao giờ được nước này tuyên bố tọa độ chính xác. Tuy nhiên, vào năm 2009, Trung Quốc đã đệ trình Công hàm phản đối Báo cáo chung Ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam và Ma-lai-xi-a, trong đó lần đầu tiên Trung Quốc chính thức công khai yêu sách đường lưỡi bò với bản đồ mô phỏng đường này đính kèm. Trong tấm bản đồ đó, đường lưỡi bò có 9 đoạn và bao trọn hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và diện tích rộng lớn ở Biển Đông.

[23] Chuỗi đảo thứ nhất (từ phía nam Nhật Bản, qua Đài Loan và nuốt trọn biển Đông), chuỗi đảo thứ hai (từ miền Trung nước Nhật, qua đảo Guam của Mỹ và xuống tới vùng biển phía Đông Indonesia), chuỗi đảo thứ ba bao gồm đảo Hawaii của Mỹ. Tuy nhiên, phạm vi của những chuỗi đảo này chưa bao giờ được chỉ ra rõ ràng. Xem thêm Hàn Giang, “Trung Quốc cần ném bom uy hiếp “chuỗi đảo thứ hai”, Báo Một thế giới, http://motthegioi.vn/quoc-te/trung-quoc-can-may-bay-nem-bom-uy-hiep-chuoi-dao-thu-hai-207566.html, tham khảo ngày 18/7/2015.

[24] Chú thích số 1, tr.5.

[25] TS. Vũ Hải Đăng, “Hành vi “đảo hóa” của Trung Quốc đang hủy hoại nghiêm trọng môi trường Biển Đông”, http://nghiencuubiendong.vn/y-kien-va-binh-luan/4873-hanh-vi-dao-hoa-cua-trung-quoc-dang-huy-hoai-nghiem-trong-moi-truong-bien-dong, tham khảo ngày 19/7/2015.

[26] Như trên

[27] Vụ Cải tạo đất trong và xung quanh vịnh Johor giữa Ma-lai-xi-a và Xinh-ga-po , ITLOS, 2003.

[28] Dương Danh Huy, “Massive land building and international law”, Asia Maritime Transparency Initiative, http://amti.csis.org/massive-island-building-and-international-law/, tham khảo ngày 18/7/2015.

[29] Chú thích số 1, tr.4.

[30] Theo Chuẩn tướng Yuji Koda của Nhật Bản, xem thêm Viện Biển Đông, Đánh giá về việc Trung Quốc xây dựng cải tạo đảo tại Trường Sa, Học viện Ngoại giao, tr.5.

[31] Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng.

[32] Như trên.

[33] Công hàm số 132/HC - 2015 ngày 30/4/2015 và Công hàm số 156/HC – 2015 ngày 03/6/2015.

[34] Thủ tướng tham dự và phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN 26, Văn phòng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, http://vpcp.chinhphu.vn/Home/Thu-tuong-tham-du-va-phat-bieu-tai-Hoi-nghi-cap-cao-ASEAN-26/20154/15837.vgp, tham khảo ngày 19/7/2015.

[35] Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 26, Kuala Lumpur và Langkawi, 17/4/2015 - “Người dân của chúng ta, cộng đồng của chúng ta, tầm nhìn của chúng ta”, Đoạn 59-62, https://drive.google.com/file/d/0BwBHKu21l09scGV2QndE dWFsSWs/view?pli=1

[36] Chú thích số 35.

[37] An Bình, Tổng thống Mỹ lo ngại Trung Quốc "cậy thế nước lớn chèn ép nước nhỏ”, http://dantri.com.vn/the-gioi/tong-thong-my-lo-ngai-trung-quoc-cay-the-nuoc-lon-chen-ep-nuoc-nho-1057429.htm, tham khảo ngày 19/7/2015.

[38] Hải Ngọc - Phương Võ - Phạm Nghĩa, “Bộ trưởng Carter: Mỹ có quyền can dự vào biển Đông”, http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/bo-truong-carter-my-co-quyen-can-du-vao-bien-dong-20150530083430484.htm, tham khảo ngày 19/7/2015.

[39] Như Tâm, “Mỹ tố Trung Quốc xây 'vạn lý trường thành cát' ở Biển Đông”, http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/my-to-trung-quoc-xay-van-ly-truong-thanh-cat-o-bien-dong-3175890.html, tham khảo ngày 19/7/2015.

[40] Đăng Nguyễn, “Bộ Quốc phòng Mỹ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt mở rộng đảo Chữ Thập”, http://www.doisongphapluat.com/the-gioi/the-gioi-24h/bo-quoc-phong-my-yeu-cau-tq-cham-dut-mo-rong-dao-chu-thap-a70320.html, tham khảo ngày 19/7/2015.

[41] Kiệt Linh, “Trung Quốc hùng hổ với Mỹ trong vấn đề Trường Sa”, http://vnmedia. vn/VN/quoc-te/tin-tuc/trung-quoc-hung-ho-voi-my-trong-van-de-truong-sa-17-3186052.html, tham khảo ngày 19/7/2015.

[42] Sáng kiến này được Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry đưa ra tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) được tổ chức tại Nay Pyi Taw, Myanmar vào ngày 9/8/2014.

[43] Trọng Giáp,Tàu chiến Mỹ tiến gần nơi Trung Quốc bồi đắp ở Trường Sa”, http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tau-chien-my-tien-gan-noi-trung-quoc-boi-dap-o-truong-sa-3217604.html, tham khảo ngày 20/7/2015.

[44] Thời báo Hoàn cầu, ngày 30/1/2015;  Japan Times, ngày 19/4.

[45] Vũ Hợp, Mỹ - Nhật - Hàn cùng kêu gọi Trung Quốc kiềm chế trên biển Đông, online: Báo VOV, http://vov.vn/thegioi/my-nhat-han-cung-keu-goi-trung-quoc-kiem-che-tren-bien-dong-395451.vov, tham khảo ngày 19/7/2015.

[46] Biển Đông Tuần Qua (từ 13/4-19/4), Nghiên cứu Biển Đông, http://nghiencuu biendong.vn/bien-dong-tuan-qua/4823-bien-dong-tuan-qua, tham khảo ngày 19/7/2015.

[47] Thanh Nga, “Tổng thống Australia lên án hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông”, http://kienthuc.net.vn/the-gioi-24h/tt-australia-len-an-hoat-dong-phi-phap-cua-tq-o-bien-dong-506865.html, tham khảo ngày 19/7/2015.

[48] Anh Ngọc, “G7 lên án hoạt động bồi đắp ở Biển Đông”, http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/g7-len-an-hoat-dong-boi-dap-o-bien-dong-3201791.html, tham khảo ngày 19/7/2015.

[49] Nguyễn Hùng, “Biển Đông “nổi sóng” tại Đối thoại Shangri – La 2015”, online: Báo VOV, http://vov.vn/the-gioi/quan-sat/bien-dong-noi-song-tai-doi-thoai-shangrila-2015-404641.vov, tham khảo ngày 19/7/2015.

[50] “Biển Đông dậy sóng tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á”, Báo Diemtin365.com, http://www.diemtin365.com/bien-dong-day-song-tai-hoi-nghi-thuong-dinh-an-ninh-chau-a-12114.html, tham khảo ngày 19/7/2015.