Th.S. Lê Như Mai[1]

            Tóm tắt

            Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng chủ động và lấn lướt ở Biển Đông, không loại trừ khả năng nước này sẽ chiếm mới các thực thể tại đây khi có các điều kiện thuận lợi. Bài viết phân tích tình hình vào thời điểm nổ ra Hải chiến Hoàng Sa (1974), cuộc tấn công ở Trường Sa (1988), sự kiện Đá Vành Khăn (1995) và sự kiện Bãi cạn Scarborough (2012) để rút ra các điều kiện đã thúc đẩy Trung Quốc tấn công giành quyền kiểm soát thực tế đối với các thực thể ở Biển Đông trong quá khứ. Theo đó, Trung Quốc đã khởi sự khi không có sự can thiệp của các chủ thể bên ngoài và sự chú ý của dư luận quốc tế, thấy được khả năng tận dụng điều kiện thời tiết, chớp thời cơ so sánh lực lượng đang có lợi cho Trung Quốc trong bối cảnh chính trị nội bộ bất ổn và tạo cớ biện minh cho hành động của mình.

            Từ khóa: Hoàng Sa, Trường Sa, Vành Khăn, Scarborough, Biển Đông, Trung Quốc

Mở đầu

            Trong tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc là chủ thể có các hoạt động hung hăng và gây hấn nhiều nhất. Điều này đã làm dấy lên nhiều lo ngại cho các nước yêu sách khác ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam, rằng Trung Quốc có thể tiếp tục chiếm thêm các thực thể ở vùng biển này để củng cố thêm sức mạnh và vị thế lấn át các bên tranh chấp còn lại của Trung Quốc. Những lo ngại này là có cơ sở vì Trung Quốc hiện đã có khả năng (có sức mạnh hải quân vượt trội hơn hẳn các nước yêu sách khác) và ý đồ (được các chuyên gia nhận định là tham vọng kiểm soát Biển Đông) để chiếm mới các thực thể ở Biển Đông, chỉ cần cơ hội thuận lợi, thời điểm thích hợp để hành động. Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích các vụ việc Trung Quốc chiếm các thực thể ở Biển Đông như Hải chiến Hoàng Sa (1974), cuộc tấn công ở Trường Sa (1988), sự kiện Đá Vành Khăn (1995) và sự kiện Bãi cạn Scarborough (2012), có thể tìm ra những quy luật nhất định về tập hợp các điều kiện tạo cơ hội thuận lợi cho Trung Quốc khởi sự. Đây sẽ là cơ sở để phán đoán thời điểm Trung Quốc hành động chiếm mới các thực thể ở Biển Đông để từ đó Việt Nam ra các đối sách tương ứng nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.

            Hải chiến Hoàng Sa (1974)

            Trong Hải chiến Hoàng Sa năm 1974, Trung Quốc đã đụng độ với Hải quân Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Giao tranh giữa hai bên diễn ra quyết liệt và sau cùng quân của VNCH đã rút lui, Trung Quốc chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ đó đến nay.[2] Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc có động thái chiếm thực thể ở quần đảo Hoàng Sa. Trước đó, năm 1956, Trung Quốc đã chiếm nhóm đảo An Vĩnh (phía Đông Hoàng Sa) (quân đội Đài Loan cũng đã chiếm đảo Ba Bình, đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa vào tháng 10 cùng năm). Đến năm 1959, quân đội VNCH khi đang chiếm đóng nhóm đảo Lưỡi Liềm ở phía Tây Hoàng Sa đã phát hiện và bắt giữ một số lính Trung Quốc đóng giả ngư dân bí mật đổ bộ lên các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Hòa để nhằm đánh chiếm nốt nhóm Lưỡi Liềm. Đến những năm 1970-1971, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã cho xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự bí mật ở nhóm An Vĩnh mà nước này đã chiếm đóng.[3]

            Vào thời điểm Trung Quốc tiến hành Hải chiến Hoàng Sa, có những điều kiện đã tạo cơ hội thuận lợi cho nước này để khởi sự như sau:

1. Hai siêu cường Mỹ và Liên Xô không can thiệp: Cuộc chiến này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Liên Xô bước vào thời kỳ hòa dịu sau Khủng hoảng Tên lửa Cuba 1962. Ở giai đoạn này, Mỹ và Liên Xô tăng cường đối thoại và đàm phán giải trừ quân bị, giảm đối đầu với nhau và tập trung hơn vào việc giải quyết các khó khăn nội bộ. Về phía Mỹ, thất bại trong Chiến tranh Việt Nam và các bất ổn chính trị bên trong do vụ bê bối Watergate gây ra khiến nước này buộc phải giảm can dự vào Đông Dương, dần bỏ rơi chính quyền Sài Gòn ở miền Nam Việt Nam: Tháng 06/1973, Quốc hội Mỹ ban hành đạo luật Case-Church cấm Chính phủ tái can thiệp quân sự vào ba nước Đông Dương trừ khi Lưỡng viện Quốc hội chấp thuận; Sau Hiệp định Paris năm 1973, Mỹ cũng cắt giảm hỗ trợ quân sự cho chính quyền Sài Gòn từ 1.4 tỷ USD năm 1972 xuống 1 tỷ năm 1973 và 700 triệu năm 1974. Về phía Liên Xô, nước này cũng đang phải vất vả đối phó với những rạn nứt nghiêm trọng trong nội bộ khối xã hội chủ nghĩa với những biểu hiện tiêu biểu như phân liệt Xô - Trung hay sự kiện “Mùa xuân Praha” năm 1978. Thập kỷ 70 cũng là giai đoạn chứng kiến cái bắt tay giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm chống lại Liên Xô, để từ đó hình thành nên tam giác Mỹ – Xô – Trung.

Trên thực tế, sự không can thiệp của Mỹ đã được Trung Quốc bảo đảm bằng cách thỏa thuận trực tiếp với Mỹ trong Thông cáo chung Thượng Hải năm 1972: Mỹ có thể ném bom miền Bắc Việt Nam và Trung Quốc sẽ không can thiệp, đổi lại thì Mỹ có thể làm ngơ trước việc Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông năm 1974.[4] Nếu không có sự làm ngơ của Mỹ, có thể nói rằng Trung Quốc sẽ khó tiến hành Hải chiến Hoàng Sa bởi trước đó, trong suốt thời kỳ 1959-1973, xung quanh quần đảo này đều có hải quân Mỹ hoạt động thường xuyên.[5] Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng chủ động xây dựng hình ảnh “sử dụng vũ lực vì mục đích tự vệ” trên thực tế để giảm nguy cơ can thiệp của Mỹ và Liên Xô: Ra lệnh cho Hải quân Trung Quốc (PLAN) không được nổ súng trước, tiến hành các hoạt động khiêu khích như thả neo tại đảo Hữu Nhật, nhanh chân chiếm giữ và cắm cờ của mình tại các đảo như Duy Mộng, Quang Hòa rồi khi quân của VNCH đến thì nổ súng cảnh báo không cho đối phương tiếp cận đảo… Từ đó buộc VNCH phải nổ súng tấn công phía Trung Quốc trước để giành lại đảo.[6]  

2. Trung Quốc có thời cơ để tiến đánh trước khi thời tiết chuyển biến xấu: Trung Quốc đã xem xét kỹ tình hình thời tiết nhằm đảm bảo thành công cho hải chiến với VNCH bởi đây là trận đánh xa bờ đầu tiên của PLAN với một đối thủ bên ngoài. Trung Quốc đã chủ động có những dấu hiệu khiêu khích VNCH trước để tranh thủ hành sự trước khi bão Đông Bắc sóng cồn (tốc độ gió giật 40 hải lý/giờ) nổi lên,[7] nếu muộn hơn thì việc xuất quân sẽ không thuận lợi.

3. VNCH đang rơi vào tình thế cô độc, bất lợi: Trước khi tiến hành Hải chiến Hoàng Sa 1974, Trung Quốc đã thấy được tình cảnh của VNCH lúc đó: Bị đồng minh Mỹ bỏ rơi, lại cần tập trung lực lượng chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) ở đất liền với nhiều hạn chế về quân sự. Khi cuộc hải chiến diễn ra, mặc cho Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã nhiều lần thông báo tình hình và kêu gọi yểm trợ của phía Mỹ với Đại sứ quán Mỹ, Mỹ đã không có động thái hỗ trợ nào. Hạm đội 7 của Mỹ, lúc đó đang ở Philippines, đã nhận được nghiêm lệnh là không được có bất kỳ hành động can thiệp nào vào Hải chiến Hoàng Sa. Hải đoàn 77 của hải quân Mỹ ở ngoài khơi Việt Nam, gần với đảo Hải Nam (Trung Quốc) và Hoàng Sa cũng đã làm ngơ, dù hải đoàn này có các tàu sân bay và chiến hạm yểm trợ đủ sức kiểm soát không phận, hải phận và hoạt động của các tàu ngầm trong Vịnh Bắc Bộ.[8] Bản thân VNCH tuy vẫn đang chiếm đóng nhóm đảo Lưỡi Liềm ở phía Tây Hoàng Sa nhưng đã phải rút dần các lực lượng đồn trú tại đây để dồn về đất liền chiến đấu với VNDCCH. Trang bị quân sự của VNCH thì còn yếu kém, cũ kỹ, thiếu nhiên liệu, gây cản trở cho việc phối hợp giữa các lực lượng khi chiến đấu trên thực địa.[9]

4. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) dành ưu tiên cao hơn cho mục tiêu thống nhất đất nước: Sau khi Hiệp định Paris năm 1973 được ký kết, Việt Nam vẫn ở trong tình trạng bị chia cắt với chính quyền VNDCCH ở miền Bắc và chính quyền VNCH ở miền Nam. Vào thời điểm đó, VNDCCH – được chính đồng minh phe xã hội chủ nghĩa là Trung Quốc viện trợ trong chiến tranh, đang dồn sức chuẩn bị cho giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước; trong khi đó phía VNCH cũng đang tập trung lực lượng để chống VNCH. Vì thế, đối với VNDCCH, việc thống nhất đất nước trở nên cấp bách hơn việc giành quyền kiểm soát thực tế đối với quần đảo Hoàng Sa.

5. Trung Quốc có lợi thế về khoảng cách địa lý: Do đã chiếm đóng được nhóm đảo An Vĩnh ở phía Đông quần đảo Hoàng Sa nên Trung Quốc có thể dễ dàng lấy An Vĩnh làm điểm tựa để tiến công sang phía Tây Hoàng Sa. Bên cạnh đó, đảo Hải Nam của Trung Quốc cũng gần Hoàng Sa hơn so với Việt Nam,[10] nhờ đó có thể điều quân tiếp viện từ Hải Nam đến chiến trận ở Hoàng Sa một cách nhanh chóng. Ngày 16/01/1974, Bộ Tư lệnh Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đã ra lệnh cho hai tàu săn ngầm lớp Kronstadt đóng tại đảo Hải Nam chở lực lượng dân quân biển ra Hoàng Sa để tập trung binh lực.[11] Trong cuộc đấu pháo ở đảo Quang Hòa với VNCH, Trung Quốc cũng đã nắm ưu thế áp đảo nhờ lực lượng tăng viện (yểm trợ không quân) triển khai từ đảo Hải Nam.[12]

6. Bất ổn chính trị nội bộ gây sức ép khiến Trung Quốc phải đẩy áp lực dư luận trong nước ra bên ngoài: Vào thời điểm đó, cuộc khủng hoảng dầu lửa do các nước Trung Đông phát động năm 1973 đã khiến Trung Quốc gặp khó khăn và phải tìm đến dầu khí xa bờ. Bắt đầu từ tháng 12/1973, Trung Quốc đã cho khoan giếng dầu trên đảo Phú Lâm (đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa). Ngoài ra, Cách mạng Văn hóa do Chủ tịch Mao Trạch Đông phát động đã gây ra những hậu quả nặng nề cho nước này, cũng như làm trầm trọng thêm mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ. Hải quân Trung Quốc trong giai đoạn này cũng trong tình trạng suy yếu nặng nề. Thập kỷ 70 cũng là giai đoạn nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình chuẩn bị lên thay Mao Trạch Đông để tiếp quản mọi việc và tập trung xây dựng thế lực của mình trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình cũng phải tiếp quản cả chiến dịch Hoàng Sa đang dang dở của Mao Trạch Đông mà trước đó Trung Quốc đã chiếm được phía Đông Hoàng Sa vào năm 1956. Bối cảnh nội bộ rắc rối như trên đòi hỏi Trung Quốc phải tìm nguồn dầu khí mới và hướng sự chú ý của dư luận trong nước ra bên ngoài thông qua kích động chủ nghĩa dân tộc và lòng yêu nước bằng chiến tranh.

7. Đài Loan gián tiếp giúp đỡ Trung Quốc: Trước khi khởi sự, Trung Quốc đã đạt thỏa thuận ngầm trong đó Đài Loan đồng ý hỗ trợ Trung Quốc trong cuộc chiến, bởi dù đối đầu nhau gay gắt, Trung Quốc và Đài Loan đều đồng thuận rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của người Trung Quốc; đồng thời sự làm ngơ của Mỹ cũng tác động đến thái độ của Đài Loan. Trên thực tế, tàu ngầm của Trung Quốc đã được phép đi qua eo biển Đài Loan (con đường ngắn nhất dẫn đến Hoàng Sa)  mặc dù trước đó Đài Loan luôn phản đối và Mỹ cũng dùng Hạm đội 7 để ngăn cản Trung Quốc đi qua đây.[13]

            Cuộc tấn công ở Trường Sa (1988)

Cuộc tấn công ở Trường Sa do Trung Quốc phát động nổ ra năm 1988. Ngày 14/03/1988, Trung Quốc đã tấn công vũ trang vào ba bãi đá không có quân đội Việt Nam đồn trú và đang xây dựng công trình là đá Cô Lin, đá Len Đao và đá Gạc Ma, sau đó hạ cờ Việt Nam cắm ở đá Gạc Ma. Trước đó, các tàu vận tải của Việt Nam được lệnh đưa công binh và các chiến sĩ ra quần đảo Trường Sa để xây dựng cụm đảo chìm Gạc Ma. Khi các chiến sĩ đang chuyển vật liệu lên đá Gạc Ma thì Trung Quốc đã điều tàu đến ngăn cản, xả súng vào phía ta.[14] Cuộc chiến kết thúc với kết quả là Trung Quốc chiếm đóng được đá Gạc Ma.[15]

Trong cuộc tấn công ở Trường Sa, có thể rút ra một vài điều đáng chú ý về các tính toán của Trung Quốc trước khi khởi sự như sau:

1. Mỹ và Liên Xô nhiều khả năng không can thiệp: Chiến tranh Lạnh lúc đó đang đi đến hồi kết. Hai siêu cường đều có nhu cầu làm giảm căng thẳng trong quan hệ song phương và tập trung vào giải quyết các vấn đề nội bộ. Về phía Mỹ, sức mạnh của nước này đã suy giảm đi nhiều do sức cạnh tranh ngày càng tăng của đồng minh Nhật Bản và Tây Âu trong lĩnh vực kinh tế, cũng như do Mỹ đã đẩy mạnh chạy đua vũ trang trở lại với Liên Xô vào nửa đầu thập niên 80. Cuộc chạy đua này chỉ có dấu hiệu giảm xuống khi vào năm 1985, Gorbachev, một người có lập trường hòa giải với Mỹ và chủ trương kết thúc Chiến tranh Lạnh, được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Về phía Liên Xô, sau gần 10 năm sa lầy ở Afghanistan sau khi đưa quân vào đây năm 1979, Liên Xô đang phải tiến hành cải tổ cả về kinh tế lẫn chính trị, đối mặt với các khó khăn trong quan hệ với phương Tây, và đang muốn bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Liên Xô lúc đó, ông Gorbachev, đang dành ưu tiên rất lớn cho công cuộc cải tổ đất nước nên không muốn quan hệ với Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng. Trong chính sách đối ngoại nói chung, Gorbachev cắt giảm triển khai quân đội ở bên ngoài lãnh thổ, đánh dấu sự suy giảm nghiêm trọng trong sự ủng hộ của Liên Xô đối với Việt Nam.[16] Vào năm 1988, cả Việt Nam lẫn Liên Xô đều đang trong quá trình đàm phán bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc do Việt Nam đang cần phá thế bị bao vây, cô lập, còn Liên Xô cũng cần có môi trường hòa bình, ổn định xung quanh để tập trung vào cải tổ kinh tế và chính trị nội bộ (Liên Xô có tới khoảng 7,000 km biên giới chung với Trung Quốc). Trên thực tế, hải quân Liên Xô ở Cam Ranh vào thời điểm diễn ra cuộc tấn công ở Trường Sa đã không có động thái can dự nào.[17] [18]  

2. Dư luận quốc tế đang chú ý vào vấn đề Campuchia: Phía Việt Nam đã bắt đầu rút quân khỏi Campuchia từ năm 1986, quan hệ Việt Nam – ASEAN nhờ đó bắt đầu được cải thiện dần. Điều dư luận quốc tế rất quan tâm lúc đó là các biện pháp giải quyết vấn đề.[19] Tiến đánh Trường Sa năm 1988 là thời điểm thích hợp cho Trung Quốc vì Việt Nam chưa hoàn thành việc rút quân (trên thực tế đã rút hết hoàn toàn vào năm 1989) và vẫn đang trong tình trạng bị bao vây, cô lập. Tranh thủ khi quan hệ Việt Nam – ASEAN chưa giảm căng thẳng hẳn, Trung Quốc có thể hành động ở Trường Sa nhằm phòng ngừa trước sự phản đối của các nước trong khu vực.

3. Việt Nam đang ở tình thế khó khăn cả trong lẫn ngoài: Ở trong nước, Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội dù đã cải thiện ít nhiều sau hai năm thực hiện công cuộc Đổi mới từ Đại hội Đảng lần thứ VI. Ở bên ngoài, cả Mỹ, phương Tây, Trung Quốc và ASEAN cùng bao vây, cô lập Việt Nam về ngoại giao và kinh tế vì vấn đề Campuchia. Ngoài ra, các vấn đề như thuyền nhân, cải cách công thương nghiệp đối với Hoa kiều cuối thập kỷ 70 cũng làm suy giảm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

4. Bất ổn chính trị nội bộ gây sức ép khiến Trung Quốc phải đẩy áp lực dư luận trong nước ra bên ngoài: Từ năm 1984 đến năm 1991, công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc bước vào giai đoạn quyết định với các cuộc đấu đá nội bộ diễn ra quyết liệt giữa hai phe bảo thủ và cải cách trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Để cải thiện uy tín và tính chính danh cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong lòng người dân, Trung Quốc cần thành công trong một cuộc chiến về lãnh thổ chủ quyền, và lựa chọn lúc đó là cuộc tấn công ở Trường Sa.

Sự kiện đá Vành Khăn (1995)

Trước khi xảy ra sự kiện, Philippines là quốc gia kiểm soát thực tế đá này. Giữa năm 1994, Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống ra-đa cảnh báo sớm ở bãi Chữ Thập và một số công trình ở trên dải đá ngầm Vành Khăn. Xung đột giữa Philippines và Trung Quốc xảy ra khi vào tháng 02/1995, Philippines phát hiện Trung Quốc đang cho xây dựng một hệ thống trú phòng trên một hệ thống cột trụ vững chắc và bố trí 8 tàu hải quân xung quanh đá Vành Khăn,[20] nên đã ra lệnh cho các lực lượng vũ trang giám sát đá này.[21] Những căng thẳng ngoại giao và quân sự sau đó giữa Philippines và Trung Quốc xung quanh đá Vành Khăn đã gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài từ năm 1995 đến 1998. Hiện tại, Trung Quốc đã xây dựng xong một đường băng và cho thử nghiệm máy bay tại đá Vành Khăn.[22]

            Có thể rút ra một số điểm cơ bản trong tính toán của Trung Quốc khi khởi sự trong sự kiện đá Vành Khăn như sau:

1. Các nước lớn đều thờ ơ với vấn đề Biển Đông: Sự kiện nổ ra vào thời điểm Mỹ và Nga giảm hiện diện quân sự ở khu vực. Ngày 24/11/1992, theo đề nghị của Thượng Nghị viện Philippines, Mỹ rút khỏi căn cứ quân sự ở Vịnh Subic, một trong những cảng nước sâu tốt nhất ở Viễn Đông. Trước đó, Mỹ cũng đóng cửa căn cứ không quân Clark ở nước này. Về phía Liên Xô, vào tháng 12/1991, Liên Xô tan rã, nước Nga kế thừa vẫn còn yếu kém, quan tâm đến các cải cách nội bộ hơn là duy trì ảnh hưởng của họ ở bên ngoài. Chi tiêu quốc phòng của Nga thời kỳ này không bằng 10% tổng chi tiêu quốc phòng của Mỹ. Ngoài lực lượng vũ khí chiến lược hùng hậu chủ yếu dùng để răn đe và phòng thủ, Nga không có khả năng triển khai các lực lượng quân sự thông thường ở bên ngoài lãnh thổ như Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Vì vậy, Nga đã rút các lực lượng hải quân của mình khỏi Vịnh Cam Ranh của Việt Nam vào năm 2001.[23]

Bên cạnh đó, Nhật Bản và Ấn Độ vẫn còn nhiều mối bận tâm khác sát sườn hơn vấn đề Biển Đông. Nhật Bản có lợi ích chiến lược trong việc duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông với 75% nhu cầu năng lượng của Nhật Bản nhập khẩu từ Trung Đông phải đi qua Biển Đông.[24] Tuy nhiên, ảnh hưởng của Nhật ở Đông Nam Á chủ yếu vẫn duy trì trong lĩnh vực kinh tế. Theo Hiến pháp, Lực lượng Phòng vệ của Nhật Bản cũng không có quyền tiến hành chiến tranh và triển khai các hoạt động quân sự biên ngoài lãnh thổ. Nhật Bản lại lệ thuộc vào Mỹ để đảm bảo an ninh cho mình và còn cần chú trọng tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc biển Hoa Đông với Trung Quốc hơn vấn đề Biển Đông. Ấn Độ thì chủ yếu vẫn quan tâm đến Nam Á; và việc Trung Quốc có thể chuyển giao công nghệ tên lửa cho Pakistan (Ấn Độ và Pakistan có tranh chấp biên giới lãnh thổ xung quanh vùng Kashmir).[25]

            2. ASEAN phản ứng còn dè chừng trong vấn đề Biển Đông: ASEAN thời điểm đó không có cách tiếp cận thống nhất về mối đe dọa Trung Quốc, chưa tập hợp được đầy đủ 10 nước Đông Nam Á và có vai trò, vị thế như hiện nay. Lần đầu tiên ASEAN chính thức đưa ra phản ứng chung của cả khối về vấn đề Biển Đông là vào tháng 07/1992 tại Manila, Philippines khi Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ra tuyên bố chung kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực. Tuyên bố này được đưa ra như là phản ứng của ASEAN trước sự hung hăng và xu hướng đối đầu ngày càng gia tăng trong hành xử của Trung Quốc tại Biển Đông thời điểm đó. Tuy nhiên, ASEAN lúc này mới chỉ có 6 thành viên (gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Brunei), trong đó Việt Nam - một bên yêu sách quan trọng trong vấn đề Biển Đông - chưa gia nhập khối.[26] Khi sự kiện đá Vành Khăn diễn ra, Philippines đã phải nỗ lực đấu tranh để ASEAN có thể ra các tuyên bố mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tháng 03/1995 và sau đó là ra “Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về các diễn biến gần đây ở Biển Đông” (18/03/1995), bày tỏ quan ngại và kêu gọi các bên kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.[27] Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tháng 07/1995 cũng nhắc lại tuyên bố này. Mặc dù vậy, ASEAN đã không đề cập đích danh Trung Quốc trong Thông cáo chung.[28]

            3. Trung Quốc lợi dụng yếu tố thời tiết: Nhân lúc có bão trên biển, khi hải quân Philippines buộc phải rời đá Vành Khăn tránh bão vào năm 1994, Trung Quốc đã tiếp cận và chiếm đóng đá này.[29] Sau khi trở lại, hải quân Philippines đã bất ngờ trước sự hiện diện của Trung Quốc tại đây và bị đặt vào tình thế “sự đã rồi” hết sức bị động.

4. Philippines lơ là cảnh giác với Trung Quốc: Trung Quốc chiếm đá Vành Khăn trong bối cảnh Philippines có quan điểm khá tích cực về nước này. Tuy hai bên có tranh chấp ở bãi cạn Scarborough nhưng Trung Quốc không có lịch sử đối đầu quân sự với Philippines. Trong suốt những năm 70, Philippines theo đuổi chính sách hòa hoãn và ưu tiên phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Vì vậy, quan hệ Trung Quốc - Philippines phát triển tương đối độc lập với quan hệ Mỹ - Philippines trong thập kỷ 1970 và 1980. Trước năm 1995, tranh chấp biển đảo không phải là vấn đề chính trong quan hệ Trung Quốc - Philippines. Dù phần nào e ngại về các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Philippines cũng không nhận định Trung Quốc là mối đe dọa trước mắt (imminent threat). Hầu hết các chính trị gia, quan chức chính phủ và học giả Philippines đều có nhìn nhận tích cực về Trung Quốc trên cơ sở lịch sử bang giao hữu hảo và quan hệ kinh tế ngày càng phát triển giữa hai nước. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đưa ra các đảm bảo chính trị giải quyết tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ giữa hai nước bằng các biện pháp hòa bình, “gác tranh chấp, cùng khai thác”.[30] Bởi vậy, Philippines đã thực sự bất ngờ trước việc Trung Quốc hành động chiếm đá Vành Khăn.

            5. Philippines đang ở tình thế bất lợi: Philippines là bên bị động và yếu thế hơn Trung Quốc (cả về kinh tế và quân sự). Quân đội Philippines lúc đó vẫn còn yếu kém và không có sự trợ giúp đáng kể của các cường quốc khác. Philippines hoàn toàn lệ thuộc vào ô bảo hộ an ninh của Mỹ (theo Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ Mỹ - Philippines năm 1951), nên nước này không tập trung đầu tư phát triển quốc phòng trong nước để đối phó với các mối đe dọa bên ngoài. Thay vào đó, quân đội của Philippines được sử dụng để đối phó với các lực lượng nổi dậy và các phong trào ly khai trong nước. Do đó, hải quân và không quân hầu như không có điều kiện để phát triển. Bên cạnh đó, sau lệnh thiết quân luật của Tổng thống Marcos, vai trò của quân đội Philippines bị chính trị hóa: Quân đội trở thành lực lượng bảo vệ chế độ, nghe mệnh lệnh của Chính phủ.[31] Vì vậy, sau khi các lực lượng của Mỹ rút khỏi Philippines đầu những năm 1990, chính quyền Philippines đứng trước nhiệm vụ cấp bách là hiện đại hóa và tăng cường các lực lượng vũ trang nhưng gặp khó khăn do: (i) Khả năng kinh tế yếu kém; (ii) Quân đội Philippines mất uy tín trong nhân dân; (iii) Quốc hội và nhân dân Philippines không nhận thức rõ các mối đe dọa từ bên ngoài sau khi Mỹ rút quân đội khỏi nước này.[32]

            6. Nhà lãnh đạo hạt nhân của Trung Quốc tìm cách củng cố quyền lực qua vấn đề chủ quyền lãnh thổ: Để củng cố quyền lực của mình, nhà lãnh đạo Trung Quốc khi đó là Giang Trạch Dân nỗ lực giành sự ủng hộ của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và các phe phái bảo thủ trong chính quyền bằng cách theo đuổi chính sách cứng rắn hơn đối với các vấn đề chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ như vấn đề Biển Đông, Đài Loan (bởi như vậy sẽ kích động tinh thần dân tộc và yêu nước trong nhân dân). Chính sách này của Giang Trạch Dân thể hiện rõ nét không chỉ qua sự kiện đá Vành Khăn (bắt đầu từ năm 1995), mà còn qua Khủng hoảng eo biển Đài Loan lần 3 (1996)[33] (PLA đặc biệt ủng hộ việc phóng tên lửa trong thời gian diễn ra bầu cử lãnh đạo Đài Loan tháng 03/1996).

            Sự kiện bãi cạn Scarborough (2012)

Đụng độ Trung Quốc - Philippiness ở bãi cạn Scarborough là cuộc đối đầu trên Biển Đông kéo dài nhất trong hai thập kỷ qua (diễn ra trong gần 3 tháng). Trước khi vụ việc này diễn ra, các vụ đụng độ tương tự tại bãi cạn cũng đã xảy ra vào những năm 90 và đầu thập niên 2000 giữa Trung Quốc và Philippines. Hải quân Philippines từng bắt giữ các ngư dân Trung Quốc đi tàu vào bãi cạn này. Hai nước cũng không duy trì sự hiện diện thường trực của mình tại bãi cạn. Ngày 08/04/2012, Philippines phát hiện một số tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép cá tại bãi cạn nên chuẩn bị bắt giữ và bị các tàu của Trung Quốc ngăn cản. Tháng 06/2012, Philippines rút các tàu của mình khỏi bãi cạn do ảnh hưởng xấu của cơn bão Gutchol, tuyên bố rằng đây là thỏa thuận cùng rút tàu của cả Philippines và Trung Quốc, nhưng phía Trung Quốc phủ nhận. Sau đó Trung Quốc đã điều thêm tàu đến bãi cạn và kiểm soát thực tế bãi cạn từ đó đến nay.[34]

Trong vụ đụng độ tại bãi cạn Scarborough, có thể rút ra một số điều về các tính toán chuẩn bị khởi sự của Trung Quốc như sau:

            1. Mỹ dưới Chính quyền Obama chần chừ, mập mờ đối với vấn đề Biển Đông của Philippines: Trong khi cam kết tôn trọng Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 ký với Philippines, Mỹ không nêu rõ bãi cạn Scarborough có nằm trong phạm vi bảo vệ của Mỹ hay không. Thêm vào đó, Mỹ tuy tăng cường hỗ trợ quân sự và ngoại giao cho Philippines do lo ngại hành xử cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông nhưng vẫn duy trì lập trường trung lập đối với các yêu sách về chủ quyền của các bên, trong đó có Philippines.

            2. Trung Quốc lợi dụng yếu tố thời tiết: Nhân lúc có bão Gutchol trên biển, Trung Quốc đã cùng với Philippines thỏa thuận rằng hai bên đồng thời rút quân, nhưng trên thực tế đã không rời đi và ngăn các lực lượng của Philippines quay lại.[35] Theo hình ảnh từ máy bay trinh sát của Philippines, tàu cá và tàu chính phủ của Trung Quốc đã hiện diện xung quanh đầm phá của bãi cạn Scarborough (dù Trung Quốc đã tuyên bố rút toàn bộ tàu). Phía Trung Quốc cũng đã xây dựng một rào chắn tại lối vào nhỏ hẹp của bãi cạn, cử các tàu chấp pháp canh gác để ngăn tàu Philippines trở lại đây.

            3. Trung Quốc có sức mạnh kinh tế - quân sự hàng đầu châu Á: Trung Quốc khi đó đã trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới từ năm 2010 và là quốc gia có lực lượng hải quân hùng mạnh nhất châu Á. Kể từ năm 2009, Trung Quốc đã xây dựng một lực lượng hải quân lớn mạnh để hậu thuẫn cho các tuyên bố chủ quyền của mình. So với thời điểm diễn ra sự kiện đá Vành Khăn, có thể nói là sức mạnh kinh tế và hải quân của Trung Quốc đã hoàn toàn khác xa.

            4. Về tương quan lực lượng, Philippines yếu thế hơn Trung Quốc: Về quân sự, cũng giống thời kỳ sự kiện đá Vành Khăn, lực lượng hải quân của Philippines thuộc hàng yếu kém nhất trong khu vực; lực lượng không quân không đủ năng lực tuần tra và giám sát vùng lãnh hải rộng lớn của nước này. Về chính trị, chỉ sau vài tháng nhậm chức Tổng thống năm 2010, ông Benigno Aquino III đã thách thức Trung Quốc ở Biển Đông với các động thái như chuyển trọng tâm của Lực lượng Vũ trang Philippines từ tập trung vào an ninh nội địa sang phòng vệ bên ngoài, vận động sự ủng hộ ngoại giao và quân sự từ Mỹ để đối trọng lại Trung Quốc). Chính sách cứng rắn với Trung Quốc của Philippines đã dẫn đến tình trạng xấu đi nghiêm trọng trong quan hệ Trung Quốc - Philippines. Tuy vậy, đối với Trung Quốc, chính sách cứng rắn của Philippines chưa có tính răn đe cao bởi với lực lượng quân sự yếu kém, Philippines cuối cùng sẽ tìm cách tránh đối đầu quân sự trực tiếp với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp.[36]

            5. Trung Quốc tìm được kẽ hở để bất nhất trong lời nói và hành động, tìm cớ biện minh cho hành động của mình: Trung Quốc đã tích cực hành động theo hướng tỏ ra là “tự vệ” trong vụ việc này nhằm chứng tỏ với cộng đồng quốc tế rằng Trung Quốc không phải là một nước lớn bắt nạt các nước vừa và nhỏ, từ đó tránh phản ứng gay gắt của dư luận thế giới và không tạo ra phản ứng lớn từ các cường quốc. Trên thực tế, Trung Quốc đã tìm cách khiêu khích Philippines để không là bên tấn công trước, sử dụng lực lượng dân sự trong hành pháp hàng hải, không dùng hải quân. Các tàu của Trung Quốc hầu hết đều không trang bị vũ khí (hàm ý “dùng để khẳng định sự hiện diện, không dùng để chiến đấu).[37] Về việc điều tàu đến bãi cạn Scarborough, Trung Quốc cũng tuyên bố đó là hành động “đưa tàu đến hỗ trợ người dân rút đi trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt”.[38]

            Kết luận

            Trên cơ sở xem xét 4 vụ việc từ Hải chiến Hoàng Sa (1974) cho đến sự kiện Bãi cạn Scarborough (2012), có thể rút ra kết luận sơ bộ về các điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc chiếm các thực thể ở Biển Đông trong lịch sử như sau:

1. Sự không can thiệp của các chủ thể bên ngoài (các nước lớn và các tổ chức đa phương khu vực/quốc tế): Trong đó, các nước lớn là chủ thể mà Trung Quốc đặc biệt lưu tâm. Trước khi khởi sự, về cơ bản Trung Quốc sẽ xem xét chính sách Biển Đông của các nước này thế nào, Biển Đông có vị trí quan trọng đối với họ không, sự hiện diện quân sự ở Biển Đông của họ mạnh mẽ hay không đáng kể. Đây là điều kiện tiên quyết mà Trung Quốc luôn xem xét đầu tiên trong tất cả 4 trường hợp nghiên cứu ở trên. Ngoài ra, trong vấn đề Biển Đông, tổ chức khu vực đóng vai trò chủ chốt trong các tính toán của Trung Quốc là ASEAN. Trung Quốc quan tâm liệu ASEAN có thống nhất thành một khối, tạo thành sức mạnh tập thể lấn át được sức mạnh của Trung Quốc không, quan điểm về Biển Đông của ASEAN thế nào, họ có thái độ phản đối Trung Quốc mạnh mẽ không, quan điểm của từng thành viên ASEAN về vấn đề này như thế nào, giữa họ có sự bất đồng nào không để Trung Quốc có thể gây chia rẽ ASEAN dễ dàng hơn.

2. Sự quan tâm chú ý của dư luận quốc tế: Trung Quốc xem xét điểm nóng/các vấn đề nổi cộm nào đang là tâm điểm chú ý. Các điểm nóng/vấn đề nổi cộm đó có đủ nghiêm trọng để Trung Quốc có thể âm thầm hành động mà không gây sự chú ý hay không. Mục đích chính của việc tránh sự chú ý của dư luận quốc tế là bảo toàn hình ảnh và uy tín của một nước Trung Quốc có văn hóa chiến lược hòa bình, phòng thủ/tự vệ và không bành trướng.

3. Tính khả thi của việc lợi dụng tình hình thời tiết xấu: Các yếu tố về thời tiết (các cơn bão trên biển) thuộc về tự nhiên, con người không thể quyết định được. Tuy vậy, Trung Quốc đã tận dụng triệt để sự tạo điều kiện của tự nhiên để góp phần gây bất ngờ và đánh lừa quân địch, giúp Trung Quốc chiếm thành công các thực thể ở Biển Đông trong các trường hợp đã nghiên cứu.

4. Tình thế bất lợi và sơ hở của đối phương: Trước khi khởi sự, Trung Quốc tiến hành lượng giá sức mạnh của quân địch trên cả phương diện chiến thuật và chiến lược: Đối phương có đang gặp phải vấn đề nội bộ khó khăn gì không (hàng ngũ chưa chỉnh tề, thiếu thốn trang bị, vũ khí...); Đối phương chỉ có một mình hay có bè bạn giúp đỡ (Quân địch có bị bao vây, cô lập không; có đồng minh không, nếu có thì đồng minh có chắc chắn giúp đỡ không); Đối phương có thể phản công trong cuộc chiến chớp nhoáng với phía Trung Quốc hay không; Đối phương có lơ là cảnh giác với Trung Quốc hay không (thái độ của đối phương đối với Trung Quốc thù địch hay hữu hảo, hai bên đã từng giao chiến với nhau trong lịch sử chưa, đối phương có tình báo được những thông tin chính xác về Trung Quốc hay không). Xem xét những mặt này một cách kỹ lưỡng sẽ giúp Trung Quốc tìm ra chiến thuật để khởi sự một cách chớp nhoáng, gây bất ngờ cho đối phương, từ đó có thể đạt mục đích chiếm được các thực thể nhanh chóng mà không làm ảnh hưởng nhiều đến uy tín quốc tế của mình.

5. Ưu thế của Trung Quốc trước đối phương: Trung Quốc quan tâm xem xét các ưu thế sẵn có của Trung Quốc khi so sánh với đối phương trên cả hai phương diện là chiến lược và chiến thuật. Về chiến lược (khi nào, ở đâu và dùng lực lượng gì để tiến đánh), Trung Quốc xem xét sức mạnh kinh tế và quân sự (đặc biệt là sức mạnh hải quân) của mình đã khiến quân địch phải sợ hãi, giúp Trung Quốc “không chiến mà thắng” hay chưa. Về chiến thuật (đánh bằng cách nào, bằng hình thức gì), Trung Quốc chú ý đến ưu thế về khoảng cách địa lý từ nơi Trung Quốc đóng quân đến các thực thể là mục tiêu chiếm tiếp theo ở Biển Đông.

6. Bất ổn chính trị nội bộ của Trung Quốc: Trung Quốc quan tâm xem có vấn đề chính trị nội bộ nào đang làm suy giảm lòng tin của người dân về đảng cầm quyền, cần phải huy động tinh thần dân tộc, lòng yêu nước để hướng sự chú ý của dư luận trong nước ra bên ngoài hay không. Bên cạnh đó, khi nhà lãnh đạo hạt nhân của Trung Quốc có nhu cầu củng cố quyền lực, họ cũng quan tâm đến việc cứng rắn hơn trong các vấn đề chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc nói chung và vấn đề Biển Đông nói riêng.

7. Tính khả thi của việc biện minh cho hành vi của Trung Quốc: Trong các trường hợp nghiên cứu đã nêu, Trung Quốc đều tìm cách hành động làm sao để chứng minh cho cộng đồng quốc tế rằng Trung Quốc chỉ đang bị động “tự vệ” trước sự hung hăng, khiêu khích của đối thủ. Trong tương lai, Trung Quốc cũng có thể tìm cớ biện minh căn cứ trên các quy định cho phép sử dụng vũ lực của Liên Hợp Quốc gồm sự ủy thác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) và quyền phòng vệ chính đáng (quy định tại Điều 51 Hiến chương Liên Hợp Quốc).[39]

            Trong các điều kiện này, 3 điều kiện đầu tiên (1, 2, 3) là những điều kiện khách quan ở bên ngoài mà Trung Quốc không có khả năng can thiệp để thay đổi được, và không phải là các điều kiện xét từ Trung Quốc và đối phương (những điều kiện này cấu thành cơ hội để Trung Quốc nắm bắt mà khởi sự chiếm đảo); 2 điều kiện tiếp theo (4, 5) là những điều kiện mà Trung Quốc dùng để xem xét tương quan so sánh giữa địch và ta, xem Trung Quốc có lợi thế gì so với đối thủ; 2 điều kiện cuối cùng (6, 7) là những điều kiện giúp Trung Quốc không vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế khi hành động. Trong đó, điều kiện 1 (sự không can thiệp của các chủ thể bên ngoài) và 4 (tình thế bất lợi và sơ hở của đối phương) là hai điều kiện Trung Quốc quan tâm nhất bởi đây đều là những điều kiện có vai trò then chốt giúp Trung Quốc thành công. Điều kiện 1 là điều kiện tiên quyết quan trọng bởi sự can thiệp của các nước lớn là cản trở lớn nhất quyết định sự tự tin hành sự của Trung Quốc. Có thể dựa trên các điều kiện đã nêu trong bài viết này để dự báo khả năng Trung Quốc có thể chiếm mới các thực thể ở Biển Đông trong các tình huống giả định.

 



[1] Nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao. Quan điểm trong bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.

[2] Ngô Minh Trí, Koh S.L. Collin (06/2014), Bài học từ Hải chiến Hoàng Sa (1974), Nghiên cứu quốc tế, http://nghiencuuquocte.org/2014/06/21/bai-hoc-tu-hai-chien-hoang-sa-1974/ truy cập ngày 24/01/2019.

[3] Lê Bình (06/2014), “Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam như thế nào”, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), https://vov.vn/chinh-tri/trung-quoc-danh-chiem-hoang-sa-cua-viet-nam-nhu-the-nao-331990.vov truy cập ngày 24/01/2019.

[4] L. G. (01/2019), “Hải chiến Hoàng Sa 1974 - Âm mưu của Trung Quốc đã có từ lâu”, Infonet, https://infonet.vn/hai-chien-hoang-sa-1974-am-muu-cua-trung-quoc-da-co-tu-lau-post288196.info truy cập ngày 21/05/2019.

[5] Toshi Yoshihara (09/2016), Hải chiến Hoàng Sa năm 1974: Một đánh giá về mặt chiến dịch, Nghiên cứu Biển Đông, http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-nuoc-ngoai/6117-hai-chien-hoang-sa-nam-1974-mot-danh-gia-ve-mat-chien-dich truy cập ngày 10/02/2019.

[6] Đặng Đình Quý (2015), “Vấn đề chủ quyền lãnh thổ trong luật pháp và tập quán quốc tế”, Tìm kiếm giải pháp vì hòa bình và công lý ở Biển Đông, NXB Thế giới, Hà Nội, tr. 96.

[7] Toshi Yoshihara (09/2016), Hải chiến Hoàng Sa năm 1974: Một đánh giá về mặt chiến dịch, Nghiên cứu Biển Đông, http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-nuoc-ngoai/6117-hai-chien-hoang-sa-nam-1974-mot-danh-gia-ve-mat-chien-dich truy cập ngày 10/02/2019.

[8] Ngô Minh Trí, Koh S.L. Collin (06/2014), Bài học từ Hải chiến Hoàng Sa (1974), Nghiên cứu quốc tế, http://nghiencuuquocte.org/2014/06/21/bai-hoc-tu-hai-chien-hoang-sa-1974/ truy cập ngày 24/01/2019.

[9] Ngô Minh Trí, Koh S.L. Collin (06/2014), Bài học từ Hải chiến Hoàng Sa (1974), Nghiên cứu quốc tế, http://nghiencuuquocte.org/2014/06/21/bai-hoc-tu-hai-chien-hoang-sa-1974/ truy cập ngày 24/01/2019.

[10] Quần đảo Hoàng Sa cách đảo Hải Nam của Trung Quốc là 162 hải lý, nhỏ hơn khoảng cách 200 hải lý từ cảng Đà Nẵng của Việt Nam đến quần đảo này, theo Carl O. Schuster (01/2019), Bối cảnh và diễn biến Hải chiến Hoàng Sa 1974, Nghiên cứu quốc tế, http://nghiencuuquocte.org/2019/01/18/boi-canh-va-dien-bien-hai-chien-hoang-sa-1974/ truy cập ngày 20/05/2019.

[11] Carl O. Schuster (01/2019), Bối cảnh và diễn biến Hải chiến Hoàng Sa 1974, Nghiên cứu quốc tế, http://nghiencuuquocte.org/2019/01/18/boi-canh-va-dien-bien-hai-chien-hoang-sa-1974/ truy cập ngày 20/05/2019.

[12] Ngô Minh Trí, Koh S.L. Collin (06/2014), Bài học từ Hải chiến Hoàng Sa (1974), Nghiên cứu quốc tế, http://nghiencuuquocte.org/2014/06/21/bai-hoc-tu-hai-chien-hoang-sa-1974/ truy cập ngày 24/01/2019.

[13] Nguyễn Tiến Hưng (03/2017), Tổng thống Thiệu và Hải chiến Hoàng Sa, Nghiên cứu quốc tế, http://nghiencuuquocte.org/forums/topic/tong-thong-thie%CC%A3u-va-hai-chien-hoang-sa/ truy cập ngày 21/05/2019.

[14] Hoàng Phương, Nguyễn Đông (03/2016), “Vì sao Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma năm 1988”, VnExpress, https://vnexpress.net/thoi-su/vi-sao-trung-quoc-danh-chiem-gac-ma-nam-1988-3364758.html truy cập ngày 10/07/2019.

[15] Hồ Sĩ Quý (06/2014), “Quá trình chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Thực tế, không gián đoạn, hòa bình và minh bạch”, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, https://vass.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/KhoaHocCongNghe/View_Detail.aspx?ItemId=3 truy cập ngày 31/07/2019.

[16] Timo Kivimaki (2002), War or Peace in the South China Sea, NIAS Press, Copenhagen, tr. 17.

[17] Phan Hồng Hà (03/2016), “Trường Sa 1988: Vì sao Liên Xô im lặng khi Trung Quốc cướp đảo của Việt Nam?”, Soha, http://soha.vn/quoc-te/truong-sa-1988-vi-sao-lien-xo-im-lang-khi-tq-cuop-dao-cua-vn-20160313175648988.htm truy cập ngày 05/02/2019.

[18] Alexander L. Vuving (02/2009), “Việt Nam làm gì để tự vệ?”, BBC, https://www.bbc.com/vietnamese/lg/vietnam/2009/02/090219_vuving_china_viet_tc2.shtml truy cập ngày 20/02/2019.

[19] Từ đầu năm 1988, đàm phán giải quyết vấn đề Campuchia đã được đẩy mạnh. Các bên chuẩn bị cho việc tổ chức Cuộc gặp không chính thức Jakarta (JIM) lần thứ nhất vào tháng 07/1988 và lần thứ hai vào tháng 02/1989.

[20] Ian James Storey (1999), “Creeping assertiveness: China, the Philippines and the South China Sea dispute”, Contemporary Southeast Asia, 1 (21).

[21] Đỗ Thanh Hải (2010), Tranh chấp Trung Quốc - Philippines liên quan đến dải đá ngầm Vành Khăn năm 1995 - 1999, Nghiên cứu Biển Đông, http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-vietnam/547-tranh-chp-trung-quc-phi-lip-pin-lien-quan-n-di-a-ngm-vanh-khn-nm-1995-1999 truy cập ngày 31/03/2019.

[22] Phương Hà (07/2016), “Trung Quốc thử sân bay phi pháp ở Vành Khăn và Xu Bi”, Zing News, https://news.zing.vn/trung-quoc-thu-san-bay-phi-phap-o-vanh-khan-va-xu-bi-post665235.html truy cập ngày 16/01/2019.

[23] Đỗ Thanh Hải (2010), Tranh chấp Trung Quốc - Philippines liên quan đến dải đá ngầm Vành Khăn năm 1995 - 1999, Nghiên cứu Biển Đông, http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-vietnam/547-tranh-chp-trung-quc-phi-lip-pin-lien-quan-n-di-a-ngm-vanh-khn-nm-1995-1999 truy cập ngày 31/03/2019.

[24] Christoper C. Joyner (1999), The Spratly Islands Dispute in the South China Sea: Problems, Policies, and Prospects for Diplomatic Accommodation, Henry L. Stimson Center, Washington, D.C, pp. 67.

[25] Patrick E. Tyler (08/1996), “China Raises Nuclear Stakes on the Subcontinent”, The New York Times, https://www.nytimes.com/1996/08/27/world/china-raises-nuclear-stakes-on-the-subcontinent.html accessed on July 12, 2019.

[26] Nguyễn Hùng Sơn (2018), “ASEAN và Biển Đông trong 10 năm qua: Thay đổi về nhận thức và chính sách”, Nghiên cứu quốc tế, 4 (115).

[27] Đỗ Thanh Hải (2010), Tranh chấp Trung Quốc - Philippines liên quan đến dải đá ngầm Vành Khăn năm 1995 - 1999, Nghiên cứu Biển Đông, http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-vietnam/547-tranh-chp-trung-quc-phi-lip-pin-lien-quan-n-di-a-ngm-vanh-khn-nm-1995-1999 truy cập ngày 31/03/2019.

[28] Association of Southeast Asian Nations (ASEAN) (07/1995), Joint Communique of The Twenty-Eighth ASEAN Ministerial Meeting Bandar Seri Begawan, 29-30 July 1995, https://asean.org/?static_post=joint-communique-of-the-twenty-eighth-asean-ministerial-meeting-bandar-seri-begawan-29-30-july-1995 accessed on July 30, 2019.

[29] Rodel Rodis (06/2012), “Pushing the Shoal to the brink”, The Inquirer, http://globalnation.inquirer.net/41959/pushing-the-shoal-to-the-brink accessed on May 19, 2019.

[30] Trong chuyến thăm của Tổng thống Philippines Aquino đến Bắc Kinh vào tháng 04/1988, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã khẳng định rằng Trung Quốc sẽ gác tranh chấp, cùng thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên biển với Philippines trong vấn đề Kalayaan (tập hợp các thực thể mà Philippines tuyên bố có chủ quyền ở Biển Đông). Tương tự, trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Philippines Ramos đến Trung Quốc (tháng 04/1993), Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân thể hiện mong muốn giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình, khuyến cáo các nước láng giềng không nên lo ngại về chương trình hiện đại hóa quốc phòng của Trung Quốc. Nguồn: Đỗ Thanh Hải (2010), Tranh chấp Trung Quốc - Philippines liên quan đến dải đá ngầm Vành Khăn năm 1995 - 1999, Nghiên cứu Biển Đông, http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-vietnam/547-tranh-chp-trung-quc-phi-lip-pin-lien-quan-n-di-a-ngm-vanh-khn-nm-1995-1999 truy cập ngày 31/03/2019; John Kohut (04/1993), “Ramos reassured on Spratlys issue”, South China Morning Post, https://www.scmp.com/article/27520/ramos-reassured-spratlys-issue accessed on May 21, 2019.

[31] Năm 1972, sau một loạt các vụ đánh bom ở Manila, Tổng thống Marcos cảnh báo về một cuộc lật đổ chính quyền của Đảng Cộng sản Philippines, sau đó tuyên bố thiết quân luật. Tổng thống Marcos sử dụng quân đội để đàn áp các thành phần muốn lật đổ đồng thời bắt giam các đối thủ chính trị của mình. Nguồn: Nguyễn Thị Kim Phụng (12/2016), 30/12/1965: F. Marcos nhậm chức Tổng thống Philippines, Nghiên cứu quốc tế, http://nghiencuuquocte.org/2016/12/30/marcos-nham-chuc-tong-thong-philippines/ truy cập ngày 20/05/2019.

[32] Đỗ Thanh Hải (2010), Tranh chấp Trung Quốc - Philippines liên quan đến dải đá ngầm Vành Khăn năm 1995 - 1999, Nghiên cứu Biển Đông, http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-vietnam/547-tranh-chp-trung-quc-phi-lip-pin-lien-quan-n-di-a-ngm-vanh-khn-nm-1995-1999 truy cập ngày 31/03/2019.

[33] Tháng 06/1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đồng ý cấp thị thực cho nhà lãnh đạo Đài Loan Lý Đăng Huy, một người có quan điểm cứng rắn về giành độc lập cho Đài Loan, sang Mỹ dự một sự kiện của trường Đại học Cornell, New York. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Đài Loan đến Mỹ kể từ năm 1979. Trung Quốc đã đe dọa sẽ có các biện pháp trả đũa Mỹ sau sự việc này và sau một tháng, PLA đã phát động chiến dịch bắn tên lửa ra eo biển Đài Loan, kết hợp với tập trận bắn đạn thật và diễn tập tấn công đổ bộ tại tỉnh Phúc Kiến (nằm đối diện Đài Loan). Các hoạt động này tiếp tục lặp lại khi Đài Loan bước vào kỳ bầu cử nhà lãnh đạo mới vào tháng 03/1996. Từ tháng 12/1995, Mỹ đã điều nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Independence đến eo biển Đài Loan để biểu dương lực lượng, đánh dấu lần đầu tiên Mỹ cùng lúc đưa hai tàu sân bay đến châu Á kể từ sau Chiến tranh Việt Nam. Sau khi Lý Đăng Huy tái đắc cử, các bên dần xuống thang và đến cuối tháng 03/1996, cuộc khủng hoảng kết thúc. Nguồn: Văn Khoa (12/2016), “Nhìn lại khủng hoảng tên lửa eo biển Đài Loan”, Thanh niên, https://thanhnien.vn/the-gioi/nhin-lai-khung-hoang-ten-lua-eo-bien-dai-loan-775113.html truy cập ngày 21/01/2019.

[34] Trọng Giáp (06/2012), “Ba bài học từ vụ Scarborough/Hoàng Nham”, VnExpress, https://vnexpress.net/the-gioi/ba-bai-hoc-tu-vu-scarborough-hoang-nham-2235261.html truy cập ngày 24/04/2019.

[35] Đời sống và Pháp luật (07/2014), “Bài học Philippines: Mất bãi cạn vì tin Trung Quốc”, https://www.doisongphapluat.com/the-gioi/binh-luan/bai-hoc-philippines-mat-bai-can-vi-tin-trung-quoc-a41336.html truy cập ngày 21/05/2019.

[36] Trong vụ kiện, Philippines đệ trình 15 vấn đề, Tòa Trọng tài phán quyết 4 nội dung, với hai điểm quan trọng là: (i) Không có cơ sở để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển bên trong đường 9 đoạn; (ii) Không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng. Nguồn: Võ Ngọc Diệp (05/2016), Lập trường của Trung Quốc đối với vụ kiện Philippines - Trung Quốc: Diễn giải chủ quan luật pháp quốc tế, Nghiên cứu Biển Đông, http://nghiencuubiendong.vn/vu-kien-philippines-trung-quoc/5856-lap-truong-cua-trung-quoc-vu-kien-philippines-trung-quoc-dien-giai-chu-quan-luat-phap-quoc-te truy cập ngày 20/05/2019.

[37] Trọng Giáp (06/2012), “Ba bài học từ vụ Scarborough/Hoàng Nham”, VnExpress, https://vnexpress.net/the-gioi/ba-bai-hoc-tu-vu-scarborough-hoang-nham-2235261.html truy cập ngày 24/04/2019.

[38] Đời sống và Pháp luật (07/2014), “Bài học Philippines: Mất bãi cạn vì tin Trung Quốc”, https://www.doisongphapluat.com/the-gioi/binh-luan/bai-hoc-philippines-mat-bai-can-vi-tin-trung-quoc-a41336.html truy cập ngày 21/05/2019.

[39] Điều 51 quy định các quốc gia có quyền tự vệ cá nhân hay tập thể, chính đáng chỉ khi bị tấn công vũ trang. Điều kiện để sử dụng vũ lực theo quyền tự vệ chính đáng này là hành vi tự vệ phải tương xứng với hình thức tấn công.