Đỗ Hoàng – Viện Biển Đông

Vụ việc hàng trăm tàu Trung Quốc tập trung tại Đá Ba Đầu đã và đang thu hút sự chú ý của dư luận trong nước và quốc tế hiện nay, nhất là về động cơ ý đồ của Trung Quốc. Các quan chức và học giả Philippines cảnh báo đây là dấu hiệu có thể Trung Quốc đang có các toan tính mới ở Biển Đông, có thể dẫn đến chiếm đóng bãi đá này như đã từng làm với bãi Hoàng Nham (Scarborough) vào năm 2012. Cựu thẩm phán Antonio De Carpio cho rằng việc hàng trăm tầu cá tập trung tại Đá Ba Đầu có thể là khúc “dạo đầu” để Trung Quốc chiếm đóng bãi này như với Đá Vành khăn năm 1995.[1] Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định các tàu của Trung Quốc chỉ ở bãi đá này để tránh thời tiết xấu và đây là việc làm bình thường từ lâu của các tàu cá Trung Quốc.[2] Ông cũng cho rằng việc Philippines gọi các tàu này là tàu cá dân binh (maritime militia) là không đúng sự thật. Trong khi đó, hai học giả Andrew Erickson và Ryan Martinson của Đại học Hải chiến Mỹ lại phân tích dữ liệu vệ tinh AIS để chứng minh rằng, có ít nhất 7 tàu trong số các tàu đang hoạt động tại cụm đảo Sinh Tồn, với số hiệu từng tàu rõ ràng, thuộc lực lượng “Dân quân có vũ trang trên biển” của Trung Quốc, và hoạt động của nhóm hàng trăm tàu tại đây không cho thấy đây là các tàu cá bình thường.[3]

            Qua phân tích dữ liệu ảnh vệ tinh, chúng tôi cũng cho rằng có ít nhất 3 lý do để tin rằng việc tập kết hàng trăm tàu Trung Quốc ở Đá Ba Đầu không phải nhằm mục đích tránh thời tiết xấu, và đây cũng không phải là tập quán bình thường lâu nay của các tàu cá Trung Quốc.

            Thứ nhất, dữ liệu ảnh vệ tinh chụp Đá Ba Đầu từ năm 2016 cho tới nay (có thể truy cập ở cuối bài) cho thấy việc hàng trăm tàu Trung Quốc tập kết tại Đá Ba Đầu là hiện tượng chỉ mới bắt đầu xuất hiện từ tháng 2 năm 2020. Các năm trước đó, tàu cá Trung Quốc lác đác có vào Đá Ba Đầu neo đậu nhưng thường không quá 20 tàu và các tàu chưa bao giờ gắn kết lại thành cấu trúc lớn như vừa qua.

            Thứ hai, cũng theo dữ liệu ảnh vệ tinh, hiện tượng Trung Quốc tập kết tàu thuyền số lượng lớn, gắn kết thành các cấu trúc tại Đá Ba Đầu từ đầu năm 2020 kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng. Thời gian tập kết lâu như vậy rõ ràng không phải nhằm mục đích tránh thời tiết xấu. Hơn nữa, việc tập kết tàu bè số lượng lớn chỉ xảy ra ở điểm Đá Ba Đầu, trong khi xung quanh khu vực cụm đảo Sinh Tồn có rất nhiều cấu trúc tự nhiên cũng phù hợp cho việc tàu bè neo đậu tránh thời tiết xấu nhưng tại đó lại gần như không có tàu nào neo đậu, trú ẩn!

            Thứ ba, khoảng tháng 3, tháng 4 hàng năm là khoảng thời gian thời tiết ở khu vực Trường Sa lặng nhất trong năm, ấy vậy nên dân gian Việt Nam mới có câu “tháng ba bà già đi biển”! Thời gian này là mùa biển lặng, đến bà già cũng có thể đi biển nên tàu bè đều chọn thời gian này để ra khơi đánh bắt. Việc Trung Quốc lấy lý do trú ẩn thời tiết xấu chẳng những không đúng với dữ liệu hình ảnh vệ tinh thu lại được mà còn trái với quy luật thiên nhiên tại khu vực.

            Vậy Trung Quốc có ý đồ gì khi tập kết hàng trăm tàu cá tại Đá Ba Đầu, với số lượng năm sau nhiều hơn hẳn năm trước, như dữ liệu ảnh vệ tinh đã cho thấy?

Có thể mục tiêu của Trung Quốc là nhằm tạo lập sự hiện diện thường xuyên với số lượng lớn tại Đá này, biến sự hiện diện này thành việc “bình thường”, tiến dần tới việc chiếm quyền kiểm soát hoàn toàn và có thể tiến hành xây dựng, cải tạo phi pháp đá này thành một cơ sở quân sự mới. Đây sẽ là chiến thuật cát lát salami mới của Trung Quốc để mở rộng kiểm soát Biển Đông trên thực tế. Đó là chiến thuật dùng một số lượng lớn tàu tập hợp ở một khu vực nhằm cản trở hoạt động của các nước ở khu vực này, đồng thời, chính những tàu này có thể tản ra, bao vây, quấy rối hoặc cản trở hoạt động của các nước khác ở các cấu trúc khác.

Giáo sư Alexander L. Vuving (Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương ở Honolulu (Mỹ) cho rằng Trung Quốc có thể đang dùng thủ đoạn ở bãi cạn Scarborough nhằm ngang nhiên giành quyền kiểm soát trên thực tế tại đá Ba Đầu vốn có vị trí chiến lược. Ông cảnh báo Trung Quốc từng tìm cách chiếm đá này vào thập niên 1990 nhưng không thành công, nhưng lần này có thể khác. Ông nhắc lại việc Việt Nam là bên đầu tiên lên tiếng về đá Ba Đầu, phản đối việc Trung Quốc cho các binh sĩ đổ bộ lên đó vào năm 1992, nên Trung Quốc có thể đã thay đổi chiến thuật. Cũng có thể mục tiêu khác của Trung Quốc là tập trung số lượng lớn tàu dân binh tại đây nhằm răn đe các nước trong khu vực vào mùa ra biển của bà con ngư dân, cũng là mùa các nước trong khu vực triển khai các hoạt động khai thác dầu, khí.[4]

Grigory Lokshin -  chuyên gia Nga về biển Đông, cho rằng không có nghi ngờ gì nữa, đây là hành động chính trị của Trung Quốc nhằm phản ứng trước cuộc họp của «Bộ tứ» mới diễn ra ở Tokyo.[5] Cựu Giám đốc Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc thuộc Đại học chiến tranh hải chiến Peter Dutton thì cho rằng Trung Quốc đang gây sức ép với đồng minh của Mỹ ở Biển Đông nhằm gửi điệp ngầm là Chúng tôi mạnh mẽ và sẽ thực hiện những gì chúng tôi muốn nếu cần, bất kể luật pháp hoặc các cam kết trước đó”.[6]

            Dù vì lý do và động cơ gì, việc Trung Quốc tập kết số lượng tàu lớn ở Đá Ba Đầu một lần nữa làm dấy lên quan ngại về mục tiêu ý đồ của Trung Quốc ở khu vực, làm xói mòn lòng tin chiến lược vào lúc khu vực cần hợp tác phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, và khó có thể coi là hành vi có thiện chí trong bối cảnh ASEAN và Trung Quốc đang nỗ lực khôi phục tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Hành vi này còn vi phạm tinh thần Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC), vi phạm nguyên tắc kiềm chế không làm phức tạp thêm tình hình vốn đã ngày càng phức tạp tại đây, là nguyên nhân chính khiến dư luận khu vực và quốc tế quan ngại và phê phán Trung Quốc thời gian qua.

[Dữ liệu ảnh vệ tinh Đá Ba Đầu từ 2016-nay]