26/01/2024
Năm 2023, dù chiến sự tại Ukraine diễn biến căng thẳng và xung đột tại Trung Đông leo thang, tình hình Biển Đông tiếp tục thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Biển Đông cũng ngày càng được coi là chỉ dấu về trật tự dựa trên luật lệ từ phía Mỹ và đồng minh – đối tác thông qua các tuyên bố và văn bản chính sách mới. Trong năm 2024, Trung Quốc vẫn sẽ là nhân tố chính quyết định sức “nóng” tình hình và thúc đẩy các hoạt động “vùng xám” trong khi Mỹ có thể giảm quan tâm chính trị tới Biển Đông để tập trung vào bầu cử và các điểm nóng khác. Tuy nhiên, Biển Đông vẫn sẽ là địa bàn cạnh tranh nước lớn, Mỹ - Trung sẽ tăng răn đe và tập hợp lực lượng nhưng không trực tiếp đối đầu. ASEAN sẽ tiếp tục cân bằng nước lớn nhưng thể hiện vai trò an ninh lớn hơn.
Đỗ Hoàng, Viện Biển Đông
Năm 2023, Biển Đông chứng kiến nhiều diễn biến mới trên nhiều lĩnh vực, bao gồm thực địa (liên quan đến các lực lượng quân sự và phi quân sự), chính trị - ngoại giao (bao gồm các tuyên bố, chính sách và tập hợp nhóm), pháp lý cũng như thông tin – tuyên truyền.
Trên thực địa, các hoạt động “vùng xám” (dưới ngưỡng xung đột, bán quân sự) có xu hướng gia tăng. Điển hình nhất, tàu cảnh sát biển Trung Quốc nhiều lần đụng độ nghiêm trọng với tàu Philippines gần Bãi Cỏ Mây (Trường Sa). Theo thông tin từ phía Philippines, tàu Trung Quốc đã chiếu tia la-de cấp quân sự [1], tạt ngang mũi tàu[2], bắn vòi rồng[3] và va chạm nguy hiểm (22/10)[4]… với tàu Philippines. Ngoài ra, tàu cảnh sát biển Trung Quốc cũng nhiều có hành động cứng rắn với Việt Nam, nhiều lần “chặn đầu” tàu cảnh sát biển Việt Nam[5].
Thứ hai, Trung Quốc cũng tăng cường hoạt động của tàu khảo sát – nghiên cứu trong vùng biển của các nước ven Biển Đông, đôi lúc có tàu cá và cảnh sát biển tháp tùng. Các sự việc điển hình gồm: tàu Gia Canh[6] tại EEZ của Philippines vào tháng 3-4/2023, quay lại vào tháng 5/2023; tàu Hải Dương Địa Chất 4 vào tháng 3/2023 và Hướng Dương Hồng 10[7] vào tháng 5/2023 trong EEZ Việt Nam; tàu Hải dương 8 tại bãi cạn Luconia thuộc thềm lục địa của Malaysia từ tháng 6/2023 (có lúc được cho là tới gần giàn khoan do Malaysia vận hành chỉ khoảng hơn 3 hải lý[8], khiến Malaysia phải điều tàu hải quân để giám sát).
Thứ ba, số tàu cá Trung Quốc gia tăng đột ngột gần một số thực thể tại Trường Sa: con số này tại Bãi cạn Iroquois (phía Nam Bãi Cỏ Rong) tăng từ 10 tàu (tháng 2/2023) lên 48 tàu (cuối tháng 6/2023)[9]; ngày 9/8-11/9, Philippines thông báo phát hiện 33 tàu loại này tại Đá Khúc Giác và 15 tàu tại Đá Sa Bin. Lực lượng này cũng thường xuyên hoạt động trong vùng EEZ của Việt Nam. Tàu cá Trung Quốc thường xuyên hiện diện tại phía Nam Biển Đông theo cụm với số lượng lớn từ tháng 2/2023[10], không trở về cảng trong thời gian cấm đánh bắt cá, nhiều tàu không có quốc kỳ và hoạt động lâu dài sát bờ biển Việt Nam. Tuy nhiên, các hoạt động chưa đến mức gây va chạm và có thể chỉ mang tính biểu tượng.
Bên cạnh các hoạt động “vùng xám”, các hoạt động quân sự, đặc biệt là các hoạt động răn đe, cũng có xu hướng gia tăng. Theo thống kê chưa đầy đủ đến tháng 11/2023, Trung Quốc đã tiến hành ít nhất 86 cuộc tập trận trên Biển Đông, tiếp tục tăng về tần suất so với các năm trước (96 cuộc năm 2022 và 58 cuộc năm 2021)[11]. Các hoạt động răn đe tiêu biểu gồm tập trận vào tháng 9 với tàu sân bay Sơn Đông, tàu khu trục Type 055 và tiêm kích J-10[12] hay tập trận chống ngầm tháng 10 với hơn 12 máy bay tuần tra Y-8[13]. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng duy trì tập trận trên không tại Biển Đông, công khai ít nhất 7 cuộc trong 6 tháng đầu năm 2023 (nhiều hơn 1 cuộc so với cùng kỳ 2022) với các hoạt động như huấn luyện bay ngày đêm, thực chiến, trinh sát và đối kháng trên không.
Về phía Mỹ, số hoạt động tự do hàng hải (FONOP) công khai là 5 cuộc, bằng với năm 2021 và 2022 nhưng ít hơn 2020 (10 cuộc). Tuy nhiên, năng lực răn đe của Mỹ được cho là không suy giảm nhiều vì: (i) Mỹ vẫn gia tăng đáng kể số tập trận với đồng minh – đối tác trên toàn khu vực (gồm tại Biển Đông), với ít nhất 129 cuộc, hơn 49 cuộc so với các năm 2022 và 2021[14]; (ii) Mỹ được trao thêm quyền tiếp cận căn cứ quân sự trên đảo Balabac của Philippines sát Trường Sa - một trong số 4 căn cứ mới theo thỏa thuận EDCA mới với Philippines[15]; (iii) hiện diện cảnh sát biển Mỹ tại khu vực ngày một tăng, có thể hỗ trợ cho quân sự. Riêng 2023, cảnh sát biển Mỹ lần đầu diễn tập với Philippines và Nhật[16], tập trận CARAT với Brunei[17] và lên kế hoạch tuần tra chung với Philippines tại Biển Đông[18].
ASEAN và các nước tầm trung khác cũng thúc đẩy những hoạt động tương tự tại Biển Đông hoặc trong vùng biển lân cận Biển Đông: ASEAN lần đầu tập trận với Ấn Độ (2-8/5)[19] và tập trận riêng giữa các nước thành viên (19-23/9), tất cả tại Biển Đông; Nhật lần đầu tham gia tập trận “Salanib” giữa Mỹ và Philippines với tư cách quan sát viên (6/3)[20]; các nước tầm trung khác tham gia ít nhất 10 tập trận[21] tại Biển Đông trong 6 tháng cuối năm, bao gồm tập trận Trident của Úc - Nhật (24-25/6)[22], Alon 2023 của Úc – Philippines (21/8)[23] hay Noble Caribou của Mỹ - Úc – Canada - New Zealand (23/10)[24]...
Về chính trị - ngoại giao, các nước ngoài tranh chấp phản ứng nhanh chóng sau khi Philippines thông báo về các đụng độ với Trung Quốc. Mỹ ít nhất 3 lần tuyên bố ủng hộ Philippines sau các đụng độ giữa tàu Trung Quốc và Philippines gần Bãi Cỏ Mây vào ngày 5/8[25], 25/10[26] (đích thân Tổng thống Biden) và 10/11[27], nhấn mạnh Mỹ sẽ bảo vệ nhân sự và tàu Philippines trước bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào trên Biển Đông (thể hiện qua tuyên bố của Bộ Quốc phòng[28] - Bộ Ngoại giao Mỹ[29] và bản Hướng dẫn Phòng thủ Song phương được công bố nhân chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Philippines tháng 5/2023[30]), ngụ ý bao gồm cam kết bảo vệ tàu BRP Sierra Madre mà Philippines “đánh đắm” tại Bãi Cỏ Mây. Các tuyên bố được đưa ra nhanh chóng, ở nhiều cấp và thể hiện cam kết rõ ràng hơn của Mỹ. Một loạt các đồng minh – đối tác của Mỹ như Anh, Úc, Nhật Bản, Canada, Đức hay New Zealand[31] cũng trực tiếp bày tỏ quan ngại về hành động của Trung Quốc, đồng thời khẳng định giá trị của Phán quyết Biển Đông 2016.
Tuy nhiên, phản ứng quốc tế về các vụ việc giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác có phần chậm trễ và thưa thớt hơn. Ví dụ, 1 tháng sau vụ tàu Hướng Dương Hồng 10 liên quan đến Việt Nam[32], quan chức Mỹ mới phản ứng chính thức và chỉ thông qua tuyên bố ở diễn đàn Kênh 1.5 (Trợ lý Ngoại trưởng Kritenbrink chỉ trích tàu khảo sát, hải cảnh và dân binh Trung Quốc tại Hội thảo của Viện CSIS[33]). Khác biệt này có thể do: (i) Philippines công khai các vụ việc mạnh mẽ và dồn dập hơn các nước Đông Nam Á khác; (ii) Philippines là đồng minh của Mỹ - nước thường “đi đầu” trong chuỗi phản ứng nói trên; (iii) các vụ việc tại EEZ của Malaysia và Việt Nam được các nước xem là không quá nghiêm trọng.
Xu hướng gắn vấn đề Biển Đông với trật tự khu vực dựa trên luật lệ của Mỹ và các nước đồng minh – đối tác ngày một rõ nét. Quan chức Mỹ nhắc đến Biển Đông kèm thượng tôn pháp luật khu vực trong một loạt tuyên bố đơn, song và đa phương, bao gồm Tuyên bố chung giữa Tổng thống Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 10/9[34]; Tuyên bố chung cấp cao Mỹ - Nhật - Hàn ngày 18/8[35] và Mỹ - Úc ngày 25/10[36] hay Tuyên bố của Phó Tổng thống Harris tại cấp cao Mỹ - Nhật - Philippines ngày 6/9[37].
Các nước tầm trung tiếp tục đưa ra các văn bản khẳng định thượng tôn pháp luật khu vực, có đề cập đến Biển Đông, tiêu biểu là Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hàn Quốc[38] hay Kế hoạch mới cho Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Nhật[39]. Tuyên bố chung G7 tháng 4/2023 là lần đầu tiên các lãnh đạo G7 trực tiếp chỉ trích hoạt động quân sự hóa và các yêu sách quá mức của Trung Quốc ở Biển Đông[40]. Một loạt tuyên bố “2+2” hay song – đa phương giữa các nước Nhật, Úc, Ấn Độ và EU cũng nhắc đến nội dung tương tự và đặt Biển Đông trong bối cảnh UNCLOS và Phán quyết 2016[41].
Các nước ASEAN cũng có nhiều nỗ lực khẳng định vai trò trung tâm thông qua vấn đề Biển Đông, gắn Biển Đông với an ninh biển khu vực. Trong năm Chủ tịch của Indonesia, Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN-42 đã khôi phục toàn bộ nội dung về Biển Đông, UNCLOS 1982 và thượng tôn luật pháp quốc tế bị lược bỏ trong Tuyên bố tương tự năm 2022[42]. ASEAN cũng lần đầu công bố Tầm nhìn biển ASEAN (AMO) (1/8)[43], trong đó tổng hợp tất cả các vấn đề liên quan đến biển từ trước đến nay trong các cơ chế do ASEAN làm nòng cốt, bao gồm Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) và các vấn đề an ninh truyền thống – phi truyền thống tại Biển Đông[44].
Cạnh tranh nước lớn gay gắt dẫn đến tập hợp lực lượng thông qua các nhóm mới nổi, bao gồm các nhóm “tiểu đa phương” có liên quan đến Biển Đông. Ví dụ, hợp tác nhóm bốn bên mới giữa Mỹ, Nhật Bản, Úc và Philippines nổi lên, được một số ý kiến coi là “Quad 2.0” dù chưa có thể chế chính thức và chính các nước cũng tuyên bố không thiết lập “Quad mới”[45]. Quan chức Philippines đã “đánh tiếng” 4 nước có thể sẽ tuần tra chung ở Biển Đông trong tương lai gần[46]; Ngoại trưởng Mỹ, Philippines và Nhật gặp mặt bên lề hội nghị Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, chỉ trích hành vi của Trung Quốc gần bãi Cỏ Mây[47]; Mỹ, Philippines và Úc tổ chức diễn tập chung tại Philippines nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles tới Philippines[48]; Mỹ - Nhật – Philippines cũng để ngỏ khả năng hợp tác biển với Canada và New Zealand…
Trong khi đó, Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại với các nước ven Biển Đông theo hướng thể hiện thiện chí. Trung Quốc duy trì các chuyến viếng thăm cấp cao với Philippines (tháng 1/2023), Indonesia (tháng 2/2023), Malaysia (tháng 3/2023), đồng thời đón tiếp lãnh đạo cấp cao Việt Nam (tháng 6/2023)[49]. Đặc biệt, tháng 12/2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã thăm chính thức Việt Nam và hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc. Tuyên bố chung ghi rõ: “Hai bên nhất trí tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), trên cơ sở hiệp thương, nhất trí, sớm đạt được “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC) thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Thực hiện cơ chế Cuộc họp quan chức cao cấp (SOM) và Cuộc họp nhóm công tác chung ASEAN - Trung Quốc về triển khai DOC; kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình và mở rộng tranh chấp, cùng duy trì ổn định trên biển”.[50]
Trung Quốc cũng nỗ lực thúc đẩy hợp tác biển chung thông qua các hoạt động như phiên họp lần thứ 4 của Uỷ ban Hợp tác Trung Quốc – Indonesia, đàm phán về khả năng khai thác dầu khí chung Trung Quốc – Philippines hay đề xuất khai thác chung với Malaysia... Tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao (3/2023), Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nông Dung khẳng định Trung Quốc và ASEAN đã tiên phong thúc đẩy cách tiếp cận “hai kênh” tại Biển Đông, vừa đàm phán giải quyết tranh chấp, vừa cùng duy trì hòa bình ổn định…
Về pháp lý, đây cũng là mặt trận với nhiều động thái “vùng xám” mới. Trung Quốc tiếp tục đưa ra nhiều nội luật, giúp thúc đẩy hiện diện tại Biển Đông. Ví dụ: tháng 2/2023, Bộ Tài nguyên Môi trường Trung Quốc ban hành Văn bản về Quy phạm khi vẽ bản đồ, quy định mọi bản đồ công khai phải vẽ cực Nam lãnh thổ kéo dài đến bãi Tăng Mẫu, dùng ký hiệu đường biên giới trên đất liền để vẽ đường đứt đoạn (đường chữ U) và vẽ đầy đủ các đảo ở Biển Đông; tháng 3/2023, Trung Quốc công bố danh sách 33 tuyến khảo sát - nghiên cứu khoa học trên biển, trong đó có một số tuyến cắt qua vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven Biển Đông và Hoa Đông; tháng 6/2023, Trung Quốc thông qua Luật Quan hệ Đối ngoại, gồm quy định cho phép thực hiện và áp dụng các Điều ước và Hiệp định quốc tế theo hướng không làm tổn hại đến chủ quyền và an ninh quốc gia[51]; tháng 8/2023, Trung Quốc công bố “bản đồ tiêu chuẩn” năm 2023, trong đó lặp lại yêu sách chủ quyền tại Biển Đông, nâng cấp “đường 9 đoạn” thành “đường 10 đoạn”[52]... Ngoài ra, Trung Quốc cũng lần đầu công khai bác bỏ EEZ của Việt Nam, cho rằng tàu Trung Quốc không hề đi vào EEZ của nước khác trong vụ Hướng Dương Hồng 10[53].
Bên cạnh đó, các nước Đông Nam Á có nhiều nỗ lực khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán tại Biển Đông. Philippines có nhiều động thái đơn phương nhất[54]: Tòa án tối cao Philippines tuyên bố Thỏa thuận thăm dò địa chấn ba bên (JMSU) giữa ba công ty dầu khí của Trung Quốc, Philippines và Việt Nam năm 2005 vi hiến và vô hiệu[55]; Thượng viện Philippines thông qua Nghị quyết lên án Trung Quốc quấy rối ngư dân và vi phạm vùng biển Philippines[56]; Bộ trưởng Tư pháp Philippines thông báo sẽ đệ đơn khởi kiện Trung Quốc vì phá hoại môi trường quanh Đá Khúc Giác và Bãi Sa Bin[57]…
Các nước Đông Nam Á cũng cùng Trung Quốc thúc đẩy đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC), có đạt tiến triển về quá trình nhưng chủ yếu mang tính biểu tượng. Ngày 14/7, BTNG ASEAN – Trung Quốc thông qua Hướng dẫn đẩy nhanh việc hoàn thành sớm COC ở Biển Đông hiệu quả và thực chất, Trung Quốc hoan nghênh Vòng đọc thứ hai đã kết thúc thành công và sẵn sàng đẩy nhanh quá trình đàm phán COC.[58] Ngày 22/8, cuộc họp lần thứ 20 của Nhóm Công tác chung về Thực hiện DOC (JWG-DOC) đã diễn ra. Ngày 26/10, tại Hội nghị Quan chức Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 21 về Thực hiện DOC (SOM-DOC), hai bên tuyên bố chính thức khởi động Vòng đọc thứ ba, nỗ lực sớm ký kết COC.[59] Tuy nhiên, các kết quả này chưa thực sự thực chất: các bên chưa đạt được đồng thuận về nhiều vấn đề liên quan đến bản chất và phạm vi áp dụng của COC[60]; nhiều nguồn tin cho biết Philippines không hài lòng với tiến độ của COC và muốn thúc đẩy một thỏa thuận riêng giữa các bên tranh chấp Biển Đông trong ASEAN[61].
Về thông tin – tuyên truyền, đây cũng là lĩnh vực có nhiều động thái mang tính “vùng xám” với nhiều luồng thông tin trái ngược nhau. Về các vụ đụng độ tại Bãi Cỏ Mây, Philippines thường xuyên công khai các hoạt động của Trung Quốc, đưa các cơ quan thông tấn lên tàu bè thực địa. Sau vụ tàu cảnh sát biển Trung Quốc chiếu la-de vào tàu Philippines tại Trường Sa vào tháng 2/2023, Cảnh sát biển Philippines đã đưa ra ảnh chụp các tàu chiến, tàu cảnh sát biển và tàu “dân binh biển” Trung Quốc ở Trường Sa, Bộ Ngoại giao Philippines cũng nhanh chóng ra tuyên bố phản đối giải thích của Trung Quốc về vụ việc[62]. Ngược lại, phía Trung Quốc bác bỏ thông tin từ phía Philippines, đưa ra các bằng chứng hình ảnh và khẳng định chủ quyền đối của Trung Quốc đối với khu vực này.
Về các vụ đụng độ trên không, Mỹ cũng có xu hướng công khai các động thái của Trung Quốc. Cuối tháng 2, Mỹ mời một số phóng viên các tờ báo lớn của Mỹ thường trú tại châu Á[63] lên máy bay của Mỹ hoạt động tại Biển Đông để ghi lại cảnh máy bay Trung Quốc tiếp cận ở cự ly gần. Ngày 17/10/2023, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hàng chục hình ảnh và video về các hành vi “nguy hiểm” của máy bay Trung Quốc với máy bay Mỹ và đồng minh - đối tác tại Biển Đông và Hoa Đông năm 2022 và 2023[64], tuyên bố số lượng vụ việc lên tới gần 300. Tháng 10, Bộ Quốc phòng Mỹ ra Báo cáo phát triển an ninh và quân sự Trung Quốc năm 2023 (19/10)[65], khẳng định Trung Quốc thực hiện 180 vụ đánh chặn Mỹ trên không “đầy rủi ro” trong 2 năm qua. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ra Báo cáo về biện pháp tái định hình môi trường toàn cầu của Trung Quốc[66], khẳng định Trung Quốc để gây ảnh hưởng lên truyền thông quốc tế. Ngược lại, Trung Quốc thường đăng tin theo hướng khẳng định căng thẳng là do hành vi khiêu khích của Mỹ[67].
Kênh học thuật và Kênh 1.5 tiếp tục là diễn đàn để Mỹ - Trung đấu tranh tuyên truyền. Trung Quốc cũng tăng cường tuyên truyền về hoạt động của Mỹ tại Biển Đông, định kì thông báo về số lần và tần suất của máy bay do thám và tàu chiến Mỹ hoạt động tại Biển Đông và khu vực gần bờ biển Trung Quốc, điển hình là qua các báo cáo của Trung tâm Nhận biết Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI). Về phía Mỹ, một số viện nghiên cứu như AMTI[68] hay các nhân vật có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội như Ray Powell[69] thường xuyên đăng tải các báo cáo, thông tin về những hoạt động tại Biển Đông của Trung Quốc.
Tình hình Biển Đông vẫn sẽ tiếp tục bị chi phối bởi các động thái của Trung Quốc và Mỹ, xuất phát từ nhu cầu nội tại và so sánh lực lượng giữa hai nước, đặt trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn tại khu vực. Do đó, để dự báo tình hình, ta có thể xem xét các yếu tố sau: (i) nội bộ Trung Quốc và nội bộ Mỹ, từ đó nảy sinh những nhu cầu liên quan đến Biển Đông; (ii) so sánh lực lượng Trung – Mỹ, từ đó ảnh hưởng đến khả năng hành động của hai nước tại khu vực và Biển Đông; (iii) các chính sách hai nước đang và sẽ triển khai tại khu vực, trong tương quan với thái độ của các nước ASEAN.
Về nội bộ, chính trị Mỹ và Trung Quốc trong năm 2024 nhiều khả năng thúc đẩy hai nước theo đuổi cạnh tranh. Tại Trung Quốc, các chuyển dịch chính trị và kinh tế trong nước có thể tiếp tục thúc đẩy Trung Quốc hành xử mạnh mẽ hơn tại Biển Đông. Về mặt chính trị, Báo cáo Đại hội 20 đã thể hiện xu hướng ngày càng quyết tâm thúc đẩy triển khai chiến lược cường quốc biển, trong đó nhấn mạnh vấn đề Biển Đông trong bối cảnh nâng tầm quan trọng của “an ninh” trong tổng thể chính sách đối ngoại của Trung Quốc (giai đoạn 2020-2050 có mục tiêu giúp hải quân kiểm soát vượt chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai). Về mặt kinh tế, Trung Quốc vẫn có nhu cầu lớn về năng lượng. Các địa điểm Trung Quốc hiện khai thác năng lượng trên Biển Đông đều chủ yếu nằm ở phía Bắc, trong các năm tới nhiều khả năng sẽ dồn xuống phía Nam. Ngoài ra, nhu cầu thúc đẩy phát triển hậu Covid-19 và ứng phó với chiến lược “phân tán rủi ro kinh tế” (derisking) từ Mỹ có thể sẽ khiến Trung Quốc đẩy mạnh khai thác Biển Đông hơn.
Về phía Mỹ, đồng thuận lưỡng đảng tại Mỹ về cạnh tranh với Trung Quốc vẫn vững chắc. Tại kênh lập pháp, số lượng văn bản Quốc hội thông qua về Trung Quốc ngày một tăng (số dự luật về cạnh tranh với Trung Quốc tăng 6 lần từ 2013 đến 2021[70]). Khảo sát tháng 2/2023 của Gallup cũng cho thấy lượng người dân Mỹ có thái độ tích cực với Trung Quốc đã hạ xuống mức 15% - mức thấp nhất trong lịch sử khảo sát này từ năm 1979[71]. Ở kênh hành pháp, dù chính quyền Biden đã có động thái giảm căng thẳng với Trung Quốc trong năm 2023, phe Dân chủ vẫn khẳng định tầm nhìn dài hạn rằng Trung Quốc là thách thức nguy hiểm nhất đối với Mỹ. Do đó, dù kết quả bầu cử năm 2024 diễn biến ra sao, Nhà Trắng vẫn sẽ duy trì định hướng cạnh tranh hiện nay.
Về so sánh lực lượng, khoảng cách Mỹ - Trung tiếp tục thu hẹp. Về kinh tế, nhiều dự báo từ phương Tây cho rằng Trung Quốc đang gặp nhiều vấn đề như nơ địa phương cao trong khi nguồn thu thuế giảm[72], thị trường bất động sản dần sụp đổ[73], dân số dần suy giảm, ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc cần kết nối quốc tế, khó tự thân phát triển được (nhất là khi bị Mỹ cô lập), tăng trưởng cũng giảm theo… Tuy nhiên, các ý kiến này không phản ánh toàn bộ tình hình: tăng trưởng Trung Quốc dù giảm nhưng không quá nặng nề, GDP nhìn chung vẫn tăng và đạt 4-5%/năm[74]; Trung Quốc tự chuyển dịch và đạt nhiều thành tựu trong công nghệ điện tử - viễn thông hay năng lượng xanh[75]; các bên thứ ba như ASEAN hay EU có thể giúp Trung Quốc giảm áp lực “phân tách kinh tế” từ Mỹ[76]. Trong khi đó, Mỹ đang gặp nhiều khó khăn: công nghệ mới khiến phân hóa kinh tế càng rõ rệt; tầng lớp trung lưu của Mỹ ngày một giảm, giờ chỉ còn 50% dân số trong khi con số này tại Trung Quốc lại gia tăng từ 500 triệu lên 800 triệu chỉ trong một vài năm.[77] Các dự báo về kịch bản Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trước năm 2030 do đó vẫn hoàn toàn khả thi. Từ đó, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng đầu tư thêm nguồn lực vào các lực lượng trên biển và thúc đẩy hợp tác kinh tế với các nước Đông Nam Á để duy trì ưu thế của mình tại Biển Đông, trong khi Mỹ có thể sẽ bị giới hạn hơn về năng lực.
Về năng lực biển, các dự báo cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục vượt Mỹ trong một số tiêu chí, tạo thế thượng phong tại Biển Đông: Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2023 đã công nhận số tàu chiến của Trung Quốc đã vượt Mỹ, dự đoán con số này sẽ lên tới 435 chiếc trước 2030[78] (tăng lên so với dự đoán năm 2021 là 425 tàu chiến[79]); Mỹ cũng khẳng định Trung Quốc có đội cảnh sát biển lớn nhất thế giới và đội “dân binh” ở cỡ lớn[80], đặc biệt là trong các vùng biển gần. Trung Quốc cũng đang theo đuổi các chiến thuật quân sự mới như phối hợp sử dụng phà dân sự hay tàu thương mại để hỗ trợ tàu lưỡng cư đổ bộ khi cần thiết[81]. Tháng 4/2023, quân đội Trung Quốc lần đầu công bố quy định về “tuyển binh thời chiến” nhằm nâng cao năng lực sẵn sàng chiến đấu. Ngược lại, nhiều ý kiến vẫn cho rằng Mỹ hiện vẫn có nhiều lợi thế hơn tại Biển Đông vì có tàu trọng tải lớn hơn (Trung Quốc chỉ bằng một nửa Mỹ), có nhiều kinh nghiệm chiến trường, nhiều tàu ngầm và mạng lưới đồng minh – đối tác dày đặc hơn…[82] Bộ Quốc phòng và Quốc hội Mỹ công nhận điểm yếu của mình[83] và đang thúc đẩy Mỹ tăng cường đầu tư quốc phòng. Thực tế chi tiêu năm 2023[84] và các đề xuất chi tiêu năm 2024[85] cũng cho thấy xu hướng gia tăng này. Dù tranh luận chưa ngã ngũ, thực tế không phủ nhận được là năng lực biển của Trung Quốc ngày một tăng.
Về chính sách khu vực, trong năm 2024, Trung Quốc và Mỹ nhiều khả năng theo đuổi chính sách đã công bố năm 2022-2023 với nhiều nội dung liên quan trực tiếp và gián tiếp tới Biển Đông. Chính quyền Biden có thể sẽ tiếp tục tìm kiếm đối thoại với Trung Quốc trong các vấn đề về năng lượng, lương thực, khí hậu, ma túy… nhưng sẽ phải theo đuổi Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Chiến lược An ninh Quốc gia đã đề ra, nhất là trong năm bầu cử 2024.
Trong năm 2023, Trung Quốc đã thông qua một loạt văn bản tạo không gian để Trung Quốc cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên toàn cầu, bao gồm khu vực. Điển hình, Luật Quan hệ Đối ngoại mới ngày 28/6 quy định: Cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, đảng phái chính trị, tổ chức nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và công dân có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, an ninh, danh dự Trung Quốc… trong đối ngoại. Trung Quốc thúc đẩy thực hiện Sáng kiến Phát triển, An ninh và Văn minh Toàn cầu. Ngày 26/9, Văn phòng báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc phát hành Sách trắng về Cộng đồng chung vận mệnh, đặt ra tầm nhìn về một cộng đồng toàn cầu với các cách tiếp cận mới trong quan hệ quốc tế[86]. Ngoài ra, Trung Quốc có xu hướng gia tăng liên kết với các nước đang phát triển, tìm kiếm vai trò trung gian hòa giải hay cung cấp hàng hóa công trong các xung đột quốc tế, hướng tới trật tự đa cực hoặc thiết lập cực mới[87].
Về các yếu tố khác, thái độ của các nước ASEAN và các điểm nóng khác trên trường quốc tế có thể ảnh hưởng đến hành xử của Trung Quốc và Mỹ tại Biển Đông. Về phía ASEAN, các nước trong tranh chấp đang có thay đổi nhất định về chính sách Biển Đông: Philippines nâng cấp hợp tác quân sự với Mỹ, tăng công khai các động thái của Trung Quốc, mạnh dạn hơn trong các sáng kiến ba – bốn bên về an ninh biển; Malaysia và Indonesia thể hiện rõ ràng quan điểm “cứng rắn” trong bảo vệ chủ quyền, mạnh dạn hơn trong đấu tranh ngoại giao, đồng thời đẩy mạnh hoạt động phản kháng trên thực địa[88]... Xu hướng này có thể được tiếp tục trong năm 2024 nhằm cản trở Trung Quốc tại Biển Đông.
Với các điểm nóng liên quan, dù Mỹ vẫn khẳng định sẽ không vì các khủng hoảng tại Trung Đông hay Ukraine mà giảm cam kết tại khu vực, thực tế có thể không như vậy. Có thông tin cho rằng hải quân Mỹ đã điều 25-30% lực lượng sang hạm đội ở Trung Đông sau khi căng thẳng Israel – Hamas xảy ra[89]. Các điểm nóng này sẽ khiến Mỹ phải dàn trải nguồn lực và quan tâm chính trị, qua đó có thể ảnh hưởng tới cam kết tại Biển Đông. Ngược lại, cũng có thể vì những điểm nóng này, Mỹ sẽ tăng cường năng lực vũ trang và răn đe tại khu vực, gắn chặt Biển Đông trong mối tương quan với trật tự dựa trên luật lệ hơn.
Dự báo cụ thể
Dựa trên các cơ sở trên, các diễn biến cụ thể tại Biển Đông năm 2024 có thể theo các chiều hướng sau: Trung Quốc vẫn là nhân tố chính quyết định sức “nóng” tình hình và hoạt động “vùng xám” vẫn là lựa chọn phổ biến; Trung Quốc và Mỹ tiếp tục coi Biển Đông là địa bàn cạnh tranh nước lớn, tăng răn đe quân sự và bán quân sự nhưng không trực tiếp đối đầu để tránh tổn hại đến ổn định khu vực có lợi cho cả hai; Các đồng minh – đối tác Mỹ sẽ thể hiện quan tâm tới Biển Đông nhiều hơn, có thể thông qua lời nói hơn hành động; ASEAN tiếp tục thực hiện cân bằng nước lớn nhưng sẽ thể hiện vai trò an ninh lớn hơn.
Trên thực địa, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ hành xử cứng rắn hơn trên thực địa ở các khu vực như Bãi Cỏ Mây, Bãi Tư Chính và Luconia... Trung Quốc sẽ thúc đẩy sử dụng các hoạt động “vùng xám” đa dạng như khảo sát địa chấn, nghiên cứu khoa học, trải cáp ngầm, thử nghiệm ứng dụng các công nghệ biển mới. Trung Quốc cũng có thể gia tăng vai trò dân binh, hướng tới các thực thể chưa có người chiếm đóng. Về phạm vi, Trung Quốc sẽ mở rộng hiện diện của mình trên biển, dưới biển và trên không. Do đó, sự cố như tại Bãi Cỏ Mây năm 2023 có khả năng sẽ xảy ra. Tuy nhiên, Trung Quốc nhìn chung vẫn sẽ kiềm chế can dự của hải quân, ưu tiên cảnh sát biển xử lý tình huống để giữ động lực đàm phán COC, không tạo cớ để Mỹ can dự sâu hơn vào Biển Đông và duy trì môi trường ổn định cho chính Trung Quốc phát triển.
Mỹ sẽ duy trì FONOP ở mức tương đối nhưng tiếp tục các hoạt động theo hướng “tích hợp” như đã nêu trong các văn bản chính sách, chia sẻ nhiều trách nhiệm cho đồng minh – đối tác hơn, nhất là thông qua các tập trận hay tuần tra chung tại Biển Đông. Mỹ có thể có động thái rõ ràng hơn để thể hiện cam kết với Đông Nam Á như trợ giúp Philippines sửa tàu BRP Sierra Madre hay điều nhân sự và khí tài tới các căn cứ mới, hỗ trợ các nước trùng tu tuyến cáp ngầm và nâng cao “nhận thức biển” (MDA)…
Các nước Đông Nam Á sẽ vừa tham gia các hoạt động gia tăng năng lực biển do Mỹ và đồng minh dẫn dắt, vừa tham gia tập trận hay kết nối quân sự với Trung Quốc, vừa mạnh dạn hơn với các hoạt động tập trận nội khối. Philippines, Malaysia và Indonesia rất có thể thể hiện thái độ mạnh mẽ hơn trên thực địa trước các diễn biến “vùng xám” mới.
Về chính trị - ngoại giao – pháp lý, Trung Quốc sẽ tiếp tục phản đối hiện diện của Mỹ và đồng minh tại Biển Đông, đẩy mạnh ngoại giao láng giềng với ASEAN, theo đuổi các đề xuất khai thác chung nhưng có thể tạo sức ép với ASEAN để thúc đẩy hoàn tất COC theo hướng có lợi cho mình. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai các nội luật đã công bố năm 2022 – 2023, chuẩn bị cho khả năng xuất hiện vụ kiện mới từ phía Philippines, theo đuổi các yêu sách theo “quyền lịch sử” hay các tập quán với các đảo xa bờ. Với BBNJ, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy để các Khu vực Bảo tồn Biển (MPA) không được thiết lập tại Biển Đông, nhất là trong Đường chữ U, qua đó phủ nhận vùng biển cả tồn tại ở đây.
Mỹ có thể giảm tần suất ra tuyên bố nhắc đến Biển Đông nhưng sẽ thúc đẩy các nước trung cường theo đuổi vấn đề này trong các tập hợp ba – bốn nước mới hay các diễn đàn đa phương. Mỹ cũng có thể tìm cách thúc đẩy các hướng tập hợp lực lượng mới liên quan đến Biển Đông như các tập hợp về cáp ngầm, khoáng sản biển, khai thác biển sâu hay năng lượng ngoài khơi… Mỹ cũng sẽ ủng hộ các nước ven biển ASEAN theo đuổi đồng thuận riêng về pháp lý và chính trị, có thể thông qua một thỏa thuận độc lập với COC hay một vụ kiện mới như phương án Philippines hé lộ sẽ theo đuổi. ASEAN, trước sức ép của cả hai bên, có thể theo đuổi hai phương án cùng một lúc: vừa tiếp tục COC, vừa tạo điều kiện để các nước ven biển tìm kiếm không gian hợp tác riêng, vừa theo đuổi đàm phán phân định biển với nhau.
Về tuyên truyền, Trung Quốc nhiều khả năng tiếp tục nâng cao năng lực kênh 1.5 và kênh 2 để thúc đẩy yêu sách trên trường quốc tế, định hướng dư luận theo hướng Mỹ và đồng minh mới là các bên gây bất ổn tại Biển Đông. Trung Quốc có thể sẽ có cách tiếp cận truyền thông chủ động hơn, “học tập” chiến thuật của Mỹ: sẵn sàng đưa ra các bằng chứng hình ảnh – video thực địa hay dùng dữ liệu vệ tinh và nguồn tin mở để phản bác luận điểm trái chiều.
Mỹ và đồng minh sẽ tiếp tục đầu tư cho các sáng kiến “nhận thức biển” (MDA), có thể tìm cách kết hợp các sáng kiến đơn lẻ như IPMDA của QUAD, CRIMARIO của EU, IPOI của Ấn Độ và Chương trình Nhận diện Tàu tắt tín hiệu của Canada để thu hút ủng hộ từ ASEAN[90]. Các tuyên truyền hướng tới Trung Quốc của Mỹ và đồng minh có thể sử dụng các luận điểm mới liên quan đến an ninh phi truyền thống (môi trường biển, kinh tế xanh hay khai thác năng lượng sạch)./.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
[1] “PH Protests CN Coast Guard Use of Military-Grade Laser, Dangerous Maneuvers Against PCG Near Ayungin”, truy cập 8/12/2023, https://dfa.gov.ph/dfa-news/statements-and-advisoriesupdate/31783-ph-protests-cn-coast-guard-use-of-military-grade-la-de-dangerous-maneuvers-against-pcg-near-ayungin.
[2] VnExpress, “Hải cảnh Trung Quốc bị tố cắt mặt tàu công vụ Philippines”, vnexpress.net, truy cập 8/12/2023, https://vnexpress.net/hai-canh-trung-quoc-bi-to-cat-mat-tau-cong-vu-philippines-4625539.html.
[3] “Philippines Accuses China Coast Guard of Firing Water Cannon at Its Boats”, France 24, 6/8/2023, https://www.france24.com/en/live-news/20230806-philippines-accuses-china-coast-guard-of-firing-water-cannon-at-its-boats.
[4] VnExpress, “Philippines công bố video vụ va chạm với tàu Trung Quốc ở Biển Đông”, vnexpress.net, truy cập 8/12/2023, https://vnexpress.net/philippines-cong-bo-video-vu-va-cham-voi-tau-trung-quoc-o-bien-dong-4667924.html.
[5] Ray Powell [@GordianKnotRay], “11 May between 12:45-1:30pm Local Time, While #China’s Coast Guard and Maritime Militia Moved Eastward through #Vietnam’s Oil & Gas Fields in the #SouthChinaSea, China Coast Guard Vessel 4303 Twice Abruptly Cut off Vietnam Coast Guard Ship CSB 7011. Hat Tip to @SCS_news For…”, Tweet, Twitter, 11/5/2023, https://twitter.com/GordianKnotRay/status/1656684637748592642.
[6] Ray Powell [@GordianKnotRay], “The Chinese Research Vessel Jia Geng Seems to Have Completed Its Most Recent Survey of Waters in & near the Philippines’ Exclusive Economic Zone, Where It’s Been a Frequent Visitor the Past 2 Years. Its Activities in Philippine Waters Caused a Brief Diplomatic Row in Early 2021. Https://T.Co/zoPNMVga8Y”, Tweet, Twitter, 24/3/2023, https://twitter.com/GordianKnotRay/status/1639121883034714112.
[7] “Việt Nam đang theo dõi sát tàu Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc”, VOV.VN, 1/6/2023, https://vov.vn/chinh-tri/viet-nam-dang-theo-doi-sat-tau-huong-duong-hong-10-cua-trung-quoc-post1023857.vov.
[8] Duan Dang [@duandang], “China’s Haiyang Dizhi 8 Survey Vessel Has Entered the Exclusive Economic Zone of Malaysia in the South China Sea. It Appears That the Royal Malaysian Navy’s Auxiliary Ship KA Bunga Mas Lima Is Heading to the Area. Https://T.Co/pD2hqwUwol”, Tweet, Twitter, 21/6/2023, https://twitter.com/duandang/status/1671383086066708480.
[9] Thống kê của nhóm Trung Quốc, Viện Biển Đông (Nhật Linh, Hoàng Lan và Ngọc Quyên).
[10] “Hải Dương Địa Chất 4 hoạt động trong... - Dự án Đại Sự Ký Biển Đông | Facebook”, truy cập 8/12/2023, https://www.facebook.com/daisukybiendong/posts/6321921571161818.
[11] Thống kê của nhóm Trung Quốc, Viện Biển Đông.
[12] ONLINE TUOI TRE, “Trung Quốc đưa tàu sân bay Sơn Đông ra Thái Bình Dương tập trận?”, TUOI TRE ONLINE, 13/9/2023, https://tuoitre.vn/trung-quoc-dua-tau-san-bay-son-dong-ra-thai-binh-duong-tap-tran-2023091311511078.htm.
[13]ONLINE TUOI TRE, “Trung Quốc tuyên bố hoàn thành tập trận chống ngầm ở Biển Đông”, TUOI TRE ONLINE, 31/8/2023, https://tuoitre.vn/trung-quoc-tuyen-bo-hoan-thanh-tap-tran-chong-ngam-o-bien-dong-20230831150023431.htm.
[14] Thống kê của nhóm nghiên cứu Mỹ, Viện Biển Đông (Triệu Khánh, Đỗ Ngân và Việt Hà).
[15] “Philippines, U.S. Announce Locations of Four New EDCA Sites”, U.S. Department of Defense, truy cập 8/122023, https://www.defense.gov/News/Releases/Release/Article/3349257/philippines-us-announce-locations-of-four-new-edca-sites/https%3A%2F%2Fwww.defense.gov%2FNews%2FReleases%2FRelease%2FArticle%2F3349257%2Fphilippines-us-announce-locations-of-four-new-edca-sites%2F.
[16] “US, Japanese, Philippine Coast Guard Ships Stage Law Enforcement Drills near South China Sea”, AP News, 6/6/2023, https://apnews.com/article/us-japan-philippines-south-china-sea-drill-24e42edef1fcfe7100327c55f0537732.
[17] https://scsconnect.nghiencuubiendong.vn/Account/DocMan.aspx?Id=330026&Type=
[18] “Philippines, U.S. Discuss Joint Coast Guard Patrols in South China Sea”, Reuters, 20/2/2023, sec World, https://www.reuters.com/world/philippines-us-discuss-joint-coast-guard-patrols-south-china-sea-2023-02-20/.
[19]https://indiannavy.nic.in/content/asean-india-maritime-exercise-aime-2023-indian-navy-ships-arrive-singapore
[20] Frances Mangosing, “Japan to Join Salaknib Drills between PH, US Armies”, INQUIRER.net, 6/3/2023, https://globalnation.inquirer.net/211698/japan-to-join-salaknib-drills-between-ph-us-armies.
[21] Thống kê của nhóm nghiên cứu Trung cường, Viện Biển Đông (Đinh Tuấn Anh, Lan Hương & Minh Châu).
[22] “自衛艦隊について”, truy cập 8/122023, https://www.mod.go.jp/msdf/about/topmessage/.
[23] Aaron-Matthew Lariosa, “Australian Amphib HMAS Canberra in the Philippines for Drills Amidst South China Sea Tensions”, USNI News (blog), 21/8/2023, https://news.usni.org/2023/08/21/australian-amphib-hmas-canberra-in-the-philippines-for-drills-admist-south-china-sea-tensions.
[24]“自衛艦隊について”, truy cập 8/12/2023, https://www.mod.go.jp/msdf/about/topmessage/.
[25] “U.S. Support for the Philippines in the South China Sea”, United States Department of State (blog), truy cập 8/12/2023, https://www.state.gov/u-s-support-for-the-philippines-in-the-south-china-sea-5/.
[26] “South China Sea: Biden Says US Will Defend the Philippines If China Attacks”, BBC News, 26/10/2023, sec Asia, https://www.bbc.com/news/world-asia-67224782.
[27] “U.S. Support for the Philippines in the South China Sea”, United States Department of State (blog), truy cập 8/122023, https://www.state.gov/u-s-support-for-the-philippines-in-the-south-china-sea-6/.
[28] “US Defense Chief Affirms MDT Commitment to PH vs. Attacks”, truy cập 8/12/2023, https://www.pna.gov.ph/articles/1194258.
[29] “U.S. Support for the Philippines in the South China Sea”, United States Department of State (blog), truy cập 8/12/2023, https://www.state.gov/u-s-support-for-the-philippines-in-the-south-china-sea-3/.
[30] “FACT SHEET: U.S.-Philippines Bilateral Defense Guidelines”, U.S. Department of Defense, truy cập 8/12/2023, https://www.defense.gov/News/Releases/Release/Article/3383607/fact-sheet-us-philippines-bilateral-defense-guidelines/https%3A%2F%2Fwww.defense.gov%2FNews%2FReleases%2FRelease%2FArticle%2F3383607%2Ffact-sheet-us-philippines-bilateral-defense-guidelines%2F.
[31]Ghio Ong Cayabyab Marc Jayson, “Allies back Philippines after new water cannon attack by China”, Philstar.com, truy cập 8/12/2023, https://www.philstar.com/headlines/2023/11/12/2310803/allies-back-philippines-after-new-water-cannon-attack-china.
[32] “Tàu Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc vi phạm vùng biển Việt Nam: Ý đồ và Hậu quả quốc tế”, truy cập 8/12/2023, https://nghiencuubiendong.vn/tau-huong-duong-hong-10-cua-trung-quoc-vi-pham-vung-bien-viet-nam-y-do-va-hau-qua-quoc-te.56400.anews.
[33] Daniel J. Kritenbrink, “Keynote Address by Daniel J. Kritenbrink at ROK-U.S. Strategic Forum 2022”, 6/6/2022, https://www.csis.org/analysis/keynote-address-daniel-j-kritenbrink-rok-us-strategic-forum-2022.
[34] xaydungchinhsach.chinhphu.vn, “tuyên bố chung Việt Nam – Mỹ về nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện”, xaydungchinhsach.chinhphu.vn, 11/9/2023, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-tuyen-bo-chung-ve-nang-cap-quan-he-viet-nam-hoa-ky-len-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-119230911120518326.htm.
[35] The White House, “The Spirit of Camp David: Joint Statement of Japan, the Republic of Korea, and the United States”, The White House, 18/82023, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2023/08/18/the-spirit-of-camp-david-joint-statement-of-japan-the-republic-of-korea-and-the-united-states/.
[36] The White House, “United States-Australia Joint Leaders’ StatementBuilding an Innovation Alliance”, The White House, 25/10/2023, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2023/10/25/united-states-australia-joint-leaders-statementbuilding-an-innovation-alliance/.
[37] The White House, “Readout of Vice President Harris’s Trilateral Meeting with President Marcos of the Philippines and Prime Minister Kishida of Japan”, The White House, 8/9/2023, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2023/09/07/readout-of-vice-president-harriss-trilateral-meeting-with-president-marcos-of-the-philippines-and-prime-minister-kishida-of-japan/.
[38] “Strategy for a Free, Peaceful, and Prosperous Indo-Pacific Region”, Government of the Republic of Korea, Tháng 12/2022, https://overseas.mofa.go.kr/viewer/skin/doc.html?fn=20230106093833927.pdf&rs=/viewer/result/202311
[39] New Plan for a “Free and Open Indo-Pacific (FOIP)” (Ministry of Foreign Affairs, 2023), https://www.mofa.go.jp/files/100477660.pdf.
[40] The White House, “G7 Hiroshima Leaders’ Communiqué”, The White House, 20/5/2023, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2023/05/20/g7-hiroshima-leaders-communique/.
[41] U. S. Mission Japan, “Joint Statement of the Security Consultative Committee (2+2)”, U.S. Embassy & Consulates in Japan, 11/1/2023, https://jp.usembassy.gov/joint-statement-security-consultative-committee-2plus2/; “Joint Statement of the Quad Ministerial Meeting in New Delhi”, United States Department of State (blog), truy cập 8/12/2023, https://www.state.gov/joint-statement-of-the-quad-ministerial-meeting-in-new-delhi/; https://www.pacom.mil/Media/News/News-Article-View/Article/3419037/united-states-japan-australia-trilateral-defense-ministers-meeting-tdmm-2023-jo; “Joint Statement on the U.S.-Japan-Republic of Korea Trilateral Ministerial Meeting”, United States Department of State (blog), truy cập 8/12/2023, https://www.state.gov/joint-statement-on-the-u-s-japan-republic-of-korea-trilateral-ministerial-meeting-2/
[42] Bản tin 6 tháng đầu năm 2023, Viện Biển Đông.
[43] ASEAN Maritime Outlook (ASEAN, 2023), https://asean.org/wp-content/uploads/2023/08/AMO-1.pdf.
[44] Tổng hợp của nhóm nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Biển Đông (Duy Thực, Hải Đăng, Thúy Hiền, Ngọc Trâm).
[45] “Digital Press Briefing with Daniel J. Kritenbrink, Assistant Secretary of State for East Asian and Pacific Affairs”, United States Department of State (blog), truy cập 8/12/2023, https://www.state.gov/digital-press-briefing-with-daniel-j-kritenbrink-assistant-secretary-of-state-for-east-asian-and-pacific-affairs/.
[46] Karen Lema, “Japan and Australia May Conduct South China Sea Patrols with U.S. and Philippines, Ambassador Says”, The Japan Times, 28/2/2023, https://www.japantimes.co.jp/news/2023/02/28/asia-pacific/south-china-sea-patrols/.
[47] “Secretary Blinken’s Meeting with Japanese Foreign Minister Kamikawa And Philippine Secretary of Foreign Affairs Manalo”, United States Department of State (blog), truy cập 8/12/2023, https://www.state.gov/secretary-blinkens-meeting-with-japanese-foreign-minister-kamikawa-and-philippine-secretary-of-foreign-affairs-manalo/.
[48] “Australian, US, Filipino Forces Practice Retaking an Island in a Drill along the South China Sea”, AP News, 25/8/2023,https://apnews.com/article/us-australia-philippines-south-china-sea-9657e0a9816f22b6fd0dd6ee5817cb3d.
[49] “Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình”, VOV.VN, 27/6/2023,https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-pham-minh-chinh-hoi-kien-tong-bi-thu-chu-tich-trung-quoc-tap-can-binh-post1029021.vov.
[50] “Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc”. Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 13/12/2023. https://dangcongsan.vn/tieu-diem/tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc-655227.html
[51] http://cpc.people.com.cn/n1/2023/0629/c64094-40023665.html
[52] “Trung Quốc công bố bản đồ mới 2023 nhằm gây áp lực cho các quốc gia trước các Hội nghị thượng đỉnh quan trọng - Nghiên Cứu Chiến Lược”, 2/9/2023, https://nghiencuuchienluoc.org/trung-quoc-cong-bo-ban-do-moi-2023-nham-gay-ap-luc-cho-cac-quoc-gia-truoc-cac-hoi-nghi-thuong-dinh-quan-trong/.
[53] ONLINE TUOI TRE, “Việt Nam phản đối vụ Trung Quốc nói tàu Hướng Dương Hồng 10 ‘không đi vào EEZ nước khác’”, TUOI TRE ONLINE, 10/6/2023, https://tuoitre.vn/viet-nam-phan-doi-vu-trung-quoc-noi-tau-huong-duong-hong-10-khong-di-vao-eez-nuoc-khac-20230607100515842.htm.
[54] Tổng hợp của nhóm Pháp lý, Viện Biển Đông (Lan Hương, Thanh Thảo).
[55]“Philippines Top Court Voids Old South China Sea Energy Deal”, Reuters, 10/1/2023, sec Energy, https://www.reuters.com/business/energy/philippines-top-court-voids-old-south-china-sea-energy-deal-2023-01-10/.
[56] Gaea Katreena Cabico, “Senate condemns China’s actions in West Philippine Sea”, Philstar.com, truy cập 8/12/2023, https://www.philstar.com/headlines/2023/08/01/2285485/senate-condemns-chinas-actions-west-philippine-sea.
[57] Franco Jose C. Baroña Tamayo Bernadette E., “PH to File Suit vs China”, The Manila Times, 21/9/2023, https://www.manilatimes.net/2023/09/21/news/ph-to-file-suit-vs-china/1910963.
[58]Arlina Arshad và Lim Min Zhang, “China and Asean Agree on Guidelines to Expedite South China Sea Negotiations”, The Straits Times, 13/7/2023, https://www.straitstimes.com/asia/se-asia/china-and-asean-agree-on-guidelines-to-expedite-south-china-sea-negotiations.
[59] “The 21st Senior Officials’ Meeting on the Implementation of the Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea Held in Beijing”, truy cập 8/12/2023, https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/wjbxw/202310/t20231027_11169603.html.
[60] “9DASHLINE — No Land in Sight: Prospects of a South China Sea Code of Conduct”, 9DASHLINE, 3/8/2023, https://www.9dashline.com/article/no-land-in-sight-prospects-of-a-south-china-sea-code-of-conduct.
[61] ONLINE TUOI TRE, “Philippines muốn có quy tắc ứng xử với Việt Nam và Malaysia ở Biển Đông”, TUOI TRE ONLINE, 20/11/2023, https://tuoitre.vn/philippines-muon-co-quy-tac-ung-xu-voi-viet-nam-va-malaysia-o-bien-dong-20231120112714201.htm.
[62]“‘Minh bạch hóa’ - công cụ mới phục vụ ‘chiến tranh thông tin’ trên Biển Đông”, truy cập 8/12/2023, https://nghiencuubiendong.vn/minh-bach-hoa-cong-cu-moi-phuc-vu-chien-tranh-thong-tin-tren-bien-dong.56409.anews.
[63] Ivan Watson Campisi Emiko Jozuka,Dan, “Chinese Fighter Jet Confronts US Navy Plane with CNN Crew Aboard as Tensions Simmer in the South China Sea”, CNN, 24/2/2023, https://www.cnn.com/2023/02/24/asia/us-navy-south-china-sea-flyover-intl-hnk-ml/index.html; Alastair Gale, “Chinese Jet Fighter Shadows U.S. Aircraft Over South China Sea”, Wall Street Journal, 24/2/2023, sec World, https://www.wsj.com/articles/chinese-jet-fighters-step-up-pressure-on-u-s-aircraft-over-south-china-sea-c2d1ac88
[64] “Department of Defense Releases Declassified Images, Videos of Coercive and Risky PLA Opera”, U.S. Department of Defense, truy cập 8/12/2023, https://www.defense.gov/News/Releases/Release/Article/3559903/department-of-defense-releases-declassified-images-videos-of-coercive-and-risky/https%3A%2F%2Fwww.defense.gov%2FNews%2FReleases%2FRelease%2FArticle%2F3559903%2Fdepartment-of-defense-releases-declassified-images-videos-of-coercive-and-risky%2F.
[65]Military and Security Developments Involving the People’s Republic of China (US Department of Defense, 2023), https://media.defense.gov/2023/Oct/19/2003323409/-1/-1/1/2023-MILITARY-AND-SECURITY-DEVELOPMENTS-INVOLVING-THE-PEOPLES-REPUBLIC-OF-CHINA.PDF.
[66] “How the People’s Republic of China Seeks to Reshape the Global Information Environment”, United States Department of State (blog), truy cập 8/12/2023, https://www.state.gov/gec-special-report-how-the-peoples-republic-of-china-seeks-to-reshape-the-global-information-environment/.
[67] 网易, “东海紧张对峙:国际安全的现实考验”, 17/9/2023, https://www.163.com/dy/article/IEQJACS00553QZKA.html.
[68] Asia Maritime Transparency Initiative, truy cập 8 Tháng Chạp 2023, https://amti.csis.org/.
[69] “Ray Powell (@GordianKnotRay) / X”, X (formerly Twitter), 13/11/2023, https://twitter.com/GordianKnotRay.
[70] Christopher S. Chivvis Miller Hannah, “The Role of Congress in U.S.-China Relations”, Carnegie Endowment for International Peace, truy cập 8/12/2023, https://carnegieendowment.org/2023/11/15/role-of-congress-in-u.s.-china-relations-pub-91012.
[71] Gallup Inc, “Record-Low 15% of Americans View China Favorably”, Gallup.com, 7/3/2023, https://news.gallup.com/poll/471551/record-low-americans-view-china-favorably.aspx.
[72] “China struggles to spend its way out of economic crisis”, truy cập 8/12/2023, https://www.ft.com/content/1dfcdec4-b0fa-4569-a70c-387172a3c241.
Laura He, “China’s Economy Will Be Hobbled for Years by the Real Estate Crisis | CNN Business”, CNN, 6/10/2023, https://www.cnn.com/2023/10/06/economy/china-economy-real-estate-crisis-intl-hnk/index.html.
[74] “China Can Reach 5% Growth Rate in 2024, Ex-PBOC Official Says”, Bloomberg.Com, 23/10/2023, https://www.bloomberg.com/news/articles/2023-10-23/china-s-2024-growth-hitting-5-is-necessary-ex-pboc-official-says.
[75] “Has the Chinese Economy Hit the Wall?”, East Asia Forum, 8/10/2023, https://www.eastasiaforum.org/2023/10/08/has-the-chinese-economy-hit-the-wall/.
[76] Nt.
[77] Trao đổi của các chuyên gia Viện Brookings, Mỹ với Viện Biển Đông, 2023.
[78] China Naval Modernization: Implications for U.S. Navy Capabilities—Background and Issues for Congress (Congressional Research Service, 2023), https://crsreports.congress.gov/product/pdf/RL/RL33153/275.
[79] China Naval Modernization: Implications for U.S. Navy Capabilities—Background and Issues for Congress (Congressional Research Service, 2023), https://crsreports.congress.gov/product/pdf/RL/RL33153/275.
[80] Nt
[81] Nt.
[82] Nt.
[83] “Twelfth Annual South China Sea Conference: Morning Keynote Address by Representative Rob Wittman (R-VA)”, 26/7/2022, https://www.csis.org/analysis/twelfth-annual-south-china-sea-conference-morning-keynote-address-representative-rob.
[84] Leo Shane III và Bryant Harris, “Congress Reveals Plan to Increase Defense Budget by 8%”, Defense News, 7/12/2022, https://www.defensenews.com/congress/budget/2022/12/07/congress-reveals-plan-to-increase-defense-budget-by-8/.
[85] “Pentagon Budget 2024: Congress Backs 3.3% Defence Increase”, Janes.com, truy cập 8/12/2023, https://www.janes.com/defence-news/news-detail/pentagon-budget-2024-congress-backs-33-defence-increase.
[86] “Trung Quốc Công Bố Sách Trắng về Quan Hệ Quốc Tế”, https://www.qdnd.vn, truy cập 8/12/2023, https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/trung-quoc-cong-bo-sach-trang-ve-quan-he-quoc-te-744380.
[87] “China’s leaders will seek to exploit global divisions in 2024”, The Economist, truy cập 8/12/2023, https://www.economist.com/the-world-ahead/2023/11/13/chinas-leaders-will-seek-to-exploit-global-divisions-in-2024.
[88] “Tàu Trung Quốc quấy nhiễu hoạt động dầu khí trên Biển Đông của Malaysia thời gian gần đây và cách thức phản ứng của Malaysia”, truy cập 8/12/2023, https://nghiencuubiendong.vn/tau-trung-quoc-quay-nhieu-hoat-dong-dau-khi-tren-bien-dong-cua-malaysia-thoi-gian-gan-day-va-cach-thuc-phan-ung-cua-malaysia.56405.anews.
[89] “Security Nexus Webinar: US-Korea-Japan Trilateral on China’s Maritime Strategy and Allies’ Responses”, The Daniel K. Inouye Asia-Pacific Center for Security Studies, ngày 31/10/2023, https://dkiapcss.edu/us-korea-japan-trilateral-webinar-on-chinas-maritime-strategy-and-allies-responses/
[90] Hoang Do, “How to Help ASEAN Address South China Sea ‘Gray-zone’ Challenges”, United States Institute of Peace, ngày 25/9/2023, https://www.usip.org/publications/2023/09/how-help-asean-address-south-china-sea-gray-zone-challenges
Trả lời câu hỏi của phóng viên chiều ngày 25/5/2023, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết, tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 (XYH-10) của Trung Quốc cùng một số tàu hải cảnh, tàu cá bảo vệ đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được xác lập phù hợp với các quy định của...
Trong gần hai năm trở lại cầm quyền tại Malaysia từ tháng 5/2018 - 3/2020, Thủ tướng Mahathir Mohamad (sau đây gọi là Chính quyền Mahathir 2.0) đã thổi luồng gió mới vào chính sách Biển Đông của Malaysia. Khác với cách tiếp cận “thầm lặng” của chính quyền tiền nhiệm, Thủ tướng Mahathir và chính quyền...
Qua phân tích ảnh vệ tinh Đá Ba Đầu từ 2016 đến nay cho thấy, việc Trung Quốc tập kết lượng lớn tàu, dài ngày tại Đá Ba Đầu không phải để tránh thời tiết xấu mà nhiều khả năng là chiến thuật "cắt lát Salami" mới ở Biển Đông, bắt đầu triển khai từ tháng 2 năm 2020.
Bài viết phân tích Hải chiến Hoàng Sa (1974), cuộc tấn công ở Trường Sa (1988), sự kiện Đá Vành Khăn (1995) và sự kiện Bãi cạn Scarborough (2012) để tìm ra những quy luật nhất định. Đây sẽ là cơ sở để phán đoán thời điểm Trung Quốc hành động chiếm mới các thực thể ở Biển Đông để từ đó Việt Nam ra...
Nội dung bài viết bao quát lịch sử quá trình từ khi Trung Quốc manh nha thúc đẩy ý tưởng nghiên cứu băng cháy trên Biển Đông; cho đến hiện trạng khai thác hiện nay để làm rõ thực chất Trung Quốc đã đi đến bước nào trong tiến trình khai thác một loại năng lượng mới ở trên Biển Đông.
Dưới góc nhìn luật pháp quốc tế, bài viết sẽ cung cấp quan điểm chính thức từ hai bên cũng như ý kiến từ bên thứ ba để thấy rõ tính chất đáng lo ngại của động thái hung hăng của Trung Quốc, nhất là khi cả thế giới đang phải đối đầu với đại dịch Covid-19.