Như để nhấn mạnh rằng thách thức lớn nhất của châu Á là ứng phó với sự trỗi dậy của một Trung Quốc đang ngày càng quyết đoán, chính phủ Trung Quốc gần đây đã cho công bố các kế hoạch xây dựng nhiều đập nước mới trên các dòng sông lớn chảy tới các nước khác. Quyết định của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc nhằm áp chế những lo ngại của các nước vùng hạ lưu trong khi đơn phương triển khai các kế hoạch cho thấy rằng vấn đế chính đang đặt ra cho châu Á không phải là việc sẵn sàng thích ứng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, mà là sự cần thiết phải thuyết phục các nhà lãnh đạo Trung Quốc thể chế hoá việc hợp tác với các nước lân cận.

Trung Quốc án ngữ một vị thế địa lý trung tâm của châu Á, có chung biên giới biển và đất liền với 20 quốc gia, cho nên nếu thiếu vắng Trung Quốc thì khó có thể thiết lập một trật tự khu vực dựa trên luật định. Vậy, làm cách nào để kéo Trung Quốc vào đây?

Thách thức này nổi bật nhất trên các dòng sông xuyên biên giới ở châu Á, nơi mà cho đến nay, Trung Quốc đã thiết lập được một vị thế áp đảo vô song về nguồn nước so với bất kì châu lục nào bằng cách thôn tính những vùng xuất phát của các dòng sông quốc tế chủ yếu - đó là Cao nguyên Tây Tạng và Tân Cương - đồng thời tìm cách hướng các dòng chảy xuyên biên giới vào các đập, hồ chứa, đê ngăn nước, hệ thống thuỷ nông và các cấu trúc khác. Trung Quốc, nơi xuất phát của các dòng sông xuyên biên giới tới các nước khác nhiều hơn bất kì một nước nào khác có vị thế bá chủ nguồn nước, gần đây đã chuyển hướng trọng tâm của chương trình xây dựng đập từ các dòng sông nội vi sang các dòng sông quốc tế sau khi đã xây dựng được số đập nước nhiều hơn tất cả các nước trên thế giới cộng lại.

Hầu hết các đập nước của Trung Quốc đều có đa chức năng, từ phát điện đến phục vụ các nhu cầu sản xuất, khai mỏ, thuỷ lợi và cung cấp nước cho các thành thị. Với việc nâng quy mô các đập nước của mình, Trung Quốc ngày nay không những là nước có nhiều đập nước lớn nhất, mà còn là nước sản xuất thuỷ điện lớn nhất trên thế giới với khả năng sản xuất điện theo thiết kế lên tới 230 gi-ga-oát.

Hội đồng Nhà nước (Trung Quốc), đang tìm cách nâng khả năng thuỷ điện vốn đã lớn của đất nước này lên thêm 120 gi-ga-oát nữa, gần đây đã xác định coi 54 đập nước mới sẽ được xây thêm vào số đang được triển khai là “những dự án xây dựng then chốt” trong kế hoạch nâng cấp ngành điện cho đến năm 2015. Hầu hết các đập mới này sẽ được triển khai ở vùng Tây Nam phong phú về sinh thái, nơi có nhiều hệ thống sinh học tự nhiên và giống nguyên chủng đang ngày càng có nguy cơ bị tiệt chủng.

Sau khi giảm tốc chương trình xây dựng đập nước trước hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường khi hoàn thành Đập Tam Hiệp vào năm 2006 - lớn nhất thế giới, Trung Quốc giờ đây lại đang hối thúc xây dựng một thế hệ thống đập nước khổng lồ mới. Vào lúc mà việc xây đập nước ở châu Âu đang lụi tàn và lại còn gặp phải sự chống đối ngày càng gia tăng ở các nền dân chủ khác như Nhật Bản, Ấn Độ, thì Trung Quốc chắc chắn vẫn sẽ là tâm điểm của những dự án đập nước khổng lồ trên thế giới.

Những dự án như vậy cho thấy một lối suy nghĩ hẹp hòi đặc trưng cho những tính toán trong chính sách về nguồn nước của Trung Quốc. Với việc triển khai một loạt các đập nước lớn ở những vùng biên chỉ có người dân tộc thiểu số sinh sống, Trung Quốc đang tìm cách chiếm đoạt nguồn nước sông trước khi chảy ra ngoài biên giới.

Châu Á, một lục địa khô cằn nhất trên thế giới về bình quân nguồn nước sạch tính theo đầu người, cần phải có một hệ thống quản lý nguồn nước dựa trên luật định để duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh và đảm bảo tính bền vững về môi sinh. Nhưng Trung Quốc vẫn là một cản trở lớn, không chịu tham gia vào một hiệp ước chia sẻ nguồn nước với bất kỳ một nước láng giềng nào - chứ chưa nói gì tới việc họ ủng hộ một khuôn khổ điều phối khu vực, bởi vì Trung Quốc muốn duy trì chiến lược nằm giữ quyền kiểm soát các dòng sông xuyên biên giới.

Trong số một loạt các dự án đập vừa mới được thông qua, có 5 đập trên sông Salween, 3 trên sông Brahmaputra và 2 trên sông Mekong. Đến nay Trung Quốc đã xây 6 đập lớn trên sông Mekong - huyết mạch của Đông Nam Á lục địa - với Đập Nuozhadu vừa được xây gần đây nhất có bể chứa được thiết kế để dự trữ 22 tỷ m3 nước. Các chương trình xây dựng đập nước hiện tại của Trung Quốc đe doạ tới Lưu vực sông Salween - một khu di sản thế giới được UNESCO công nhận và các khu vực nhạy cảm về môi sinh cổ xưa mà các sông Brahmaputra và Mekong chảy qua.

Ba con sông quốc tế lớn này xuất phát từ cao nguyên Tây Tạng với những nguồn nước dồi dào đã trở thành một sức hút các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. Sông Salween chảy xuyên qua Tây Tạng tới tỉnh Vân Nam trước khi đổ vào Myanmar và Thái Lan sẽ không còn là dòng chảy tự do của châu Á nữa với công trình đầu tiên - Đập Songta có công suất 4.200 mê-ga-oát sắp được khởi công ở Tây Tạng.

Quyết định của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã đảo ngược việc dừng xây đập trên sông Salween, được Thủ tướng Ôn Gia Bảo công bố năm 2004 sau khi gặp phải sự phản đối rầm rộ của quốc tế xung quanh việc khởi công các dự án lớn tại các Khu Bảo tồn Thiên nhiên, gần khu di sản thế giới - một lưu vực sửng sốt mà cả 3 con sông Salween, Brahmaputra và Mekong cùng chảy qua. Quyết định đảo ngược này cũng phù hợp với cách thức được triển khai ở các nơi khác bao gồm cả sông Dương Tử: Trung Quốc tạm ngưng một chương trình gây nhiều tranh cãi sau khi có các cuộc biểu tình lớn nhằm chờ thời cơ đến khi dư luận công chúng dịu đi trước khi tái dựng lại chính kế hoạch đó.

Trong khi đó, việc Trung Quốc công bố 3 dự án đập nước mới trên sông Brahmaputra chảy qua vùng đông bắc Ấn Độ và Bangladesh đã ngay lập tức bị Ấn Độ nhắc nhở rằng phải “đảm bảo lợi ích của các quốc gia hạ lưu không bị tổn hại” bởi các công trình thượng nguồn. Nước đã trở thành nguồn gốc chia rẽ mới trong quan hệ Ấn - Trung.

Việc Trung Quốc mới đây tập trung xây dựng các đập nước ở vùng Tây Nam cũng gây ra những lo lắng lớn hơn về mức độ an toàn. Thực ra, giới khoa học Trung Quốc đã kết luận cuộc động đất lớn năm 2008 phá huỷ vành đai phía Đông cao nguyên Tây Tạng làm thiệt mạng 87.000 người là do hậu quả của Đập Zipingpu được đặt gần một rãnh gẫy địa chấn. Sức nặng của nước được tích trong bể chứa lớn của Đập được coi là đã gây ra những chấn động lớn mà giới khoa học gọi là hiện tượng động đất do hồ chứa gây ra.

Với việc Trung Quốc ồ ạt xây thêm đập chứa nước, chắc chắn sẽ làm xấu đi quan hệ giữa các quốc gia châu Á, làm cho cuộc tranh giành nguồn nước quyết liệt hơn, cản trở tiến trình vốn đã rất chậm chạp hướng tới việc thể chế hoá hợp tác và liên kết khu vực. Nếu Trung Quốc cứ tiếp tục thái độ bất chấp như hiện nay, thì triển vọng cho một trật tự dựa trên luật định ở châu Á có thể vĩnh viễn bị lụi tàn.

Brahma Chellaney, Giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược, New Delhi, Ấn Độ đăng. Bài viết đăng trên BDLive.

Trần Quang (gt)