Trong cuốn sách của mình có tựa đề “Các đối thủ”, Bill Emmott, một chủ biên trước đây của tờ “The Economist” trích dẫn lời một quan chức đối ngoại cấp cao của Ấn Độ về vấn đề Ấn Độ và Trung Quốc. Ông nói: “Có một điều anh phải hiểu là cả hai nước chúng ta nghĩ rằng tương lai thuộc về chúng ta. Cả hai chúng ta không thể đều đúng”.

 

Khi các nhà kinh tế học và các doanh nhân xem xét sự nổi lên của Trung Quốc, họ xem đó như là một điều may mắn trong đó mọi người có khả năng đạt được từ sự thịnh vượng của người khác. Đất nước này đã trở thành một đối tác thương mại hàng đầu đối với hầu hết các nơi trong khu vực – ngay cả nếu phương Tây là nguồn cầu cuối cùng quan trọng. Khi Trung Quốc trở nên giàu có hơn, họ sẽ trở thành một thị trường cho phần còn lại của châu Á, đúng như khu vực này sẽ trở thành thị trường lớn hơn đối với Trung Quốc.

 

Than ôi, an ninh không hoạt động theo cách đó. Khi hai nước không thực sự tin tưởng lẫn nhau, an ninh lớn hơn đối với một nước sẽ phá hoại an ninh của nước kia, như vị quan chức Ấn Độ đó đã bộc lộ. Vì vậy, ở một lục địa rắc rối như châu Á, các nước trông chờ ở Mỹ để cứu họ thoát khỏi một Trung Quốc ngày càng hùng mạnh – trông chờ “nước xa” để chống lại “lửa gần”.

 

Về bản chất, các nước châu Á muốn có được điều đó bằng cả hai cách: chống lại sức mạnh của Trung Quốc nhưng tiếp tục tiến hành thương mại với nước này; hưởng lợi từ an ninh của Mỹ nhưng không hy sinh thương mại với Trung Quốc. Đây là một ván bài khó thắng và nếu các mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên khó xử lý hơn trong thập kỷ tới, như nó có khả năng là vậy, thì khu vực này sẽ phải ở vào vị trí không dễ chịu gì giữa hai cực này. Các cường quốc yếu hơn thậm chí có thể làm tăng thêm tình trạng căng thẳng giữa hai nước khổng lồ này.

 

Điều đó sẽ làm Trung Quốc thất vọng, nước trong những năm gần đây rất cố gắng làm yên lòng các nước láng giềng bằng việc làm đúng đắn, cũng như bằng việc thuyết phục họ với mọi lời ngon ngọt về “sự nổi lên hòa bình”. Chẳng hạn, Trung Quốc đã cất công giải quyết các tranh chấp lãnh thổ của mình – và theo những điều kiện rộng rãi đáng chú ý. Taylor Fravel thuộc Viện Công nghệ Massachusetts đã kết luận rằng trong việc giải quyết 17 trong số 23 vụ tranh chấp lãnh thổ, Trung Quốc thường đồng ý nhận chưa đến 1/2 vùng đất tranh chấp. Họ cũng thường hào phóng trong chính sách ngoại giao kinh tế, ký một loạt hiệp định thương mại tự do trên khắp châu Á. Theo Marc Lanteigne thuộc trường Đại học Victoria ở Wellington, Niu Dilân, “trong khoảng 1 thập kỷ, Trung Quốc đã tự chuyển đổi mình từ một nước hoài nghi về thương mại được tự do hóa và ưu tiên thành một trong những nước đề xướng mạnh mẽ nhất”.

 

Trung Quốc đã gia nhập các tổ chức đa quốc gia (thậm chí giúp thành lập một tổ chức, Tổ chức hợp tác Thượng Hải). Nước này hiện nay là thành viên của hơn 50 tổ chức liên chính phủ và của hơn 1.000 tổ chức quốc tế phi chính phủ. Người ta có thể thấy các đại biểu của Trung Quốc tại Diễn đàn khu vực ASEAN, ASEAN +3, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và APEC – và đó chỉ là các hội nghị bắt đầu bằng chữ A. Các nước châu Á hy vọng rằng, như Gulliver, Trung Quốc có thể bị trói buộc bởi những sợi dây khu vực này.

 

Tuy nhiên đó là đặt nhiều sự tin tưởng vào các diễn đàn đa quốc gia. Việc chỉ trích các nhà ngoại giao vì nỗ lực đàm phán hòa bình có thể dường như khó nghe, nhưng châu Á có quá nhiều hội nghị cấp khu vực. Chỉ riêng trong năm 2007, Trung tâm Trao đổi quốc tế của Nhật Bản đã thống kê có 277 hội nghị đa phương liên chính phủ về an ninh.

 

Nick Bisley thuộc trường Đại học La Trobe ở Ôxtrâylia, là người đã nghiên cứu về các tổ chức an ninh khu vực của châu Á, kết luận rằng tình trạng có vẻ dư thừa này thực ra là mặt nạ che đậy sự mất tin tưởng, khi mỗi nước châu Á cố gắng tham gia diễn đàn mình ủng hộ. Các hội nghị có thể là thiển cận và các nhà lãnh đạo có xu hướng né tránh đưa ra các quyết định thực sự, có tính ràng buộc. Việc trở thành tâm điểm của giới truyền thông không giúp ích được gì. Gary Schmitt thuộc Viện doanh nghiệp Mỹ ở Oasinhtơn viết rằng các diễn đàn và hiệp định khác nhau của châu Á “có vẻ giống danh sách tên chó mèo hơn là một khuôn khổ chặt chẽ và có thể dự đoán được cho tương lai”.

 

Một phần của rắc rối là các diễn đàn này phải thanh trừng nhiều tư tưởng xấu. Mặc dù hiện nay Trung Quốc hòa thuận hơn với 14 nước láng giềng so với thái độ của họ trong nhiều thế kỷ, họ vẫn hoàn toàn không tin tưởng bất cứ nước nào – và ngược lại. Các mối quan hệ với Nhật Bản chưa bao giờ vượt qua được sự chiếm đóng thời đế chế. Kể từ 1949, Trung Quốc đã đụng độ với Nga và đấu tranh chống lại LHQ ở Triều Tiên, Ấn Độ và Việt Nam .

 

Các cuộc chiến hải quân

 

Thêm vào đó, Trung Quốc nhấn mạnh các tuyên bố chủ quyền biển của mình với một thái độ quyết liệt mà họ hầu như đã tránh trong các tranh chấp đường biên giới đất liền, có thể là bởi vì sự giàu có nhờ ngư nghiệp và khai thác mỏ đang có nguy cơ chịu nguy hiểm. Trong 36 năm qua, Trung Quốc đã đụng độ về quần đảo Hoàng Sa với Việt Nam (1974); về quần đảo Trường Sa với Việt Nam (1988) và Philíppin (1994), với Hàn Quốc về Đảo đá ngầm Tô Nham Tiêu (2006), và với Nhật Bản về Đảo Okinotori (2004) và gần đây nhất vào năm 2010 về đảo Điếu Ngư (Sensaku).

 

Với quá nhiều nước láng giềng lôi kéo theo quá nhiều hướng khác nhau, chính sách đối ngoại của Bắc Kinh phải đương đầu với các mâu thuẫn không thể tránh khỏi. Khi Bắc Triều Tiên đánh chìm tàu Cheonan, Trung Quốc phải lựa chọn giữa an ninh và mối quan hệ ngày càng thân mật với Hàn Quốc. Đứng về phía Bắc Triều Tiên, Trung Quốc đã ra tín hiệu có tác động xấu với Hàn Quốc rằng họ không sẵn lòng hay không thể kiểm soát đồng minh của mình. Cũng như vậy, các mối quan hệ của Trung Quốc với Ấn Độ bị làm phức tạp thêm bởi những gì đang diễn ra ở các nước láng giềng. Ấn Độ không chỉ không tin tưởng Trung Quốc về vấn đề Pakixtan mà họ còn giành giật với Ttung Quốc ở những nơi như Nêpan và Sri Lanka mà họ xem là nằm trong phạm vi ảnh hưởng của chính họ.

 

Do vậy các nước châu Á đối phó như thế nào với sức mạnh của Trung Quốc và các khiếm khuyết của các tổ chức đa quốc gia? Họ đang dần dần nhưng đều đặn mua các vũ khí khi họ trở nên giàu có. Trong Sách Trắng Quốc phòng của mình vào năm 2009, Ôxtrâylia rõ ràng là lo lắng về Trung Quốc hùng mạnh và đề xuất làm mới và tăng gấp đôi hạm đội tàu ngầm của mình cũng như chế tạo một “tàu khu trục tương lai” tân tiến hơn. Việt Nam đặt hàng 6 tàu ngầm lớp Kilo từ Nga. Trước đó, Xinhgapo mua 2 tàu ngầm lớp Archer của Thụy Điển còn Malaixia và Ấn Độ mua 8 tàu ngầm lớp Scorpène của Pháp.

 

Nhật Bản cũng tự vũ trang cho mình theo một cách gián tiếp. Mặc dù ngân sách quốc phòng chính thức của Nhật Bản chỉ là 1%GDP và trong thập kỷ qua đã giảm xuống hơn 3% trên danh nghĩa, trên thực tế, nó giảm khoảng hơn 1%. Nhật Bản cũng chuyển các nguồn lực hướng tới hải quân của mình, mà vẫn mạnh hơn so với hải quân Trung Quốc. Richard Samuels thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, đã chỉ ra rằng lực lượng bảo vệ bờ biển của Nhật Bản, được cấp tài chính bên ngoài ngân sách quốc phòng, hiện nay có một đội tàu và các quy tắc can dự lỏng lẻo hơn so với của các lực lượng phòng vệ.

 

Cũng như việc tự vũ trang, các nước châu Á tiến đến gần Mỹ hơn. Việc này đã được thể hiện một cách gây ấn tượng tại Diễn đàn khu vực ASEAN ở Hà Nội vào tháng 7/2010. Trong một động thái đã làm Trung Quốc tức giận, các nước thành viên ASEAN hết nước này đến nước khác đã phàn nàn về cách thức áp chế mà nước láng giềng của họ khẳng định chủ quyền đối với Biển Đông. Các tuyên bố đã lên đến cực điểm bằng việc Hillary Clinton, Ngoại trưởng Mỹ, nhấn mạnh đất nước bà sẽ làm trung gian hòa giải để đảm bảo sự lưu thông an toàn qua các vùng biển quốc tế.

 

Cũng có tiến bộ trên phương diện song phương. Vào tháng 8/2010, Việt Nam và Mỹ đã bắt đầu hợp tác cấp cao về quân sự, với một hội nghị ở Hà Nội. Các quan chức của Việt Nam đã lên thăm hàng không mẫu hạm USS George Washington ngoài khơi bờ biển Việt Nam . Các tàu hải quân của Mỹ đã neo đậu ở Việt Nam, nơi đã đồng ý sửa chữa các tàu chỉ huy hải vận của Mỹ. Dường như không phải là mới cách đây hơn 35 năm hai nước đã có chiến tranh.

Không thật tốt về Chú Sam

 

Tuy nhiên, chẳng có gì minh bạch trong việc tìm kiếm an ninh đối với Mỹ - cường quốc ít bị nghi ngờ nhất của châu Á, như Lý Quang Diệu, Bộ trưởng cao cấp của Xinhgapo đã miêu tả. Đôi khi các nước phải vượt qua các trở ngại ở trong nước. Trong nhiệm kỳ Tổng thống của George Bush, Ấn Độ và Mỹ đã củng cố hiệp ước thân thiện mới của họ bằng một thỏa thuận hợp tác về năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, ngay cả mức độ thân mật đó cũng đã làm dấy lên sự chống đối trong nước từ những người Ấn Độ theo cánh tả. Một hiệp định phòng thủ chính thức với Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc hiện nay chẳng có vẻ gì là có khả năng. Ấn Độ không thích thú gì với một vai trò thứ yếu và họ tự hào về sự không liên kết của mình.

 

Ấn Độ cũng không hoàn toàn mong muốn hất cẳng Trung Quốc – một đối thủ, đúng vậy, nhưng cũng là một đồng minh về các vấn đề như sự biến đổi khí hậu và các vấn đề kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, như Rahul RoyChaudhury thuộc IISS chỉ ra, các nhà chính trị của Ấn Độ bị tách rời khỏi các lực lượng vũ trang. Thiếu một hội đồng an ninh quốc gia hiệu quả ủng hộ, hải quân chỉ dần dần có thể thuyết phục chính phủ rằng Trung Quốc có thể trở thành một mối đe dọa.

 

Các quân chủng của Ấn Độ có thể tổ chức các hoạt động gây ấn tượng, nhưng trong một cuốn sách mới về hiện đại hóa quân sự của đất nước, Stephen Cohen và Sunnil Dasgupta lập luận rằng họ cũng phải chịu sự cạnh tranh giữa các quân chủng, tình trạng mua sắm kém cỏi và sự nghi ngờ còn lại đối với việc sử dụng lực lượng vũ trang (nảy sinh từ sự độc lập được kết hợp với sự thống trị thuộc địa của Anh).

 

Hay hãy lấy trường hợp Hàn Quốc, đồng minh về lâu dài của Mỹ, đã đổi hướng đi từ an ninh sang kinh tế và lại quay trở lại. Dưới thời Tổng thống Roh Moo-hyun, đất nước này đã rời khỏi Mỹ trong một nỗ lực chứng tỏ sự độc lập của mình với tư cách là một cường quốc châu Á có các mối liên hệ về kinh tế ngày càng gần gũi với Trung Quốc. Vào năm 2007, Roh đã giành được sự tán thành của Mỹ rằng từ năm 2012 Hàn Quốc một lần nữa lại chỉ huy các lực lượng của mình trong trường hợp có chiến tranh. Ông cũng tiếp tế cho Bắc Triều Tiên khi Mỹ cắt viện trợ năng lượng. Tuy nhiên, người kế nhiệm ông, Lee Myung Park , thêm một lần nữa đã làm chệch hướng chính sách, quay sang nhờ vào Mỹ về an ninh. Ông đã trì hoãn việc chuyển quyền chỉ huy thời chiến đến năm 2015 và thực hiện đường lối cứng rắn về vấn đề Bắc Triều Tiên.

 

Ở Nhật Bản, các phe phái khác nhau biểu lộ tất cả các xu hướng này và còn hơn thế nữa. Các bộ phận thuộc Đảng Dân chủ Nhật Bản đang cầm quyền tìm cách đưa Nhật Bản đến gần hơn với Trung Quốc. Các bộ phận của đảng Dân chủ tự do, hiện ở phe đối lập sau nhiều thập kỷ cầm quyền, phẫn nộ trước sự hiện diện của 36.000 nhân viên quân sự Mỹ ở các căn cứ nằm rải rác khắp đất nước. Các bộ phận khác cũng gắn chặt với chủ nghĩa hòa bình tới mức Mỹ băn khoăn tự hỏi không biết người Nhật Bản có thực sự đến nếu họ được yêu cầu không. Và tuy thế, những người khác nuôi dưỡng những sự nghi ngờ liệu rằng Nhật Bản có thể thường xuyên trông chờ vào Mỹ hay không. Đối với nhiều người Nhật Bản, sự tranh cãi về đảo Điếu ngư (Senkaku) cho thấy Trung Quốc dễ nổi cáu như thế nào. Sau khi lực lượng bảo vệ bờ biển bắt giữ các ngư dân, Trung Quốc đã hủy bỏ các cuộc gặp, làm tê liệt thương mại của Nhật Bản và ngừng xuất khẩu đất hiếm. Các nhà ngoại giao Nhật Bản hài lòng khi bà Clinton lên tiếng công khai ủng hộ họ. Tuy nhiên, ông Samuel của MIT cho rằng Mỹ cần phải đảm bảo lại với Nhật Bản, đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Á. Nếu Nhật Bản nghi ngờ vấn đề đó, Mỹ sẽ chứng kiến tất cả các liên minh của mình ở châu Á trở nên tồi tệ hơn.

 

Sự tính toán dành cho Trung Quốc thì khác. Những nỗ lực của họ tranh thủ các nước láng giềng chỉ gây ra các kết quả lẫn lộn. Các mối liên hệ về kinh tế mua chuộc được một phần thiện chí nhất định, nhưng phần lớn khu vực này lao nhanh đến Mỹ ngay khi có dấu hiệu rắc rối đầu tiên. Khi thái độ của Trung Quốc tự khẳng định mình gia tăng, thì điều đó có thể dễ dàng trở thành nguyên nhân gây ra sự thất vọng mà sẽ nuôi dưỡng sự mất tin tưởng lẫn nhau giữa các siêu cường. Cả hai cách, Mỹ và Trung Quốc có thể tranh đấu để giành được sự trung thành của khu vực này. Điều đó cũng sẽ làm hỏng mối quan hệ quan trọng nhất – mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ.

Theo Economist

Lê Hươn (gt)

Phần 5: Sự tái đảm bảo về mặt chiến lược