skynews_668378.jpg

Bên trong một đất nước từ lâu đã tự coi mình là trung tâm của thế giới luôn ngự trị một sự mở rộng trống rỗng. Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh được xây dựng để tổ chức các cuộc biểu dương lực lượng, và trong nhiều thập kỷ, các nhà lãnh đạo cộng sản của Trung Quốc - và những người đôi khi chỉ trích họ - đã phủ kín quảng trường khổng lồ này để khẳng định rằng mình cũng mang linh hồn của Trung Quốc: Chủ tịch Mao Trạch Đông và Hồng quân chiến thắng của mình năm 1949, Hồng vệ binh dốc lòng vì sự trong sạch của cách mạng năm 1966, thậm chí cả những sinh viên biểu tình trước khi Quân giải phóng nhân dân (PLA) đập tan sự nghiệp của họ năm 1989. Ngày 3/9, mặt đất một lần nữa lại rung lên dưới Cổng trời Bình an, như ý nghĩa của từ “Thiên An Môn” trong tiếng Trung Quốc. Khoảng 12.000 binh lính đã diễu hành qua quảng trường, theo sau là xe tăng và xe tải tua tủa các loại vũ khí, bao gồm Đông Phong-21D, một loại tên lửa đạn đạo mới được tiết lộ có thể nhắm vào các tàu sân bay tối quan trọng đối với Hải quân Mỹ. Chỉ huy đoàn duyệt binh, đánh dấu lễ kỷ niệm 70 năm Nhật Bản chính thức đầu hàng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, là Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Chủ tịch Quân ủy trung ương và Chủ tịch Trung Quốc – những danh xưng được nêu theo thứ tự giảm dần về tầm quan trọng. Kể từ khi nắm quyền kiểm soát ĐCSTQ vào tháng 11/2012, Tập Cận Bình, người có cha là một nhà cách mạng cộng sản, đã nhanh chóng củng cố quyền lực.

Trong một dấu hiệu cho thấy quyền lực của mình, cuộc duyệt binh ngày 3/9 đã phá vỡ truyền thống, trở thành cuộc diễu hành lớn đầu tiên không diễn ra vào 1/10, kỷ niệm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa theo chủ nghĩa cộng sản vào năm 1949. Đây là cuộc diễu hành của Tập Cận Bình – và thông điệp truyền đi bởi những cỗ xe tăng chạy rầm rầm và những chiếc phi cơ phản lực chiến đấu bay vút lên rất rõ ràng: một thời bị tàn phá bởi hơn một thế kỷ ngoại xâm, gần đây nhất là bởi người Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của ĐCS, đã tự chuyển đổi thành một cường quốc kinh tế và quân sự đẳng cấp thế giới. Trật tự thế giới mới của Tập Cận Bình hình dung ra một ngân hàng khu vực do Trung Quốc dẫn dắt và những công ty thuộc sở hữu nhà nước trên toàn thế giới, cùng với các mạng lưới thương mại mở rộng tỏa ra từ Trung Quốc giúp gắn kết khoảng 60 quốc gia lại với nhau, như Con đường tơ lụa cổ xưa từng làm như vậy. Chủ nghĩa dân tộc hầu như không phải chỉ có ở riêng Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc duyệt binh, cùng với lời kêu gọi ngày càng tăng của Tập Cận Bình về tinh thần yêu nước, đã báo hiệu một ĐCS đang tìm kiếm một lực lượng cho sự gắn kết quốc gia, khi các tín điều khác đã mất đi sức hấp dẫn. Rana Mitter, giám đốc Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford và là tác giả của cuốn “Đồng minh bị quên lãng: Cuộc chiến giữa Trung Quốc và Nhật Bản, 1937-1945”, cho biết “đây thực sự là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng chủ nghĩa dân tộc như một ý thức hệ thống nhất vào thời điểm nó đang mạnh mẽ, trái ngược với việc sử dụng chủ nghĩa dân tộc để vượt qua sự ô nhục quốc gia”. Những nhà cộng sản cai trị đang tự hào một cách chính đáng về việc đưa hàng trăm triệu người thoát ra khỏi cảnh nghèo đói, một phần bằng cách từ bỏ các cuộc thử nghiệm theo chủ nghĩa xã hội tai hại đối với những cải cách thị trường. Ở tuổi 62, Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo Trung Quốc mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ. Khẩu hiệu lãnh đạo của ông, được tô vẽ trên vô số áp phích tuyên truyền trên toàn quốc, là “Giấc mộng Trung Hoa”, trong đó hứa hẹn sẽ làm trẻ hóa quốc gia song song với một dạng học thuyết thịnh vượng cá nhân.

Tuy nhiên, khế ước xã hội mà Chính phủ Trung Quốc từng cam kết với toàn thể nhân dân của mình – chúng tôi để các bạn theo đuổi sự giàu có vật chất và các bạn để chúng tôi thống trị mà không nghi ngờ – đang mòn dần. Sau hai thập kỷ tăng GDP một cách phập phù, nền kinh tế Trung Quốc đã chậm lại. Sản lượng sản xuất tháng 7 rất ảm đạm, xuất khẩu tháng 8 suy giảm, và các nhà kinh tế học tự hỏi liệu quốc gia có đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng năm 7% của Bắc Kinh chỉ bằng cách làm giả số liệu hay không. Để thúc đẩy đồng tiền của mình, đồng nhân dân tệ (NDT), Trung Quốc đã rút từ lượng dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới của mình. Ngay trước ngày diễn ra cuộc duyệt binh, sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải đã kết thúc trong sắc đỏ, đóng lại một mùa Hè cổ phiếu rớt giá tự do – bất chấp việc chính phủ đã chi hàng trăm tỷ USD cố gắng vực dậy thị trường. Theo Jessica Chen Weiss, một phó giáo sư của chính phủ tại Đại học Cornell và cũng là tác giả cuốn “Những người yêu nước đầy quyền lực: Sự phản kháng nhuốm màu dân tộc chủ nghĩa trong quan hệ ngoại giao của Trung Quốc”: “Tập Cận Bình và chính quyền của ông đang suy xét lại cách thức mà trong đó, tính hợp pháp của Đảng gắn liền với nền kinh tế, bởi nếu cột trụ kinh tế sụp đổ, họ cần thứ gì khác để chống đỡ. Cột trụ chủ nghĩa dân tộc sẽ trở nên ngày càng quan trọng trong việc duy trì quyền lực của Đảng”.

Việc biểu lộ tình cảm yêu nước thái quá không diễn ra trong khoảng trống toàn cầu, và “Giấc mộng Trung hoa” của Tập Cận Bình đang đụng phải những nguyện vọng của các nước khác. Tại Biển Đông giàu tài nguyên, nơi nhiều rạn san hô khác nhau đang được tuyên bố chủ quyền bởi 6 chính phủ, Bắc Kinh đã bắt tay vào việc điên cuồng xây dựng đảo trong các vùng biển tranh chấp, biến những mũi cát thành vùng đất đủ lớn để đón những chiếc máy bay chiến đấu của Trung Quốc. Trong khi các hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung thường dẫn đến một sự dạt dào thiện chí trong những tuần trước đó, bầu không khí hiện nay vẫn rất tồi tệ: ngoài một cam kết chung giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, Washington và Bắc Kinh trên thực tế đã bất đồng về mọi thứ, từ sự nghiêm trọng của cái bị cáo buộc là chiến tranh thông tin từ Trung Quốc cho đến việc liệu lợi ích quân sự mới của Mỹ ở Thái Bình Dương là để kiềm chế Trung Quốc hay là gìn giữ hòa bình khu vực. (Nhưng tính tiêu cực đã được tăng cường bởi chu kỳ bầu cử của Mỹ trong đó các ứng viên tổng thống vượt lẫn nhau, cố gắng cho thấy họ có thể cứng rắn đến mức nào đối với Trung Quốc).
Chắc chắn là, phương Tây có lẽ cảm thấy khó mà yên tâm từ một cuộc duyệt binh phô trương 500 trang thiết bị quân sự, hầu hết trong số đó trước đây chưa từng được nhìn thấy. Chỉ ngay trước buổi duyệt binh, các tàu hải quân Trung Quốc lần đầu tiên đã chạy gần Alaska – một biểu tượng có sức thuyết phục mạnh mẽ cho sức mạnh được phô diễn của Bắc Kinh, xét việc Tổng thống Mỹ Barack Obama lúc đó đang thăm bang này. Thái Bình Dương có thể hòa bình, nhưng một vị thủ tướng cứng rắn hiện đang điều hành Nhật Bản và tàu Mỹ qua lại trên đại dương với sự ủng hộ của các đối thủ của Trung Quốc như Việt Nam và Philippines. Nhà phân tích quốc phòng Gao Feng tại Bắc Kinh nói: “Người ta có thể không bao giờ phóng đại sức mạnh của một quân đội hùng mạnh. Người Trung Quốc chúng ta đã học được rằng chúng ta phải có một quân đội hùng mạnh để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta”. Hướng tới mục tiêu này, cảnh tượng ngoạn mục về quân sự đó đã dịu lại. Chính xác 70.000 con bồ câu đã được thả vào không trung, cùng với bóng bay đa màu sắc. Tập Cận Bình cam kết sẽ cắt giảm quân đội xuống 300.000 người, tuyên bố rằng “người Trung Quốc chúng ta yêu hòa bình”. (Bài phát biểu của ông ngày hôm đó đã nhắc đến chữ “hòa bình” 17 lần).

Để chứng minh tầm với toàn cầu của Trung Quốc, binh lính từ 17 quốc gia khác đã oai vệ tham gia buổi diễu binh. Nhưng chỉ một nguyên thủ quốc gia từ nhóm Đồng minh chính của Chiến tranh thế giới thứ hai đã có mặt tại Bắc Kinh: Vladimir Putin của Nga. Gần như tất cả các nhà lãnh đạo châu Âu đều tránh xa, bất chấp lời mời của Bắc Kinh, và hầu hết những người nước ngoài tham gia cuộc diễu hành đều đến từ những quốc gia hoặc là bạn tâm giao về ý thức hệ của Trung Quốc (Cuba, Kazakhstan) hoặc là nước nhận được sự hỗ trợ kinh tế của Bắc Kinh (Vanuatu, Campuchia). Hình ảnh đọng lại từ cuộc duyệt binh không phải là những con bồ câu chao liệng mà là những binh lính bước đi kiểu chân ngỗng – lòng yêu nước bị át đi bởi chủ nghĩa sô-vanh hiếu chiến. James Carter, một chuyên gia về lịch sử Trung Quốc hiện đại thuộc Đại học St. Joseph ở Philadelphia, cho biết “giới lãnh đạo Trung Quốc được cái nọ phải mất cái kia. Họ đang thể hiện ý tưởng rằng Trung Quốc rất hòa bình, đối với thế giới và trên toàn thế giới, nhưng họ đang tích cực mở rộng lãnh thổ của mình và không quan tâm đến các chính sách hòa giải. Rất khó để dung hòa hai lực lượng này”. Mao Trạch Đông, cha đẻ của Trung Quốc cộng sản, rất vui mừng trước sự gây rối loạn này. Các binh lính của ông đã tấn công chớp nhoáng tại Ấn Độ và Việt Nam, và ông đã cử nhiều đợt lính sang chiến đấu cùng với Bắc Triều Tiên trong cuộc nội chiến tại bán đảo Triều Tiên. (Con trai của Mao Trạch Đông đã chết trong cuộc xung đột sau). Trong nước, đấu tranh giai cấp đang bao trùm. Mao Trạch Đông đã bêu riếu những hiền nhân xưa như Khổng tử. Hồng vệ binh đã tước đoạt từ các viện bảo tàng những tài sản nghệ thuật của chúng, những thứ được coi là biểu tượng cho sự suy tàn và thối nát của chế độ phong kiến.

Hiện nay, 66 năm sau khi Mao Trạch Đông thành lập nước Cộng hòa Nhân dân của ông, những người cộng sản đang bám chặt vào quyền lực. Không phải là kích động cách mạng, ĐCSTQ ngày này tập trung nhiều hơn vào việc tự bảo vệ. Sở hữu tư nhân đã quay trở lại. Tương tự là Khổng tử, mà sự trọng quyền của ông có thể được sử dụng để có lợi cho chính phủ hiện nay. Sự đảo lộn giá trị này hầu như không được bình luận gì ở Trung Quốc - vì cuộc sống đã trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều rất nhanh, tại sao phải nghĩ đến những mâu thuẫn này? Tập Cận Bình đã nói với lực lượng nòng cốt của ĐCSTQ vào năm ngoái rằng “từ bỏ truyền thống và chối bỏ gốc rễ đồng nghĩa với việc giết chết đời sống tinh thần của chúng ta”. Một số tín hữu của Đảng có thể từng đốt sách, đánh lộn với những kẻ đường phố theo chủ nghĩa tư bản và đập phá những di sản vô giá thời họ còn trẻ. Ngày nay họ nhắc lại những đức tính tốt đẹp từ xa xưa và gửi con cái mình đi học đại học tại Mỹ. Cũng là điều hợp lý rằng tương lai của ĐCS phụ thuộc vào Tập Cận Bình, ông hoàng con mà, bất chấp những năm tháng khó khăn bị đày tới một hang động sau khi cha ông bất hòa với Mao Trạch Đông, vẫn là một thành viên đầy tự hào của giới quý tộc cộng sản Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp đại học, Tập Cận Bình đã làm việc với tư cách là một trợ lý của Bộ trưởng Quốc phòng khi đó, và ông đã nuôi dưỡng tình bằng hữu với những người hiện nay đang đứng trong hàng ngũ cấp cao của PLA. Sau đó, Tập Cận Bình đã lãnh đạo những thành phố và tỉnh tiên phong trong phong trào cải cách thị trường của Trung Quốc. Joh Delury, một sử gia, đồng tác giả cuốn “Của cải và Quyền lực: Cuộc trường chinh của Trung Quốc tới thế kỷ 21”, cho biết: “Khôi phục của cải và sức mạnh quốc gia vẫn luôn là động lực thúc đẩy trong đời sống chính trị và trí thức của Trung Quốc kể từ giữa thế kỷ 19, và Tập Cận Bình chỉ đơn giản là người thừa kế truyền thống lớn này. Có lẽ chúng ta nhận thấy cốt lõi dân tộc chủ nghĩa rõ ràng hơn khi các ý thức hệ khác bị tước đi, như đã xảy ra với chủ nghĩa cộng sản”.

Kể từ khi lên nắm quyền, Chính quyền Tập Cận Bình đã ra lệnh cho các trường đại học – và ngay cả chính phủ - phải thanh lọc những giá trị phương Tây nguy hại, chẳng hạn như khái niệm về nhân quyền phổ quát và quyền tự do ngôn luận. (Tuy nhiên Karl Marx của Đức được miễn nhiễm trước những chiến dịch bài ngoại đó, giống như con gái của chính Tập Cận Bình đã vào học tại Harvard). Nhà lãnh đạo Trung Quốc này đã rất cẩn trọng trong những tuyên bố công khai của mình trước công chúng. Nhưng vào năm 2009, khi vẫn là Phó Chủ tịch nước, Tập Cận Bình đã gay gắt với những người chỉ trích từ bên ngoài và thoáng cho thấy những suy nghĩ thực sự của mình. Ông phát biểu tại thành phố Mexico, khi đề cập đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, rằng “trong bối cảnh khủng hoảng tài chính quốc tế, Trung Quốc vẫn có thể giải quyết vấn đề nuôi sống 1,3 tỷ dân của mình, và đó đã là đóng góp lớn nhất của chúng tôi cho nhân loại rồi. Tuy nhiên một số người nước ngoài ăn no rửng mỡ và chẳng làm gì tốt hơn ngoài việc quy tội cho chúng tôi”. Nuôi sống 1/5 nhân loại là một thành tích ấn tượng, đặc biệt là tại một đất nước với diện tích đất canh tác còn hạn chế. Bất chấp suy thoái kinh tế, sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc vẫn chiếm gần 1/3 thị trường cao cấp toàn cầu trong năm ngoái, theo công ty tư vấn Bain & Company. Nhưng có lẽ thành tựu lớn nhất của giới lãnh đạo Trung Quốc – ít nhất để đảm bảo sự tồn tại tiếp tục của nó – là xóa bỏ khoảng cách giữa đảng và dân tộc. Yêu Trung Quốc cũng là yêu ĐCSTQ. Carter nói: “Đó là một nỗ lực rất đơn giản và thành công để kết nối Đảng Cộng sản Trung Quốc với sức mạnh của dân tộc Trung Quốc. Không giống như ở Đông Âu, nơi các đảng cộng sản đối chọi với các phong trào dân tộc chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác định mình là người bảo vệ dân tộc”.

Cuộc duyệt binh của Trung Quốc – vào một ngày được chọn làm ngày lễ mới với tên gọi Ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nhật Bản của nhân dân Trung Quốc và Chiến tranh chống Phát xít thế giới – đã làm dấy lên lòng tận tụy dân tộc. Công chúng nào lại không xúc động khi âm thanh của bài quốc ca vang lên và những người lính như tạc diễu hành ngang qua, đặc biệt nó còn diễn ra vào một dịp cuối tuần kéo dài 3 ngày đầy bất ngờ? Cũng hữu ích khi hàng tuần trước, buổi duyệt binh đã rải rác có các bài báo và các bộ phim truyền hình ghi lại sự tàn ác của quân xâm lược Nhật Bản. Thanh niên Trung Quốc đã trải qua hàng thập kỷ được giáo dục về lòng yêu nước, trong đó nêu bật những tội ác chiến tranh của Nhật Bản, trong khi nói rất ít về cuộc Đại nhảy vọt, Cách mạng Văn hóa và các chiến dịch cộng sản thảm họa khác thậm chí còn gây ra tổn thất về sinh mạng nhiều hơn những gì sự chiếm đóng của Nhật Bản đã gây ra. Chuẩn bị cho lễ duyệt binh, các nhân viên kiểm duyệt của chính phủ đã làm thêm giờ để át đi những tiếng nói chỉ trích. Một nữ diễn viên Đài Loan, người từng đăng những tấm hình chị em song sinh của mình vào ngày 3/9, đã bị lên án bởi những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc trên mạng vì đã hạ thấp dịp lễ trang trọng này. Tuy nhiên, những tiếng nói bất hòa đã tìm cách xen vào câu chuyện kể chính thức. Ren Yi, cháu trai của một nhà cách mạng cộng sản, đã viết trên tài khoản mạng xã hội Trung Quốc của mình rằng “giọng điệu của buổi lễ thể hiện rằng đây là buổi lễ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, không phải buổi lễ của người dân Trung Quốc”. Những lời bình luận của ông lan truyền rất nhanh nhưng những tiếng nói độc lập khác đã bị dập tắt. Trong những tháng gần đây, hàng trăm người Trung Quốc, từ nhà văn và luật sư cho đến những người bênh vực quyền phụ nữ và các nhà hoạt động công đoàn, đã bị cầm tù, chiến dịch toàn diện nhất chống lại tư tưởng tự do ở Trung Quốc trong nhiều năm qua. Tập Cận Bình cũng đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng đã làm sa lưới hàng chục nghìn quan chức, bao gồm một vài trong số các đối thủ chính trị của ông.
Đã 3 năm trong nhiệm kỳ được dự kiến sẽ kéo dài cả thập kỷ của mình, ông Tập Cận Bình đã không tuân theo sự lãnh đạo đồng thuận do những nhà tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân thực thi. Delury cho biết “Tập Cận Bình dường như đang có một kế hoạch vĩ đại, một ý thức về vận mệnh lịch sử cho dân tộc Trung Quốc trong thời gian lãnh đạo tối cao của ông, theo một cách mà những nhà tiền nhiệm của ông đã không làm”. Thay vì chia trách nhiệm với các thành viên khác trong Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị 7 thành viên đang cai trị Trung Quốc, Tập Cận Bình đã đích thân nắm quyền kiểm soát của cái gọi là “tiểu ban chỉ đạo”, mà lập ra chính sách cho tất cả mọi thứ từ an ninh mạng cho đến đối ngoại. Theo truyền thống, các vị Thủ tướng Trung Quốc chỉ đạo nền kinh tế, nhưng Tập Cận Bình đã tự phong mình làm người đứng đầu Tiểu ban chỉ đạo trung ương về các cải cách sâu sắc toàn diện, một thực thể quyền lực được lập ra vào năm 2013. Ông đã chịu trách nhiệm tập hợp thành viên cho Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á mới do Trung Quốc đứng đầu, điều Mỹ đã tẩy chay ngay cả khi nhiều nước dân chủ khác đăng ký tham gia.

Là người cai trị không thể tranh cãi của một đảng cầm quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc, Tập Cận Bình đứng trong số những người quyền lực nhất thế giới. Nhưng quyền lực là con dao hai lưỡi. Khi sự việc xấu đi, sẽ không có ai khác để đổ lỗi. Cho đến nay, nỗ lực chống tham nhũng và sự truyền đạt thông điệp mạnh mẽ của Tập Cận Bình đã giúp ông giành được sự ủng hộ trong nước. Nhưng năm nay nó đã đi kèm với một loạt tin tức không đáng hoan nghênh: một cuộc suy thoái kinh tế mạnh hơn dự đoán; thị trường chứng khoán ảm đạm tỏa ra từ Trung Quốc đến các nơi khác ở châu Á và thậm chí tới cả phương Tây; và một vụ nổ nhà máy hóa chất ở thành phố cảng Thiên Tân làm thiệt mạng hơn 160 người và làm lộ sự cẩu thả của chính quyền đằng sau rất nhiều giao dịch kinh doanh ở Trung Quốc. Bất chấp những nỗ lực được đầu tư của Bắc Kinh vào quyền lực mềm, sức vươn văn hóa của Trung Quốc hầu như không phản ánh những hào quang của một nền văn minh cổ xưa. Một cuộc khảo sát của Pew công bố vào tháng 6 đã cho thấy chỉ 27% người dân tại 40 quốc gia coi Trung Quốc là cường quốc kinh tế đứng đầu thế giới, trong khi số người nói Mỹ đang nắm giữ vị trí đó đã tăng từ 45% vào năm ngoái lên 50%. Hơn nữa, chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc có một cách để quay lại phản đối sức mạnh đang thống trị. Triều đại nhà Thanh, triều đại cuối cùng của Trung Quốc, đã bị lật đổ bởi những người yêu nước đòi hỏi các nhà cầm quyền mạnh mẽ hơn để xứng đáng với các thần dân của họ. Các cuộc biểu tình của sinh viên năm 1989 cũng đã đưa tình cảm dân tộc chủ nghĩa tới Thiên An Môn. Weiss thuộc Đại học Cornell cho biết “trong việc nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc, Tập Cận Bình và ĐCSTQ đang đùa với lửa. Đây là một cách để làm chệch hướng sự chú ý của công chúng từ nền kinh tế sang chính sách đối ngoại, nhưng có lẽ họ nên làm điều đó trên trường quốc tế. Vẫn còn phải xem xem họ có thể bảo vệ danh dự quốc gia như thế nào”.

Sự tăng trưởng kinh tế bền vững còn quan trọng với người dân Trung Quốc hơn là việc sở hữu vài vệt đất nhỏ trên Biển Đông. Chênh lệch thu nhập và tỷ lệ thất nghiệp giữa các sinh viên tốt nghiệp đại học đã gia tăng. (Không ai tin tỷ lệ thất nghiệp quốc gia chính thức là 4,1%, và các nhà kinh tế học quốc tế đáng kính cho rằng con số thực tế có thể ít nhất gấp đôi con số ước tính của chính phủ). Một số người giàu nhất Trung Quốc đã gửi gia đình mình ra nước ngoài, nơi tiền của họ được bảo vệ tốt hơn và môi trường ít ô nhiễm hơn. Nhà sử học Delury nói, “liệu người Trung Quốc có bị cuốn vào cơn điên cuồng dân tộc chủ nghĩa qua các kế hoạch quân phiệt xâm chiếm những vùng đất lạ, lật đổ chế độ và xâm chiếm lãnh thổ hay không? Ngược lại. Người dân muốn tăng trưởng kinh tế được khôi phục. ‘Giấc mộng Trung Hoa’ mà họ thực sự mong muốn là về việc đạt được sự sung túc của tầng lớp trung lưu”. Tại những nước có hệ thống chính trị mở, bị loại bỏ khỏi quyền lực không nhất thiết phải khiến cho một đảng đi đến lụn bại. Nhưng lịch sử Trung Quốc không có xu hướng trao cho những nhà cầm quyền cơ hội thứ hai. Theo sử gia người Trung Quốc Zhang Lifan, người có cha từng là một bộ trưởng trong chế độ cộng sản ban đầu trước khi bị thanh trừng, “trong văn hóa của chúng ta, lòng yêu nước nghĩa là tuân theo đảng, vì đảng là đại diện duy nhất của đất nước”. Zhang từng có rất đông người theo dõi trên phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc nhưng các nhân viên kiểm duyệt của chính phủ đã khiến ông phải im lặng. Ông lo ngại rằng các nhà lãnh đạo hiện nay, một vài trong số đó đã lớn lên cùng ông, đang tự cô lập mình khỏi tư duy phê phán. Tuy nhiên, Zhang tin rằng Bắc Kinh nhận thức rất rõ về những lợi ích hiện hữu. Ông nói, “Chủ tịch Tập Cận Bình biết rằng nếu Đảng Cộng sản mất đi quyền lực, nó sẽ mất quyền lực mãi mãi. Cuộc chiến này là một cuộc chiến sống còn”./.

Theo “Tạp chí Time

Mỹ Anh (gt)