Trung Quốc đã hoàn thành sự chuyển giao lãnh đạo quan trọng của Bắc Kinh trong một thập kỷ. Nhật Bản cũng đã có một sự chuyển giao quyền lực, với Đảng Dân chủ Tự do giành lại được đa số trong Hạ viện và thành lập chính phủ mới dưới sự lãnh đạo của Shintaro Abe. Một trong những nhiệm vụ chính đang chờ ông Abe là việc Thủ tướng sẽ phải hàn gắn mối quan hệ với Trung Quốc liên quan đến tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Tại Mỹ, Tổng Thống Obama một người đã đưa ra cách tiếp cận thận trọng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, đã tái đắc cử Tổng Thống Mỹ. Trong một cuộc tranh luận, ông Obama đã miêu tả Trung Quốc là “một đối thủ nhưng đồng thời cũng là một đối tác có tiềm năng nếu Trung Quốc tuân thủ các quy tắc trong cộng đồng quốc tế”.

Ban lãnh đạo mới của Bắc Kinh sẽ xử lý thế nào với hai đối thủ chính của họ và cũng là đối tác tiềm năng trong những năm tới?

Một số nhà bình luận Nhật Bản đã suy đoán về mô hình có thể có của chính sách đối ngoại của Bắc Kinh dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, hầu hết trong số họ đánh giá dựa trên hồ sơ quá khứ của Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo dựa vào Uỷ ban thường vụ vừa được thành lập. Bởi vì Ủy ban đó có tiếng nói quyết định về chính sách quốc gia, vì vậy lẽ đương nhiên là quan điểm cá nhân của các thành viên đó sẽ có tác động đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong thời gian tới.

Tuy nhiên, có vẻ như các nhu cầu cấp bách nội bộ và đối ngoại có khả năng thắng thế các quan điểm cá nhân trong việc tạo ra một đường hướng cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong vài năm tới. Các yếu tố bên trong và bên ngoài này sẽ buộc ban lãnh đạo mới phải có một cách tiếp cận cơ bản hợp tác đối với Mỹ trong khi vẫn duy trì lập trường cứng rắn đối với Nhật Bản.

Điều đầu tiên, đội ngũ lãnh đạo mới cần làm là củng cố kiểm soát của đảng, bộ máy hành chính quốc gia và quân đội. Tranh giành quyền lực vốn là một điều hiển nhiên của con người và Đảng cộng sản Trung Quốc cũng không ngoại lệ, thế giới đã chứng kiến sự chém giết nội bộ thời kỳ dẫn tới Đại hội Đảng toàn quốc 18 vừa qua. Chắc chắn sẽ có những lực lượng chống đối trong đảng đó lợi dụng mọi cơ hội để làm suy yếu niềm tin vào ban lãnh đạo mới nhằm tạo ra những lợi thế chính trị cho riêng họ.

Đối mặt với hoàn cảnh như vậy, một chính phủ mới sẽ tránh bất kỳ một hành động nào đi ngược lại các chính sách được hình thành trong thời kỳ của ban lãnh đạo cũ. Thậm chí nếu có nhà lãnh đạo nào đó đã nghỉ hưu tiếp tục gây ảnh hưởng từ phía hậu trường, chế độ mới sẽ hành động một cách an toàn chứ không phải là mở toang trước những lời chỉ trích thông qua bất kỳ sự đảo ngược chính sách đột ngột nào. Chắc chắn là những thận trọng như vậy đã được thực hiện trong những năm đầu của chế độ Hồ Cẩm Đào.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát đã chỉ rõ sự khác biệt chính sách thời kỳ Hồ Cẩm Đào và thời kỳ ông Giang Trạch Dân. Theo các nhà phân tích, sự hiện diện rõ nét của các thành viên thuộc phe cánh của Giang trong Ủy ban thường vụ Quốc hội mới được bầu cho thấy sẽ có sự thay đổi chính sách sắp xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh ông Hồ đã từ bỏ chức Chủ tịch Quân Ủy Trung Ương thay vì tiếp tục nắm giữ nó thêm một vài năm nữa. Việc ông Hồ Cẩm Đào quyết định từ bỏ cả hai chức vụ đó nói lên sự tự tin của ông rằng “khái niệm phát triển khoa học” và các chính sách cốt lõi khác được thông qua trong chế độ của ông sẽ không bị đe dọa dưới thời kỳ của ban lãnh đạo mới.

Liên quan đến chính sách đối ngoại, di sản mà Hồ Cẩm Đào để lại là nhấn mạnh đến sự hợp tác. Trung Quốc và Mỹ đã xây dựng một mối quan hệ hợp tác rất gần gũi trong 10 năm qua dưới sự lãnh đạo của Hồ Cẩm Đào. Với một chính sách đối ngoại hợp tác của Mỹ đối với châu Á dưới thời Barack Obama, những mối quan hệ này tiếp tục phát triển, như đã thể hiện qua các kết quả của Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung.

Tính đến các rủi ro nói trên về sự đảo ngược chính sách sớm, chúng ta có thể trông đợi rằng các nhà lãnh đạo mới của Bắc Kinh vẫn duy trì chính sách của Hồ Cẩm Đào về việc theo đuổi mối quan hệ hợp tác với Mỹ, ít nhất trong vài năm tới. Người phát ngôn Hồng Lỗi, khẳng định điều này tại cuộc họp báo đầu tiên của mình tiếp theo sự thay đổi trong ban lãnh đạo. Khi được hỏi về đường hướng tương lai về chính sách đối ngoại Trung Quốc của ban lãnh đạo mới, ông đã trích dẫn báo cáo của Hồ Cẩm Đào tại đại hội thứ 18 toàn quốc và tuyên bố dứt khoát rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục trên con đường “hợp tác thân thiện”.

Sự thật là những thách thức chính trị cấp bách nhất chính phủ mới phải đối mặt là các vấn đề đối nội, chứ không phải đối ngoại. Chính phủ của Tập Cận Bình phải giải quyết một danh sách dài những vấn đề nội bộ đang nhức nhối đe dọa sự ổn định lâu dài của Trung Quốc.

Bất mãn trong nước đã leo thang về nhiều vấn đề như tham nhũng và lạm dụng quyền lực trong số các quan chức cấp tỉnh, tỷ lệ thất nghiệp lớn trong số những người di cư đến thành phố để tìm việc làm và cơ hội ít ỏi về việc làm cho sinh viên đã tốt nghiệp đại học đã thúc đẩy một loạt các cuộc biểu tình và bạo loạn xung quanh đất nước. Thách thức lớn nhất đối với ban lãnh đạo mới của Bắc Kinh là phải đánh vật với những vấn đề trong nước này. Không phải ngẫu nhiên mà cả báo cáo nói của Hồ Cẩm Đào và phát biểu của Tập Cận Bình tại cuộc họp báo đầu tiên với tư cách là Tổng bí thư đã được dành chủ yếu nói về công tác nội bộ. Và giải quyết các vấn đề trong nước đòi hỏi một môi trường quốc tế ổn định cho sự tăng trưởng kinh tế .

Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã liệt kê các ưu tiên hàng đầu của mình như tăng cường hiện đại hóa, giành thống nhất đất nước và bảo vệ hòa bình thế giới, đồng thời thúc đẩy “phát triển chung”. Trong số 3 ưu tiên này được nêu trong lời mở đầu của điều lệ Đảng là “nhiệm vụ cơ bản của dân tộc” thì hiện đại hoá được tiếp tục là ưu tiên đầu tiên. Khi Đảng cộng sản Trung Quốc nói về hiện đại hóa, điều đó có nghĩa là phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế được coi là chìa khóa để xây dựng một quốc gia mạnh, một điều kiện tiên quyết cho sự thống nhất đất nước và phát triển hòa bình hợp tác cùng với cộng đồng quốc tế.

Theo khuôn khổ khái niệm này, mục tiêu chính của chính sách đối ngoại và an ninh là góp phần vào mục tiêu hiện đại hóa bằng cách tạo ra một môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển kinh tế Trung Quốc, đó là một “thế giới hài hòa” trong đó các nước có thể phát triển thịnh vượng hòa bình với nhau. Quan hệ hợp tác với Mỹ, đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, đặc biệt quan trọng nếu chính phủ tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế và tập trung sự chú ý của mình về các vấn đề trong nước.

Tóm lại, từ quan điểm của việc thúc đẩy phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề trong nước cũng như việc tránh những lời chỉ trích nội bộ, chế độ mới có ít sự lựa chọn không ngoài việc phải tuân thủ chính sách cơ bản của Hồ Cẩm Đào đó là sự hợp tác trong các vấn đề ngoại giao.

Tất nhiên, cũng không ảnh hưởng gì nếu Trung Quốc tiếp tục nói suông về nguyên tắc hài hòa quốc tế, sự trỗi dậy của Trung Quốc về mặt kinh tế hiển nhiên đã tạo ra một thách thức đối với trật tự toàn cầu hiện có và các quốc gia là thành viên cốt lõi của trật tự này, bao gồm Mỹ và Nhật Bản.

Kế hoạch năm năm của Trung Quốc từ 2012 đến 2017 đã xác định sự tăng trưởng kinh tế trung bình 7% mỗi năm. Nếu duy trì được thì tỷ lệ tăng trưởng hàng năm 7% sẽ giúp tăng gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc trong 10 năm, và điều này chính là những gì người Trung Quốc muốn có. Báo cáo tại Đại hội lần thứ 18, ông Hồ Cẩm Đào đưa ra một mục tiêu tăng gấp đôi GDP và thu nhập bình quân đầu người ở khu vực thành thị và nông thôn trong thập kỷ kéo dài từ 2010 đến 2020.

Nhiều nhà phân tích quốc tế về Trung Quốc đã cảnh báo rằng nước này sẽ phải chịu một sức ép để duy trì một mức độ tăng trưởng kinh tế cao trong khi phải đối phó với một lực lượng lao động sụt giảm và một nền kinh tế toàn cầu trì trệ. Tuy nhiên, nhu cầu nội địa được hỗ trợ bởi sự di cư của 200 triệu dân từ các vùng nông thôn đến các thành phố Trung Quốc có tiềm năng giúp cho tăng trưởng 7% ít nhất một thập kỷ.

Trong Bản báo cáo về Triển vọng kinh tế thế giới của mình, Quỹ tiền tệ quốc tế cũng dự báo mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong vài năm tới, ước tính rằng vào năm 2017 là năm cuối cùng trong nhiệm kỳ 1 của Tập Cận Bình, GDP của Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Mỹ sẽ tương đương nhau liên quan đến sức mua tương đương PPP.

Sự tiếp tục mở rộng của nền kinh tế Trung Quốc sẽ không chỉ đơn thuần là tạo điều kiện thuận lợi cho một sự tăng trưởng tương xứng về sức mạnh quân sự của Trung Quốc mà đòi hỏi có sự thay đổi trong trật tự kinh tế quốc tế. Hầu hết trong các quy định đang điều hành chế độ kinh tế quốc tế hiện nay đã được xây dựng dưới sự lãnh đạo của Mỹ và Liên minh châu Âu. Khi mà sự phát triển của thị trường khổng lồ của Trung Quốc đang làm tăng đòn bẩy cho Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán kinh tế quốc tế, chúng ta có khả năng chứng kiến nhiều tình huống, trong đó Mỹ và các cường quốc kinh tế khác bị buộc phải thỏa hiệp.

Trong một cuộc họp báo ngày 15/11, ông Tập Cận Bình đã ngụ ý về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc khi ông lưu ý rằng cũng như Trung Quốc sẽ tiếp tục “học hỏi thêm về thế giới, vì vậy thế giới cũng cần học tập nhiều hơn về Trung Quốc”. Là một nguyên tắc chung, Trung Quốc tiếp tục tôn kính với những lý tưởng về hài hòa và hợp tác, nhưng khi nói đến chi tiết cụ thể, nó sẽ không ngoan ngoãn hạ mình khi lợi ích của mình xung đột với những lợi ích của các nước lớn khác, chẳng hạn như Nhật Bản hay Mỹ. Đây là bối cảnh cho những cảnh báo tiềm ẩn trong mô tả của Tổng Thống Obama về Trung Quốc là “một đối tác tiềm năng trong cộng đồng quốc tế nếu tuân thủ các quy tắc”.

Điều đó nói lên rằng quy mô thị trường không phải là yếu tố duy nhất quyết định sức mạnh của một quốc gia trong các cuộc đàm phán kinh tế. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến các yếu tố dễ bị tổn thương kinh tế, đó là, các tác động tiềm năng của các cú sốc bên ngoài và áp lực trên nền kinh tế của một quốc gia. Một nền kinh tế ít có khả năng tổn thương càng tạo cho nó có thể đứng trước áp lực bên ngoài, thí dụ như các biện pháp trừng phạt kinh tế. Khả năng chịu được áp lực đó được coi là để tạo ra cho một quốc gia có đòn bẩy lớn hơn trong các cuộc đàm phán kinh tế quốc tế. Kinh tế dễ bị tổn thương là một khái niệm tương đối được đánh giá bởi sự kết hợp của các chỉ số, đặc biệt là ngoại thương và cơ cấu công nghiệp. Trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang nhanh chóng đuổi kịp nền kinh tế Mỹ và EU về quy mô thị trường, nó vẫn cơ bản yếu hơn so cả hai nền kinh tế trên khi được đánh giá bởi những chỉ số quan trọng về khả năng dễ tổn thương.

Nền kinh tế Trung Quốc hầu như hoàn toàn phụ thuộc vào ngoại thương. Khối lượng thương mại hằng năm của Trung Quốc ở vào khoảng 50% GDP, gấp đôi so với sự phụ thuộc vào thương mại của Mỹ, EU, Nhật Bản. Bức tranh này là không thay đổi đáng kể trong năm năm tới.

Cơ cấu công nghiệp của Trung Quốc là một điểm dễ bị tổn thương khác. Chế tạo chiếm một phần quá lớn không cân đối trong tỉ trọng của nền kinh tế. Chế tạo và các lĩnh vực khác rất dễ bị áp lực trước các sức ép toàn cầu, chẳng hạn như khai thác mỏ và tài chính, chiếm khoảng một nửa GDP của Trung Quốc. Mỹ được coi là có nền kinh tế dẻo dai bởi vì nó có một cơ cấu công nghiệp đa dạng, tập trung vào lĩnh vực dịch vụ vốn miễn dịch trực tiếp tương đối tốt trước những cú sốc bên ngoài. Mặc dù thị trường Trung Quốc là một thị trường tầm cỡ lớn, nhưng khả năng bị tổn thương kinh tế lớn vốn có của nó sẽ gây khó khăn cho Bắc Kinh để thực hiện cách đi riêng của mình bất cứ khi nào có tranh chấp với Mỹ hoặc EU về các quy tắc của chế độ quốc tế. Thay vào đó, Trung Quốc sẽ cố gắng tối đa hóa lợi thế của nó trong khuôn khổ hiện có, và tìm kiếm các giải pháp thỏa hiệp phù hợp với lợi ích của Mỹ và EU.

Như chúng ta đã thấy, những đòi hỏi cấp bách tránh sự chỉ trích trong nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề trong nước đã làm cho Trung Quốc không thể thoát ly được chính sách cơ bản của Hồ Cẩm Đào về hợp tác quốc tế trong vài năm tới, đặc biệt phải kiên trì trong việc duy trì và mở rộng các mối quan hệ hợp tác hiện có giữa Trung Quốc và Mỹ vốn đã được thiết lập trong thời kỳ Hồ Cẩm Đào.

Thật không may, sự năng động là khá khác nhau liên quan đến mối quan hệ với Nhật Bản. Với sự cần thiết cho ban lãnh đạo mới để điều hành một con đường chính trị an toàn, chúng ta không hy vọng có cải thiện gì trong thái độ của Trung Quốc đối với Nhật Bản. Những phe phái chủ nghĩa dân tộc chống Nhật ở Trung Quốc càng làm cho xử lý của chính phủ Trung Quốc với Nhật Bản trở thành một vấn đề chính trị nhạy cảm ở trong nước. Thực sự là những nỗ lực cải thiện quan hệ với Nhật Bản sẽ làm cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc dễ bị tấn công trước các đối thủ chính trị của họ. Trong những năm 1980, các cuộc tấn công như vậy góp phần vào sự sụp đổ của Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang.

Hồ Cẩm Đào bắt đầu tiến hành cải thiện quan hệ với Nhật Bản, nhưng do tranh chấp leo thang trên quần đảo Senkaku, chế độ của ông chuyển sang một lập trường cứng rắn kiên quyết. Thậm chí ngay cả Thủ Tướng Ôn Gia Bảo, một nhà ngoại giao dày dạn đã làm việc nhiều để làm tan băng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, cũng không thể chống lại các làn sóng phẫn nộ của công chúng trước việc chính phủ Nhật mua lại những hòn đảo này.

Tập Cận Bình đã giành được quyền lực trong dịp xuất hiện của các làn sóng tình cảm mãnh liệt chống Nhật do bởi những tranh cãi Senkaku. Chỉ cần một động thái nhỏ nhất hoà giải với Nhật Bản về vấn đề này cũng làm cho chế độ mới này bị đương đầu với các cuộc tấn công chính trị và các hậu quả dữ dội. Trong những hoàn cảnh như vậy, có rất ít lý do để hy vọng có sự cải thiện quan hệ ngoại giao trong thời gian tới.

Trung Quốc dự kiến ​​sẽ trở thành một thị trường lớn tầm cỡ với Mỹ và EU trong vòng năm năm tới, và chính phủ hy vọng ​​sẽ sử dụng đòn bẩy phát triển kinh tế của mình trong đàm phán các quy tắc quản lý thương mại quốc tế.

Với vị thế kinh tế cao lớn như vậy, Bắc Kinh sẽ có những lập trường hết sức cứng rắn trên các vấn đề tranh chấp lãnh thổ hoặc các vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi ngoài khơi trong khu vực. Các thái độ hung hăng của Trung Quốc thể hiện trong những năm gần đây trong khi đòi hỏi kiểm soát rộng hơn trên các vùng biển Đông Nam Á và biển với Nhật Bản dường như không giảm đi.

Chúng ta cũng không thể đánh giá thấp khả năng Bắc Kinh sẽ sử dụng kinh tế đe dọa và gây ảnh hưởng đến thái độ chính trị của các quốc gia phụ thuộc nhiều vào quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Thật vậy, trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã thể hiện một khuynh hướng đáng lo ngại để sử dụng “sự phụ thuộc kinh tế” phụ thuộc lẫn nhau giữa Nhật Bản và Trung Quốc như là một vũ khí chính trị.

Mùa Thu năm 2010, sau khi Nhật bắt giữ thuyền trưởng Trung Quốc khi đâm vào tàu đánh cá của mình vào một số tàu Cảnh sát biển Nhật Bản ngoài khơi quần đảo Senkaku, Trung Quốc thực tế đã tạm dừng xuất khẩu các kim loại đất hiếm sang Nhật Bản. Do các căng thẳng gần đây về tranh chấp Senkaku, các quan chức hải quan Trung Quốc, như qua các báo cáo chỉ rõ, đã cố tình trì hoãn các nhập khẩu của Nhật Bản.

Tất nhiên, ngoài việc vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các biện pháp hạn chế thương mại trừng phạt như vậy sẽ là một con dao hai lưỡi làm tổn thương nền kinh tế Trung Quốc. Vì các lý do này, khó mà lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ duy trì các hạn chế thương mại trắng trợn trong một thời gian dài. Nhưng chúng ta không nên ngạc nhiên quá đáng nếu Bắc Kinh tìm cách sử dụng các hình thức tinh tế hơn về đe dọa kinh tế đối với các đối tác thương mại trong khu vực, bao gồm cả Nhật Bản./. 

Theo Tokyo foundation (ngày 20/12)

Hương Trà (gt)