Gần đây, tạp chí Học giả Ngoại giao của Nhật Bản đăng bài viết “Kế hoạch trận chiến kết hợp hải quân-không quân của Trung Quốc tại Biển Đông”. Bài viết đã dẫn lời bình luận của học giả quân sự Trung Quốc, cho rằng trong tương lai nếu xảy ra chiến tranh ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ chủ yếu trông chờ vào sự kết hợp của lực lượng hải quân và không quân, thực hiện đợt công kích cùng lúc cả hải quân và không quân, giành lấy quyền khống chế trên vùng biển, vùng trời ở Biển Đông. 

Vài ngày gần đây, truyền thông đưa ra nhiều phỏng đoán, liệu Trung Quốc đã hình thành kế hoạch tác chiến kết hợp hải quân-không quân hoàn chỉnh hay chưa? Trang thiết bị của hải quân, không quân Trung Quốc có đáp ứng được yêu cầu tác chiến kết hợp hải quân-không quân không? Đối thủ tác chiến trong tương lai của Trung Quốc rất có thể là ai? Các câu hỏi này đều đang chờ được trả lời. 

 

Nâng cao năng lực tác chiến kết hợp hải quân-không quân là nhiệm vụ cấp bách 

Có học giả nhận định bước vào thế kỷ 21, bắt đầu xuất hiện quan điểm mới về địa chính trị và được quốc tế công nhận, quan niệm này cho rằng tương lai của loài người không ở trên đất liền mà ở ngoài biển khơi. Do vậy, có thể nói ai khống chế được Thái Bình Dương người đó sẽ khống chế được cả thế giới. 

Đúng vậy, trong “kỷ nguyên biển” này, việc có thể nắm trong tay quyền quản lý biển càng trở nên quan trọng. Quy luật tác chiến chung hiện đại đã chứng minh muốn giành được quyền khống chế mặt đất, khống chế trên biển thì trước tiên cần giành được quyền khống chế trên không. Cho nên, kiểu tác chiến kết hợp hải quân-không quân được các quốc gia muốn có biển đặc biệt coi trọng. 

Cùng với sự thức tỉnh về ý thức nắm quyền trên biển, Trung Quốc ngày càng nhận thức rõ bờ biển dài 18.000 km và hơn 3 triệu km 2 vùng biển có vai trò như tấm lá chắn an ninh quan trọng và nguồn tài nguyên phong phú cho sự phát triển của nước này. Tuy nhiên, trên thực tế, môi trường an ninh biển bên ngoài của Trung Quốc không hề lạc quan. 

Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ các đảo với rất nhiều nước trên biển Hoa Đông và Biển Đông, do xu thế hữu khuynh hóa ở Nhật Bản gia tăng, cộng thêm sự can thiệp của các nước lớn bên ngoài khu vực, khiến tình hình ngày một phức tạp và căng thẳng leo thang. Đặc biệt ý tưởng tác chiến kết hợp không quân-hải quân Mỹ chĩa thẳng vào Trung Quốc. Thông thường giai đoạn trọng tâm của trận chiến kết hợp không quân-hải quân bao gồm 4 phương án tác chiến, cụ thể là ngăn cản đợt tấn công đầu tiên, giảm thiểu tối đa tổn thất của quân Mỹ, quân liên minh và căn cứ địa; phát động chiến dịch “làm tê liệt” hệ thống chỉ huy và kiểm soát của Quân giải phóng; tấn công trực tiếp vào hệ thống tình báo, trinh sát từ xa; giành quyền khống chế vùng trời, vùng biển, không gian và mạng Internet. Dư luận cho rằng để đáp trả các phương án này, quân đội Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức gay gắt. 

Có chuyên gia nhận định đối với nước lớn như Trung Quốc, khả năng xảy ra chiến tranh trên không và trên bộ trong tương lai là rất nhỏ, mối đe dọa chiến tranh từ bên ngoài rất có thể diễn ra ở vùng biển xung quanh Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương, cũng chính là chuỗi đảo thứ nhất. Do vậy, nâng cao năng lực tác chiến hải quân-không quân để đối phó với các mối đe dọa là việc làm cấp bách của Trung Quốc. 

 

Rất có thể trong tương lai sẽ là hành động bắt tay của nhiều lực lượng 

Cho dù nhiều người không thể biết Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch tỉ mỉ cho trận chiến kết hợp hải quân-không quân hay chưa, nhưng theo phân tích về mặt lý luận, tác chiến kết hợp hải quân-không quân rất có thể là hành động tác chiến kết hợp giữa không quân, hải quân và pháo binh. Trong đó, hải quân sẽ đóng vai trò chính trong trận chiến này, chủ yếu phụ trách binh lính trên các hạm đội và tàu ngầm cỡ lớn, tiến hành phong tỏa và tấn công quyết liệt vào lực lượng đối địch trên biển tại vùng biển trọng yếu và trận địa tiền tuyến, đảm bảo quyền khống chế trên biển của Trung Quốc. Trong khi đó không quân đảm nhiệm trọng trách khống chế vùng trời và yểm hộ hải quân, phối hợp với lực lượng pháo binh tập trung tấn công vào mục tiêu căn cứ địa phòng không của đối phương, gồm đường băng, bãi đỗ, hệ thống chỉ huy mặt đất, kho dự trữ đạn dược và xăng dầu, máy bay chiến đấu, trang thiết bị và nhân viên tiếp tế, tấn công vào hậu cần, vận tải, hệ thống sửa chữa và bảo trì cùng các thiết bị sử dụng. Tàu ngầm hạt nhân hải quân và lực lượng tên lửa chiến lược do “Đông Phong 21” làm đại diện thực thi nhiệm vụ tác chiến tấn công mục tiêu chiến lược trọng yếu như tàu sân bay của địch. Đồng thời, Trung Quốc còn có thể vận dụng tổng hợp vũ khí vệ tinh, tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, tên lửa xuyên lục địa và vũ khí bắn ra các tia điện từ trường… để tấn công phủ đầu nhằm vào hệ thống thu thập, xử lý và phát tán thông tin, làm tê liệt hệ thống chỉ huy của địch. 

 

Trận chiến kết hợp hải quân-không quân là “động tác cực khó” 

Mọi người đều thấy hải quân Trung Quốc đến nay vẫn không thể so sánh với các cường quốc trên biển truyền thống như Mỹ và Nhật Bản. Tuy rằng hải quân Trung Quốc đang tiến dần vào danh sách các cường quốc thế giới, xét cả về quy mô lẫn chất lượng trang bị vũ khí, nhưng nếu nói về “năng lực mềm” thì vẫn còn khoảng cách xa với các nước phát triển như Mỹ về năng lực tổ chức hành động phối hợp trên biển, chỉ huy và điều khiển hệ thống thông tin, máy tính quân dụng, giám sát, trinh sát và tấn công chính xác. Đây chính là nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả của trận chiến kết hợp hải quân-không quân của Trung Quốc trong tương lai. 

Ngoài ra, tính phức tạp vốn có của trận chiến này cũng là bài toán khó mà quân đội các nước trên thế giới nói chung và quân đội Trung Quốc nói riêng đều phải khắc phục. Ví dụ, không gian tác chiến của nó rất rộng, bao gồm phạm vi dưới nước, trên không, gần bờ và trong không gian…, bất cứ chỗ hở nào trong không gian đó cũng đều có thể dẫn đến sự bị động toàn cục. Hơn nữa, trận chiến này còn liên quan đến nhiều binh chủng, việc thực hiện tác chiến với sự kết hợp giữa không quân và lục quân, giữa không quân và hải quân, giữa hải quân và lục quân… đều cần nhiều sự điều phối, cần sự thay đổi nhanh trong điều phối trên chiến trường, điều này càng đặt ra yêu cầu cao đối với khả năng chỉ huy và điều khiển. 

Không chỉ vậy, với điều kiện trên biển, môi trường tự nhiên thay đổi khó lường, nhiều phương án tác chiến đã lên kế hoạch trước có thể do ảnh hưởng của thời tiết khí hậu sẽ không có cách gì để thực hiện. Như một số chuyên gia phân tích đây là trận chiến có “động tác cực khó”, trong tương lai bất luận là quốc gia nào, khi tham gia quyết chiến kết hợp hải quân-không quân, muốn giành được thế chủ động trên mặt trận đều không phải là điều dễ dàng./.

Bài của tác giả tác giả Lữ Chính Thao đăng trên Tờ International Herald Leader (Tiếng Trung) s ra ngày 22-28/11/2013.

Thùy Anh (gt)