gen2a.jpg

 

Vào ngày 9/5/2016, người dân Philippines đã đi bỏ phiếu để bầu ra một vị tổng thống mới. Tất cả các dấu hiệu đều cho thấy chiến thắng của ứng cử viên phi đảng phái và đầy triển vọng Rodrigo Duterte, thị trưởng lâu đời của thành phố Davao ở hòn đảo Mindanao miền Nam Philippines.

Ông Duterte đầy sức hút trái ngược hẳn với các ứng cử viên khao khát được nắm giữ chức vụ tổng thống khác, những người hoặc được coi là ủng hộ nguyên trạng, thiếu kinh nghiệm hoặc bị cáo buộc tham nhũng. Giữ vững cương lĩnh bài trừ tội phạm và tham nhũng, ông Duterte đã gây choáng váng cho những người đồng hương của mình bằng ngôn ngữ đầy màu sắc, đe dọa diệt trừ tội phạm và cho quốc hội ngừng hoạt động nếu có nỗ lực bôi xấu khi ông lên nắm quyền. Ông cũng khiến các nước láng giềng phải giật mình bằng những tuyên bố cứng rắn về quan hệ ngoại giao.

Từ “con bệnh” châu Á đến “ngôi sao sáng”

Nhiệm vụ to lớn của tổng thống mới là hướng nước này đến những triển vọng kinh tế tươi sáng hơn, sự ổn định chính trị lâu dài và an ninh giữa các thách thức chính sách lớn ở trong nước và khu vực ASEAN rộng lớn hơn. Từ những năm 1980, Philippines bị xem là “con bệnh” của châu Á. Không giống như sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của các nước láng giềng Đông Nam Á và Nam Á đã hưởng lợi từ các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu được hỗ trợ bởi các nguyên tắc cơ bản mạnh mẽ về kinh tế, Philippines đã suy yếu trong nhiều năm do sự tăng trưởng ảm đạm và triển vọng kinh tế nghèo nàn; nước này đã trải qua sự bất ổn chính trị dẫn đến thời kỳ áp đặt tình trạng thiết quân luật bừa bãi và sự độc tài dưới thời chế độ Marcos, điều đã khiến cho nước này lâm vào tình cảnh phá sản và gây ra các vụ lạm dụng nhân quyền.

Sau cuộc cách mạng quyền lực nhân dân vào năm 1986 mà đã lật đổ chế độ Marcos, Philippines đã phải mất hàng thập kỷ để hồi phục, xây dựng lại các thể chế dân chủ và đẩy mạnh nền kinh tế của mình. Trong suốt thời kỳ hậu Marcos, nước này cũng đã phải vật lộn với mối đe dọa đã tồn tại hàng thập kỷ là sự nổi loạn của Quân đội Nhân dân Mới (NPA) và sự ly khai của các nhóm ly khai Hồi giáo ở các tỉnh của Mindanao ở miền Nam nước này. Các nỗ lực nhằm thiết lập các thỏa thuận hòa bình thường không đạt được thành công.

Bốn thập kỷ sau, Philippines cuối cùng có vẻ đã đạt được một số cái có vẻ là tiến bộ về kinh tế và ổn định về chính trị. Từ năm 2010 đến năm 2014, nước này đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng 40 năm, trung bình đạt 6,3%/năm và nằm trong số các nước đang phát triển có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á. Từng bị các nhà đầu tư nước ngoài xa lánh do những nỗi lo sợ về tình trạng bất ổn, Philippines giờ đây coi đầu tư và tăng trưởng công nghiệp là các động lực chính của nền kinh tế của mình, với lĩnh vực dịch vụ đóng góp hơn một nửa Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.

Với dân số hơn 100 triệu người, lợi thế cạnh tranh của Philippines là lực lượng lao động lớn, có tri thức, trẻ và có khả năng nói tiếng Anh. Philippines cũng được hưởng lợi từ “lợi tức dân số” của mình – độ tuổi trung bình của nước này là 23,5 và tốc độ tăng trưởng dân số ở mức 1,6%. Philippines cũng tiếp tục được hưởng lợi từ lượng ngoại tệ chuyển về đóng góp khoảng 8-9% vào GDP của nước này – nhờ có 2,4 triệu lao động Philippines ở nước ngoài. Tổng thống Benigno Aquino sắp mãn nhiệm tán dương chính quyền của ông về việc đặt nền móng cho các nguyên tắc cơ bản mạnh mẽ về kinh tế và sự ổn định chính trị có khả năng biến Philippines thành “ngôi sao sáng” tiếp theo của châu Á.

Những mùa Hè bất mãn

Dựa trên các con số kinh tế, điều gây bối rối là ứng cử viên của chính phủ, Mar Roxas, một nhà kỹ trị và cũng là một quan chức chính phủ dày dạn kinh nghiệm, lại có thể tụt lại phía sau trong các cuộc thăm dò bầu cử. Điều thậm chí còn gây bối rối hơn là làm thế nào mà một ông tỉnh trưởng “có lối nói cứng rắn”, nhân vật dường như coi thường các thể chế chính trị và pháp trị, lại có thể chiếm được tình cảm của nhiều người dân Philippines ở mọi lứa tuổi và tầng lớp kinh tế đến vậy. Với lời hứa đem lại “một cuộc sống sung túc” cho người dân Philippines và một đất nước an toàn, Duterte đã trở thành vị anh hùng của những nhóm người bị vỡ mộng bởi sự bất lực của một số nhà lãnh đạo trong việc xóa bỏ tình trạng nghèo đói và tham nhũng ở đất nước này.

Trong khi Chính quyền Aquino khoe khoang về những con số kinh tế khả quan và mức độ lòng tin chưa từng thấy từ phía cộng động doanh nghiệp quốc tế, một mức độ bất bình đẳng cao về thu nhập vẫn còn dai dẳng. Bất chấp tình trạng đói nghèo đã giảm đáng kể trong những năm qua, gần 1/4 dân số vẫn sống dưới mức nghèo đói.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, những tiếng nói bất mãn đã tập trung vào thất bại của các chính phủ trước trong việc cải thiện cuộc sống của hàng triệu người dân Philippines. Điều thú vị là, như đã được nhà xã hội học Philippines Randy David lưu ý, “chiều hướng tuyệt vọng [cũng] đang đến từ những người có điều kiện sống tương đối tốt hơn… họ có quyền được hưởng nhiều điều tốt đẹp hơn – công việc được trả lương cao hơn, phương tiện giao thông công cộng tốt hơn, nhiều dịch vụ công cộng thuận lợi hơn, khu sinh sống an toàn hơn… sân bay, bệnh viện và trường học tốt hơn”.

Người hùng cho tiến bộ kinh tế và an ninh?

Giữa những tiếng hô hào đòi thay đổi và sự cần thiết phải có một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và quyết đoán, vẫn có những nỗi lo sợ ngày càng tăng rằng đất nước này sẽ (một lần nữa) quay trở lại chế độ độc tài. Những nỗi lo sợ của doanh nghiệp trước kỳ bầu cử đã dẫn đến sự sụt giảm của thị trường chứng khoán nước này và sự mất giá của đồng peso. Lo ngại ngày càng tăng là do thiếu vắng các tuyên bố chính sách rõ ràng về việc nhân vật đầy triển vọng này cuối cùng sẽ giải quyết các vấn đề mà đã khiến cho người dân từ các tầng lớp xã hội khác nhau ủng hộ ông như thế nào.

Cuộc bầu cử này có lẽ là một trong những cuộc bầu cử gây chia rẽ nhất trong lịch sử gần đây của Philippines. Các nhà bình luận hy vọng rằng tất cả các bên tham gia sẽ tôn trọng kết quả bầu cử. Chẳng hạn, nhiệm kỳ tổng thống của cựu Tổng thống Gloria Arroyo đã gặp phải nhiều rắc rối do những lời cáo buộc gian lận và bất hợp pháp cho đến cuối nhiệm kỳ của bà. Các nỗ lực có thể có nhằm phủ nhận chiến thắng của Duterte có thể gây rắc rối và bất ổn cho nước này.

Quả thực điều quan trọng không chỉ đối với Philippines mà còn đối với cả ASEAN là sự chuyển tiếp lãnh đạo chính trị có trật tự và hòa bình ở nước này. Philippines sẽ giữ chức Chủ tịch ASEAN vào năm 2017, khi hiệp hội này kỷ niệm 50 năm thành lập. Điều quan trọng là vị tổng thống mới phải hiểu được sự cần thiết phải có khả năng lãnh đạo khu vực trong một ASEAN bị thách thức, mà sự đoàn kết của tổ chức này đang bị thử thách giữa các tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi ở Biển Đông và cũng là nơi Manila phải bảo vệ lợi ích của mình do vụ kiện của nước này chống lại Trung Quốc ở Tòa án trọng tài quốc tế ở La Hay.

Do vậy, vị tổng thống mới cần phải đảm bảo rằng bất chấp thể hiện xuất sắc bằng lời nói, không thể có chỗ cho sự tự mãn để tránh khả năng xảy ra các cú sốc kinh tế, chính trị và an ninh đối với khu vực. Một Philippines hòa bình và mạnh mẽ về kinh tế sẽ được hưởng lợi từ sự hội nhập kinh tế sâu hơn thông qua Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Điều cũng có ý nghĩa quyết định đối với tổng thống mới là tiếp tục tìm ra một giải pháp chính trị cho vấn đề ly khai gây nhức nhối ở các tỉnh Mindanao ở miền Nam trong khi hợp tác với các nước trong và ngoài khu vực để chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố cùng các thách thức xuyên quốc gia khác, và đánh giá cao giá trị của hợp tác khu vực trong việc ngăn chặn xung đột và đối phó với các thách thức an ninh. Philippines đã trải qua một chặng đường dài để trở thành một bên tham gia quan trọng ở khu vực. Điều có tính chất quan trọng sống còn đối với thành công và an ninh của nước này là một sự chuyển tiếp ban lãnh đạo thành công và hòa bình.

Tác giả Mely Caballero-Anthony là phó giáo sư và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Phi Truyền thống, Trường Nghiên cứu Quốc tế . Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore. Bài viết đăng trên trang “CSIS”.

Anh Thư (gt)