Ngày 6/4, chính phủ Malaysia và Brunei đã ra thông cáo chung nhất trí cuộc Thượng đỉnh đặc biệt giữa các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ được tổ chức tại Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta, Indonesia. Ngày 07/4, Bộ Ngoại giao Indonesia cũng đã xác nhận thông tin này và cho biết cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 4.

Tuyên bố trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ngoại trưởng 4 nước ASEAN gồm Singapore, Indonesia, Malaysia và Philippines có cuộc trao đổi với người đồng cấp Trung Quốc tại tỉnh Phúc Kiến. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị  nhấn mạnh Trung Quốc ủng hộ những nỗ lực của ASEAN nhằm "ngăn chặn khả năng tình hình tại Myanmar vượt ra ngoài tầm kiểm soát." Trung Quốc cũng nhất trí ủng hộ ASEAN đóng vai trò trung tâm trong vấn đề này và kêu gọi các nước ASEAN "tránh không để Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có những can thiệp không phù hợp, làm suy yếu chủ quyền của Myanmar và phức tạp thêm vấn đề."

Trái ngược với phản ứng của Trung Quốc, Mỹ và các nước phương Tây vẫn đang kín tiếng đối với nỗ lực ngoại giao của ASEAN. Các nước phương Tây vẫn giữ quan điểm cứng rắn và không khoan nhượng với các hành động của quân đội đối với đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi và những người biểu tình. Sau sự kiện ngày 1/2, Mỹ và một số nước đồng minh phương Tây tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt mới, buộc quân đội phải dừng ngay các hành động bạo lực, thả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo đảng NLD, đồng thời lập tức khôi phục tiến trình dân chủ tại Myanmar.

Phản ứng trái chiều của phương Tây và Trung Quốc có thể khiến nhiều người đặt câu câu hỏi về những tính toán chiến lược của các bên đằng sau bất ổn đang diễn ra tại Myanmar, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa nước lớn đang ngày càng phức tạp ở khu vực.

Đối với Trung Quốc, Myanmar có vị trí địa lý địa chiến lược quan trọng cho mục tiêu hiện thực hoá Sáng kiến BRI ở khu vực Đông Nam Á và mở rộng ảnh hưởng tới khu vực Ấn Độ Dương. Trung Quốc đã chi hàng tỷ đô-la để đầu tư kinh doanh và phát triển các dự án lớn tại đây trong nhiều năm qua. Tình hình bất ổn tiếp tục kéo dài đồng nghĩa với việc các hoạt động của Trung Quốc tại Myanmar sẽ bị dừng trong dài hạn. Lo ngại này đang ngày càng gia tăng khi các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc đã lan rộng ở nhiều thành phố.  Sau sự kiện ngày 14/3, thêm nhiều nhà máy của Trung Quốc ở các thành phố tại Myanmar đã phải đóng cửa. Rõ ràng, Trung Quốc không mong muốn ngày càng nhiều người dân Myanmar hoài nghi về các giá trị trong cộng đồng chung vận mệnh mà Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy những năm gần đây.

 Trong khi đó, Mỹ và các nước phương Tây đang tỏ ra bế tắc về một giải pháp hiệu quả ở Myanmar. Các lệnh trừng phạt kéo dài hàng thập kỷ nay của họ đã không mang lại kết quả như kỳ vọng, mà chỉ khiến cho quan hệ với Myanmar ngày càng đóng băng. Có vẻ các nước phương Tây vẫn đang cố né tránh việc phải tính đến một chiến lược lâu dài tại Myanmar thay thế cho các lệnh trừng phạt. Cũng không loại trừ khả năng phương Tây chờ đợi để những bất ổn này sẽ ăn dần ăn mòn khoản đầu tư và cơ hội của Trung Quốc.

 ASEAN cần thúc đẩy vai trò đi đầu trong giải quyết xung đột

Trong bối cảnh đó, việc ASEAN đi đầu trong giải quyết xung đột khi triệu tập cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ giúp ổn định tình hình tại Myanmar mà còn nhằm khẳng định uy tín và vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực.

Trên thực tế, việc tổ chức hội nghị đặc biệt để tìm biện pháp giải quyết khủng hoảng ở khu vực không phải là điều mới mẻ trong lịch sử hơn 50 năm hình thành và xây dựng cộng đồng của ASEAN. Năm 2008, ASEAN cũng đã thành công khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp và thuyết phục quân đội Myanmar đồng ý để tổ chức này đứng ra điều phối các hoạt động cứu trợ của nước ngoài cho người dân và nạn nhân của cơn bão Nargis.

Song, thách thức ASEAN đang phải đương đầu tại Myanmar hiện nay khó khăn hơn trước rất nhiều, bởi có quá nhiều vấn đề gai góc và phức tạp đang diễn ra.

Chính quyền quân đội đang phải đối mặt với một lực lượng đối lập lớn chưa từng có sau khi Ủy Ban Đại diện Hạ viện Myanmar (CRPH) thoả hiệp với các Tổ chức Vũ trang thiểu số (EAO) trên cả nước nhằm thiết lập một chính phủ thống nhất cạnh tranh trực tiếp với phe quân đội.

Các biện pháp can thiệp ngoại giao tại Myanmar đang ở thế bế tắc khi các phe chính trị vẫn quyết không thoả hiệp và phủ nhận tính chính danh lẫn nhau.

Nhằm tháo gỡ nút thắt khó khăn này, ASEAN cần phải sáng tạo hơn để thúc đẩy một chương trình nghị sự thiết thực và hiệu quả trại hội nghị  thượng đỉnh sắp tới.

ASEAN cần xác định tiến trình dân chủ ở Myanmar sẽ là mục tiêu dài hạn. Do đó, ASEAN không nên quá nóng vội và kỳ vọng phải có được ngay giải pháp toàn diện cho Myanmar tại thượng đỉnh sắp tới. Thay vào đó, ASEAN nên thúc đẩy từng bước đi nhỏ nhưng chắc chắn, đảm bảo được vai trò tin cậy. Việc củng cố lòng tin và thiện chí của các bên tại Myanmar là chìa khoá duy nhất giúp ASEAN có thể tiếp tục tham gia sâu hơn để thúc đẩy giải pháp hoà bình.

Tại thời điểm hiện nay, nếu ASEAN có thể thúc đẩy được hoạt động hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân Myanmar, đó sẽ là tín hiệu tích cực cho tất cả các bên và là bước tiền đề để ASEAN tiếp tục triển khai các biện pháp tích cực hơn, cùng Myanmar tiến đến một giải pháp hoà bình toàn diện.

Nguyễn Tiến Thịnh, Viện Biển Đông. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.