Nói về tương lai cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung ở châu Á, cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng phát biểu rằng đã có “sự đồng thuận lớn rằng sự hiện diện của Mỹ trong khu vực nên được duy trì” bởi “sự hiện diện quân sự không nhất thiết phải sử dụng để mang lại hiệu quả” và rằng “chỉ riêng sự hiện diện của Mỹ đã tạo ra sự khác biệt và tạo ra hòa bình và ổn định trong khu vực”. Là một người theo chủ nghĩa thực tế được khai sáng, ông Lý Quang Diệu coi công thức này là hợp lý nhất trong trường hợp có tranh chấp ở Biển Đông bởi Trung Quốc sẽ không để tòa án quốc tế phân xử tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông” - một phát biểu như lời tiên tri bởi Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Hay vài năm sau đó.

Đối với nhà lãnh đạo Singapore, liều thuốc giải độc tốt nhất cho khuynh hướng phục thù và sự chống đối luật pháp quốc tế của Trung Quốc là “sự hiện diện [tiếp tục] của hỏa lực Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương” để “Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển sẽ được duy trì”. Nói ngắn gọn, ông cho rằng luật quốc tế có hiệu quả chừng nào nó được củng cố bởi sức mạnh của hải quân Mỹ. Và nó đặc biệt đúng trong bối cảnh này, khi các nước Đông Nam mong muốn có được sự đối trọng của Mỹ trước các tham vọng bá chủ của Trung Quốc, người ta có thể hiểu được sự hợp lý của cuộc tập trận ASEAN-Mỹ (AUMX) diễn ra từ đầu tháng 9/2019.

Chiến lược không khiêu khích Trung Quốc

Về mặt chính thức, AUMX từng diễn ra ít phô trương nhất có thể, với ý nghĩa mang tính biểu tượng và không bao gồm bất kỳ cuộc tập trận mang tính khiêu khích nào. Cả hai bên thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung, giám sát 1.260 nhân sự, 4 máy bay và 8 tàu chiến từ 11 quốc gia.

Cả hai bên đều khẳng định rằng các cuộc tập trận không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào, đặc biệt là Trung Quốc, nhưng thay vào đó giúp tạo điều kiện cho ngoại giao quân sự cũng như thúc đẩy khả năng phối hợp xử lý trước các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.

Các chuyên gia như Collin Koh nói rằng các cuộc tập trận này bao gồm “hoạt động điều động tàu, thông tin liên lạc, di tản, tìm kiếm và cứu nạn, đáp trực thăng”, hỗ trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai. Nói ngắn gọn, không có cuộc diễn tập quân sự nào, điều sẽ khiến Trung Quốc hay bất kỳ đối thủ nào của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lo ngại.

Tuy nhiên, các cuộc tập trận này là nhằm vào Trung Quốc, dù không trực tiếp ở khía cạnh quân sự, mà thay vào đó là ở khía cạnh chiến lược, bằng cách bày tỏ mối quan ngại chung về các căng thẳng trên biển đang gia tăng trong khu vực và niềm tin tưởng tiếp tục của ASEAN vào sự lãnh đạo của Mỹ. AUMX đánh dấu “đỉnh cao” của hoạt động can dự của Mỹ trong khu vực trong nhiều thập kỷ qua, bao gồm thông qua chương trình Hợp tác Huấn luyện Đông Nam Á và các cuộc tập trận Hợp tác huấn luyện và sẵn sàng phối hợp trên biển (CARAT), cũng như các cuộc tập trận song phương với các đồng minh trong khu vực như Thái Lan, Philippines và Singapore cũng như các đối tác chiến lược mới như Indonesia và Việt Nam.

Sự phản kháng âm thầm

Trong báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới nhất, Lầu Năm Góc đã nói rõ rằng họ “dành ưu tiên cho mối quan hệ mới” ở Đông Nam Á, tập trung vào các “đối tác chính”, vốn là “trọng tâm trong các nỗ lực của chúng ta nhằm đảm bảo hòa bình và thúc đẩy thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Mặc dù các nước nòng cốt của ASEAN như Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Singapore không phải là các đồng minh chính thức của Mỹ, nhưng họ “ủng hộ tầm nhìn chung của khu vực về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở và đang tập trung duy trì hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế thịnh vượng trong khu vực”.

Các cuộc tập trận này cũng là sự phản ứng trước chính sách ngoại giao hải quân chủ động của Trung Quốc trong những năm gần đây. Kể từ năm 2018, Trung Quốc đã tiến hành 3 cuộc tập trận hải quân chung với ASEAN nói chung hay các nước Đông Nam Á chủ chốt.

Chỉ vài tháng trước thềm AUMX, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đã tiến hành Tập trận hải quân chung 2019 ở Thanh Đảo, nơi chỉ huy Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Phó Đô đốc Shen Jinlong, tự hào khẳng định rằng cuộc tập trận đó là một phần trong tầm nhìn của Trung Quốc về việc “xây dựng cộng đồng hàng hải có tương lai chung” cùng các nước láng giềng nhỏ hơn. Tuy nhiên, chính sách ngoại giao hải quân chủ động của Trung Quốc lại đi kèm hành động quân sự hóa ngày một hung hăng ở Biển Đông, điều gây lo ngại cho các nước láng giềng cũng như Mỹ.

ASEAN không thoải mái trước chính sách ngoại giao quyết đoán và tầm nhìn mang tính “loại trừ nước khác” của Trung Quốc đối với khu vực. Điều này được thể hiện rõ khi các nước Đông Nam Á tỏ ra thất vọng với Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) khi nước này đòi hỏi quyền phủ quyết trước việc các nước trong khu vực “tổ chức cuộc tập trận quân sự chung với các nước bên ngoài khu vực, trừ phi các bên liên quan được thông báo trước và không phản đối”. Điều này rõ ràng vi phạm bản chất cốt lõi của chính sách ngoại giao Đông Nam Á, cụ thể là cam kết duy trì sự tự trị chiến lược của các nước thời hậu thuộc địa thông qua việc thúc đẩy và bảo vệ trật tự toàn diện ở Đông Á. Do vậy, AUMX là bước đi quan trọng hướng tới việc thực thi tầm nhìn của ASEAN về cấu trúc an ninh khu vực mở và hòa bình, không bị chi phối bởi Trung Quốc và có sự tham gia của tất cả các nước lớn - bao gồm Mỹ. Đây là minh chứng cho sự tinh tế của chính sách ngoại giao ASEAN và ảnh hưởng được duy trì của Mỹ trong khu vực.

Theo “National Interest

Hương Trà (gt)