Khi thế giới tiếp tục xoay sở với những thách thức địa chính trị luôn thay đổi, một khái niệm gây ra tranh cãi hơn cả là "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương". Khi Mỹ nêu bật khái niệm này trong Chiến lược An ninh quốc gia năm 2017, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được định nghĩa là khu vực bắt đầu từ "bờ biển phía Tây Ấn Độ đến bờ Tây nước Mỹ". Định nghĩa này mở rộng so với khu vực "Châu Á-Thái Bình Dương" trước đây, bao gồm các quốc gia không chỉ nằm dọc theo bờ Thái Bình Dương mà cả Ấn Độ Dương.

Khi khái niệm bắt đầu thu hút được nhiều sự chú ý nhiều hơn trong đối thoại quan hệ quốc tế, ý tưởng về một "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa" như Mỹ tuyên bố (cùng với Nhật Bản, Ấn Độ và Úc trong một Bộ Tứ mới) khác xa với khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được ASEAN chấp nhận.

Đối với nhóm "Bộ Tứ" (mới), Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một cách để đưa các đồng minh cùng chí hướng theo đuổi một chương trình nghị sự về an ninh. Cụ thể hơn, nó được thiết lập nhằm chống lại sự trỗi dậy tiếp tục gia tăng của Trung Quốc. Điều này đã được nêu rõ trong Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, trong đó chỉ ra rằng "Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc" và nỗ lực của nước này nhằm "sắp đặt lại khu vực theo một trật tự mới có lợi cho mình", nơi họ "gây sức ép với các quốc gia khác" thông qua việc "hiện đại hóa quân sự" và "chính sách kinh tế bóc lột". Trung Quốc được coi là một mối đe dọa đối với "trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc" - một trật tự mà theo Mỹ, nó "có lợi cho tất cả các quốc gia".

Mặc dù ASEAN đã chấp nhận thuật ngữ "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra hồi tháng 6 vừa qua ở Thái Lan, nhưng rõ ràng ASEAN không có chung cách lý giải của Mỹ về thuật ngữ này. Lập trường của các quốc gia Đông Nam Á lâu nay thúc đẩy chủ nghĩa khu vực Đông Á bao gồm sự không liên kết và quan hệ bình đẳng với tất cả các quốc gia. Triển vọng ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, được các nước ASEAN chấp thuận tại Hội nghị thượng đỉnh, tuyên bố rõ rằng việc thông qua nó diễn ra trong bối cảnh ASEAN tiếp tục đóng "vai trò trung tâm và chiến lược" ở các khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Vai trò chủ chốt của ASEAN trong trường hợp này có nghĩa là tiếp tục tồn tại với cơ sở hạ tầng hiện có - như Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), nơi Trung Quốc là thành viên của cả hai.

Điều rõ ràng là ASEAN bị cuốn vào cuộc chiến tranh giành quyền lực đang diễn ra trong khu vực. Vị trí địa lý của ASEAN nằm ở trung tâm tuyến thương mại hàng hải của châu Á đặt ASEAN ở giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Hơn nữa, các nước ASEAN đã cho thấy sự tăng trưởng kinh tế năng động trong những thập kỷ gần đây, GDP của khối tăng nhanh hơn mức trung bình của thế giới với mức tăng trưởng thực tế là 5,3% hàng năm trong ba năm qua.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đông Nam Á vẫn bền chặt, bất chấp căng thẳng ở Biển Đông, không chỉ vì vị thế Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN, mà còn do sự gần gũi về địa lý và quan hệ lịch sử/văn hóa. Không chắc ASEAN sẽ rút lui khỏi các mối quan hệ hợp tác và sản xuất với Trung Quốc - cũng như sẽ không tham gia bất kỳ nỗ lực quốc tế nào nhằm loại trừ người khổng lồ châu Á.

Bất chấp sự khác biệt về cách diễn giải khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ASEAN và nhóm Bộ Tứ, việc ASEAN chấp nhận sử dụng thuật ngữ này thể hiện một sự tập trung mạnh mẽ hơn của Hiệp hội vào hai cường quốc (Trung Quốc và Mỹ), và lợi ích rõ ràng mà cả hai đều cho thấy trong khu vực.

Một người chơi quan trọng được xem xét ở đây có lẽ là Liên minh châu Âu (EU). EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN, sau Trung Quốc, trong khi ASEAN được coi là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU (sau Mỹ và Trung Quốc). Tuyến hàng hải chạy qua Đông Nam Á có tầm quan trọng cơ bản đối với EU để có thể tiếp cận các thị trường Đông Á. Tuy nhiên, bên cạnh các mối quan hệ kinh tế, sự hiện diện chiến lược của EU tại Đông Nam Á vẫn vắng bóng một cách đáng chú ý.

Phiên bản Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ASEAN có lẽ là một vấn đề nan giải đối với EU trong nỗ lực riêng của họ để điều hướng các mối quan hệ trong khu vực. Một mặt, một số thành viên trong EU là đối tác an ninh lớn của Mỹ và trong nhiều trường hợp đã tuyên bố phản đối Trung Quốc tiếp tục hiện diện quân sự ở Biển Đông. Mặt khác, sự đối kháng gần đây giữa Mỹ và các đồng minh lâu năm đã dẫn đến việc các nước như Đức và Pháp công khai thể hiện không đồng ý với chính sách quốc tế của Mỹ, bao gồm cả cách tiếp cận trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Tương tự, Trung Quốc đã trở thành một đối tác thương mại ngày càng quan trọng đối với các nước châu Âu.

Về phần mình, ASEAN vẫn kiên định trong cách tiếp cận của họ. Việc Hiệp hội, mặc dù chấp nhận khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tham gia và duy trì cấu trúc khu vực hiện tại có thể là một thách thức đối với EU. Chắc chắn, EU và các quốc gia thành viên của liên minh đã thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng trong việc gắn kết với ASEAN - nhưng khi làm vậy, họ sẽ cần phải điều chỉnh theo các luồng tư tưởng địa chính trị đang liên tục thay đổi. EU sẽ phải đối mặt với những khó khăn đặc biệt nếu họ chọn ủng hộ quan điểm về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Bộ Tứ.

Một điều dễ nhận thấy khác là rõ ràng Úc, mặc dù thường nêu rõ cam kết đối với cấu trúc tập trung vào ASEAN, phải đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan của chính họ trong việc quyết định lựa chọn giữa cách lý giải thuật ngữ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ASEAN hay của Mỹ.

Theo “Iowy interpreter

Mỹ Anh (gt)