26/02/2020
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc – nền kinh tế lớn nhất khu vực ASEAN+3 và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – khiến tăng trưởng giảm tốc rõ rệt, có khả năng sẽ ảnh hưởng lan rộng khắp khu vực và toàn thế giới.
Giới thiệu
Gần đây, dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc và sau đó lây lan ra bên ngoài nước này đã làm gia tăng rủi ro đối với tăng trưởng của Trung Quốc và khu vực. Ngày 31/12/2019, các nhà chức trách Trung Quốc thông báo với Tổ chức y tế thế giới (WHO) về một vài trường hợp mắc bệnh viêm phổi ở Vũ Hán, và đã thực hiện những hành động chính sách chưa từng có để khống chế virus này, nhưng dịch bệnh bắt đầu lây lan sang các nền kinh tế khác trong khu vực. Ngày 30/1/2020, WHO tuyên bố dịch Covid-19 là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Giờ đây, cuộc tranh luận xoay quanh mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh này và tác động có khả năng của nó đối với nền kinh tế trong nước và các nước khác.
Dịch bệnh tác động đến hoạt động kinh tế trên nhiều mặt trận khác nhau
- Ở Trung Quốc, dịch bệnh này tạo ra sức ép lớn đối với hệ thống y tế, khiến tiền lương sụt giảm và năng suất thấp hơn do người lao động nghỉ ốm và nghỉ làm. Nỗi lo sợ bị lây bệnh và nỗ lực hạn chế tình trạng lây lan có thể dẫn đến những gián đoạn về giao thông vận tải, chuỗi cung ứng trong ngành chế tạo, việc cung cấp hầu hết các dịch vụ, đóng cửa các trường học và doanh nghiệp. Do đó, việc chống lại dịch bệnh có thể có tác động đáng kể đến kinh tế.
- Bên ngoài Trung Quốc, khả năng lây lan đã gia tăng đáng kể do sự hội nhập và kết nối trong khu vực tăng cao. Ngoài việc lây lan bệnh do lưu lượng di chuyển quốc tế khổng lồ, ngành công nghiệp hàng không, lĩnh vực du lịch và dịch vụ khách hàng, cũng như thương mại, trong đó có các chuỗi cung ứng toàn cầu là những ngành tiêu biểu cảm nhận được tác động của nó.
- Hành vi phòng ngừa lây nhiễm của người dân và các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan có thể gây ra thêm sức ép lớn đối với các nền kinh tế khu vực. Ngoài ra, tình trạng bất ổn và nỗi sợ hãi tràn ngập khắp nơi sẽ làm giảm niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, và gia tăng tâm lý sợ rủi ro trong các thị trường tài chính và hàng hóa tiêu dùng.
Dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc – nền kinh tế lớn nhất khu vực ASEAN+3 (gồm các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và 3 nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – khiến tăng trưởng giảm tốc rõ rệt, có khả năng sẽ ảnh hưởng lan rộng khắp khu vực và toàn thế giới. Những ước tính về tác động của dịch bệnh này sẽ phụ thuộc vào thời gian kéo dài, tính độc hại và khả năng lây nhiễm. Các dịch bệnh do virus trước đây, đáng chú ý là Hội chứng suy hô hấp cấp tính (SARS) vào năm 2003, có thể đưa ra gợi ý về những thiệt hại kinh tế tiềm tàng đối với Trung Quốc, mà sau đó có thể được sử dụng để ước tính tác động đối với các nền kinh tế khác trong khu vực:
- Tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2020 sẽ giảm nhiều nhất là 0,5%, xét tới các biện pháp hỗ trợ của chính phủ.
- Sự giảm tốc của Trung Quốc sẽ khiến tăng trưởng của các nước ASEAN+3 giảm 0,2%. Các kênh tác động chính đối với khu vực này sẽ là thông qua (1) lưu lượng đi lại và du lịch ra nước ngoài của Trung Quốc giảm mạnh; (2) sự sụt giảm trong hoạt động đi lại và du lịch của khu vực phản ánh nỗi lo sợ lây lan dịch bệnh; (3) sụt giảm hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc qua chuỗi cung ứng khi hoạt động sản xuất bị gián đoạn và nhu cầu trong nước bị ảnh hưởng; và (4) tình trạng lây lan dịch bệnh sang các nền kinh tế khu vực.
Tác động đối với nền kinh tế Trung Quốc
Trong số các dịch bệnh lớn trong 2 thập kỷ qua, dịch SARS có thể đưa ra chỉ dẫn nào đó về tác động tiềm tàng của Covid-19. Dịch SARS bùng phát vào quý IV/2002, nhưng hầu hết các ca nhiễm bệnh được ghi nhận vào quý I và quý II/2003. Hơn 8.000 người nhiễm SARS, chủ yếu ở Trung Quốc, ngoài ra còn ở các nơi khác trong khu vực – tương tự như Covid-19 tính đến nay. Tại thời điểm này, số lượng người nhiễm Covid-19 đã vượt xa tổng số người nhiễm SARS, và con số này dự kiến còn tăng cao hơn nữa. Tỷ lệ tử vong trung bình do SARS là gần 10% so với mức chỉ 2% của Covid-19 cho đến nay. Tuy nhiên, những ước tính ban đầu cho thấy SARS có tỷ lệ lây nhiễm thấp hơn nhiều, có khả năng là vì virus này không lây trong thời gian ủ bệnh. Một kịch bản có khả năng xảy ra là Covid-19 sẽ lây lan trong khoảng 4 tháng, tương tự như SARS; có tỷ lệ tử vong thấp hơn SARS; lây lan rộng hơn SARS, các vùng lây nhiễm chính là những trung tâm kinh tế chính của Trung Quốc.
Tác động của dịch bệnh này đối với Trung Quốc dự kiến sẽ lớn nhưng không kéo dài. Tăng trưởng trong quý I/2020 dự kiến sẽ giảm mạnh, ở cả lĩnh vực sản xuất lẫn dịch vụ. Trong ngắn hạn, những hạn chế đối với hoạt động đi lại của người dân gây tổn hại đến hoạt động sản xuất và nhu cầu tiêu dùng. Hầu hết các địa phương tuyên bố kéo dài kỳ nghỉ Tết Âm lịch thêm khoảng 7 ngày, điều này đồng nghĩa rằng các nhà máy và doanh nghiệp sẽ phải trì hoãn hoạt động sản xuất.
AMRO dự báo Covid-19 sẽ khiến GDP trong năm 2020 của Trung Quốc giảm 0,5%. Các kịch bản sau đây giả định rằng:
- Trong lĩnh vực sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu tập trung ở các khu vực chịu ảnh hưởng sẽ bị gián đoạn đáng kể. Tuy nhiên, sau đó, các công ty có khả năng sẽ tìm ra cách để bù đắp hầu hết (nếu không phải toàn bộ) hoạt động sản xuất mất đi để đáp ứng nhu cầu, do lĩnh vực chế tạo tương đối ít bị hạn chế bởi năng lực sản xuất. Do đó, lĩnh vực sản xuấtcó khả năng sẽ phục hồi mạnh mẽ.
- Trong lĩnh vực dịch vụ, các công ty có khả năng hạn chế trong việc bù đắp lại những ngày nghỉ. Nhu cầu đối với một vài loại hình dịch vụ như du lịch sẽ không phục hồi đáng kể, và việc cung cấp dịch vụ không thể tăng mạnh trong giai đoạn ngắn. Do đó, quá trình phục hồi về mức trước khi xảy ra dịch bệnh sẽ chậm hơn.
Tác động ước tính bao gồm: (1) lĩnh vực sản xuất khiến tăng trưởng giảm 0,15%; và (2) lĩnh vực dịch vụ khiến tăng trưởng giảm 0,35%, cao hơn một chút so với dịch SARS. Những ước tính này đã tính đến giả định của AMRO về sự hỗ trợ của chính quyền đối với nền kinh tế.
Tác động đối với Trung Quốc sẽ diễn ra trên nhiều lĩnh vực, đến việc làm và có khả năng cả sự ổn định tài chính. Với hơn 200 triệu người lao động di cư trên toàn quốc trở về quê nhà nghỉ lễ Tết Âm lịch, và nhiều thành phố (gồm khoảng 50 triệu dân) bị cách ly, hầu hết các lao động này không thể quay trở về thành phố nơi họ làm việc như họ thường làm sau khi nghỉ Tết – đặc biệt là những người ở khu vực miền Trung Trung Quốc, khu vực chịu nhiều tác động nhất. Khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ chịu tác động nhiều nhất, điều có thể khiến nợ xấu của ngân hàng gia tăng. Ngoài ra, sự bùng phát dịch bệnh này có thể khiến giá cả hàng hóa ở địa phương tăng trong tương lai gần.
Tác động đối với khu vực ASEAN+3
Hầu hết các nước trong khu vực ASEAN+3 đã bị lây nhiễm do dịch bệnh lây lan, và tăng trưởng của họ cũng có thể bị ảnh hưởng như đang diễn ra ở Trung Quốc. Kênh tác động chính là thông qua vận chuyển hành khách, du lịch và các ngành công nghiệp phụ trợ, cũng như hoạt động sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm trung gian có liên quan đến sản xuất thành phẩm tiêu dùng trong các khu vực chịu nhiều ảnh hưởng ở Trung Quốc. Ngoài ra, các biện pháp trong nước nhằm khống chế dịch bệnh có thể làm gián đoạn sản xuất cũng như đầu tư và tác động đến tiêu dùng. Tác động này có quy mô và cường độ lớn đến mức nào có khả năng sẽ phụ thuộc vào mức độ nguy hiểm của dịch này. Tuy nhiên, nếu trong năm 2020 nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc hơn so với dự kiến, thì những tác động đối với các nền kinh tế khu vực có thể là khốc liệt.
Các thị trường tài chính
Các thị trường châu Á phản ứng rất tiêu cực với tin tức về việc bùng phát dịch Covid-19 sau đó mới dịu bớt phần nào. Mặc dù các thị trường ở Trung Quốc và Hong Kong chịu tác động nặng nề nhất, nhưng chứng khoán và tiền tệ của ASEAN cũng giảm giá trị. Lợi nhuận của toàn bộ thị trường trái phiếu khu vực đã giảm đáng kể, nhìn chung là do lợi nhuận toàn cầu giảm, dù các nhân tố đặc thù cũng đóng một vai trò.
Phản ứng của thị trường chứng khoán khác nhau giữa các ngành. Không bất ngờ khi cổ phiếu của các ngành liên quan đến du lịch và năng lượng giảm mạnh nhất, trong khi cổ phiếu ngành y tế tăng. Hiệu quả của thị trường chứng khoán suy giảm theo ngành cho thấy tâm lý đề phòng của các thị trường đối với ngành mà hoạt động kinh tế có thể bị ảnh hưởng. Sự sụt giảm trong ngành du lịch sẽ tác động đến lĩnh vực tiêu dùng không thiết yếu – bao gồm khách sạn và các hoạt động giải trí – trong khi hoạt động kinh tế nói chung suy yếu và do đó,nhu cầu năng lượng sẽ có tác động đến cổ phiếu trong lĩnh vực năng lượng. Ngành nguyên vật liệu cũng phản ứng tiêu cực với dịch bệnh này vì nhu cầu từ Trung Quốc dự kiến sẽ giảm.
Hoạt động thị trường của các nước cũng khác nhau, với Hong Kong, Hàn Quốc và Thái Lan là những nơi chịu tác động tồi tệ nhất. Bên ngoài Trung Quốc, giá cổ phiếu của Hong Kong giảm mạnh nhất, có khả năng là do quan hệ mật thiết của họ với Đại lục, tình trạng bất ổn xã hội đang diễn ra và ký ức tồi tệ về dịch SARS, khi Hong Kong chiếm khoảng 22% ca nhiễm bệnh này trên toàn cầu. Trong số các đồng nội tệ khu vực, đồng won Hàn Quốc và đồng baht Thái mất giá nhiều nhất, thêm vào đó là sự yếu kém của thị trường chứng khoán. Bên cạnh tác động đối với ngành du lịch và năng lượng, sự sụt giảm mạnh trong các ngành cụ thể như hàng tiêu dùng thiết yếu (gồm thực phẩm, nhà ở và các đồ dùng cá nhân) ở Hàn Quốc và Singapore, và lĩnh vực sản xuất nguyên vật liệu (gồm khai mỏ, kim loại và chất dẻo) ở Malaysia và Indonesia, dẫn đến những dự đoán rằng nhu cầu từ Trung Quốc và khu vực sẽ giảm đáng kể.
Tác động kinh tế
Ngoài tác động lây nhiễm người qua người, dịch bệnh này còn ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế trong khu vực thông qua một số kênh chính. Các kênh này bao gồm việc các hoạt động du lịch bị tạm dừng, nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc rõ rệt, các chuỗi cung ứng khu vực bị gián đoạn, hành vi tránh tiếp xúc gây lây nhiễm trong dân chúng và các biện pháp trong nước nhằm kiểm soát dịch bệnh:
- Các nền kinh tế khu vực hiện ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào ngành du lịch của Trung Quốc so với thời điểm dịch SARS bùng phát, do đó ngay cả một lệnh cấm vận tương đối ngắn ngủi đối với hoạt động đi lại của Trung Quốc cũng sẽ có tác động lớn hơn nhiều. Quả thực, các hoạt động đi lại và ngành du lịch của Trung Quốc giảm sút đã gây tác động rõ rệt đến toàn khu vực.
- Nhu cầu của Trung Quốc về việc nhập khẩu hàng hóa giảm đi cũng có thể tác động đặc biệt nghiêm trọng đối với khu vực nếu tình trạng suy thoái kinh tế trở nên tồi tệ hơn, do chuỗi cung ứng khu vực có tính tích hợp cao.
- Nếu dịch bệnh lan rộng hơn nữa trong khu vực hay nỗi lo sợ lây nhiễm gia tăng, các nền kinh tế khu vực có thể bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh cũng như gián tiếp từ việc thực hiện hoặc tăng cường các biện pháp nhằm khống chế loại virus này. Điều này có thể gây tổn hại cho hoạt động kinh tế giống như những gì đang diễn ra tại Trung Quốc – mặc dù có khả năng ở mức độ thấp hơn – do hậu quả của sự gián đoạn trong hoạt động sản xuất và tiêu dùng nội địa.
Mặc dù tác động của dịch SARS đối với ngành du lịch Trung Quốc trong khu vực là rõ ràng vào đầu những năm 2000, nhưng các tác động lần này sẽ còn tồi tệ hơn nhiều. Số du khách Trung Quốc tới khu vực đã tăng gấp nhiều lần trong gần 20 năm qua, từ mức gần 20% tổng số du khách năm 2002 lên hơn 40% năm 2018, tương đương khoảng từ 10 triệu người lên hơn 80 triệu người. Các quốc gia trong khu vực đã hưởng lợi từ số lượng ngày càng lớn du khách từ Trung Quốc, vốn chiếm 80% tổng lượng khách du lịch tại Hong Kong trong năm 2018, hơn 30% ở Campuchia, Hàn Quốc và Việt Nam, và khoảng 30% ở Thái Lan và Nhật Bản. Trước khi dịch SARS bùng phát, năm 2002, tỷ lệ này thấp hơn nhiều - chỉ khoảng 41% ở Hong Kong và chưa đến 10% tại các nước còn lại trong khu vực.
Cũng theo đó, ngành du lịch ngày càng đóng góp nhiều hơn cho GDP của các nền kinh tế khu vực. Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới ước tính rằng trong khu vực này, ngành du lịch mang lại lợi nhuận trực tiếp lớn nhất cho Campuchia và Thái Lan, đóng góp tương ứng 14% và 10% GDP của hai nước. Mức đóng góp tổng thể thậm chí còn cao hơn nhiều – hơn 30% đối với Campuchia, hơn 20% đối với Thái Lan và Philippines. Nhìn chung, ngành du lịch đã đóng góp ngày càng nhiều cho GDP của hầu hết các nước trong khu vực ASEAN+3 kể từ đầu những năm 2000.
Do đó, các nền kinh tế khu vực có ngành du lịch phát triển và tiếp nhận lượng du khách lớn đến từ Trung Quốc dự kiến sẽ bị tác động nặng nề do dịch Covid-19 gây ra. Ngành du lịch bị ảnh hưởng gần như ngay lập tức do Trung Quốc hạn chế các nhóm du lịch ra nước ngoài cũng như do những hạn chế, khuyến cáo du lịch và yêu cầu đình chỉ chuyến bay của các nước trong khu vực (như Malaysia và Singapore) và nhiều nước khác trên thế giới đối với chính công dân của họ và du khách từ Trung Quốc. Trong số các nước ASEAN+3, Campuchia và Thái Lan dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, Việt Nam và Hong Kong ở mức thấp hơn (mặc dù Hong Kong đã chịu tổn thất từ lượng du khách giảm sút do tình trạng bất ổn xã hội đang diễn ra). Ngoài ra, những tác động tiêu cực có thể xuất phát từ việc sụt giảm lượng du khách từ các khu vực khác, đặc biệt là nếu dịch bệnh tiếp tục lây lan trong khu vực ASEAN+3, hoặc đơn giản là do cảm giác e ngại rủi ro khi đi du lịch ngày càng tăng.
Sự sụt giảm rõ rệt của ngành du lịch trong thời gian dịch SARS bùng nổ năm 2003 là một mốc so sánh tương ứng. Vào thời điểm đó, lượng du khách từ Trung Quốc tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore và Indonesia đã giảm mạnh vào tháng 5-6/2003 – dao động trong khoảng 50-90% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đã dần phục hồi trong năm 2004. Do đó, nếu dịch bệnh hiện nay chỉ diễn ra trong thời gian tương đối ngắn, thì một sự hồi phục tương tự cũng sẽ phần nào giảm thiểu tác động nghiêm trọng ban đầu.
Trong khi đó, thương mại hàng hóa nội khối cũng sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ do những gián đoạn về nhu cầu hàng hóa cũng như hoạt động sản xuất ở Trung Quốc. Nhiều nền kinh tế khu vực mở cửa và hội nhập tốt vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, trong đó Trung Quốc là một mắt xích quan trọng. Thương mại hàng hóa giữa Trung Quốc và khu vực ASEAN đã gia tăng đáng kể trong 2 thập kỷ qua, và tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa từ hầu hết các nền kinh tế khu vực sang Trung Quốc đã gia tăng, chiếm hơn 1/4 GDP của Việt Nam, và hơn 10% GDP của Malaysia, Hàn Quốc và Lào. Tuy nhiên, theo những giả định về thời gian dịch bệnh kéo dài, những gián đoạn trong chuỗi cung ứng dự kiến chỉ mang tính nhất thời và thương mại dự kiến sẽ phục hồi theo nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hóa trung gian và thành phẩm.
Đánh giá tác động về kinh tế qua các chỉ số
Tác động kinh tế của dịch Covid-19 được định lượng bằng cách sử dụng mô hình tự hồi quy toàn cầu (GVAR). Mô hình này mô phỏng hai kịch bản riêng biệt: (1) một cú sốc gây bất an lan truyền tới khu vực và phần còn lại của thế giới, thể hiện qua Chỉ số bất ổn trong chính sách kinh tế toàn cầu (GEPU); và (2) tác động bên lề của tăng trưởng giảm tốc ở Trung Quốc đối với khu vực và thế giới. Các kết quả thu được cung cấp hướng dẫn chung về những tác động tiềm tàng đối với các nền kinh tế khu vực, nhưng không thể tính đến các kênh cụ thể như ngành du lịch đã thảo luận ở trên.
Các kết quả cho thấy rằng một cú sốc trực tiếp đối với tăng trưởng của Trung Quốc có tác động lớn hơn nhiều đến khu vực, trong khi tình trạng bất ổn toàn cầu gia tăng dù ở mức độ nào cũng sẽ làm suy yếu tăng trưởng kinh tế.
- GEPU tăng 25% kết hợp với mức tăng GEPU hàng năm của Hong Kong trong giai đoạn dịch SARS bùng phát năm 2003 sẽ được phản ánh thông qua các mức giá trên thị trường tài chính. Dao động tỷ giá hối đoái sẽ ngay lập tức dẫn đến xu hướng đầu tư an toàn, khi đồng yên Nhật tăng giá và các đồng tiền khác (trừ đôla Hong Kong vốn gắn với đồng USD) mất giá so với đồng USD. Ngoài ra, đường cong lợi suất sẽ có xu hướng đi ngang tại các nền kinh tế phát triển và hầu hết các nền kinh tế châu Á mới nổi.
- Tăng trưởng dự kiến bị tác động trực tiếp bởi một cú sốc đối với tình trạng bất ổn. Mô hình GVAR chủ yếu thể hiện tác động gián tiếp, trong đó sự sụt giảm mạnh trong các thị trường tài chính sẽ dẫn đến mức tăng trưởng thấp hơn. Trung Quốc sẽ nằm trong số những quốc gia ít bị ảnh hưởng nhất, trong khi Indonesia gần như miễn nhiễm hoàn toàn do nhu cầu lớn hơn ở trong nước.
- Hoạt động kinh tế của Trung Quốc giảm 1% cũng sẽ tác động đến Hong Kong và Singapore theo những cách khác nhau, trong khi tác động tới tăng trưởng của Thái Lan cũng sẽ gần như tương đương với Trung Quốc. Các tác động tiêu cực đối với Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines ở mức tương đối ngang nhau, trong khi Indonesia dường như ít chịu tác động nhất.
Các phản ứng chính sách
Giới chức Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp chính sách kinh tế để hỗ trợ nền kinh tế trong ngắn hạn, trong đó có việc hỗ trợ thanh khoản tạm thời, giúp ổn định các thị trường. Nếu dịch bệnh kéo dài, có thể sẽ cần nhiều biện pháp hơn để duy trì niềm tin của người dân và hỗ trợ nền kinh tế. Ở những nơi khác trong khu vực ASEAN+3, không gian chính sách mang lại một “vùng đệm” để thông qua các chính sách tiền tệ và tài chính phù hợp hơn khi cần thiết. Nếu dịch bệnh diễn biến xấu đi và các rủi ro bên ngoài trở thành hiện thực, các nền kinh tế trong khu vực cũng có đủ dự trữ và linh hoạt về tỷ giá để chống chọi trước những thách thức này, ít nhất là trong giai đoạn kéo dài.
So sánh các đợt bùng phát virus toàn cầu
Với thông tin mới về dịch Covid-19 và sự lây lan của nó vẫn đang tiếp tục xuất hiện, các dịch bệnh hiện nay và trước đây có thể giúp xác định các tác động kinh tế tiềm tàng của dịch bệnh hiện nay. Trong khi một số bệnh đặc thù như HIV, sốt rét hay thậm chí cảm cúm thông thường cũng gây ra những nguy cơ kéo dài đối với sức khỏe của người dân trên toàn cầu, thì các dịch bệnh do virus gây ra – có thể chỉ trong một thời gian ngắn – cũng giành được sự chú ý của toàn thế giới do những tác động nhãn tiền của chúng đối với sức khỏe con người và nền kinh tế. Thế giới đã trải qua một số dịch bệnh và đại dịch chỉ trong 2 thập kỷ qua, điều này có thể cung cấp các thước đo để đánh giá mức độ nghiêm trọng của dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh tế.
Các dịch bệnh khác biệt lớn về tỷ lệ tử vong tính theo số ca lây nhiễm và tỷ lệ tử vong tính theo dân số trong vùng bị lây nhiễm, cũng như mức độ lây lan:
- Tỷ lệ tử vong tính theo số ca lây nhiễm cao nhất trong số các dịch bệnh là dịch cúm gia cầm H5N1 (mặc dù có tương đối ít số ca mắc bệnh được ghi nhận), Ebola và MERS.
- Tỷ lệ tử vong tính trên tổng số người dân của quốc gia bị ảnh hưởng cao nhất cho đến nay là dịch Ebola – trung bình cứ 100.000 người thì ở Sierra Leone có 57 ca tử vong, ở Liberia là 102 ca, sau đó là dịch H1N1 (cứ 100.000 người thì có 4 ca tử vong) và MERS (100.000 người thì có 2 ca tử vong).
- Cuối cùng, mức độ lây nhiễm được ước tính theo tỷ lệ sinh sôi (số người trung bình bị lây bệnh từ một người bị nhiễm bệnh, ước tính này có thể thay đổi theo thời gian), và dường như mức lây nhiễm nghiêm trọng nhất là virus không gây chết người Zika và MERS.
Tóm lại, các thông số này dường như có ảnh hưởng đến tác động kinh tế tổng thể - thông qua ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, và gián tiếp thông qua các biện pháp được thực hiện nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, sự mất niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, hành vi phòng tránh lây nhiễm của người dân, tất cả đều có thể tác động đến hoạt động sản xuất, cung cấp dịch vụ, tiêu dùng, đi lại, du lịch và thương mại.
Dịch bệnh hiện nay đã lan nhanh và dự kiến sẽ ngày càng lan rộng, nhưng tỷ lệ tử vong vẫn tương đối thấp. Xét tới sự gia tăng mạnh mẽ trong ngành du lịch ra nước ngoài của Trung Quốc (và các nước bị lây nhiễm khác) kể từ sau dịch SARS, có khả năng dịch Covid-19 đã và có thể lan rộng trên toàn thế giới nhanh hơn so với dịch SARS. Mặt khác, giới chức Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp nhanh chưa từng có nhằm ngăn chặn dịch bùng phát, góp phần làm giảm đáng kể sự lây nhiễm mặc dù điều này cũng để lại tác động kinh tế nghiêm trọng trong ngắn hạn.
So sánh tác động của dịch SARS với dịch Covid-19 đối với Trung Quốc
Tại Trung Quốc, cú sốc kinh tế do dịch SARS bùng phát vào năm 2003 gây ra tập trung vào khu vực dịch vụ. Vào thời điểm đó, tăng trưởng GDP và tăng trưởng giá trị gia tăng (so với cùng kỳ) của các ngành thuộc khu vực công nghiệp và dịch vụ giảm khoảng 2,0% mỗi ngành từ quý I đến quý II/2003. Khi dịch bệnh được đẩy lùi, nhu cầu mạnh mẽ từ bên ngoài và sự phục hồi của hoạt động sản xuất đã đảm bảo sự trở lại mạnh mẽ của khu vực công nghiệp, trong khi sự phục hồi của ngành dịch vụ diễn ra chậm hơn.
Trong khu vực dịch vụ, các cú sốc tập trung ở các ngành sử dụng nhiều sức lao động, vốn đòi hỏi phải có những tương tác trực tiếp. Trong giai đoạn bùng phát dịch SARS, các ngành vận tải, lưu trú, ăn uống và dịch vụ tài chính chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất. Đối với các ngành này, GDP trong quý II năm 2003 lần lượt giảm 5,4%, 3,6% và 3,6% so với quý I.
Tỉnh Quảng Đông và Bắc Kinh chịu ảnh hưởng lớn nhất. Theo số liệu được báo cáo, hai khu vực này có nhiều bệnh nhân SARS nhất và chịu thiệt hại nhiều hơn các vùng khác ở Trung Quốc. Trong quý II năm 2003, tăng trưởng GDP của Bắc Kinh và Quảng Châu lần lượt là 9,6% và 13,4%, lần lượt giảm đi 3,1% và 0,5% so với quý I.
Có một số điểm tương đồng trong sự tiến triển của dịch SARS và dịch Covid-19 ở các khu vực địa lý và khu vực kinh tế:
Cả hai đợt bùng phát dịch đều có thể được mô tả là những sự gián đoạn ngắn hạn ở phía cung và đối với nhu cầu dịch vụ, với một số dịch vụ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Tác động đối với lĩnh vực sản xuất chế tạo và thương mại ở mức hạn chế và nhất thời hơn, khi các công ty tìm ra các cách để bù đắp cho phần lớn doanh số bị thiệt hại khi nhu cầu gia tăng trở lại. Các dịch vụ, chẳng hạn như du lịch, ít có khả năng thay thế theo thời gian hơn do những hạn chế khác nhau.
Cả hai đợt dịch đều bùng phát tại những khu vực phát triển nhất ở Trung Quốc, là nơi có các ngành quan trọng và chiếm phần lớn sức mua của Trung Quốc:
- Năm 2003, các bệnh nhân SARS tập trung tại hai trung tâm kinh tế lớn là Bắc Kinh và tỉnh Quảng Đông, lần lượt chiếm 47% và 29% tổng số ca nhiễm; có rất ít ca nhiễm ở đồng bằng sông Trường Giang và các vùng khác.
- Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán (có tầm quan trọng tương tự như Chicago ở Mỹ) và vùng Hoa Trung vốn đang trong giai đoạn công nghiệp hóa nhanh chóng. Tỉnh Hồ Bắc, trong đó có Vũ Hán, chiếm khoảng 4,6% GDP của Trung Quốc. Ngoài ra, theo một nghiên cứu của Đại học Southampton, vùng Hoa Trung, đồng bằng Châu Giang, đồng bằng Trường Giang và cụm đô thị Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc nằm trong nhóm những vùng dễ bị nhiễm bệnh nhất. Đó là những khu vực phát triển nhất ở Trung Quốc và cũng dễ bị tác động nhất trước những sự gián đoạn về kinh tế.
- Cả hai dịch bệnh đều xảy ra trong Tết Nguyên Đán, khi hàng trăm triệu người Trung Quốc trên cả nước về quê ăn Tết cùng gia đình.
Tuy nhiên, cũng có những điểm khác biệt đáng lo ngại giữa môi trường tài chính vĩ mô của Trung Quốc vào năm 2003 so với hiện nay:
- Trong thời kỳ dịch SARS, nền kinh tế Trung Quốc được thúc đẩy nhờ sự gia tăng xuất khẩu, việc gia nhập WTO vào năm 2001 và môi trường bên ngoài sôi động, trái với nhu cầu bên ngoài ở mức thấp như hiện nay. Trong giai đoạn 2002-2003, nền kinh tế toàn cầu đang trên đà hồi phục sau khi vỡ bong bóng Internet, dẫn tới sự tăng trưởng xuất khẩu nhanh chóng của Trung Quốc (tăng hơn 30% trong năm 2003). Đồng thời, Trung Quốc cũng trải qua tiến trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng. Ngày nay, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại khi nền kinh tế nước này trở nên phát triển hơn. Ngoài ra, căng thẳng thương mại đang diễn ra với Mỹ đã gây sức ép đối với nền kinh tế Trung Quốc.
- Khu vực dịch vụ, vốn đang trải qua những sự gián đoạn đáng kể, ngày nay đã trở nên quan trọng hơn. Năm 2003, giá trị gia tăng của khu vực dịch vụ chiếm 32% GDP của Trung Quốc; năm 2019, con số này là 54% GDP. Để đối chiếu, các ngành bán lẻ và ăn uống ở Trung Quốc đạt doanh số khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ, hay 1% GDP hàng năm, trong dịp Tết Nguyên Đán năm 2019 (4-10/2), và doanh thu từ du lịch đạt 514 tỷ nhân dân tệ, hay 0,5% GDP hàng năm. Do đó, tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên Đán là khá lớn và có ý nghĩa quan trọng đối với GDP. Phần lớn doanh số bán lẻ bị thiệt hại trong giai đoạn này, chẳng hạn như xe ô tô, có thể thay thế được bằng tiêu dùng trong các tháng tới; tuy nhiên, điều này không có khả năng xảy ra đối với ngành dịch vụ, do nguồn cung bị hạn chế hơn bởi lao động và tính sẵn có của người tiêu dùng.
- Giờ đây, lĩnh vực tài chính gặp phải rủi ro lớn hơn. Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, rủi ro tín dụng là rất lớn. Vài năm sau cuộc khủng hoảng này, Chính quyền Trung Quốc đã giúp các ngân hàng xử lý các khoản nợ xấu và tái cấp vốn cho họ, đồng thời xử lý một số rủi ro mang tính hệ thống. Hiện tại, nợ của chính quyền địa phương đã ở mức tương đối cao, và các ngân hàng thương mại nhỏ và vừa phải chịu rủi ro tín dụng ở mức cao trong khi các nỗ lực giảm thiểu rủi ro hệ thống đang được tiến hành.
Về mặt tích cực, các hoạt động kinh tế trực tuyến đang giúp làm giảm bớt tác động của tình trạng phong tỏa và cách ly đối với các doanh nghiệp. Thương mại điện tử chiếm 21% doanh số bán lẻ trong năm 2019, và một phần lớn thiệt hại về doanh thu tại các cửa hàng do dịch Covid-19 gây ra có thể được bù đắp nhờ sự gia tăng hoạt động mua hàng trực tuyến. Đồng thời, trò chơi trực tuyến, các phương tiện truyền thông xã hội trực tuyến, phát hình trực tuyến, giáo dục và các hình thức giải trí khác - vốn có thể sử dụng bình thường ngay cả trong tình trạng bị cách ly - có thể hỗ trợ cho khu vực dịch vụ./.
Bài viết được đăng trên Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO)
Minh Anh (gt)
Trong khi các cuộc bạo lực liên tục giữa người biểu tình với chính quyền quân đội tại Myanmar đang có nguy cơ leo thang, đẩy quốc gia này đến bờ vực một cuộc nội chiến toàn diện, dường như những nỗ lực tổ chức thượng đỉnh đặc biệt về Myanmar của ASEAN đang là hi vọng lớn nhất của cả khu vực và thê giới...
Dịch COVID-19 có lẽ là cơ hội để các nước Đông Nam Á hạn chế sự phụ thuộc quá mức vào thị trường Trung Quốc và đa dạng hóa, tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm đạt được vị thế tốt hơn.
Bốn nhận thức cơ bản: (i) những thách thức chính trị nội bộ tiếp tục chi phối nghị trình của hầu hết các nước thành viên ASEAN; (ii) ASEAN cần thu hẹp khoảng cách giữa sự hợp tác khu vực và cảm nhận của công chúng về tác động của khối; (iii) mong muốn mạnh mẽ giữ gìn trật tự khu vực cởi mở và bao trùm;...
Cuộc tập trận ASEAN-Mỹ là bước đi quan trọng hướng tới việc thực thi tầm nhìn của ASEAN về cấu trúc an ninh khu vực mở và hòa bình, không bị chi phối bởi Trung Quốc và có sự tham gia của tất cả các nước lớn - bao gồm Mỹ.
Điều rõ ràng là ASEAN bị cuốn vào cuộc chiến tranh giành quyền lực đang diễn ra trong khu vực. Vị trí địa lý của ASEAN nằm ở trung tâm tuyến thương mại hàng hải của châu Á đặt ASEAN ở giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 diễn ra tại Bangkok vào tháng 6/2019 đã thông qua Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP). Bài viết này xem xét nội dung của AOIP và phân tích ý nghĩa của nó đối với ASEAN và các nước thành viên.