Trong số những người Trung Quốc, cả trong và ngoài Đảng Cộng sản, quan tâm đến chính sách quốc gia, hiện có ít nhất 4 quan điểm lớn như sau: chủ nghĩa Mao; tự do hóa dựa trên luật lệ; chủ nghĩa dân tộc quyết đoán; và tư tưởng Đặng Tiểu Bình.

Chủ nghĩa Mao Trạch Đông

Không ai ủng hộ việc quay lại thời tập trung hóa và các dự án tập thể quy mô lớn của thời Mao Trạch Đông. Nhưng nhiều người cho rằng công nhân sống dưới thời Mao được hưởng sự tôn trọng và cuộc sống thoái mái hơn tầng lớp công nhân hiện nay. Nhiều người vẫn mong muốn xã hội giống thời kỳ của Mao khi cuộc sống đơn giản và chất phác hơn. Tuy nhiên, chủ nghĩa Mao có lẽ chỉ còn dấu ấn trong âm nhạc, thơ phú chứ không còn trong các chính sách chính trị hiện nay.

Chủ nghĩa tự do dựa trên luật lệ

Kể từ năm 1978, nhiều người Trung Quốc tin rằng Trung Quốc nên giảm bớt sự kiểm duyệt và hạn chế quyền tự do bày tỏ ý kiến công khai. Một số công dân Trung Quốc, nhất là những người được đào tạo về luật pháp tin cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cần phải tuân thủ luật pháp. Vì vậy, áp lực đòi hỏi phải có thêm quyền tiếp cận thông tin, sự tuân thủ các quy định và quy trình rõ ràng đang ngày càng gia tăng đối với các quan chức cấp cao Trung Quốc.

Chủ nghĩa dân tộc quyết đoán

Việc tổng sản phẩm quốc dân (GNP) của Trung Quốc có khả năng vượt Mỹ trong vài năm tới, Trung Quốc có nhiều ngoại hối hơn bất kỳ quốc gia nào... khiến người dân Trung Quốc đang cảm thấy đất nước họ cuối cùng đã đứng dậy và xứng đáng được đối xử như một cường quốc lớn. Hầu như tất cả người Trung Quốc muốn tìm ra những con đường thích hợp để thể hiện sự nổi trội của đất nước mình. Một số người Trung Quốc hiện nghĩ rằng đất nước họ hiện cần làm nhiều hơn nữa để bảo đảm lợi ích trên toàn thế giới.

Tư tưởng Đặng Tiểu Bình

Bắt đầu từ năm 1978, Đặng Tiểu Bình đã đặt ra những phương hướng mà vẫn có vai trò chỉ đạo Trung Quốc ngày nay, bao gồm:

- Tiến hành cải cách từng bước;

- Mở cửa đất nước với những ý tưởng trên khắp thế giới và gửi người Trung Quốc ra nước ngoài để học tập không chỉ khoa học và công nghệ hiện đại mà cả các hệ thống quản lý tốt nhất;

- Cải thiện hệ thống giáo dục;

- Lựa chọn con người theo đạo đức và khi họ chứng tỏ được bản thân thì từng bước bổ nhiệm;

- Phát triển quan hệ tốt với các nước khác, đặt biệt các cường quốc lớn, nhằm tiếp cận những ý tưởng tốt nhất; mở rộng thương mại và đầu tư dân sự trong nước qua đó Trung Quốc có thể tránh được sai lầm của Liên Xô là đầu tư cạn kiệt nhằm duy trì vị thế siêu cường quân sự.

- Tạo cơ hội cho các nhóm lãnh đạo ở mỗi cấp tự do thử nghiệm và tiến hành những thay đổi táo bạo để cải thiện nền kinh tế và duy trì trật tự;

- Mở rộng phạm vi tự do, nhưng hạn chế tối thiểu những rủi ro mà có thể phá vỡ trật tự công cộng;

- Duy trì sự lãnh đạo thống nhất của Đảng Cộng sản ở thượng tầng nhằm cho phép các nhà lãnh đạo cao nhất đưa ra những quyết định về những gì là tốt nhất cho đất nước; không trao quyền lực độc lập cho nhánh tư pháp và lập pháp.

- Không để bị ràng buộc bởi ý thức hệ, mà cần tiếp tục thích nghi và cải cách khi những điều kiện mới nảy sinh nhằm đem lại lợi ích cho người dân Trung Quốc và củng cố quốc gia.

Những điều kiện hiện nay của Trung Quốc là khác biệt so với thời Đặng Tiểu Bình cầm quyền. Đất nước mạnh hơn và người dân ở tất cả các cấp mong muốn Trung Quốc mở rộng vai trò toàn cầu. Gần đây, những khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và công nghiệp nặng đã thúc đẩy sự tăng trưởng, nhưng những mô hình tăng trưởng mới đòi hỏi phải tập trung hơn vào chi tiêu dùng, nâng cao khả năng công nghệ và di chuyển ngành công nghiệp đến những nơi có chi phí thấp hơn.

Ngoài ra, công chúng Trung Quốc hoài nghi hơn, không muốn lắng nghe tiếng nói của quan chức chính phủ hơn và kỷ luật công cộng dưới sự dẫn dắt của nhà nước cũng yếu hơn so với thời Đặng Tiểu Bình. Công chúng cũng không còn chấp nhận sự tuyên truyền đơn giản của chính phủ, nhất là khi họ tận mắt chứng kiến những thực tiễn. Các mối liên hệ của người dân Trung Quốc với người nước ngoài đang rộng khắp, luồng thông tin và những ý tưởng bên ngoài cũng không thể làm chậm lại.

Không thể dự đoán chi tiết được những gì mà Tập Cận Bình và nhóm lãnh đạo của ông sẽ thực hiện trong thập kỷ tới. Họ có thể đối mặt với nhiều cuộc biểu tình nội bộ hơn, những vấn đề kinh tế hoặc áp lực bên ngoài đòi hỏi phải xử lý. Nhưng đến này, có những dấu hiệu cho thấy thế hệ lãnh đạo mới sẽ tiếp tục những nỗ lực của Đặng Tiểu Bình để duy trì vai trò lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Giới lãnh đạo này cũng có thể tiếp tục cố gắng tránh xung đột với các cường quốc khác và mở rộng vai trò của Trung Quốc trong các tổ chức quốc tế, tiếp tục các cải cách, chống tham nhũng, mở rộng quyền tự do báo chí....

Tóm lại, tư tưởng Đặng Tiểu Bình có khả năng sẽ tiếp tục mạnh mẽ, đặc biệt ở những cấp lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, vượt trội các quan điểm khác khi nhóm lãnh đạo mới của Trung Quốc cố gắng duy trì những thành công của Đặng Tiểu Bình để củng cố đất nước và cải thiện đời sống cho người dân./.

Theo Asia society (ngày 17/12)

Viết Tuấn (gt)