Năm 2013, tình hình an ninh xung quanh Trung Quốc tồn tại những nhân tố mang tính xác định nhất định, tức là cuộc chơi giữa hai nước Trung - Mỹ vẫn là nhân tố chính ảnh hưởng tới thay đổi của cục diện Châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ sẽ tiếp tục lợi dụng vấn đề biển, coi đó làm “điểm tựa” và “điểm can dự” để lôi kéo các nước đồng minh an ninh Châu Á - Thái Bình Dương, kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Còn Trung Quốc sẽ tiếp tục dùng thái độ cứng rắn để duy trì bảo vệ chủ quyền, tăng cường quản lý thực chất đối với Biển Đông và biển Hoa Đông.

Ngoài ra, tình hình an ninh xung quanh Trung Quốc sẽ mang đặc trưng riêng của năm 2013. Khái quát lại có thể nói là Trung Quốc sẽ ứng phó trực tiếp với 4 điểm sau:

(1) Làm thế nào để ứng phó với giai đoạn thăm dò nhau sau bầu cử giữa hai nước Trung - Mỹ. Đại hội 18 ĐCS/Trung Quốc đã đề ra “Trung Quốc cần thúc đẩy xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới phát triển ổn định, lành mạnh với Mỹ. Mỹ là nước lớn nhất trên thế giới, đương nhiên sẽ chiếm vị trí quan trọng trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc thời gian tới. Năm 2013 cũng là năm chính phủ mới hai nước Trung - Mỹ tiến hành thăm dò nhau, điều chỉnh chính sách với nhau. Việc Trung Quốc ứng phó với những chính sách mới, chiến lược Châu Á - Thái Bình Dương mới của Mỹ như thế nào trong giai đoạn này là một thách thức;

(2) Làm thế nào để ứng phó với những thách thức từ bán đảo Đông Dương (Indochina Peninsula). Là điểm hội tụ của Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, bán đảo Đông Dương không ngừng được nhấn mạnh trong ý đồ chiến lược Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Khi mới tiếp tục đảm nhiệm chức Tổng thống Mỹ lần thứ hai, Obama lựa chọn 3 nước tại bán đảo Đông Dương là Myanmar, Thái Lan, Campuchia là nước đến đầu tiên, thể hiện ý nghĩa sâu sắc. Đối với Trung Quốc mà nói, bán đảo Đông Dương có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh khu vực miền Nam và Tây Nam Trung Quốc, đặc biệt là Myanmar có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với địa chiến lược, đầu tư đối ngoại, an ninh dầu khí của Trung Quốc. Năm 2013, đường ống dầu khí Trung Quốc - Myanmar xây dựng xong. Nhưng những thay đổi của cục diện Myanmar hiện đã tạo ra những thách thức đối với quan hệ Trung Quốc - Myanmar, xung đột dân tộc tăng lên, các sự kiện phản đối đầu tư của Trung Quốc cũng không ngừng phát sinh, đặc biệt là sự điều chỉnh quan hệ của Mỹ đối với Myanmar, làm gia tăng tính phức tạp và tính không xác định của cục diện Myanmar, tạo ra thách thức đối với quan hệ Trung Quốc - Myanmar.

(3) Làm thế nào để ứng phó với những tranh chấp trên biển. Vấn đề chủ quyền lãnh thổ đảo Điếu Ngư/Senkaku cho dù đối với Trung Quốc hay Nhật Bản mà nói đều đã trở thành vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương. Từ góc độ Nhật Bản, mưu đồ của Chính phủ Nhật Bản là vĩnh viễn chiếm đóng đảo Điếu Ngư/Senkaku. Năm 2012, Chính phủ Nhật Bản tiếp nhận quyền quản lý đảo từ cá nhân. Có thể dự báo, Chính phủ Nhật Bản sẽ quán triệt đến cùng “quốc hữu hóa” đảo trên. Hiện nay, Thủ tướng Nhật Bản Abe đã bày tỏ rõ coi trọng quan hệ Trung - Nhật, hy vọng duy trì hợp tác bình thường về kinh tế, thương mại, nhưng lại không có bất cứ sự nhượng bộ nào trong vấn đề đảo Điếu Ngư/Senkaku. Trung - Nhật vẫn không ngừng căng thẳng trong vấn đề đảo Điếu Ngư. Còn TBT/ĐCS/Trung Quốc Tập Cận Bình khi tham gia Hội nghị mở rộng Quân ủy TƯ đã nhấn mạnh “Kiên quyết coi chủ quyền và an ninh quốc gia là quan trọng nhất, kiên trì không được dao động chuẩn bị cho đấu tranh quân sự, kiên quyết duy trì bảo vệ chủ quyền, lợi ích an ninh, phát triển của quốc gia”. Thái độ này thể hiện thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.

Xét từ góc độ biểu hiện chính trị của các nhà lãnh đạo hai nước, khả năng đạt được thỏa hiệp trong vấn đề quy thuộc chủ quyền Điếu Ngư/Senkaku hầu như bằng không. Nguyên do là hai nước Trung - Nhật duy trì xu thế đối đầu tại vùng biển Hoa Đông có lẽ sẽ trở thành điều bình thường. Về lâu dài, xu hướng tranh chấp trong vấn đề đảo Điếu Ngư giữa hai nước vẫn có nhiều nhân tố không xác định. Trong tương lai, làm thế nào để tăng cường bảo vệ về mặt luật pháp và các hành động duy trì quyền lợi một cách hiệu quả, biến bị động thành chủ động vẫn là một vấn đề Trung Quốc cần suy tính hơn nữa;

(4) Làm thế nào để ứng phó với những thách thức tại bán đảo Triều Tiên? Năm 2012, Mỹ - Hàn tổ chức nhiều cuộc diễn tập quân sự chung, khiến cho tình hình Bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng. Vào cuối năm 2012, cùng với việc Triều Tiên bắn vệ tinh thành công, tình hình Bán đảo Triều Tiên lại đối mặt với khủng khoảng an ninh mới. Trong tương lai, xu hướng phát triển của bán đảo Triều Tiên do 3 nhân tố chính sau đây quyết định: thứ nhất là HĐBQ/LHQ đưa ra các chế tài thế nào với Bắc Triều Tiên; thứ hai là chính phủ của tổng thống mới Hàn Quốc định ra chính sách thế nào với Bắc Triều Tiên; thứ ba xu hướng thiên hữu trong nội các Nhật Bản.

Hiện nay, Trung Quốc đã bày tỏ thái độ rõ ràng Triều Tiên có quyền sử dụng hòa bình không gian bên ngoài. Nhưng quyền lợi này hiện bị hạn chế bởi những nghị quyết liên quan của HĐBA/ LHQ. Trung Quốc đối phó thế nào với những thay đổi của tình hình an ninh Bán đảo Triều Tiên, làm thế nào để duy trì sức ảnh hưởng quốc tế của bản thân, đây sẽ làm một thách thức lớn mà ngoại giao Trung Quốc đối mặt.

Cùng với việc Trung Quốc tiếp tục đi theo con đường phục hưng, dù là quan hệ với Mỹ, hay là quan hệ Trung Quốc với các nước láng giềng, đây đều là những thách thức lớn mà Trung Quốc cần ứng phó. Một mặt, sức mạnh tăng lên cần thúc đẩy lợi ích ra bên ngoài, cho dù mở rộng ảnh hưởng là tích cực hay tiêu cực, Trung Quốc đều cần có thái độ bình tĩnh, lý tính, khách quan. Mặt khác, sức mạnh tăng cường chưa chắc có thể chuyển hóa thành nguồn năng lượng để duy trì lợi ích quốc gia, làm thế nào để vận dụng có hiệu quả sức mạnh, để Trung Quốc rút ngắn khoảng cách sức mạnh so với Mỹ, để Trung Quốc mở rộng sự tin tưởng lẫn nhau giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, điều này vượt qúa phạm trù của chuyển đổi mô hình ngoại giao. Một điểm cần nhấn mạnh là từ nay về sau, sức mạnh Trung Quốc tạo dựng môi trường xung quanh đã được nâng cao, tính chủ động trong các vấn đề ngoại giao ngày càng nổi rõ. Vì vậy, Trung Quốc cần tăng cường tự tin để tìm hiểu, xử lý các công việc ngoại giao, hóa giải rủi ro. 

Theo Tạp chí Tri thức thế giới, Bộ Ngoại giao Trung Quốc (ngày 16/1)

Quốc Trung (gt)