Sự kiện Trung Quốc mới đây tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông đang bị một số nước chỉ trích là tìm cách phá hoại hiện trạng khu vực và là mối đe dọa đối với tự do hàng hải. Tuy nhiên, khả năng Bắc Kinh không thể thực thi ADIZ sẽ nhấn mạnh sự yếu kém của nước này, và nếu Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự để áp đặt có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng. Một điều đáng lưu ý là ADIZ không phải một tuyên bố chủ quyền. ADIZ chỉ nhằm mục đích giúp nước đó xác nhận, định vị và kiểm soát sớm đối với máy bay dân sự nước ngoài trước khi bay vào không phận quốc gia của mình. ADIZ cũng không phải ý tưởng mới, với hơn 20 quốc gia đã thiết lập một khu vực như vậy quanh nước mình. Mỹ ngay từ đầu thập niên 1950 đã thiết lập khu vực đầu tiên như vậy và sau vụ tấn công 11/9 lại thiết lập một ADIZ mới đặc biệt quanh Washington. Nhật Bản cũng thiết lập ADIZ, bao quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, từ cuối thập niên 1960. Hầu hết ADIZ đều là đơn phương tuyên bố, không dựa trên luật pháp quốc tế, song thường được các nước khác tuân thủ. 

Tuy nhiên, ADIZ mới của Trung Quốc dường như chủ yếu được thiết lập nhằm mục đích gây sự. Trước tiên, nó chồng lấn với các vùng nhận dạng phòng không tương tự đã được ba nước láng giềng châu Á thiết lập, cũng như tại quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Tuy nhiên, điều gây tranh cãi là nó yêu cầu toàn bộ các máy bay dân sự bay vào ADIZ phải tự nhận dạng, thậm chí ngay cả khi chỉ bay qua khu vực này và không có ý định vào không phận Trung Quốc. Không ADIZ nào có kiểu nhận dạng như thế. Cuối cùng, Bắc Kinh đòi hỏi toàn bộ các chuyến bay phi thương mại, đặc biệt là máy bay quân sự, bay vào ADIZ cần phải tự nhận dạng, hoặc đối mặt với “các biện pháp phòng vệ khẩn cấp” của lực lượng vũ trang Trung Quốc.

Vì thế, không mấy ngạc nhiên khi ADIZ của Trung Quốc bị quốc tế chỉ trích nhiều như vậy. Nhật Bản và Hàn Quốc nhanh chóng chỉ trích động thái mới này. Tokyo coi ADIZ là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”, trong khi Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố sẽ không thông báo với Trung Quốc về các chuyến bay trong phạm vi ADIZ của mình. Về phần mình, Mỹ chỉ trích ADIZ mới là vừa phá hủy hiện trạng mong manh ở Biển Hoa Đông vừa là hành động vi phạm tự do hàng hải ở không phận quốc tế. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố rằng “tự do bay và sử dụng vùng biển và không phận theo luật pháp quốc tế là điều cốt yếu cho thịnh vượng, ổn định và an ninh ở Thái Bình Dương. Chúng tôi không ủng hộ nỗ lực của bất kỳ quốc gia nào áp đặt quy định ADIZ riêng cho máy bay nước ngoài không có ý định bay vào không phận nước đó”.

Ngoài ra, hành động của Trung Quốc đã đoàn kết các nước láng giềng phản đối ADIZ. Chẳng hạn như Seoul và Tokyo, trong một tình huống hiếm hoi, đều lên tiếng chỉ trích. Quan hệ Trung-Hàn, vốn có truyền thống tốt đẹp, đặc biệt bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, ADIZ của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông có thể gây tác động lớn hơn đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Nam Á. Các nỗ lực gần đây của Bắc Kinh, bao gồm việc đề nghị các thỏa thuận hợp tác kinh doanh mới trị giá hàng tỷ USD, nhằm xoa dịu quan ngại về “sự quyết đoán dần dần” của Trung Quốc trong khu vực có thể trở nên vô tác dụng nếu Bắc Kinh áp đặt ADIZ ở Biển Đông.

Bên hưởng lợi từ những diễn biến đó có thể chính là Mỹ. Chính sách “tái cân bằng” của Washington ở châu Á đã vấp phải một số rào cản kể từ khi được công bố gần 3 năm trước. Sự hung hãn gia tăng của Trung Quốc trong khu vực, thậm chí ngay cả khi chỉ là vẻ bề ngoài, có thể giúp Washington rất nhiều trong việc hồi sinh chiến lược xoay trục và kết nối thêm với các đối tác khu vực mới. Vì thế, về tổng thể, nỗ lực thiết lập ADIZ mới của Trung Quốc ở biển Hoa Đông đến nay là hành động tự bắn vào chân mình. Và một hậu quả thậm chí nguy hiểm hơn có thể xảy ra nếu như Bắc Kinh quyết tâm áp đặt nó.

Tác giả là nhà nghiên cứu cấp cao Richard Bitzinger, Khoa Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Đại học Công nghệ Nanyang. Bài viết đăng trên RSIS.

Mỹ Anh (gt)