Với tình thế như vậy, bài phân tích “The Dilemma of Power” trong chuyên mục xã luận của tờ "Thời báo" (Anh) ngày 17/10 đã đặt ra câu hỏi rằng Trung Quốc sẽ triển khai sức mạnh tới đâu để bảo vệ các lợi ích của họ ở nước ngoài, đặc biệt là ở châu Phi? Giả sử Trung Quốc phải can dự, một cách hòa bình hoặc sử dụng quân sự, điều đó sẽ gây hại như thế nào đối với chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác mà Trung Quốc vẫn rao giảng?

Các chuyên gia phân tích quân sự phương Tây cho rằng những động thái quân sự rầm rộ gần đây của Trung Quốc là nhằm phô trương sức mạnh. Cùng với việc phát triển các công nghệ mới và các kỹ thuật chiến tranh mạng, Trung Quốc vừa thử nghiệm máy bay tàng hình J-20 và bắt đầu cho chạy thử tàu sân bay. Trung Quốc hiện tích cực đẩy mạnh khả năng triển khai và duy trì các lực lượng tác chiến phối hợp trên đất liền, biển và trên không. Trong hai thập kỷ nữa, Trung Quốc sẽ đứng thứ hai thế giới - chỉ sau Mỹ - về khả năng triển khai sức mạnh quân sự.

Với sức mạnh đã và đang được tăng cường, giờ đây Trung Quốc sẽ phải quyết định sử dụng sức mạnh của mình khi nào và sử dụng như thế nào. Về mặt truyền thống, Trung Quốc thường quan tâm tới các nước láng giềng và các mục tiêu chiến lược cấp khu vực - đó là an ninh xung quanh đường biên giới, tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, các tuyến đường thương mại và đặc biệt là ngăn chặn nỗ lực tìm kiếm độc lập của Đài Loan. Các vấn đề này hiện vẫn là những ưu tiên của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc giờ đây bị buộc phải bao quát thêm cả các "chiến trường" xa hơn. Có khoảng 1 triệu người dân Trung Quốc đang lao động tại châu Phi, kinh doanh, quản lý các dự án và mang về cho Trung Quốc nguồn nguyên liệu thô. Họ trông chờ sự bảo đảm an ninh từ phía Bắc Kinh, và gần đây Bắc Kinh lâm vào thế buộc phải bảo đảm điều đó. Trung Quốc đã gửi tàu chiến để sơ tán khoảng 15.000 lao động tại Ai Cập và khoảng 35.800 lao động tại Libi.

Một vấn đề tồi tệ hơn là hiện người dân châu Phi bắt đầu "khó chịu" về sự hiện diện của Trung Quốc, cho dù Bắc Kinh liên tục khẳng định rằng họ không thực hiện chính sách thực dân, không bóc lột hay lợi dụng các đối tác thương mại. Đã xảy ra những vụ bạo động tại một số nước nhằm phản đối các đối tác thương mại Trung Quốc - vốn bị coi là đang phá giá tại các thị trường địa phương. Theo báo "Nikkei" (Nhật Bản), Tổng thống Dămbia Michael Sata, vừa mới đắc cử hồi cuối tháng 9/2011, trong chiến dịch vận động tranh cử đã sử dụng "lá bài tẩy chay Trung Quốc" và nói rằng “họ (người Trung Quốc) không phải là những nhà đầu tư mà chỉ là những kẻ ký sinh”. Ngay sau khi trúng cử, Tổng thống Sata đã triệu Đại sứ Trung Quốc và thông báo rằng Lusaka sẽ xem xét lại toàn bộ các hợp đồng mà doanh nghiệp Trung Quốc ký với quốc gia này. Người Trung Quốc bị cáo buộc là đồng lõa với nạn tham nhũng và rất nhiều người trong số họ đang gây ra nỗi kinh hoàng tại các mỏ khai thác, các giàn khoan dầu mỏ và các chi nhánh ngân hàng nơi họ làm việc.

Tại Ănggôla, các cuộc biểu tình đã diễn ra liên tục nhằm phản đối Chính quyền của Tổng thống Dos Santos dành quá nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Nhìn chung, người dân châu Phi đang hướng mũi dùi chỉ trích vào các chính quyền quá phụ thuộc vào nguồn tiền của Trung Quốc. Sự bất mãn đối với Trung Quốc đã khiến một số vụ tấn công nhắm vào người Trung Quốc và doanh nghiệp Trung Quốc liên tục xảy ra gần đây. Ngày 11/10, một người phụ nữ Trung Quốc đã bị một nhóm cướp giật tại Tandania tấn công làm tử vong, tiếp đó một bệnh viện của Trung Quốc cũng bị tấn công, cướp tiền và máy tính trong ngày 12/10. Trong thời gian tới, một loạt nước châu Phi như Mađagaxca, Gambia và Cộng hòa Cônggô sẽ tiến hành bầu cử, và nhiều khả năng các chính sách chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ là chủ đề chính trong các cuộc tranh cử nếu tình hình hiện nay vẫn không được cải thiện. 

Nhiều ý kiến cho rằng Bắc Kinh khó có thể giữ im lặng khi các công dân và các lợi ích quốc gia của họ bị đe dọa. Ngoài ra, thế tiến thoái lưỡng nan của Trung Quốc còn nằm ở Hội đồng Bảo an, nơi Bắc Kinh bị chỉ trích vì đã ủng hộ cho Xuđăng trong vụ thảm sát Dafur, và nằm ở việc nước này vươn ra Ấn Độ Dương, nơi bọn hải tặc Xômali đang đe dọa các tàu hàng của Trung Quốc. 

Bắc Kinh tự thấy đang bị rơi vào tình thế buộc phải đưa ra các quyết định dựa trên đạo đức chính trị cũng như dựa trên lợi ích cá nhân - một tình huống khó xử đối với một quốc gia từ lâu rất thù địch với các chiến dịch về nhân quyền của nước ngoài. Khả năng sử dụng sức mạnh quân sự để răn đe cũng làm gia tăng tình thế khó xử của Trung Quốc. Nhiều khả năng không can dự sẽ vẫn là chính sách chính thức của nước này. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc phải chấp nhận gánh vác các trách nhiệm toàn cầu với tư cách là một cường quốc, nước này sẽ phải đưa ra những quyết định không chỉ dựa trên lợi ích cá nhân mà còn phải dựa trên sự ổn định, an ninh và khả năng điều hành tốt. Đây thực sự là một vấn đề khiến Trung Quốc bối rối.

Theo The Dilemma of Power”, The Times  (Anh)

Văn Cường (gt)