Từ lâu, nền ngoại giao của Trung Quốc được tóm tắt trong 4 chữ, đã được “vị cha đẻ của công cuộc cải cách kinh tế” Đặng Tiểu Bình sử dụng trong những năm 1990: “Thao quang dưỡng hối”, nghĩa là “giấu mình chờ thời”. Một học thuyết chọn cách giấu mình kín đáo, chờ thời cơ đã được những nhà lãnh đạo sau này của Trung Quốc sử dụng: Trung Quốc, trong 1/4 thế kỷ, đã lựa chọn đứng ở hậu trường quốc tế.

Tuy nhiên, đất nước 1,3 tỉ dân đã không thể giữ mình kín đáo mãi. Từ khi lên đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 11/2012, Tập Cận Bình đã không còn sử dụng công thức của Đặng Tiểu Bình nữa. Khẩu hiệu trên dần không còn xuất hiện trong những bài diễn văn chính thức, mà ưu tiên sử dụng một quan niệm mới với mối liên hệ chủ yếu đến phần còn lại của thế giới: “Phấn phát hữu vi” (Phấn đấu để đạt kết quả).

“Một nền ngoại giao nước lớn”

Trong chuyến thăm Mỹ đến ngày 28/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sử dụng khẩu hiệu mới này. Không còn chuyện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa để cho nước khác giẫm lên chân họ mà đi: giờ đây đất nước này thực thi những điều mà Tập Cận Bình giới thiệu là “chính sách ngoại giao nước lớn”. Trong các giới nghiên cứu về chính sách đối ngoại, một số nhà nghiên cứu cho rằng Bắc Kinh đã quá trễ, và rằng họ từng có nhiều thời gian để tự khẳng định mình.

Phó Giám đốc trung tâm nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Phúc Đán (Thượng Hải), Shen Dingli, nhấn mạnh: “Cần phải tôn trọng chúng tôi với tư cách một cường quốc, đó chính là sự thay đổi. Vậy mà dường như Mỹ không đối xử với chúng tôi như vậy”.

Trên báo chí Trung Quốc, vị học giả này ủng hộ ý tưởng mở các căn cứ quân sự ở nước ngoài. Ông cũng là người bảo vệ nhiệt tình việc xây dựng các đường băng ở Biển Đông, nơi cách đây vài tháng, còn là những rạn đá san hô thuần túy. Như đã được minh chứng qua nhiều bức ảnh chụp từ vệ tinh, Bắc Kinh đã đổ bê tông xây dựng các đường băng như vậy trên ba bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa, nơi có nhiều nước láng giềng, trong đó có Việt Nam và Philippines, yêu sách chủ quyền.

Xu hướng tự khẳng định và tạo ra “sự việc đã rồi” này có từ trước khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Ví dụ, ngay từ năm 2010, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc khi đó là Dương Khiết Trì, hiện là Ủy viên Quốc vụ phụ trách chính sách đối ngoại, cương vị cao nhất trong nền ngoại giao Trung Quốc, đã tóm tắt về mối tương quan lực lượng mới trong khu vực tại một cuộc họp ở Hà Nội: Trung Quốc là một nước lớn và những nước khác là những nước nhỏ; đó là sự thật, vậy thôi”.

Một giấc mộng về sự hùng mạnh và phồn thịnh

Phong cách của Tập Cận Bình và cách thức quản lý của ông góp phần áp đặt ý đồ của ông trên trường quốc tế. Khẩu hiệu của ông “Giấc mộng Trung Hoa”, một giấc mộng về sự hùng mạnh và phồn thịnh, còn mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa nhiều hơn khẩu hiệu “hài hòa” và “phát triển khoa học”, được người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào thúc đẩy. Người mà người dân gọi với cái tên trìu mến “Bác Tập”, trong một đoạn bài phát biểu ngày 3/9 đã khẳng định: “Chúng tôi, những người Trung Quốc, yêu hòa bình. Dù mong muốn trở nên hùng mạnh, Trung Quốc sẽ không bao giờ theo đuổi thuyết bá quyền hay bành trướng”.

Nội dung này không phải là không quan trọng: Ngày hôm đó, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tham dự lễ duyệt binh trên quảng trường Thiên An Môn, một lễ duyệt binh đặc biệt nhân kỷ niệm 70 năm quân Nhật đầu hàng. Trên lễ đài, Tổng thống Nga Putin nằm trong số nhiều khách mời nước ngoài.

Ngoài hình ảnh lễ duyệt binh này, nhiều sáng kiến ngoại giao quan trọng của Trung Quốc đã được ông Tập Cận Bình khởi xướng. Giáo sư về quan hệ quốc tế nổi tiếng của Đại học Nhân dân tại Bắc Kinh, Jin Canrong, nhấn mạnh: “Chính chủ tịch đã mong muốn và triển khai phát triển một vành đai hàng hải thương mại nối Trung Quốc với Đông Nam Á, sau đó là Nam Á và cuối cùng ở châu Phi và châu Âu, thông qua kênh đào Suez, một dự án với tên gọi ‘Một vành đai, một con đường’. Chính ông cũng ưu tiên phát triển Con đường tơ lụa mới nối phía Tây Trung Quốc với Trung Á, và vươn tới châu Âu. Đối với Trung Quốc, triển vọng tình hình bị giới hạn ở phía Đông do những căng thẳng với Nhật Bản và Mỹ, nên đã mở ra những cơ hội mới”. Số tiền mà nền kinh tế thứ hai thế giới sẵn sàng bỏ ra đầu tư theo hướng này là rất lớn.

Mở rộng các lợi ích của Trung Quốc ra toàn cầu

Tháng 4/2015, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết việc Bắc Kinh bơm một số tiền tương đương 40 tỉ euro đầu tư xây dựng một hành lang kinh tế sẽ nối khu vực Tân Cương của Trung Quốc, nơi có đông người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi sinh sống, tới cảng Gwadar (Pakistan), gần với Iran và quốc gia vùng Vịnh Oman.

Tập Cận Bình không dừng lại ở đó. Ông đã phát động việc xây dựng Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, một thể chế chuyên rót vốn đầu tư cho châu Á theo một mô hình phát triển xuất phát từ thành công của Trung Quốc: Các công trình xây dựng đường bộ quy mô, đường sắt và đô thị phải tạo thuận lợi cho việc mở rộng kinh doanh. Với mục đích này, Trung Quốc có thể quảng bá những thành công lớn. Bất chấp những cảnh báo của Washington đối với các đồng minh của mình, 57 nước đã gia nhập thể chế mới này vốn được cho là đối thủ cạnh tranh với Ngân hàng thế giới.

Theo Giám đốc khoa nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Johns Hopkins (Washington), David Lampton, chính sách đối ngoại của Tập Cận Bình phản ánh sự mở rộng các lợi ích của Trung Quốc ra toàn thế giới. Do vậy, Trung Quốc có lợi ích thương mại và chiến lược trong “tuyến hành lang Đông Bắc”, tuyến đường hàng hải tương lai này, với việc những tảng băng ngày càng tan, có thể mở tới tận phía Bắc nước Nga. Đó là những nghiên cứu do người Trung Quốc tiến hành thời gian qua ở Bắc Cực.

Giáo sư Lampton kết luận: “Chính sách đối ngoại của Trung Quốc, một phần là biểu hiện của sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc, và chúng ta sẽ phải quan tâm đến xu hướng này. Song nó cũng phản ánh sự phát triển của những lợi ích kinh tế và an ninh của Trung Quốc trên thế giới”.

Một chính sách ngoại giao thực dụng chưa từng thấy

Mối liên hệ đặc biệt mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã biết thiết lập với người dân, và cả nghệ thuật hoạt động chính trị của ông, đã cho phép ông thông qua một chiến dịch chống tham nhũng vang rền, để vô hiệu hóa các phe phái có khả năng ngăn cản hành động của ông trong đảng, đã làm tăng đáng kể quyền lực của ông Tập. Chuyên gia Jin Canrong khẳng định: “Ông Tập đã biết tạo ra những ảnh hưởng mạnh trong chính sách đối ngoại, trong khi các trung tâm ra quyết định trước đây bị phân tán”.

Ít tỏ ra trịnh trọng hơn những nhà lãnh đạo của thế hệ tiền nhiệm, Tập Cận Bình và êkíp của mình đã thực thi một chính sách ngoại giao thực dụng chưa từng thấy. Ngày 11/6, tại Đại lễ đường nhân dân Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiếp nhân vật đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi, người đã có gần 20 năm trong tù và bị quản chế tại gia dưới chế độ quân sự mà sự hỗ trợ lớn nhất của nước ngoài lại đến từ Trung Quốc. Một chế độ khác ít có thể tiếp cận được, Triều Tiên, giờ đây dường như bị cô lập: Chính trị gia đầy quyền lực của Bắc Kinh vẫn chưa tiếp Kim Jong-un, nhà lãnh đạo của Bình Nhưỡng.

Trái lại, ông đã 6 lần gặp nhà lãnh đạo nước đối thủ truyền thống của Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. Phát triển các lợi ích kinh tế với Seoul tốt hơn là ủng hộ những hành động ngông cuồng liên quan đến các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên. Bắc Kinh giám sát để tránh sự sụp đổ của chế độ Bình Nhưỡng, nhưng dường như sẽ không vượt quá giới hạn: Tháng 12/2014, một vị tướng về hưu Trung Quốc, Wang Hongguang, đã công khai tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ không tham chiến để cứu Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Năm 2015, Trung Quốc không còn do dự trong việc đề ra những sáng kiến giải quyết những vấn đề, hồ sơ mà nền ngoại giao nước này trước đây cho là quá nhạy cảm, và họ từng để rơi vào tay của Mỹ và đồng minh hay vào tay Nga. Ví dụ, tại Afghanistan, Trung Quốc đã giữ thế lùi lại phía sau trong những năm chiến tranh kể từ sự kiện 11/9, song Bắc Kinh hiện nay đang có một quân bài để đóng vai trò ở đây: Các doanh nghiệp nhà nước của họ có thể phát triển ở nước này các hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng.

Những va chạm với Mỹ

Hơn nữa, Trung Quốc lo ngại sự thâm nhập của các phần tử khủng bố tại khu vực Tân Cương, nơi đa số người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ sinh sống. Các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Afghanistan và những đại diện của phe Taliban đã được tổ chức hồi tháng 7, ở Pakistan, với sự có mặt của đặc phái viên Mỹ và Trung Quốc: Bắc Kinh cho rằng họ có ảnh hưởng cần thiết để thuyết phục các nhà lãnh đạo Pakistan ủng hộ hòa bình. Vài tuần trước đó, vào ngày 20/5, một cựu thủ lĩnh Taliban đã đối thoại với một quan chức của Kabul tại Urumqi, thành phố lớn ở phía Tây Trung Quốc.

Và chuyện gì đến sẽ đến, hoạt động tích cực theo chiều hướng mới của Trung Quốc làm nảy sinh những va chạm với Mỹ, đối tác thương mại hàng đầu của nước này. Có lúc, hai cường quốc có thể hiểu và chia sẻ cùng nhau: Tháng 11/2014, tại Bắc Kinh, hai nước đã cùng thông báo về mục tiêu của họ trong việc cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, những chủ đề gây bất đồng giữa hai bên có chiều hướng gia tăng, từ những tranh chấp về lãnh thổ trên Biển Đông đến vấn đề an ninh mạng.

Đặc biệt, Chính phủ Mỹ nghi ngờ các tin tặc Trung Quốc đã thâm nhập vào hệ thống tin học của Mỹ thu thập các danh sách về thông tin của các công chức Mỹ. Kết quả: Vài ngày trước khi tiếp người đồng cấp Trung Quốc tại Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phát biểu là sẵn sàng đưa ra những biện pháp trả đũa, nếu cần thiết.

Tránh những cuộc khủng hoảng lớn giữa Bắc Kinh và Washington sẽ không phải là chuyện đơn giản. Theo Giáo sư về quan hệ quốc tế Jin Canrong, cả hai bên vẫn duy trì định hướng về các chủ đề đôi bên cùng có lợi và thiết lập các cơ chế đối thoại. Tuy nhiên, ông Jin Canrong cho rằng không nên lầm tưởng: “Phần lớn các tranh chấp, bất đồng không thể giải quyết hết được”.

Theo L’Express (Pháp)

Hương Lan (gt)