Tạp chí “Viêm Hoàng xuân thu” thuộc Hội nghiên cứu văn hóa Viêm Hoàng Trung Hoa đăng bài viết của tác giả Lục Đức – Phó giám đốc Học viện khoa học công nghệ phòng vệ Trung Quốc, cho rằng nút thắt trong chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế ở Trung Quốc hiện nay chính là do thể chế chính trị lạc hậu. 

Tại Lưỡng Hội (các hội nghị của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc – Nhân Đại/Quốc hội, và Chính trị Hiệp thương nhân dân toàn quốc – Chính Hiệp/Mặt trận, họp vào mùa Xuân hàng năm) năm nay, Thủ tướng Ôn Gia Bảo một lần nữa đã nhấn mạnh tính bức xúc và tầm quan trọng phải thúc đẩy cải cách thể chế chính trị, cho rằng cải cách thể chế chính trị không thành công thì cải cách thể chế kinh tế không thể tiến hành được triệt để, những thành quả đã đạt được trong cải cách và xây dựng kinh tế có thể sẽ lại mất đi. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã đề cập đến vấn đề quan trọng trong cải cách và chuyển đổi mô hình phát triển của chúng ta trong giai đoạn tới. 

Sau hơn 30 năm cải cách mở cửa, chúng ta đã thu được những thành tựu rõ rệt, điểm này không có gì phải nghi ngờ. Tuy nhiên những vấn đề về tình trạng thiếu đồng bộ, mất cân bằng, không ổn định và không bền vững trong phát triển ngày càng nhiều, hơn nữa tích tụ ngày càng nghiêm trọng, đã đi đến chỗ không thể tiếp tục mà buộc phải được giải quyết. 

Ví dụ, trong mô hình phát triển kinh tế, chúng ta luôn dựa vào phương thức phát triển theo lối “quảng canh” chạy theo số lượng, được thúc đẩy bởi đầu tư, dựa vào nguồn nguyên liệu giá rẻ và nhân công giá rẻ, nhưng mô hình phát triển đó đã phải trả giá đắt về khối lượng nguyên liệu tiêu hao vượt quá mức bình thường, môi trường sinh thái bị hủy hoại nghiêm trọng. Xin dẫn số liệu từ năm 2006 để chứng minh: Trong năm đó tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc chiếm 5,5% tổng lượng GDP thế giới, nhưng để làm ra được 5,5% lượng của cải của thế giới, trên thực tế Trung Quốc đã phải tiêu hao một khối lượng nguyên liệu bằng khoảng 40% khối lượng than đá, hơn 50% khối lượng xi măng, khoảng 60% gang thép, trên dưới 70% khối lượng dầu và khí đốt tự nhiên của cả thế giới. Theo số liệu của Cơ quan môi trường Liên hợp quốc, trong số 20 thành phố bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất thế giới, có 16 thành phố là ở Trung Quốc. Về nguồn tài nguyên của bản thân Trung Quốc có được ở trong nước, theo đánh giá về khối lượng tiêu hao từ năm 2009 thì nguồn dầu mỏ của Trung Quốc còn lại chỉ đủ dùng trong 7,08 năm, nguồn quặng sắt chỉ còn đủ dùng 16 năm, khí đốt tự nhiên còn được 39 năm. Thử hỏi, nước ta còn lại được bao nhiêu tài nguyên để tiếp tục phát triển? Chúng ta cũng để lại cho các thế hệ con cháu được bao nhiêu của cải? Bởi thế, mô hình phát triển quảng canh như vậy nay đã không còn thích hợp hơn nữa buộc phải chuyển đổi. 

Một ví dụ tiếp theo là, trong vấn đề phân phối thu nhập, không thể phủ nhận sau cải cách mở cửa, mức sống của quần chúng nhân dân đã được nâng lên rất nhiều nhưng khoảng cách giàu nghèo cũng không ngừng mở rộng, hơn nữa biên độ mở rộng lại lớn hơn. Trong thập niên 90 thế kỷ trước, hệ số GINI (biểu thị độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập) về rủi ro phát triển kinh tế ở Trung Quốc đã vượt quá mức báo động 0,4, năm 2009 lại tăng lên áp sát mức nguy cơ 0,5, đó là một trong 8 quốc gia có khoảng cách chênh lệch giàu nghèo lớn nhất trong số hơn 150 quốc gia có số liệu thống kê kinh tế. Số dân nghèo ở Trung Quốc từ mức chỉ còn lại hơn 20 triệu người như được công bố trong dịp kỷ niệm quốc khánh lần thứ 50 vào năm 1999, đã tăng lên đến trên 150 triệu người vào năm 2011 (tiêu chuẩn nghèo ở Trung Quốc cũng vẫn thấp hơn cả Ấn Độ). 

Về khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn, theo con số thống kê do Tổ chức lao động thế giới công bố thì mức chênh lệch về khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn trên toàn thế giới lớn trên 2 lần chỉ có ba quốc gia, trong khi khoảng cách này ở Trung Quốc là lớn nhất, ở mức 3,3 lần. Khi đưa ra những số liệu nói trên, tác giả bài viết này hy vọng mọi người trong lòng có sự “lưu ý tích cực trước”, tức chúng ta là nước xã hội chủ nghĩa, chúng ta là Đảng Cộng sản lãnh đạo, Đảng Cộng sản là đảng phục vụ quảng đại quần chúng lao động, cách mạng hay cải cách của chúng ta là nhằm làm cho toàn thể nhân dân cùng được hưởng thành quả cải cách. 

Cộng thêm nữa là đảng phong (phong cách đảng) ngày càng đi xuống và vấn đề tham nhũng biến chất, vấn đề này đã trở thành nhận thức chung trong cả nước. Chỉ xin điểm lướt qua một chút hai nhóm số liệu về tiêu dùng “tam công” (tức tiếp khách, phương tiện đi lại và đi nước ngoài bằng tiền công) và “thu nhập đen”: Theo số liệu của cơ quan nghiên cứu hữu quan, năm 2004 tiền ăn uống bằng tiền công ở Trung Quốc là 370 tỉ nhân dân tệ (khoảng 50 tỉ USD theo tỉ giá lúc đó), coi như đã ăn hết một nửa ngân sách chi cho quốc phòng; Tiền công dùng cho xe cộ đi lại hết 408 tỉ nhân dân tệ (gần 60 tỉ USD); Tiền du lịch công là 300 tỉ nhân dân tệ (hơn 40 tỉ USD). Trong năm đó thu nhập bằng tiền đóng thuế chỉ có hơn 3.000 tỉ nhân dân tệ, như vậy đã “ăn chơi giải trí” hết 1/3 khoản thu nhập thuế nói trên. Trong kinh tế học có khái niệm “giá thành chi tiêu chính phủ”, Mỹ là nước có khoản chi tiêu của chính phủ cao nhất trong số các nước tư bản, là nước “bá chủ” thế giới, đi đâu cũng vung tiền nhưng giá thành chi tiêu chính phủ chỉ là 9,9%, trong khi giá thành chi tiêu của chính phủ ở Trung Quốc, theo con số của Phòng nghiên cứu chính sách thuộc Trường Đảng trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc là 37%, gấp khoảng 4 lần so với nước Mỹ.

Về con số “thu nhập đen”, hiện nay khoảng cách chênh lệch về thu nhập ở nước ta đã rất lớn nhưng vẫn còn một bộ phận thu nhập chưa được thống kê, đó là khoản “thu nhập đen”. Theo tiết lộ của cơ quan nghiên cứu hữu quan cho biết, bộ phận này ước chiếm 15% tổng lượng GDP. Lấy ví dụ của năm 2010, có một lượng của cải trị giá khoảng 6.000 tỉ nhân dân tệ đã bị một số ít người thuộc tập đoàn lợi ích đặc biệt lấy mất. 

Những ví dụ như trên còn rất nhiều…. 

Những vấn đề đó lâu ngày tích tụ, không những đã ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế theo mục tiêu phát triển bền vững tương đối nhanh, mà cũng sẽ phát triển thành vấn đề xã hội nghiêm trọng, cần phải được cải cách triệt để! 

Vậy phải cải cách như thế nào? Nút thắt chính trong cải cách và chuyển đổi mô hình phát triển hiện nay ở Trung Quốc là ở đâu? Chúng ta có thể sử dụng đồ thị đường cong kinh tế và quá trình phát triển trong một số giai đoạn để phân tích. 

Cải cách mở cửa của Trung Quốc, có thể nói bắt đầu từ “thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm nghiệm chân lý” và Hội nghị toàn thể trung ương 3 khóa 11 năm 1978. Nội dung cải cách trong giai đoạn này, có bài viết nói là giống như phương pháp cải tiến “kiểu fredo” (Một kiểu cải tiến phân phối phúc lợi xã hội, được đặt theo tên của nhà kinh tế học người Italia Vil-fredo Pareto. Kiểu cải tiến này theo nguyên lý ban đầu là không giảm phúc lợi của bên này thì không thể làm tăng được phúc lợi của bên kia; Sau đó có phương pháp cải tiến gọi là cải tiến “kiểu fredo”, theo đó không giảm phúc lợi của bên này nhưng vẫn có thể tăng được phúc lợi của bên kia bằng cách thay đổi phương pháp điều phối nguồn nguyên liệu hiện hữu giữa hai bên để nâng cao phúc lợi của bên nói trên mà vẫn không ảnh hưởng đến sự quân bình tổng thể-TTXVN). Đây là một hình thức cải cách theo hướng tăng số lượng, cho phép và nâng đỡ các thành phần kinh tế ngoài thể chế ban đầu, như chế độ trách nhiệm khoán sản phẩm, các xí nghiệp thuộc các đoàn thể xã hội v.v... trong khi kết cục lợi ích trong thể chế đã có từ trước cơ bản không đề cập đến. Biện pháp cải cách như vậy đã giải phóng một khối lượng năng lượng lớn, đã thu được một phần lãi tăng đầu tiên. Nhưng vào cuối những năm 1980 việc cải cách giá cả theo hướng thị trường hóa đã gặp trở ngại, hiệu quả cải cách chế độ khoán đối với các xí nghiệp quốc hữu giảm, cộng thêm biến động chính trị ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, còn ở trong nước do những mâu thuẫn xảy ra như sự kiện ở quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6, và có một số thế lực bảo thủ tỏ thái độ nghi ngờ đối với cải cách, cho rằng “diễn biến hòa bình” mới là đe dọa chủ yếu… nên khiến cho cải cách một thời mất phương hướng. Chính trong bối cảnh nói trên, bài nói chuyện trong chuyến thị sát phía Nam của Đặng Tiểu Bình đã khiến toàn đảng thống nhất được nhận thức và phương hướng hành động. Do vậy, năm 1992 Trung Quốc một lần nữa đã tiếp tục khởi động hành trình cải cách, Đại hội Đảng lần thứ 14 đã đề ra mục tiêu chiến lược là “xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”. Từ năm 1992 đến nay, kinh tế Trung Quốc lại trải qua một thời kỳ tăng trưởng cao. Nhưng trong khi kinh tế phát triển nhanh, những vấn đề xuất hiện cũng ngày một nhiều, những vấn đề về khoảng cách giàu nghèo, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, vấn đề độc quyền, tham nhũng biến chất… cũng ngày càng nghiêm trọng và khó khắc phục do tích tụ nặng nề. Những lời lãi có được qua cải cách ở giai đoạn này một lần nữa cũng bị xói mòn hết, việc áp dụng phương thức cải cách thể chế kinh tế để thúc đẩy phát triển, cơ bản cũng đã huy động hết, trong khi cải cách thể chế chính trị chậm lại ngày càng rõ rệt. Đợt cải cách bắt đầu từ năm 1992 luôn là cải cách kinh tế đi đầu, nhưng do cải cách chính trị không theo kịp khiến cho tình trạng “một chân” cải cách kinh tế đi trước luôn bị cải cách chính trị níu kéo, chỉ có thể “nhích đi hạn chế” trong một không gian nhỏ hẹp nên cuối cùng không tạo ra được cục diện hoàn toàn mới. 

Ví dụ, năm 1992 trong bài nói chuyện khi thị sát phía Nam, Đặng Tiểu Bình và sau đó là Đại hội Đảng thứ 14 đã đề ra mục tiêu “xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”. Gọi là “kinh tế thị trường” nghĩa là thị trường phải phát huy vai trò mang tính chất cơ sở trong quá trình phân phối tài nguyên, chúng ta còn cách thị trường này quá xa, xí nghiệp độc quyền gây trở ngại và chèn ép các xí nghiệp vừa và nhỏ phát triển... Trung ương cũng đã thấy được nên Hội nghị toàn thể trung ương 3 khóa 16 năm 2003 lại ra “Quyết định về việc tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”. Nhưng Quyết định này chủ yếu vẫn nhằm cải cách, hoàn thiện từ góc độ kinh tế chứ chưa đề cập đến những mâu thuẫn và vấn đề phải cải cách như quyền lực ở tầng sâu và phân phối lại lợi ích... Đến nay đã 10 năm nhưng Quyết định này vẫn chưa được thực hiện tốt, hơn nữa lại còn có xu hướng ngược lại. 

Biểu hiện ngược lại trước hết là vấn đề chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Vấn đề này đã được đề ra từ gần 20 năm nay, theo đó phải chuyển đổi từ mô hình phát triển “quảng canh” chạy theo số lượng sang mô hình phát triển “thâm canh” tập trung theo chất lượng. Như vậy, vấn đề không phải chỉ được nhìn ra mà đã sớm đề ra. Nhưng kết quả ra sao? Từ năm 1995 khi hoạch định “Kế hoạch 5 năm lần thứ 9”, cho đến đầu thế kỷ 21, các địa phương chạy theo chỉ tiêu GDP cao, thêm vào đó là xây dựng đô thị quy mô lớn và những dự án lớn về xây dựng cơ sở hạ tầng do chính phủ chủ đạo, một khối lượng vốn lớn đã chảy vào các ngành nghề tập trung nhiều vốn, trong “cỗ xe tam mã” (ba lĩnh vực thúc đẩy kinh tế phát triển là đầu tư, nhu cầu và xuất khẩu được gọi là cỗ “xe tam mã”) lại chuyển sang sử dụng đầu tư và xuất khẩu gắn với tăng trưởng kinh tế cao mà không quan tâm đến mục tiêu chiến lược về chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế và mở rộng tiêu dùng. Đến thời kỳ “5 năm lần thứ 11”, Trung ương một lần nữa lại đề ra nhiệm vụ chuyển đổi phương thức tăng trưởng kinh tế nhưng lại gặp khủng hoảng tài chính thế giới, lại phải chi “khoản tài chính kích thích 4.000 tỉ nhân dân tệ” và khoản cho vay khổng lồ 9.600 tỉ nhân dân tệ thúc đẩy đầu tư, tạo nên tình trạng năng lực sản xuất dư thừa và bong bóng tài sản. “Quy hoạch 5 năm lần thứ 11” không những đã không chuyển đổi mô hình mà ngược lại, còn quay trở lại với mô hình tăng trưởng cũ.

Đến cuối thời kỳ “5 năm lần thứ 11” Trung Quốc mới giật mình phát hiện thấy nguồn nguyên liệu giá rẻ và nhân công giá rẻ nâng đỡ cho mô hình tăng trưởng cũ đã cạn kiệt, Hội nghị toàn thể trung ương 5 khóa 17 và trong “Quy hoạch 5 năm lần thứ 12” lại đề xuất chuyển đổi mô hình phát triển “không được trì hoãn” và xác định chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế là “hướng đi chính”. 

Từ khi Đại hội 14 đề ra mục tiêu về xây dựng nền kinh tế thị trường năm 1992, vì sao đã 20 năm mà mô hình phát triển kinh tế vẫn chưa chuyển đổi được, đến nay không còn lại được bao nhiêu không gian mà vẫn đi lại lối cũ? Mô hình tăng trưởng cũ không chuyển đổi được, gây ra một loạt vấn đề như thiếu nguyên vật liệu, môi trường bị hủy hoại, bơm ra khối lượng tiền siêu lớn, áp lực lạm phát tăng lên, bất động sản bong bóng, nhu cầu tiêu dùng không đủ sức tạo ra động lực để thúc đẩy….

Biểu hiện ngược lại thứ hai là quyền lực can thiệp vào thị trường ngày càng mạnh. Mục tiêu “xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” mà chúng ta đề ra từ Đại hội Đảng lần thứ 14 là thị trường phải phát huy vai trò mang tính cơ sở trong phân phối nguồn tài nguyên, nay trở lại lối cũ. Quyền lực can thiệp thị trường, tạo không gian rất rộng cho việc chạy tiền mua bán quyền lực, làm cho tham nhũng biến chất tràn lan. Hai vấn đề biến chất và khoảng cách giàu nghèo kết hợp với nhau lại dẫn đến vấn đề xã hội và chính trị. “Lưỡng Hội” năm nay có hơn 5.000 đại biểu, nhân viên phục vụ hội nghị là 1/4, nhưng mọi người liệu có biết số cán bộ do các tỉnh, các địa phương và thành thị tự cử đến để “duy trì ổn định” ở bên ngoài hội trường là bao nhiêu? Nghe nói số cán bộ do các địa phương cử đến Bắc Kinh để bao vây “trình đơn khiếu kiện” có mấy chục nghìn người, chỉ riêng tỉnh Hà Bắc đã cử đến gần 2000 cán bộ. Bề ngoài nhìn “Lưỡng Hội” rất “hài hòa”, nhưng cán bộ Hà Bắc có cho người viết bài này biết rằng trong thời gian “Lưỡng Hội” họ đã mệt đến gầy người. Chi phí của chúng ta hiện nay cho việc “giữ gìn ổn định” đã vượt quá ngân sách chi tiêu cho quốc phòng, như vậy có đáng kinh ngạc hay không! Có một số đồng chí và cái gọi là “giữ gìn ổn định” ở địa phương, thực tế là đang áp chế và che đậy mâu thuẫn chứ không phải giải quyết những vấn đề này. Giống như vua Cổn là cha của Đại Vũ thời xưa, trị thủy không khơi nạo, dẫn cho dòng nước chảy như Đại Vũ sau này, mà lại vây và bịt, kết quả là tai họa nước ngày càng nhiều, không thể trị được từ gốc. 

Quá trình biến đổi như trên đã cho chúng ta biết rằng sau khi có được “lợi lộc từ hai lần cải cách”, chúng ta lại muốn có được tiến triển chỉ bằng phương thức cải cách kinh tế, thì không gian cải cách như vậy đã bị hạn chế, lợi ích cải cách cũng đã thấp hơn, chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế từ 20 năm nay về cơ bản không có được tiến triển thực chất. 

Về điểm mấu chốt của vấn đề, vì sao tiến trình chuyển đổi mô hình kinh tế ì ạch mãi mà không thực hiện được? Người được lợi lớn nhất là ai? Đó là tập đoàn lợi ích đặc biệt mà kết cục lợi ích về cơ bản đã được củng cố vững chắc, họ gây trở ngại cho cải cách vì không muốn mất đi lợi ích đã có. Tập đoàn lợi ích đặc biệt xuất hiện nhanh chỉ trong vòng hơn 30 năm, là do hậu quả cải cách thị trường hóa, nhưng chưa đồng thời phối hợp cải cách chính trị một cách đồng bộ. Ví dụ như vấn đề trả công lao động, trước năm 2002 trả công cho người lao động ở Trung Quốc chiếm tỉ trọng cơ bản trên 50% GDP, đến năm 2007 giảm xuống còn 39,7%, phần dư ra bị chính quyền và doanh nghiệp lấy mất. Trong phần lương trả công lao động không ngừng giảm đi, lại có một bộ phận tương đối lớn bị các viên chức trong các ngành độc quyền lấy đi. Có hai nhóm số liệu như vậy: Một là thu nhập giữa các ngành nghề chênh lệch nhau đến hơn 15 lần; Hai là lương, phúc lợi của bộ phận viên chức trong các ngành độc quyền chỉ chiếm 8% tổng số viên chức trong cả nước, nhưng đã được trả tương đương với 55% tổng số lương trả trong cả nước. Vì thế trong thu nhập quốc dân, vấn đề phân phối thu nhập đang rất cần phải được giải quyết. Nhưng vì sao khoảng cách chênh lệch giàu nghèo và vấn đề phân phối thu nhập ngày một nghiêm trọng, phương án cải cách phân phối thu nhập ở nước ta từ khi khởi thảo năm 2004 đến nay đã sửa đổi 5 lần, chậm đến 7 năm mà vẫn chưa ra đời được? Nói cho cùng, đó chính là sự cản trở của tập đoàn lợi ích đặc biệt. Những vấn đề này, không cải cách từ thể chế chính trị mà chỉ làm những gì thuộc cải cách thể chế kinh tế liệu có ổn được hay không? Hãy xem xét tiếp những vấn đề về tiêu dùng “tam công”, tham nhũng, chạy theo quyền lực... Việc lạm dụng quyền lực, thiếu minh bạch, thiếu sự giám sát của quần chúng và xã hội, những vấn đề này giải quyết mà không bắt đầu từ cải cách chính trị cũng liệu có được hay không? Kết luận là: Đã không chuyển biến được bằng cải cách thể chế kinh tế thì chỉ có thể bằng phương thức cải cách thể chế chính trị. 

Ngoài ra, Đại hội Đảng lần thứ 14 đề ra nhiệm vụ “xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”, Hội nghị toàn thể trung ương 3 khóa 16 lại cho ra đời “Quyết định về việc tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”, nhưng do cải cách thể chế chính không bắt nhịp kịp và không đồng bộ, lại có rất nhiều vấn đề và mâu thuẫn xã hội cũng đang rất bức xúc nhưng chưa được giải quyết nên biện pháp theo “chủ nghĩa thực dụng” được áp dụng đã lẫn lộn rất nhiều khái niệm giữa giữa lý luận chính trị và kinh tế, không phân biệt giữa kinh tế và xã hội. Ví dụ như các vấn đề về chữa bệnh, giáo dục hoặc các phương diện đảm bảo về mặt xã hội nói chung đều thuộc lĩnh vực xã hội và dịch vụ công cộng, nhưng chúng ta đã coi đó là vấn đề kinh tế, dùng chính sách kinh tế thay thế cho chính sách xã hội. Chữa bệnh vốn là sự nghiệp công ích, dù ở các nước tư bản cũng phải chi tài chính, trợ cấp, chỉ có một số ít các bệnh viện tư là do cá nhân tự bỏ tiền, trong khi nước ta lại đề ra chủ trương “lấy thuốc nuôi thầy thuốc”, đẩy chủ trương đó ra xã hội, người bệnh sắp chết nằm trước cửa bệnh viện “không tiền không được vào”; Giáo dục cũng là sự nghiệp công ích, công dân có quyền và nghĩa vụ được hưởng giáo dục nhưng nước ta lại đề ra phương châm “ngành nghề hóa giáo dục”. Thế nào là “ngành nghề hóa”? Mục tiêu của ngành nghề hóa là thu được “lợi nhuận tối đa, là mua bán chứ không phải là nâng cao chất lượng giáo dục và tố chất của toàn dân, đã đi chệch khỏi quỹ đạo của sự nghiệp công ích xã hội, trì hoãn đến nay đã 17 năm, nước ta vẫn chưa đạt đến mục tiêu chiến lược về đầu tư cho giáo dục chiếm 4% GDP. 

Chúng ta là Đảng viên Đảng Cộng sản, Các Mác đã sớm cảnh báo cho chúng ta biết rằng trong quá trình sức sản xuất không ngừng phát triển, quan hệ sản xuất phải được điều chỉnh thích ứng với lực lượng sản xuất đó. Về cơ sở kinh tế và kiến trúc thượng tầng, cũng cần phải là quan hệ điều chỉnh tương ứng lẫn nhau. Thế nào gọi là “hài hòa”? Về cải cách thể chế chính trị, theo thống kê của một số nhà nghiên cứu lý luận, Đặng Tiểu Bình trong các năm 1986, 1987 đã 76 lần nhắc đến vấn đề này. Đặng Tiểu Bình nói: Cải cách thể chế chính trị và cải cách thể chế kinh tế là liên quan, phụ thuộc lẫn nhau, đồng thời chỉ rõ: Mọi việc cải cách có thành công được hay không, cuối cùng được quyết định bởi cải cách thể chế chính trị. Tại một số cuộc hội thảo lý luận về cải cách gần đây, có đồng chí đề xuất: Trọng tâm của hai lần cải cách trước là “trả lại quyền cho dân”, không những các yếu tố sản xuất và quyền phân phối tài nguyên nhường lại vị trí cho thị trường, mà còn cải thiện môi trường chính trị dân chủ của chúng ta. 

Thời gian cải cách của chúng ta không còn nhiều. Người viết bài này là viện sĩ, học giả nghiên cứu kinh tế, không hiểu chính trị nhưng từ góc độ nghiên cứu của cá nhân có thể dự báo, nếu nước ta không thu được thành quả thật lớn về chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, nếu thời kỳ “Quy hoạch 5 năm lần thứ 12” lương không được “tăng gấp bội”, mà vẫn cứ tiếp tục dùng dằng mãi ở đó thì khoảng năm 2017 sẽ gặp phải xáo động lớn trong lĩnh vực kinh tế, có một số đường cong đồ thị kinh tế quan trọng sẽ vạch ra được “điểm rẽ”, thời gian còn lại của chúng ta không nhiều. 

Xuất phát từ tình hình đặc thù của Trung Quốc, cá nhân tác giả bài viết cho rằng cải cách chính trị cần phải được tiến hành từ trên xuống dưới. Cải cách chính trị không giống như cải cách kinh tế. Kinh doanh và quản lý xí nghiệp là một tế bào đơn nguyên, độc lập tương đối trong nền kinh tế thị trường, nên cải cách và đổi mới sáng tạo trong kinh doanh, quản lý xí nghiệp có không gian tương đối tự do và tương đối lớn. Trung Quốc là quốc gia theo thể chế tập quyền nên phương thức cải cách thể chế chính trị chủ yếu là cải cách từ trên xuống dưới, như vậy giá phải trả sẽ thấp nhất. Chỉ dựa vào bên dưới hoặc cá biệt địa phương nào để cải cách từ dưới lên trên là rất khó, trừ phi trung ương giao quyền hoặc ủng hộ rõ rệt. Tuy nhiên, tiếng nói yêu cầu và ý dân ở cơ sở là hết sức quan trọng, đó là nguồn sức mạnh cơ bản trong cải cách chính trị và đảm bảo cho cải cách chính trị thành công. 

Chủ nghĩa Mác chú trọng phép biện chứng, lịch sử nhân loại phát triển, thay đổi là phù hợp với quy luật biện chứng. Trong mối quan hệ biện chứng liên quan đến cải cách thường nói đến một nghịch lý, tức một số người trước đây được coi là những nhà cải cách, đã có được lời lãi trong quá trình cải cách đó, nhưng trong cải cách hiện nay lại trở thành vật cản, đứng ở phía đối lập với cải cách. Nhưng có quy luật là nước chở thuyền nhưng cũng làm lật thuyền, không cần phải đợi ý dân bất bình lúc đó mới tiến hành phải cải cách. Đó sẽ là cuộc biến động xã hội do công bằng bị mất đi, mệnh lệnh của chính phủ không có giá trị. Cải cách chính trị lúc đó sẽ là một hình thức phản ứng kích thích từ dưới lên trên, không thể kiểm soát được. Xem xét tiến trình khách quan của lịch sử thì hiện nay “cải cách” và “cách mạng” đang chạy đua với nhau. Đảng cầm quyền phải nắm được mạch đập của lịch sử, nắm bắt được mâu thuẫn, tích cực lãnh đạo cải cách thể chế chính trị. 

Cải cách ở Trung Quốc đã trải qua hai thời kỳ lịch sử vinh quang: Một là “thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm nghiệm chân lý” và Hội nghị toàn thể trung ương 3 khóa 11 năm 1978; Hai là bài nói chuyện của Đặng Tiểu Bình trong chuyến đi thị sát phía Nam năm 1992 và Đại hội Đảng lần thứ 14 xác định mục tiêu “xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”. Hiện nay, đúng như nhiều đồng chí lãnh đạo trung ương đã nhấn mạnh: Nước ta đang ở vào “giai đoạn then chốt” và là “giai đoạn của trận đánh quyết định” trong cải cách. 

Chúng ta hết sức kỳ vọng Đại hội Đảng lần thứ 18 sẽ là ngày hội lớn mà Đảng ta thảo luận cải cách thể chế chính trị, sẽ mở ra chương mới huy hoàng thứ ba mang ý nghĩa lịch sử trong cải cách.

Theo Tạp chí Viêm Hoàng xuân thu

Quốc Trung (gt)