Trong nhiều thập kỷ qua, quân đội Trung Quốc đã cải thiện nhiều khả năng tác chiến của mình. Dựa trên những bài học được rút ra từ việc quan sát quân đội và các cuộc chiến tranh của nước ngoài, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã phát triển một số lực lượng, cải thiện khả năng chỉ huy, kiểm soát và bắt đầu thực hiện các chiến dịch chung. PLA cũng chuyển từ việc chủ yếu chỉ tập trung vào các hoạt động trên mặt đất sang nâng cao hoàn thiện các lực lượng không quân và đặc biệt là hải quân. 

Sự phát triển của Hải quân Quân giải phóng nhân dân (PLAN) là một điều hợp lôgích. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Sự phụ thuộc nặng nề vào thương mại, cả về nguyên liệu thô để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và để vận chuyển hàng xuất khẩu của Trung Quốc ra nước ngoài, đã làm biển ngày càng trở nên quan trọng đối với sự thịnh vượng của Trung Quốc. Hơn nữa, trong suốt thời kỳ "Cải cách và mở cửa" bắt đầu từ thời Đặng Tiểu Bình, việc ngày càng dựa vào thương mại quốc tế đã đẩy trung tâm kinh tế hấp dẫn của Trung Quốc ra khu vực duyên hải ven biển. Quốc phòng biển cũng ngày càng trở nên quan trọng đối với giới lãnh đạo Trung Quốc theo cách không giống như dưới thời Chiến tranh Lạnh. 

Không phải tất cả các lực lượng hải quân đều được tạo lập ngang bằng. Mục đích của lực lượng hải quân quan trọng như, nếu không muốn nói là hơn, khả năng của nó. Sự phát triển về biển của Trung Quốc có thể chỉ nhằm mục đích bảo đảm huyết mạch kinh tế của mình, hoặc nó có thể nhằm đe dọa và gây sức ép đối với các nước láng giềng của Trung Quốc khi nhiều nước trong số này cũng phụ thuộc vào biển. Do đó, cần phải đánh giá một cách toàn diện và kỹ càng sự phát triển hải quân của Trung Quốc. 

Trung Quốc và biển: Một sự phụ thuộc đang tăng lên 

Trung Quốc thường được cho là một cường quốc lục địa hoặc trên đất liền. Trong lịch sử, điều này được thể hiện rõ dù có một vài thời điểm Trung Quốc cũng quan tâm đến biển, gần đây nhất là trong thế kỷ 15. Dưới triều đại nhà Minh, Đô đốc Trịnh Hòa đã dẫn "những hạm đội quý giá" thực hiện nhiều chuyến thám hiểm đến Biển Đông và Ấn Độ Dương đến tận Môgađisu trên khu vực bờ biển phía đông châu Phi hiện nay. Khi Trịnh Hòa trở về sau chuyến đi cuối cùng của mình, Trung Quốc đã quay lưng lại với biển. 

Trung Quốc ngày nay phụ thuộc vào biển nhiều hơn so với Trung Quốc dưới thời phong kiến trước đây. Trung Quốc thấy rằng kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thương mại của Trung Quốc với các quốc gia khác đã ngày càng chiếm tỷ lệ lớn trong hoạt động kinh tế quốc gia, chiếm đến 60-70% nền kinh tế của Trung Quốc. Không có thương mại, Trung Quốc không thể duy trì nền kinh tế của mình, chưa kể đến việc duy trì tốc độ tăng trưởng cần thiết để giữ chỉ số việc làm ở mức cao. 

Thương mại đường biển là một phần thiết yếu trong thương mại của Trung Quốc. Theo số liệu trong báo cáo Phát triển biển 2010 của Trung Quốc, chỉ riêng năm 2008, thương mại đường biển chiếm 9,87% GDP của nước này, với tổng giá trị là gần 3 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 456 tỷ đôla Mỹ). Hơn nữa, khoảng 85% thương mại quốc tế của Trung Quốc vận chuyển bằng đường biển. 

Một phần quan trọng của thương mại đường biển là sự phụ thuộc đang tăng lên của Trung Quốc vào dầu nhập khẩu để duy trì nền kinh tế. Năm 2009, Trung Quốc nhập khẩu trên 50% lượng dầu tiêu dùng và dự kiến con số này sẽ tăng lên khoảng 65% vào năm 2020. Phần lớn lượng dầu nhập khẩu đó là đến từ Trung Đông, bao gồm cả Iran và Arập Xêút, nên đòi hỏi sự lưu thông ổn định của các tàu chở dầu đến các cảng biển của Trung Quốc. Các vấn đề gần đây ở Cadắcxtan, kể cả việc các công ty dầu lửa phương Tây rút khỏi việc xây dựng mỏ dầu lớn Kashagan ở biển Caxpi, sẽ càng làm gia tăng sự phụ thuộc của Trung Quốc vào dầu của Trung Đông và việc vận chuyển bằng đường biển.

Chiến lược phát triển biển của Trung Quốc 

Do việc ngày càng phụ thuộc vào biển, Trung Quốc đã quyết định phải xây dựng một chiến lược để quản lý việc phát triển biển của mình. Theo các nhà phân tích Trung Quốc, một chiến lược như thế phải đảm bảo 3 yếu tố: Các lợi ích chung về biển của Trung Quốc, bao gồm cả việc ngày càng dựa vào các tuyến đường hàng hải toàn cầu phục vụ thương mại; các lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc, bao gồm việc tiếp cận các nguồn tài nguyên của biển, chống sự can thiệp của nước ngoài vào công việc của Trung Quốc, an ninh đường biển, nguy cơ xung đột vũ trang xuất phát từ những đòi hỏi về biên giới biển và hải đảo mâu thuẫn nhau và vấn đề Đài Loan; yêu cầu xây dựng một "xã hội hòa hợp" về biển, trong đó công nhận điều không thể tránh khỏi là sự cạnh tranh toàn cầu trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên biển đã tăng lên. 

Với những mối quan tâm này, chiến lược biển của Trung Quốc dựa trên một số tư tưởng chỉ đạo và nguyên tắc cơ bản nhất định. Những tư tưởng và nguyên tắc này bắt đầu với tầm quan trọng của việc duy trì sự kiểm soát quốc gia đối với lãnh thổ và hỗ trợ các lợi ích quốc gia khi theo đuổi con đường "Hoà bình và Phát triển" của Đặng Tiểu Bình. 

Các nhiệm vụ chính về biển vì sự phát triển của Trung Quốc trong tương lai bao gồm: bảo vệ quyền lực về biển của Trung Quốc đối với "các vùng nước liên quan"; phát triển nền kinh tế biển của Trung Quốc; tăng cường việc sử dụng biển và quản lý các đảo; duy trì môi trường biển; phát triển các ngành công nghiệp biển và khoa học về biển; nâng cao sự đóng góp của Trung Quốc vào hải dương học toàn cầu. 

Có nhiều cách để Trung Quốc theo đuổi các nhiệm vụ này mà không cần gây hấn. Ví dụ, Báo cáo phát triển biển 2010 đã lưu ý tầm quan trọng của việc tham gia các liên minh hợp tác quốc tế. Đồng thời với việc đó, báo cáo này cũng lưu ý rằng Trung Quốc không nên thừa nhận các đòi hỏi hay lợi ích về biển của mình để tránh bị cáo buộc là một "mối đe dọa" hoặc phải nhượng bộ với các cường quốc lớn khác. Thay vào đó, báo cáo nhấn mạnh rằng những lợi ích quốc gia chung của Trung Quốc đòi hỏi Trung Quốc phải phát triển biển. Nói tóm lại, Trung Quốc sẵn sàng theo đuổi các chính sách quốc gia quyết đoán để kiểm soát các vùng nước liên quan và các vùng biển gần kể cả khi các chính sách đó có mâu thuẫn với các cường quốc biển khác và các quốc gia láng giềng. 

Các công cụ sức mạnh biển của Trung Quốc 

Để thực hiện các nhiệm vụ và hỗ trợ các lợi ích này, Trung Quốc đã vững chắc mở rộng các công cụ sức mạnh biển của mình, bao gồm ngành công nghiệp đóng tàu, các công ty vận tải biển, các lực lượng biển và hải quân.

Khi thương mại đã phát triển, hàng hóa của Trung Quốc thường được vận chuyển đến các điểm đến của chúng bằng đội tàu của chính Trung Quốc. Hai trong số 10 công ty vận tải container lớn nhất thế giới thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc: Tập đoàn vận tải biển Trung Quốc (COSCO) và Công ty vận tải container Trung Quốc (CSCL). 

Nhiều tàu của các công ty này được đóng ở các xưởng đóng tàu của Trung Quốc. Trung Quốc đã vượt qua Hàn Quốc trở thành nước đóng tàu lớn nhất thế giới năm 2010. Trung Quốc đã đóng các tàu có tổng tải trọng 65,6 triệu tấn, chiếm 43% tổng tải trọng của các tàu cả thế giới đóng trong năm 2010. Các công ty đóng tàu của Trung Quốc cũng không chỉ phục vụ các công ty của Trung Quốc mà còn giành được các hợp đồng đóng mới tàu lớn trên thế giới. 

Ngành công nghiệp đóng tàu của Trung Quốc bao gồm cả nhiều xưởng đóng tàu tư nhân nhỏ, nhưng chủ yếu tập trung vào hai công ty đóng tàu lớn là Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC) và Tập đoàn công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC). Cả hai công ty này đều thuộc sở hữu nhà nước. 

CSIC có 140.000 lao động và tài sản trị giá 27,5 tỷ đôla Mỹ. Sản phẩm của công ty này gồm nhiều loại tàu lớn như tàu chở dầu, tàu vận tải hàng hóa lớn, tàu chở container, tàu RO/RO, và chuyên đóng các tàu lớn. CSIC cũng đóng cả tàu chiến cho quân đội Trung Quốc. Giống như các công ty nhà nước khác của Trung Quốc, CSIC thực tế là một thực thể kết hợp thẳng hàng và bao gồm không chỉ các xưởng đóng tàu và các cơ sở sửa chữa tàu mà còn cả các viện thiết kế, trung tâm nghiên cứu và phòng thí nghiệm sử dụng khoảng 30.000 kỹ sư. Tương tự, CSIC không chỉ sản xuất thân tàu mà còn sản xuất cả động cơ điezen, các thiết bị điện và hàng loạt các thiết bị hàng hải khác như các máy móc cho cảng. Với 95.000 lao động, CSSC nhỏ hơn một chút so với CSIC. Giống như CSIC, CSSC sản xuất cả tàu quân sự và dân sự, và tham gia nhiều nỗ lực nghiên cứu và thiết kế chung. 

Nhiều lực lượng khác bảo đảm cho sự quan tâm đến biển ngày càng tăng lên của Trung Quốc. Một trong số đó là Lực lượng thực thi luật ngư nghiệp (FLEC), một bộ phận của Cục quản lý ngư nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, có trách nhiệm tuần tra các ngư trường thuộc Trung Quốc. FLEC có 3 trung tâm chỉ huy và nhiều đơn vị kiểm soát địa phương được thành lập ở các thành phố lớn và các tỉnh ven biển. FLEC có từ 10-20 tàu lớn, bao gồm các tàu có tải trọng từ 1.000 tấn đến tàu cứu hộ vốn là tàu ngầm có tải trọng gần 5.000 tấn. FLEC thường xuyên trao đổi với Cơ quan Bảo vệ bờ biển Mỹ (USCG), như chương trình theo đó các quan chức FLEC đi cùng các tàu của USCG trong mùa đánh bắt cá bằng lưới kéo. 

Bộ Giao thông Trung Quốc thì kiểm soát Cơ quan an toàn hàng hải Trung Quốc (MSA). Tương tự như USCG, MSA chịu trách nhiệm đối với các vấn đề an toàn hàng hải, kiểm soát ô nhiễm và kiểm soát các sông chính của Trung Quốc và bờ biển. MSA cũng quản lý những hỗ trợ hàng hải và các biện pháp kiểm soát. MSA có 20 chi nhánh ở các tỉnh ven biển, dọc sông Dương Tử, Châu Giang và Hắc Long Giang. MSA cũng có đội tàu riêng của mình, trong đó có ít nhất 3 tàu có tải trọng trên 1.000 tấn. 

Một lực lượng biển khác của Trung Quốc là Lực lượng Giám sát biển (CMS) thuộc Cục hải dương Trung Quốc. CMS cũng có 3 đội tàu chính với khoảng 300 tàu, trong đó có 30 tàu với tải trọng trên 1.000 tấn. Dường như không có tàu nào trong số này được trang bị vũ khí. CMS chịu trách nhiệm giám sát những cái Trung Quốc gọi là "vùng biển gần" của mình. CMS cũng giám sát vấn đề ô nhiễm, những hủy hoại về môi trường và việc khai thác các nguồn tài nguyên, và thực hiện các cuộc nghiên cứu hải dương học. 

Giống FLEC, CMS thực hiện việc tuần tra ở các vùng nước tranh chấp như các khu vực ở Biển Đông do đó vừa xác nhận được chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc vừa giữ những tranh chấp ở mức "dân sự". Ví dụ như gần đây tàu của Việt Nam đang thực hiện thăm dò cách bờ biển của mình 80 hải lý đã bị các tàu tuần tra của Trung Quốc cắt cáp, một sự kiện có liên quan đến các đơn vị của CMS. Đồng thời với việc đó, các tàu của CMS được thông báo đã tiến vào vùng nước của Philíppin với việc Manila cáo buộc rằng Trung Quốc xây dựng các công trình trong khu vực này, vi phạm trắng trợn thoả thuận năm 2002 giữa Trung Quốc và ASEAN về Biển Đông. 

Lực lượng thứ 4 là bảo vệ bờ biển (CCG), một lực lượng bán vũ trang thuộc Bộ an ninh quốc gia nhưng con người lại lấy từ lực lượng Cảnh sát vũ trang nhân dân (PAP). CCG được cơ cấu thành khoảng 20 đội tàu, mỗi đội tương đương một trung đoàn của PLA. Tàu của CCG có tải trọng từ 130 đến 1.500 tấn và đa số được trang bị vũ khí. Trong một số trường hợp, tàu của CCG vốn là các tàu khu trục, được lấy từ Hải quân Quân giải phóng nhân dân (PLAN). Cũng giống như PAP, CCG cũng có vai trò trong thời chiến, hỗ trợ các lực lượng của PLA trong phạm vi trách nhiệm. 

Tổng quan về Hải quân Quân giải phóng nhân dân (PLAN) 

Tuy nhiên, lực lượng bảo đảm sức mạnh biển quan trọng nhất của Trung Quốc là Hải quân Quân giải phóng nhân dân. Thực tế thì sự phát triển của PLAN cho thấy sự phụ thuộc vào biển đang tăng lên của Trung Quốc. 

Trong gần như suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hải quân của Trung Quốc chủ yếu là lực lượng phòng thủ bờ biển. Trung Quốc có một vài tàu chiến lớn, tàu ngầm hiện đại và thay vào đó dường như là dựa vào các kế hoạch "chiến tranh nhân dân" trên biển - sử dụng nhiều ngư lôi, máy bay trang bị tên lửa cũng như các tàu ngầm thế hệ cũ để lấn át các đối thủ hiện đại hơn. Phần lớn thập niên 1970 -1980, những lực lượng được cho là chiến lược này đóng ở khu vực bờ biển phía Đông và biên giới phía Bắc, vì Trung Quốc lo ngại xung đột với Liên Xô. Do đó Hạm đội Bắc Hải là lực lượng hải quân chính của Trung Quốc. 

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, đã có nhiều sự thay đổi lớn trong suy nghĩ của Trung Quốc. Quan trọng nhất, hải quân, cũng như các lực lượng còn lại của PLA, đã không còn dựa vào số đông. Kiên định với "hai biến hóa" do Giang Trạch Dân đề ra, PLA đã chuẩn bị để chiến đấu và chiến thắng "các cuộc chiến tranh cục bộ trong điều kiện hiện đại và công nghệ cao". Trung Quốc đã chuyển sang chú trọng chất lượng và công nghệ hiện đại hơn là số lượng nhưng khả năng bị hạn chế. 

Xu hướng này được thể hiện trong sự thay đổi gần đây trong các hạm đội của PLAN. Trong thập kỷ qua, quy mô thuần tuý của PLAN đã giảm vì nhiều tàu lạc hậu đã bị loại bỏ. Nhiều tàu cũ, có trang bị tên lửa, tấn công nhanh (đa số thuộc lớp Styx từ những năm 1960) đã bị thải loại. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đã tiếp tục sản xuất các tàu nhanh có trang bị tên lửa. Loại tàu đơn đông đảo nhất là lớp Hầu Bắc 022 có trang bị tên lửa. Kể từ năm 2007, PLAN đã triển khai trên 60 tàu 022. Các tàu này mang đầu đạn hạt nhân siêu âm chống tàu, có khả năng cao hơn rất nhiều so với các tàu bị thay thế. 

Tương tự, Trung Quốc cũng đã giảm những tàu cồng kềnh trong lực lượng hải quân, thay vào đó chọn các tàu có khả năng riêng lẻ lớn hơn. Ví dụ như tàu khu trục lớp Lữ Dương-II mẫu-052C được trang bị hệ thống ra đa hiện đại cho hệ thống tên lửa biển đối không HQ-9. HQ-9 được cho là tương đương với tên lửa Patriot thế hệ đầu. Tương tự, tàu khu trục lớp Giang Khải-II mẫu 054A được trang bị hệ thống tên lửa biển đối không HQ-16, hiệu quả hơn nhiều các hệ thống phòng không hải quân trước đây của Trung Quốc. Mặc dù các tàu mới này không thay thế các tàu chiến cũ của Trung Quốc trên cơ sở một đổi một, nhưng khả năng chung của PLAN đã được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng mỗi loại tàu mới, PLAN chỉ đóng rất ít. Điều này có thể dẫn đến khả năng rằng Trung Quốc đang sử dụng mỗi loại tàu mới này như một cơ hội để thử nghiệm các loại vũ khí và hệ thống điện tử kèm theo khác nhau, cũng như cải thiện điều kiện ở trên tàu để tìm ra thiết kế tối ưu cho việc sản xuất quy mô lớn.

Ngược lại, PLAN vẫn duy trì quy mô của lực lượng tàu ngầm khi hiện đại hóa hạm đội của mình. Kể từ năm 2000, PLAN đã có thêm 50-60 tàu ngầm chạy bằng điêzen, nhưng độ tuổi và khả năng của lực lượng này đã được cải thiện vì các tàu cũ, đặc biệt là lớp Romeo của thập niên 1950, được thay bằng các tàu có thiết kế mới hơn. Các tàu mới này gồm hàng chục tàu lớp Kilo mua của Nga cũng như 16 tàu lớp Tống và 4 tàu lớp Nguyên được thiết kế và sản xuất trong nước. Tất cả các tàu ngầm này đều được cho là có khả năng không chỉ bắn ngư lôi mà còn có thể bắn các tên lửa hạt nhân chống tàu tầm thấp. Trung Quốc cũng đã phát triển các phiên bản của tàu lớp Nguyên với hệ thống đẩy khí độc lập (AIP), giúp giảm khả năng gặp nguy hiểm của tàu qua việc không cần sử dụng động cơ điêzen, phát ra nhiều tiếng động. 

Ngoài ra, PLAN đã củng cố khả năng tấn công trên không của mình. Cùng với các phiên bản hiện đại hơn của máy bay ném bom 2 động cơ H-6 (một phiên bản của máy bay TU-16 của Nga), Lực lượng không quân của PLAN (PLANAF) cũng có nhiều loại máy bay tấn công khác như JH-7/FBC-1, Su-30. Trong phạm vi vùng biển ven bờ Trung Quốc, PLANAF có thể mang một hoả lực tương đối lớn. 

PLAN cũng cố gắng cải thiện "hạm đội huấn luyện" và Sách Trắng quốc phòng năm 2010 của Trung Quốc cũng lưu ý việc nhanh chóng xây dựng "các tàu hỗ trợ quy lớn" Sách trắng này cũng đặc biệt lưu ý rằng hải quân đang khai thác "các biện pháp hỗ trợ hậu cần mới để duy trì các nhiệm vụ trên biển trong thời gian dài". 

Như các khía cạnh khác của công cuộc hiện đại hóa PLA, cùng với việc nâng cấp vũ khí, PLAN cũng cải thiện học thuyết và huấn luyện của mình, bao gồm việc nhấn mạnh các chiến dịch chung và việc kết hợp chiến tranh điện tử vào chế độ huấn luyện của mình. Ví dụ, những cải thiện như thế ám chỉ rằng các tài sản của lực lượng không quân PLA, các chiến dịch không gian vũ trụ và mạng Internet, và thậm chí cả lực lượng pháo binh có thể hỗ trợ các cuộc tấn công của PLANAF. Lực lượng tên lửa chiến lược chống tàu mới, trọng tâm là DF-21D, có thể được xem là một phần của những nỗ lực chung của Trung Quốc nhằm kiểm soát biển, hỗ trợ các lực lượng trên không, trên mặt biển và dưới mặt biển của PLAAF và PLAN. 

Thay đổi hướng chiến lược 

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, hướng chiến lược chính của PLAN, vốn chủ yếu tập trung vào các khu vực xung đột, đã trải qua một sự thay đổi cơ bản. Với sự sụp đổ của Liên bang Xôviết, Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô không còn là mối lo ngại chính của các nhà hoạch định của PLAN. Thay vào đó, mối lo ngại chính lại là khả năng Đài Loan tìm kiếm độc lập. Do đó "hướng chiến lược chính" chuyển từ phía bắc sang phía đông. Trong thập niên 1990, Hạm đội Đông Hải, thuộc Quân khu Nam Kinh, đối diện Đài Loan, trở thành một ưu tiên. 

Ngày nay, Hạm đội Nam Hải, đơn vị chịu trách nhiệm đối với Biển Đông, dường như đang giành được thêm các nguồn lực. Điều này gợi ý rằng có thể tiếp tục có sự thay đổi trong hướng chiến lược chính đến hướng nam và đông. Tuy nhiên, Hạm đội Đông Hải vẫn được cung cấp tài chính dồi dào và thậm chí là Hạm đội Bắc Hải cũng đang được hiện đại hóa. 

Như vậy, có thể là hướng chiến lược chính của PLAN là không tập trung vào một khu vực hay sự kiện cụ thể nào (như Đài Loan, hay Biển Đông) và thay vào đó là tập trung sự chú ý của mình vào việc bảo đảm giành được vùng biển của Trung Quốc cho đến chuỗi đảo thứ nhất. Chuỗi đảo thứ nhất" này chạy từ các đảo chính của Nhật Bản, dọc dãy Ryukyu, qua Đài Loan và Philíppin, đến eo biển Malắcca. Việc thay đổi hướng, chú ý hơn đến khả năng có thể là để phù hợp với "Đường lối quân sự chiến lược trong thời kỳ mới" được Giang Trạch Dân đưa ra và "Các nhiệm vụ lịch sử mới" của PLA do Hồ Cẩm Đào đề ra. 

Sách Trắng quốc phòng 2010 của Trung Quốc dường như cũng ủng hộ quan điểm này khi nó cung cấp cụ thể chưa từng thấy về không chỉ những nỗ lực xây dựng hải quân, mà cả các nhiệm vụ của PLAN. Bên cạnh việc đảm nhận vai trò trong việc duy trì ngăn chặn chiến lược với các tàu ngầm có tên lửa đạn đạo, Sách Trắng quốc phòng 2010 lưu ý rằng hải quân Trung Quốc cũng có tránh nhiệm thực hiện các chiến dịch ở vùng biển xa và chống lại các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. 

Một dấu hiệu khác cho thấy PLAN đang tập trung vào khả năng toàn cầu thay vì các sự kiện cụ thể là quyết định của Trung Quốc, thường bị một số nhà phân tích phương Tây chế giễu và nghi ngờ, có được một tàu sân bay. Đến cuối năm nay, khi tàu sân bay Phi Lang được hạ thủy, PLAN sẽ mở rộng tầm với của mình. Đây là một bước đi cần thiết nếu PLAN muốn trở thành một lực lượng hải quân có khả năng thực hiện các chiến dịch kéo dài trên biển../

(còn tiếp) 

Theo Heritage

 Viết Tuấn (gt)