(Phần đầu)

Khi PLA đều đặn hiện đại hoá hải quân của mình, một số người đã cho rằng thế giới đang trên bờ vực của một cuộc chạy đua vũ trang hải quân, giống như cuộc đua giữa Anh và Đức vào thời điểm chuyển giao của thế kỷ 19 hay cuộc đua giữa Mỹ và Nhật Bản trong thập niên 1930. Trong các cuộc đua này, hai bên phát triển lực lượng hải quân tương ứng, trung tâm là chiến hạm và tàu sân bay, và tập trung vào "những hành động hải quân" có tính quyết định ở những chiến tuyến tương ứng của họ. 

Tuy nhiên, sự phát triển hải quân của Trung Quốc không đúng với mô hình này. Có một điều là PLAN ngày nay chưa thể thách thức sự thống trị về hải quân của Mỹ. Việc Trung Quốc có tàu sân bay không làm Trung Quốc trở thành một cường quốc biển có thể so sánh với Mỹ. Thi Lang là tàu sân bay của Urcaina, được các xưởng đóng tàu của Trung Quốc sửa chữa, hoàn thiện. Đây là một giải pháp kinh tế để nhanh chóng có một tàu sân bay. Tuy nhiên, thậm chí sau khi được hạ thủy, Thi Lang sẽ chỉ tham gia cuộc thử nghiệm ở cảng, trên biển và một chuyến tuần tra thử nghiệm cuối cùng. Bản thân con tàu này chưa thể sẵn sàng cho các hoạt động bình thường trong ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm sau khi hạ thủy. 

Hơn nữa, Trung Quốc cũng phải mất thời gian để huấn luyện nhóm phi công nòng cốt có khả năng thực hiện các chuyến bay từ một boong tàu tròng trành. Thêm vào đó, Trung Quốc cũng phải có thêm các tàu hỗ trợ, như tàu hộ tống và tàu tiếp nhiên liệu để tàu sân bay có thể hoạt động an toàn khi ở những khu vực nguy hiểm. Đây là một sự phối hợp phức tạp giữa các tàu và máy bay để cho phép một tổ hợp tàu sân bay có thể phát huy ảnh hưởng và sức mạnh. Tuy nhiên, sự phối hợp đó không thể nhuần nhuyễn trong một sớm một chiều. 

Quan trọng không kém đó là thực tế PLAN không giống với hải quân Mỹ. Bắc Kinh đã chế tạo nhiều tàu tấn công nhanh và tàu ngầm, nhưng rất ít trong số đó có thiết kế tác chiến trên mặt nước. Hiện tại, PLAN không giống như một lực lượng hải quân được thiết kế để thực hiện tuần tra trên biển với khoảng cách xa và trong một thời gian kéo dài. Số lượng lớn tàu ngầm và tàu tấn công nhanh, cùng với việc phát triển tên lửa đạn đạo chống tàu sân bay DF-21D và tên lửa hành trình chống tàu cho thấy PLA có thể theo đuổi một chiến lược không đối xứng trên biển: chống tiếp cận/ chống xâm nhập khu vực (A2AD). Có thể ưu tiên đầu tiên của PLAN là giữ hải quân Mỹ ở xa, ngoài vùng bờ biển của Trung Quốc và vùng biển bên trong chuỗi đảo thứ nhất, thay vì thách thức Mỹ ở Thái Bình Dương hay Đại Tây Dương. 

Những hạn chế của PLAN hiện nay không cản trở việc cuối cùng Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc về biển. Nó cũng không có nghĩa là Trung Quốc không định xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh. Thực tế, thậm chí cả trước khi Thi Lang được hạ thủy, ngày càng thấy rõ ràng rằng PLAN sẽ gia nhập hàng ngũ các lực lượng hải quân mạnh, không chỉ về số lượng tàu chiến lớn mà còn về các nhiệm vụ nó có thể thực hiện. PLAN đã mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài vùng biển của Trung Quốc. Lực lượng chống cướp biển ở vịnh Aden của PLAN cho thấy khả năng đang tăng lên của Trung Quốc trong việc hoạt động trên biển trong một thời gian kéo dài. Trung Quốc cũng đang xây dựng đội tàu bệnh viện để có thể phát huy sức mạnh trên biển trong thời bình. 

Hơn nữa, một lực lượng hải quân Trung Quốc chỉ thống trị vùng nước trong chuỗi đảo thứ nhất cũng không nhất thiết phải là một lực lượng có tính phòng thủ. Kiểm soát các đường giao thông biển đi qua khu vực bên trong chuỗi đảo thứ nhất cũng có thể cho phép Trung Quốc gây sức ép với các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc, những nước cũng phụ thuộc vào biển. Một lực lượng hải quân của Trung Quốc thống trị vùng nước bên trong chuỗi đảo thứ nhất cũng có thể chế ngự được các lực lượng nhỏ hơn ở Đông Nam Á và tạo ra mối đe dọa đối với Đài Loan. 

Điều không chắc chắn đó là không rõ liệu cuối cùng hải quân Trung Quốc có giống hải quân Mỹ. Có lẽ sự khác nhau lớn nhất giữa hai lực lượng hải quân này là các nhà phân tích và lập kế hoạch Trung Quốc chỉ có tầm nhìn trên biển của một cường quốc lục địa. Những tài liệu của Trung Quốc nêu rõ các nhà chiến lược của nước này cho rằng biển không phải là con đường cao tốc bao la cho thương mại và triển khai quân sự quốc tế, mà nó là sự mở rộng của biên giới trên bộ và lãnh thổ của một quốc gia. 

Ví dụ, những lo ngại của Trung Quốc về chủ quyền đối với các vùng biển của mình giống như những quan điểm của nước này về sự toàn vẹn lãnh thổ. Báo cáo phát triển biển của Trung Quốc nói cụ thể rằng biển là "vùng đất xanh" của một quốc gia và nhấn mạnh rằng nên xem biển và đất liền có giá trị chiến lược ngang nhau. Tương tự, những lo ngại của Trung Quốc về việc kiểm soát vùng biển bên trong chuỗi đảo thứ nhất cho thấy một quan điểm tĩnh, gần giống với quan điểm thiết lập và củng cố biên giới trên bộ. Việc lực lượng trên bộ tiếp tục chiếm ưu thế trong quân đội Trung Quốc, dù có giảm đi trong những thập kỷ vừa qua, có thể là yếu tố ảnh hưởng đến suy nghĩ của PLA và PLAN. 

Thực tế địa lý là một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến sự phát triển trong tương lai của hải quân Trung Quốc. Chuỗi đảo thứ nhất vừa là lá chắn vừa là vật cản: khi nào các đảo này còn nằm trong tay của các nước "thù địch" thì hải quân và thuyền bè thương mại của Trung Quốc sẽ gặp khó khăn để có thể tiến ra vùng biển mở trong thời kỳ xung đột. Về mặt quân sự, khó khăn này có thể hạn chế khả năng phát huy sức mạnh của PLAN. Về mặt kinh tế, khó khăn này làm tăng khả năng có thể bóp nghẹt nền kinh tế Trung Quốc. Ngược lại, nếu một hoặc nhiều hòn đảo nằm trong quyền kiểm soát của Trung Quốc, Bắc Kinh có thể dễ dàng hơn trong việc ngăn chặn đối thủ với tới các thành phố duyên hải - các trung tâm hấp dẫn về kinh tế của mình. Hơn nữa, các lực lượng hải và không quân Trung Quốc khi đó có thể thâm nhập vào trung tâm Thái Bình Dương mà không bị ảnh hưởng bởi các lực lượng hải quân thù địch và có thể phá huỷ các đường thông tin trên biển của kẻ địch. 


Tuy nhiên, kể cả khi Bắc Kinh giành được quyền kiểm soát chuỗi đảo thứ nhất, hay ít nhất là một phần của nó, Trung Quốc cũng không tự động có được sự đảm bảo an toàn về biển. Nếu quân đội Trung Quốc thực hiện "các nhiệm vụ lịch sử mới" của mình, bao gồm việc bảo vệ các lợi ích biển, nó sẽ phải mở rộng sự bảo vệ cùng với toàn bộ độ dài của các đường thông tin liên lạc trên biển. Ở vùng biển ngoài khơi, các tuyến đường biển vẫn có thể bị đe dọa tương tự hoặc hơn ở vùng biển gần điểm đến cuối cùng. Việc phá hoại có thể xảy ra ở bất cứ chỗ nào dọc theo toàn bộ chiều dài của tuyến đường đó. Do đó, khả năng thống trị chuỗi đảo thứ nhất của Trung Quốc chỉ là bước đi đầu tiên hướng tới việc đạt được an ninh biển chứ chưa phải là một giải pháp cơ bản. 

Tóm lại, để bảo vệ các lợi ích biển của mình, Trung Quốc phải hoạt động trong hai môi trường biển khác nhau. Một là trong vùng biển gần được giới hạn bởi chuỗi đảo thứ nhất. Các nhà chiến lược Trung Quốc tin rằng Trung Quốc cần phải thống trị vùng biển này, chỉ như thế mới có thể giảm tới mức thấp nhất mối đe dọa đối với các trung tâm kinh tế ven biển của mình. Sự thống trị đó có thể đạt được thông qua việc kết hợp tàu ngầm, tàu tấn công nhanh, máy bay tấn công, tên lửa đạn đạo và lửa mang đầu đạn hạt nhân chống tàu. 

Môi trường biển thứ hai là các hệ thống giao thông đường thủy toàn cầu bên ngoài "vùng biển gần" của Trung Quốc. Môi trường này có thể yêu cầu một loạt các khả năng toàn diện, bao gồm không chỉ việc có nhiều tàu hải quân, mà còn cả khả năng triển khai sức mạnh, duy trì sự giám sát và thông tin liên lạc toàn cầu, cũng như cung cấp hỗ trợ về hậu cần. Các đường giao thông biển toàn cầu sẽ là "người đàn bà bí ẩn" đối với Trung Quốc, nước chưa bao giờ phải hoạt động liên tục trong một môi trường như thế. 

Phản ứng của Mỹ đối với sự phát triển về biển của Trung Quốc 

Mặc dù những tham vọng về biển của Trung Quốc chưa tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với Mỹ, nhưng tình hình đòi hỏi một phản ứng rất cụ thể: việc hoạch định chính sách phải cẩn thận và chín chắn. Xung đột Mỹ - Trung trên biển không phải là điều đã dự tính sẵn, nhưng những đòi hỏi và cách hiểu luật pháp đối lập nhau, việc thiếu các điều khoản cam kết đã được thống nhất, cách ứng xử gây hấn trong các đòi hỏi của Trung Quốc và sự thiếu minh bạch về năng lực và các mục tiêu của Trung Quốc có thể làm tăng khả năng xảy ra những tính toán sai lầm. 

Điều quan trọng là phải công nhận rằng Trung Quốc sẽ là một cường quốc về biển. Do tầm quan trọng của các đại dương đối với việc duy trì sự phát triển kinh tế và vị thế là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, giới lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn sẽ coi biển là yếu tố cần thiết cho cả sự tồn vong của quốc gia lẫn việc họ nắm giữ được quyền lực. Việc phản đối sự phát triển về biển của Trung Quốc là vô ích và phản tác dụng. Do đó, Mỹ nên chấp nhận Trung Quốc là một cường quốc về biển, có những lợi ích lớn về biển. Trong một số trường hợp, như nỗ lực chống cướp biển Xômali hay thực thi hạn chế về đánh bắt hải sản, có thể củng cố và tạo cơ hội cho sự hợp tác Mỹ - Trung. 

Tuy nhiên, việc công nhận các lợi ích của Trung Quốc không có nghĩa là tán thành các yêu cầu của Trung Quốc. Có nhiều lĩnh vực nếu chấp nhận chính sách biển của Trung Quốc sẽ đi ngược lại các lợi ích của Mỹ. Ví dụ, những lợi ích của Mỹ và Trung Quốc khác nhau rất lớn đối với cái Trung Quốc gọi là “vùng biển gần” của mình. Trung Quốc muốn thống trị vùng biển bên trong chuỗi đảo thứ nhất, coi đó là vùng lãnh thổ của chính mình. Do đó, Trung Quốc tìm cách ép buộc các nước khác hạn chế hoặc từ bỏ những tuyên bố chủ quyền (ví dụ như Việt Nam và Philíppin) và có các hành động như gây rối các chiến dịch không quân và hải quân của Mỹ trong khu vực Trung Quốc tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế của mình (EEZ). 

Đặc biệt, Bắc Kinh đã có cách giải thích riêng của mình cho Công ước về Luật biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) khi lập luận rằng các tàu hải quân và hỗ trợ của Mỹ phải hạn chế các chiến dịch của mình khi hoạt động trong EEZ của Trung Quốc. Việc chấp nhận những yêu sách như thế là không phù hợp với lợi ích của Mỹ. Bất cứ việc xem xét UNCLOS nào trong Quốc hội cũng cần có sự thảo luận kỹ về cách hiểu này của Trung Quốc, cũng như những nỗ lực của Trung Quốc nhằm sử dụng chiến tranh pháp lý để thông qua luật pháp quốc tế đạt được những cái mà nước này không đạt được thông qua việc gây sức ép. 

Về vấn đề này, ngay cả khi công nhận các lợi ích về biển của Trung Quốc, Mỹ cũng phải bảo vệ các lợi ích biển của chính mình. Sự bảo vệ đó sẽ đòi hỏi những hành động trên nhiều lĩnh vực khác nhau trong chính sách quốc phòng của Mỹ. 

Thứ nhất, Mỹ phải duy trì một hệ thống các lực lượng biển vững mạnh. Hải quân và lính thủy đánh bộ Mỹ là những người bảo vệ cuối cùng cho các lợi ích biển của Mỹ trên khắp thế giới. Không giống PLAN, lực lượng hải quân Mỹ phải hoạt động xa vùng biển của nước Mỹ. Điều này làm tăng sự hao tổn đối với các tàu khi phải di chuyển một thời gian dài từ các cảng ở trong nước đến các vùng tuần tra. Vì vậy, Mỹ phải duy trì lực lượng hải quân lớn và mạnh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như Ấn Độ Dương, nếu như Mỹ muốn có thể can gián và ngăn chặn các đối thủ tiềm tàng và xác nhận các lợi ích quốc gia. 

Điều này cũng có nghĩa là việc giảm quy mô của lực lượng hải quân và lính thủy đánh bộ Mỹ cũng như giảm nhịp độ hoạt động của các lực lượng này sẽ có tác động không đối xứng không chỉ đến khả năng hoạt động thực tế ở khu vực, mà cả đến nhận thức về cam kết và sự tin cậy của Mỹ. Không cắt giảm, mà ngược lại, có thể cần phải tăng cường thêm các nguồn lực cho Hải quân và lính thủy đánh bộ. Mỹ không thể nhìn lực lượng hải quân của mình tiếp thu hẹp lại. 

Đồng thời, việc huấn luyện phải được củng cố và trong một số trường hợp phải được phục hồi lại. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, một số nhiệm vụ xuất kích chống tàu hay chiến tranh chống tàu ngầm ở vùng biển mở đã bị xem là không cần thiết và bị bỏ đi. Những nhiệm vụ và khả năng này có thể lại trở nên quan trọng khi hải quân Trung Quốc thể hiện thách thức trên biển lần đầu tiên kể từ cuối thập niên 1980. Phục hồi lại sự thành thạo đòi hỏi không chỉ những thay đổi trong các ưu tiên, mà cũng yêu cầu tăng nguồn ngân sách cho công tác huấn luyện và cho các hoạt động bảo dưỡng, bảo trì. 

Sự nổi lên của hải quân Trung Quốc cũng có nghĩa là hải quân Mỹ phải khôi phục lại những nỗ lực nghiên cứu và phát triển. Hiện tại, không có tàu nổi hay tàu ngầm mới nào đang trong giai đoạn thiết kế - một tình huống chưa từng có và có thể dẫn đến việc hải quân Mỹ phải đối phó với thách thức Trung Quốc bằng những tàu chiến lạc hậu, thậm chí trong trường hợp xấu hơn là phải đối mặt với một PLAN có khả năng tiên tiến hơn. Để tránh tình huống đó, Quốc hội nên yêu cầu xây dựng một kế hoạch nghiên cứu và phát triển hải quân toàn diện để khai thác những tiến bộ công nghệ như các máy bay không người lái, tàu ngầm không người lái và hệ thống không gian vũ trụ. 

Quân đội Mỹ hoạt động cùng nhau, nên sự chú ý cũng phải được dành cho lực lượng Không quân và các chiến dịch Lục quân ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Vì cả lực lượng không quân của Hải quân Trung Quốc và các hệ thống không quân của PLA đều đang hiện đại hóa, bao gồm cả sự phát triển của các hệ thống tên lửa biển đối không hiện đại như S-400 và HQ-9, Lực lượng không quân Thái Bình Dương của Mỹ không thể chấp nhận sự chậm trễ trong chương trình hiện đai hóa của mình. 

Máy bay quan sát tầm thấp và máy bay không người lái (UAV), cũng như khả năng thực hiện chiến tranh điện tử là đặc biệt quan trọng. Điều thiết yếu là Không quân Mỹ duy trì việc cung cấp tài chính cho F-35, đặc biệt là khi có quyết định thiển cận chấm dứt chương trình F-22. Đồng thời, Quốc hội nên xem xét việc có thêm máy bay chiến tranh điện tử E/A-18 Growler và các UAV hiện đại để tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến dịch trên không trong phạm vi khu vực phòng thủ trên không của Trung Quốc. Tương tự, các lực lượng đặc biệt và vũ trụ có thể đảm nhận vai trò trong việc tác động đến khả năng ngăn chặn và phát hiện. Mỹ nên tìm cách phát triển sự tương tác lẫn nhau vốn đã mạnh trong các khu vực này với quân đội các nước đồng minh và một số nước châu Á có chọn lọc khác. 

Tất cả các yếu tố này nên được sử dụng không chỉ để duy trì mà còn để củng cố hệ thống các đồng minh và quan hệ của Mỹ ở khắp khu vực Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương – một khu vực mà Mỹ được chào đón hơn so với Trung Quốc. Không giống như Trung Quốc, hiện Mỹ không có tranh chấp lãnh thổ nào đối với các nước trong khu vực. Tương tự, Mỹ đảm bảo an ninh hàng hải cho các tuyến đường biển toàn cầu, điều mang lại lợi ích cho các quốc gia trong khu vực, kể cả Trung Quốc dù nước này có thừa nhận hay không, nhiều như chính lợi ích của nước Mỹ. Do đó, các quốc gia châu Á coi Mỹ là nhà cung cấp “các tài sản công” quan trọng, cũng như là một yếu tố cân bằng quan trọng để chống lại sự nổi lên nhanh chóng của sức mạnh Trung Quốc. 

Bằng việc hỗ trợ các quốc gia trong khu vực đang tìm cách bảo đảm chủ quyền và các quyền của họ, Mỹ có thể nâng cao vai trò của mình ở khu vực. Ví dụ, tại diễn đàn khu vực ASEAN năm ngoái tại Hà Nội, đề nghị giúp làm trung gian cho các tranh chấp ở Biển Đông của Ngoại trưởng Hillary Clinton là cách hữu dụng để xác nhận sự hiện diện ngoại giao phù hợp với sự hiện diện quân sự mang tính xây dựng và hoà bình của Mỹ. 

Tham gia tích cực vào các cuộc họp và hội nghị sẽ nhấn mạnh vai trò lãnh đạo và sự hiện diện của Mỹ. Điều này cũng giúp củng cố mối quan hệ của Mỹ với khu vực. Đặc biệt, các hiệp định tự do thương mại với các quốc gia Đông Á và với toàn khối ASEAN, cũng như Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ củng cố mối liên hệ kinh tế của Mỹ qua Thái Bình Dương. 

Ngược lại, việc rút lực lượng hải quân Mỹ từ phía Tây Thái Bình Dương đến Guam có thể được xem không phải là biện pháp cắt giảm chi phí hay giảm nhẹ xung đột, mà thực tế là một sự nhượng bộ của Tây Thái Bình Dương đối với ưu thế của Trung Quốc. Tầm quan trọng của việc duy trì sự hiện diện khu vực nên là một yếu tố trong bất cứ cuộc thảo luận nào về việc điều chỉnh cơ cấu đóng quân của Mỹ ở Okinawa . 

Bảo vệ các lợi ích biển cũng không chỉ là mối lo ngại về quân sự. Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ tương tác với nhiều lực lượng thực thi pháp luật biển khác nhau ở khu vực. Do đó, Lực lượng bảo vệ bờ biển hiểu rất rõ những nhu cầu và mối lo ngại của các cường quốc về biển nhỏ hơn của khu vực này. Sự hiểu biết này là một phần quan trọng của sức mạnh mềm của Mỹ và sức mạnh mềm đó có thể dần dần nâng cao các chiến dịch quân sự của Mỹ. 

Mỹ cũng nên cung cấp cho các đồng minh và các bạn bè, như Philíppin và Đài Loan, các loại vũ khí hiện đại, bao gồm cả việc bán thêm các loại máy bay chiến đấu hiện đại và chuyển giao các tàu chiến đã hết hạn sử dụng của Mỹ - những thứ có thể rất có lợi cho Philíppin. Cùng với các cuộc tập trận chung, kết hợp với lực lượng quân sự các nước, việc bán các loại vũ khí này không chỉ củng cố khả năng tự bảo vệ của các nước này, mà còn bảo đảm rằng trong các tình huống bất ngờ (kể cả thiên tai) sẽ có sự phối hợp về cơ cấu và hiểu biết giữa Mỹ với chiến thuật và trình tự thủ tục của các đồng minh. 

Kết luận 

Do kinh tế và sự phụ thuộc vào biển tăng lên, không thể tránh khỏi việc Trung Quốc sẽ ngày càng tăng cường sự hiện diện của mình trên các đại dương của thế giới. Kết quả là sự hiện diện của hải quân Trung Quốc cũng tăng lên một cách tự nhiên. Mặc dù sự hiện diện hải quân lớn hơn không có nghĩa rằng Trung Quốc sẽ nhất thiết thách thức sự vượt trội của hải quân Mỹ, nhưng sự phát triển về quân sự của Trung Quốc khiến người ta không mấy lạc quan về các hoạt động trên biển đang tăng lên của Trung Quốc. Do đó, cuối cùng thì sự quan tâm của Mỹ là theo đuổi chính sách sức mạnh biển thích hợp - một chính sách nhắc nhở Trung Quốc rằng Mỹ có đủ khả năng là một cường quốc biển hữu nghị, Mỹ sẽ vẫn là một đối thủ không thể đánh bại trên biển./. 

Theo Heritage

 Viết Tuấn (gt)