Việc Trung Quốc sắp có tàu sân bay chỉ gây ngạc nhiên cho những người không chú ý theo dõi và nghiên cứu về bí mật lớn nhất của Trung Quốc trong vài năm nay. Nó được biết tới nhờ mạng Google Earth, rằng chiếc tàu chưa được hoàn thiện thời Liên Xô do Công ty du lịch Chong Lot Travel Agency của Trung Quốc mua lại cuối những năm 90 của thế kỷ trước với giá 20 triệu USD với phần thiết kế đã hoàn tất và chưa sẵn sàng cho việc sử dụng làm một sòng bạc nổi và địa điểm vui chơi giải trí. Có những tín hiệu khác, trong đó có cơ sở và các chương trình huấn luyện cho hải quân và không quân, cho thấy Trung Quốc có ý định sở hữu lực lượng tàu sân bay. Đầu năm 1987, Tướng Lưu Hoa Thanh, người được coi là cha đẻ của Hải quân hiện đại Trung Quốc đã nói:” Khi Trung Quốc chưa có một tàu sân bay, tôi chết sẽ không thể nhắm mắt được: Hải quân Trung Quốc cần phải đóng một tàu sân bay”.

Như vậy, trên thực tế cả dấu hiệu lẫn ý định của Trung Quốc đều cho thấy nước này quyết tâm có tàu sân bay. Câu hỏi ở đây là tại sao chiến lược của Hải quân Trung Quốc trong suốt hai thập kỷ qua chỉ nhằm đối phó với hạm đội tàu nổi hùng mạnh của Mỹ bằng cách phát triển lực lượng tàu ngầm của chính họ. Chiến lược sử dụng tàu ngầm nhằm vô hiệu hoá sức mạnh của các tàu sân bay và tàu chiến do Đô đốc Liên Xô Sergey Gorshkov khởi xướng. Dường như một sự hài hước, người Liên Xô đã lấy tên vị Đô đốc này đặt cho một tàu sân bay mà Ấn Độ mua của Nga và đang chờ đợi tiếp nhận. 

Nếu tàu sân bay là nền tảng cho một quốc gia muốn thể hiện sức mạnh quân sự vượt xa ngoài vùng biển của nước mình, thì tàu ngầm lại là phương tiện hiệu quả trong việc ngặn chặn không gian hoạt động của tàu sân bay. 

Trung Quốc hiện có khoảng 65 tàu ngầm hoạt động cho tới năm 2010. Năm 2007, một tàu ngầm Trung Quốc đã bí mật lách qua đội hình tàu chiến và một tàu sân bay Mỹ tới một khu vực ở Thái Bình Dương, nơi nhóm tàu sân bay tấn công của Mỹ đang tập trận. Sự kiện này nhắc người ta về yếu điểm của tàu sân bay bị bộc lộ trước chiến lược của Đô đốc Gorshkov. Đây cũng là tín hiệu về sự thay đổi cán cân sức mạnh hải quân ở khu vực Tây Thái Bình Dương. 

Việc sử dụng tàu sân bay làm phương tiện thể hiện sức mạnh ở vùng duyên hải cũng bị tổn thương bởi các tên lửa đối hạm. Các tên lửa đối hạm do Trung Quốc chế tạo và các phiên bản của chúng đang được triển khai tại Bắc Triều Tiên, Mianma, Iran, Bănglađét và có thể tại Pakixtan. Việc tăng tầm bắn, sức công phá cũng như việc phổ biến công nghệ chế tạo tên lửa gia tăng làm cho tàu sân bay trở nên ít hiệu quả hơn trong vai trò thể hiện sức mạnh truyền thống của chúng. 

Nói một cách khác, các tàu sân bay ngày càng cần phải tránh xa vùng biển của địch thủ vì hạn chế hiệu quả tác chiến của chúng. Lợi ích của việc triển khai tàu sân bay đang bị thu hẹp với thời gian, trong khi chi phí cho việc triển khai chúng không giảm bớt. Một tàu sân bay có thể tạo ra một đòn tấn công mạnh mẽ hơn, song bản thân nó cũng dễ trở thành mục tiêu bị tấn công khiến chi phí cho việc bảo vệ nó tốn kém hơn đồng thời cũng dễ nếm mùi thất bại có ý nghĩa chiến lược nếu nó bị hư hại hoặc bị phá hủy. 

Sau khi đã làm rất nhiều để vô hiệu hoá chiến lược sử dụng tàu sân bay của Mỹ, tại sao Trung Quốc lại muốn triển khai chúng? Tất nhiên đây là vấn đề uy tín. Một nguyên nhân khác là cán cân quyền lực trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc và Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), nơi các phe phái ủng hộ lực lượng hải quân của PLA đã mạnh lên trong những năm gần đây. Rất khó kết luận liệu nguyên nhân có phải là do ảnh hưởng chính trị gia tăng của Hải quân Trung Quốc hay hiệu ứng của sự bất ổn địa chính trị ở Đông Á.

Ngoài những giải thích trên còn ba lý do quan trọng khác giải thích tại sao Trung Quốc sử dụng tàu sân bay. 

Thứ nhất là vấn đề Đài Loan. Chính tên Thi Lang được đặt cho con tàu, cho thấy nhiều khả năng Đài Loan là mục tiêu. Thi Lang là một viên tướng triều đại Mãn Thanh đã chinh phục và sáp nhập Đài Loan vào đế chế Trung Quốc năm 1683 sau khi đánh bại một quý tộc cũng thuộc triều đại Mãn Thanh chạy ra đảo này. Lan Ninh Lợi, Đô đốc hải quân Đài Loan (đã nghỉ hưu) nói: tàu sân bay này có thể di chuyển ở khu vực xung quanh vùng biển phía Nam và Đông Đài Loan… làm cho hòn đảo này trở nên dễ bị tấn công cả từ chính diện và phía sau. Với vũ khí hạt nhân và tàu ngầm răn đe Mỹ, một tàu sân bay sẽ làm tăng khả năng quân sự của Trung Quốc trong trường hợp một cuộc tấn công có thể xảy ra vào hòn đảo này. Việc PLA tuyên bố rằng “ngay cả khi đã sở hữu một tàu sân bay, Trung Quốc cũng sẽ khó có thể phái tàu này tới các vùng lãnh hải của các nước khác” cho thấy Bắc Kinh không bác bỏ khả năng sử dụng tàu này chống Đài Loan mà họ coi là một phần lãnh thổ Trung Quốc nhờ công lao của Thi Lang”. 

Thứ hai, một tàu sân bay có thể được Trung Quốc sử dụng như một phương tiện làm tăng các yêu sách chủ quyền của họ tại Hoàng Hải, Đông hải và Biển Đông. Nếu đúng vậy, thì Thi Lang sẽ thay thế các tàu đánh cá thực hiện các hoạt động không phải đánh cá như nhiệm vụ hải giám, đâm vào các tàu tuần tra Nhật Bản, cắt cáp của tàu thăm dò Việt Nam và chiếm những hòn đảo không có người ở. Cũng có thể các nhân tố phi nhà nước đã kích động Bắc Kinh cứng rắn trong tranh chấp chủ quyền biển. Đưa tàu sân bay vào cuộc chơi này là nguy hiểm, song việc đe dọa làm như vậy có thể răn đe Hải quân Mỹ can thiệp vào cuộc xung đột ở khu vực nhằm ủng hộ các đồng minh của mình. 

Cuối cùng là lợi ích toàn cầu của Trung Quốc. Dường như Bắc Kinh muốn xây dựng một lực lượng hải quân hoạt động ở các vùng biển xa nước họ nhằm bảo vệ các lợi ích này. Đây là điều bình thường. Tuy nhiên, giống như “sự trỗi dậy hoà bình”, một “tàu sân bay mang tính chất phòng thủ” của Trung Quốc chỉ là lớp đường bọc bên ngoài cho loại đồ ăn khó tiêu hoá nhằm làm cho nó dễ được chấp nhận hơn đôi chút.


Theo Business Standard

 Hương Trà (gt)