I) Mối đe dọa và thách thức bên ngoài chủ yếu mà an ninh quốc gia Trung Quốc phải đối mặt

Trung Quốc đang thoát khỏi cục diện một siêu cường, nhiều cường quốc. Ảnh hưởng quốc tế của họ bắt đầu mạnh lên. Kế hoạch chiến lược trở thành một cường quốc của Trung Quốc đã trở thành tiêu điểm quan tâm của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước lớn chủ yếu. Việc hoàn thiện chiến lược phát triển quốc gia và ưu hóa chiến lược quốc tế của Trung Quốc đã tạo ra những điều chỉnh chiến lược của các nước lớn chủ yếu trên thế giới. Vấn đề an ninh quốc gia mà họ phải đối mặt nhanh chóng gia tăng. Mối đe dọa và thách thức bên ngoài mà an ninh quốc gia phải đối mặt cũng có xu hướng phức tạp hơn.

Do sự gia tăng lợi ích quốc gia của Trung Quốc, vấn đề chính trị, kinh tế, an ninh chủ yếu của thế giới hiện nay đều liên quan đến an ninh, thậm chí có xu hướng liên quan mật thiết với nhau hơn. Trước hết, ở cấp độ toàn cầu, do sự mở rộng lợi ích quốc gia của Trung Quốc, lợi ích an ninh của họ đã vươn dài đến toàn thế giới, xuất hiện những mâu thuẫn mang tính xung đột với lợi ích chiến lược truyền thống của các nước lớn phương Tây (như lợi ích truyền thống của Mỹ tại Mỹ Latinh, lợi ích truyền thống của các nước Tây Âu tại châu Phi). Đặc biệt là mâu thuẫn mang tính cơ cấu giữa Trung Quốc và Mỹ về lợi ích chiến lược. Mấy năm trước, nội bộ nước Mỹ còn tồn tại tranh luận Trung Quốc có phải là đối thủ của Mỹ hay không thì hiện nay họ đã đạt được nhận thức chung. Họ đã thực hiện chính sách vừa kiềm chế vừa tiếp xúc với Trung Quốc, gia tăng kiềm chế thực lực cứng và mềm của Trung Quốc. Việc làm này chứng tỏ Mỹ đã thúc đẩy xây dựng vành đai kiềm chế xung quanh Trung Quốc bằng các phương thức hợp tác quân sự, hợp tác kinh tế thương mại, phối hợp an ninh... Đồng thời, Trung Quốc đã hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế thế giới, hình thành quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Khả năng Trung Quốc tác động đến kinh tế thế giới và tạo ra hiệu ứng lan tỏa đang được nâng cao. An ninh kinh tế, an ninh tài chính của Trung Quốc cũng bị hạn chế rất nhiều bởi các nhân tố bên ngoài. Có thể nói, do việc đẩy nhanh tiến trình toàn cầu hóa, vấn đề mang tính toàn cầu đặc biệt là nhân tố phi quân sự, nhân tố mang tính chiến lược ngày càng hạn chế và đe dọa an ninh Trung Quốc. Một ví dụ điển hình là mức độ phụ thuộc của Trung Quốc vào năng lượng ngày càng tăng do sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế. Vì vậy, vấn đề tuyến đường vận chuyển trên biển ngày càng ảnh hưởng đến điều kiện hạn chế bên ngoài để Trung Quốc phát triển. Thành quả từ sự nỗ lực của Trung Quốc trong nhiều năm vẫn còn khiêm tốn.

Thứ hai, ở cấp độ khu vực hoặc tình hình an ninh tại các nước xung quanh, người viết nhận thấy, là chủ thể chiến lược có nhiều quốc gia láng giềng nhất, mâu thuẫn địa chính trị nhiều nhất, tình hình an ninh mà Trung Quốc phải đối mặt ở châu Á, đặc biệt là Đông Á, ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Nguyên nhân đằng sau vừa có nhân tố lịch sử, vừa có tranh chấp lợi ích trong thực tế. Có thể nói, tư duy địa chính trị truyền thống vẫn giữ vai trò trụ cột, tư duy kiềm chế, phòng ngừa Trung Quốc vẫn có vai trò quan trọng. Quan niệm an ninh mới và chủ trương gác lại tranh chấp, cùng khai thác của Trung Quốc chưa có sự đồng thuận nhất trí, ngược lại đã trói chân trói tay mình. Do Trung Quốc chưa từng phân định biên giới trên bộ trong lịch sử, tranh chấp biên giới với nhiều nước xung quanh đã diễn ra từ lâu, tranh chấp chủ quyền biển đảo và lãnh hải ngày càng trở thành điểm nóng ở khu vực, thậm chí là trên thế giới. Mâu thuẫn và xung đột về lợi ích giữa Trung Quốc và các quốc gia xung quanh sẽ còn tồn tại trong một thời gian dài. Sự can dự của các nhân tố bên ngoài hùng mạnh như Mỹ làm cho an ninh Trung Quốc đối mặt với thách thức mới. Về mặt an ninh trên đất liền, phía Bắc và phía Tây Trung Quốc tương đối ổn định, nhưng phía Tây Nam vẫn tồn tại nhiều nhân tố khó lường, đặc biệt là trọng điểm địa chiến lược mới từ Nam Á đến Vịnh Pécxích có vị trí rất quan trọng đối với Trung Quốc. Hơn nữa, ở mức độ nhất định, Ấn Độ đã thay thế Nhật Bản trở thành đối thủ cạnh tranh chủ yếu của Trung Quốc tại châu Á, lợi ích chiến lược giữa hai nước tồn tại những xung đột mang tính cơ cấu. Ấn Độ đã tăng cường hợp tác và phối hợp với Mỹ, Nhật Bản, tạo ra ảnh hưởng chiến lược đối với tình hình an ninh Trung Quốc. Tình hình Triều Tiên tuy ổn định nhưng nhân tố khó lường lại gia tăng, hợp tác an ninh giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc trong vấn đề Triều Tiên trên thực tế tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đối với Trung Quốc.

Về mặt an ninh biển, mâu thuẫn mang tính cơ cấu giữa Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản ngày càng nổi cộm. Vùng biển phía Đông Bắc Trung Quốc bị phong tỏa, tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku giữa Trung Quốc với Nhật Bản đang rơi vào tình trạng căng thẳng nhất. Vùng biển phía Đông Nam cũng đang hình thành nhóm đồng minh để chống Trung Quốc. Chiến lược của Trung Quốc bị thu hẹp nghiêm trọng về không gian. Khu vực Biển Đông được coi là “Vịnh Pécxích thứ hai”, tranh chấp chủ quyền, khai thác tài nguyên đang trở thành điểm nóng mới của khu vực. Mỹ, Nhật Bản đã dùng nhiều phương thức trực tiếp và gián tiếp để can dự, tạo ra ảnh hưởng lớn đối với chiến lược phát triển quốc gia và tình hình an ninh quốc gia. Quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan có xu hướng phát triển hòa bình và lành mạnh. Tuy nhiên, khả năng vấn đề Đài Loan không thể giải quyết được vẫn rất lớn. Đối mặt với tình hình khó khăn đó, Trung Quốc làm thế nào để hình thành chiến lược biển có tính khả thi và tầm nhìn xa? Vấn đề này là hòn đá thử vàng đánh giá trí tuệ của các nhà hoạch định chính sách và các nhà chiến lược của Trung Quốc.

Thứ ba, ở cấp độ trong nước, khả năng nước ngoài xâm lược Trung Quốc không còn tồn tại, nhưng sự can dự mang tính phá hoại của các nhân tố bên ngoài ngày càng quyết liệt. Các thế lực bên ngoài ngày càng tích cực sử dụng lực lượng ly khai dân tộc để đe dọa an ninh Trung Quốc. Những nhân tố này lại được hưởng ứng bởi đặc trưng của thời kỳ chuyển đổi làm cho việc duy trì và bảo vệ an ninh văn hóa trở thành vấn đề đáng ngại đối với an ninh quốc gia trong tương lai xa. Hơn nữa, việc đảm bảo ổn định xã hội trở thành vấn đề đáng lo ngại hiện nay.

Mối đe dọa và thách thức bên ngoài mà Trung Quốc phải đối mặt đã chứng tỏ chiến lược an ninh quốc gia của Trung Quốc vẫn tồn tại nhiều phương diện cần hoàn thiện, cụ thể như sau:

Thứ nhất, tính chất kinh tế trong chiến lược tổng thể quốc gia đã dẫn đến sự thiếu hụt chiến lược tổng hợp của Trung Quốc, đặc biệt là chưa điều chỉnh chiến lược tổng thể đối với tình hình quốc tế mới và tương lai phát triển của Trung Quốc. Ý tưởng an ninh chiến lược, chiến lược văn hóa, khuôn khổ chiến lược an ninh hướng đến thế kỷ XXI chưa được hình thành. Mặc dù tính chất chủ động về chiến lược an ninh của Trung Quốc trong những năm gần đây ít nhiều được thể hiện (như biện pháp chiến lược tàu hộ vệ ở Vịnh Aden), nhưng tính chất bị động vẫn hiện rõ.

Thứ hai, trọng tâm an ninh Trung Quốc hiện tại và trong tương lai là ở Đông Á, nhưng trọng điểm triển khai khu vực chiến lược an ninh của Trung Quốc không nổi bật, vẫn chưa nâng cấp chiến lược Đông Á thành địa vị chủ yếu. Đông Á được Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN cùng can dự, mà các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ đều coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược chủ yếu nhất, đặc biệt là gia tăng triển khai chiến lược tại khu vực phía Đông và phía Nam Trung Quốc, từ đó hình thành vành đai chiến lược bao vây Trung Quốc. Việc làm này khiến Trung Quốc bị hạn chế về tổng thể ở khu vực này.

Thứ ba, Trung Quốc thiếu kế hoạch chiến lược biển rõ ràng, thiếu chiến lược biển lớn, thiếu chiến lược biển mang tính chất phòng ngự có chiều sâu, lợi ích biển bị hạn chế nghiêm trọng.

Thứ tư, do sự tăng cường sức mạnh quốc gia, lợi ích quốc gia của Trung Quốc vươn dài đến mọi nơi trên thế giới, vai trò trụ cột của lực lượng quân sự đối với lợi ích của Trung Quốc ngày càng quan trọng. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, chiến lược quân sự phải phục tùng, phục vụ việc phát triển kinh tế. Vai trò trụ cột của lực lượng quân sự đối với lợi ích quốc gia phát huy không đầy đủ, năng lực ứng phó và phá vòng vây chiến lược vẫn chưa được nâng cao.

Thứ năm, trong thời đại phụ thuộc lẫn nhau một cách chặt chẽ, tranh giành lợi ích, mâu thuẫn xung đột giữa các quốc gia không thể chỉ giải quyết bằng biện pháp ngoại giao, mà phải vận dụng tổng hợp các biện pháp ngoại giao, quân sự, kinh tế, văn hóa... Đây cũng là tư duy chính thống của một nước lớn đã phát triển đến độ chín muồi. Khi so sánh, biện pháp chiến lược của Trung Quốc thiếu đầy đủ, khả năng vận dụng yếu kém.

II) Kiến nghị hoàn thiện chiến lược an ninh quốc gia của Trung Quốc

Về tổng thể, tình hình an ninh quốc gia của Trung Quốc khá ổn định, đặc biệt là việc định vị chiến lược của Trung Quốc lấy nền tảng sức mạnh quốc gia làm căn bản, làm cho bước đi chiến lược của Trung Quốc trở nên ổn định mà không thiếu sự phát triển lành mạnh. Do sự tăng cường sức mạnh quốc gia của Trung Quốc, mối đe dọa bị xâm lược đã không còn tồn tại. Do sự nâng cao ảnh hưởng kinh tế quốc tế, khả năng duy trì và bảo vệ an ninh kinh tế được tăng cường. Do việc đẩy nhanh chuyển đổi mô hình đất nước, tâm lý nước lớn và phong độ nước lớn đang dần dần hình thành. Để hướng tới tương lai, xu hướng cơ bản chiến lược an ninh quốc gia của Trung Quốc phải là lấy an ninh nội địa làm hòn đá tảng, tiếp tục thực hiện nền tảng thực lực mạnh, cố gắng chuyển hóa thực lực quốc gia thành ảnh hưởng quốc tế, giữ vững thái độ hòa bình khiêm tốn, rèn luyện dũng khí để gánh vác trách nhiệm, cố gắng trở thành nước xây dựng môi trường quốc tế hòa bình phát triển, theo đuổi việc phát triển hòa bình để trở thành cường quốc trên thế giới.

Muốn trở thành cường quốc trên thế giới, Trung Quốc phải xây dựng trật tự từ tầm cao chiến lược. Hiện nay, một phương hướng quan trọng để biến đổi tình hình quốc tế chính là trật tự thế giới đang có sự thay đổi lớn, trật tự thế giới hiện nay đã không còn phù hợp với tình hình quốc tế và xu hướng trong tương lai. Hiện nay, việc hình thành trật tự thế giới mới cần các nước đóng góp ý kiến và lực lượng. Trung Quốc đã hội nhập hoàn toàn với thế giới. Hơn nữa, được coi là một cường quốc thế giới trong tương lai, Trung Quốc phải nắm lấy cơ hội, thúc đẩy trật tự thế giới phát triển theo hướng công bằng hợp lý. Thứ hai, cải cách trật tự thế giới sẽ là một quá trình trên ván cờ nước lớn. Không những thế, thúc đẩy trật tự khu vực Đông Á trong quá trình cải cách phát triển theo hướng có lợi cho chiến lược quốc gia của Trung Quốc là nghĩa vụ cần có khi Trung Quốc hoạch định chiến lược. Trung Quốc phải lấy lợi ích và trách nhiệm chung và việc quy chế hóa vấn đề này làm con đường chiến lược, thúc đẩy xây dựng trật tự Đông Á để Trung Quốc nắm vững quyền chủ động, chiếm vị trí lãnh đạo, đảm bảo Đông Á trở thành điểm tựa chiến lược để Trung Quốc trở thành cường quốc trên thế giới. Thứ ba, tăng cường xây dựng trật tự trong nước, cố gắng hình thành xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa dân chủ pháp trị, công bằng chính nghĩa, giữ chữ tín, hữu ái, đầy sức sống, ổn định trật tự, con người sống hài hòa với thiên nhiên, xây dựng nền tảng vững chắc để xây dựng xã hội hài hòa.

Trong việc triển khai chiến lược cụ thể, nguyên tắc mà chiến lược an ninh quốc gia phải nắm vững bao gồm:

Thứ nhất là nắm vững cả điểm và diện, coi việc nắm vững trọng điểm là quan trọng nhất. Trọng điểm an ninh quốc gia của Trung Quốc là ở Đông Á, Trung Quốc phải đứng vững ở Đông Á (trọng tâm của Trung Quốc hiện nay), tập trung vào châu Á-Thái Bình Dương (trọng tâm thế giới trong tương lai), nhìn ra thế giới (đặc biệt là các nước thế giới thứ ba tại khu vực châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh). Trung Quốc cố gắng quản lý lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, sử dụng tốt nguồn lực quốc gia, coi trọng các nước đang phát triển. Quốc gia này phải lấy việc tích cực gánh vác trách nhiệm quốc tế làm cơ hội, phát huy vai trò tích cực hơn trong các vấn đề nóng bỏng trên thế giới, sử dụng yếu tố đó để mở rộng lợi ích chiến lược quốc gia.

Thứ hai là coi trọng cả việc xây dựng cơ chế an ninh chính thức và quan hệ đối tác một cách linh hoạt, coi trọng hơn nữa vai trò của các đồng minh quốc tế. Bước vào thế kỷ XXI, khi tiếp tục quan tâm đến chủ nghĩa đa phương, Trung Quốc phải quay trở lại chủ nghĩa song phương truyền thống. Cụ thể, Trung Quốc phải cố gắng xây dựng cơ chế an ninh đa phương, thực hiện và hoàn thiện ý tưởng quan niệm an ninh mới, đưa ra ý tưởng và thiết kế của Trung Quốc trong việc xây dựng cơ chế an ninh, thể hiện tâm lý và tình cảm của người Trung Quốc. Trung Quốc phải nhấn mạnh hơn nữa tính chất quan trọng của sự phối hợp song phương giữa các quốc gia để hai bên phòng ngừa và ngăn chặn những cơ chế đa phương bất lợi cho mình.

Thứ ba là vừa phòng ngừa vừa coi trọng quốc tế, coi trọng hơn nữa khả năng xây dựng chương trình hợp tác quốc tế. Đối mặt với tình hình quốc tế ngày càng phức tạp, Trung Quốc phải tăng cường khả năng phòng ngừa quốc tế, nhớ kỹ kinh nghiệm lịch sử “hòa bình bắt nguồn từ sức mạnh”. Đương nhiên, hợp tác quốc tế là con đường quan trọng để thực hiện lợi ích an ninh, Trung Quốc không những phải chú trọng hợp tác quốc tế mà còn tôi luyện khả năng xây dựng chương trình nghị sự, nắm vững quyền chủ động của Trung Quốc trong hợp tác quốc tế, thúc đẩy hợp tác quốc tế bước vào cục diện mang tính thực chất.

Thứ tư là quan tâm đến cả mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, coi trọng hơn nữa sự đa dạng của biện pháp an ninh phi truyền thống và tính chất dài hạn của mục tiêu. Mối đe dọa và thách thức an ninh truyền thống mà Trung Quốc đối mặt chủ yếu bắt nguồn từ tranh chấp lãnh thổ và tổ chức dân tộc ly khai, những việc lớn phải làm liên quan đến đất nước không thể nhượng bộ. Do toàn cầu hóa đã đi vào chiều sâu và Trung Quốc đã hội nhập quốc tế, nên mối đe dọa an ninh phi truyền thống mà Trung Quốc phải đối mặt càng ngày càng nhiều, càng ngày càng lớn. Ứng phó với thách thức an ninh phi truyền thống, vừa cần hợp tác quốc tế, vừa cần sự quyết đoán của nước lớn, Trung Quốc phải rèn luyện hơn nữa khả năng bảo vệ an ninh, thực hiện biện pháp tổng hợp đa dạng, nhằm thực hiện mở rộng chiến lược an ninh quốc gia.

Thứ năm là coi trọng cả phòng thủ biên giới trên đất liền và trên biển, coi trọng hơn nữa quản lý biên giới trên biển. Phòng thủ trên biển là nội dung cốt lõi của chiến lược biên giới Trung Quốc. Trung Quốc có truyền thống coi trọng phòng thủ trên đất liền hơn trên biển, nhưng trong tình hình an ninh hiện nay, tính chất quan trọng của phòng thủ trên biển ngày càng được nhấn mạnh. Trung Quốc phải có chiến lược an ninh biển mang tính lâu dài, phá vỡ tình trạng khó khăn có biển mà không có đại dương, đảm bảo tuyến đường phòng thủ chiến lược trên biển. Đồng thời, Trung Quốc phải tăng cường tàu tuần tra trên biển Hoa Đông và Biển Đông, đảm bảo chủ quyền của nước mình.

Thứ sáu là coi trọng cả biện pháp ngoại giao và quân sự, tăng cường hơn nữa năng lực ngoại giao và sự phối hợp giữa các bộ ngành để đấu tranh ngoại giao. Cùng với việc tăng cường chuẩn bị quân sự và khả năng răn đe quân sự, Trung Quốc phải nhấn mạnh địa vị chủ đạo của việc giải quyết bằng biện pháp ngoại giao, nỗ lực bảo vệ và mở rộng lợi ích quốc gia./.

Bản gốc tiếng Trung  强中国国家安全战略的思考

Theo tạp chí Lý luận Thị dã

Trần Quang (gt)