Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã vạch ra những yêu cầu cho việc tái cơ cấu Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và lĩnh vực quốc phòng để phù hợp hơn với tình hình kinh tế, những nhiệm vụ quân sự và những xu hướng mới trong chiến tranh hiện đại của Trung Quốc. Thông báo về vấn đề này được đưa ra trùng với những dấu hiệu khác cho thấy chính quyền của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang theo đuổi một sự tập trung hóa quyền lực để thực hiện tái cơ cấu lớn đối với các lĩnh vực kinh tế, sự quản lý của chính phủ, và quân sự. Những hạn chế đối với các phương pháp truyền thống trong việc thực hiện sự thay đổi chính sách lớn và tính nghiêm túc của việc tái cấu trúc chắc chắn đòi hỏi phải tăng cường chuyển hướng sang một cách tiếp cận tập trung hóa nhiều hơn đối với cải cách. Những trở ngại lớn nhất này chắc chắn sẽ đến từ sự kháng cự của các nhóm lợi ích đầy quyền lực chịu tổn thất bởi những nỗ lực của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình nhằm tập trung hóa quyền lực, một khả năng sẽ là thách thức mà PLA cần tránh. 

Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18, giới chức Trung ương Trung Quốc đã công bố danh sách một loạt các cuộc cải cách đối với các lực lượng vũ trang và quốc phòng của nước này. Việc thông báo về một cuộc tái cơ cấu quân đội sắp diễn ra có nhiều đặc điểm chung với những cuộc cải cách như vậy trước đây. Những khoảng thời gian xen giữa các cuộc tái cơ cấu nằm trong khoảng từ 6-12 năm, với cuộc cải tổ gần đây nhất đã diễn ra cách đây 10 năm. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc mô tả các cuộc cải cách cơ cấu PLA trong kỷ nguyên hậu Mao Trạch Đông được tiến hành dưới dạng 3 nỗ lực lớn: 

Vào năm 1985, PLA đã cắt giảm 1.000 quân. Các cuộc cải cách trong giai đoạn này đã tập trung chủ yếu vào việc giảm quy mô của lực lượng này và hợp lý hóa tổ chức các lực lượng mặt đất. PLA đã giảm số Đại quân khu từ con số 11 xuống còn 7, và cắt giảm số đơn vị ở các Tổng cục, lực lượng. PLA cũng cắt giảm tỷ lệ sĩ quan trên số binh sĩ và tái cơ cấu các quân đoàn thành các tập đoàn quân. 

Vào năm 1997, PLA đã cắt giảm 500.000 quân. Trong giai đoạn này, PLA đã bắt đầu thời kỳ chuyển tiếp sang một lực lượng với đặc điểm là có các quân chủng mạnh hơn và nâng cao chất lượng và khả năng của các loại vũ khí, trang thiết bị. PLA đã sắp xếp lại thành phần cơ cấu các lực lượng, đơn vị và gia tăng sức mạnh của các quân chủng. PLA cũng thiết lập Tổng Cục Trang bị và thành lập 4 cơ cấu cấp cục nằm trong Quân ủy Trung ương Trung Quốc. 

Vào năm 2003, quân đội Trung Quốc đã cắt giảm thêm 200.000 quân. Việc tái tổ chức trong giai đoạn này tập trung vào việc cải thiện và nâng cấp công nghệ cũng như năng lực chung của toàn lực lượng. PLA đã cải tổ cơ cấu các quân chủng và các nhánh quân sự, đồng thời gia tăng tỷ lệ các đơn vị chuyên môn hóa và được trang bị công nghệ cao. Giai đoạn này cũng chứng kiến sự thực hiện dần dần các thể chế và hệ thống chỉ huy các hoạt động chung. 

Những cuộc tái cơ cấu lớn trước đây có chung một số đặc điểm. Mỗi một cuộc tái cơ cấu đều diễn ra theo phong cách phát triển điển hình, sau khi thử nghiệm ở cấp địa phương. Ví dụ như Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm với việc tái tổ chức một vài quân đoàn cơ giới hóa vào năm 1983. Sau đó, toàn bộ PLA đã được tổ chức thành các tập đoàn quân vào năm 1985. Những cuộc tái cơ cấu quân sự cũng có xu hướng trở thành các bộ phận hợp thành của các chiến dịch mở rộng hơn nhằm tái cơ cấu chính phủ, kinh tế và chính trị. 

Tích lũy vốn chính trị và thực hiện chính sách 

Trong tất cả các trường hợp tái cơ cấu, Đảng Cộng sản Trung Quốc đều tạo ra sự lãnh đạo và kỷ luật để vượt qua những sự phản đối và thực hiện những sự thay đổi chính sách. Chế độ của Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng nhiều công cụ chính trị, hành chính và pháp lý cho công việc này. Những công cụ và biện pháp này được sử dụng một phần là nhằm mục đích xây dựng sự đồng thuận, hoặc “tư tưởng thống nhất” theo cách nói của Đảng Cộng sản Trung Quốc, xung quanh một chương trình chính sách được dựa trên hệ thống lý luận mang tính lý thuyết, điều mà Đảng Cộng sản Trung Quốc gọi là lý thuyết chủ nghĩa xã hội hoặc lý luận của đảng. Lý luận này quan trọng đối với tiến trình đó bởi vì nền tảng cho tính hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc về cơ bản nằm ở sự khẳng định của đảng đối với việc áp đặt một hệ phương pháp luận trí thức cho Đảng Cộng sản Trung Quốc các đặc quyền độc nhất vô nhị tiếp cận những sự thật về tình hình xã hội và kinh tế của Trung Quốc. Trọng tâm cốt lõi trong sự chỉ đạo chiến lược và chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc gồm có việc áp dụng những điều rút ra từ lý luận này, được gọi là “hệ thống lý luận xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc”. Như báo cáo của Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giải thích, tất cả các thành tựu của Đảng Cộng sản Trung Quốc “phụ thuộc vào sự chỉ đạo được rút ra từ lý luận, đường lối, các nguyên tắc hoạt động và những kinh nghiệm của đảng”. 

Một sự thay đổi lớn về mặt lý luận do đó đòi hỏi phải có những thay đổi trong chỉ đạo chính sách. Điều ngược lại cũng đúng – bất kỳ thay đổi lớn nào trong sự chỉ đạo chính sách cũng đều đòi hỏi phải có những thay đổi về mặt lý luận để được tiến hành hợp pháp. Quá trình xây dựng sự đồng thuận xung quanh chương trình lý luận và chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc do đó là trọng tâm của bất kỳ nỗ lực cải cách lớn nào. Khi ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng lý luận đã được sửa đổi của họ để xây dựng sự đồng thuận xung quanh nhu cầu thay đổi chính sách cấp bách, nó tạo ra vốn chính trị cần thiết để thúc đẩy các cơ quan và các quan chức thực hiện những chính sách mới. Quá trình này cần nhiều thời gian và năng lượng, vì nó bao gồm ít nhất 4 bước quan trọng: (1) Đánh giá chiến lược; (2) Phát triển lý luận; (3) Chỉ đạo; (4) Thực hiện. 

Đánh giá chiến lược : Sau quá trình nghiên cứu sâu rộng, các chuyên gia phân tích của Đảng Cộng sản Trung Quốc đúc rút được những đánh giá chiến lược về những xu hướng và sự phát triển lớn liên quan đến tình hình trong nước của Trung Quốc cũng như tình hình quốc tế. Những đánh giá này thường được viết dưới dạng một loạt “những mâu thuẫn chủ yếu,” mô tả những trở ngại đối với sự phát triển của Trung Quốc. Vào năm 2002, ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhất trí về một loạt đánh giá chiến lược mà họ gắn với “thế kỷ mới” trong “giai đoạn mới” (kỷ nguyên cải cách và mở cửa). Những đánh giá này đã xuất hiện trong báo cáo công tác Đại hội 16 Đảng Cộng sản Trung Quốc và các tài liệu chính thức khác. 

Các khái niệm lý luận : Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc khớp nối sự diễn giải lý luận và hưởng ứng chính sách với sự đánh giá chiến lược dưới hình thức các khái niệm chiến lược lớn (các tư tưởng chiến lược quan trọng). Những khái niệm chiến lược lớn là những đánh giá chính thức, mang tính lý luận về tình hình hiện tại của Trung Quốc và quy định những chính sách đối phó với toàn bộ các lĩnh vực chính sách, bao gồm kinh tế, đảng, chính phủ, văn hóa và quân sự. Vào năm 2003, Hồ Cẩm Đào đã đưa ra khái niệm chiến lược lớn của nhà lãnh đạo này, “khái niệm phát triển khoa học,” để giải quyết những sự mâu thuẫn nổi bật từ sự phát triển mất cân đối và không cân bằng của Trung Quốc. 

Sự chỉ đạo : Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc xuất phát từ sự chỉ đạo chiến lược và chính sách dựa trên những kết luận bắt nguồn từ khái niệm chiến lược lớn. Đại hội 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chuẩn bị cho các cuộc cải cách cơ cấu hiện nay khi sự kiện quan trọng này đã vạch ra sự chỉ đạo chính sách mới dựa trên việc đảng thông qua khái niệm phát triển khoa học như là “nguyên tắc chỉ đạo đối với toàn bộ sự phát triển kinh tế và xã hội”. 

Thực hiện : Việc thực hiện bao gồm hai nỗ lực chính: (1) Công tác chính trị để xã hội hóa những khái niệm lý luận mới và sự chỉ đạo có liên quan đối với các quan chức của đảng và công chúng; (2) Lên kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ để ban hành và thực hiện những chính sách mới. Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng một loạt công cụ trên phạm vi rộng, được rút ra chủ yếu từ những phương pháp tổ chức theo chủ nghĩa Lenin truyền thống như sự truyền thụ (giờ đây được gọi là “bồi dưỡng và học tập bắt buộc”), các chiến dịch chính trị (“các hoạt động mang tính giáo dục”), và các buổi phê bình (“các cuộc họp đời sống dân chủ”), để xây dựng sự đồng thuận chính trị trong việc ủng hộ các khái niệm lý luận mới và những sự chỉ đạo kèm theo. Việc lên kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ bao gồm các cuộc họp công tác, việc đưa ra các kế hoạch, đề cương, và những tài liệu thi hành khác, cùng những sự kiểm tra và các biện pháp khác là nhằm đảm bảo sự tuân thủ. 

Chắc chắn là việc thực hiện vẫn luôn là phần khó khăn nhất của quá trình này. Nó có đặc thù là diễn ra trong nhiều năm và ngốn rất nhiều năng lượng chính trị. Ví dụ, vào đầu năm 1997, báo cáo Đại hội 15 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thừa nhận tính cấp bách của việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế sang một mô hình cân bằng, mang tính khoa học và toàn diện hơn. Nhà lãnh đạo Hồ Cẩm Đào đã khớp nối những đặc điểm chính về những sự đánh giá chiến lược, các khái niệm lý luận, sự chỉ đạo bắt nguồn từ đó để tạo thành “khái niệm phát triển khoa học” vào năm 2003. Khoảng thời gian còn lại trong nhiệm kỳ của Hồ Cẩm Đào bao gồm các nỗ lực thực hiện sự chỉ đạo chiến lược và chính sách thông qua những nỗ lực xây dựng sự đồng thuận và các cải cách bổ sung. Ban lãnh đạo Trung Quốc kiên trì thực hiện những nỗ lực này thông qua các hội nghị công tác, các khóa nghiên cứu học tập, các cuộc họp chính thức, và các chiến dịch chính trị. Mặc dù đội ngũ của ông Hồ Cẩm Đào đã đạt được sự tiến triển đáng kể trong việc thực hiện những khía cạnh của chương trình nghị sự này, nhưng họ đã không thực hiện được những cải cách cơ cấu kinh tế và chính phủ quan trọng. 

Một tiến trình tương tự đã xảy ra với PLA trong cùng giai đoạn này. Vài tháng sau khi lên làm Chủ tịch Quân ủy Trung ương vào năm 2004, ông Hồ Cẩm Đào đã khớp nối những yếu tố trong khái niệm phát triển khoa học với sự phát triển của quân đội Trung Quốc. Sự chỉ đạo trong vấn đề này gồm có một loạt những sứ mệnh và nhiệm vụ mới, được biết đến với tên gọi “những sứ mệnh lịch sử”. Ông Hồ Cẩm Đào cũng vạch ra sự chỉ đạo nhằm thực hiện “4 sự đổi mới” - những sự đổi mới trong lý luận, công nghệ, tổ chức và quản lý quân sự - vào năm 2006, điều mà chính quyền Trung ương Trung Quốc đã hệ thống hóa trong báo cáo công tác Đại hội 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong thời gian cầm quyền còn lại của ông Hồ Cẩm Đào, PLA đã tiến hành những nỗ lực nhằm xây dựng sự đồng thuận đằng sau chương trình nghị sự này và đã thực hiện các cuộc cải cách bổ sung. Tuy nhiên, PLA đã không thực hiện được những cải cách cơ cấu cần thiết để thực sự làm cho quân đội Trung Quốc chuyển đổi được như kỳ vọng trong sự chỉ đạo của nhà lãnh đạo Hồ Cẩm Đào. 

Những hạn chế đối với tiến trình chính trị định hướng sự tập trung hóa 

Sự tiến triển hạn chế trong việc thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, chính phủ, Đảng Cộng sản Trung Quốc và quân đội nước này có lẽ phần nào phản ánh một kế hoạch có tính toán nhằm kiềm chế quyền lực của các Chủ tịch Quân ủy Trung ương sắp mãn nhiệm. Như trong hai trường hợp tái cơ cấu trước đây, các cuộc cải cách lớn được công bố tại Hội nghị Trung ương 3 gần đây chỉ được đưa ra sau khi Tổng Bí thư mãn nhiệm Hồ Cẩm Đào đã từ chức và Tổng Bí thư mới lên nắm quyền. Sự giải thích đơn giản nhất cho mô hình này là những hoạt động tái cơ cấu lớn phải đợi đến khi những khái niệm lý luận đã được ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc tán thành hoàn toàn thông qua việc phê chuẩn những khái niệm đó là một phần của tư tưởng chỉ đạo tại một Đại hội Đảng toàn quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa “Tư tưởng Đặng Tiểu Bình” vào tư tưởng chỉ đạo năm 1997, “Thuyết 3 đại diện” của Giang Trạch Dân vào tư tưởng chỉ đạo năm 2002, và “Khái niệm phát triển khoa học” của Hồ Cẩm Đào vào tư tưởng chỉ đạo năm 2012. 

Tuy nhiên, những sự phát triển liên quan đến kinh tế và chính trị của Trung Quốc cho thấy vẫn còn tồn tại các vấn đề sâu hơn. Sự phát triển truyền thống, cách tiếp cận xây dựng sự đồng thuận đối với cải cách đã tỏ ra thiếu hiệu quả vào năm 2009 trong việc giải quyết những vấn đề ngày càng nghiêm trọng của Trung Quốc xuất phát từ sự tăng trưởng nhanh chóng của nước này – các vấn đề đã bị cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu làm trầm trọng thêm. Sự kiệt sức của mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và đầu tư kéo dài trong nhiều thập kỷ đòi hỏi phải cải cách cơ cấu kinh tế đầy đau đớn, nhưng nhiều nhóm lợi ích thâm căn cố đế trong mô hình cũ đã chống lại cải cách. Những ví dụ về các cuộc “Cách mạng hoa nhài” đã nêu bật sự cấp bách phải cải thiện các cơ quan chính phủ lạc hậu xơ cứng để cải thiện phản ứng và năng lực. Trong PLA, một cơ cấu chỉ huy lỗi thời trong thời kỳ chiến tranh công nghệ đã cản trở khả năng của lực lượng này tiến hành các hoạt động chung. Tuy nhiên, các tướng lĩnh và các cơ quan đầy quyền lực được hưởng lợi từ những lỗ hổng và sự thiếu sót trong hệ thống cũ đã chống lại các cuộc cải cách. 

Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã ám chỉ đến những thách thức này sau Hội nghị Trung ương 3 khi ông nhấn mạnh “những mâu thuẫn và các thách thức đặc biệt” mà đất nước Trung Quốc đang đối mặt, bao gồm “sự thiếu cân bằng, thiếu phối hợp và thiếu bền vững trong phát triển” và “sự gia tăng các vấn đề xã hội”. Những thách thức này đã bị sự phức tạp của những nhu cầu cải cách làm cho tồi tệ thêm. Tại Đại hội 18 năm 2012, Thủ tướng Trung Quốc khi đó, ông Ôn Gia Bảo đã nhận xét rằng các vấn đề thể chế và cơ cấu đã ngày càng trở nên “khó giải quyết” bởi vì “một số vấn đề dài hạn và ngắn hạn đan xen với nhau; các nhân tố mang tình cấu trúc và tuần hoàn tác động lẫn nhau; các vấn đề trong nước và quốc tế có liên quan đến nhau; và công tác kiểm soát vĩ mô của chúng ta đối mặt một tình hình phức tạp hơn”. 

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã kết luận rằng một đường hướng toàn diện, từ trên xuống dưới đối với việc thực hiện các cải cách cơ cấu trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, chính phủ và quân sự đã trở nên cần thiết để bổ sung thêm vào những thiếu sót trong các quy trình truyền thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 chỉ là biểu tượng công khai nhất về quyết tâm của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình nhằm tập trung quyền lực để theo đuổi những sự thay đổi cơ cấu lớn. Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc gần đây đã công bố thành lập một Ban Chỉ đạo Trung ương về Thúc đẩy Cải cách Toàn diện để giám sát “cải cách tổng thể”. Ban chỉ đạo này sẽ “lên kế hoạch cải cách từ một cơ sở tổng thể, sắp xếp và điều phối cải cách, và giám sát việc thực hiện các kế hoạch cải cách”. 

Những trở ngại đối với cải cách 

Thực tế rằng PLA đã mất nhiều năm để theo đuổi việc tái tổ chức và những cải cách cơ cấu khác không phải là điều bất thường đối với bản thân họ. Cách tiếp cận truyền thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với sự thay đổi lớn thường đòi hỏi một công tác chính trị mạnh mẽ và lên kế hoạch trong nhiều năm để xây dựng sự đồng thuận cần thiết cho việc thực thi những chính sách mới. Đáng chú ý hơn là thực tế rằng các nhà lãnh đạo cấp cao trong Chính quyền Tập Cận Bình có vẻ như đã kết luận rằng các quy trình chính trị truyền thống là không đủ để tiến hành các kiểu cải cách cần thiết hiện nay. 

Nhưng đã được Mao Trạch Đông chắt lọc, các quy trình chính trị truyền thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ yếu được rút ra từ các phương pháp kỹ thuật tổ chức của chủ nghĩa Lenin. Việc theo đuổi một mô hình quản trị ổn định hơn của Trung Quốc đã dẫn đến một sự chắt lọc trong quá trình này. Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc giờ đây dựa nhiều hơn vào sự kiểm soát thông qua việc lôi kéo bằng cách thăng chức và những sự khích lệ khác nhằm giành được sự phục tùng và giảm thiểu tối đa nhu cầu bạo lực. Nhà chức trách Trung Quốc cũng đã bổ sung nhiều biện pháp hiện đại hơn vào những phương pháp kỹ thuật truyền thống của chủ nghĩa Lenin, ví dụ như những đánh giá về sự thể hiện và đào tạo chuyên môn nhằm xây dựng sự đồng thuận chính trị và đảm bảo việc thực thi chính sách. Tuy nhiên, những phương pháp này trong những năm gần đây đã tỏ ra không phù hợp với mục đích thuyết phục các nhóm lợi ích đầy quyền lực ủng hộ những cuộc cải cách. Hơn nữa, biện pháp xây dựng sự đồng thuận truyền thống không phù hợp với việc thực hiện những cải cách toàn diện trong các lĩnh vực chính sách phức tạp và có đặc điểm là phức tạp về mặt kỹ thuật. 

Những triển vọng cho cải tổ cơ cấu PLA phụ thuộc vào việc nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và chính quyền của ông tập trung quyền lực chính trị tốt đến mức nào để tiến hành các cải cách cơ cấu rộng hơn đối với nền kinh tế, chính phủ và các lĩnh vực chính sách khác. Những trở ngại ngăn cản các nỗ lực tiến hành cải cách cơ cấu trong quân đội Trung Quốc là những vấn đề tương tự đang gây trở ngại cho những nỗ lực thực hiện cải cách cơ cấu toàn diện. Điều quan trọng nhất trong số những vấn đề này nằm ở sự phản đối tiềm tàng từ các cá nhân và các nhóm lợi ích đầy quyền lực, những người chịu nhiều tổn thất do các cuộc cải cách. Là một quân đội chính trị, PLA không thể tránh khỏi việc bị kéo vào các cuộc đua tranh quyền lực. Thật vậy, PLA đã có một tiền lệ xấu là trường hợp của Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hậu cần PLA, Tướng Cốc Tuấn Sơn, người được cho là đã coi thường các nỗ lực của PLA trong việc thực thi kỷ luật. Tướng Cốc Tuấn Sơn chỉ bị cách chức khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào khi đó ra lệnh cho Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương can thiệp bằng cách giám sát cơ quan kỷ luật của PLA. Việc Chính quyền Tập Cận Bình xử lý như thế nào những sự phản đối chính trị đối với các nỗ lực của họ nhằm tiến hành cải cách cơ cấu sâu rộng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định và những triển vọng của quân đội lớn nhất thế giới này.

Theo The Jamestown Foundation

Văn Cường (gt)