Ảnh: The Economist

Đây là những ngày đau đầu với Trần Tư Tư, ngôi sao của một nhóm nhạc nhảy do một công ty tên lửa hạt nhân của Trung Quốc quản lý. Trong nhiều tuần, bản ballad “Giấc mộng Trung Hoa” của cô đã đứng đầu các bảng xếp hạng nhạc dân gian. Cô đã biểu diễn bài hát này trên truyền hình quốc gia trước những phông nền viđeo hình các đoàn tàu cao tốc, máy bay phản lực cất cánh từ tàu sân bay mới được hạ thủy của Trung Quốc và phong cảnh đồng quê. Hơn 1,1 triệu người hâm mộ đã theo dõi trang tiểu blog của cô, nơi cô đăng các dòng tweet (tin nhắn) về giấc mộng Trung Hoa.

Cô Trần đang đóng vai trò của mình trong một loạt dồn dập chiến dịch tuyên truyền có chủ đề giấc mơ do Đảng Cộng sản phát động. Các trường học đã tổ chức những cuộc thi nói về giấc mộng Trung Hoa. Một số trường đã dựng các “bức tường giấc mơ” mà học sinh có thể dán giấy ghi chú lên đó thể hiện tầm nhìn của chúng về tương lai. Các quan chức đảng đã lựa chọn những người mơ mộng mẫu mực để tới thăm các công sở và truyền cảm hứng cho những người khác bằng những thành tích của họ. Giới hàn lâm đang được khuyến khích đưa ra các đề xuất nghiên cứu “giấc mộng Trung Hoa”. Báo chí ngày càng nhắc nhiều đến nó. Vào tháng 12/2012 giới truyền thông nhà nước và các nhà nghiên cứu của chính phủ tự cho là dựa trên cơ sở những nghiên cứu về cách sử dụng của nó, đã tuyên bố “mộng” (giấc mơ) là chữ Trung Quốc của năm 2012.

Tuy nhiên, chính một cách sử dụng rất cụ thể ngay trước khi công bố chủ đề này hồi tháng 12/2012 khiến cho đất nước mơ mộng. Vào ngày 29/11, 2 tuần sau khi được bổ nhiệm làm tổng bí thư đảng và chủ tịch quân ủy trung ương, Tập Cận Bình đã tới thăm Bảo tàng Quốc gia đồ sộ cạnh Quảng trường Thiên An Môn. Hai bên là 6 đồng nghiệp trông nghiêm trang, mặc đồ đen thuộc ban thường vụ Bộ Chính trị, ông Tập Cận Bình đã nói với một nhóm báo chí và nhân viên bảo tàng rằng “giấc mộng Trung Hoa vĩ đại nhất” là “sự hồi sinh vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”.

Những điểm mềm

Việc áp dụng một khẩu hiệu cá nhân – một khẩu hiệu truyền đạt ý thức về sự khôn ngoan phi thường và tầm nhìn trong một giai đoạn ngắn, đáng nhớ và có lẽ có phần mờ mịt – đã là nghi lễ chuyển giao đối với tất cả các nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ sau Mao Trạch Đông. Dù vậy khẩu hiệu “giấc mộng Trung Hoa” của ông Tập Cận Bình là ngoại lệ. Không khí bình dân của nó có thể được hiểu là một sự chỉ trích đối với những khẩu hiện tẻ nhạt của người tiền nhiệm của ông: “tầm nhìn phát triển khoa học” được Hồ Cẩm Đào yêu thích; thuyết “Ba Đại diện” thậm chí còn khó hiểu hơn được người tiền nhiệm của ông Hồ Cẩm Đào, Giang Trạch Dân, ấp ủ. Nó không ám chỉ tư tưởng hay chính sách của đảng. Nó phù hợp, có thể tương đối cố ý, với một khái niệm của nước ngoài – giấc mơ Mỹ. Nhưng nó được tính toán trong sự mơ hồ của nó. Những khẩu hiệu trước đây, như “cải cách và mở cửa” của Đặng Tiểu Bình, có thể được hiểu một cách rộng rãi về chính sách. Giấc mơ dường như được đưa ra để truyền cảm hứng thay vì thông báo.

Chủ nghĩa tượng trưng của sự sắp đặt mà ở đó ông Tập Cận Bình lần đầu tiên lên tiếng về khẩu hiệu của mình nói lên nhiều hơn những lời đi kèm với nó. Cuộc triển lãm “Đường đến Hồi sinh” của Bảo tàng Quốc gia là một cuộc tuyên truyền xuyên suốt lịch sử Trung Quốc kể từ giữa thế kỷ 19. Mục đích của nó là thể hiện sự đau khổ của Trung Quốc dưới bàn tay của các cường quốc thực dân trong “thế kỷ bị sỉ nhục” và sự phục hồi vinh quang cuối cùng của nước này dưới sự lãnh đạo của đảng. Những lời nói của ông Tập Cận Bình ngụ ý rằng giấc mộng Trung Hoa, trái với điều tương đương của Mỹ, liên quan đến điều gì đó hơn là sự thoải mái về vật chất của tầng lớp trung lưu. Bối cảnh của ông tỏ rõ rằng ông đang thể hiện sức mạnh của mình với tư cách là một người theo chủ nghĩa dân tộc và một người tin tưởng vào đảng.

Kể từ ngày ra mắt đó vào tháng 11/2012 ông Tập Cận Bình đã quay trở lại ý tưởng về giấc mơ này trong nhiều dịp. Vào tháng 3/2012 giấc mộng Trung Hoa là chủ đề chính của bài phát biểu nhậm chức trước Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, Quốc hội của Trung Quốc, khi được bổ nhiệm làm chủ tịch nước. Vào đầu tháng 4, tại một diễn đàn hàng năm có các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh nước ngoài tham dự ở hòn đảo nhiệt đới Hải Nam, ông Tập Cận Bình nói giấc mộng Trung Hoa sẽ được hoàn thành vào giữa thế kỷ. Ngày hôm sau, người đứng đầu về công tác tuyên truyền của đảng, Lưu Vân Sơn, đã yêu cầu khái niệm giấc mộng Trung Hoa phải được viết vào sách giáo khoa để đảm bảo rằng nó “đi vào đầu óc của học sinh”.

Việc ông Tập Cận Bình nhắc đi nhắc lại khẩu hiệu này, như thể tập hợp các binh sĩ bị mất ý chí, nói bóng gió về một cảm giác của đảng rằng bất chấp tất cả những thành tựu kinh tế xuất sắc của nước này, Trung Quốc vẫn đang phải vật lộn để giành được cảm tình của công chúng. Ông đã tìm cách giải quyết điều này bằng cách phát biểu cứng rắn về tham nhũng (“chống lại những con hổ và những con ruồi cùng một lúc”) và tuyên chiến với sự hoang phí của chính phủ (chỉ “4 món và một bát canh”). Để đạt được mục đích này ông đã trau dồi một phong cách “người của nhân dân”; nhiều người tin vào một bài báo trên một tờ báo thân Cộng sản ở Hồng Công rằng ông đã có một chuyến đi bằng taxi ở Bắc Kinh, cho đến khi truyền thông nhà nước bác bỏ điều này. Giọng điệu về giấc mơ phù hợp với hình ảnh đó.

Đó cũng là lối nói đặc trưng của ông Tập Cận Bình. Thuật ngữ này đã được sử dụng trong tiêu đề của hai cuốn sách Trung Quốc những năm gần đây. Nó cũng được dùng nhiều lần trong bình luận của nước ngoài về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhưng nó không được sử dụng thường xuyên trước chuyến đi của ông Tập Cận Bình đến bảo tàng.

Những câu chuyện trên cát

Khẩu hiệu này đến từ đâu? Có thể là từ tờ New York Times. Tháng 10/2012, ngay trước khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, tờ New York Times đã đăng một chuyên mục của Thomas Friedman có tựa đề “Trung Quốc cần giấc mơ của riêng mình”. Ông Friedman đã nói rằng nếu giấc mơ của ông Tập Cận Bình cho tầng lớp trung lưu đang nổi lên của Trung Quốc chỉ giống như giấc mơ Mỹ (“một chiếc xe hơi lớn, một ngôi nhà lớn và bánh hambơgơ lớn cho mọi người”) thì sẽ cần có “một hành tinh khác”. Thay vào đó ông hối thúc ông Tập Cận Bình đưa ra “một giấc mộng Trung Hoa mới đáp ứng những kỳ vọng của người dân về sự thịnh vượng với một Trung Quốc bền vững hơn”. Tờ báo có lượng lưu hành lớn nhất của Trung Quốc, Tin tức tham khảo đã đăng một bản dịch.

Theo Tân Hoa Xã, một hãng thông tấn của chính phủ, giấc mộng Trung Hoa “bất ngờ trở thành một chủ đề nóng trong các nhà bình luận trong và ngoài nước”. Khi ông Tập Cận Bình bắt đầu sử dụng cụm từ này, tờ Globe , một tạp chí được Tân Hoa Xã phát hành, đã gọi ý tưởng về giấc mộng Trung Hoa của ông Tập Cận Bình là “sự đáp lại tuyệt vời nhất đối với Friedman”. Giáo sư Trương Minh thuộc Đại học Nhân dân cho biết ông Tập Cận Bình có thể đã cố tình sử dụng thuật ngữ này như một cách để cải thiện đối thoại với Mỹ, nơi nó sẽ được sẵn sàng hiểu rõ. Ông Tập Cận Bình đã chứng kiến giấc mơ Mỹ rất gần, dành hai tuần trong năm 1985 ở cùng một gia đình nông thôn tại Iowa. (Ông đã tới thăm họ trong một chuyến đi tới Mỹ vào năm 2012 với tư cách là nhà lãnh đạo sắp nhậm chức).

Điều đó không có nghĩa là những sự suy tính của ông về giấc mơ đã được đưa ra để đáp ứng yêu cầu của ông Friedman về tăng trưởng bền vững hơn. Ít nhất là về giọng điệu, một nhu cầu như vậy là trung tâm cho chính sách của đảng từ lâu trước khẩu hiệu mới nhất này. “Tầm nhìn phát triển khoa học” của ông Hồ Cẩm Đào đều liên quan đến việc thân thiện hơn với môi trường, dù 10 năm cầm quyền của ông đã chứng kiến nạn tàn phá môi trường không thương xót hầu như không giảm bớt. Thông qua những cuộc phản kháng và bình luận của truyền thông, công chúng đang gây sức ép lên ông Tập Cận Bình đòi hoàn thành công việc một cách mạnh mẽ hơn. Nhưng ông đã dè dặt không đưa ra những cam kết. Vào ngày 15/11/2012, trong bài phát biểu đầu tiên sau khi lên giữ chức tổng bí thư, ông Tập Cận Bình đã đề cập đến “một môi trường tốt hơn” ở gần cuối một danh sách những điều ông nói là nguyện vọng của quần chúng. Giáo dục tốt hơn và công ăn việc làm ổn định hơn được đặt lên hàng đầu.

Nếu giấc mộng Trung Hoa của ông Tập Cận Bình không phải của ông Friedman, thì nó là gì? Cho tới nay điều đó đang cố tình bị làm cho mơ hồ. Những nguyên tắc bất thành văn về hoạt động chính trị thừa kế ở Trung Quốc đòi hỏi ông Tập Cận Bình phải giữ bí mật những ưu tiên chính sách của mình vào đầu nhiệm kỳ, và trung thành với các đường lối chỉ đạo được những người tiền nhiệm của ông đặt ra. Ông gần như bị buộc phải làm việc hướng tới những mục tiêu của kế hoạch kinh tế 5 năm được thông qua dưới thời ông Hồ Cẩm Đào năm 2011 (vốn mạnh mẽ về nhu cầu phải tăng trưởng thân thiện với môi trường hơn). Ông cũng trung thành với các kế hoạch dài hạn hơn của đảng: đạt được “một xã hội khá giả” vào thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập đảng vào năm 2021 (1 năm trước khi ông Tập Cận Bình phải nghỉ hưu); xây dựng một “đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại giàu có, hùng mạnh, dân chủ, văn minh và hài hòa” vào năm 2049, năm kỷ niệm 100 năm thành lập đất nước Cộng sản. (Ý nghĩa của những câu chữ này chưa bao giờ được làm rõ, nhưng các quan chức nói công khai rằng “dân chủ” không liên quan đến hoạt động chính trị đa đảng) Nếu tiền lệ là bất cứ chỉ dẫn gì, thì ông Tập Cận Bình sẽ không bắt đầu bất kỳ sự chắp nối nghiêm túc nào với chính sách cho tới một hội nghị ban chấp hành trung ương của đảng vào mùa Thu tới, một năm sau khi ông lên nắm quyền.

Sự mơ hồ của khẩu hiệu “giấc mộng Trung Hoa” cho phép ông Tập Cận Bình đi theo những mục tiêu đã được thừa hưởng này trong khi bóng gió rằng dưới quyền của ông, sự thay đổi là có thể. Nhưng sự thiếu đặc trưng cũng đem theo những rủi ro. Nó đem lại một không gian trong đó người Trung Quốc có thể nghĩ về những giấc mơ của riêng họ - điều có thể không trùng hợp với giấc mơ của ông Tập Cận Bình. Kể từ tháng 11/2012 thuật ngữ này đã được thảo luận và thậm chí tranh luận trong khắp giới chính trị, cả trên các bài viết được giới truyền thông chính thức công bố lẫn trong các bài viết trên mạng. Trên thực tế, công chúng đang tự định nghĩa giấc mơ này.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc coi giấc mơ của riêng họ là chính đáng. Đối với họ, ông Tập Cận Bình cao ráo và đẫy đà đại diện cho một sức sống mới trong nền chính trị Trung Quốc sau vẻ u ám đầy cố ý của ông Hồ Cẩm Đào. Thảo luận của ông về sự hồi sinh của Trung Quốc có nghĩa rằng Trung Quốc có một vị trí chính đáng ở trên đỉnh cao của trật tự toàn cầu.

Năm 1820, như một số nhà sử học tính toán và các nhà bình luận Trung Quốc muốn chỉ ra, GDP của Trung Quốc chiếm 1/3 tổng GDP toàn cầu. Sau đó những sự đảo ngược của thế kỷ bị sỉ nhục đã khiến nó giảm xuống. Vào những năm 1960, GDP của Trung Quốc đã giảm xuống chỉ 4% tổng số của thế giới. Theo Conference Board, một tổ chức nghiên cứu kinh doanh, hiện nay nó đã phục hồi đến khoảng 1/6 GDP của thế giới – và ít nhất là 90% của Mỹ – tính theo sức mua tương đương. Những người theo chủ nghĩa dân tộc háo hức chờ đợi ngày mà nền kinh tế Trung Quốc một lần nữa trở nên lớn nhất thế giới theo mọi thước đo, một ngày mà nhiều nhà quan sát chờ đợi là sẽ hé mở trong khi ông Tập Cận Bình vẫn là nhà lãnh đạo.

Ông Tập Cận Bình dường như lo lắng với việc giành được sự ủng hộ của những người dân tộc chủ nghĩa, đặc biệt là trong các lực lượng vũ trang, và những sự trợ giúp thảo luận về giấc mơ. Vào tháng 12/2012, trong một chuyến đi kiểm tra hải quân ở miền Nam Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã nói về “một giấc mơ quân đội hùng mạnh” và nói rằng việc kiên định tuân theo những mệnh lệnh của đảng là “tinh thần của một quân đội hùng mạnh” – một cú đánh vào những người tự do vốn lập luận rằng quân đội nên bị xóa bỏ khỏi quyền kiểm soát trực tiếp của đảng. Vào tháng 3/2013 quân đội đã ra một thông báo cho các binh sĩ rằng “giấc mơ quốc gia hùng mạnh về một sự hồi sinh vĩ đại của người dân Trung Quốc” trên thực tế là một “giấc mơ quân đội hùng mạnh”.

Âm thanh và sự giận dữ

Những người dân tộc chủ nghĩa diều hâu, đặc biệt là các quân nhân, là một nhóm cử tri mà ông Tập Cận Bình không thể phớt lờ. Trong những năm gần đây, các quan điểm của họ đã được thể hiện cởi mở hơn nhờ sự nới lỏng kiểm soát xuất bản của các quan chức. Không lâu sau khi ông Tập Cận Bình lần đầu tiên nói về giấc mộng Trung Hoa vào tháng 11/2012, các nhà xuất bản cuốn sách năm 2010 có tên “ Giấc mộng Trung Hoa: Tư duy nước lớn và Tư thế chiến lược trong kỷ nguyên hậu Mỹ ” vội vã đưa ra một bản in mới. Truyền thông chính thức, vốn hào hứng thảo luận việc sử dụng khái niệm giấc mơ trước đó của ông Friedman, đã không cho rằng cuốn sách có bất kỳ mối liên kết nào với khẩu hiệu của ông Tập Cận Bình. Nhưng nó là công trình được trưng bày nổi bật nhất về chủ đề giấc mơ trong một hiệu sách nhà nước lớn gần Quảng trường Thiên An Môn. Tác giả của cuốn sách, Lưu Minh Phúc, một đại tá, lập luận rằng Trung Quốc nên giành lại vị trí của mình là quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới, một vị trí nước này đã nắm giữ trong 100 năm trước khi bị sỉ nhục.

Ông Tập Cận Bình ưa thích né tránh bất kỳ thảo luận công khai nào về việc vượt qua sức mạnh Mỹ. Trong một chuyến thăm Nga vào tháng 3/2013 (chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ông với tư cách là chủ tịch nước) ông đã nói rằng việc hoàn thành giấc mộng Trung Hoa sẽ có lợi cho tất cả các nước. Nhưng như Henry Kissinger cho biết trong cuốn sách năm 2011 của mình, “ Về Trung Quốc ”, quan điểm của ông Lưu Minh Phúc phản ánh “ít nhất một thành phần nào đó trong cấu trúc thể chế của Trung Quốc”. Khi những căng thẳng chọc tức Nhật Bản, Việt Nam và Philíppin về các tuyên bố chủ quyền lãnh hải, vai trò của các nhân vật mờ ảo này trong số những nhà hoạch định chính sách an ninh của Trung Quốc là một chủ đề có nhiều suy đoán. Ông Tập Cận Bình đã không giúp xua tan bầu không khí nặng nề.

Sự tự đắc của Trung Quốc không giới hạn ở các nước láng giềng của nước này. Trong khi tìm cách không đề cập đích danh Mỹ, Sách Trắng Quốc phòng hồi tháng 4 đã bắt bẻ “sự chuyển hướng” an ninh hướng về châu Á khiến tình hình trong khu vực “căng thẳng hơn”. Truyền thông do nhà nước kiểm soát đã đi xa hơn. Tờ China Daily , một tờ báo ở Bắc Kinh, đã trích dẫn lời “các chuyên gia quân sự” khi nói rằng Chính phủ Trung Quốc không có vấn đề gì với việc Mỹ tìm cách can dự vào sự thịnh vượng của khu vực này. Nhưng Trung Quốc nói rằng nước này lo ngại sự chú trọng mới của Mỹ vào các liên minh của Mỹ ở châu Á “có thể được nhằm vào Trung Quốc và làm xáo trộn ‘giấc mộng Trung Hoa’ của công cuộc đại tu quốc gia”.

Sách Trắng được công bố ngay sau khi John Kerry, Ngoại trưởng Mỹ, tới thăm Bắc Kinh vào tháng 4/2013. Chuyến đi nhằm tái bảo đảm với Trung Quốc cam kết của Mỹ về mối quan hệ tốt đẹp sau khi Barack Obama tái đắc cử và ông Tập Cận Bình được chuyển giao quyền lực. Ông Kerry nói ở Tôkyô sau khi rời Bắc Kinh: “Các bạn đều đã nghe về giấc mơ Mỹ. Hiện nay nhà lãnh đạo mới của Bắc Kinh đã đưa ra cái mà ông gọi là ‘giấc mộng Trung Hoa’”. Ông Kerry tìm cách hòa giải hai nước bằng cách đề xuất rằng Mỹ, Trung Quốc và các nước khác nên làm việc hướng tới một “giấc mơ Thái Bình Dương” về hợp tác trong các vấn đề từ gia tăng công ăn việc làm và biến đổi khí hậu cho đến dịch bệnh và tăng trưởng dân số.

Nhưng đề xuất này hầu như không làm dịu bớt những sự đề phòng lẫn nhau của hai nước. Một nhà bình luận người Trung Quốc cho biết ý tưởng về một giấc mơ Thái Bình Dương là nỗ lực nhằm truyền bá giấc mơ Mỹ đến mọi ngóc ngách của châu Á để đảm bảo rằng “quyền thống trị khu vực này của Mỹ sẽ không bao giờ chuyển sang tay người khác”. Đối với những người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc điều đó giống một cơn ác mộng hơn.

Mặc dù không nghi ngờ gì ông Tập Cận Bình nhận thấy một nhu cầu hành động hướng về những tình cảm như vậy, ông chắc chắn chia sẻ sự đề phòng của người tiền nhiệm của mình đối với ít nhất một số thành phần của chúng. Lịch sử Trung Quốc hiện đại cho thấy nhiều ví dụ về các phong trào chống chính phủ đội lốt chủ nghĩa dân tộc. Và thảo luận về giấc mơ của ông rõ ràng cũng nhằm vào một bộ phận khán giả rộng rãi hơn. Trong khi bài phát biểu của ông vào tháng 11/2012 về giấc mộng Trung Hoa viện đến nguồn gốc dân tộc chủ nghĩa, vào tháng 3/2013 ngôn từ của ông đã trở nên mềm mỏng hơn. Ông nói tại Quốc hội: “Cuối cùng giấc mộng Trung Hoa là giấc mộng của nhân dân”, không hề nhắc đến thế kỷ bị sỉ nhục. (Trong khoảng thời gian này các phương tiện truyền thông tiếng Anh, vốn ban đầu còn do dự, đã lựa chọn “Chinese dream” (giấc mộng của người Trung Hoa) thay vì “China dream” (giấc mộng Trung Hoa) như một cách dịch, do đó khôn khéo nhấn mạnh người dân hơn quốc gia) Một bài báo do Mạng Tài Tân , một cổng tin tức của Bắc Kinh, đăng tải nói rằng “không thiếu sự cạnh tranh giữa giấc mơ Mỹ và giấc mộng Trung Hoa”. Nhưng mạng này nói Trung Quốc cần phải giải quyết điều này bằng cách thúc đẩy “sức hấp dẫn về đạo đức của mình với các nước khác”. Những tiếng nói hòa bình cũng có rất nhiều ở Trung Quốc.

Cùng chung sống

Bằng việc gợi lên giấc mơ Mỹ một cách hời hợt với ngôn từ của mình, ông Tập Cận Bình có thể đang tìm cách làm yên lòng tầng lớp trung lưu mới của đất nước, nhóm cử tri có thể đại diện cho một thách thức đầy sức mạnh đối với quyền cai trị của đảng nếu họ trở nên thật sự bất mãn. Các quan chức dự đoán rằng tăng trưởng kinh tế dưới thời ông Tập Cận Bình sẽ chậm hơn dưới thời ông Hồ Cẩm Đào. Ông Tập Cận Bình đang cho rằng điều này sẽ không có nghĩa là thắt lưng buộc bụng tầng lớp trung lưu.

Lý Xuân Linh, một chuyên gia nghiên cứu về tầng lớp trung lưu thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng giấc mơ của các thành viên tầng lớp trung lưu giàu có hơn của Trung Quốc là sống như những người trung lưu Mỹ (và nhìn thấy họ tận mắt: do đó dẫn đến một sự hăng hái đi du lịch nước ngoài ngày càng dâng cao). Ông Tập Cận Bình sẽ không muốn làm họ thất vọng. Nhưng bà Lý Xuân Linh cho rằng điều này sẽ khó khăn. Bà cho biết trong những người được hưởng lợi, các mối lo ngại về sự phát triển của Trung Quốc trong những năm tới, bao gồm cả các rủi ro liên quan đến ô nhiễm và rối loạn xã hội, đang khiến họ di cư ngày càng nhiều.

Ông Tập Cận Bình sẽ phải đối mặt với khó khăn trong việc quảng bá ý tưởng rằng Trung Quốc có thể “giàu có và hùng mạnh” trong khi vẫn tiếp tục là một nhà nước một đảng. Theo Trương Thiên Phàm, một học giả về pháp luật tự do thuộc Đại học Bắc Kinh, “hơn 3/4 [người Trung Quốc] sẽ liên kết giấc mộng Trung Hoa với một giấc mơ về chủ nghĩa hợp hiến”. “Chủ nghĩa hợp hiến” là niềm tin rằng hiến pháp – ngoại trừ trong lời nói đầu của nó, không đề cập bất kỳ vai trò gì của bản thân đảng – nên có quyền lực cao hơn những ý định bất chợt của đảng. Vào tháng 1/2013, một tờ báo do nhà nước kiểm soát, Southern Weekend , đã tìm cách đưa ra một thông điệp năm mới có tựa đề “Giấc mộng Trung Hoa: một giấc mơ chủ nghĩa hợp hiến”. Một đoạn văn viết rằng chỉ khi có sự phân chia quyền lực, Trung Quốc mới có thể trở thành một “đất nước tự do và hùng mạnh”. Bài viết đã bị thay thế bằng một phiên bản được kiểm duyệt – có tên “Giấc mộng Trung Hoa gần chúng ta hơn bao giờ hết” – gỡ bỏ các bình luận của bản gốc về tầm quan trọng của hiến pháp. Một số nhà báo đã đình công để phản đối.

Ông Tập Cận Bình đã nói về tầm quan trọng của hiến pháp, nhưng ông đã không đề cập đến “chủ nghĩa hợp hiến” – và ông đã tránh sử dụng từ “tự do” khi nói về giấc mơ. Trong những phát biểu chưa được công bố trong chuyến đi của ông xuống miền Nam Trung Quốc vào tháng 12/2012, và sau đó bị một nhà báo làm rò rỉ, ông Tập Cận Bình đã nói: “Giấc mộng Trung Hoa là một lý tưởng. Người Cộng sản nên có một lý tưởng cao hơn và đó là chủ nghĩa cộng sản”. Ông nói nguyên nhân Liên Xô sụp đổ là vì nước này đã đi lạc khỏi tính chính thống về tư tưởng. Nói cách khác, ông sẽ không phải là Gorbachev.

Nhưng việc ông Tập Cận Bình nói về một giấc mơ sẽ luôn có nguy cơ làm sâu sắc thêm những khao khát thay đổi. Ông Trương Thiên Phàm nói rằng 150 người, phần nhiều trong số đó là những học giả nổi bật, đã ký vào một bản kiến nghị đòi thực hiện đầy đủ hiến pháp mà ông đã đề xướng vào tháng 12/2012.

Theo bài hát có phần ủy mị của cô Trần Tư Tư, giấc mộng Trung Hoa là “Giấc mộng của một đất nước hùng mạnh... giấc mộng của một dân tộc giàu có”. Ông Tập Cận Bình dường như có cùng quan điểm – và cho tới nay đã phần nào đó rõ ràng hơn. Khi không có thực chất, việc ông Tập Cận Bình nói về một giấc mơ đang tạo ra không gian cho một cuộc tranh luận sôi nổi về việc Trung Quốc sẽ đi về đâu. Trong lúc này, điều có thể sẽ phù hợp với ông Tập Cận Bình là giữ cho đường lối ông sẽ theo đuổi không rõ ràng. Nhưng những yêu cầu về sự rõ ràng chỉ có thể tăng lên.

Theo The Economist

Trần Quang (gt)