(Bài gốc: Xi Jinping, China’s Next President )

Khi Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden đến thăm Trung Quốc vào tháng 8/2011, ông đã dành nhiều thời gian hội đàm với người đồng cấp của ông ở Bắc Kinh, phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Trong cuộc trò chuyện, Tập Cận Bình đã nói với Biden rằng, cha ông, một cựu phó thủ tướng cùng họ hàng đã phải trải qua rất nhiều khó khăn trong thời kì hỗn loạn của Cách mạng Văn hóa, một sự thừa nhận thẳng thắn rằng mọi chuyện đã hết sức sai lầm trong những ngày tồi tệ đã qua. Một nguồn tin cho biết, phiên dịch viên chính thức người Trung Quốc dường như rất lúng túng trước lời phát biểu này đến mức anh ta đã không bao giờ dịch nó sang tiếng Anh. Sự thẳng thắn đến mức đáng ngạc nhiên này là rất hiếm thấy trong nội bộ Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhưng theo một nhà ngoại giao châu Âu, người đã từng gặp Tập Cận Bình vào năm ngoái, thì Tập Cận Bình giao thiệp khá thoải mái với các nhà lãnh đạo nước ngoài: “Ông ta thường hay phê phán Cách mạng Văn hóa, cho rằng có sai lầm trong thời kì này. Tôi thấy điều đó rất gây ấn tượng”. Tập Cận Bình, người thừa kế hiển nhiên cho vị trí lãnh đạo tối cao của Đảng và chủ tịch nước, là người đầu tiên trong số nhiều người ngang tài ngang sức thuộc thế hệ lãnh đạo trẻ của Trung Quốc đã ở tư thế sẵn sàng giành lấy sân khấu trung tâm trong quá trình chuyển giao quyền lực trên quy mô lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong năm nay. Lớp quan chức mới này thẳng thắn hơn, mang tính cá nhân chủ nghĩa hơn và biết gây chú ý đến bản thân nhiều hơn so với lớp quan chức cũ. Họ là những chính trị gia hiện đại đầu tiên của Trung Quốc và thể hiện một sự tương phản đáng chú ý so với thế hệ lãnh đạo già hơn, những quan chức tẻ nhạt và khắt khe. Nhưng việc Tập Cận Bình và những đồng nghiệp của ông dễ bị thúc đẩy bởi bản thân hơn cũng có nghĩa là họ khó đoán trước được hơn và có khả năng sẽ gây nhiều sóng gió cả ở trong và ngoài nước. Các nhà nghiên cứu về Trung Quốc ngay lúc này đang xem xét kĩ lưỡng ai sẽ lên nắm quyền và ai sẽ rời vị trí lãnh đạo tại Trung Quốc vì sự chuyển giao quyền lực sắp tới sẽ báo hiệu một sự thay đổi sâu sắc về thế hệ. Cái gọi là thế hệ lãnh đạo thứ năm, do Tập Cận Bình đứng đầu, sẽ phát triển mạnh lên trong cái được dự đoán là bước ngoặt chính trị lớn nhất trong lịch sử nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Trong Đại hội Đảng lần thứ 18 diễn ra vào mùa thu này, hơn 60 % trong số 370 vị trí trong Ủy ban Trung ương Đảng sẽ có sự thay đổi. Nhà phân tích chính trị Trung Quốc của Brookings, Cheng Li nhận xét, trò chơi lãnh đạo theo cách thức giành ghế này đồng nghĩa với việc nhiều nhân vật chủ chốt trong các lĩnh vực như quản lý kinh tế và tài chính, chính sách đối ngoại, an ninh công cộng và hoạt động quân sự của quốc gia “sẽ phần lớn là những gương mặt mới sau năm 2012”. 

Một giai đoạn chuyển tiếp lớn đến vậy là hiếm tại Trung Quốc và mới chỉ xảy ra có ba lần từ năm 1949. Lần thứ nhất là vào giữa những năm 1960 và kết thúc bằng những cuộc thanh lọc và khủng bố giới trí thức trên phạm vi rộng và tình trạng hỗn loạn của Cách mạng Văn hóa. Cuộc chuyển giao lần thứ hai diễn ra vào cuối những năm 1980 đã không thành công, khi các nhà lãnh đạo cấp cao đã không thống nhất về việc có nên sử dụng vũ lực để giải tán những người biểu tình trẻ tuổi tại quảng trường Thiên An Môn, một cuộc đổ máu diễn ra ngay sau đó. Thay đổi gần đây nhất là khi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay Hồ Cẩm Đào kế nhiệm người tiền nhiệm Giang Trạch Dân vào năm 2002, đây được coi là một cuộc chuyển giao quyền lực rất ổn định. Nhưng đó là kế hoạch chuyển giao duy nhất của Đảng diễn ra đúng như dự kiến. Giờ đây, trong khoảng thời gian sắp diễn ra cuộc chuyển giao năm 2012, Đảng Cộng sản Trung Quốc được cấu thành bởi hai liên minh đang ngày càng ganh đua với nhau là nhóm theo chủ nghĩa dân túy và nhóm theo quan điểm phát triển giới tinh hoa. Những người theo chủ nghĩa dân túy do Chủ tịch Hồ Cẩm Đào lãnh đạo, dựa vào một mạng lưới đầy quyền lực trên khắp cả nước bao gồm những cán bộ của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc. Chủ trương của họ là thu hẹp khoảng cách đang ngày một gia tăng giữa người giàu và người nghèo tại Trung Quốc, một vấn đề gây chú ý nhất tại các khu vực miền Tây đang bị bần cùng hóa. Nhóm theo quan điểm phát triển giới tinh hoa được biết đến với quan điểm kinh tế thị trường tự do và ủng hộ các ngành công nghiệp xuất khẩu vùng duyên hải, nhóm này bao gồm nhiều “ông hoàng con” như Tập Cận Bình, những người vốn là con cháu của các cựu quan chức cấp cao. Bản chất không bình thường của sự kình địch này được thể hiện rõ thông qua cách thức Tập Cận Bình trở thành người kế vị trong Đại hội Đảng lần thứ 17 vào năm 2007. Để đảm bảo ưu thế chính trị tiếp tục của những người theo phái dân túy, Hồ Cẩm Đào đã lựa chọn một người kế vị khác, Lý Khắc Cường. Nhưng nhóm theo quan điểm phát triển giới tinh hoa phản đối Lý Khắc Cường và hi vọng sẽ tìm được một ứng viên khác mang tính thỏa hiệp và trung lập hơn. Theo nhà bình luận chính trị Li Datong, việc lựa chọn được quyết định bởi một cuộc bỏ phiếu bí mật trong nội bộ Đảng giữa những cán bộ cấp cơ sở và cán bộ lâu năm, và kết quả là Tập Cận Bình giành được nhiều phiếu nhất (Lý Khắc Cường cuối cùng được chọn kế nhiệm chức Thủ tướng trong cuộc cải tổ nhân sự). Đó là một giải pháp mang tính chất giữ thể diện nhưng cũng rất độc đáo: Về cơ bản, Tập Cận Bình đã giành chiến thắng trong cuộc đua về sự nổi tiếng. 

Theo nhiều cách, cuộc đời của Tập Cận Bình là theo chiều hướng làm nhà lãnh đạo. Sinh năm 1953 và được coi như là một “thái tử” điển hình, ông lớn lên trong những khu biệt thự yên tĩnh với những cánh cổng sơn đỏ được canh gác cẩn thận tại Trung Nam Hải, khu vực dành riêng cho các nhà lãnh đạo lâu năm của Trung Quốc. Cha ông, cựu phó thủ tướng Tập Trọng Huân, được biết đến như là kiến trúc sư của các “đặc khu kinh tế” rất thành công và trong chừng mực nào đó mang tính tư bản chủ nghĩa. Những khu vực này được thành lập cách đây hơn ba thập kỉ trong thời kì cải cách kinh tế dựa vào thị trường của Đặng Tiểu Bình. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng êm đềm đối với gia đình Tập Cận Bình. Cha ông bị thanh trừng ba lần dưới thời Mao Trạch Đông và trong thời kì Cách mạng Văn hóa 1966 – 1976 phải đi tù 16 năm, phần lớn thời gian đi tù ông bị biệt giam. (Theo những nguồn thông tin chưa được kiểm chứng của Trung Quốc thì chị gái cùng cha khác mẹ của Tập Cận Bình cũng chết trong thời kì Cách mạng Văn hóa, và đây là một trong những lần hiếm hoi ông rơi nước mắt). Robert Kuhn, người từng viết về các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc và từng gặp Tập Cận Bình, nhận xét rằng, “Ông ấy nhận ra được sự bất công và trò hề của hệ tư tưởng chuyên chế theo phái tả trong thời kì Cách mạng Văn hóa. Nhưng bạn sẽ không thấy sự cay đắng.” Tập Cận Bình mới 9 tuổi khi cha ông bị bắt giam lần đầu. Nhiều năm sau, ông cùng với hàng triệu thanh niên thành phố bị chuyển xuống những công xã vùng nông thôn để tham gia lao động chân tay. Theo Kuhn, ông ấy là một trong số các thanh niên đầu tiên được đưa về vùng nông thôn. Trớ trêu thay, điều này lại tốt cho Tập Cận Bình. Nó giúp ông ấy tránh xa cái danh hiệu ông hoàng con. Nói chung, các ông hoàng con thường không được quần chúng ưa thích. Xa khỏi những tiện nghi tại Bắc Kinh, Tập Cận Bình chuyển đến ngôi làng nghèo khó Lương Gia Hà tại tỉnh Thiểm Tây vào tháng 1/1969, mang theo “một cái thùng chất đầy sách”, bí thư Đảng ủy Shi Chunyang nhớ lại.

Chỉ trong 5 năm, Tập Cận Bình đã gia nhập Đảng Cộng sản và chấp nhận cuộc sống ở nông thôn. Khi biết được những người nông dân ở tỉnh bên sử dụng khí biogas để đốt lò, ông đã tới đó để mua toàn bộ những dụng cụ, máy móc cần thiết và vận chuyển nó về làng. Cảnh tượng một công tử con ông cháu cha làm việc với phân lợn đã gây ấn tượng mạnh với những người đồng chí ở nông thôn của ông – hay như những gì diễn ra trong câu chuyện - đến mức họ bầu ông làm bí thư Đảng của làng và tiến cử ông đi học đại học, “một điều chưa ai nghe thấy vào thời điểm đó”, như một quan chức nghỉ hưu có quen Tập Cận Bình trong những năm 1980 nhớ lại. Các nông dân đã tụ họp lại để chào tạm biệt ông và ông bắt đầu theo học nghề kĩ sư hóa tại đại học Thanh Hoa, trường được coi là Học viện kĩ thuật Massachussets của Trung Quốc. Sau khi rời Lương Gia Hà, Tập Cận Bình vẫn giữ liên lạc với một số nông dân, và gửi tiền cho một người trong số đó khi ông ta bị gãy chân. Sau này, khi được hỏi về thời gian sống tại vùng nông thôn, ông đã trả lời: “Nó rất xúc động.” Việc Mao Trạch Đông qua đời vào năm 1976 mở ra thời đại của đổi mới, và gia đình Tập Cận Bình được trọng dụng trở lại. Trong một bước đi nhằm hỗ trợ tham vọng chính trị của mình, Tập Cận Bình trở thành thư kí riêng cho Bộ trưởng Quốc phòng Cảnh Tiêu, người từng là cấp dưới của cha ông. Sau đó, sự nghiệp của ông tiến dần lên qua nhiều vị trí tại tỉnh, nơi ông có tiếng là người luôn hoàn thành nhiệm vụ. Trong quãng thời gian 17 năm làm việc tại tỉnh Phúc Kiến nằm ngay phía bên kia eo biển Đài Loan, ông đã đặt ra khẩu hiệu mashang jiu ban (‘thực hiện ngay”), thúc đẩy thương mại giữa hai bờ eo biển và giao thiệp với các doanh nhân Đài Loan. Thậm chí có tin ông là bạn chơi golf với một quan chức Đài Loan đã nghỉ hưu. Khi là phó thị trưởng thành phố Hạ Môn vào năm 1987, ông gây ấn tượng với các chính khách đến thăm khi mặc áo gió bình thường thay vì com-plê kiểu Tây và đi bằng xe buýt mini thay vì đi xe có tài xế riêng. Một chính khách đến thăm nhớ lại: “Ông ấy dễ chịu, niềm nở và thực tế.” 

Danh tiếng của Tập Cận Bình ngày một lớn khi vào năm 2002, ông chuyển đến công tác tại Chiết Giang, một tỉnh được biết đến như là đầu tàu kinh tế và thương mại. Sự lớn mạnh của các doanh nghiệp tư nhân tại Chiết Giang với doanh thu chiếm gần ¾ GDP của tỉnh đã gây ấn tượng mạnh với Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ lúc đó là Henry Paulson trong một chuyến thăm vào năm 2006. Paulson gặp Tập Cận Bình và nhận xét ông là “người biết cách hoàn thành nhiệm vụ”. Tác giả Kuhn nhớ lại lúc ông gặp Tập Cận Bình “Ông ấy thực sự có lòng nhiệt huyết.” Tập Cận Bình cũng gây ấn tượng cho Biden và nhiều người Mỹ khác như là người mà nước Mỹ có thể làm việc cùng, một danh tiếng chắc chắn giúp ông nhiều trong chuyến thăm Mỹ chính thức đầu tiên vào tháng 2. Về phần mình, Tập Cận Bình mới đây đã phát biểu: “Cam kết của chúng tôi về sự phát triển của mối quan hệ đối tác hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ không bao giờ thay đổi trước những diễn biến vừa qua.” Ông nói: “Chắc chắn chúng tôi sẽ không để quan hệ giữa hai nước phải chịu ảnh hưởng từ những can thiệp lớn.” Khó khăn lớn nhất trong cương vị chủ tịch nước của Tập Cận Bình là có thể cân bằng được mối quan hệ thân thiện với Oasinhtơn trong bối cảnh các hoạt động chính trị trong nước phức tạp của Trung Quốc, nơi mà những tiếng nói theo chủ nghĩa dân tộc đang có vai trò ngày một lớn. Các nhà phân tích tin rằng, ngay bây giờ ông đã phải đối phó với nhận định rằng ông quá thân phương Tây. Họ chỉ ra trong chuyến thăm Mêhicô vào năm 2009, Tập Cận Bình đã đi ra ngoài kịch bản chỉ trích gay gắt các nước đang cố gắng gây áp lực lên Bắc Kinh, đúng vào lúc Oasinhtơn đang thúc giục Trung Quốc định giá lại đồng nhân dân tệ. Chuyên gia về Trung Quốc Willy Wo-Lap Lam nhận định, vấn đề trở nên phức tạp hơn khi Tập Cận Bình sẽ cần đến sự ủng hộ của các tuớng lĩnh quân đội Trung Quốc “để củng cố quyền lực của mình. Điều này có nghĩa là các tướng lĩnh quân đội sẽ có nhiều tiếng nói hơn trong chính sách đối ngoại. Và chúng ta đã có nhiều ví dụ cho thấy các tướng lĩnh sẽ không hài lòng với một mối quan hệ thân cận hơn với Mỹ.” 

Liệu Tập Cận Bình có thể hàn gắn những rạn nứt ngay trong nội bộ Đảng? Gốc gác con ông cháu cha và sự tinh thông về thị trường tự do của ông khiến ông gây được sự chú ý đối với nhóm theo quan điểm phát triển giới tinh hoa, trong khi thời gian sống tại vùng nông thôn giúp ông dễ được nhóm theo chủ nghĩa dân túy chấp nhận hơn, nhiều người trong số đó đã xây dựng sự nghiệp tại các khu vực nội địa. Ngoài ra, Tập Cận Bình được coi là trong sạch, ít nhất hai lần ông được chứng minh trong sạch sau những vụ bê bối tham nhũng cấp tỉnh mà những người tiền nhiệm của ông vướng vào. Ông được coi là một nhà lãnh đạo thấy được tầm quan trọng của sự khiêm tốn và khả năng thích ứng, những điều mà ông đã học được trong thời kì Cách mạng Văn hóa. Nhà phân tích Li của Brookings nhận định: “Đó là những điểm mạnh của Tập Cận Bình. Ông ấy cũng thoải mái và ít tính toán hơn so với những người cùng địa vị.” Và hình ảnh của ông trong mắt người dân Trung Quốc cũng được nâng lên rất nhiều nhờ chính vợ mình, ca sĩ ngôi sao của lực lượng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc Bành Lệ Viện, người có lẽ còn nổi tiếng hơn cả chồng. Nhưng Tập Cận Bình không phải là không thể bị đánh bại. Trung Quốc hiện đang phải đối diện với mức lạm phát cao đáng bạo động, bong bóng bất động sản đầy rủi ro và mức nợ công rất cao của chính quyền địa phương. Ông và êkíp mới của ông sẽ phải đối mặt với một công việc không dễ gì thực hiện, và địa vị của ông như một nhân vật thỏa hiệp cũng đồng nghĩa với việc ông thiếu đi sự ủng hộ chính trị mang tính thể chế hóa, điều mà một số đối thủ của ông có thể huy động được. Nhà phân tích Li nhận xét: “Tập Cận Bình không có người ủng hộ ở những vị trí cấp cao trong Đảng. Theo nhiều cách, ông ấy phần nhiều phải dựa vào chính mình”./.

Theo Thedailybeast (ngày 6/2)

Hương Trà (gt)