Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Anh và Pháp đã phải hứng chịu những thương vong kinh hoàng đến mức gần như không còn khả năng theo đuổi chiến tranh chống lại các cường quốc Trung tâm. Thèm khát nhân lực để tiếp tục cuộc chiến tranh, phe Hiệp ước đã đề nghị Trung Quốc, trong số các nước khác, giúp đỡ. Mặc dù kiệt quệ vì những tai họa làm suy yếu của chính mình, một Trung Quốc nản lòng vì nhiều năm bị nước ngoài chiếm đóng đã nhận thấy cơ hội để giải phóng bán đảo Sơn Đông ở miền Đông Trung Quốc khỏi tay thực dân Đức. Năm 1917, Trung Quốc tuyên chiến với Đức và cung cấp thứ tài sản đáng gờm nhất của mình – nhân công – để phục vụ cho sự nghiệp của phe Hiệp ước. Hơn 170.000 người lao động Trung Quốc (trong số đó có người thanh niên Đặng Tiểu Bình) đã phục vụ trong Lữ đoàn lao động Trung Quốc trên khắp mặt trận phía Tây và các chiến trường khác. Những người lao động này bốc hàng lên tàu, đào hào, sửa cầu, chế tạo đạn dược và làm nhiều công việc vất vả khác. Hơn 10.000 người đã thiệt mạng khi làm nhiệm vụ, và một khi chiến tranh kết thúc, những người lao động này bị từ bỏ và gửi về quê nhà một cách thô bạo.

Hy vọng rằng các cường quốc Hiệp ước cảm kích sẽ trả ơn cho những đóng góp của Trung Quốc bằng cách trao lại tỉnh Sơn Đông – một thuộc địa của Đức sau này được nước Nhật Bản tham chiến thuộc phe Hiệp ước nắm giữ vào năm 1914 – đã biến thành nỗi thất vọng cay đắng tại Versailles. Các cường quốc Hiệp ước đã gạt bỏ kiến nghị của Trung Quốc và thay vào đó trao thuộc địa cũ của Đức cho Nhật Bản, một đồng minh hùng mạnh của cường quốc dẫn đầu thế giới vào thời điểm đó, nước Anh. Thất bại thảm hại tại Versailles năm 1919 đã kích động cuộc phản đối mang tính dân tộc chủ nghĩa kịch liệt làm rung chuyển đất nước và cho ra đời phong trào chính trị Ngũ Tứ đầy tính biến đổi. Biến động đầy đau thương này cũng đã đẩy nhanh sự sụp đổ của đất nước, dẫn tới hàng thập kỷ nội chiến, hỗn loạn và cuối cùng, sự thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Nhiều thế hệ sau, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục coi phong trào Ngũ Tứ là một bước ngoặt tạo tiền đề cho sự giải phóng trí thức của đất nước và đưa nước này đến thế giới hiện đại. Hàng năm, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc có một bài phát biểu kỷ niệm sự kiện này. Trong khi việc người Trung Quốc kỷ niệm phong trào này nêu bật đòi hỏi phải hiện đại hóa, phong trào Ngũ Tứ cũng có thể đóng vai trò là một bài học sâu sắc về sự vô ích đầy tủi hổ khi hành động về các vấn đề toàn cầu từ vị thế của kẻ yếu. Nỗ lực của một Trung Quốc yếu kém nhằm giúp Anh và các đồng minh của nước này bảo vệ trật tự thế giới khỏi các cường quốc Trung tâm đơn thuần chỉ dẫn đến việc chính các cường quốc Hiệp ước đó khai thác điểm yếu của Trung Quốc một khi chiến tranh kết thúc.

Gần một thế kỷ sau, siêu cường của thế giới, Mỹ, và các đồng minh của mình, chịu gánh nặng các rắc rối kinh tế, chính trị và phải đối đầu với một loạt các rắc rối toàn cầu đầy bối rối, một lần nữa đã quay sang nhờ sự giúp đỡ của Trung Quốc. Ít nhất kể từ năm 2005, các nhà lãnh đạo Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc “đóng góp phần trách nhiệm thích đáng của mình” và giúp duy trì trật tự toàn cầu. Các nhà lãnh đạo phương Tây đã chỉ ra chính xác Trung Quốc đã tự do tận hưởng như thế nào những nỗ lực duy trì trật tự thế giới của Mỹ và các đồng minh của nước này. Với tiền bạc đầy ắp sau hàng thập kỷ tăng trưởng nhanh, Trung Quốc dường như có vị thế thuận lợi để đóng góp nhiều hơn vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu; nước này có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hơn nữa, các nhà phân tích phương Tây từ lâu đã lập luận rằng sự hợp tác lớn hơn giữa Trung Quốc và Mỹ để giải quyết các mối đe dọa chung có thể nâng cao niềm tin và xây dựng quan hệ ổn định. Đây là lôgích làm cơ sở cho lập luận ủng hộ Trung Quốc trở thành một “bên tham gia có trách nhiệm”. Lập luận này giả định rằng nếu Bắc Kinh đóng góp nhiều hơn vào việc chiến đấu chống lại những mối đe dọa chung, như phổ biến vũ khí hạt nhân, những hành vi khiêu khích của Triều Tiên, chủ nghĩa khủng bố ở Trung Đông và biến đổi khí hậu, thì thế giới sẽ hưởng lợi – và Trung Quốc và Mỹ sẽ có được quan hệ lành mạnh hơn, mang tính hợp tác hơn.

Trong nhiều năm, Trung Quốc đã cưỡng lại những đòi hỏi đó. Nước này lập luận rằng các ưu tiên của mình nằm ở chỗ khác với tư cách là một nước đang phát triển, viện dẫn những vấn đề cụ thể về nghèo đói, bất bình đẳng và mức phát triển thấp nói chung. Ngay cả khi đã rõ ràng rằng Trung Quốc hưởng lợi to lớn từ hệ thống kinh tế và sự ổn định toàn cầu mà Mỹ và các đồng minh của mình bảo vệ, một Bắc Kinh giàu có và an toàn hầu như không quan tâm đến việc tán thành các cuộc chiến tranh của Mỹ hay ủng hộ các chính sách nhằm thực thi trật tự đó. “Ngoại giao chi phiếu” của Nhật Bản để giúp tài trợ cho Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất có thể đã không thu được nhiều ảnh hưởng quốc tế, nhưng ít nhất Tokyo đã hưởng lợi nhờ vẫn còn là đồng minh với một siêu cường toàn cầu có thể chăm chút cho những lợi ích của mình. Trung Quốc không có lựa chọn đó và vẫn yếu kém và bị cô lập về ngoại giao. Hậu quả là Bắc Kinh trong nhiều thập kỷ đã chấp nhận cái giá của việc dựa vào Mỹ để có được sự ổn định khu vực cần thiết cho phép nước này tập trung vào phát triển quốc gia như là cái giá đáng tiếc và không thể tránh khỏi của việc tập trung vào những lợi ích quốc gia của riêng mình.

Thái độ của Trung Quốc về các vấn đề này dường như đang thay đổi. Tại Hội nghị công tác kinh tế trung ương về các vấn đề ngoại giao được tổ chức vào tháng 12/2014, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phác thảo một cách thức để đất nước đảm nhận những trách nhiệm toàn cầu lớn hơn, điều ông mô tả là một phần của cách tiếp cận mới “ngoại giao nước lớn”. Trung Quốc dường như đặc biệt tận tâm tìm ra những cách thức mới để đóng góp ở các nước đang phát triển, nơi Trung Quốc có những lợi ích ngày càng lớn và thường dễ bị tổn thương cao độ và là nơi Bắc Kinh coi là có nhiều tiềm năng nhất để các đối tác ủng hộ cải cách của nước này đối với trật tự quốc tế.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc định nghĩa việc đảm nhận trách nhiệm toàn cầu lớn hơn khác với Mỹ. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị giải thích rằng Trung Quốc dự định trở thành “nhà bảo vệ sự nghiệp hòa bình thế giới” và “bảo vệ những mục tiêu và nguyên tắc của hiến chương Liên hợp quốc, phản đối sự can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề nội bộ của nước khác, đặc biệt là các nước nhỏ và vừa”. Điều này thể hiện một vai trò chính trị với tư cách là một nước tán thành quyền của các nước đang phát triển chống lại những cuộc can thiệp quân sự của các cường quốc phương Tây. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đã báo hiệu ý định của mình làm một “nước thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển quốc tế” và góp phần vào các mục tiêu Liên hợp quốc liên quan đến phát triển và xóa đói giảm nghèo, biến đổi khí hậu, hòa bình và các vấn đề toàn cầu khác. Một ví dụ về cách tiếp cận mới của Trung Quốc với chính sách tích cực hơn là Nam Sudan, nơi Bắc Kinh đã cử một tiểu đoàn bộ binh gồm 700 người tới hỗ trợ các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và đảm nhận vai trò lãnh đạo trong việc hòa giải giữa các phe tham chiến. Một ví dụ nữa là trong những nỗ lực gia tăng của Trung Quốc nhằm thúc đẩy sự ổn định ở Afghanistan.

Xét đến việc Trung Quốc một thời gian dài chống lại việc nâng cao vị thế quốc tế của mình, điều này cho thấy cho một sự thay đổi hoàn toàn đáng chú ý. Điều dường như là một sự chuyển sang đảm nhận trách nhiệm toàn cầu lớn hơn mang đến triển vọng đáng hoan nghênh về cung cấp nguồn lực vào thời điểm khi các cường quốc phương Tây nhận thấy họ bị kiềm chế bởi tăng trưởng kinh tế yếu kém. Nó dường như cũng mang đến hy vọng về sự hợp tác quốc tế gần gũi hơn và quan hệ ổn định hơn giữa Trung Quốc và phương Tây.

Những kỳ vọng to lớn của Trung Quốc

Nhưng câu chuyện về phong trào Ngũ Tứ cho thấy cần phải thận trọng khi lường trước hậu quả của những thay đổi trong hành vi của Trung Quốc. Trong tình hình hiện nay, giống một thế kỷ trước, Bắc Kinh gần như không quan tâm đến việc đơn thuần ủng hộ những nỗ lực của các cường quốc phương Tây. Trung Quốc chắc chắn coi trọng sự ổn định quốc tế và có thể thực sự cảm thấy có động lực để làm gì đó về nhiều vấn đề đang làm khổ cộng đồng quốc tế, nhưng nước này cũng có những đòi hỏi của riêng mình về trật tự quốc tế. Trong số những nỗi bất mãn dai dẳng, Trung Quốc vẫn thất vọng với tốc độ chậm chạp của tiến trình hướng tới thống nhất với Đài Loan và của việc kiểm soát các lãnh thổ tranh chấp; những trở ngại mang tính cấu trúc với sự hội nhập Đông Á với tư cách là một khối kinh tế và chính trị; sự chi phối của Mỹ và phương Tây đối với các thể chế và tổ chức quốc tế quản lý hoạt động thương mại và kinh tế toàn cầu. Trung Quốc ngày nay có thể đã thoát khỏi những nỗi nhục nhã vì bị nước ngoài chiếm đóng và kiểm soát, nhưng nước này vẫn căm ghét Mỹ và các đồng minh của Mỹ vì phản đối trao cho Bắc Kinh cái họ coi là một phần chia quyền lực công bằng để định hình trật tự quốc tế.

Khi đó, theo một số cách thức, Bắc Kinh nhận thấy mình đang ở một vị trí tương tự như một thế kỷ trước. Các cường quốc phương Tây tìm cách tận dụng nguồn lực khổng lồ của Trung Quốc làm đòn bẩy để đối phó với các mối đe dọa chung nhưng không đáp ứng các đòi hỏi của nước này. Các nhà lãnh đạo phương Tây coi những lợi ích chiến lược ngày càng mở rộng của chính Trung Quốc là đủ khích lệ để nước này đóng góp nhiều hơn vào các vấn đề toàn cầu. Nhưng những đòi hỏi này không đánh giá đúng lập trường của Bắc Kinh. Đối với Trung Quốc, an ninh lớn hơn cho những lợi ích ngày càng mở rộng của nước này có thể đạt được tốt nhất nhờ gia tăng tầm ảnh hưởng quốc tế của mình đối với sự phát triển của trật tự khu vực và toàn cầu, chứ không phải chỉ bằng cách đóng góp vào những sáng kiến tái khẳng định và củng cố sự lãnh đạo của chính những nước mà Trung Quốc coi là có khả năng nhất kiềm chế sự trỗi dậy của nước này và đe dọa các lợi ích dài hạn của nước này.

Không giống như quốc gia yếu kém và chao đảo năm 1919, Trung Quốc ngày nay là một nước hùng mạnh với những nguồn lực và khả năng để đẩy mạnh các đòi hỏi của mình, ngay cả khi nước này đóng góp nhiều hơn về các vấn đề quốc tế. Trung Quốc dường như quyết tâm không bao giờ trải qua kiểu bị hạ nhục tiêu biểu như trong tấm gương Lữ đoàn lao động Trung Quốc một lần nữa. Quả thực, khả năng từ chối những đòi hỏi của các cường quốc nước ngoài ngày càng được coi là một dấu hiệu của lòng tự hào dân tộc. Trong bài phát biểu kỷ niệm phong trào Ngũ Tứ vào năm 2014, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố: “Đã qua rồi thời dân tộc Trung Quốc bị người nước ngoài cố ý bắt nạt”. Ông nói thêm Trung Quốc “sẽ không chấp nhận những nỗ lực hống hách của bất kỳ nước ngoài nào bảo chúng ta phải làm gì”.

Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục đánh giá những sự mời gọi đóng góp nhiều hơn vào các vấn đề toàn cầu dựa trên việc các nỗ lực đó góp phần trực tiếp vào các lợi ích quốc gia và vào uy tín của nước này với tư cách là một cường quốc toàn cầu tới mức nào. Khi Trung Quốc và Mỹ chia sẻ những mối lo ngại chung, như biến đổi khí hậu, vẫn còn tiềm năng lớn để hợp tác có hiệu quả. Tuy nhiên, những đóng góp lớn hơn của Trung Quốc về các vấn đề cụ thể hầu như sẽ không giúp làm cầu nối cho những khác biệt về các vấn đề chiến lược như vị thế của Đài Loan, những tranh chấp giữa Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ về lãnh thổ trên biển, sự tồn tại của hệ thống liên minh, và sự kiểm soát và ảnh hưởng trong các lĩnh vực mạng, không gian, tài chính cũng như những lĩnh vực khác. Sự hợp tác có giới hạn hầu như cũng không giúp làm dịu bớt sự cạnh tranh ngày càng dữ dội trong quan hệ Mỹ-Trung. Trung Quốc sẽ tiếp tục từ chối dính líu vào những vấn đề toàn cầu mà nước này tin là có lợi cho các lợi ích của Mỹ và phương Tây một cách không cân xứng và hầu như không nâng cao ảnh hưởng của Trung Quốc. Nghịch lý là sự hợp tác về các vấn đề toàn cầu có thể thực sự làm tăng thêm, chứ không phải giảm bớt, những sự khác biệt giữa hai nước. Trung Quốc càng hợp tác thành công hơn với Mỹ về các vấn đề chung, nước này sẽ càng có được uy tín là nước lãnh đạo toàn cầu. Và Trung Quốc càng có được uy tín với tư cách là một nhà lãnh đạo quốc tế, nước này sẽ càng khó khiến Mỹ nhượng bộ về các vấn đề gây bất đồng. Việc Mỹ và các đồng minh của mình từ chối những đòi hỏi của Trung Quốc sẽ chỉ thuyết phục Bắc Kinh thậm chí hơn nữa rằng nước này phải củng cố ảnh hưởng của mình đối với trật tự quốc tế và làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ.

Khi đó, về cơ bản, tính toán của Trung Quốc về rủi ro và lợi ích của việc theo đuổi tích cực hơn sự lãnh đạo toàn cầu cho thấy lập trường của nước này là Trung Quốc không thể giao phó việc bảo vệ các lợi ích của mình cho thiện chí của các đối thủ cạnh tranh chính của nước này. Bắc Kinh dường như đã kết luận rằng chỉ bằng cách xây dựng sức mạnh quốc gia để hỗ trợ cho các đòi hỏi của Trung Quốc thì những lợi ích của nước này mới được bảo vệ. Gốc rễ sâu xa của bài học đó, như đã được minh họa bằng ví dụ phong trào Ngũ Tứ, cho thấy Trung Quốc sẽ không dễ dàng bị thuyết phục từ bỏ lập trường này.

Những triển vọng về sự hợp tác Trung-Mỹ dài hạn, ổn định do đó sẽ phụ thuộc một phần vào cách Mỹ xử lý các lợi ích khác biệt của mình với một Trung Quốc ngày càng hùng mạnh. Sẽ không có giải pháp dễ dàng, vì điều này có thể đòi hỏi sự nhượng bộ về các vấn đề gây tranh cãi. Sự nhượng bộ sẽ đi kèm cái giá là phá hoại những lợi ích của các đồng minh và đối tác của Mỹ cũng như, trong một số trường hợp, của chính Mỹ. Lựa chọn thay thế là từ chối những đòi hỏi của Bắc Kinh và buộc Trung Quốc phải hứng chịu cái giá đắt đối với lợi ích của nước này. Nhưng điều này đòi hỏi một mức độ phối hợp và đoàn kết cao hơn giữa Mỹ, các đồng minh của nước này và các cường quốc thế giới khác, điều sẽ khó mà đạt được chứ chưa nói đến duy trì nó. Hơn nữa, nó mang theo rủi ro làm leo thang căng thẳng đến mức kình địch nguy hiểm.

Có thể sẽ cần phải có một sự kết hợp nào đó của hai cách tiếp cận để định hình sự hợp tác về các vấn đề toàn cầu theo một cách thức giảm thiểu rủi ro bất ổn toàn cầu. Ngay cả như vậy, các nhà hoạch định chính sách nên đặt ra những kỳ vọng ở một mức độ thực tế.

Sự hợp tác lớn hơn giữa Trung Quốc với Mỹ về các vấn đề toàn cầu mang đến hy vọng về tiến bộ trong một vài vấn đề quốc tế, trong đó có hỗ trợ nhân đạo và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, sẽ cần phải có nỗ lực to lớn để đảm bảo rằng những động lực cạnh tranh rõ ràng hơn không lấn át sự hợp tác đó.

Theo The National Interest

Trần Quang (gt)