1026414979.jpg

"Giấc mộng Trung Hoa", một khẩu hiệu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã thu hút được sự chú ý trên toàn thế giới. "Giấc mộng Trung Hoa" đề cập đến nguyện vọng về “công cuộc đại phục hưng dân tộc Trung Hoa” cũng như giấc mộng của mỗi người dân Trung Quốc về cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh và ấm no. Ông Tập Cận Bình cũng đã nhấn mạnh rằng: “Giấc mộng Trung Hoa” là giấc mộng của người dân Trung Quốc chỉ có thể đạt được thông qua “Chủ nghĩa xã hội mang đặc trưng của người Trung Quốc”.

Trên bình diện quốc tế, "Giấc mộng Trung Hoa" có thể được xem như là sự tiếp nối chiến lược phát triển hòa bình của Trung Quốc, là thành phần quan trọng trong chiến lược "quyền lực mềm" của Trung Quốc nhằm tìm cách chống lại lý thuyết cho rằng Trung Quốc là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh khu vực. Ông Tập Cận Bình từng nói rằng: “Chúng tôi, những người Trung Quốc, yêu chuộng hòa bình. Cho dù có lớn mạnh đến đâu, Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm kiếm sự bá quyền hay bành trướng. Trung Quốc sẽ không bao giờ gây ra đau khổ cho bất kỳ quốc gia nào khác”.

Trong những năm qua, Trung Quốc đã chuyển từ chiến lược “giấu mình chờ thời” của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình và chấp nhận cách tiếp cận chính sách đối ngoại quyết đoán. "Giấc mộng Trung Hoa" được thiết kế để xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của một chiến lược ngoại giao đa phương diện, với mục đích không chỉ thúc đẩy sự đổi mới của đất nước, mà còn tăng cường sự chú ý quốc tế về tầm vóc của Trung Quốc trong nền chính trị thế giới.

Bước quan trọng hướng tới mục tiêu là việc Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy quan hệ với các nước đang phát triển khác, đặc biệt là ở khu vực Mỹ Latinh và châu Phi. Các chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Nam Phi, Tanzania và Cộng hòa Congo đều nhằm nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những nước này trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Tăng cường quan hệ với các nước Mỹ Latinh và châu Phi cũng sẽ mang lại lợi ích cho Trung Quốc trong việc bảo đảm nguồn tài nguyên năng lượng, giúp Bắc Kinh duy trì sự bùng nổ kinh tế.

Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng tìm cách thúc đẩy "quan hệ nước lớn kiểu mới" với Mỹ dựa trên nguyên tắc "không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi". Trung Quốc cũng đã mở rộng quan hệ hợp tác với các đối thủ lớn khác, bao gồm cả Liên minh châu Âu (EU), và tăng cường sự tin cậy chiến lược với Nga.

Ông Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc ủng hộ ý tưởng của chủ nghĩa đa phương và nhấn mạnh tầm quan trọng của các cơ quan đa phương, chẳng hạn như Liên Hợp Quốc. Việc Bắc Kinh quan tâm thúc đẩy sự phối hợp giữa các quốc gia BRICs (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã dẫn đến việc thành lập Ngân hàng Phát triển BRICS. Đây là một phần trong nỗ lực mở rộng thành một trật tự chính trị quốc tế công bằng hơn.

"Giấc mộng Trung Hoa" nhìn chung được xem như là học thuyết của chủ nghĩa dân tộc có thể có những tác động nguy hiểm cho an ninh quốc tế trong tương lai. Các quốc gia phương Tây lo ngại về cách tiếp cận chính sách đối ngoại bành trướng và quyết đoán hơn được ngụ ý trong "Giấc mộng Trung Hoa", đặc biệt khi nó liên quan đến sự quyết đoán quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng sẽ rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể, để thực hiện giấc mộng của người Trung Quốc. Điều này là do cả sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc và quan trọng hơn thực tế cho thấy không có sự chắc chắn rằng “mỗi người dân Trung Quốc” đều có chung một giấc mộng và rằng giấc mộng đó sẽ phù hợp với giấc mộng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm 2014 ở Hồng Kông đã chứng minh cho nền tảng mong manh của một giấc mộng thống nhất Trung Quốc. Ngay tại Trung Quốc, các nhà lãnh đạo cũng đang phải đối mặt với sự oán giận của người dân về vấn nạn tham nhũng và bất công.

Tóm lại, "Giấc mộng Trung Hoa" của ông Tập Cận Bình được thiết lập trên cơ sở quyết tâm muốn duy trì sự thống trị của Đảng Cộng sản và thuyết phục người dân Trung Quốc nhìn xa hơn những thách thức trước mắt về tương lai phục hưng dân tộc Trung Quốc.

Shaheli Das là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Jawaharlal Nehru. Bài viết đăng trên trang “East asia forum” (ngày 7/4).

Anh Thư (gt)