Trong một thông báo phát đi từ Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết cuộc tiếp xúc giữa một nhà ngoại giao nước này với lãnh đạo Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) đã diễn ra tại Cata nhằm "trao đổi quan điểm về diễn biến ở Libi". Thông báo viết: "Quan điểm của Trung Quốc đối với cuộc khủng hoảng ở Libi là rõ ràng. Chúng tôi hy vọng sẽ tìm được một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng này”.

Cuộc tiếp xúc trên diễn ra trong bối cảnh những tuần vừa qua Chính phủ của nhà lãnh đạo M. Gaddafi liên tục thất thế trước chiến dịch ném bom tăng cường của NATO và các cuộc tấn công của phe nổi dậy ở trong nước, trong khi NTC ngày càng được nhiều nước trên thế giới ủng hộ. Tháng trước, Nga bất ngờ tuyên bố sẽ liên lạc với quân nổi dậy ở Libi để thảo luận về khả năng ngừng bắn, tạo điều kiện cho việc chuyển giao quyền lực. Dường như Trung Quốc cũng theo chân Nga. Ngày 6/6, Bắc Kinh cho biết các nhà ngoại giao nước này đã tới thăm thành phố Benghazi, thủ phủ của phe nổi dậy, để hội đàm với NTC nhằm "tìm hiểu tình hình nhân đạo và các công ty nhà nước của Trung Quốc đang hoạt động ở đây".

Quan điểm lâu nay của Trung Quốc đối với cuộc xung đột ở Libi giống như nhiều nước khác, đó là mập mờ và không quả quyết. Nhiều người nói rằng với việc không phủ quyết nghị quyết 1973 của Liên hợp quốc (LHQ), Trung Quốc đã tự phá vỡ nguyên tắc không can thiệp vào nội bộ nước khác, song Bắc Kinh vẫn tìm cách không can dự quá sâu vào cuộc xung đột ở Libi. Sự thay đổi thái độ gần đây của Trung Quốc chắc chắn là vì thế giới đã thừa nhận NTC và nhiều người tin rằng những ngày cầm quyền của Gaddafi không còn lâu nữa.

Tuy nhiên, với việc trực tiếp tham gia cuộc xung đột ở Libi và tiến hành hội đàm với các nhà lãnh đạo của phe nổi dậy, Trung Quốc biết rằng họ sẽ phải thận trọng, bởi mỗi bước đi của Bắc Kinh sẽ bị cả phương Tây và châu Phi theo dõi. Trong hai năm gần đây, các nhà lãnh đạo châu Phi công khai nói rằng họ đã nhận thấy Trung Quốc can dự vào châu Phi không chỉ vì lý do kinh tế. Phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Châu Phi năm 2009, Thứ trưởng Ngoại giao Nigiêria Bagudu Hirse cáo buộc Trung Quốc tài trợ cho các thể chế tham nhũng và đàn áp dân chúng ở Ghinê thông qua khoản đầu tư 7 tỷ USD vào các dự án khai mỏ. Một nghị sỹ của Ai Cập là ông Mustafa al-Gindi cũng nói rằng ông "vô cùng sợ hãi cách làm ăn của Trung Quốc" và "dù họ nói gì đi nữa, có một thực tế là người Trung Quốc đến với châu Phi không chỉ với các kỹ sư và nhà khoa học. Họ mang theo cả nông dân. Đó là chủ nghĩa thực dân mới, không có đạo đức, không có giá trị".

Trung Quốc vẫn duy trì một mối quan hệ gần gũi với Libi. Trước khi xảy ra cuộc nổi dậy ở Libi, trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc viết: “Trung Quốc và Libi duy trì sự liên lạc và phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Quan hệ kinh tế phát triển thuận lợi và kim ngạch thương mại hai chiều liên tục gia tăng”. Tuy nhiên, mối quan hệ song phương này không phải luôn thuận lợi như tuyên bố. Trong quá khứ, Gaddafi từng chỉ trích lập trường của Trung Quốc về một số vấn đề quốc tế, thậm chí còn nói rằng Bắc Kinh phản bội chủ nghĩa xã hội. Mặc dù nắm quyền hơn bốn thập kỷ, song Gaddafi chưa tới thăm Bắc Kinh kể từ năm 1982 và chuyến thăm mới nhất của người đứng đầu nhà nước Trung Quốc tới Libi cũng cách đây 9 năm.

Năm 2006, Gaddafi đón tiếp cựu Tổng thống Đài Loan Trần Thủy Biển trong một chuyến thăm khiến Trung Quốc vô cùng tức giận. Năm 2009, một số tập đoàn dầu khí nhà nước của Trung Quốc bị ngăn cản hoạt động tại Libi. Gần đây, một số công ty khác nói rằng cơ sở của họ ở Libi còn bị tấn công. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng hưởng lợi nhiều từ mối quan hệ với Libi. Kim ngạch thương mại song phương đạt 6,6 tỷ USD. Bắc Kinh còn được nhận một dự án xây dựng đường sắt trị giá 1,7 tỷ USD từ Tripôli.

Lý do đằng sau việc Trung Quốc gần đây can dự vào Libi đã trở nên rõ ràng hơn. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang có quan hệ mật thiết với NTC và Công ty Dầu mỏ Quốc gia Libi. Nga và Ixraen cũng đã quyết tâm tận dụng những cơ hội có được từ tình bạn mới với phe nổi dậy ở Libi. Có vẻ như là trái với nhận định của nhiều người cho rằng Trung Quốc đã từ bỏ những nguyên tắc riêng không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, Trung Quốc một lần nữa đang chứng tỏ các chính sách đối ngoại của nước này là vì lợi ích kinh tế. Xưa và nay vẫn vậy.

  Theo Ibtimes

 Mỹ Anh (gt)