Cuối tháng 8/2017, 2 vị tướng Phòng Phong Huy và Trương Dương đã biến mất một cách bí ẩn. Tình tiết trở nên ly kỳ hơn khi cả 2 vị tướng này, những người mà nhiều nhà quan sát đánh giá là có triển vọng sự nghiệp tươi sáng, được cho là đang bị điều tra do tham nhũng và không lọt vào danh sách đại biểu quân sự tham dự Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX (Đại hội XIX). Trong khi đó, giữa tháng 9 Quân ủy trung ương (CMC) đã cử 4 nhóm kiểm tra kỷ luật đặc biệt tới các đơn vị và cơ quan quân sự chủ chốt để tiến hành một cuộc điều tra mà kết thúc chỉ 3 ngày trước khi Đại hội XIX khai mạc vào ngày 18/10. 
Khép lại một loạt sự kiện bất thường này là việc công khai chỉ có 7 thành viên trong CMC – 1 chủ tịch, 2 phó chủ tịch và 4 ủy viên – tại phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Ban chấp hành Trung ương khóa XIX vào ngày 25/10. Có 11 ủy viên CMC trong nhiệm kỳ đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình, giống như trong nhiệm kỳ của các cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. 

Nhìn thoáng qua, một CMC nhỏ gọn hơn có vẻ khác thường so với nỗ lực của Tập Cận Bình nhằm củng cố quyền kiểm soát đối với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Tập Cận Bình đã dành 3 năm vừa qua để biến CMC từ một “hệ thống thuộc trách nhiệm của phó chủ tịch”, mà ở đó quyền lực quân sự tập trung trong tay các nhân vật cấp phó có tầm ảnh hưởng như 2 nhân vật đã bị thanh trừng là Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu, thành một “hệ thống thuộc trách nhiệm của chủ tịch”, mà ở đó ông là người ra quyết định. Việc phân tán quyền lực của CMC đã diễn ra dưới hình thức tái tổ chức 44 tổng cục của nó thành 15 cơ quan trực thuộc nhỏ hơn và lập ra hai chuỗi mệnh lệnh riêng biệt (chuỗi mệnh lệnh tác chiến và chuỗi mệnh lệnh quản lý). Có vẻ như bước đi hợp lý tiếp theo của Tập Cận Bình sẽ là bổ sung các phó chủ tịch và ủy viên mới vào CMC để phân tán quyền lực hơn nữa, lập ra các cơ chế kiểm soát và cân bằng, và ngăn chặn các thách thức trong tương lai đối với quyền lực của ông. Trước thềm Đại hội XIX, những người trong nội bộ PLA dự đoán rằng Tập Cận Bình có thể bổ sung thêm 2 hoặc 3 phó chủ tịch vào CMC. 

Tuy nhiên, Tập Cận Bình đã lựa chọn một CMC tinh gọn hơn vào ngày 25/10, một tiến triển có thể bị ảnh hưởng một phần bởi những sự cố bất thường đã được nêu ở đầu bài viết này. Tác giả tin rằng có ba lý do khiến Tập Cận Bình quyết định thu gọn CMC: 

1. Cơ cấu của CMC mới đáp ứng được mục tiêu củng cố quyền lực của Tập Cận Bình. 

2. Tập Cận Bình đang tìm cách tránh né phản ứng nội bộ dữ dội nảy sinh nếu ông mở rộng CMC. 

3. Tập Cận Bình đang kéo dài thời gian để đánh giá lại sự trung thành của các tướng lĩnh cấp cao và chuẩn bị một đội ngũ bảo vệ ban lãnh đạo mới. 

Đáp ứng các mục tiêu 

Câu nói "quyền lực chính trị sinh ra từ nòng súng" của Mao Trạch Đông đã tóm gọn một cách tốt nhất mối quan hệ cộng sinh giữa quân đội và quyền lực chính trị trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Các nhà lãnh đạo đảng không kiểm soát được quân đội cuối cùng cũng bị những người có quyền lực đối với quân đội thao túng. Một ví dụ gần đây là kinh nghiệm của Hồ Cẩm Đào trong nhiệm kỳ từ năm 2002 đến năm 2012. Tầm ảnh hưởng rất nhỏ của ông trong các vấn đề quân sự có thể thấy rõ nhất qua việc ông không biết rằng một máy bay chiến đấu tàng hình mới của Trung Quốc đang được thử nghiệm khi ông bị cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates chất vấn vào năm 2011. Hai phó chủ tịch CMC của Hồ Cẩm Đào là Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu, cũng là hai đồng minh của Giang Trạch Dân, đã thống lĩnh quân đội, và vì thế các nhà quan sát nước ngoài cũng như những người trong nội bộ đảng đã coi Hồ Cẩm Đào chỉ là một nhân vật bù nhìn. 

Sau khi chứng kiến số phận của Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình đã thanh lọc quân đội khỏi tầm ảnh hưởng còn sót lại của Giang Trạch Dân bằng cách sử dụng chiến dịch chống tham nhũng và đặt PLA hoàn toàn dưới sự kiểm soát của ông. Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu đều bị bắt sau khi Tập Cận Bình nhậm chức vào năm 2012, và năm 2016 Quách Bá Hùng bị kết án chung thân vì nhận hối lộ lớn (Từ Tài Hậu chắc chắn sẽ bị truy tố nếu ông không qua đời vì ung thư bàng quang vào năm 2015). Truyền thông nhà nước không ngừng nhấn mạnh sự cần thiết phải "loại bỏ hoàn toàn tầm ảnh hưởng nguy hại còn sót lại của Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu". 

Các cuộc cải cách quân sự và cải tổ nhân sự sâu rộng của Tập Cận Bình cũng nhằm mục đích phá vỡ các mạng lưới phe cánh Giang Trạch Dân đã ăn sâu bám rễ và ngăn chặn các nhà lãnh đạo quân sự xây dựng đủ quyền lực để thách thức tổng bí thư đảng. Các cuộc cải cách tập đoàn quân của PLA hồi tháng 4 là một ví dụ minh họa. 18 tập đoàn quân bị giảm xuống còn 13, được cấp phiên hiệu đơn vị mới, và được giao cho các tư lệnh tập đoàn quân và chính ủy mới. Đội ngũ chỉ huy tập đoàn quân mới được bổ nhiệm này chỉ có 24 giờ để tiếp nhận các vị trí mới. Việc luân chuyển nhân sự và tái tổ chức các tập đoàn quân dường như nhằm mục đích khiến cho đội ngũ lãnh đạo không nắm được tình hình quân đội của họ và ngược lại, cũng như chuyển các chỉ huy hàng đầu ra khỏi cơ sở quyền lực trước đây của họ, nếu có. 

Mặc dù CMC bị tinh giản dường như đi ngược lại những nỗ lực của Tập Cận Bình nhằm phân tán quyền lực của các ủy viên quân ủy, nhưng Tập Cận Bình có lẽ sẵn sàng chấp nhận lựa chọn này vì ông đã giám sát sự thăng tiến của các ủy viên CMC mới và tự tin rằng lòng trung thành của họ đặt nơi ông. 

Phó Chủ tịch Hứa Kỳ Lượng đã ủng hộ và quan sát các chính sách của Tập Cận Bình trong 5 năm qua và chưa cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào của sự bất trung. 

Phó Chủ tịch Trương Hựu Hiệp có kinh nghiệm chiến đấu khi tham gia trong cuộc chiến Trung-Việt năm 1979. Ngoài ra, cha của Trương Hựu Hiệp là Trương Tông Tốn đã phục vụ cùng với Tập Trọng Huân, cha của Tập Cận Bình, trong cuộc nội chiến vào những năm 1940. Sau đó, Trương Tông Tốn trở thành phó tư lệnh của Dã chiến quân Tây Bắc, và Tập Trọng Huân là phó chính ủy. 

Tư lệnh Lực lượng tên lửa PLA Ngụy Phương Hòa được Tập Cận Bình đặc biệt cất nhắc sau khi Tập Cận Bình trở thành tổng bí thư vào tháng 11/2012. 

Tham mưu trưởng Bộ tham mưu liên hợp Lý Tác Thành đã được trao huân chương hạng nhất với Tập đoàn quân số 41 trong Chiến tranh Trung-Việt, trở thành tư lệnh sư đoàn vào năm 1994, và được thăng hàm thiếu tướng vào năm 1997. Nhưng sự nghiệp của ông sớm chững lại vì ông được biết đã làm Giang Trạch Dân phật ý. Sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông đã khôi phục sự nghiệp của Lý Tác Thành với một số đề bạt. 

Chủ nhiệm Bộ tổng tham mưu Miêu Hoa đã được cất nhắc đặc biệt 3 lần dưới thời Tập Cận Bình: luân chuyển chéo từ vị trí chính ủy của Quân khu Lan Châu sang chính ủy Hải quân PLA vào tháng 12/2014, được thăng hàm tướng vào tháng 7/2015 và được bổ nhiệm vào vị trí hiện nay hồi tháng 8. 

Trương Thăng Dân, Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương của CMC, được cất nhắc 4 lần trong vòng 2 năm. Trương Thăng Dân và Ngụy Phương Hòa từng phục vụ trong Lực lượng pháo binh 2, tiền thân của Lực lượng tên lửa PLA. Việc đưa Trương Thăng Dân vào CMC cũng phản ánh các ưu tiên chống tham nhũng của Tập Cận Bình và gửi một thông điệp tới những người trong quân đội có thể đang tính đến việc chống đối Tập Cận Bình. 

Bằng cách sắp xếp vào CMC các quan chức mà ông tin tưởng, Tập Cận Bình có thể tránh được những nguy cơ của việc quyền lực bị tập trung quá mức vào một CMC tinh gọn hơn đồng thời củng cố hơn nữa quyền lực của ông đối với quân đội. 

Tránh né phản ứng dữ dội 

Trong kịch bản lý tưởng, Tập Cận Bình sẽ thấy CMC được mở rộng để phân tán quyền lực của các ủy viên và làm cho cơ quan quân sự hàng đầu này ăn khớp hơn với toàn bộ công cuộc tái cơ cấu quân đội. Nhưng ông có nguy cơ gây ra phản ứng nội bộ dữ dội khi xét tới tình hình hiện tại liên quan đến các trường hợp thăng cấp. 

Theo quy định của PLA, CMC quyết định việc thăng hàm cấp tướng cho các sĩ quan, nhưng không có tiêu chí thăng cấp nào được liệt kê. Tuy nhiên, theo tiền lệ, các trung tướng thường mang quân hàm của họ trong vòng ít nhất 4 năm và giữ vị trí chỉ huy cao nhất trong ở một bộ tư lệnh vùng tác chiến hoặc vị trí tương đương trong vòng ít nhất 2 năm trước khi họ được thăng hàm thượng tướng. Tiêu chuẩn thăng cấp này được bãi bỏ đối với các trung tướng gia nhập CMC mà chưa đáp ứng được các yêu cầu thăng cấp, vì tất cả các thành viên của CMC phải mang hàm cấp tướng. Chẳng hạn, Trương Thăng Dân được thăng hàm thượng tướng ngày 2/11, chỉ 1 năm rưỡi sau khi ông được thăng hàm trung tướng. 

Nếu Tập Cận Bình mở rộng CMC bằng cách đưa tất cả chỉ huy các nhánh quân chủng và chủ nhiệm các cục vào đó, một sự sắp xếp theo cơ cấu của CMC trước đây, thì ông sẽ phải thực hiện nhiều sự cất nhắc đặc biệt hoặc tiếp tục thăng cho những người gần đây mới nhận được "sự đề bạt với tốc độ tên lửa”. Chẳng hạn, các trung tướng Lý Thượng Phúc, Thẩm Kim Long và Chu Á Ninh đã được nâng hàm từ giữa năm 2016, trong khi Ngụy Phương Hòa, Miêu Hoa, Tống Phổ Tuyển và Hàn Vệ Quốc đều được thăng hàm cấp tướng theo lộ trình nhanh. 

Nếu Tập Cận Bình kiên quyết duy trì một CMC 11 ủy viên hoặc cố gắng mở rộng nó, thì ông có nguy cơ bị các phe cánh khác nhau trong quân đội và đảng thách thức vì đã phá vỡ tiêu chuẩn quá mức. Những thay đổi vào phút chót đối với danh sách đại biểu quân sự tham dự Đại hội XIX và cuộc điều tra nội bộ kéo dài cả tháng đối với các đơn vị và cơ quan quân sự chủ chốt ngay trước đại hội cho thấy sự bất đồng trong hàng ngũ cấp cao. Và mặc dù Tập Cận Bình rời khỏi Đại hội XIX với quyền lực chính trị gia tăng, nhưng ông vẫn không có được thẩm quyền hay uy tín tầm cỡ như Mao Trạch Đông để có thể bỏ qua tất cả những tiếng nói bất đồng và thúc đẩy quyết tâm của mình. Vì vậy, trên thực tế việc tinh giản CMC là một lựa chọn thận trọng đối với Tập Cận Bình vì nó cho phép ông tránh được phản ứng nội bộ dữ dội có khả năng gây mất ổn định. 

Câu giờ 

Tinh giản CMC giờ đây cũng là một lựa chọn thận trọng đối với Tập Cận Bình khi xét tới việc ông đang trong quá trình cắt giảm hàng ngũ quân sự hàng đầu gồm các tướng lĩnh cấp cao, những người có thể đặt lòng trung thành của họ ở một nơi nào khác, trong khi chuẩn bị một đội ngũ bảo vệ mới gồm các tướng lĩnh sẽ tận tụy với ông. 

Tập Cận Bình có một vấn đề về lòng trung thành với loạt tướng lĩnh cấp cao hiện nay của PLA vì tất cả các sĩ quan cấp trung tướng trở lên đều đã được đề bạt trong kỷ nguyên thống trị của Giang Trạch Dân (1997-2012). Và gần như tất cả các sĩ quan cấp cao, bao gồm cả những người có xuất thân “thái tử đảng”, đã phải mua cấp bậc cho mình khi Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng nắm quyền. Quách Chính Cương, con trai của Quách Bá Hùng, đã công khai nói rằng một nửa số sĩ quan quân đội hàng đầu được thăng tiến là nhờ gia đình ông trong khi Từ Tài Hậu nâng đỡ nửa còn lại. Vì vậy, sau khi công bố các cải cách quân đội của mình vào năm 2015, Tập Cận Bình đã bắt đầu thay thế nhiều thượng tướng ở các vị trí lãnh đạo bằng các vị tướng cấp dưới hoặc những người thăng cấp chậm trong thời kỳ của Giang Trạch Dân như Lý Tác Thành và Phó Tư lệnh Cảnh sát vũ trang nhân dân Tần Thiên. 

Tập Cận Bình dường như vẫn vấp phải sự phản kháng dữ dội bất chấp sự thận trọng của ông trong việc lựa chọn các sĩ quan quân đội hàng đầu. Những tình huống kỳ lạ xung quanh sự biến mất của các tướng Phòng Phong Huy và Trương Dương vào tháng 8 cho thấy họ có thể đã dính líu đến một âm mưu đảo chính chống lại Tập Cận Bình, hoặc ít nhất là đã tìm cách thách thức quyền lực của ông. Việc loại bỏ các trung tướng Vương Kiến Sĩ, Trương Thụy Thanh và Trương Thư Quốc khỏi danh sách đại biểu tham dự Đại hội XIX, cũng như sự thất bại của Chủ nhiệm Tổng cục đảm bảo hậu cần Tống Phổ Tuyển trong việc trở thành ủy viên chính thức hay dự khuyết trong Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ cũng cho thấy tình trạng rắc rối trong nội bộ hàng ngũ sĩ quan quân đội hàng đầu. Nếu Tập Cận Bình không thể chắc chắn về lòng trung thành của các tướng lĩnh như Phòng Phong Huy, người từng có mặt trong đoàn hộ tống của Tập Cận Bình trong cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump vào tháng 4, hoặc Tống Phổ Tuyển, người từng chỉ huy lễ duyệt binh lớn của Tập Cận Bình vào năm 2015, thì ông sẽ phải chấp nhận một rủi ro lớn khi đưa họ vào CMC ngay dù họ đủ điều kiện. 

Vấn đề về ban lãnh đạo quân sự cấp cao của Tập Cận Bình có thể dịu đi vào thời điểm đánh dấu 3 năm trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông khi các ứng cử viên mới đã sẵn sàng. Điều này là vì các thiếu tướng mà Tập Cận Bình đã cất nhắc vào năm 2016 sẽ đến hạn được thăng hàm vào năm 2020. Những vị thiếu tướng này có thể sẽ trung thành với Tập Cận Bình và chấp nhận các chính sách của ông hơn là đội ngũ tướng lĩnh cấp cao hiện nay, những người được cất nhắc dưới thời Giang Trạch Dân. 

Cho đến khi Tập Cận Bình cảm thấy chắc chắn hơn về lòng trung thành của các tướng lĩnh cấp cao của mình, thì một CMC nhỏ gọn nhưng ổn định hơn có lẽ là sự lựa chọn hợp lý nhất. Trong khi đó, Tập Cận Bình sẽ trông cậy vào vị bí thư mới được cất nhắc của Ủy ban kiểm tra kỷ luật CMC đóng vai trò như một sự răn đe đối với các tướng lĩnh cấp cao dưới cấp CMC, những người có thể đang nghĩ đến việc gây rắc rối. 

Kết luận 

Cuộc cải tổ nhân sự của CMC cuối cùng phải giúp Tập Cận Bình củng cố quyền kiểm soát quân đội một cách trọn vẹn hơn. Vì vậy, mặc dù CMC được tinh giản không hoàn toàn đồng bộ với đường hướng của các cuộc cải cách quân đội, nhưng đó là lựa chọn tốt nhất của Tập Cận Bình trong tình hình nhân sự hiện tại. 

Tập Cận Bình đã phá vỡ các mạng lưới phe cánh hiện có bên trong quân đội sau khi ít nhiều hoàn thành hầu hết việc tái cơ cấu PLA trong năm 2017, nhưng ông vẫn cảnh giác trước những thách thức mới đối với quyền lực của mình. Trong 5 năm tới, Tập Cận Bình sẽ đánh giá lại thành tích của đội ngũ tướng lĩnh cấp cao hiện tại trong khi chuẩn bị hàng ngũ ban lãnh đạo mới.

Don Tse là tổng giám đốc và là đồng sáng lập trung tâm tư vấn, nghiên cứu về nội bộ Trung Quốc SinoInsider Consulting LLC, trụ sở tại thành phố New York, Mỹ. Bài viết được đăng trên The Diplomat.

Trần Quang (gt)