china_xi_turkmen.jpg

Sự trỗi dậy ngoạn mục của Trung Quốc về kinh tế và quân sự chẳng nghi ngờ gì là diễn biến quan trọng nhất trong các vấn đề quốc tế thế kỷ 21. Phải đương đầu với một Trung Quốc sôvanh và hung hăng, nước quyết tâm thay đổi cả cán cân quyền lực lẫn các quy tắc hành xử quốc tế được thiết lập từ lâu theo hướng có lợi cho mình, nhiều nước cảm thấy bị đe dọa. Lời hô hào vốn mang tính cơ hội của Đặng Tiểu Bình rằng Trung Quốc cần phải “giấu mình chờ thời” đã nhường đường cho “Giấc mộng Trung Hoa” đầy kiêu căng ngạo mạn của Tập Cận Bình. Không may thay, giấc mộng đó đã trở thành cơn ác mộng đối với nhiều nước trong số các láng giềng của Trung Quốc.

Các tranh chấp lãnh thổ trước giờ vẫn “ngủ yên” đã bùng lên, đặc biệt là với Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam. Chi tiêu cho quân đội và các khả năng quân sự của Trung Quốc đã gia tăng nhanh chóng. Trọng tâm của chương trình mở rộng và hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc là Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), mà sự hiện diện và các hoạt động của lực lượng này giờ đây mở rộng ra ngoài Tây Thái Bình Dương vào Ấn Độ Dương. Có lẽ mục tiêu chính của Trung Quốc quả thực là nhằm đảm bảo an toàn cho các tuyến đường thương mại và năng lượng trên biển của nước này, nhưng hành động của họ cũng xâm phạm vào không gian an ninh của các nước khác. Sự mất an ninh ngày càng tăng của Trung Quốc ở Tây Tạng và Tân Cương đã buộc họ phải tìm kiếm ảnh hưởng, nếu không nói là kiểm soát, ở những nhà nước láng giềng nhỏ hơn tiếp giáp với Tây Tạng và Tân Cương, như Nepal, Afghanistan, Tajikistan, Kyrgyzstan và Kazakhstan. Pakistan đương nhiên vẫn là “người bạn trong mọi hoàn cảnh”.

Trong khi đó, tăng trưởng không ngừng của Trung Quốc vẫn tiếp tục. Nước này có dự trữ ngoại tệ khổng lồ, vốn có thể đầu tư được, một thị trường rộng lớn, và sự xuất hiện của họ như là công xưởng của thế giới đã làm kiệt quệ dần các ngành công nghiệp nội địa của nhiều nước. Tất cả điều này có nghĩa rằng các chính phủ và doanh nghiệp tư nhân phải duy trì mở cửa làm ăn với Trung Quốc, đặc biệt là khi hiện nay không tồn tại động lực thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu nào có thể so sánh được. Chiến lược của Trung Quốc – hút các nước khác vào quỹ đạo kinh tế của mình – kết hợp một sự pha trộn giữa bắt ép, hối lộ kiểu cũ, nuông chiều sự tham lam của tập đoàn, và sự trợ giúp chiến lược của nước ngoài đối với các công ty của chính nước này cũng như đối với các chính phủ nước ngoài. Trung Quốc là một thỏi nam châm vừa đẩy lại vừa hút.

Ở cấp độ toàn cầu, lực lượng đối trọng đáng tin cậy duy nhất đối với Trung Quốc là Mỹ. Tuy nhiên, bất chấp chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ sang châu Á, nhiều nước châu Á – và ngay cả các đồng minh hiệp ước của Mỹ - vẫn chưa tin rằng họ có thể dựa vào Mỹ trong thời điểm khủng hoảng. Thay vào đó, họ lo sợ rằng Mỹ và Trung Quốc có thể tạo nên một sự kết hợp “G-2” mà sẽ đẩy phần còn lại của thế giới xuống một vị trí thấp hơn. Đồng thời, Trung Quốc và Mỹ đang cạnh tranh để tạo ra những dàn xếp thương mại tự do: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ ủng hộ bị chống lại bởi đề xuất của Trung Quốc về một Khu vực Thương mại Tự do của châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP). Mục tiêu bao trùm của chính sách đối ngoại Mỹ là duy trì vị thế của họ với tư cách là cường quốc số 1 trên thế giới, trong khi Trung Quốc tìm cách hạ gục Mỹ vào giữa thế kỷ 21.

Trong tình huống bị phương Tây bao vây và phụ thuộc nặng nề vào thị trường năng lượng của Trung Quốc và vào các khoản đầu tư của Trung Quốc, Nga đành cam chịu làm đối tác cấp thấp với Trung Quốc. Sau khi giải quyết tranh chấp lãnh thổ của mình với Trung Quốc cách đây gần 2 thập kỷ, Nga không còn coi Trung Quốc là một mối đe dọa về an ninh. Cả hai nước dường như đã đạt tới một sự hiểu biết: để đáp lại việc Trung Quốc không gây khó khăn cho Nga ở châu Âu, Nga sẽ ủng hộ các kế hoạch chiến lược của Trung Quốc ở châu Á. Bằng cách này, Trung Quốc đã vô hiệu hóa một nước láng giềng quan trọng. Người châu Âu cũng đang suy tính những lợi ích kinh tế chủ yếu khi giao thiệp với Trung Quốc; họ không muốn đối đầu với Trung Quốc về các vấn đề an ninh mà họ không coi là có ảnh hưởng trực tiếp tới châu Âu.

Thách thức chính sách đối ngoại khó khăn nhất của Ấn Độ

Các nước láng giềng châu Á của Trung Quốc không có khả năng lạc quan đến vậy. Chẳng hạn, Trung Quốc là thách thức chính sách đối ngoại phức tạp và khó khăn nhất của Ấn Độ. Cũng như việc chấp nhận cán cân quyền lực toàn cầu, đã thay đổi theo hướng có lợi cho Trung Quốc, Ấn Độ cũng phải chống lại chiến lược của Trung Quốc bao vây Ấn Độ để ngăn không cho nước này nổi lên với tư cách là một đối thủ châu Á có khả năng. Trên hết, Ấn Độ phải tìm ra các cách thức đối phó với Trung Quốc với tư cách là một nước láng giềng. Trong số những vấn đề gây tranh cãi nhất giữa Ấn Độ và Trung Quốc là tranh chấp biên giới chưa được giải quyết suốt 60 năm qua, điều gần đây đã bị làm phức tạp bởi các tuyên bố chủ quyền quá mức và phi lý của Trung Quốc, thái độ cứng rắn của công chúng nước này, và các chiến thuật chậm chạp của nước này trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp. Tây Tạng vẫn là một vấn đề nhức nhối khác, với việc Trung Quốc nghi ngờ rằng Ấn Độ đang tiếp tay cho chủ nghĩa ly khai Tây Tạng và Ấn Độ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc quân sự hóa cao nguyên Tây Tạng cũng như về những động thái của Trung Quốc xây dựng đập trên, hoặc thậm chí là làm đổi hướng, dòng chảy của các sông bắt nguồn từ Tây Tạng và chảy vào Ấn Độ.

Đối với một số vấn đề toàn cầu, các lợi ích của Ấn Độ hội tụ với các lợi ích của Trung Quốc, và chúng khác nhau ở những vấn đề khác. Cả hai nước đều muốn tái cơ cấu và cải cách chức năng của các cơ quan quốc tế, đặc biệt là các thể chế tài chính quốc tế bị phương Tây chi phối. Ấn Độ và Trung Quốc hợp tác trong khuôn khổ nhóm BRICS ngày càng đáng tin cậy, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đại diện một nhóm nhỏ tạo thế cân bằng trước G-7 bên trong G-20. Ấn Độ đã tham gia Ngân hàng Phát triển Mới của BRICS và ủng hộ đề xuất của Trung Quốc thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á. Một cơ chế đối thoại Nga-Ấn-Trung đã tồn tại kể từ khi bước sang thế kỷ mới. Ấn Độ và Trung Quốc đã và đang hợp tác về các vấn đề như biến đổi khí hậu (thông qua nhóm các quốc gia thuộc BASIC, gồm Brazil, Nam Phi, Ấn Độ và Trung Quốc) và thương mại (thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới). Nhưng giờ đây lập trường của họ đang bắt đầu trở nên khác nhau. Trung Quốc vẫn kín đáo về việc ủng hộ tư cách thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc của Ấn Độ, không thừa nhận Ấn Độ là một cường quốc hạt nhân theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, và không ủng hộ những nỗ lực của Ấn Độ tham gia các cơ chế kiểm soát công nghệ như Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân, Chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa, nhóm Australia (AG), và Thỏa thuận Wassenaar.

Ở cấp khu vực, do sự không cân xứng về sức mạnh giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, không nước nào có thể một mình chống đối Trung Quốc. Chiến lược của Trung Quốc cho một vài thập kỷ tiếp theo dường như là thiết lập vị thế thống trị của nước này ở châu Á (để tự biến mình thành một “Vương quốc trung tâm” mới). Nhật Bản là một rào chắn, nhưng không phải là một mối đe dọa dài hạn, vì nước này nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc, cũng như nghèo tài nguyên. Đối thủ có khả năng duy nhất là Ấn Độ, vì quy mô, dân số có thể cạnh tranh được của nước này, và vị trí thuận lợi ở trung tâm châu Á. Trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc đã sử dụng Pakistan để giữ Ấn Độ nằm trong tầm kiểm soát. Gần đây, khi tham vọng của nước này tăng lên và túi tiền của họ đầy hơn, Trung Quốc đã “đột nhập” đầy táo bạo vào các nước khác ở Nam Á, như Nepal, Bangladesh, Sri Lanka, và Maldives nhằm tìm cách loại các nước này ra khỏi phạm vi ảnh hưởng của Ấn Độ. Nước này công khai tìm cách sử dụng sức mạnh để mở đường bước vào Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC). Và việc nước này thúc đẩy một hành lang kinh tế từ Vân Nam đến Ấn Độ qua Myanmar và Bangladesh (cái gọi là Hành lang BCIM) tìm cách đưa khu vực Đông Bắc nhạy cảm của Ấn Độ (nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ) vào phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc. Những đề xuất của Trung Quốc về một hành lang vận tải và năng lượng Trung Quốc-Pakistan, Con đường tơ lụa trên biển, và Vành đai kinh tế con đường tơ lụa mới, tất cả đều bị Ấn Độ coi là đi ngược lại các lợi ích của nước này. Chắc chắn là, những sáng kiến này được đặt tiền đề dựa trên một trật tự châu Á do Trung Quốc chế tác và chi phối. Phản ứng của Ấn Độ là xây dựng lại quan hệ với các nước láng giềng của mình, điều đã bị xao lãng trong suốt hơn một thập kỷ qua, và tăng cường các mối quan hệ đối tác, gồm cả về an ninh, với Australia, Nhật Bản, Việt Nam và Mỹ.

Các vấn đề an ninh đứng đầu trong chương trình nghị sự song phương của Ấn Độ với Trung Quốc. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nói rõ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Ấn Độ của ông Tập vào tháng 9/2014 rằng hòa bình và sự yên ổn ở khu vực biên giới Ấn-Trung “tạo thành nền tảng của sự tin tưởng lẫn nhau và của mối quan hệ giữa chúng ta” và rằng hai bên phải xây dựng lòng tin, sự tin tưởng lẫn nhau, và tôn trọng những mối quan tâm và sự nhạy cảm của mỗi bên. Tương tự, sự thận trọng và nhận thức chung chỉ ra rằng những lợi ích của Ấn Độ sẽ không được đáp ứng bởi một mối quan hệ mà sự căng thẳng luôn trở đi trở lại và có sự đối địch với một nước láng giềng lớn và mạnh như Trung Quốc. Ấn Độ cũng không thể phớt lờ khả năng Trung Quốc đầu tư vào Ấn Độ để phát triển khu vực sản xuất và cơ sở hạ tầng của Ấn Độ, cả hai đều có ý nghĩa thiết yếu đối với việc thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của Ấn Độ. Đó là lý do tại sao Ấn Độ đã nhất trí trong chuyến thăm của ông Tập rằng việc phát triển mối quan hệ đối tác phải là một bộ phận cấu thành cốt lõi của mối quan hệ song phương. Trong số những điều khác, cả hai nước sẽ tổ chức đối thoại về các vấn đề kinh tế và tài chính chiến lược. Trung Quốc đã cam kết đầu tư 20 tỷ USD vào Ấn Độ để thành lập 2 khu công nghiệp và một dự án trong lĩnh vực đường sắt. Đương nhiên, Ấn Độ có khả năng không cho phép Trung Quốc đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm như viễn thông. Sự ứng phó gây chia rẽ của Ấn Độ với Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi câu chuyện thành công của Trung Quốc, điều đã lôi kéo được nhiều người ngưỡng mộ ở Ấn Độ, và bởi “sự giúp đỡ kinh tế chiến lược” của nước này, điều đã tạo ra nhiều nhóm vận động hành lang thân Trung Quốc và những lợi ích bất di bất dịch ở Ấn Độ.

Cuối cùng, Trung Quốc cũng bị chia rẽ về Ấn Độ. Có những “nhân vật diều hâu” chiến lược bên trong Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như bên trong PLA đầy ảnh hưởng. Nhưng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc khác, thận trọng hơn thừa nhận rằng bất chấp nhiều mâu thuẫn và sự thiếu hiệu quả, Ấn Độ đã làm khá tốt về mặt kinh tế với việc sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực và vốn, và rằng hệ thống chính trị và cấu trúc xã hội của nước này ổn định hơn so với của Trung Quốc. Nếu Ấn Độ thực sự cùng hành động dưới thời Modi, thì nước này có thể trở thành một bên thách thức đáng gờm đối với Trung Quốc ở châu Á, đặc biệt là nếu Mỹ và Nhật Bản trở thành các đối tác chiến lược của Ấn Độ. Do đó, Trung Quốc cần phải can dự với Ấn Độ theo cách mang tính xây dựng./.

Tác giả: Rajiv Sikri là một nhà ngoại giao của Ấn Độ và Nghiên cứu viên Cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu và  Phân tích Quốc phòng ở New Delhi

Nhật Linh (gt)