Hàng loạt hoạt động ngoại giao quan trọng khẳng định Trung Quốc đang chuyển từ quan điểm biệt lập truyền thống sang thái độ can dự quốc tế kiên quyết hơn. Trung Quốc là đồng minh quan trọng của Xyri kể từ các cuộc biểu tình bắt đầu cách đây gần một năm. Và thực tế, việc Trung Quốc phủ quyết hai nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ) khiến Mỹ và các cường quốc châu Âu nhận thấy Trung Quốc sẵn sàng bảo vệ và tiếp tay cho Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đẩy mạnh các hoạt động bạo lực chống người dân Xyri. Cuộc khủng hoảng ở Xyri có thể cho thấy một bước ngoặt trong nền ngoại giao của Trung Quốc. Nhà khoa học chính trị Jamie Chandler của Đại học Hunter ở Niu Yoóc nhận định sức mạnh kinh tế, thương mại và đầu tư ngày càng tăng của Trung Quốc đang thúc giục Bắc Kinh từ bỏ vai trò chính sách đối ngoại đặc trưng của họ. Đề cập tuyên bố sáu điểm của Trung Quốc, Giáo sư James Hsiung của Đại học Tổng hợp Niu Yoóc cho rằng chính sách đối ngoại đối với Xyri của Trung Quốc là một nguyên tắc. Từ thế kỷ 19, Trung Quốc đã phản đối mọi hình thức can thiệp vào bất cứ nước nào và coi đây là vấn đề nguyên tắc. Trung Quốc phủ quyết hai nghị quyết của LHQ về Xyri là một phản ứng do cảm thấy bị mắc lừa khi xảy ra can thiệp quân sự vào Libi. Một số nhà phân tích nhận định Trung Quốc tìm cách ủng hộ các quyết định của Nga chống các cường quốc phương Tây, đặc biệt do Xyri và Libi là một bộ phận thuộc khu vực ảnh hưởng của Nga. Tuy nhiên, tuyên bố sáu điểm về chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với cuộc khủng hoảng ở Xyri có thể bác bỏ quan điểm này vì Trung Quốc nắm vai trò tiên phong trước người Nga trong cuộc khủng hoảng ở Xyri. Mặc dù không thể hiện rõ, song các điểm trong tuyên bố dường như yêu cầu Chính phủ Xyri và các lực lượng đối lập hợp tác với nhau và tiến hành đối thoại mà không có sự giúp đỡ của một cuộc can thiệp vũ trang nước ngoài. Nhìn lướt qua, nhiều người sẽ cho rằng các điểm trong tuyên bố là không khả thi. Nhưng như một công cụ ngoại giao, tuyên bố sáu điểm thể hiện quan điểm trung gian của Trung Quốc. Bắc Kinh đang can dự vào cuộc xung đột ở Xyri và thể hiện quan điểm trực tiếp đối lập với Mỹ và phương Tây. 

Tuy nhiên, để hiểu nguyên nhân nào dẫn đến các hoạt động trên của Bắc Kinh, người ta cần xem lịch sử phát triển của mối quan hệ hai nước. Trung Quốc và Xyri thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức năm 1956. Trong thập kỷ 1980, mối quan hệ hai nước được tăng cường khi Trung Quốc sẵn sàng xuất khẩu công nghệ tên lửa tầm trung cho Xyri sau khi Liên Xô bác bỏ đề nghị của cựu Tổng thống Hafez al-Assad. Năm 2004, Tổng thống Assad đến thăm Bắc Kinh lần đầu tiên để thúc đẩy mối quan hệ kinh tế giữa hai bên. Xyri mang lại cho nền kinh tế Trung Quốc nhiều thị trường mới. Từ năm 2006, Trung Quốc trở thành quan hệ đối tác thương mại lớn nhất của Xyri. Các khoản đầu tư của Trung Quốc tại Xyri chủ yếu là các dự án năng lượng, nhà máy lọc dầu, các tàu vận chuyển dầu và nhiều cơ sở sản xuất. Thực tế, gần đây Trung Quốc mới rút công nhân của họ khỏi Xyri để tránh lặp lại tình hình Libi khi đó có gần 36.000 công nhân Trung Quốc vội vã trốn khỏi nước này khi nổ ra chiến tranh. Nhiều người cho rằng mối quan hệ Trung Quốc-Xyri gắn liền với các khoản đầu tư năng lượng. Nhà khoa học chính trị Chandler khẳng định sau khi trở thành nước tiêu thụ dầu lửa lớn nhất thế giới năm 2010, Trung Quốc tìm cách thiết lập các mối quan hệ đối tác với nhiều nước bất ổn và ngang ngạnh vì các nước này cung cấp cho Trung Quốc những hợp đồng năng lượng giá rẻ và nhiều cơ hội thương mại. Ông Dilshod Achilov, nhà khoa học chính trị của Đại học Tổng hợp Bang Đông Tennessee còn cho rằng ngoài mối quan hệ kinh tế, Trung Quốc coi Xyri như một đồng minh chiến lược chống phương Tây ở Trung Đông. Do đó, cực chẳng đã, Bắc Kinh "đâm lao đành phải theo lao" mặc dù biết như vậy là bất lợi và nguy hiểm.

Theo Ibtimes (ngày 10/3)

Vũ Hiền (gt)