Trong các chuyến thăm cấp nhà nước tới Kazakhstan và Indonesia năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lần lượt công bố Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa trên đất liền và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21. Không lâu sau đó, 2 sáng kiến này đã được kết hợp lại để tạo thành một khái niệm thống nhất, được biết đến như là Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI). Đại sáng kiến này bao gồm các tuyến đường khác nhau trên biển và trên đất liền, nhằm kết nối Trung Quốc với các khu vực Đông Nam Á, Nam Á, Trung Á, Thái Bình Dương, châu Phi, và châu Âu. BRI tập trung vào kết nối cơ sở hạ tầng “cứng” và “mềm”, nhằm tạo dựng một mạng lưới cơ sở hạ tầng khu vực tích hợp và mở rộng với Trung Quốc ở vị trí trung tâm.

BRI đã dần dần nổi lên như một chiến lược quốc gia hàng đầu của Trung Quốc. Do sự nổi lên của Trung Quốc như là một cường quốc toàn cầu thông qua tái cơ cấu công nghiệp và đầu tư ra nước ngoài, sáng kiến này có thể định hình lại bối cảnh địa chính trị và địa kinh tế trong và ngoài châu Á. BRI báo hiệu một sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc và một sự chuyển hướng khỏi cách tiếp cận “giấu mình chờ thời” đã có từ lâu của nước này. Kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, Chính phủ Trung Quốc đã thông qua một lập trường chính sách đối ngoại chủ động hơn nhiều, được thúc đẩy bởi tư duy toàn cầu. BRI đóng vai trò như là động lực chủ chốt để thúc đẩy các lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài và thể hiện sự tự tin ngày càng tăng cũng như các tham vọng của Trung Quốc muốn trở thành nước định hình luật lệ trong việc quản lý kinh tế trong và ngoài khu vực. Trong khi đó, sự chấm dứt Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), theo sau sự rút lui của Mỹ, đã cho Trung Quốc thêm thời gian để thúc đẩy nghị trình Con đường tơ lụa mới của mình. Thất bại của TPP sẽ làm gia tăng động lực quốc tế đằng sau BRI nhằm đẩy nhanh tốc độ hợp tác và hội nhập kinh tế khu vực thông qua việc tạo dựng các liên kết về cơ sở hạ tầng, thương mại và đầu tư.

Đối với các nước Đông Nam Á, hội nhập kinh tế khu vực đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giảm bớt những sự không chắc chắn ở bên ngoài và những khía cạnh kinh tế dễ bị tổn thương trên toàn cầu. Sự sụp đổ của TPP đã tác động rất mạnh đến một số nước tham gia nhất định trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Singapore. Là một quốc gia nhỏ bé không có một hậu phương về kinh tế, Singapore đã phát triển với tư cách là nền kinh tế mở cửa và phụ thuộc vào thương mại nhiều nhất trong khu vực. Việc Trung Quốc hiện thực hóa BRI phụ thuộc vào sự ủng hộ và tham gia của các nước khác; cụ thể là các nước láng giềng Đông Nam Á có ý nghĩa sống còn đối với sự thành công của sáng kiến này.

Các nước Đông Nam Á, đặc biệt là các nước đang phát triển như Indonesia và Philippines, phần lớn đều hoan nghênh BRI, sáng kiến nhằm thúc đẩy sự kết nối chặt chẽ về thương mại và đầu tư trong khu vực trên cơ sở cải thiện sự kết nối thực sự giữa các khu vực. Đông Nam Á cần kiên trì tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm giải phóng tiềm năng tăng trưởng kinh tế của khu vực. Các nước Đông Nam Á cho rằng việc tham gia BRI sẽ giúp giải quyết những thâm hụt nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng cũng như đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng công nghiệp và kinh tế. Trung Quốc đã đề xuất khoản đầu tư rất cần cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan đến sự kết nối. Bài viết này trước hết sẽ phân tích những cơ hội để các nước Đông Nam Á tham gia BRI và sau đó xem xét quan điểm của họ về các thách thức đối với sáng kiến này.

Các cơ hội nảy sinh từ BRI đối với Đông Nam Á

Sự trỗi dậy của Trung Quốc để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai và quốc gia thương mại lớn nhất thế giới đã tạo ra một sức hút vô cùng mạnh mẽ đối với các nền kinh tế Đông Nam Á. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất đối với tất cả các nước Đông Nam Á trừ Philippines. Về phần mình, khu vực này đã hưởng lợi rất nhiều từ sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Nó đã tận dụng mạng lưới sản xuất khu vực lấy Trung Quốc làm trung tâm được tạo ra kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào đầu những năm 2000 để xuất khẩu nguyên vật liệu thô, hàng hóa trung gian, và các tài nguyên khoáng sản sang Trung Quốc cho khâu sản xuất cuối cùng thành các sản phẩm công nghiệp trước khi xuất khẩu những hàng hóa này sang các thị trường tiêu thụ chính ở phương Tây.

Tạm gạt sang một bên các cân nhắc cơ bản về địa chiến lược và địa chính trị, những lợi ích tiềm tàng từ BRI đối với khu vực Đông Nam Á có thể rất lớn. Trung Quốc đã cam kết các nguồn tài chính khổng lồ để xây dựng một số dự án vận tải quy mô lớn nhằm cải thiện sự kết nối liên khu vực. Chẳng hạn, việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung ở Indonesia và một tuyến đường sắt kết nối Mohan, trên biên giới Trung Quốc, với thủ đô Viêng Chăn của Lào đã bắt đầu. Cả 2 dự án này, phần lớn đều được các ngân hàng Trung Quốc cấp vốn và do các công ty Trung Quốc thi công, đánh dấu các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tăng cường hơn nữa các liên kết về cơ sở hạ tầng, thương mại và đầu tư giữa Đông Nam Á và Trung Quốc. Cụ thể, khu vực này là đối tác cũng như điểm kết nối then chốt đối với Con đường tơ lụa trên biển do vị trí chiến lược của eo biển Malacca, một trong những tuyến vận tải thương mại bằng tàu thủy tấp nập nhất thế giới. Theo kế hoạch chính thức do Chính phủ Trung Quốc ban hành vào tháng 5/2015, Đông Nam Á là một trong những khu vực ưu tiên để cải thiện sự kết nối thực sự theo khuôn khổ BRI.

Tháng 5/2017, bên lề Diễn đàn hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường”, Tập Cận Bình đã gặp riêng Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ông đã nhấn mạnh rằng cả Philippines và Indonesia đều là các đối tác quan trọng trong BRI và Trung Quốc muốn đạt được kết quả phát triển đôi bên cùng có lợi bằng cách tăng cường hợp tác về xây dựng cơ sở hạ tầng, thương mại, đầu tư và trao đổi giữa nhân dân 2 nước. Rõ ràng là, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nỗ lực thuyết phục các nước Đông Nam Á rằng họ có thể chia sẻ lợi ích do BRI mang lại mà vẫn có cảm giác làm chủ việc họ tham gia sáng kiến do Trung Quốc chi phối này.

Cụ thể, các nước Đông Nam Á vẫn có thể hưởng lợi từ những cải thiện trong kết nối cơ sở hạ tầng cũng như tự do hóa thương mại và đầu tư thông qua sự xóa bỏ các rào cản thương mại và phi thương mại. Các công ty trong nước ở các lĩnh vực như thương mại, tài chính, vận tải, hàng không, công nghệ thông tin và truyền thông, và các dịch vụ chuyên nghiệp liên quan đến cơ sở hạ tầng sẽ được đặt ở vị trí tốt để tận dụng lợi thế từ BRI và tiếp cận nhiều hơn tới các thị trường chưa được khai thác khác dọc theo các tuyến của Con đường tơ lụa.
Về đầu tư trong kết nối khu vực, nhiều nước Đông Nam Á phải đối mặt với việc thiếu bí quyết công nghệ và khó khăn tài chính nghiêm trọng trong việc huy động các khoản vốn đáng kể cần thiết để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng được yêu cầu. Lấy ví dụ tham khảo, theo một nghiên cứu của Ngân hàng phát triển châu Á năm 2010, châu Á sẽ cần gần 8.000 tỷ USD vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng từ năm 2010 đến 2020, trong đó 68% cần cho xây dựng năng lực mới, trong khi 32% cần cho việc thay thế và bảo trì. Các nước Đông Nam Á phải giải quyết vấn đề gai góc về thâm hụt cơ sở hạ tầng này để hiện thực hóa tiềm năng tăng trưởng kinh tế trong nước họ. Đáng chú ý là, năng lực về cảng và đường sá không đầy đủ gây hạn chế lớn cho việc mở rộng thương mại trong khu vực và thương mại liên khu vực.

Do việc phát triển cơ sở hạ tầng là một nhu cầu cấp bách ở Đông Nam Á, các nước đang phát triển trong khu vực này phần lớn đều hoan nghênh BRI, và đặc biệt là các kế hoạch đầu tư của Trung Quốc cho cơ sở hạ tầng mới, ít nhất là trong hiện tại. Campuchia, Lào và Myanmar, 3 nước kém phát triển nhất trong khu vực, theo truyền thống là các đồng minh vững chắc của Trung Quốc và phụ thuộc nhiều vào viện trợ của Trung Quốc cho tăng trưởng kinh tế. Kể từ khi BRI được tuyên bố vào năm 2013, các nước này đã tỏ ý ủng hộ vô điều kiện sáng kiến này. Trong khi đó, nền kinh tế của các nước phát triển trong khu vực, bao gồm Thái Lan, Malaysia và Indonesia, phần lớn chỉ bổ trợ cho nền kinh tế Trung Quốc; do đó, những nước này đã hăng hái đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa thông qua đầu tư của Trung Quốc xuất phát từ BRI.

Trung Quốc đã có những khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á, bao gồm các tuyến đường sắt, đường cao tốc, cảng biển, nhà máy điện và các cơ sở mạng lưới truyền thông kỹ thuật số. Cụ thể là 3 nước Đông Nam Á – Indonesia, Malaysia và Philippines – đã trở thành những bên hưởng lợi chính từ ngoại giao đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Trung Quốc theo BRI. Hợp tác song phương ngày càng tăng giữa Malaysia và Trung Quốc về cung cấp cơ sở hạ tầng là một ví dụ minh họa cho điều này. Theo các thỏa thuận đạt được giữa hai nước này trong chuyến thăm của Thủ tướng Malaysia Najib Razak tới Bắc Kinh vào tháng 11/2016, Trung Quốc có thể cung cấp các khoản đầu tư lớn trong việc xây dựng Khu công nghiệp Kuantan giữa Malaysia và Trung Quốc, dự án cảng Melaka Gateway, và Tuyến đường sắt dọc bờ biển phía Đông ở Malaysia trong những năm tới.

Do sự đầu tư ngày càng gia tăng của Trung Quốc, BRI có thể dẫn đến việc Trung Quốc thành lực lượng chủ đạo trong việc quyết định bối cảnh kinh tế của Đông Nam Á trong tương lai. Trung Quốc là cường quốc kinh tế của châu Á và đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nước Đông Nam Á kể từ năm 2009. Trong bối cảnh này, đi kèm với dòng vốn đầu tư của Trung Quốc và sự hiện diện ngày càng tăng của các doanh nghiệp Trung Quốc trong khu vực thông qua việc thực hiện BRI, Trung Quốc sẽ tiến tới trở thành lực lượng chủ đạo ở Đông Nam Á, ít nhất là trong lĩnh vực thương mại và kinh tế. Trong năm qua, các chuyến thăm cấp cao thường xuyên tới Bắc Kinh của lãnh đạo các nước trong khu vực là một dấu hiệu rõ ràng của việc mối quan hệ của các nước này với Trung Quốc đang ấm lên. Ngoài chuyến thăm của Thủ tướng Malaysia Najib tới Trung Quốc vào tháng 11/2016, Tổng thống Philippines Duterte và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cũng đã tới thăm Trung Quốc vào tháng 1/2017.

Những thách thức đối với BRI từ góc nhìn của Đông Nam Á

Mặc dù Trung Quốc đã cố gắng giảm thiểu mối quan ngại được bày tỏ rộng rãi về các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải trên Biển Đông, nhưng vấn đề này đã ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ song phương với một số nước Đông Nam Á – đặc biệt là Philippines và Việt Nam, những nước có các tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra với Trung Quốc. Từ góc nhìn của các nước trong khu vực, Trung Quốc đã đưa ra một lập trường chính sách đối ngoại rất quyết đoán đối với các nước láng giềng nhỏ trong những tranh chấp này.

Tháng 7/2016, các thẩm phán trong ban hội thẩm của Tòa Trọng tài có trụ sở tại La Hay đã đưa ra một phán quyết dựa trên nguyên tắc đồng thuận về các tranh chấp trên Biển Đông. Từ góc nhìn của Bắc Kinh, Tòa Trọng tài đã lạm dụng quyền tư pháp của mình và đứng về phía Philippines một cách không công bằng. Tuy nhiên, Philippines, Việt Nam và các nước có chung tư tưởng khác trong khu vực đã nhìn nhận quyết định này là hợp pháp và có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Việc Trung Quốc không tuân thủ quyết định của Tòa Trọng tài có thể làm tổn hại danh tiếng của nước này ở Đông Nam Á như là một cường quốc có trách nhiệm và tôn trọng luật pháp, và do đó làm tổn hại hình ảnh quốc tế của họ. Vấn đề này không có khả năng sẽ được giải quyết trong tương lai gần, và những căng thẳng trên Biển Đông sẽ dai dẳng và thậm chí đôi khi còn leo thang. Kết quả là uy tín và sự tin tưởng lẫn nhau giữa một số nước Đông Nam Á và Trung Quốc có thể bị xói mòn, điều có thể cản trở các tham vọng của Trung Quốc tham gia các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn trong khu vực và gây nguy hiểm cho việc thực hiện và thành công cuối cùng của BRI. Những sáng kiến này phụ thuộc vào cam kết chính trị dựa trên lòng tin chiến lược.

Những cân nhắc về an ninh quốc gia và việc duy trì cân bằng địa chiến lược giữa các cường quốc lớn đã gây ra những mối quan ngại tại nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Các nước này lo sợ việc trở nên quá phụ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc thông qua sự cải tiến khuôn khổ BRI và việc bị buộc phải thông qua một lập trường chính sách ủng hộ Trung Quốc trong ngoại giao khu vực và ngoại giao quốc tế. Bên cạnh đó, họ còn có những mối nghi ngờ nghiêm trọng về động cơ thực sự và tư duy chiến lược đằng sau việc Trung Quốc thúc đẩy BRI. Mặc dù các quan chức Trung Quốc tuyên bố rằng đây là một sáng kiến đôi bên cùng có lợi được thúc đẩy bởi mong muốn mở rộng hợp tác về cơ sở hạ tầng, thương mại và đầu tư, các nước Đông Nam Á cũng cho rằng BRI có các tác động địa chính trị dưới dạng tăng cường khả năng quân sự nói chung và sức mạnh hàng hải nói riêng của Trung Quốc.

Kết luận

Theo quan điểm của Trung Quốc, Đông Nam Á là một đối tác chiến lược không thể thiếu trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” vĩ đại và đặc biệt then chốt đối với sự thành công của Con đường tơ lụa trên biển. Trung Quốc coi Đông Nam Á là điểm kết nối chủ chốt và chỗ dựa đáng tin cậy để thực hiện yếu tố này của BRI.

Trong khi đó, mặc dù các nước Đông Nam Á nhìn chung hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng và đề xuất mở rộng các liên kết thương mại và đầu tư trong khu vực, nhưng giữa họ có sự chia rẽ về mức độ họ nên tham gia BRI. Các nước như Campuchia, Lào và Myanmar, những đồng minh chiến lược lâu dài và bằng hữu đáng tin cậy của Trung Quốc, hết sức ủng hộ sáng kiến này và sẵn sàng tham gia đầy đủ. Tuy nhiên, các nước khác như Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Philippines đang áp dụng cách tiếp cận thận trọng hơn đối với BRI do những quan ngại của họ về các nguy cơ an ninh của việc quá phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế. Họ lo sợ rằng việc Trung Quốc thúc đẩy tiến hành sáng kiến này sẽ dẫn đến sự xuất hiện của một vòng tròn kinh tế do Trung Quốc chi phối và một trật tự địa chính trị lấy Trung Quốc làm trung tâm ở châu Á. Những quan ngại về an ninh quốc gia và những thay đổi tiềm ẩn về trật tự địa chính trị hiện nay trong khu vực có thể khiến các nước Đông Nam Á như Việt Nam và Philippines không sẵn sàng tham gia đầy đủ vào BRI hay cho phép các công ty Trung Quốc tham gia các dự án quy mô lớn trong lãnh thổ của họ.

 Hong Yu là chuyên viên nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore. Bài viết được đăng trên The National Bereau of Asian Research, số 24 năm 2017.

Văn Cường (gt)