Nhận lời thách thức Mỹ 

Cho dù đã suy yếu tương đối, siêu cường Mỹ tiếp tục là một nhân tố đặc biệt trong trật tự toàn cầu thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Mỹ sản xuất hơn một phần tư tổng giá trị kinh tế thế giới và chiếm gần một nửa chi phí quân sự toàn cầu. Kinh tế Mỹ tương đương với kinh tế các nước Đức, Nhật Bản, Anh, Pháp và Italia cộng lại. Và trên danh nghĩa cường quốc, chi tiêu quốc phòng của Mỹ lớn hơn so với tổng chi tiêu quốc phòng của các nước khác trên thế giới. Trong lịch sử hiện đại, chưa có bất cứ quốc gia nào đạt được sự giàu có, cường quyền và khả năng gây ảnh hưởng như Mỹ. 

Trong khi đó, với hơn 1,3 tỉ người (bằng một phần ba dân số toàn cầu và lớn gấp 5 lần dân số Mỹ), tăng trưởng kinh tế cao (khoảng 9,4% suốt 3 thập kỷ qua) và được trang bị một kho vũ khí hạt nhân, Trung Quốc là cường quốc chủ chốt đang trỗi dậy có tiềm lực cạnh tranh với Mỹ trong các vấn đề quốc tế. Nhưng do giữa hai cường quốc lớn vẫn còn một khoảng cách quá lớn, vấn đề ưu thế của Mỹ được đặt ra với Trung Quốc dưới dạng một phương trình biến thiên mà mấu chốt chính là vấn đề tiềm lực. Điều quan trọng đối với Trung Quốc là khả năng hoạch định một chiến lược cho phép nước này củng cố sức mạnh mà không làm ảnh hưởng đến xu hướng thăng tiến của mình. Nói cách khác, Trung Quốc phải tự khẳng định mình nhưng không được tỏ ra quá hung hăng

Giữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa thực dụng 

Nếu nhất trí cho rằng cách hành xử của Trung Quốc trên trường quốc tế hiện nay có hơi hướng của chủ nghĩa hiện thực thì cũng buộc phải khẳng định cách tiếp cận của nước này có căn nguyên và có sự dẫn dắt của chủ nghĩa thực dụng. Không có bất cứ học thuyết nào về quan hệ quốc tế của Trung Quốc mà lại không xuất phát từ sự đối phó với ưu thế bá chủ của Mỹ. Đặc biệt, sự đối phó này nằm trong “Học thuyết về cân bằng giữa các cường quốc”, được khích lệ bởi “chủ nghĩa hiện thực phòng thủ”, theo đó Trung Quốc sẽ lãnh đạo một liên minh chống bá quyền (liên minh cứng) nhằm vào siêu cường Mỹ. Tuy nhiên, dự báo này đến nay vẫn chưa có dịp được kiểm chứng và một số người ủng hộ chủ nghĩa hiện thực đã phải cải chính, cho rằng đối với một cường quốc đang lên, cho dù có tiềm lực vẫn phải thận trọng, bởi nếu lao vào một cuộc phiêu lưu như vậy sẽ phải hứng chịu những đòn trả đũa của siêu cường duy nhất thế giới. 

Thoạt nhìn, so với lôgích cân bằng giữa các cường quốc, lý luận về “chủ nghĩa hiện thực tấn công” có vẻ như đã đưa ra một lý giải thấu đáo hơn cho cách hành xử của Trung Quốc. Tuy nhiên, lôgích này vẫn bộc lộ một mắt xích khiếm khuyết. Trên thực tế, chiến lược của Trung Quốc không liên quan đến chiến lược của một đất nước đang tích lũy sức mạnh vì mục đích trước hết là phòng thủ, cũng chẳng dính dáng đến chiến lược của một quốc gia muốn sử dụng sức mạnh quân sự (sức mạnh cứng) và tấn công như “chủ nghĩa hiện thực tấn công” đã đề cập. Về cơ bản, Trung Quốc hiện nay tỏ ra hòa bình hơn so với Trung Quốc trước đây cho dù nước này đã mạnh hơn rất nhiều. 

Mặc dù đã trở nên mạnh hơn, nhưng sự mất cân bằng về lực lượng vẫn buộc Trung Quốc phải thận trọng. Vì vậy, chiến lược của Bắc Kinh là sử dụng “sức mạnh mềm” (kinh tế, ngoại giao, văn hóa…) làm đòn bẩy, đồng thời vẫn tập trung cho việc tăng cường “sức mạnh cứng”. Lôgích này có sự liên hệ chặt chẽ với lịch sử Trung Quốc, bởi nước này luôn tỏ ra thích nghi với mọi hoàn cảnh khi biết kết hợp tấn công/phòng thủ như một cách tiếp cận thế giới bên ngoài. Nói cách khác, các cường quốc lớn nhìn chung đều hành động theo lý tính, có nghĩa là chỉ mượn đường chủ nghĩa bành trướng khi có cơ hội, hoặc chỉ khi nào lợi ích thu được lớn hơn nhiều so với nguy cơ và tổn thất tiềm tàng. 

Trung Quốc đang thực sự đi theo một “chuyển động đu đưa” bằng tất cả kinh nghiệm của mình. Đứng trước một khoảng cách rộng lớn khó thu hẹp, tức là trước ưu thế “vô biên” của Mỹ về kinh tế, quân sự và công nghệ, Trung Quốc đã tìm cách tái cân bằng trật tự thế giới theo một cách thông minh và thực dụng. Trong bối cảnh như vậy, thách thức lớn nhất đối với Trung Quốc là làm sao có một thu nhập cho phép nước này vươn tới đỉnh cao sức mạnh mà không phải sớm đương đầu với đối thủ. Và Bắc Kinh đã vạch định một chiến lược ba chiều bổ trợ lẫn nhau: cải cách kinh tế, hiện đại hóa quân đội và hành động ngoại giao mạnh mẽ, hiệu quả, phù hợp với các tham vọng cường quốc. Bước đi này cho thấy trong ngắn hạn, Trung Quốc muốn xây dựng một hình ảnh quốc gia và quốc tế chủ yếu dựa vào kinh tế hơn là quân sự. Như vậy, Trung Quốc dường như muốn áp dụng triết lý về “sức mạnh mềm” do Joseph Nye, một người Mỹ, phát triển. Theo Joseph Nye, sức mạnh hiệu nghiệm phải thể hiện được sự kết hợp tài tình các nguồn lực khác nhau: tất nhiên là bao gồm sức mạnh quân sự, nhưng đồng thời và trước hết phải có sự góp phần của các sức mạnh kinh tế, chính trị và văn hóa. 

Trung Quốc đương nhiên phải lựa chọn như vậy trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh do chưa hội tụ đầy đủ các chủ bài sức mạnh và ưu thế mà đối thủ Mỹ đang nắm giữ. Ngoài ra, Trung Quốc đang vận động trong một thế giới có nhiều khác biệt với thế giới mà các cường quốc mới nổi khác đã trải qua trong quá khứ, chẳng hạn Liên Xô trong hệ thống lưỡng cực hình thành sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Hiện nay, cũng như trước đây, cường quốc quân sự là một thường lệ đương nhiên của chính trị quốc tế, nhưng dường như nó có xu hướng mất dần tính thích đáng ở thời điểm mà toàn cầu hóa kinh tế và đa cực hóa chính trị làm gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các cường quốc, khuyến khích các nước lớn tăng cường nỗ lực hợp tác trong nhiều lĩnh vực truyền thống (quân sự, kinh tế, chính trị) và phi truyền thống (khủng bố, biến đổi khí hậu, viện trợ phát triển). 

Tuy nhiên, sự gia tăng sức mạnh vẫn thôi thúc Trung Quốc nuôi tham vọng bá chủ và xét trên nhiều góc độ, vị thế mới của nước này cũng đặt vấn đề đối với ưu thế vượt trội trong trật tự quốc tế cũng như vị trí siêu cường của Mỹ. Nói cách khác, sự trỗi dậy của Trung Quốc có xu hướng dẫn tới sự tái cân bằng trong hệ thống phân chia quyền lực thế giới. Cụ thể hơn, đó là điều đang được gọi là “diễn biến hướng tới một hệ thống lưỡng - đa cực”, có nghĩa là một hệ thống lai tạp gồm một bên là Mỹ và bên còn lại là Trung Quốc đóng vai trò của các cực thống trị cho dù vẫn còn sự chênh lệch không đối xứng giữa hai siêu cường. 

Kinh tế: vũ khí tất yếu 

Trong chính sách thực dụng của Trung Quốc, kinh tế luôn là công cụ được ưu ái nhất và trên thực tế, điều này đã được khẳng định vào thời kỳ giữa những năm 1980. Khi đó, Đặng Tiểu Bình đã khích lệ các đồng chí của mình rằng “Nếu muốn giải tỏa sức ép cố hữu của chủ nghĩa đế quốc và bảo vệ hệ thống xã hội chủ nghĩa thì quyết định sống còn đối với chúng ta là phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thực hiện chiến lược phát triển thật nhanh”. Kết thúc Chiến tranh Lạnh, triết lý này đã tạo được sự đồng thuận trong giới lãnh đạo Cộng sản, đặc biệt với quan điểm cho rằng một nước Trung Quốc yếu kém không thể có cơ hội cạnh tranh với người khổng lồ Mỹ, bởi trái với các luận điểm dự đoán về một sự suy yếu, Mỹ vẫn không có vẻ gì là dừng bước trên con đường giành vị thế siêu cường. 

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đều bị thuyết phục rằng việc thực hiện tiên quyết mục tiêu phát triển kinh tế phải được coi là nhiệm vụ mấu chốt nếu như đế chế Trung Hoa muốn một lần nữa có vai trò trung tâm từng có trong lịch sử và có yêu sách đối với các vấn đề quốc tế. Chiến lược kinh tế mà Trung Quốc đang theo đuổi là giai đoạn đầu tiên trong những nỗ lực tái thiết sự cân bằng trên thế giới của một cường quốc. Nói cách khác, Trung Quốc là câu trả lời lôgích cho những khiên cưỡng mà môi trường địa chính trị quốc tế đã tạo ra trong thập kỷ 1990 buộc Trung Quốc phải tuân thủ. 

Trong những thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc chuyển biến từ hệ thống quan liêu kế hoạch hóa sang hệ thống kinh tế thị trường cởi mở. Từ một hệ thống tự cung tự cấp, Trung Quốc đã trở thành một động cơ tiếp sức cho quá trình toàn cầu hóa ở châu Á và hơn thế nữa. Thực thi chính sách cởi mở, Trung Quốc dần dần tự do hóa các chính sách thương mại và đầu tư kết hợp với hành động ngoại giao mạnh mẽ để phục vụ phát triển kinh tế nói chung. Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chính sách đối ngoại của Trung Quốc luôn gắn chặt với mục tiêu thúc đẩy kinh tế. Trung Quốc thực hiện cách tiếp cận mới ưu tiên phát triển có lợi cho chính mình và các đối tác thông qua giao lưu kinh tế tăng trưởng mà quá trình toàn cầu hóa mang lại. 

Trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vượt Nhật Bản và bám sát Mỹ, Trung Quốc đã đóng góp hơn 10% cho kinh tế toàn cầu trong năm 2007 và 2008, đồng thời giữ vai trò động lực trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi vào giai đoạn suy thoái. Thậm chí một số nhà phân tích còn cho rằng với lực lượng dân số hơn 1,3 tỉ người, Trung Quốc sẽ vươn tới đỉnh cao của kinh tế thế giới trước khi thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21 trôi qua. Do tác động của toàn cầu hóa, tác động qua lại giữa Trung Quốc với thế giới bên ngoài chủ yếu được thể hiện ở các hoạt động giao lưu kinh tế với cam kết ngày càng mạnh mẽ trong các tổ chức quốc tế. Mục tiêu tối thượng của chiến lược lấy kinh tế làm trục phát triển là thúc đẩy Trung Quốc vươn tới vị thế cường quốc lớn qua con đường “phát triển hòa bình”. Nói cách khác, chiến lược đó được xây dựng theo cách tạo ra các điều kiện cần thiết cho việc hiện đại hóa tổng thể kinh tế và quân sự của Trung Quốc, cũng như giảm thiểu mọi nguy cơ từ việc Mỹ và các cường quốc khác nhìn nhận nước này như một mối đe dọa cần phải kiềm tỏa hoặc tiêu diệt. 

Từ góc độ trên, có thể nói chiến lược của Trung Quốc “có giá nghìn vàng”. Kể từ khi phát động các chương trình cải cách vào cuối những năm 1970, Trung Quốc đã thành công trong việc thu hẹp khoảng cách xa vời vợi giữa kinh tế của nước này với kinh tế Mỹ. Nếu như thời kỳ đó, kinh tế Mỹ cao hơn kinh tế Trung Quốc 31,5 lần thì đến thời điểm năm 2002, quy mô của kinh tế Mỹ chỉ còn cao hơn quy mô kinh tế Trung Quốc 7,6 lần. Nếu xu hướng này tiếp diễn, khoảng cách trên sẽ được rút ngắn hơn dự kiến và Trung Quốc có thể trở thành nền kinh tế số một thế giới trong một tương lai rất gần. Trước ẩn số mà thành công của một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển rực rỡ nhất thế giới chịu sự lãnh đạo của chế độ cộng sản mang lại, Đặng Tiểu Bình đã đáp lại: Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột. Thành công là khẩu hiệu của chúng ta”. 

Quân sự: biểu tượng cho sự trở lại với tầm vóc lớn 

Khát vọng vươn tới vị thế siêu cường quân sự của Trung Quốc là rất rõ ràng. Nước này ngày càng tự tin với mục tiêu trở thành cường quốc quân sự trong khu vực, đồng thời bộc lộ rõ tiềm lực ngày càng mạnh để có vai trò đối thủ cạnh tranh chính của Mỹ trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, rút ra bài học từ cuộc chạy đua vũ trang điên rồ và sự sụp đổ đột ngột của Liên Xô, Trung Quốc dường như đang tìm được sự cân bằng tối ưu giữa hiện đại hóa quân đội và phát triển kinh tế. Nhờ kinh tế bùng nổ, Trung Quốc đã trang bị cho mình một ngân sách quân sự xứng tầm với các khát vọng cường quốc của mình.

Từ năm 1996, ngoại trừ năm 2003, Trung Quốc đã tăng ngân sách quốc phòng từ 10% trở lên mỗi năm tính theo giá trị thực. Mặc dù tuyên bố đã giảm chi tiêu quốc phòng so với các năm trước (17,6% năm 2008 và 17,8% năm 2007), song xét trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, phân bổ này cho thấy Trung Quốc vẫn dành cho quốc phòng một sự chú ý đặc biệt. 

Trung Quốc trang bị một lực lượng hải quân được đánh giá là “đáng tin cậy”, với 55 tàu ngầm chiến đấu và nhiều chiến hạm mang tên lửa định vị hướng tới các vùng ven biển phía nam và phía đông nước này. Các chuyên gia ngày càng tính toán hệ lụy của chương trình hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc đối với Mỹ xét ở góc độ chiến lược. Trung Quốc hiện đang đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống vũ khí tinh vi, gồm tên lửa đạn đạo tầm trung, máy bay chiến đấu và các hệ thống cảnh báo sớm. Thách thức đối với Trung Quốc trước hết là làm sao hạ thấp khả năng vận hành của hệ thống quân sự của cường quốc Mỹ, vốn dựa chủ yếu vào công nghệ thông tin, trong một cuộc xung đột vũ trang, chẳng hạn tại eo biển Đài Loan. 

Cũng chính viễn cảnh xung đột với Mỹ mà Trung Quốc mưu toan biến không gian vũ trụ thành một chiến trường mới. Năm 2007, trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội, Trung Quốc đã phá hủy thành công một vệ tinh cũ của mình trên quỹ đạo (vụ nổ xảy ra cách mặt đất khoảng 800 km) bằng một tên lửa phóng từ mặt đất. Thành công này mang tính biểu tượng rất cao. Nếu như Mỹ bám không gian vì các lý do thương mại và quân sự thì trong trường hợp của Trung Quốc, chinh phục không gian mang ý nghĩa của “sự trở lại với tầm vóc lớn”. 

Các sự kiện quân sự xảy ra trong 3 thập niên qua – cho Bắc Kinh hiểu thế nào là ưu thế quân sự vượt trội của phương Tây – chính là nguồn nguyên liệu cho các suy ngẫm chiến lược của Trung Quốc. Đặc biệt, các sự kiện này đã góp phần thúc đẩy quan niệm ăn sâu vào suy nghĩ của Bắc Kinh rằng lực lượng quân sự tương xứng và hiện đại là một yếu tố mấu chốt cho vị thế “cường quốc lớn” mà giới lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc đang khát khao. Để đạt được mục tiêu này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thành công trong việc tăng cường đồng thuận, tạo điều kiện cần thiết cho tăng trưởng kinh tế đi đôi với hiện đại hóa quân đội trong bối cảnh quốc tế chịu sự thống trị của Mỹ bắt đầu có sự thay đổi. Vì vậy, vào cuối những năm 1990, chương trình hiện đại hóa quân đội được Trung Quốc phát động từ 10 năm trước đã tạo được một xung lực mới đáp lại các thách thức “phức tạp” trong môi trường an ninh mới hậu Chiến tranh Lạnh. Vượt ra ngoài những hùng biện của Bắc Kinh về việc thúc đẩy sự hình thành một “xã hội quốc tế hài hòa”, Trung Quốc đã bộc lộ hai xu hướng có thể xem là bằng chứng cho việc hoàn thành một chương trình nghị sự quân sự không thừa nhận. 

Thứ nhất, đó là các khoản đầu tư rõ nét, đặc biệt đối với kho vũ khí và các khả năng chiến lược, vì mục đích nâng cao khả năng phóng vũ khí của Trung Quốc ra bên ngoài các đường biên giới của mình ở châu Á. Thứ hai, như đã nói trên, kể từ năm 1996, ngoại trừ năm 2003, Trung Quốc đã tăng đáng kể ngân sách quốc phòng ít nhất 10% mỗi năm. Rõ ràng là các chỉ dấu này đã cho thấy một kỷ nguyên mới trong chiến lược quốc phòng được gọi là “tích cực” của Trung Quốc hoặc ít nhất cũng cho thấy một sự đoạn tuyệt với chính sách nhất quán của nước này ở thời kỳ “Bốn hiện đại hóa”, trong đó quốc phòng chỉ đứng ở vị trí cuối cùng, tức là sau các trụ cột nông nghiệp, công nghiệp và công nghệ. 

Cách mạng quân sự 

Thực tế trên nói lên rằng việc săm soi quá mức tới mục tiêu hiện đại hóa vũ khí thông thường của Trung Quốc có thể sẽ che khuất một mảnh khác của trò chơi ghép hình. Bởi nếu chắc chắn Trung Quốc quyết tâm theo gót cách mạng phương Tây trong lĩnh vực quân sự thì điều đó chỉ có thể diễn ra trong khuôn khổ một phiên bản cải biên để phản ánh hiện thực của Trung Quốc hôm qua, hôm nay và cả ngày mai. Trên thực tế, do ý thức không thể bắt kịp Mỹ trong một sớm một chiều, Trung Quốc đã chọn cách hiện đại hóa vũ khí không thông thường (hủy diệt hàng loạt) song song với vũ khí thông thường. Chương trình này bao gồm khái niệm về một chiến lược quốc phòng không tương xứng, có nghĩa là kết hợp khéo léo công nghệ quân sự cổ điển với công nghệ thông tin trong khuôn khổ khái niệm các chiến dịch chiến đấu với kẻ địch có ưu thế hơn. Đây là chiến thuật được đặt ở trung tâm chiến lược phòng thủ tích cực mà Bắc Kinh đã xây dựng: sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng trong các cuộc chiến tranh công nghệ cao. Nếu đúng như vậy, cách tiếp cận này có thể mở đầu cho một hệ biến hóa mới ở góc độ lý luận quân sự của thế kỷ này. Bởi vượt ra ngoài sự hùng biện và phóng đại, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng vũ khí thông tin có thể trang bị cho quân đội Trung Quốc một đòn đánh trí mạng mà ngay cả các vũ khí thông thường của Mỹ cũng có nguy cơ không thể chống đỡ. 

Trung Quốc đã nhanh chóng rút ra bài học từ những chiến dịch quân sự đầu tiên được tiến hành vào những năm 1990. Các cuộc chiến tranh công nghệ cao khi đó được xem như một hiện tượng quan trọng có thể được lấy làm căn cứ để quyết định phát động các cuộc chiến tranh mới. Trọng tâm chiến lược quân sự của các cường quốc lớn, chẳng hạn các đợt không kích của Mỹ tại Irắc và của NATO ở Côxôvô trong thập kỷ 1990, trên thực tế được đặt ở việc triển khai các hệ thống vũ khí tầm xa theo cách tiếp cận thống nhất các lực lượng không quân, mặt đất và hải quân. Để thực hiện một mục tiêu như vậy, các lực lượng vũ trang đều định hướng hiện đại hóa vào lĩnh vực thông tin. 

Trung Quốc tin rằng “chiến tranh thông tin” là một trong những đấu trường công nghệ hiếm hoi còn rộng mở cho cuộc chạy đua giành ưu thế tối cao giữa các cường quốc lớn. Theo các hậu duệ của Tôn Tử và Mao Trạch Đông, trong lĩnh vực này, “cách mạng trong các vấn đề quân sự” chính là áp dụng cách tân các công nghệ quân sự để đạt được các khả năng quân sự vốn không thể thực hiện được bằng các phương pháp thông thường. 

Nói cách khác, Trung Quốc tin rằng bằng cách “khai thác cách mạng thông tin”, nước này có thể bỏ qua các thế hệ công nghệ lỗi thời để vươn tới trình độ của thế giới phát triển. Giới lãnh đạo Cộng sản dường như đều bị thuyết phục rằng Trung Quốc có thể xây dựng một khả năng quân sự mới cho phép giành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh không đối xứng bằng cách khai thác một số “lỗ hổng” – chẳng hạn tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm ngắn thông thường. Theo các nhà phân tích, Trung Quốc chắc chắn là một trong 3 nước (sau Mỹ và Nga) không tiếc công sức phát triển chiến lược dựa trên khái niệm này. 

Ở phương Tây thường nghi ngờ việc Trung Quốc phát triển chiến lược phát tán các virus mạnh có khả năng xâm nhập hệ thống thông tin của đối thủ tiềm tàng để phá hoại. Không cần phải nghi ngờ việc Trung Quốc đang phát triển và ứng dụng ngày càng nhiều các khả năng không gian điều khiển học vì mục đích quân sự. Các khả năng này không chỉ có mục đích thu thập thông tin nhạy cảm mà còn thực hiện chiến dịch quân sự có thể gây tổn thất về kinh tế, phá hoại hạ tầng thiết yếu và tác động vào các xung đột vũ trang thông thường. 

Ngoại giao chống bá quyền 

Bằng chính sách đối ngoại mạnh mẽ và hiệu quả, Bắc Kinh đã hoàn thành một mục tiêu mấu chốt khác trong chiến lược nước lớn là kiến tạo một môi trường bên ngoài thuận lợi cho sự trỗi dậy của Trung Quốc. Lửng lơ giữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa thực dụng, Bắc Kinh ngày càng tập trung nỗ lực thúc đẩy các mối quan hệ song phương, đồng thời vẫn chọn chủ nghĩa đa phương làm lối đi triệt để. Không giống với các cường quốc đang trỗi dậy trước đây, Trung Quốc phải thỏa hiệp với mọi câu thúc của hệ thống quốc tế gồm nhiều tổ chức mà sự kiểm soát ở đây rất cần cho sự vận động của một cường quốc. 

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã ve vãn nhiều thể chế quốc tế quan trọng, gồm Tổ chức Thương mại Thế giới mà nước này gia nhập năm 2001 và Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân gia nhập năm 1996. Ngoài ra, Trung Quốc cũng bắt đầu đóng vai trò tích cực và nổi trội hơn ở Liên Hợp Quốc (LHQ). Sự gia nhập các tổ chức chính phủ quốc tế của Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong thời gian từ 1977 đến 1997 (từ 21 lên 52 tổ chức), trong khi sự gia nhập các tổ chức phi chính phủ đã có sự bùng nổ trong cùng giai đoạn (từ 71 lên 1.163 tổ chức). 

Từ năm 1996, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng quan hệ đối tác khác nhau với từng cường quốc trên thế giới. “Quan hệ đối tác chiến lược” diễn tả các mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc với các cường quốc lớn và có một giá trị chiến lược đặc biệt đối với Bắc Kinh. Các đối tác này cho phép Trung Quốc giải quyết một số vấn đề liên quan đến quyền bá chủ của Mỹ mà không nhất thiết gây ra những xung đột trực tiếp. Kể từ năm 1993, số nước này gồm có Braxin, Nga, Nam Phi, Mêhicô, Ai Cập và Liên minh châu Âu (cũng như các thành viên có ảnh hưởng của liên minh này). 

Cũng trong khuôn khổ này, phải nhắc đến sự tấn công vào châu Phi, nơi Trung Quốc đã có sự trở lại đáng lưu ý sau một “thời kỳ tương đối thoái trào”. Nhưng các mối quan hệ mới giữa hai bên không còn mang tính tư tưởng gần như duy nhất từng được thấy trong những năm 1960 và 1970, khi Trung Quốc xuất hiện như một lựa chọn bên cạnh Mỹ và Liên Xô, và để cung cấp một chỗ dựa có lợi cho các phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi. Chính sách châu Phi mới của Bắc Kinh lộ rõ một tầm nhìn vượt ra ngoài các tham vọng kinh tế vốn là đặc điểm trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi những năm 1980. 

Các được mất của chính sách châu Phi mới mà Trung Quốc đang thực thi vượt rất xa các đường biên giới của lục địa đen. Chính sách này chắc chắn nằm trong khuôn khổ rộng lớn hơn của chiến lược bao quanh hoặc làm suy yếu các cường quốc phương Tây, đặc biệt là Mỹ, trong tình hình quốc tế được Bắc Kinh đánh giá là “phức tạp”, nghĩa là ít thuận lợi cho các lợi ích của Trung Quốc. Chính bối cảnh quốc tế gò bó này đã khiến Trung Quốc thực hiện chiến lược chinh phục chưa từng có ở châu Phi. 

Để thỏa mãn tối đa các đối tác ở châu lục, chính sách châu Phi mới của Trung Quốc được thực hiện trên cơ sở hợp tác “đôi bên cùng có lợi”, mà nguyên tắc chỉ đạo là “không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”. Trong những năm qua, nếu như ngoại giao phương Tây xếp “các nước bất lương” làm trọng tâm thì ngược lại, Bắc Kinh lại ủng hộ một viễn cảnh hoàn toàn khác. Chẳng hạn, các mối quan hệ giữa Trung Quốc với Ănggôla, Xuđăng và Dimbabuê – những nước thường xuyên bị lên án về vấn đề nhân quyền – đã cho phép các nước này phớt lờ sức ép quốc tế, nhưng đồng thời cũng hủy hoại mọi nỗ lực của LHQ và các cường quốc phương Tây trong việc ép buộc các nhà lãnh đạo châu Phi tiến hành các cải cách trong nước. 

Ở Mỹ Latinh, tuy lặng lẽ hơn so với ở châu Phi nhưng “cơn sốt Trung Quốc” cũng đã lây lan rất mạnh trên khắp tiểu lục địa kể từ khi có chuyến thăm chính thức năm 2004 của Hồ Cẩm Đào. Thậm chí lây lan này có nguy cơ trở thành một thách thức lớn đối với thuyết Monroe (đã tuyên bố châu Mỹ chỉ dành cho người Mỹ). Trên thực tế, kể từ khi hình thành liên minh chiến lược Liên Xô – Cuba những năm 1960, dường như chưa có bất cứ cường quốc nào khác dám nhảy vào sân sau của Mỹ. Lặng lẽ nhưng quyết đoán, trên một dải đất trải dài từ Chilê đến Cuba, Trung Quốc đang vận cơ bắp ở giai đoạn phôi thai của cái mà giới phân tích quân sự và các cơ quan tình báo gọi là “hình thành một phe” thách thức Oasinhtơn về chính trị và chiến lược ngay tại sân sau của siêu cường duy nhất thế giới này. Món cốc tai kinh tế – ngoại giao này nhìn chung được pha chế từ các mối liên hệ chính trị và quân sự đáng lưu ý mà nếu xét về quy mô, đã để lộ những toan tính bành trướng mới chớm của Trung Quốc và phát đi những bước sóng khiến Oasinhtơn không khỏi lo ngại./.

  Lê Quang (gt)