Tàu sân bay USS Goerge Washington - Biểu tượng sức mạnh quân đội Mỹ


Sức mạnh của châu Á 


Cách đây hơn hai thập kỷ đã xuất hiện dự báo “thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của châu Á”. Giờ đây, một thập niên đã trôi qua, cũng là thập niên đầu tiên “thế kỷ của Mỹ” chấm dứt. Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong quý II/2010, và 3/4 sản lượng kinh tế của nhóm các nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới (BRIC - gồm Braxin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) thuộc về châu Á. Tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm BRIC diễn ra tại Nga năm ngoái, các nhà lãnh đạo đã kêu gọi “thiết lập một hệ thống an ninh tài chính toàn cầu mới” trong bối cảnh các thành viên của nhóm này chiếm tới 15% GDP và 42% tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu, bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008 bắt nguồn từ Mỹ. 60% dân số thế giới đang sống ở châu Á và lục địa này là quê hương của các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Các yếu tố về nhân khẩu và kinh tế sẽ đảm bảo một vai trò tiên quyết cho bất cứ một tiến trình phát triển nào của châu Á. 


Trên thực tế, châu Á là một phần của lục địa Á - Âu – khu vực có mối quan hệ không thể tách rời với phần còn lại của một khu vực rộng lớn, nơi cách đây một thế kỷ nhà địa lý người Anh Halford Mackinder gọi là “Hòn đảo Thế giới”, bao gồm châu Á, châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Gần đây dân số châu Phi đã vượt mức 1 tỷ người, khiến khu vực này trở thành châu lục đông dân thứ hai thế giới. Khu vực Á-Âu-Phi chiếm đa phần dân số của nhân loại, khoảng 5,6 tỷ trong tổng số 6,8 tỷ dân trên hành tinh. Trong khi đó, toàn bộ Bán cầu Tây chỉ chiếm chưa đầy 1 tỷ người và các nước thuộc châu Đại Dương chiếm phần không đáng kể. Tuy nhiên, trong suốt 500 năm qua một số ít quốc gia ở phía Tây và Bắc – tự gọi mình là “Cộng đồng Bắc Đại Tây Dương” – vẫn thống trị thế giới. 
Năm 1991, Liên Xô, quốc gia hùng mạnh trong nhiều thập niên từng được coi là thách thức lớn nhất trong lịch sử của khối phương Tây, sụp đổ. Khi đó, phần lớn các nước thuộc liên minh quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - trong đó tập trung tất cả các đế chế từng đi xâm chiếm thuộc địa trong quá khứ và một siêu cường toàn cầu mới là Mỹ - đều cho rằng đã đến giai đoạn chín muồi để họ thâm nhập và khống chế thế giới, bắt đầu là khối Xã hội Chủ nghĩa ở Đông Âu và các lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ. 


Phương Tây từng thành lập nhiều lực lượng quân sự, như NATO và các chương trình đối tác, Bộ Tư lệnh Mỹ tại châu Phi và các lực lượng đặc nhiệm mang tên “Liên minh đồng ý chí”, với mục đích mở rộng ảnh hưởng của Mỹ và Tây Âu tới toàn bộ châu Âu, châu Phi và Trung Đông; tới các khu vực Cápcadơ, Biển Caxpi, Trung Á và Nam Á. Trong đó, tại Nam Á Bộ Quốc phòng Mỹ và NATO vẫn đang tiếp tục một cuộc chiến kéo dài 9 năm và đổ vào đây 150.000 binh lính. 


Trong 11 năm qua, Mỹ đã thành công trong việc thiết lập các căn cứ và khu vực quân sự, bao gồm cả một hệ thống phòng thủ tên lửa, ở những vùng mà Bộ Quốc phòng Mỹ chưa bao giờ đặt chân tới như Côxôvô, Bungari, Rumani, Ba Lan, Hunggari, Ixraen, Irắc, Côoét, Gioócđani, Gibuti, Êtiôpia, Kênia, Mali, Ápganixtan, Cưrơgưxtan, Udơbêkixtan và Côlômbia. Năm ngoái, Lầu Năm Góc đã tiến hành nhiều cuộc tập trận quân sự song phương và đa phương trong đất liền và ngoài biển ở nhiều nước như Ấn Độ, Pakixtan, Bănglađét, Nêpan, Xri Lanca, Mông Cổ, Campuchia, Việt Nam, Malaixia, Timo Leste, Phần Lan, Thụy Điển, các nước Bantích, Ba Lan, Hunggari, Bungari, Rumani, Ucraina, Adécbaigian, Grudia, Cadắcxtan, Ănggôla, Buốckina Phaxô, Gabông, Ghana, Mali, Môdămbích, Xênêgan và Uganđa; chưa kể các cuộc tập trận với các đồng minh và đối tác cũ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, trong đó có cuộc tập trận chung quy mô lớn đầu tiên với Ixraen. 


Trong tháng 8/2010, các lực lượng quân đội Mỹ và các nước NATO khác đã tham gia tập trận chung ở Mông Cổ và Cadắcxtan – hai nước giáp ranh với Nga và Trung Quốc. 


Sự trở lại của quân đội Mỹ 


Nếu như châu Á hơn Mỹ xét về các mặt tăng trưởng và tiềm năng kinh tế, nguồn lực tự nhiên và con người, và nhiều yếu tố khác, thì Mỹ vượt trội ở một lĩnh vực chủ chốt: Sức mạnh quân sự. Lầu Năm Góc từng rút các lực lượng và thậm chí đóng cửa các căn cứ quân sự ở châu Á sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhưng giờ đây họ đang trở lại khu vực này. 


Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương - Cỗ máy chiến tranh ở nước ngoài lớn nhất thế giới của Mỹ - và lực lượng hải quân lớn nhất của nó là Hạm đội 7, đều tập trung ở Đông Á. Ngoài ba cuộc tập trận hải quân chung trong những tháng gần đây: trên Biển Nhật Bản cuối tháng 7, Biển Đông tháng 8 và Hoàng Hải tháng 9, Mỹ còn mở rộng mạnh mẽ các căn cứ quân sự ở Guam; triển khai 60% đội tàu ngầm nguyên tử ở Thái Bình Dương và đang xem xét tăng đội tàu chiến từ 282 lên 346 chiếc nhằm “tăng cường sức mạnh hải quân ở châu Á”.

 
Mới đây Robert Scher, Phó trợ lý Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách Nam Á và Đông Nam Á đã tới thăm Việt Nam, gặp gỡ Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, nhằm “tăng cường đối thoại quân sự cấp cao” giữa hai nước. Hôm 17/8, một tuần sau khi chiến hạm Mỹ cập bờ biển Việt Nam, các quan chức Nhà Trắng tuyên bố sự kiện này là “bước đi lịch sử quan trọng tiếp theo trong quan hệ quốc phòng ngày càng thắt chặt giữa hai nước”, đồng thời khẳng định các cuộc đối thoại song phương bao gồm việc chia sẻ vấn đề “hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc”. 


Tiếp theo, Tổng Tư lệnh Thái Bình Dương Robert Willard tới Philíppin để gặp gỡ các quan chức quân đội nước này, trong đó có Tổng Tư lệnh quân đội, Trung tướng Ricardo David, nhằm khẳng định “Mỹ sẽ duy trì sự có mặt tại Biển Đông trong nhiều năm”, mà lý do là Trung Quốc đang ngày càng có nhiều hành động “táo bạo”. 


Mới đây báo chí Nhật Bản tuyên bố Lực lượng Phòng vệ nước này sẽ tiến hành tập trận vào tháng 12/2010 nhằm mô phỏng việc “đoạt lại một hòn đảo từ tay kẻ thù”. Đây là cuộc tập trận đầu tiên của Nhật Bản và được xem là “một phản ứng trước hành động bành trướng trên biển của Trung Quốc”. Tờ Yomiuri Shimbun tiết lộ “cuộc tập trận đòi lại đảo sẽ là một phần trong các cuộc tập trận chung với quân đội Mỹ và sẽ nhận được sự hỗ trợ của Hạm đội 7 Thái Bình Dương”. Hôm 19/8, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết quần đảo Senkaku đang tranh chấp với Trung Quốc là “một phần của hiệp ước an ninh Nhật – Mỹ”; và Oasinhtơn và Tôkyô sẽ “đồng phản ứng” trước bất cứ hành vi tấn công nào đối với quần đảo này. Một quan chức quân đội cấp cao của Nhật Bản tuyên bố “Chúng tôi sẽ cho Trung Quốc thấy Nhật Bản có ý chí và khả năng để bảo vệ quần đảo Nansei (quần đảo Ryu kyu)”. Trong các cuộc tập trận, Nhật Bản sẽ đưa vào sử dụng thế hệ máy bay chiến đấu F-2 với những khả năng bay lượn và chống tàu chiến tối tân; máy bay tuần duyên P-3C có khả năng chống tàu ngầm; máy bay vận tải C-130 Hercules; các lữ đoàn không quân và máy bay chiến đấu Đại bàng F-15. “Các cuộc tập trận này là một động thái mở đầu. Nó cũng sẽ là một cơ hội tốt để tăng cường hợp tác giữa các lực lượng quân sự Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản”. 


Hôm 20/8, một tờ nhật báo lớn của Nhật Bản tuyên bố: “Cần phải chứng tỏ cho Trung Quốc, nước đang gia tăng sức mạnh quân sự và mở rộng phạm vi ảnh hưởng, rằng quân đội Nhật Bản và Mỹ sẽ có một cuộc tập trận hải quân”. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng cho biết sẽ “để mắt tới xu hướng quân sự của Trung Quốc”; và “Đài Loan cũng đã tái kêu gọi Mỹ bán các loại vũ khí hiện đại và cùng với Nhật Bản quyết tâm theo dõi chặt chẽ sức mạnh quân sự đang lên của Trung Quốc”. Tuyên bố viết: “Đài Bắc và Tôkyô phản ứng trước báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ trong đó cảnh báo việc mở rộng khả năng quân sự của Trung Quốc đang làm thay đổi thế cân bằng chiến lược ở Đông Á”. 


Cũng hôm 20/8, báo chí Ấn Độ tiết lộ Niu Đêli sẽ đặt của Mỹ một chuyến hàng “lớn” tên lửa chống tăng Javelin thế hệ thứ ba, từng được sử dụng trong cuộc tập trận song phương Yudh Abhyas hồi năm ngoái với sự tham gia của hơn 1.000 binh lính của hai nước. Trong cuộc tập trận này có sự tham gia của 17 xe bọc thép Stryker – số lượng lớn nhất được triển khai ở ngoài Irắc và Ápganixtan, và hệ thống tên lửa Javelin chống tăng có khả năng “đánh bại bất cứ một chiến xa bọc thép nào trong hiện tại và tương lai”. 


Ấn Độ đang tăng cường sử dụng kênh buôn bán vũ khí với nước ngoài để mua vũ khí của Mỹ. Một trong những thương vụ lớn nhất sắp được hoàn tất là hợp đồng mua 10 chiếc máy bay vận tải C-17 Globamaster-III cỡ lớn với tổng giá trị lên tới 3 tỷ USD. Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến sẽ tới Ấn Độ vào tháng 11 tới để tìm kiếm thêm các hợp đồng mua bán mới. Theo một số nguồn tin, các hợp đồng này sẽ đưa Oasinhtơn thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Niu Đêli, thay thế vị trí hiện nay của Nga. 


Greg Sheridan, chuyên gia phụ trách Ôxtrâylia thuộc Trung tâm học giả Quốc tế Woodrow Wilson của Mỹ cho biết: “Mỹ có 5 đồng minh quân sự toàn diện ở châu Á bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philíppin và Ôxtrâylia, và một đồng minh khác là Xinhgapo, đồng thời đang tăng cường quan hệ chiến lược với Ấn Độ. Oasinhtơn cũng đang phát triển một mối quan hệ chiến lược mạnh mẽ với Việt Nam... và nỗ lực bắt tay với Inđônêxia và Malaixia”. 


Tại Diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates khẳng định: “Trách nhiệm bao trùm của Chính phủ Mỹ với các đồng minh, đối tác và khu vực là tái khẳng định cam kết an ninh của Mỹ ở châu Á... Sức nặng của những cam kết và sức mạnh ngăn ngừa sẽ được thể hiện thông qua sự có mặt tiếp tục của các lực lượng cơ bản của quân đội Mỹ trong khu vực”. Chuyên gia Sheridan nói: “Lời khẳng định đó không có gì khó hiểu trong bối cảnh an ninh phức tạp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. 

 

( Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)