Mặc dù nguy cơ rủi ro toàn cầu nói chung được đánh giá, song có sự khác biệt lớn giữa các khu vực xét về các nguy cơ có khả năng xảy ra nhất. Ba nguy cơ hàng đầu có khả năng xảy ra nhất ở Bắc Mỹ là tấn công mạng, hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và đánh cắp dữ liệu, trong khi ở Mỹ Latinh và Caribbean là nguy cơ thất bại của chính phủ quốc gia, thất nghiệp/thiếu việc làm và bất ổn xã hội.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới vừa công bố ấn bản thứ 11 của "Báo cáo về Nguy cơ Toàn cầu năm 2016", trong đó nêu bật các “nguy cơ” chính mà thế giới đang đối mặt xét về phương diện “có khả năng xảy ra” và “tác động” của các nguy cơ này trên quy mô khu vực và toàn cầu.

Nguy cơ toàn cầu được định nghĩa là “một sự kiện hoặc điều kiện nào đó mà nếu xảy ra, nó sẽ có tác động vô cùng tiêu cực tới một số quốc gia hoặc các ngành công nghiệp trong vòng 10 năm”. 29 nguy cơ khác nhau được xếp vào 5 hạng mục, gồm: Kinh tế (9 nguy cơ), Môi trường (5 nguy cơ), Địa chính trị (5 nguy cơ), Xã hội (6 nguy cơ) và Công nghệ (4 nguy cơ).

Năm nguy cơ hàng đầu được cho là có khả năng xảy ra nhất trong năm 2016, theo thứ tự giảm dần, gồm: di cư bắt buộc quy mô lớn, hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, thất bại trong giảm thiểu và ứng phó với biến đổi khí hậu, xung đột liên quốc gia và thảm họa thiên nhiên. Trong khi đó, các nguy cơ xét về phương diện gây ảnh hưởng lớn đến toàn cầu gồm: thất bại trong giảm thiểu và ứng phó với biến đổi khí hậu, vũ khí hủy diệt hàng loạt, khủng hoảng nguồn nước, di cư bắt buộc quy mô lớn và cú sốc giá năng lượng. Nguy cơ “di cư bắt buộc quy mô lớn” lần đầu tiên đứng số 1 trong danh sách các rủi ro, điều đó chứng tỏ mọi người nhận thấy nguy cơ rất cao từ làn sóng người di cư với quy mô lớn chưa từng có từ các khu vực bị chiến tranh tàn phá đổ về châu Âu. 

Xét về mức độ tác động, nguy cơ “thất bại trong giảm thiểu và ứng phó với biến đổi khí hậu” được đưa từ vị trí số 5 trong năm 2015 lên vị trí thứ 1 trong năm 2016. Nguy cơ “cú sốc giá năng lượng” được đưa vào danh sách sau 4 năm, điều đáng ngạc nhiên lần này là do sự sụt giảm của giá năng lượng và do lo ngại về nguồn thu giảm sút của các nước xuất khẩu năng lượng.

Mặc dù nguy cơ rủi ro toàn cầu nói chung được đánh giá, song có sự khác biệt lớn giữa các khu vực xét về các nguy cơ có khả năng xảy ra nhất. Ba nguy cơ hàng đầu có khả năng xảy ra nhất ở Bắc Mỹ là tấn công mạng, hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và đánh cắp dữ liệu, trong khi ở Mỹ Latinh và Caribbean là nguy cơ thất bại của chính phủ quốc gia, thất nghiệp/thiếu việc làm và bất ổn xã hội.

Châu Âu coi di cư bắt buộc quy mô lớn là nguy cơ có khả năng xảy ra nhất, kế tiếp là thất nghiệp/thiếu việc làm và khủng hoảng tài chính. Khu vực châu Phi cận Sahara quan ngại nhiều nhất về sự thất bại của các chính phủ quốc gia và cơ sở hạ tầng thiết yếu, trong khi khủng hoảng nguồn nước nổi lên là nguy cơ có khả năng xảy ra nhất ở Trung Đông và Bắc Phi.

Nguy cơ có khả năng xảy ra nhất ở Trung Á (trong đó tính cả Nga) là xung đột liên quốc gia, kế tiếp là cú sốc giá năng lượng và sự thất bại của các chính phủ quốc gia. Nam Á đang đứng trước nguy cơ cao của việc mất kiểm soát nguồn nước và các nguy cơ biến đổi khí hậu bên cạnh các nguy cơ kinh tế do tình trạng thất nghiệp và tăng trưởng thấp. Các nguy cơ về môi trường cũng đang tăng lên ở Đông Á và Thái Bình Dương.

Các nước Mỹ Latinh và Caribbean đang bị “bao vây” bởi các nguy cơ địa chính trị, kinh tế và xã hội. Các nguy cơ như bất ổn chính trị, lạm phát cao và tình trạng thất nghiệp, nguồn thu từ dầu mỏ thấp, mất quản lý tài chính, nguy cơ vỡ nợ và nền kinh tế thị trường chợ đen đang tiếp tục hoành hành ở Venezuela. 

Brazil, vốn đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao và thâm hụt tài chính ngày một tăng, có khả năng phải chứng kiến nền kinh tế ngày càng bị thu hẹp. Việc đồng nội tệ ngày một suy yếu cũng làm gia tăng các bất ổn do thị trường chứng khoán giảm sút và giá các mặt hàng lao dốc. Các bê bối tham nhũng cũng ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của Tổng thống Dilma và dẫn đến việc người dân mất lòng tin vào chính phủ. Trong khi đó, Columbia đang tiếp tục cuộc chiến chống lại các kẻ buôn ma túy và cuộc xung đột vũ trang với các nhóm nổi dậy.

Châu Âu đang bị chia rẽ sâu sắc bởi kế hoạch tiếp nhận người tị nạn, trong khi Hy Lạp đang vật lộn tìm cách ở lại khu vực đồng euro.Số phận của Liên minh châu Âu (EU) cũng đang bị đe dọa trong bối cảnh Anh sẽ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về việc ở lại EU vào ngày 23/6/2016 và nguy cơ “Brexit” (ám chỉ việc Anh rời khỏi EU) đang ngày càng có khả năng xảy ra. Mối đe dọa từ tình trạng thất nghiệp, dù đã được giảm bớt sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, vẫn tiếp tục gây bất ổn cho các nước thành viên EU.

Các mối đe dọa về kinh tế và xã hội đang ngày một nổi lên ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA), trong khi xung đột vũ trang đang hoành hành ở Syria, Iraq, Libya và Yemen. Jordan, Liban, Djibouti và Tunisia cũng bị coi là các quốc gia “mong manh” trong khu vực, trong khi Ai Cập và Morocco đang trải qua tiến trình chuyển giao chính trị. Mặt khác, khu vực châu Phi cận Saraha đang đứng trước nguy cơ bất ổn chính trị cao do rất nhiều quốc gia tại đây vẫn duy trì chế độ độc tài, có tỷ lệ tham nhũng cao và thể chế yếu kém.

Mặc dù “Báo cáo về Nguy cơ Toàn cầu năm 2016” giúp nâng cao nhận thức về các nguy cơ toàn cầu và đưa ra cái nhìn chi tiết về mối liên hệ của chúng, song báo cáo không đề cập đến bất kỳ hành động nào để giảm thiểu, thích nghi và tăng cường khả năng đối phó của các quốc gia với các nguy cơ này.

Tuy nhiên, báo cáo đã cung cấp nhận thức chung cho các chính phủ và giúp các nước khác nhau tập hợp các chiến lược để có thể cam kết hợp tác đa phương nhằm đối phó với các nguy cơ này. Năm 2016 sẽ diễn ra như thế nào vẫn là điều còn chờ xem, song khả năng cao đó là các nguy cơ chính trị làm thổi phồng các nguy cơ xã hội sẽ chi phối năm nay.

Kapil Narula là chỉ huy Hải quân Ấn Độ, nhà nghiên cứu tại Quỹ Nghiên cứu Biển Quốc gia (NMF), New Delhi, Ấn Độ. Bài viết được đăng trên Eurasia Review.

Văn Cường (gt)