Phản ứng lại những thách thức này, Mỹ đã đề nghị một cách tiếp cận một mô hình phù hợp với tất cả: thương mại tự do và nhiều vũ khí hơn. Việc thông qua một thỏa thuận thương mại tự do mà Mỹ đang thúc đẩy ở khu vực này, được biết đến dưới cái tên Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vẫn khó có thể thành công. Trong khi đó, Washington đã nhờ cậy đến việc rao bán vũ khí và chia sẻ gánh nặng. 

Sự xoay trục Thái Bình Dương của Chính quyền Obama chỉ là phiên bản mới nhất của phản ứng quân sự hóa của Mỹ trước các xung đột khu vực. Trong nhiều năm, Washington đã và đang thúc giục các đồng minh của mình trong khu vực mua các hệ thống vũ khí giá cao của Mỹ và chi tiêu một phần GDP lớn hơn vào quốc phòng. Thật bi thảm, kết cục cuối cùng của sự rao giảng học thuyết quân sự của Washington có thể là các cuộc xung đột mang tính thảm họa chấm dứt ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này.

Nền kinh tế đang phát triển thịnh vượng của Đông Á khiến cả thế giới thèm muốn. Nhưng sự gia tăng gần đây về chi tiêu quân sự khiến cho những so sánh với châu Âu 100 năm trước dường như không còn là quá gượng gạo. Khu vực này là nơi có các nước chi tiêu cho quân sự đứng hàng đầu: Trung Quốc đứng thứ hai trên thế giới, Nhật Bản đứng thứ 8 và Hàn Quốc lên đứng thứ 10. Nga, nước đứng thứ ba về chi tiêu cho quân sự, là một bên tham gia quan trọng ở khu vực do miền Viễn Đông nước này và các mối quan hệ đang mở rộng với Trung Quốc và Triều Tiên. Và đứng thứ 13 là Australia đang tăng cường sự hiện diện của nước này trong khu vực.

Mỹ, chi tiêu cho quân sự nhiều hơn 8 nước đứng kế tiếp cộng lại, đang hoàn toàn bị mắc vào khu vực này. Mặc dù sự xoay trục Thái Bình Dương chỉ bao gồm một sự gia tăng vừa phải sự hiện diện quân sự của Mỹ - chủ yếu dưới hình thức sức mạnh hải quân – nó đã đem theo cùng nó một đường hướng đối đầu hơn với Trung Quốc và một sự thúc đẩy gia tăng đáng kể chi tiêu quân sự của các đồng minh của Mỹ.

Phe diều hâu bên trong giới quyền uy muốn Mỹ thậm chí còn đối đầu hơn. Chẳng hạn, Michael Green và Victor Cha thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) đã lập luận rằng Mỹ nên tăng gấp đôi số lượng tàu ngầm tấn công năng lượng hạt nhân được đặt căn cứ tại Guam, gia tăng các lực lượng đổ bộ ở Hawaii, bố trí các tàu chiến ven biển ở Hàn Quốc, đặt thường xuyên một phi đội ném bom trên đảo Guam, và tăng thêm các thiết bị theo dõi có điều khiển và tự động khắp khu vực. Việc tăng cường các chuyến bay do thám có tính chất khiêu khích dọc các biên giới của Trung Quốc đã làm gia tăng rất nhiều căng thẳng.

Khu vực này hết sức cần một kế hoạch để phản ứng lại những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng như sự biến đổi khí hậu và sự chênh lệch giàu nghèo đang mở rộng. Thay vào đó, sự can dự của Mỹ được thúc đẩy bởi các chiến dịch thuyết phục Hàn Quốc mua chương trình phòng thủ tên lửa đắt đỏ gọi là Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) khi lập trường chính thức của Seoul là nước này không cần chương trình đó. Tương tự, những quan ngại hoàn toàn chính đáng của Trung Quốc về việc đặt một trang thiết bị như vậy ở khoảng cách gần đã bị bỏ qua thậm chí không có một nỗ lực đối thoại tối thiểu.

Thậm chí còn rắc rối hơn là sự bùng nổ hạt nhân đang xuất hiện ở Đông Á. Trung Quốc, có tuyền thống duy trì một kho vũ khí vừa phải, đang tham gia nỗ lực hiện đại hóa nghiêm túc nhằm tăng khả năng tồn tại, tăng sức tấn công, và chống lại các chương trình phòng thủ tên lửa. Triều Tiên đang tăng khả năng của các vũ khí hạt nhân, mặc dù kích thước và tầm xa vẫn chưa được biết, và động thái đó đang này càng gây áp lực buộc các nước láng giềng gần kề phải có vũ khí hạt nhân. Chúng ta hiện nay nghe thấy các tiếng nói ở Seoul và Tokyo thúc giục loại bỏ những sự ngăn cấm đối với vũ khí hạt nhân để chống lại các chương trình của các nước láng giềng – với một số nhà phân tích ở Mỹ thúc giục họ làm như vậy. Và Chính quyền Obama, bất chấp sự ủng hộ việc hủy bỏ vũ khí hạt nhân và các cuộc đàm phán về những mức trần mới với Nga (mà tính hữu dụng của chúng bị nghi ngờ do những sự kiện gần đây) đã bật đèn xanh cho một cuộc hiện đại hóa kho vũ khí của chính nước này tiêu tốn hàng tỷ USD.

Có thể các nhà hoạch định chính sách Washington tin rằng một nhóm các nước đồng minh sẽ trói chặt một Trung Quốc đang nổi lên. Nhưng các cuộc xung đột trong tương lai không có khả năng diễn ra theo kế hoạch này. Chẳng hạn, Hàn Quốc và Nhật Bản có tranh chấp lãnh thổ và lịch sử của riêng họ. Những khoản tăng trong chi tiêu quân sự của Nhật Bản, cho dù bề ngoài nhằm vào Triều Tiên, tất yếu sẽ bị cả Hàn Quốc lẫn Trung Quốc coi là mối đe dọa trực tiếp.

Ví dụ của châu Âu

Vào những năm 1970, các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí là cần thiết để biến đổi châu Âu từ nơi diễn ra nhiều cuộc chạy đua vũ trang bi thảm và các cuộc chiến tranh tàn phá thành một khu vực thống nhất, hòa bình. Các nhà lãnh đạo quân sự ở cả Mỹ lẫn Liên Xô đã nhận ra những nguy hiểm của cuộc chạy đua vũ trang và đã bước vào các cuộc đàm phán nghiêm túc mà đã tạo ra các hiệp định kiểm soát vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường cụ thể trong giai đoạn hòa hoãn.

Trong đầu những năm 1970, hai phía trong Chiến tranh Lạnh đã đưa ra một cam kết giải quyết những bất đồng khác nhau của họ theo 3 cách: thông qua các thỏa thuận hạt nhân song phương giữa Moskva và Washington, thông qua các cuộc thảo luận về chính trị và kinh tế tại Hội nghị về an ninh và hợp tác ở châu Âu (CSCE), và thông qua việc cùng giảm bớt lực lượng quân sự ở châu Âu trong các cuộc đàm phán về việc cùng giảm bớt lực lượng và cân bằng (MBFR). MBFR, sau một số điều chỉnh và khởi động, cuối cùng đã tiến đến các vòng đàm phán mà vào năm 1989 đã dẫn đến những sự giảm cụ thể các lực lượng NATO và Hiệp ước Vacsava ở châu Âu. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Các lực lượng thông thường trong hiệp ước châu Âu đã cung cấp một nền tảng cho việc đàm phán những sự giảm bớt lực lượng hơn nữa giữa NATO và Nga, mặc dù cả hai phía đều không hoàn toàn làm theo các kế hoạch.

Sự tăng cường lực lượng vũ trang ở châu Âu vào những năm 1970 và 1980 nguy hiểm không kém tình hình ở Đông Á hiện nay. Bất chấp sự hòa hoãn tương đối thành công, tinh thần Chiến tranh Lạnh lại bùng lên sau hành động của Xô Việt tại Afghanistan vào năm 1979 và việc Chính quyền Reagan gây tiếng xấu cho Moskva do kết quả của việc đó. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân và thông thường vào những năm 1970 đã đứng vững qua các cuộc thử thách chính trị, phục vụ như những “viên gạch” thiết yếu xây dựng nên một cấu trúc an ninh mới mà đã đảm bảo một châu Âu ổn định và hòa bình. 

Những thập kỷ diễn ra các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí đã tạo ra một môi trường trong đó các nhà chính trị, các nhà hoach định chính sách và các chuyên gia quân sự dành hết thời gian của họ để suy nghĩ về việc làm thế nào để giảm bớt những căng thẳng, thay vì tạo ra những căng thẳng để tăng ngân sách chi cho quân đội. Họ đã phát triển những hệ thống phức tạp để xây dựng lòng tin mà đến lượt nó đã thể chế hóa các thỏa thuận vượt quá những sự giảm đơn thuần mức độ vũ trang. Kết quả là việc phổ biến các cuộc thảo luận lộ trình 2 và lộ trình 3 đã tạo ra một nhóm rộng hơn những bên tham gia có trách nhiệm cam kết với sự giảm căng thẳng, mà đảm bảo rằng các hiệp định kiểm soát và giải trừ vũ khí được tiếp tục bất kể những thay đổi trong giới lãnh đạo chính trị. 

Châu Á không có bất cứ lịch sử có thể sánh được nào về kiểm soát và giải trừ vũ khí. Nhật Bản đã tham gia Hội nghị Hải quân Washington, hội nghị về kiểm soát vũ khí đầu tiên trong lịch sử và là nguồn gốc của hiệp định 1922 hạn chế việc chế tạo tàu chiến. Nhưng cũng chính Nhật Bản đã chấm dứt một cách hiệu quả hiệp định này khi nước này rút khỏi vào năm 1936.

Trong thời hậu chiến, chỉ có một sự kiểm soát vũ khí duy nhất đáng nói là việc Nhật Bản thông qua hiến pháp hòa bình từ bỏ quyền hành động quân sự để bảo vệ chủ quyền và kêu gọi một chế độ hòa bình và công bằng quốc tế. Bất chấp sự hứa hẹn của hiến pháp hòa bình đó, các quốc gia khác không thông qua những chính sách như vậy – nổi bật nhất là Mỹ, nước đã áp đặt hiến pháp này lên Nhật Bản ngay từ đầu. Mỹ cũng loại bỏ các vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi Hàn Quốc vào năm 1991 như một phần của việc giảm quy mô quân đội sau Chiến tranh Lạnh, nhưng hành động mang tính tượng trưng đó không phải là một phần của chính sách toàn diện về vũ khí.

Vượt ra ngoài sự tái cân bằng

Chiến lược của Mỹ dành cho Đông Á, hiện nay được gọi là “tái cân bằng”, đòi hỏi phải có một sự tái tạo hoàn toàn.

Trước hết, nền tảng của chính sách đối ngoại nên là an ninh chung, chứ không phải doanh số bán các hệ thống vũ khí đắt tiền. Trong 5 năm tới, Mỹ và các đối tác đồng minh – Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia – cùng với các cường quốc quân sự chính của khu vực là Trung Quốc và Nga, và các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cần phải gặp gỡ để dự thảo một kế hoạch toàn diện về việc hạn chế các vũ khí hạt nhân và thông thường.

Cam kết về một hiệp định hạn chế vũ khí phải tiến hành song song với một chính sách an ninh thừa nhận biến đổi khí hậu là mối đe dọa an ninh hàng đầu đối với khu vực và đòi hỏi phải có những cải cách có hệ thống của tất cả các chính phủ.

Có sự ủng hộ đáng kể cho một cách tiếp cận như vậy, như được minh chứng bởi tuyên bố của Đô đốc Samuel J.Locklear III (Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ) rằng sự biến đổi khí hậu là thách thức an ninh đáng kể nhất. Như Andrew DeWit đã lưu ý, Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ đã tự cam kết can dự cụ thể với các vấn đề khí hậu mà mở ra những triển vọng mới cho sự cộng tác trong tương lai khắp châu Á. Sự biến đổi khí hậu cần phục vụ như một vấn đề mang tính biến đổi về an ninh thúc đẩy một thỏa thuận kiểm soát vũ khí lớn như một phần trong sự tái xác định mang tính nền tảng vai trò của quân đội trong xã hội.

Sự can dự với Trung Quốc là điều kiện cần thiết để thành công. Trung Quốc không xem Mỹ là một sự hiện diện không được chào đón trong khu vực. Mặc dù có những người theo đường lối cứng rắn ở Bắc Kinh cũng như ở Washington, Trung Quốc không ngừng bày tỏ mong muốn làm việc với Mỹ về các vấn đề an ninh, bao gồm sự hợp tác giữa quân đội với quân đội. Trung Quốc đã tham gia các cuộc tập trận quân sự, như RIMPAC 2014, do Mỹ tổ chức.

Tuy nhiên, những biểu hiện mang tính đối đầu của vũ khí quân sự ở các lãnh hải của Trung Quốc đã làm gia tăng những quan ngại ở Bắc Kinh rằng Mỹ không giống một trọng tài khu vực mà là một bá quyền đang tìm cách đánh bại một mối đe dọa tiềm tàng. Tương lai của thế giới phụ thuộc phần nhiều vào việc Mỹ rời xa khỏi mô hình ngoại giao và an ninh Chiến tranh Lạnh khi nước này buộc Trung Quốc chấp nhận các tiêu chuẩn của cộng đồng quốc tế. Quyết định của Mỹ can dự với Trung Quốc trong thỏa thuận kiểm soát vũ khí dài hạn có thể thay đổi mối quan hệ của hai nước.

Con đường tiến lên phía trước

Mỹ là nước chi tiêu vào vũ khí quân sự lớn nhất thế giới cũng như là nước bán vũ khí lớn nhất thế giới. Do đó, bước đầu tiên hướng tới một hiệp định kiểm soát vũ khí toàn diện ở Đông Á nên bắt đầu ở Washington. Thay vì leo thang cuộc chạy đua vũ trang để phản ứng lại các tranh chấp, Washington cần cho thấy khả năng lãnh đạo bằng việc trung thành với cam kết giảm bớt vũ khí và các biện pháp xây dựng lòng tin. 

Bất cứ hiệp định kiểm soát vũ khí nào cũng nên mang tính đa phương, chứ không phải mang tính song phương. Quan trọng là phải thừa nhận rằng việc tăng cường lực lượng vũ trang hiện nay trong khu vực liên quan đến từng nước riêng lẻ, và rằng những nguyên nhân gây căng thẳng ẩn chứa bên dưới là phức tạp và không đi theo đường lối của liên minh. Sự tập trung hoàn toàn vào chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã khiến chúng ta không thấy rõ những thách thức an ninh khu vực lớn hơn. 

Một thỏa thuận như vậy sẽ đòi hỏi một hình thái tổ chức nào đó, cho dù đó chỉ là một hội nghị thông thường như CSCE ban đầu là vậy. Các thể chế Lộ trình 1 và Lộ trình 2, như Diễn đàn khu vực ASEAN và Hội đồng Hợp tác an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương, có thể là nơi diễn ra những thảo thuận ban đầu. Một khuôn khổ kiểm soát vũ khí toàn diện chín muồi cuối cùng sẽ đòi hỏi phải có một sáng kiến mới liên chính phủ.

Cuộc đàm phán 6 bên có thể phục vụ như một nền tảng ban đầu để bước vào những thảo luận nghiêm túc về kiểm soát vũ khí. Thay vì lặp lại danh sách dài các yêu cầu buộc Triều Tiên chấm dứt vô điều kiện chương trình hạt nhân của nước này, các nước thành viên – Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và Triều Tiên – có thể bắt đầu các cuộc đàm phán về việc làm thế nào để hủy bỏ các vũ khí hạt nhân và giảm với số lượng lớn các vũ khí thông thường trong khu vực. Những cuộc đàm phán như vậy không nên hạn chế ở hay phụ thuộc vào các hành động của Bình Nhưỡng mà thay vào đó nên phục vụ như nền tảng của một cấu trúc an ninh lớn hơn mà sẽ được thực thi bất kể những hành động của Triều Tiên. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán nên mang lại những sự khích lệ Triều Tiên tham gia như một bên tham gia của một thỏa thuận lớn hơn giảm số lượng vũ khí của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như giảm quy mô sự hiện diện quân sự của Mỹ.

Một sự khích lệ rõ ràng để Triều Tiên tham gia sẽ là để Mỹ đề nghị đàm phán một thỏa thuận hòa bình để thay thế thỏa thuận ngừng bắn đã chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên vào năm 1953. Một hiệp ước hòa bình như vậy, mà Bình Nhưỡng đã vận động hành lang để có, có thể bao gồm một điều khoản về việc tạo ra một cơ chế cấp khu vực đảm bảo việc thực thi đúng hiệp ước. Cơ chế này sau đó có thể trở thành nòng cốt của một cấu trúc an ninh khu vực mới.

Một thỏa thuận ban đầu trong số các bên tham gia sẽ lấy được là từ một tuyên bố về việc Mỹ ủng hộ Khu vực không có vũ khí hạt nhân có giới hạn ở Đông Bắc Á do John Endicott đề xuất vào năm 1995. Đề xuất này được tạo ra bằng thông tin do các chuyên gia quân sự thu được từ tất cả các nước tham gia cuộc đàm phán 6 bên (ngoại trừ Triều Tiên) và có thể phục vụ như là bước đầu hướng tới việc loại bỏ tất cả các vũ khí hạt nhân trong khu vực. Khu vực không có vũ khí hạt nhân (NWFZ) được đề xuất hoạt động hiệu quả trong cái mà nó xây dựng dựa trên những tiền lệ của 8 NWFZ đã được thiết lập, như Hiệp ước Antarctic (năm 1959) và NWFZ Đông Nam Á(1995).

Các cuộc đàm phán về vũ khí hạt nhân nên được tiến hành song song bởi nhiều cuộc đàm phán về việc giảm vũ khí trong khu vực dựa trên những tiền lệ của các cuộc đàm phán MBFR. Những thảo luận này có thể phát triển thành một cơ chế đang vận hành đưa ra những đề xuất giảm bớt vũ khí và một lộ trình cho việc thực thi theo một trình tự có thể dự đoán được. Những thỏa thuận cụ thể có thể được đàm phán về các tàu hải quân, xe tăng và pháo, máy bay chiến đấu và các máy bay ném bom, và các tên lửa và các hệ thống phóng khác. Những thỏa thuận này cũng nên bao gồm những dàn xếp giám sát tích cực để đảm bảo việc tuân thủ và mang lại những quy tắc nghiêm ngặt liên quan đến những cuộc tập trận quân sự và do thám. Một yếu tố then chốt trong các cuộc đàm phán này sẽ là việc giảm bớt các cuộc tập trận quân sự lớn trong khu vực với mục đích cuối cùng tiến tới tạm ngừng, và chấm dứt các chương trình do thám mang tính khiêu khích trong khu vực.

Hơn nữa, do tốc độ thay đổi công nghệ nhanh chóng đang khiến các vũ khí thông thường ngày càng trở nên không thông thường, các thỏa thuận về vũ khí thông thường phải phát triển để bắt kịp chúng. Những công nghệ mới xuất hiện như máy bay không người lái, rô bốt, in 3D và chiến tranh mạng cũng nên được giải quyết trực tiếp bằng các hiệp định thư về các hiệp ước vũ khí này. Bản chất phá vỡ của sự thay đổi công nghệ bản thân nó nên được giải quyết rõ ràng trong bất cứ hiệp ước kiểm soát vũ khí nào để đảm bảo tính thích ứng tiếp tục của nó.

Phòng thủ tên lửa nên được đề cập như một phần trong một hiệp ước vũ khí toàn diện. Bất chấp những nghi ngờ về công nghệ xung quanh tính hiệu quả của một hệ thống phòng thủ tên lửa như vậy, đề xuất của Mỹ mở rộng một hệ thống sang Hàn Quốc và Nhật Bản đã dẫn đến những tiến bộ mang tính tương hỗ trong chương trình tên lửa đạn đạo của Trung Quốc mà vốn đang gây bất ổn. Hơn nữa, Trung Quốc không chấp nhận quan điểm của Mỹ cho rằng phòng thủ tên lửa là một cơ chế phòng thủ. Do đó, mặc dù người Mỹ có thể lập luận rằng phòng thủ tên lửa sẽ là yếu tố cuối cùng bị loại bỏ trong một hiệp định kiểm soát vũ khí, Trung Quốc sẽ cho rằng nó nên là yếu tố đầu tiên bị loại bỏ. Vấn đề này chỉ có thể được giải quyết bằng các cuộc đàm phán nghiêm túc.

Cuối cùng, quan trọng là các cuộc đàm phán về sự giảm bớt và thích ứng với sự biến đổi khí hậu tiến hành song song với các cuộc đàm phán về vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường. Việc giảm bớt các vũ khí thông thường và hạt nhân sẽ đòi hỏi phải có một sự biến đổi về tiêu điểm và chức năng của quân đội. Các bộ máy quan liêu lớn có hàng triệu nhân viên trong riêng từng các quân đội phải có phần trong cuộc chiến chống lại sự biến đổi khí hậu.

Trong năm qua, thế giới đã chứng kiến số lượng các cuộc xung đột tăng lên ở Ukraine, Iraq, và Gaza mà đang gây rắc rối sâu sắc. Trong mỗi trường hợp trong các cuộc xung đột này, tình hình đã leo thang bởi vì sự lựa chọn phản ứng bằng quân sự của tất cả các bên. Trong khi đó, các cuộc khủng hoảng ở Đông Á đã trở nên im hơi lặng tiếng trong hai tháng qua. Đây là thời điểm lý tưởng để châu Á đưa ra một cách tiếp cận khác với việc giải quyết vô số các cuộc xung đột đã quấy rầy khu vực này trong nhiều năm. Nếu những nỗ lực của châu Á chấm dứt sử dụng vũ khí như phương tiện để giải quyết các cuộc xung đột, châu lục này có thể nêu một tấm gương mạnh mẽ cho phần còn lại của thế giới.

Theo Foreign Policy in Focus

Trần Quang (gt)