Chỉ trong vài tháng qua, giá dầu thô đã sụt giảm tới 50% và có nhiều dự đoán xu hướng này sẽ còn tiếp tục. Hiện tượng này đã gây lo sợ và khủng hoảng tại một số quốc gia sản xuất dầu thô và những hậu quả vẫn chưa rõ ràng tại nhiều nước khác. Những lý giải cho sự sụt giảm nhanh và mạnh của giá dầu thô thường chỉ đơn thuần tập trung vào quan hệ cung cầu, theo đúng lôgích của thị trường. Tuy nhiên dầu thô là loại mặt hàng phức tạp và cần phải tính tới nhiều yếu tố quyết định giá cả của nó, ở cả bên cung và bên cầu, và có thể tạm phân chia những yếu tố đó vào ba cấp độ khác nhau, xét theo ba chức năng cơ bản nhất của dầu thô trong nền kinh tế hiện nay:

1. Dầu thô là một loại hàng hóa chịu tác động từ những diễn biến trồi sụt kinh tế “thật”: về bên cung, đó là chi phí khai thác, mức độ sẵn có của tài nguyên, và về bên cầu, chủ yếu là hoạt động sản xuất của các nền kinh tế và quá trình vận tải. Theo cách hiểu này, dầu thô là một sản phẩm có giá trị cao có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới quá trình sản xuất của tất cả sản phẩm hoặc dịch vụ của nền kinh tế thế giới. Ở cấp độ này, người ta vẫn có thể phân tích việc lên xuống của giá dầu như các loại hàng hóa khác dù luôn thừa nhận tầm quan trọng đặc biệt của loại hàng hóa này trong nền kinh tế “thật”.

2. Dầu thô cũng là một nhân tố tài chính quan trọng và là một loại hàng hóa đầu cơ chiến lược. Giá trị của những tín phiếu sở hữu và các loại cổ phiếu liên quan tới hoạt động khai thác dầu luôn có quan hệ phụ thuộc tương tác vào giá và sản lượng dầu thô. Do đó, giá dầu cũng rất phụ thuộc vào các đánh giá tín nhiệm, các hoạt động tài chính và đầu cơ.

3. Dầu thô là tài nguyên có ảnh hưởng địa chính trị lớn. Quyền kiểm soát hoạt động sản xuất, phân phối và định giá dầu (không đơn thuần là quyền sở hữu trực tiếp) luôn đồng nghĩa với quyền lực kinh tế và chính trị lớn, và do đó, hành vi thao túng vì các động cơ địa chính trị cũng là một nhân tố rất quan trọng tác động tới giá dầu thô trên thế giới.

Tất nhiên, ba loại yếu tố này không độc lập và càng không thể tách rời nhau. Ví dụ, việc giá dầu thay đổi thuần túy do các nguyên nhân tương tác cung cầu có thể dẫn tới một làn sóng đầu cơ các trái phiếu dầu khí, và hiện tượng này lại có tác dụng phản hồi và tạo ra biến động giá dầu thậm chí còn lớn hơn; hay các yếu tố địa chính trị ảnh hưởng tới việc quyết định sản lượng hay khối lượng tiêu thụ luôn song hành cùng các tác nhân mang tính kinh tế và kỹ thuật. Cả ba loại yếu tố này luôn hiện hữu trong bất kỳ bối cảnh giá dầu nào, tuy nhiên trong một số hoàn cảnh, một loại yếu tố sẽ nổi trội hơn các yếu tố còn lại.

Trong giai đoạn giá dầu tăng vọt năm 2008 (từ mức 70 USD/thùng nửa đầu năm 2007 lên mức 145 USD/thùng vào tháng 6 năm 2008), yếu tố đầu cơ rõ ràng mang tính chất quyết định.

Khi đó, bong bóng đầu cơ bất động sản tại Mỹ bị vỡ đã buộc các nhà đầu tư tài chính lớn phải tìm những mặt hàng thay thế khác cho nguồn vốn của mình, và dầu khí là một trong số những mặt hàng được đầu cơ nhiều nhất. Nhu cầu tăng trưởng công nghiệp của Trung Quốc và Ấn Độ đúng là có tác động khiến giá dầu tăng, nhưng chỉ viện dẫn nguyên nhân này sẽ không thể giải thích mức tăng quá lớn trong khoảng thời gian trên.

Tương tự, hoạt động đầu cơ cũng là tác nhân chính dẫn tới việc tuột dốc thảm hại của giá dầu vào cuối năm 2008, xuống mức 40USD/thùng, và cả xu hướng tăng dần sau đó kể từ đầu năm 2009 (vượt mức 100USD/thùng vào năm 2011 và giữ vững ở mức này cho đến tháng 9/2014), mặc dù xu hướng thứ hai có chịu tác động của các tác nhân thị trường (tuy nhiên trong trường hợp dù tác động lên thị trường, các “tác nhân” không hoàn toàn đến từ thị trường tự do, mà là các cuộc chiến tại Trung Đông và quyết định của một số quốc gia hợp pháp hóa phương pháp khai thác gây nhiều tranh cãi là thủy lực cắt phá).

Việc giá dầu bắt đầu sụt giảm theo từng tốc độ khác nhau, kể từ tháng 6/2014 đúng là phần nào xuất phát từ yếu tố nhu cầu giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm, bất chấp tình hình phức tạp tại Iraq và Syria có ảnh hưởng tới sản lượng và tạo sức ép đẩy giá. Tuy nhiên, mức sụt giảm mạnh từ tháng 9/2014 phụ thuộc nhiều vào các quyết định địa chính trị hơn là vào các tín hiệu thị trường. Tác nhân trực tiếp là quyết định của Saudi Arabia và Qatar tiếp tục giữ sản lượng cao và từ chối đề xuất giới hạn sản lượng để giữ giá mà các thành viên khác trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đưa ra. Lý do chính thức là Saudi Arabia muốn chinh phục các thị trường mới để bù vào nhu cầu thấp của toàn cầu. Có một điểm quan trọng cần nhớ là Saudi Arabia sở hữu loại dầu thô chất lượng cao nhưng với chi phí khai thác rất thấp so với các nước sản xuất khác, và do đó họ vẫn có thể duy trì lợi nhuận bằng việc bán dầu giá thấp nhưng số lượng lớn, trong khi với đa số các nước khác giá dầu hiện tại không đủ bù chi phí. Ví dụ, một thùng dầu thô của Saudi Arabia chỉ có giá thành sản xuất dưới 30 USD/thùng, trong khi tổng chi phí cho một thùng dầu của Nga có thể lên tới 105 USD.

Một số nguồn tin tại Saudi Arabia và Mỹ cho thấy nguyên nhân thực sự có thể rất khác so với lý giải chính thức. Tháng 9/2014, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thăm quốc gia Hồi giáo này và gặp Quốc vương Abdullah và Thái tử Bandar, mà theo một số nhà phân tích, là để hai bên thống nhất chính sách dầu khí của Saudi Arabia nhằm hạ giá dầu thô. Chỉ ít lâu sau, Saudi Arabia nâng mức sản lượng lên trên 100.000 thùng/ngày và kể từ đó từ chối mọi yêu cầu của các thành viên OPEC khác quay lại quy chế khống chế sản lượng và giữ giá.

Các động cơ địa chính trị trong trường hợp này chủ yếu liên quan tới Nga và Iran. Đối với Mỹ, đó là việc chuyển hóa những xung đột với hai quốc gia này thành cuộc chiến kinh tế mà không cần tuyên bố hay can thiệp quân sự (ít nhất là tới thời điểm này). Đối với cả hai nước trên, giá dầu sụt giảm gây ra khủng hoảng kinh tế do tầm quan trọng chiến lược của mặt hàng xuất khẩu này đối nền kinh tế của họ. Trong trường hợp của Nga, tác động tiêu cực này còn đồng hành với các biện pháp trừng phạt của Mỹ và các đồng minh châu Âu, bắt nguồn từ cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine, việc mở rộng NATO với các căn cứ quân sự Mỹ tại các nước láng giềng của Nga và dự án của Moskva xây dựng một đường ống khí đốt tới châu Âu vòng qua phía Nam Ukraine.

Còn với Iran, đó là các vấn đề về chương trình hạt nhân, ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông và các dự án dẫn dầu và khí đốt. Các vấn đề này cũng liên quan trực tiếp tới Saudi Arabia và Qatar, những nước muốn kiểm soát hoàn toàn dòng chảy khí đốt tới châu Âu. Để đạt được mục tiêu này, họ phải tìm cách cắt đứt nguồn cung của Nga, thay thế bằng khí đốt của Qatar và các đồng minh trong khu vực Trung Đông, và đảm bảo đường vận tải dầu khí của mình không bị Nga hay Iran can thiệp. Và chính ở điểm này, vai trò của Syria là hết sức quan trọng. Chính quyền của ông Bashar Al-Assad tại Syria luôn là một đồng minh quan trọng của Nga và Iran. Ông Assad từng tuyên bố (chỉ hai tháng trước khi nổ ra cuộc nổi dậy vũ trang chống đối chính quyền của ông) rằng sẽ tham gia một “đường ống khí đốt Hồi giáo”, chuyển khí đốt của Iran qua Iraq và Syria để kết nối tới Hy Lạp và sau đó là thị trường Liên minh châu Âu. Dự án này nếu thực hiện sẽ mang lại nhiều lợi nhuận cho Syria, và cả Liên minh châu Âu cũng được hưởng lợi, nhưng châu Âu đã phản đối với sự trợ giúp từ các đồng minh của họ tại vùng Vịnh. Mặt khác, Syria cũng nằm trên tuyến đường mà Qatar và các đối tác dự định xây dựng. Tuy nhiên Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia hiện vẫn là nhà trung chuyển khí đốt quan trọng của châu Âu, lại nằm ngoài tuyến đường mà Nga và Iran hậu thuẫn. Những quyền lợi địa chính trị này giải thích vì sao Saudi Arabia, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh phương Tây của họ lại ủng hộ phe nổi dậy tại Syria. Đối với Mỹ, chiến thắng của các đồng minh của họ tại khu vực trong cuộc tranh chấp các dự án đường ống này đồng nghĩa với việc đảm bảo các giao dịch chứng khoán dầu khí vẫn tiếp tục được tiến hành bằng đồng USD, nói cách khác là góp phần duy trì nhu cầu và ưu thế của đồng tiền xanh trên thế giới, cũng như hệ thống tuần hoàn các đồng USD dầu mỏ và khoản nợ công của Mỹ.

Lẽ dĩ nhiên là nhiều quốc gia chịu tác động từ việc dầu thô rớt giá. Những nước sản xuất lớn như Nigeria và Libya phải gánh chịu hậu quả cũng tồi tệ không kém gì so với Nga và Iran; tuy nhiên đối với Mỹ và đồng minh, điều này dù là không muốn nhưng có thể chấp nhận được, một dạng “thiệt hại ngoại vi”. Trong trường hợp của Venezuela, thiệt hại lớn mà nền kinh tế nước này và chính quyền của Tổng thống Nicolás Maduro là một lợi ích khác đối với Mỹ, nếu xét tới thái độ thù địch của Washington đối với Caracas và sự hỗ trợ thường xuyên cho phe đối lập.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ về những hậu quả thảm khốc đối với Mỹ và nền kinh tế thế giới khởi nguồn từ việc giá dầu bị hạ quá thấp. Trước hết, điều này xuất phát từ việc biến động của giá dầu luôn có ảnh hưởng lên các giá cả khác, từ các sản phẩm cho tới các loại hình chứng khoán.

Mặc dù đối với những nước không xuất khẩu dầu, giá dầu thấp sẽ là một lợi thế cho hoạt động sản xuất, nhưng vẫn tồn tại những ảnh hưởng tiêu cực đang ngày một lớn dần. Giá dầu hạ cũng kéo giá cả của các sản phẩm xuất khẩu khác xuống theo, đặc biệt là các sản phẩm nguyên liệu hoặc sơ chế của các nước mới nổi tại Mỹ Latinh. Giá dầu tăng cao trước đây cũng từng giúp củng cố giá trị đồng USD do sự trượt giá của các đồng tiền khác, không chỉ của các nước xuất khẩu dầu dù rằng đồng tiền của họ mất giá mạnh hơn. Tại nhiều quốc gia, giá dầu thấp hiện tại đang làm chảy máu nguồn vốn, giảm lượng đầu tư và đẩy giá mặt hàng nhập khẩu lên cao và càng làm tình hình kinh tế trì trệ.

Nhưng phải nói rằng thế giới tài chính, nguồn gốc của bao điều bất trắc kinh tế trong thời đại của chúng ta mới là nơi chứa đựng nhiều rủi ro nhất cho nền kinh tế toàn cầu từ việc giá dầu thấp hiện tại. Hiện trạng này có thể dẫn tới sự phá sản hàng loạt của các công ty nhỏ trong ngành khai thác và sản xuất dầu, cũng như ảnh hưởng mạnh tới hoạt động khai thác dầu đá phiến (chủ yếu bằng công nghệ thủy lực cắt phá – một công nghệ chi phí cao chủ yếu được khuyến khích phổ biến nhờ giá dầu cao trước đây) tại Mỹ và một số nước khác. Nguồn tài chính của những hoạt động này chủ yếu đến từ các ngân hàng vừa và nhỏ, và qua việc phát hành trái phiếu lãi suất cao và rủi ro cũng cao (junk bonds). Sự sụp đổ của những doanh nghiệp này và các công ty trong một số lĩnh vực khác có liên quan tới dầu khí có thể dẫn tới sự sụp đổ cho những ngân hàng bảo trợ của họ hay các tác nhân tài chính khác. Từ đây có thể gây ra một hiệu ứng dây chuyền trên các thị trường tài chính và dẫn tới tình trạng bất ổn diện rộng như từng xảy ra với sự sụp đổ của thị trường thế chấp Mỹ trong giai đoạn 2007-2008. Cũng giống như vậy, tình trạng hiện tại có thể gây ra một cú sốc lớn đối với một bộ phận quan trọng của hệ thống tài chính thế giới, và từ đó ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu, nếu xét tới tính mong manh của những thị trường tài chính có mức độ cao về kết nối, biến động và đầu cơ.

Tóm lại, nếu nguyên nhân trực tiếp của biến động giá dầu vừa qua là việc Saudi Arabia nâng lượng cung chủ yếu vì những mục đích địa chính trị (mặc dù sự sụp đổ của các đối thủ kinh tế khác như các nhà khai thác đá phiến dầu cũng có thể coi là một động cơ kinh tế phụ), thì hậu quả có thể sẽ không dừng ở địa chính trị mà cả trong tài chính và tất cả các lĩnh vực khác của nền kinh tế thế giới. Nếu những nước sản xuất dầu khí khác là những nước chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất, thì những hậu quả về lâu dài – bao gồm cả những tác động không thể nói trước hay phản ứng tiếp theo của những “nhân vật chính” – có thể là rất to lớn và động chạm tới những khía cạnh kinh tế và chính trị phức tạp hơn rất nhiều so với những toan tính ban đầu của những người đạo diễn bối cảnh giá dầu thấp hiện tại./.

Bài viết của giáo sư Stanley Simon Malinowitz trên trang mạng Quan sát Kinh tế quốc tế, Khoa Khoa học kinh tế, Đại học Quốc gia Colombia

Lê Sơn (gt)