Nhiều sự việc có thể làm xấu đi các mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây là 10 cách để khiến chúng trở nên tốt đẹp hơn.

 

“Giấu mình chờ thời” có ý nghĩa nếu người ta là một đất nước yếu kém mong đợi trở nên mạnh mẽ. Tuy nhiên, cuối cùng thì người ta sẽ muốn tận dụng các cơ hội mà sức mạnh mới của mình đã tạo ra. Có phải thời khắc đó đã đến với Trung Quốc? Sức mạnh quân sự của Trung Quốc trên bình diện toàn cầu không thể sánh với sức mạnh quân sự của Mỹ. Nhưng PLA đang bắt đầu phủ nhận sự thống trị 65 năm của Mỹ đối với Tây Thái Bình Dương. Được khích lệ bởi quan điểm chủ nghĩa dân tộc, một cuộc tranh luận đang diễn ra bên trong giới tinh hoa của Trung Quốc về việc liệu hiện nay đã đến lúc để đất nước này vùng lên hay chưa.Việc này sẽ tác động đến các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, cho dù có những dấu hiệu cho thấy trong thời gian hiện nay họ thích tập trung vào phát triển kinh tế và các vấn đề nổi cộm trong nước của họ hơn.

 

Thế giới bên ngoài đang nghi ngờ Trung Quốc và lo lắng về việc Trung Quốc sẽ biến thành kiểu sức mạnh nào. Các nước châu Á bị giằng xé giữa việc mong chờ vào Trung Quốc đem lại cho họ sự giàu có và việc hướng tới Mỹ để có được an ninh. Nếu Trung Quốc cư xử một cách kiêu căng, thì họ sẽ chống lại một cách mạnh mẽ.

 

Mỹ cũng cảm thấy ngày càng dễ bị tổn hại. Các lực lượng vũ trang của nước này đã nhận ra mối đe dọa ở Thái Bình Dương. Ngoại giao kinh tế của Mỹ trở nên gây hấn hơn và không thể dự đoán được. Điều này càng làm phức tạp thêm chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, một sự kết hợp không dễ dàng và có thể là lộn xộn giữa sự can dự và sự ngăn ngừa.

 

Điều đó góp phần vào một sự pha trộn các lực lượng hết sức nguy hiểm. Sau một thập kỷ trong đó Mỹ bị sao lãng bởi vấn đề khủng bố và Trung Quốc bận rộn với việc phát triển kinh tế, các mối quan hệ đối ngoại của Trung Quốc hiện nay có thể trở nên khó khăn hơn. Sự nguy hiểm được tăng thêm trong một vài tháng qua bởi một loạt các tranh chấp, với Nhật Bản về một số hòn đảo, về vụ đắm tàu Cheonan, và về tuyên bố chủ quyền các vùng biển ven bờ của Trung Quốc.

 

Các cuộc cãi vã chỉ xảy ra một lần này cần phải không được phép định hình các mối quan hệ của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, mỗi sự kiện đều mang ý nghĩa quá mức bởi vì nỗi lo sợ rằng Trung Quốc sẽ tỏ ra hung hăng và sự nghi ngờ ở Trung Quốc rằng Mỹ có ý định ngăn cản sự phát triển của Trung Quốc. Mỗi vụ việc bị xem là một sự thử nghiệm cho cái gì sẽ xảy ra tiếp theo.

 

Phòng ngừa, chứ không phải cứu chữa

 

Giải pháp là tìm các cách giảm thiểu sự mất tin tưởng lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ. Điều này sẽ là khó khăn nhưng không phải là hết hy vọng. Trung Quốc không tìm kiếm các thuộc địa mới và không có hệ tư tưởng để xuất khẩu. Nước này chia sẻ nhiều mục đích của Mỹ: sự ổn định, không phổ biến vũ khí hạt nhân và trên hết là một nền kinh tế thế giới phát triển thịnh vượng. Các mục tiêu này được phục vụ tốt nhất nhờ vào hòa bình.

 

Sự không tin tưởng nuôi dưỡng thêm sự không tin tưởng, sự gây hấn nuôi dưỡng thêm sự gây hấn. Về địa chính trị, cũng như trong cuộc sống, liều thuốc tốt nhất là phòng bệnh. Nếu mối quan hệ này có lúc nào đó rơi vào sự đối kháng, thì nó khó có thể rút lui. Các nhà lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc nói nhiều về mong muốn của họ có các mối quan hệ siêu cường tốt đẹp. Nếu họ có ý định như họ nói, thì đây là 10 mục tiêu để nhắm đến:

 

+) Trung Quốc cần phải chắc chắn về việc có khả năng giáng đòn tấn công hạt nhân trả đũa. Như Robert Art thuộc trường Đại học Brandeis lập luận, cả Trung Quốc lẫn Mỹ sẽ cảm thấy tự tin hơn nếu họ biết được đất nước họ được đảm bảo an toàn. Trung Quốc đang chi tiền nhằm đảm bảo rằng nước này có thể trả đũa đòn tấn công đầu tiên. Mỹ cần phải sẵn lòng từ bỏ lợi thế quân sự này bởi vì nó đang làm mất ổn định – và sự bất ổn làm thất bại mục tiêu chính sách quan trọng hơn cả, là sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc.

 

+) Mỹ cần phải theo đuổi việc duy trì ưu thế quân sự ở Tây Thái Bình Dương. Vì lợi ích của tất cả các liên minh châu Á của mình, Mỹ phải có khả năng đảm bảo an toàn cho các tuyến đường biển và đưa ra một sự đe dọa đáng tin rằng Mỹ sẽ đến hỗ trợ Đài Loan chống lại một cuộc tấn công của Trung Quốc. Trong lúc này, Mỹ vẫn có thể làm việc đó. Nhưng để duy trì lợi thế đó, Mỹ sẽ cần phải củng cố các căn cứ ở phía trước, đầu tư vào phòng thủ tên lửa và các tàu ngầm và cần phải chống lại năng lực của Trung Quốc trong chiến tranh điện tử, không gian và chiến tranh mạng không cân xứng. Điều này sẽ không thể tránh khỏi là làm tăng thêm sự bất ổn của Trung Quốc. Mặt khác, nó sẽ làm tăng thêm an ninh cho các nước láng giềng của Trung Quốc. Hiện nay điều đó là quan trọng hơn.

 

+) Trung Quốc cần phải chia sẻ nhiều hơn học thuyết quân sự hạt nhân và thông thường với Mỹ. So với sự thông tin liên lạc cầu kỳ phức tạp thời Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, Trung Quốc và Mỹ không đối thoại với nhau. Các mối liên hệ giữa quân đội hai nước là một trong những việc đầu tiên chấm dứt khi Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan vào đầu năm 2010, như đã từng xảy ra vào năm 2001 khi Donal Rumseld, khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng, cắt đứt các mối liên hệ này sau vụ va chạm trên không. Các cuộc tiếp xúc giữa hai quân đội không phải là phần thưởng cho cách cư xử tốt đẹp mà là một phần cần thiết để xây dựng sự tin tưởng.

 

+) Mỹ cần có các quy tắc giúp ngăn không cho các tranh chấp biển leo thang. Chẳng hạn, các vụ va chạm trên biển dễ dàng xử lý hơn nhiều nếu các quy tắc này được định ra từ trước. Các vụ va chạm hoàn toàn ít có thể xảy ra hơn nếu một quy tắc quy định cái gì được coi là hành lang an toàn. Vào năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận khích lệ cách cư xử tốt đẹp ở Biển Đông nhưng nó đã bị sao lãng. Chỉ sau vụ lộn xộn gần đây Trung Quốc mới cho thấy một sự quan tâm trở lại.

 

+) Mỹ và Trung Quốc hiện nay cần phải đàm phán về những việc tỏ ra có thể dẫn đến các tranh chấp về sau. Điều đó có nghĩa là các vụ việc bất ngờ đối với Bắc Triều Tiên – trong bí mật nếu cần thiết. Như Kenneth Lieberthal thuộc Viện Brookings ở Oasinhtơn lập luận, nó cũng có nghĩa là nói về các vấn đề như chiến tranh không gian và chiến tranh mạng. Hai nước này đưa rất nhiều công việc vào cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế của họ, nhưng điều này có xu hướng bị chi phối bởi các tin tức hiện tại. Nó cần phải tập trung vào tương lai.

 

+) Mỹ cần phải tuân thủ các quy tắc của chính mình và nếu nước này phải phá vỡ chúng thì cần phải nhân lên cái giá thực sự của việc làm như vậy. Mỹ muốn Trung Quốc sẵn sàng chung sống với thế giới như nước này đang thực hiện. Nếu Mỹ phá vỡ các quy tắc, nước này sẽ nuôi dưỡng những sự nghi ngờ ở Trung Quốc rằng, bằng cách này hay cách khác, sự nổi lên của Trung Quốc sẽ bị phủ nhận. Về vấn đề an ninh, việc giữ vững các quy tắc có nghĩa là tránh được các hành động mà theo lời của ông Art thì có vẻ “mang tính trừng phạt và vô cớ”. Về kinh tế, nó có nghĩa là tránh được chủ nghĩa bảo hộ, mà đang gây nguy hại đến mục đích của chính mình về hai mặt khi nó vừa phá hoại niềm tin của Trung Quốc vào hệ thống vừa khiến Mỹ trở nên nghèo hơn và ít có khả năng tự bảo vệ mình hơn.

 

+) Đảng Cộng sản Trung Quốc cần phải ngừng việc sử dụng các nhà kiểm duyệt và phê bình để truyền bá mô hình chủ nghĩa dân tộc độc hại. Các nhà lãnh đạo của đảng này sẽ nhận thấy dễ dàng xử lý các mối quan hệ đối ngoại hơn nếu họ ít dùng đến các mối bất bình lịch sử hơn. Điều đó sẽ gây khó khăn cho Đảng, đang khao khát có được tính hợp pháp xuất phát từ sau khi tống tiễn người phương Tây và Nhật Bản đi. Nhưng Mỹ cần phải tránh gây ra sự oán giận nếu nước này muốn Trung Quốc dễ dàng cùng tồn tại với phần còn lại của thế giới.

 

+) Trung Quốc và Mỹ cần phải nỗ lực thực hiện nhiều công việc tới chừng mức có thể thông qua các diễn đàn đa phương, chẳng hạn như G20 và LHQ. Các thỏa thuận song phương dễ dàng thực hiện hơn và tốn ít thời gian hơn. Nhưng chúng không rõ ràng và khiến phần còn lại của thế giới tự hỏi không biết cái gì đang thực sự diễn ra. Chẳng có gì xây dựng được năng lực của hệ thống này như việc sử dụng nó một cách thành công.

 

+) Châu Á cần phải lựa chọn ra nhóm các tổ chức an ninh khu vực. Cùng với việc Mỹ và Nga bắt đầu tham gia với tư cách là các thành viên chính thức vào năm 2011, Hội nghị cấp cao Đông Á giống một nơi hứa hẹn nhất để trở thành một diễn đàn an ninh khu vực. Việc này sẽ tạo được bước nhảy vọt về sự tin tưởng từ các nước như Xinhgapo, là nước có một vị trí đặc biệt trong ASEAN. Tuy nhiên, châu Á cần phải ít nhất là một lần đặt an ninh chung lên hàng đầu.

 

+) Các nước châu Á cần phải đặt nhiều nỗ lực hơn nữa vào an ninh phi truyền thống. Theo Katherine Morton thuộc trường Đại học Quốc gia Ôxtrâylia, phải thực hiện nhiều công việc trong các lĩnh vực chẳng hạn như sự biến đổi khí hậu, y tế, môi trường, cướp biển và khủng bố, các lĩnh vực mà các mối đe dọa về bản chất là xuyên biên giới. Tuy nhiên, không kém phần quan trọng an ninh phi truyền thống cho thấy một cơ hội để các lực lượng quân sự của châu Á học cách làm thế nào làm việc cùng nhau mà không có những sự căng thẳng thường thấy – như khi Trung Quốc cử các tàu đến giúp lực lượng hải quân quốc tế ngăn chặn cướp biển ở Vịnh Aden. Một số nước châu Á tỏ ra câu nệ về tác động của an ninh phi truyền thống lên chủ quyền của họ. Họ nên cố chịu đựng.

 

Thời điểm để lựa chọn

 

Sau chiến thắng nổi tiếng của vua Câu Tiễn đối với vương quốc phía Bắc, ông ham mê quyền lực tới mức ông đã biến thành một kiểu bạo chúa. Một cố vấn trung thành đã mất mạng, một người khác phải chết dưới lưỡi gươm của mình theo lệnh của vua. Vào những năm 1980, một số nhà văn Trung Quốc đã coi đây như một câu chuyện ngụ ngôn về sự tàn bạo của Mao Trạch Đông đắc thắng.

 

Có nhiều cách hiểu câu chuyện về vua Câu Tiễn. Nó có thể được hiểu là sự báo thù, sự chuyên chế, sự tự tiến bộ, và nhiều thứ khác. Cũng như vậy, sự nổi lên của Trung Quốc vừa không được đảm bảo là chủ yếu nhằm mục tiêu sự thịnh vượng của 1,3 tỷ người vừa không bị lên án là nhằm đối địch hay xung đột với phần còn lại của thế giới. Như câu chuyện này, tương lai là những gì chúng ta tạo ra./.

Theo Economist

Lê Hưng (gt)