Trong những ngày đầu năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh về các mối đe dọa ngày càng tăng đối với môi trường an ninh của Trung Quốc, cũng như nhu cầu tăng cường nhận thức về vấn đề này của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Truyền thông trên thế giới đã tô đậm Chủ tịch Tập Cận Bình như nhà lãnh đạo có khả năng tạo ra các biến đổi lớn trong việc đưa Trung Quốc vào sân khấu toàn cầu với các sáng kiến đầu tư nhiều tỷ USD như Con đường tơ lụa mới và thành lập các tổ chức có tính trật tự mới trong khu vực và toàn cầu như Ngân hàng Phát triển BRICS và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Tuy nhiên, bi kịch hiện nay ở châu Âu đã bị bỏ qua trong khi nó xứng đáng được quan tâm nghiêm túc đối với sức sống bền vững về chính trị và kinh tế của Trung Quốc.

Sau tiết lộ về cuộc họp nội các Anh liên quan đến một kế hoạch dự phòng đối với khả năng Hy Lạp rút ra khỏi Khu vực đồng euro (Eurozone), các nhà phân tích hiện dự báo khả năng 50% Hy Lạp làm điều không tưởng là từ bỏ đồng tiền euro. Có lẽ, khả năng Hy Lạp từ bỏ đồng euro sẽ tàn phá sự ổn định kinh tế và xã hội của Liên minh châu Âu (EU), thị trường lớn nhất trên thế giới và là đối tác thương mại và công nghệ lớn nhất của Trung Quốc. Dư luận ở Italy đang chống lại đồng euro. Đây được xem là lý do chính khiến ngành công nghiệp đầy sức mạnh của Italy đã đánh mất các thị trường đang nổi vào tay Đức. Tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, các đảng theo quan điểm hoài nghi đồng euro hiện đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận, tăng đáng kể sau chiến thắng của đảng cánh hữu cấp tiến Syriza tại Hy Lạp. Do đó, một sự rời bỏ của Hy Lạp (khỏi Khu vực đồng Euro) có thể gây ra hiệu ứng domino chính trị dẫn đến kết thúc 50 năm hội nhập dường như không thể đảo ngược của châu Âu, đồng thời tạo ra một rủi ro đạo đức lớn cho tương lai của giấc mộng nhất thể hóa châu Âu. Ngoài những thiệt hại tiềm tàng đối với các khoản đầu tư vào Hy Lạp và châu Âu mà một cuộc khủng hoảng EU kéo dài sẽ gây ra với Trung Quốc, tác động có thể lan tới các khía cạnh chiến lược và ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế và chiến lược an ninh quốc gia dài hạn của Trung Quốc trong quá trình nước này trỗi dậy một cách hòa bình từ một thế kỷ của những hỗn loạn.

Ý nghĩa địa kinh tế của sự sụp đổ Eurozone đối với Trung Quốc

Trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiến hành một loạt cải cách để thúc đẩy tiêu dùng nội địa và đa dạng hóa mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, nền kinh tế nước này vẫn phụ thuộc nhiều vào dòng xuất khẩu khổng lồ chiếm tới khoảng 15% GDP. Gần một phần tư kim ngạch xuất khẩu này là tới EU. Số liệu mới nhất cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong đầu năm 2015 đã chững lại trong khi tăng trưởng GDP của nước này ở mức 7,3%, mức thấp nhất trong vòng hai thập kỷ qua. Do đó, một sự rút ra của Hy Lạp như vậy, ít nhất trong ngắn hạn đến trung hạn, sẽ gây bất ổn cho nền kinh tế châu Âu và gây thiệt hại đáng kể cho xuất khẩu của Trung Quốc đến châu Âu, ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng GDP của Trung Quốc, làm nó có thể giảm xuống dưới 7%.

Cùng với kịch bản này và những quan điểm trong Thông điệp Liên bang của Tổng thống Barack Obama cũng như nhu cầu của Mỹ thiết lập các quy tắc của cuộc chơi thương mại ở châu Á thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một sự bao vây địa kinh tế, điều có thể làm giảm tăng trưởng của Trung Quốc xuống mức dưới 5% nếu không muốn nói là 4%. Một châu Âu bị chia rẽ cũng có thể làm cho các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) diễn ra nhanh hơn, làm gia tăng thêm một trở ngại khác cho xuất khẩu của Trung Quốc. Một thảm họa thương mại như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các phát biểu hùng hồn của Đảng Cộng sản Trung Quốc về một xã hội thịnh vượng và một tầng lớp trung lưu hài hòa. Đằng sau tất cả, bản thân Chủ tịch Tập Cận Bình đã thừa nhận với Tổng thống Obama hai năm trước rằng cơn ác mộng lớn nhất của ông là sự bất lực trong việc cung cấp việc làm cho 20 triệu công nhân Trung Quốc từ các làng mạc nhập cư tới các thành phố lớn của nước này mỗi năm.

Ngoài những chấn động thương mại, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sự bá quyền tiền tệ đơn phương của Mỹ và vị trí thế không hề suy suyển của đồng đôla Mỹ như là đồng tiền dự trữ tốt trong thế kỷ 21. Điều này ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh tế và chiến lược của Trung Quốc khi đặc quyền quá lớn của Mỹ trong việc trả nợ của nước này bằng đồng tiền riêng của mình cho phép Washington có thể tài trợ cho ngân sách quân sự lớn nhất thế giới, đồng thời hỗ trợ cho hệ thống phúc lợi xã hội nội địa nhằm giúp duy trì sự hài hòa của xã hội Mỹ. Nếu không có đồng USD với tư cách là một đồng tiền dự trữ, Mỹ sẽ cần phải theo đuổi một chính sách tài khóa thu hẹp hơn, điều sẽ làm hạn chế vị thế quân sự của nước này ở châu Á, hay nguy cơ đổ vỡ về xã hội khi Mỹ không thể đủ ngân sách liên bang để vừa tài trợ cho chi tiêu quân sự kỷ lục, vừa duy trì một mức an sinh xã hội tiên tiến.

Trung Quốc đã từ từ theo đuổi một chiến lược đa dạng hóa rời xa dần đồng USD với việc đồng euro dường như là sự thay thế tốt nhất. Giới lãnh đạo Trung Quốc đã lên tiếng về sự cần thiết của một Liên minh châu Âu mạnh. Tuy nhiên, nếu không có đồng euro, Trung Quốc sẽ không có lựa chọn ngay lúc này ngoài việc tiếp tục "tài trợ" cho các khoản thâm hụt ngân sách của Mỹ bằng việc mua các trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ, đồng thời chấp nhận chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ và thậm chí chứng kiến giá trị thực sự của các khoản dự trữ ngoại tệ của mình đang giảm đi.  Cùng với việc tránh xa sự thống trị tiền tệ của Mỹ, sự đổ vỡ của đồng euro sẽ đưa Trung Quốc tới một lựa chọn đầy áp lực trong việc tự do hóa lĩnh vực tài chính được bảo vệ nghiêm ngặt của mình, do đây là điều kiện kinh tế đầu tiên nhằm thúc đẩy việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Trong trường hợp đó, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với sự xâm nhập của tài chính Phố Wall và do đó sẽ chứng kiến tác động của lực lượng này đối với nền kinh tế Trung Quốc đang bị suy giảm đáng kể. Bên cạnh đó, nếu không có đồng euro, các cuộc đàm phán về Quyền rút vốn đặc biệt của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ giúp Mỹ trở thành quốc gia quyền lực hàng đầu và các lợi ích tiền tệ toàn cầu lâu dài của Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Ý nghĩa địa chính trị

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã ngay lập tức bác bỏ một đề xuất của Mỹ về nhóm G-2 (liên minh Mỹ-Trung) hồi năm 2011 và duy trì cam kết đối với các tuyên bố kéo dài hàng thập kỷ về chủ nghĩa đa phương và một trật tự thế giới đa cực. Điều đặc biệt quan trọng đối với chiến lược của Trung Quốc là vai trò của EU trong việc cân bằng trước sự can dự toàn cầu của Mỹ không chỉ về thương mại mà còn về các vấn đề chính trị và tư tưởng.

Nếu Mỹ nỗ lực kiềm chế Trung Quốc, ít nhất là về kinh tế, thì một EU mạnh sẽ phản đối một quyết định như vậy và Trung Quốc sẽ không bao giờ bị dồn vào chân tường. Điều này bắt nguồn từ vị thế rõ ràng của EU như là một gã khổng lồ trung lập về an ninh ở Đông Á. EU không có các căn cứ quân sự ở vùng biển Trung Quốc và không có các cam kết an ninh đối với các đồng minh châu Á. Trong trường hợp có sự can dự quân sự Mỹ-Trung, các quốc gia EU sẽ phải hỗ trợ Mỹ theo điều 4 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, trong mối quan hệ Trung-Mỹ cạnh tranh cao song không đối đầu, khối EU giúp ngăn sự kiềm chế của Mỹ nhằm vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, sự rút ra của Hy Lạp sẽ dẫn tới gia tăng sự bất ổn và tính thiếu chắc chắn ở châu Âu, mở ra cánh cửa cơ hội cho Mỹ trong việc tận dụng lo lắng nội bộ của EU nhằm tăng cường triển khai chiến lược "xoay trục" từ năm 2012 của mình trên các cấp độ mới. Mối quan hệ tay ba đang nổi lên gần đây giữa Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ cho thấy Trung Quốc hiện có nguy cơ phải đối mặt với một liên minh đầy sức mạnh của các nước từ cả hai mặt trận phía Tây và phía Đông của mình. Nền kinh tế của ba quốc gia này kết hợp lại lớn hơn 250% nền kinh tế Trung Quốc, đồng thời chi phí quân sự tổng hợp của họ cao hơn 4 lần của Bắc Kinh. Công nghệ của Mỹ và Nhật Bản cũng có thể thúc đẩy tăng trưởng của Ấn Độ, từ đó tạo ra một đối thủ cạnh tranh đáng gờm về kinh tế, công nghệ ở biên giới phía Tây của Trung Quốc. Cuối cùng, các công ty Nhật Bản và Mỹ cũng có thể chuyển sản xuất của họ sang Ấn Độ và tiếp tục làm giảm tăng trưởng và việc làm của Trung Quốc trước khi Trung Quốc chuyển mô hình kinh tế "được lắp ráp sang được thiết kế ở Trung Quốc".

Điểm cuối cùng, sự sụp đổ kinh tế của Eurozone cộng với sự hỗn loạn chính trị ở châu Âu sẽ phủ nhận sáng kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình về dự án khổng lồ "một vành đai, một con đường". Dự án này có hai mục tiêu chính là kết nối Trung Quốc với một số lượng ngày càng tăng các nước láng giềng và quan trọng nhất là kết nối Trung Quốc với thị trường châu Âu bằng đường sắt và đường biển. Một dự án đa chiều như vậy đòi hỏi nỗ lực lớn cũng như cần cam kết của EU. Nếu không có một EU mạnh, dự án này sẽ mất nhiều thời gian để triển khai và cũng sẽ mang lại giá trị thấp hơn khi các dòng chảy thương mại thấp hơn kỳ vọng.

Tránh khỏi cơn ác mộng

Giới lãnh đạo Trung Quốc đã không ngạc nhiên trước các sự kiện mang tính bi kịch của Khu vực đồng euro. Không phải ngẫu nhiên mà cả Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã thăm Hy Lạp hồi năm ngoái và trong tuần lễ rất quan trọng này, một đội tàu của Trung Quốc thăm cảng Pereus ở Hy Lạp, nơi Trung Quốc đã đầu tư chiến lược từ năm 2008. Bắc Kinh hỗ trợ các nước thành viên yếu hơn trong Eurozone. Từ năm 2009, Trung Quốc đã định hướng các khoản đầu tư của mình vào các quốc gia ngoại vi châu Âu. Việc làm như vậy sẽ tiếp tục được Trung Quốc coi là quan trọng nhằm thúc đẩy dự án độc nhất của EU (đồng tiền chung châu Âu) và hạn chế những rủi ro của sự tan rã. Tuy nhiên, cuộc chơi địa kinh tế và địa chính trị lớn hơn không thể thiếu sự can dự của Mỹ trong mối quan hệ đối tác hài hoà với Trung Quốc.
Trong những năm đầu thế kỷ 20, người sáng lập của Trung Quốc hiện đại, Tôn Trung Sơn đã nhận thấy thương mại là lực lượng đầy quyền lực đối với hòa bình và thịnh vượng. Tôn Trung Sơn khẳng định: "Kể từ khi Tổng thống Wilson đề xuất về Hội Quốc liên (tiền thân của Liên Hợp quốc) nhằm chấm dứt chiến tranh quân sự trong tương lai, tôi muốn đề nghị chấm dứt cuộc chiến thương mại bằng sự hợp tác và tương trợ lẫn nhau trong sự phát triển của Trung Quốc. Điều này có lẽ sẽ loại bỏ tận gốc nguyên nhân lớn nhất của các cuộc chiến tranh trong tương lai". Đây là một tuyên bố mà nó chắc chắn định hình tiêu chuẩn hành động cho giới tinh hoa của cả Mỹ và Trung Quốc. Độc lập trong sự hài hòa là điều vốn có của hệ thống liên quốc gia này. Cạnh tranh Trung-Mỹ có thể được thực hiện trên cơ sở luật lệ và định hình bởi các tiêu chí đa phương hơn là đơn phương và tùy tiện.

Một cơ hội tuyệt vời cho cả Trung Quốc và Mỹ là cùng nhau tham gia một hội nghị thượng đỉnh với châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm bảo vệ sự ổn định của Khu vực đồng euro, đồng thời định hình một tiêu chuẩn toàn cầu về hành vi trốn thuế cũng như "các thiên đường của thuế", điều đã ảnh hưởng tiêu cực đến các quốc gia vỡ nợ như Hy Lạp. Đây sẽ là một trụ cột ngoại giao có tính thực tế nhằm xây dựng một ý thức cộng đồng và chế ngự sự ích kỷ không cần thiết cũng như tư duy "được mất ngang nhau" thời Chiến tranh Lạnh. Một tuyên bố mạnh mẽ của cả Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình về tầm quan trọng của sự phát triển và tăng trưởng ở châu Âu sẽ là một điềm báo tốt lành cho cả châu Âu và hợp tác Trung-Mỹ bền lâu./.

Tác giả Vasilis Trigkas là chuyên gia của Diễn đàn Thái Bình Dương, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, đồng thời là thành viên nghiên cứu của Viện nghiên cứu quan hệ Trung Quốc-EU tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc. Bài viết đăng trên “Chinausfocus.com” (ngày 12/2)

Anh Thư (gt)