Nhà kinh tế học Antoine Brunet, Chủ tịch AB Marchés, cho rằng những tính toán, chiến lược dài hơi và cách hành xử không thiện chí, và lại càng thiếu hợp tác của Trung Quốc đối với các đối tác của mình để qua đó chứng minh thế giới sẽ đứng trước nguy cơ gì nếu các nước khác khoanh tay đứng nhìn để cho Trung Quốc lộng hành và đạt được mục đích của mình. 

Sự lớn mạnh trước đây của Trung Quốc về phương diện thương mại và kinh tế lúc này đang nuôi dưỡng sự trỗi dậy mạnh mẽ của nước này trong lĩnh vực ngoại giao. Trong những năm 1930, suy thoái nhìn chung trầm trọng hơn suy thoái hiện nay ở các nước phát triển, chủ yếu là do các nhà lãnh đạo chính trị ở các nước có liên quan không phản ứng đúng tầm trước đối thủ mà họ phải đối mặt. Bây giờ không phải là như vậy. Để tránh bị rơi vào tình trạng như những năm 1930, các nhà lãnh đạo Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, trái lại, tỏ rõ sự khác biệt bằng một chuỗi các sáng kiến hết sức táo bạo. 

Cuối năm 2008, bất chấp tình trạng nợ công ở nước mình và dưới sự bảo trợ của Quỹ tiền tệ quốc tế và Tổng Giám đốc thể chế tài chính này lúc đó là ông Dominique Strauss-Kahn, họ quyết định tiến hành chiến dịch tái khởi động ngân sách ồ ạt và đồng thời, nhưng kết quả rất tồi. Tác động ngược lại, ảnh hưởng tiêu cực đến nợ công, khiến Anh phải chuyển sang chế độ thắt chặt ngân sách từ năm 2010 và buộc ngày càng nhiều nước thuộc Khu vực đồng euro phải áp dụng chính sách khắc khổ chưa từng thấy. 

Để kéo lãi suất dài hạn xuống trên thị trường trái phiếu ở nước mình mặc dù mất lòng tin về món nợ công, Ngân hàng trung ương Anh, Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ và Ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng như gần đây là Ngân hàng trung ương châu Âu, đều quyết tâm thực hiện điều mà cho đến lúc đó họ không dám làm: in tiền, cho phép ngân hàng trung ương của nước mình chi thêm tiền cho Nhà nước. 

Đến lúc này, một vấn đề được đặt ra. Tình hình phát triển không thuận lợi là do lãnh đạo các nước được gọi là phát triển vẫn chưa chẩn đoán được đúng bệnh. Đó là việc Trung Quốc, từ khi được miễn mọi thứ thuế quan đối với hàng xuất khẩu của mình nhờ gia nhập Tổ chức thương mại thế giới năm 2001, cạnh tranh hoàn toàn không trung thực với các nước khác trên thế giới. Kết hợp chi phí sản xuất tính theo giờ được duy trì ở mức rất thấp với một đồng tiền được giữ ở mức giá trị thấp (nhờ kiểm soát chặt chẽ ngoại hối và hàng ngày Ngân hàng trung ương bán ra đồng nhân dân tệ), Trung Quốc có được tính cạnh tranh cực kỳ cao và không thể đảo ngược được. 

Thế nhưng, cái mang lại điều tốt lành cho nền kinh tế Trung Quốc lại tàn phá và gây mất ổn định các nền kinh tế khác. Thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Quốc về hàng công nghiệp biểu lộ qua thâm hụt thương mại cực kỳ lớn về hàng công nghiệp không những ở Mỹ, châu Âu mà cả ở Mỹ Latinh, Ấn Độ và châu Phi… Điều đó thể hiện ở quá trình phi công nghiệp hóa và kinh tế chững lại. Hơn nữa, Ấn Độ, Nam Phi, Áchentina và Braxin đều ý thức được tiến trình này và đã phản kháng bằng lời nói, thậm chí bằng hành động. Thêm vào đó là việc các công ty đa quốc gia thích thực hiện các dự án phát triển ở Trung Quốc hơn là trên lãnh thổ của các nước khác, từ đó nảy sinh tình hình trục trặc trong đầu tư của các doanh nghiệp sản xuất hàng công nghiệp ở các vùng lãnh thổ không phải là Trung Quốc. 

Cần nói rõ hơn là tăng trưởng của Trung Quốc được nuôi dưỡng bằng sự mất cân bằng thương mại quốc tế làm các nước khác trên thế giới lụn bại (trừ các nước xuất khẩu nhiều nguyên liệu, nhưng cũng chỉ là tạm thời). Tiến trình này diễn ra từ năm 2001 và trong thời kỳ 2001-2007, bị ngăn chặn bởi việc sử dụng tất cả các biện pháp thích hợp (thâm hụt ngân sách liên tiếp và phát triển lĩnh vực bất động sản quá mức và hoàn toàn không thể tái diễn). Cuộc khủng hoảng nổ ra vào năm 2007 khi lĩnh vực bất động sản nổ tung ở nhiều nước được gọi là phương Tây. Và nếu như 5 năm sau đó, cuộc khủng hoảng này kéo dài và thậm chí trầm trọng thêm, thì đó là do liều thuốc độc chính - tính cạnh tranh siêu cao của Trung Quốc - không những vẫn không bị triệt hạ mà vẫn còn gần như nguyên vẹn. 

Vào mùa Hè năm 2012, khi phải đối mặt với tình hình tồi tệ mới trong nền kinh tế Mỹ và Khu vực đồng euro, ông Bernanke quyết định Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ thực hiện in thêm tiền giai đoạn ba (với quy mô lớn hơn hai lần trước nhiều), còn ông Draghi thành công trong việc thuyết phục Hội đồng chính phủ đồng ý để Ngân hàng trung ương châu Âu chấp nhận in thêm tiền trên quy mô lớn. Làm như vậy, hai ngân hàng trung ương lớn quả thực giải tỏa được tình hình về ngắn hạn, nhưng đồng thời làm nảy sinh về trung hạn nguy cơ lớn đối với nền kinh tế các nước này. Đó là nguy cơ lạm phát quay trở lại, nguy cơ điệp khúc "Bong bóng xuất hiện-Bong bóng vỡ" lặp lại trên thị trường bất động sản ở nước họ hay trên các thị trường chứng khoán, và đối với Mỹ là nguy cơ đồng USD mất đi vị thế là đồng tiền của thế giới để nhường chỗ cho vàng hay đồng nhân dân tệ. 

Trung Quốc đáp lại hai sáng kiến này như thế nào? Trong nửa đầu năm 2012, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc giảm từ 9%/năm xuống còn 7%/năm, nhưng vẫn là nhịp độ rất thuận lợi và được nhiều nước thèm muốn. Nước này quyết định thực hiện kế hoạch tái khởi động để tăng trưởng không bị giảm thêm nữa. Trung Quốc đáng lẽ có thể giảm tỷ giá hối đoái (nhưng Trung Quốc không chấp nhận điều này vì không muốn chịu điệp khúc "Bong bóng xuất hiện-Bong bóng vỡ"). Trung Quốc đáng lẽ cũng có thể tập trung tái khởi động vào việc tăng lương (tỷ lệ tiền lương trong GDP là một trong những tỷ lệ thấp nhất thế giới và vẫn tiếp tục giảm). Trung Quốc đáng lẽ cũng nên tập trung tái khởi động vào việc giảm thuế đối với các hộ gia đình (tài chính công của nước này ở trong trạng thái hoàn toàn lành mạnh). 

Nhưng không. Kế hoạch tái khởi động của Trung Quốc lại tập trung vào tăng cường hơn nữa lĩnh vực xuất khẩu. Mục tiêu của nước này là giảm mạnh thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu để họ có thể giảm giá hàng bán ra nước ngoài và cạnh tranh mạnh hơn nữa với các đối thủ Mỹ, châu Âu, Ấn Độ, Braxin hay Nhật Bản… Nhiều nhà quan sát nghĩ rằng theo lôgích đó, Trung Quốc thậm chí có thể tiếp tục thực hiện tiến trình giảm giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD được khởi động mới đây. Một lần nữa, Trung Quốc, tuy giàu có, nhưng vẫn tự bảo hộ cho mình bằng cách chèn ép quyết liệt hơn các nước khác, trong đó đa số đang gặp khó khăn lớn. 

Cách hành xử này của Đảng Cộng sản Trung Quốc, theo ông Antoine Brunet, đồng thời là đồng tác giả (với Jean-Payl Guichard) cuốn "Mưu đồ bá quyền của Trung Quốc" (Nhà xuất bản L'Harmattan, năm 2011), là không thể chấp nhận được. Trung Quốc có lẽ nên có thái độ hợp tác bằng cách chấp nhận giảm xuất khẩu, kể cả bằng cách nâng giá đồng nhân dân tệ. Điều này có thể giảm bớt gánh nặng cho tình hình kinh tế, tài chính và ngân sách của nhiều đối tác đang trong cơn khủng hoảng. Trái lại, khi tỏ thái độ bất hợp tác như vậy, Trung Quốc sẽ khiến các đối tác của mình phải chấp nhận nhập khẩu hàng Trung Quốc nhiều hơn nữa và không phù hợp. Mọi thứ diễn ra như thể Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn gây thiệt hại nhiều hơn nữa đối với nền kinh tế Mỹ và đồng minh của nước này. 

Cách hành xử trong thời gian gần đây của Đảng Cộng sản Trung Quốc càng chứng minh nhận định cho rằng từ năm 2001, nước này cố tình tìm cách rồi đẩy các nước được gọi là phát triển (và nhiều nước khác) vào khủng hoảng kéo dài. Đối với Trung Quốc, vấn đề là làm cho các nước này mất ổn định và suy yếu để áp đặt sự thống trị của mình dễ dàng hơn. 

Hơn nữa, đồng thời với những hành động trong các lĩnh vực thương mại và kinh tế, Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện nhiều hành động khác nghiêm trọng hơn về ngoại giao và lãnh thổ. Từ mùa Hè năm 2010, bằng lời nói và hành động, Trung Quốc ngày càng tỏ rõ quyết tâm nhanh chóng giành chủ quyền ở Biển Đông  với Việt Nam và Philíppin, và Biển Hoa Đông với Nhật Bản. Hơn nữa, nếu như hai biển trên lọt vào tay Trung Quốc, số phận của Đài Loan, hòn đảo nằm giữa hai vùng biển đó, chắc chắn sẽ do Trung Quốc định đoạt: hòn đảo sẽ bị nuốt chửng ngay lập tức mà không gì có thể cứu vãn nổi. 

Chuyên gia Antoine Brunet cho rằng không nên nhầm lẫn về điều đó. Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc và nước Trung Quốc đòi chủ quyền, họ đã tính toán đâu vào đấy. Chủ quyền đối với họ có hai nghĩa: chỉ có tàu chiến Trung Quốc mới có quyền di chuyển trong đó, đáy biển (có nhiều dầu mỏ và khí đốt) sẽ hoàn toàn thuộc về Trung Quốc. Điều không hay là nước Trung Quốc hiện nay khiến người ta nhớ đến nước Đức của Hitle ngày xưa đối với các nước khác. 

Điều đáng lưu ý hơn nhiều là Trung Quốc kiên nhẫn đợi đến mùa Hè năm 2010 mới bộc lộ rõ ý định của mình. Bởi lẽ vào thời điểm đó, nước này rốt cuộc đã có thể kết luận rằng Mỹ và đồng minh bị mất ổn định và ngày càng bị suy yếu trước mình. Ở một khía cạnh nào đó, sự lớn mạnh trước đây của Trung Quốc về phương diện thương mại, kinh tế và tài chính ngày nay đang nuôi dưỡng sự lớn mạnh của nước này trong lĩnh vực ngoại giao và lãnh thổ. 

Nếu Mỹ không tổ chức được một mặt trận chung để đối phó với tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc, sự lớn mạnh của nước này sau này sẽ phát triển sang lĩnh vực thứ ba, vốn có tính chiến lược rất cao, là tiền tệ. Lúc đó, vấn đề sẽ là Trung Quốc khiến các nước xuất khẩu dầu mỏ và nguyên liệu thanh toán và được thanh toán không phải bằng đồng USD mà bằng đồng nhân dân tệ. 

Một khi đồng nhân dân tệ có được đặc ân là đồng tiền của thế giới, Trung Quốc sẽ rất dễ dàng phát triển rất nhanh công tác nghiên cứu, tăng mạnh chi phí quốc phòng và không gian để thống lĩnh các nước còn lại trên thế giới, và áp đặt ách thống trị địa chính trị và quy tắc vận hành độc đoán của mình đối với các nước này. 

Theo chuyên gia Antoine Brunet, việc huy động các nước dân chủ và tất cả đồng minh của các nước này lúc này mang tính quyết định. Nhượng bộ trước hành động đơn phương của Trung Quốc thực tế sẽ mang lại nhiều rủi ro.

Antoine Brunet là nhà kinh tế học và là Chủ tịch AB Marchés

Theo Atlantico

Hương Lan (gt)