1-1284.jpg

Tại Trung Quốc, nỗi sợ hãi về sự bất ổn xã hội từ lâu đã kiềm chế các nỗ lực của chính phủ hướng tới cải cách kinh tế và chính trị. Sau 3 thập kỷ tăng trưởng gần như không bị kiềm chế và không có tổ chức, các nhà lãnh đạo Trung Quốc giờ đây đang phải đối mặt với thời điểm mà trong đó sự thay đổi không còn đơn giản là mong muốn, mà đó là sự cần thiết. Hệ thống kinh tế toàn cầu đang tái cân bằng, sức mạnh kinh tế đang trở nên khuếch tán hơn, và nền kinh tế của Trung Quốc bị chi phối bởi xuất khẩu và đầu tư phần lớn đã thuận theo lẽ tự nhiên như những nước đi trước trong khu vực.

Bắc Kinh nói về việc chuyển sang một nền kinh tế dựa trên tiêu dùng trong nước – một nền kinh tế ít bị tổn thương trước những thay đổi bất thường của thương mại quốc tế và nhìn chung có khả năng tự lực nhiều hơn. Nhưng đó không phải là một thay đổi đơn giản, đặc biệt là ở một nước nơi chính phủ chỉ đạo rằng quá trình chuyển tiếp phải diễn ra trong một quãng thời gian rất ngắn. Nhiều thập kỷ dư thừa và thiếu hiệu quả trong nền kinh tế, tình trạng sản xuất dư thừa đáng kể trong một số khu vực và thiếu hụt trong các khu vực khác, văn hóa tư lợi cục bộ và tham nhũng tràn ngập khắp nơi sẽ làm phức tạp hơn nữa quá trình chuyển tiếp mong muốn.

Bất kỳ sự thay đổi cần thiết nào cũng sẽ dẫn đến thất nghiệp cao hơn, suy thoái kinh tế đáng kể, những thay đổi về cán cân quyền lực chung trong giới tinh hoa của Đảng. Hơn nữa, Đảng không còn có khả năng dựa vào công cụ cố kết xã hội của họ nữa – lời hứa hẹn rằng tất cả sẽ trở nên giàu có, dù là một số người sẽ trở nên giàu có sớm hơn – và thay vào đó nhấn mạnh vào “trạng thái bình thường mới” với mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn và chậm hơn. Những hạn chế về di cư trong nước, khoảng cách ngày càng lớn giữa những lợi ích của các quan chức chính phủ trung ương và địa phương và một tầng lớp trung lưu vừa có nền tảng tương đối vừa tập trung sự chú ý của mình vào tầng nấc tiếp theo của các quyền lợi xã hội, đặc biệt là vấn đề môi trường, khiến Trung Quốc dễ có khả năng rơi vào chính sự bất ổn xã hội mà cho đến nay đã làm giảm bớt những cải cách kinh tế đáng kể.

Bất ổn xã hội và quyền lực tập trung

Theo nhiều tính toán, có tới 500 cuộc phản kháng xảy ra ở Trung Quốc mỗi ngày, và những báo cáo không chính thức cho rằng con số này đang gia tăng. Những tranh chấp lao động, những lời phàn nàn về hành động của cơ quan thực thi pháp luật địa phương, những cáo buộc về nạn tham nhũng và sự ngược đãi dưới bàn tay của các quan chức chính quyền địa phương, các vấn đề trở đi trở lại về quyền tôn giáo và sắc tộc, các vấn đề về môi trường và “không phải ở sân sau nhà tôi” (“Not in my back yard”) thúc đẩy nhiều trong số các cuộc phản kháng, với quy mô từ một nhóm nhỏ cho đến hơn 10.000 người tham gia. Việc quản lý tình trạng bất ổn trong dân chúng thể hiện một thách thức hơn nữa, mà ở đó các lợi ích địa phương và trung ương là khác nhau. Thông thường, cải cách kinh tế do Bắc Kinh chỉ đạo chỉ được thực hiện một cách hờ hững ở cấp địa phương, hoặc hoàn toàn bị phản đối, vì chúng có thể châm ngòi cho các cuộc khủng hoảng công ăn việc làm ở địa phương. Vào những thời điểm khác, các quan chức địa phương có thể tỏ ra rất nặng tay vì lợi ích chung của Bắc Kinh khi chính phủ trung ương tìm cách thay đổi hình ảnh của Đảng Cộng sản. Nhưng tình trạng bất ổn xã hội, bất chấp sự trỗi dậy của nó ở Trung Quốc, đã không vượt quá năng lực kiểm soát của nhà nước.

Việc củng cố quyền lực dưới quyền Chủ tịch và Tổng Bí thư Tập Cận Bình một phần là động thái nhằm vượt qua di sản của sự trì trệ về thể chế do nền chính trị dựa trên sự đồng thuận mà Đặng Tiểu Bình thiết lập nhằm làm giảm bớt những thay đổi bất thường của ban lãnh đạo kiểu Mao Trạch Đông để lại. Sự đồng thuận loại bỏ khả năng nhà lãnh đạo, thậm chí là tối cao, Đặng Tiểu Bình, đưa ra lộ trình dẫn dắt Trung Quốc trật khỏi đường ray quá xa. Quy tắc đồng thuận hoạt động hiệu quả vào thời điểm tăng trưởng và thịnh vượng về kinh tế, nhưng nó không hoạt động tốt như vậy khi cần phải đưa ra những quyết định cứng rắn và khi cần phải thực hiện những hành động nhanh chóng.

Xu hướng chung của việc lãnh đạo dựa trên sự đồng thuận là tránh bất ổn xã hội – tiết chế hơn đối với bất kỳ cải cách hoặc sáng kiến nào châm ngòi cho một phản ứng dữ dội của xã hội. Kiểu cải cách kinh tế “một bước tiến, hai bước lùi” vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000 là một trường hợp điển hình. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ lâu đã hiểu được sự cần thiết phải thay đổi đáng kể cơ cấu kinh tế trong nước nhưng lại không sẵn sàng làm vậy, trì hoãn cải cách hoặc đưa ra những cải cách có hiệu quả rất nhỏ chẳng làm hài lòng ai và tạo ra những hệ quả kinh tế-xã hội không lường trước được. Mặc dù sự tư lợi về kinh tế của một số nhà lãnh đạo đóng vai trò nào đó trong điều này, nhưng mối quan ngại rằng các cải cách sẽ dẫn tới tình trạng thất nghiệp và phân bổ không đồng đều xã hội cũng vậy – một điều gì đó bị né tránh nhiều nhất.

Ý tưởng về một ban lãnh đạo tập trung là những quyết định cứng rắn không chỉ có thể được đưa ra mà còn được thực hiện. Chiến dịch chống tham nhũng rộng khắp của Tập Cận Bình là một phần của tính toán này vì nó phá vỡ mạng lưới các mối quan hệ bên trong Đảng mà các quan chức dựa vào đó vì sự an toàn và thăng tiến. Điều này được cho là sẽ làm đảo ngược sự chống đối của các chính quyền địa phương trước những chỉ đạo của chính phủ trung ương, với việc Bắc Kinh thực sự chấp nhận sự phân bổ xã hội không đồng đều hơn trong ngắn hạn và tự tin rằng họ phần lớn có thế quản lý được bất kỳ sự bất ổn nào. Cả việc kiểm soát phương tiện truyền thông trong nước lẫn thúc đẩy một ý thức dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ hơn đều là những công cụ quản lý, nhưng chúng ít có tác dụng dập tắt sự bất ổn xã hội hơn so với việc kiềm chế nó.

Mối quan ngại của Bắc Kinh không phải chỉ là tình trạng bất ổn xã hội; đó là một hiện tượng thông thường, và ở một đất nước nơi không có phương tiện pháp lý nào khác để bày tỏ sự chán nản hoặc bất đồng, một số lượng nào đó các cuộc phản kháng có thể được dùng làm “van xả”. Mối quan ngại lớn hơn là sự bất ổn xã hội vượt quá giới hạn khu vực và kinh tế-xã hội. Hàng trăm cuộc phản kháng không có mối liên kết có thể được giải quyết từng cái một như là những sự cố cục bộ, và mặc dù một số có thể kéo căng các lực lượng an ninh địa phương, nhưng phần lớn chúng đều có thể xử lý được. Nhưng các phong trào phản kháng có sự phối hợp ở trung ương, lan rộng khắp các khu vực và thuyết giảng về những mục tiêu không ủng hộ sự “thần thánh” của

Đảng trở thành mối đe dọa nghiêm trọng hơn đối với Đảng

Trung Quốc có một lịch sử gồm những phong trào xã hội nửa tôn giáo, các nhóm hiếu chiến và những cuộc nổi dậy nổi lên trong suốt thời kỳ xung đột chính trị và kinh tế. Từ phong trào Bạch Liên Giáo và Thái Bình Thiên Quốc tới Nghĩa Hòa Đoàn và Pháp Luân Công, những phong trào này được coi là một thách thức không phải chỉ bởi tính bạo lực (không phải tất cả đều bạo lực ngay từ đầu và Pháp Luân Công chưa bao giờ là phong trào bạo lực công khai) mà thay vào đó là bởi khả năng chúng có thể trở thành những trung tâm quyền lực cạnh tranh chống lại vai trò trung tâm của Đảng Cộng sản.

Khởi nghĩa Bạch Liên Giáo năm 1774 thu hút được sự ủng hộ từ những người làm phu và lao động trên tàu nói chung bất mãn với nguyên trạng. Khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc, kéo dài từ năm 1853 đến năm 1864, thu hút được nhiều tầng lớp xã hội bất mãn, tất cả cuối cùng đoàn kết lại vì lợi ích của họ nhằm loại bỏ người Mãn Châu cầm quyền. Khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn năm 1900 xuất phát từ những người nông dân và người lao động bị tổn hại bởi điều kiện kinh tế đang trở nên tồi tệ hơn ở Trung Quốc và trong khi ban đầu chính phủ tìm cách lôi kéo những người nổi dậy này vào cuộc đấu tranh của chính họ chống lại chủ nghĩa đế quốc phương Tây, cuối cùng nó lại châm ngòi cho việc cướp phá Bắc Kinh và đẩy nhanh sự sụp đổ của Trung Quốc phong kiến. Pháp Luân Công có lẽ khiến Bắc Kinh sợ hãi nhiều hơn vì khả năng thu hút của nó được khoảng 10.000 cá nhân tồn tại lặng lẽ quanh các quan chức chính phủ ở Bắc Kinh. Thậm chí rắc rối hơn là thực tế rằng thành viên của nó bao gồm bất kỳ người nào từ những người lao động di cư cho tới các đảng viên nổi bật của Đảng.

Bắc Kinh được biết đến là đã đàn áp bất cứ thứ gì – từ các tổ chức tôn giáo tới các kế hoạch tiếp thị trực tiếp – mà có thể là một trung tâm quyền lực khác ngoài Đảng. Nỗi lo sợ là những tổ chức này, ngay cả thực chất không phải mang tính nổi dậy, có thể tạo ra những thực thể cố kết từ chối hoặc thậm chí là chủ động chống đối lại mệnh lệnh của Đảng. Trong hệ thống độc đảng, điều này là không thể dung thứ. Gần đây hơn, Trung Quốc đã chuyển sự chú ý sang nguồn chống đối có tính đoàn kết tiềm năng khác: chủ nghĩa môi trường. Tầng lớp trung lưu đang nổi lên của Trung Quốc đang phải đương đầu với những vấn đề và mối quan ngại tương tự như ở thế giới phát triển – các vấn đề về chất lượng cuộc sống, sự an toàn của không khí và nước và ô nhiễm nhà máy tràn lan. Đồng thời, người Trung Quốc ở nông thôn đang thách thức một cách đáng kể các chính quyền địa phương, các chính quyền đang lấy đất để xây dựng nhà máy mới, đặc biệt là nhắm mục tiêu vào các nhà máy hóa chất và các nhà máy có khả năng gây ô nhiễm cao.

Chủ nghĩa môi trường ở cấp địa phương có thể chấp nhận được đối với Bắc Kinh, nhưng khả năng nó nhanh chóng trở thành một phong trào có nền tảng rộng khắp vượt qua giới hạn khu vực và tầng lớp đã khiến nó trở thành điều gì đó mà chính phủ phải giám sát chặt chẽ. Khá dễ dàng để kết nối những vấn đề cục bộ hóa – những lời phàn nàn về các nhà máy hoặc các quan chức địa phương cụ thể – thông qua đề tài rộng lớn hơn về không khí sạch, nước sạch hay thậm chí là những nỗ lực chống tham nhũng được chính phủ phê chuẩn. Những mối liên hệ có tính đoàn kết này thường là các luật sư giúp đỡ người dân địa phương hiểu được các điều luật, những quy định và con đường để họ chống đối. Trong suốt khoảng một năm qua, ngày càng có nhiều báo cáo về việc luật sư bị bắt giữ, một dấu hiệu cho thấy rằng Bắc Kinh ngày càng trở nên quan ngại.

Căng thẳng và phe phái chính trị nảy sinh

Mặc dù chính quyền địa phương quan ngại về các cuộc phản kháng địa phương, nhưng chính phủ trung ương lại ít lo lắng hơn nhiều về phạm vi hoặc thậm chí là quy mô của sự bất ổn; họ quan tâm nhiều hơn đến việc đảm bảo rằng tất cả các cuộc phản kháng vẫn mang tính cục bộ. Sự khác biệt này trong quan điểm đang bổ sung thêm cho xích mích vốn tồn tại giữa chính quyền địa phương và chính phủ trung ương nói chung.

Một trong những vấn đề với chiến dịch chống tham nhũng của trung ương là ở một mức độ nào đó, nó trở nên phản tác dụng. Chiến dịch chống tham nhũng được cho là nhằm buộc các quan chức địa phương phải tuân theo mệnh lệnh của trung ương hoặc phải đối mặt với việc bị loại bỏ. Các chính sách trung ương vì chỉ để làm vừa lòng Bắc Kinh đã bị phớt lờ hoặc bị chống đối quá nhiều lần. Chẳng hạn, có lúc những nỗ lực hợp nhất ngành công nghiệp thép bằng cách đóng cửa tất cả các nhà máy sản xuất dưới một ngưỡng nào đó đã dẫn tới sự gia tăng sản xuất thép so với việc đóng cửa các nhà máy. Nhưng có những báo cáo rằng giờ đây động lực chống tham nhũng đang có tác động ngược lại. Thay vì công khai thách thức Bắc Kinh để bảo vệ ngành công nghiệp địa phương và tránh tình trạng thất nghiệp ở địa phương, các quan chức đang trì hoãn việc thực hiện những dự án nhằm ngăn cho Bắc Kinh nhận thấy rằng khu vực địa phương có lẽ đang phát triển quá nhanh, và do đó những quan chức này đang bị nhắm mục tiêu trong các chiến dịch chống tham nhũng. Sự phối hợp giữa trung ương và vùng ngoại vi tiếp tục trở nên gay gắt.

Nhưng có lẽ rắc rối hơn cho Bắc Kinh là chiến dịch chống tham nhũng càng diễn ra lâu hơn và sâu sắc hơn, thì điều càng có khả năng xảy ra là nỗi sợ hãi và sự không chắc chắn trong cán bộ Đảng sẽ dẫn tới việc hình thành lại các phe phái thực sự nhằm bảo vệ các lợi ích chung. Những đồn đại và rò rỉ thông tin xung quanh vụ án Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang, bao gồm cả các kế hoạch được cho là nhằm chiếm quyền từ Tập Cận Bình, nêu bật quy mô của rủi ro này. Sự sùng bái cá nhân xung quanh Tập Cận Bình và sự củng cố việc ra quyết định có thể đem lại cho Bắc Kinh không gian để có những sự ứng phó nhanh chóng hơn và sức chịu đựng rủi ro lớn hơn, nhưng nó cũng khiến Tập Cận Bình dễ bị buộc tội rằng ông là người duy nhất bị chỉ trích vì thất bại, hoặc ít nhất là “người giơ đầu chịu báng” cho những người mà lợi ích của họ bị tước mất do những sáng kiến của Tập Cận Bình.

Chuẩn bị cho tương lai

Khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm mới và tiến gần tới Đại hội Đảng năm 2017, mà trong thời gian đó người có khả năng kế nhiệm Tập Cận Bình sẽ được lựa chọn, thì cường độ của các lợi ích cạnh tranh nhau sẽ tăng lên. Tất cả có thể nhất trí rằng Đảng vẫn phải là tối cao, nhưng các quan chức đang hướng tới một tương lai mà trong đó nhiều thập kỷ hứa hẹn và những cam đoan về ảnh hưởng kinh tế và chính trị trong tương lai không còn đáng tin cậy nữa và không còn có thể dựa vào các thỏa thuận bất thành văn nữa. Nếu người nào đó vào bất kỳ thời điểm nào bị vướng vào chiến dịch chống tham nhũng, và không còn có thể dựa vào mạng lưới rộng lớn các mối quan hệ để giảm bớt bất kỳ sự trừng phạt nào, thì khi đó hẳn phải có những cách khác để đảm bảo an toàn sau khi nghỉ hưu. Điều có có thể liên quan đến việc chạy trốn ra nước ngoài – một lựa chọn mà Tập Cận Bình đang tác động nhằm loại bỏ – nhưng nó cũng có thể liên quan đến việc xây dựng những mạng lưới quan hệ mới nhằm chống lại sự thay đổi một cách cố kết hơn. Ở đâu nhiều người có thể bị chia rẽ hoặc mâu thuẫn với nhau, ở đó những khối cố kết dường như có lẽ bền vững hơn. Nhưng chúng cũng tạo ra một mức độ rủi ro chính trị mới ở Trung Quốc.

Cải cách không dễ dàng cũng không nhanh chóng, và các cơ chế kiểm soát trung ương ở Trung Quốc đang bị thách thức nghiêm trọng. Biến động xã hội là điều dĩ nhiên trong các cải cách sâu sắc, và chính phủ cân bằng giữa việc cho phép sự bất đồng ở một mức độ nào đó để giải phóng áp lực với việc ngăn chặn sự thống nhất của các lợi ích mà có thể dễ dàng thách thức Đảng hơn nữa. Đồng thời, chiến dịch chống tham nhũng - cần thiết cho cả cải cách kinh tế lẫn kiểm soát chính trị - có thể nuôi dưỡng sự phản kháng ở cấp độ chính trị. Những cải cách bị trì hoãn lâu dài không còn là một lựa chọn nữa; khủng hoảng kinh tế đang ở ngay trước mặt, và Bắc Kinh không thể ngừng cải cách vì họ đang ở vị thế bấp bênh. Tuy nhiên, trong lĩnh vực chính trị gây tổn hại lẫn nhau, điều không công khai là cuộc khủng hoảng thực sự có thể sắp xảy đến. Tình trạng bất ổn xã hội là một vấn đề mà chủ nghĩa phe phái chính trị có thể gây bất ổn./.

Theo “Stratfor

Nhật Linh (gt)