Mọi cặp mắt đã đổ dồn vào Hội nghị Trung ương 3 khóa 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), được khai mạc ngày 9/11, để biết chi tiết về những cải cách kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, khi sự chú ý đang tập trung vào phát triển kinh tế trong nước, thì chính sách đối ngoại của Trung Quốc cũng đáng lưu ý. Chủ tịch và Thủ tướng Trung Quốc vừa trở về nước từ một chuyến công du các nước láng giềng và Bắc Kinh vừa đón tiếp các Thủ tướng Nga, Ấn Độ và Mông Cổ. Thêm vào đó, Trung Quốc đang báo hiệu rằng họ sẽ thay đổi cách tiếp cận đối với các nước láng giềng.

Lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, một hội nghị cấp cao dành riêng cho hoạt động ngoại giao láng giềng đã được tổ chức trong tuần đầu tháng 10 vừa qua. Đây cũng là hội nghị lớn đầu tiên về chính sách đối ngoại tại Trung Quốc kể từ năm 2006. Hội nghị đầu tháng 10 vừa qua có sự tham dự của toàn bộ các thành viên của Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị, nhiều ban ngành của Ban chấp hành Trung ương, Quốc vụ viện, nhóm lãnh đạo trung ương chịu trách nhiệm về các vấn đề đối ngoại và các đại sứ Trung Quốc tại các quốc gia quan trọng. Điểm đặc biệt của hội nghị vừa qua là hội nghị này chỉ tập trung vào hoạt động ngoại giao với các nước láng giềng của Trung Quốc chứ không phải chính sách đối ngoại nói chung. Hội nghị này đã tái khẳng định rằng Trung Quốc đang cần một môi trường bên ngoài ổn định để tạo thuận lợi cho những cải cách kinh tế trong nước. Truyền thông Trung Quốc đã đưa phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách sửa chữa một số sai lầm trong chính sách của Trung Quốc đối với các nước láng giềng trong những năm qua, tăng cường ảnh hưởng chung của Trung Quốc tại khu vực xung quanh và đối phó với sự tái cân bằng của Mỹ đối với châu Á. 

Trong bài phát biểu tại hội nghị trên, ông Tập Cận Bình đã khuyến khích người dân Trung Quốc “cố gắng để có được một môi trường xung quanh tốt nhất cho sự phát triển của Trung Quốc, mang thêm các lợi ích từ sự phát triển của Trung Quốc cho các quốc gia xung quanh và thực hiện cùng phát triển”. Giải mã các ngôn từ chính thức, phát biểu này tái xác nhận rằng việc duy trì một khu vực xung quanh ổn định vẫn là ưu tiên cốt lõi của hoạt động ngoại giao Trung Quốc. Mục tiêu tạo ra “các điều kiện xung quanh tốt nhất” là cần thiết cho sự cải cách, phát triển và ổn định của Trung Quốc. Hãng Tân Hoa Xã đã nêu bật việc đôi bên cùng có lợi đối với Trung Quốc và khu vực từ sự ổn định trong môi trường xung quanh của nước này và cho rằng quan hệ hữu nghị và láng giềng tốt đẹp có thể giúp đạt được những kết quả cùng thắng. 

Thiết kế của Bắc Kinh đối với khu vực đang bổ sung cho các hành động gần đây. Hồi đầu tháng 10, ông Tập Cận Bình là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên phát biểu tại Quốc hội Indonesia và đã nhiệt tình thúc đẩy sáng kiến về một “Con đường Tơ lụa trên biển”. Ngay sau đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã công du khắp Đông Nam Á, ký kết các hiệp định và đưa ra một đề xuất “7 gọng kìm thúc đẩy sự hợp tác Trung Quốc-ASEAN”. Ông Lý Khắc Cường cũng đã ký một Hiệp định hợp tác phòng thủ biên giới mới với Thủ tướng Ấn Độ. Ngay trước những diễn biến này, hồi tháng 9, ông Tập Cận Bình đã công du 4 quốc gia Trung Á để thúc đẩy các mối quan hệ an ninh và năng lượng như một phần của chính sách “Hướng Tây”. Chuyến công du đầu tiên của ông Tập Cận Bình với tư cách Chủ tịch Trung Quốc là đến Nga, chỉ một tuần sau khi ông chính thức nhậm chức. Qu Xing, Giám đốc viện nghiên cứu quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng với những bước này, quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng đang bước vào một giai đoạn “nâng cấp, đẩy mạnh và bổ sung thêm sức mạnh”. 

Mặc dù chính sách khu vực được nêu rõ tại hội nghị cấp cao trên là không mới, nhưng nó hoàn toàn mâu thuẫn với cách tiếp cận của Trung Quốc từ năm 2010, nhất là đối với các tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang “bắt nạt” các quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền khác. Sự “trâng tráo” của Trung Quốc được thể hiện rõ ràng vào năm 2012, sau một bế tắc với Philippines, tàu của các cơ quan thực thi pháp luật Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough, thay đổi hiện trạng đất đai lần đầu tiên kể từ năm 1999. Sau đó, Chính phủ Trung Quốc đã ngăn cản một tuyên bố chung của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bởi vì Bắc Kinh không hài lòng với việc đề cập tới tranh chấp này.

Hồi tháng 4 vừa qua, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tham gia một cuộc đối đầu trực tiếp với các lực lượng Ấn Độ tại Ladakh, trên Đường kiểm soát thực tế giữa hai nước, suýt đe dọa chuyến công du Ấn Độ hồi tháng 5 của ông Lý Khắc Cường, chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Thủ tướng của ông. Khúc dạo đầu hiện nay, hay “chính sách gây cảm tình” như nhiều người gọi, dường như để minh họa sự hiểu biết rằng chính sách của Trung Quốc là không hiệu quả và chỉ thành công trong việc đẩy các nước láng giềng của Trung Quốc vào vòng tay của Mỹ. Với những ngày mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt hai con số do xuất khẩu và đầu tư dẫn đầu đã qua, việc đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP trên 7% của Trung Quốc sẽ cần tới sự hỗ trợ tích cực của các nước láng giềng, không chỉ như các đối tác tiềm năng tại các khu vực buôn bán tự do, mà còn như các “ống dẫn” cho các nguồn năng lượng trong trường hợp của Nga hay Myanmar. 

Trong bài phát biểu về hoạt động ngoại giao láng giềng, ông Tập Cận Bình đã đưa ra nhiều đề xuất cho thấy vai trò tích cực hơn của Trung Quốc trong khu vực sắp diễn ra, với một số đề xuất nhằm chống lại những sáng kiến mà Mỹ đưa ra. Ông Tập Cận Bình đã đề xuất việc tăng cường những nỗ lực nhằm phát triển các khu vực tự do thương mại dọc khu vực xung quanh của Trung Quốc và thiết lập “một khuôn khổ mới cho hợp nhất kinh tế khu vực”. Ông Tập Cận Bình đã hứa hẹn sẽ nâng kim ngạch thương mại với ASEAN, từ mức 400 tỷ USD năm 2012 lên 1.000 tỷ USD vào năm 2020. Ông Tập Cận Bình cũng kêu gọi những “dàn xếp tích cực” để tạo ra một Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIS) và tăng cường hợp tác tài chính khu vực. Nếu ngân hàng trên được thành lập, dường như Trung Quốc muốn đóng góp phần vốn lớn hơn để đổi lấy sự kiểm soát nhiều hơn. Tương tự như vậy, sự ủng hộ hiệp định thương mại tự do ASEAN và Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) của Thủ tướng Lý Khắc Cường cho thấy việc Trung Quốc đang khuyến khích các hiệp định thay thế cho Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). 

Mặc dù Trung Quốc đã cố gắng tận dụng tối đa sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị cấp cao diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), có khả năng là “chính sách gây cảm tình” của Trung Quốc đã được lên kế hoạch từ lâu. Vậy lý do gì khiến Bắc Kinh quay trở lại với chính sách láng giềng thân thiện? Câu trả lời có thể nằm ở mắt xích giữa “những khái niệm về hai mục tiêu 100 năm của Trung Quốc” và “giấc mộng Trung Hoa”. Trong bài phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình đã gợi ý rằng việc làm tốt công tác ngoại giao láng giềng là cần thiết để thực hiện mục tiêu “hai lễ kỷ niệm 100 năm” và “giấc mộng Trung Hoa” về việc “trẻ hóa” dân tộc Trung Hoa. Hai mục tiêu thế kỷ được đề cập đến là lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2021, khi Trung Quốc được kỳ vọng trở thành một nước xã hội chủ nghĩa tương đối phồn vinh, hùng mạnh, dân chủ, văn minh và hòa hợp, và lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào năm 2049. Đây là hai cột mốc cực kỳ quan trọng đối với đảng Cộng sản Trung Quốc.

Thông qua những khái niệm này, ban lãnh đạo Trung Quốc đã bày tỏ mục tiêu của họ là duy trì sự lãnh đạo của Đảng ít nhất đến giữa thế kỷ 21 này. Việc đảm bảo đạt được mục tiêu này sẽ đòi hỏi sự phồn vinh kinh tế và ổn định xã hội liên tục. Nói cách khác, dường như giới tinh hoa chính trị Trung Quốc tin rằng các nguồn lực và năng lượng của họ đáng được sử dụng tốt nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và duy trì ổn định xã hội, thay vì được chi tiêu ở nước ngoài. 

Tuy nhiên, dường như một hội nghị của Trung Quốc sẽ không thể làm biến đổi tình hình thực tế. Bản chất của những khó khăn của Trung Quốc với các nước láng giềng là bất chấp những tiến bộ lớn đạt được trong các quan hệ kinh tế và thương mại, vấn đề trở u ám hơn khi đề cập đến các lĩnh vực lãnh thổ, quyền tài phán và chủ quyền. Trong bài phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình đã hai lần đề cập đến nhu cầu bảo vệ chủ quyền của đất nước như một phần của công tác ngoại giao đối với các nước láng giềng của Trung Quốc. Ví dụ Trung Quốc dường như sẽ không từ bỏ tuyên bố chủ quyền đường lưỡi bò 9 đoạn tại Biển Đông. Cam kết của ông Tập Cận Bình rằng Trung Quốc sẽ theo đuổi giải pháp hòa bình đối với những tranh chấp ở Biển Đông được đưa ra tại Indonesia , quốc gia không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình cũng không đưa ra cam kết đẩy nhanh đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mà ASEAN đang yêu cầu.

Tương tự như vậy, tiến bộ đạt được với Việt Nam, như thỏa thuận thành lập một nhóm công tác chung về các vấn đề biển đảo, mặc dù đáng hoan nghênh, nhưng dường như sẽ không tạo ra đủ sự tin cậy để cùng tiến hành khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại khu vực Vịnh Bắc bộ đang tranh chấp. Quan hệ của Trung Quốc với Philippines , trở nên xấu đi sau khi Manila quyết định đưa vấn đề tranh chấp này ra Tòa án quốc tế về luật biển, vẫn đang đóng băng và dường như sẽ không thể cải thiện nếu không có những nhượng bộ của Philippines .

Căng thẳng tăng với Nhật Bản, có liên quan đến quyền tài phán đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà đang dẫn đến việc trì hoãn những trao đổi ngoại giao thường xuyên, dường như sẽ không sớm chấm dứt và có thể trở nên tồi tệ hơn nếu một vụ va chạm xảy ra tại vùng biển đang tranh chấp. Bất chấp hiệp định biên giới mới với Ấn Độ, có rất nhiều câu hỏi về việc liệu các biện pháp xây dựng lòng tin có thể thay thế việc giải quyết vấn đề cốt lõi, là phân định một đường biên giới quốc tế giữa hai nước, trong bao lâu? 

Vấn đề đặt ra đối với Bắc Kinh, Washington và khu vực là liệu cách tiếp cận mới của Trung Quốc có giúp giảm bớt các xung lực cạnh tranh giữa chính sách của Mỹ và Trung Quốc tại châu Á hay không? Tình hình này đặc biệt chính xác với Đông Nam Á, nơi hầu hết các nước đang phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế, nhưng quan ngại về những ý định lâu dài của Bắc Kinh và đang coi Mỹ là một người đảm bảo hòa bình và ổn định quan trọng. Sự quan ngại dai dẳng về sức mạnh đang nổi lên của Trung Quốc tại Đông Nam Á và các khu vực khác dọc khu vực ngoại vi của Trung Quốc dường như sẽ làm gia tăng những lời kêu gọi Mỹ hiện diện và can dự hơn nữa trong khu vực. Trong khi thừa nhận rằng sự tín nhiệm của Mỹ đang bị đe dọa, Washington sẽ nỗ lực hết sức để hưởng ứng những lời kêu gọi này về mặt quân sự, kinh tế và ngoại giao.

Nếu mô hình này được tiếp tục, các mối quan hệ Mỹ-Trung tại nhiều phần của khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ là “một mất một còn”, chứ không phải “cùng thắng”. Tuy nhiên, nếu chính sách ngoại giao láng giềng mới của Trung Quốc phá vỡ được cái vòng luẩn quẩn này bằng việc tìm ra một tạm ước với các nước láng giềng cho những bất đồng của họ, triển vọng về các mối quan hệ Mỹ-Trung tốt đẹp hơn trong khu vực sẽ được cải thiện đáng kể.

Bonnie Glaser là Cố vấn cao cấp cho Freeman Chair tại Chương trình Nghiên cứu Trung Quốc, là cộng tác viên cao cấp Diễn đàn Thái Bình Dương tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Deep Pal là thực tập sinh nghiên cứu thuộc Freeman Chair tại Chương trình Nghiên cứu Trung Quốc, CSIS, hiện đang theo học thạc sĩ tại Đại học George Washington. Bài viết được đăng trên China US Focus.

Trần Quang (gt)